Tác giả Trần Đồng Minh sinh năm 1941 tại Hà Nội, từng sống và dạy học tại Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, đã dạy Văn tại trường chuyên Lê Hồng Phong- TP Hồ Chí Minh 25 năm trước khi về hưu. Ngoài viết truyện cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, ông còn tham gia viết sách giáo khoa và nhiều sách tham khảo cho học sinh.
Tác phẩm:
–Những bông hoa không tên (NXB Măng Non, 1.983); Chuyện trường tôi (NXB Trẻ, 1.993); Chuyện lớp tôi (NXB Kim Đồng, 2.000); Bông hoàng ngọc (NXB Trẻ, 2.002); Cuộc phiêu du của hai chàng ni lông (NXB Trẻ, 2.003); Hoa hàm tiếu (NXB Kim Đồng, 2003); Hoa đước đỏ (NXB Thanh Niên, 2.004); Một thời in dấu (NXB Thanh Niên, 2.006); Hoa ban trắng (NXB Kim Đồng, 2.006); Hoa và Trái (NXB Trẻ, 2.007); Hoàng tử ham đọc sách (NXB Hội Nhà Văn, 2.008); Chàng hoàng tử và nàng tiên cá (NXB Trẻ, 2011); Học trò không học buổi nào (NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2.011); –Hoàng tử không nối ngôi vua (NXB Trẻ, 2.012); Hạt bụi thích đi lung tung chơi đùa (NXB Kim Đồng, 2.012).
Gặp lại hoàng tử bé
Tặng các em nhỏ và người lớn yêu trẻ
Tôi nói là gặp lại chú bé hoàng tử vì đã gặp chú lâu lắm rồi trong cuốn truyện “Hoàng tử bé” của nhà văn người Pháp có tên gọi rút gọn là Xanh-Tếch. Cũng như bao nhiêu người trên thế giới yêu mến chú bé hoàng tử dễ thương đến từ một hành tinh xa lạ, tôi đã rất có cảm tình với chú.
À, phải giới thiệu về chú hoàng tử này một chút chứ nhỉ. Tôi còn nhớ như in hình dáng nhỏ nhắn, đôi mắt nhìn buồn buồn của chú bé. Cha đẻ chú (là nhà văn viết cuốn “Hoàng tử bé” ấy mà) đã nói rằng chú có mái tóc vàng, quàng một chiếc khăn dài màu vàng. Tôi vững tin ngay rằng chiếc áo khoác của chú cũng màu vàng. Hoàng tử dùng khăn áo màu vàng là đúng phóc rồi. Chắc chắn vậy. Và trên hai gù vai áo khoác rất đẹp ấy nhô lên hai ngôi sao nhỏ như bức vẽ theo trí nhớ của chính tác giả.
Hôm nay tôi bỗng dưng thấy nhớ chú vô cùng. Ờ,trong truyện, hoàng tử nhỏ bé này cứ luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng “Người lớn quả thực rất lạ kì” và “Người lớn thực sự là vô cùng kì dị”… Vâng tôi đã là người lớn, thậm chí đã khá cao tuổi, tôi phải tự xem lại người lớn chúng ta lạ kì như thế nào chứ nhỉ.
Không dễ đâu, ai cũng nghĩ tốt, nói tốt về mình- nhất là khi ta đã lớn, đã có con, có cháu. Khi trẻ em đánh vỡ cái bát thì người lớn lập tức quát mắng, có khi còn đánh đứa bé nữa ấy chứ. Còn chúng ta, bậc làm cha mẹ, bậc bề trên mà làm vỡ cái đĩa, cái bát thì ta chép miệng: “Xui quá! Vỡ mất rồi!”. Tương tự vậy, khi ta làm mất cái gì, kể cả mất ví tiền hay mất xe máy thì chép miệng: “Chán quá. Số đen thế! Thế là mất toi rồi!”. Rồi tự an ủi: “Thôi, của đi thay người”. Trẻ em để mất cái bút hoặc thứ đồ chơi gì đó thì người lớn mắng mỏ, rầy la, nào là sao cái bút liền tay như thế mà cũng để mất, nào là đồ chơi đắt tiền vậy mà cũng không biết giữ…
Trẻ con mà quên làm cái chi thì sẽ bị rầy la, nhiếc móc, có khi còn phạt không cho đi chơi hoặc bắt đứng úp mặt vào trong nhà tắm tối om! Còn người lớn quên làm gì đó thì chép miệng: “Lắm việc quá! Quên béng mất rồi!”. Người lớn không thích hoặc rất khó nhận lỗi, nhưng lại hay bắt lỗi người khác, nhất là trẻ con, có phải thế không nhỉ? À còn điều này nữa chứ: Người lớn không muốn nói ra là mình không biết, coi như gỉ gì gi cái gì cũng hiểu. Cho nên con trẻ mà hỏi câu gì không trả lời được thì nói át liền: “Thôi đi. Hỏi gì hỏi lắm thế! Lớn lên rồi sẽ biết”.
Trẻ con thì hay hỏi, vì chưa biết, chưa hiểu, chưa rõ. Vậy đấy. Trẻ con đã đặt câu hỏi thì không quên đâu nhé. Hoàng tử bé này cũng vậy. Trẻ hỏi mà chưa được đáp ứng thì hỏi đi nhắc lại khiến người lớn nổi nóng lên. Thí dụ: một số ông bà, cha mẹ cứ lấy ma ra để dọa con nít để cho nó phải nghe lời mình. Thí dụ: “Hư, trái lời người lớn thì ma nó bắt đấy!”. Con trẻ cũng sợ dù chẳng trông thấy ma bao giờ, rồi có lúc mới hỏi: “Có ma không bà?Ma nó có to hơn bà không?Bà đã trông thấy ma chưa?”. Thế là bà cáu lên, quát cháu im mồm. Lát sau nó nhắc lại câu hỏi thì lại bị mắng át đi.
Chả thế mà trong truyện Hoàng tử bé, Xanh-Tếch đã dí dỏm và thẳng thắn viết như thế này: “Người lớn là như vậy. Đừng giận họ. Trẻ con chúng mình cần phải hết sức khoan dung với người lớn đấy các bạn ạ”. Mong rằng người lớn đừng làm con trẻ sợ hoặc khóc.Tiếng cười của các em nhỏ là món quà quý lắm. Chính hoàng tử bé đã nói tiếng cười là quà của cháu đấy.
Hôm nay tôi thấy chú không mang cặp mắt buồn buồn nữa mà nhìn tôi bằng đôi mắt vui tươi. Và tôi thấy chú đẹp hơn nhiều, dễ mến hơn nhiều. Chắc chú đã có cách bảo vệ được hoa hồng thân thương của chú. Bởi lẽ hoàng tử bé vốn ở một hành tinh nhỏ chỉ nhỉnh hơn một ngôi nhà mà thôi. Và chắc chắn hành tinh của chú có cây hoa hồng bởi vì cậu hoàng tử dễ thương này luôn lo sợ con cừu ăn mất bông hồng tươi đẹp.
Ồ, tôi mải lan man, quên béng mất rằng Xanh-Tếch đã dặn ở cuối truyện rằng nếu có một em bé đến với bạn, em cười, có mái tóc vàng thì hãy viết thư ngay cho ông, báo cho biết là Hoàng tử bé đã trở về. Vâng, tôi sẽ làm đúng vậy. Nhưng biết nhà văn phi công người Pháp này đang ở đâu bây giờ?! Ông ở trên trời cao hay dưới đáy biển sâu?
Bạn nào biết vui lòng báo liền cho tôi. Nhớ đấy nha. Xin cảm ơn trước nghìn lần.
Trận đấu bóng nảy lửa của hai hoàng tử
Ở xứ ta ngày trước có một hoàng tử tuổi niên thiếu rất thích đá bóng. Truyện này nghe có vẻ lạ đây. Hoàng tử thì phải được rèn dạy sách thánh hiền, nghĩa là học chữ, đọc nhiều sách, học lịch sử nước nhà, học địa lí , học toán… Tất nhiên có thầy giỏi vào trong cung kèm cặp, chỉ dẫn. Chưa hết, hoàng tử còn phải tập luyện thật thông thạo cách đấu gươm, đánh võ, bắn cung, cưỡi ngựa…Chưa đủ đâu, lại học vẽ, học thổi sáo, học chơi đàn. Người xưa nói vậy là văn võ toàn tài. Bạn nào ham chơi, ngại học có thể nghĩ rằng thế thì làm hoàng tử làm quái gì cho mệt, cho khổ!
Không phải vậy đâu. Làm hoàng tử thông minh, toàn tài hay lắm, có ích lắm chứ. Các bạn cứ đọc tiếp câu chuyện này sẽ hiểu ngay mà. Hoàng tử mà tôi đang kể ở đây rất sáng trí, lanh lẹn, lại chăm chỉ nên học gì cũng giỏi. Nhưng có một điều thật đặc biệt ít ai nghĩ tới là như đã giới thiệu ở đầu truyện, hoàng tử của chúng ta còn rất mê đá bóng. Ấy, đừng vội nghĩ là đá bóng làm bằng da với cách chơi như ngày nay mà ta thường say mê xem trên sân bãi hoặc trên màn ảnh nhỏ.
Ngày ấy bóng chỉ to hơn nắm tay, đan bằng mây, trong nhồi giấy hoặc vải. Mỗi đội gồm có ba người chơi, vừa bảo vệ thành của đội mình vừa tấn công thành của đối phương. Thành gồm hai cột gỗ nhỏ, thấp hơn đầu người. Sân bóng hẹp thôi. Chơi có một hiệp non nửa canh giờ. Thế mà cũng vui, hấp dẫn ra trò đấy các bạn ạ. Hoàng tử thường luyện chân với các chàng con quan giỏi đá bóng. Cũng có khi luyện một mình, cứ tập đỡ bóng, dắt bóng qua các vật chướng ngại đặt trong sân, rồi đá vào thành. Đôi chân trở nên vừa mạnh vừa dẻo vừa khéo. Hoàng hậu chẳng muốn cậu quý tử chơi trò này nhưng vua cha không ngăn cản con, đôi khi lại còn tới xem con trai tập luyện.
Lúc bấy giờ ở phương bắc cũng có một cậu hoàng tử thích đá bóng. Nghe tin hoàng tử phương nam chơi bóng như vậy thì cậu ta rất háo hức muốn gặp gỡ thi đấu và tin chắc mình sẽ thắng. Hoàng đế phương bắc thì nghĩ và tính xa hơn, sâu hơn. Lại rất tin ở tài cậu con trai và mưu kế của mình, liền sai sứ giả cấp tốc đi về phương nam mang theo chiếu thư mời hoàng tử láng giềng chơi một trận bóng với hoàng tử phương bắc.
Vua xứ Nam tiếp sứ đất Bắc, lòng rất băn khoăn e ngại mưu sâu kế hiểm của họ. Nhận lời cũng dở, không nhận lời cũng phiền. Sau khi bàn bạc với các quan đầu triều và hỏi ý con trai, bèn hỏi rõ lại là sẽ thi đấu ở đâu, luật lệ cụ thể thế nào và phần thưởng thắng cuộc sẽ là gì. Không bao lâu hoàng đế phương bắc cho biết để đảm bảo thật công bằng và khích lệ trận đấu chưa từng có trong lịch sử hai nước bằng giao ước đàng hoàng: Không đá bóng trên đất Bắc cũng như đất Nam mà sẽ đấu trên thuyền vùng ven biển trong ngày sóng yên biển lặng. Phần thưởng cho bên thắng là một hòn đảo. Và chỉ hai hoàng tử thi tài với một lính chèo thuyền mà thôi. Vua xứ Nam bụng không vui nhưng miệng đành nhận lời sau khi nói rõ thêm quy định là trong trận đấu, không được chơi gian, chơi xấu. Chẳng hạn thuyền bên nào cố ý đụng vào thuyền đối phương sẽ bị xử thua liền. Kích thước thuyền phải bằng nhau. Và trên thuyền có cắm một lá cờ đuôi nheo cao hơn người một đầu. Ai đá được bóng trúng cây cờ đội bạn nhiều lần hơn là thắng. Trận đấu chỉ trong nửa canh giờ, với tinh thần thể thao hữu nghị.
Lúc bấy giờ trong triều, một viên quan lớn tâu riêng với vua xứ Nam rằng ta sẵn có người bơi lặn cực giỏi, nên cử kẻ đó đi ngầm đục thuyền của hoàng tử kia trong lúc hai bên thi đấu. Như vậy ta sẽ nắm chắc phần thắng. Nhà vua gạt đi. Ta phải thắng bằng tài, bằng trí chứ không bằng gian lận, dối trá. Truyền thống nước Nam vẻ vang rạng ngời, không thể bôi xấu đi. Riêng hoàng tử hứa với vua cha sẽ chăm luyện tập, nhất định không để mất một tấc đảo, một tấc biển của giang sơn gấm vóc này. Vua cha gật đầu, hài lòng. Hoàng hậu vẫn tỏ vẻ băn khoăn, lo ngại. Dân chúng thì náo nức, ai cũng tin vào hoàng tử tài trí hơn người và cầu trời khấn phật phù hộ cho hoàng tử xứ Nam giành thắng lợi.
Ngày thi đấu đã tới. Dân hai nước đổ đến bên bờ biển rất đông. Dân xứ Bắc đông hơn, mang theo thanh la não bạt rầm rộ inh ỏi. Người xứ Nam chỉ mang trống lớn có vẽ hình mặt trống đồng để cổ vũ cho hoàng tử họ yêu mến.
Nhiều cô gái , nhiều ông bà cao tuổi cũng háo hức góp mặt cổ vũ. Có lão bà móm mém cười nói truyền thống nước ta là đàn bà cũng ra trận mà. Khi thuyền chở hoàng tử xứ Bắc lừ lừ xuất hiện thì ai cũng cảm thấy thuyền của họ to hơn quy ước. Thôi sự đã vậy, đành thế.
Tiếng trống phách, thanh la hòa tiếng reo hò rền vang. Vua hai xứ cùng bước lên khán đài. Hai hoàng tử cũng bước xuống thuyền. Hoàng tử phương bắc mặc quần áo đỏ rực màu máu tiến tới bên lá cờ đuôi nheo đỏ, hai tay giơ cao vẫy chào. Hoàng tử phương nam đóng bộ quần áo vàng tươi, tươi cười đứng thẳng bên ngọn cờ đuôi nheo màu vàng, cúi đầu chào mọi người.
Tiếng hoan hô dậy lên. Trận đấu bóng đá có một không hai bắt đầu. Hoàng tử phương bắc cầm bóng đá trước. Chút xíu thì trúng lá cờ đuôi nheo vàng đang bay phần phật. May quá hoàng tử của ta dùng đầu đẩy bóng chệch lên cao. Rồi đến lượt hoàng tử phương nam đá bóng. Quả bóng bay vèo lẹ như một mũi tên rời khỏi cánh cung. Hình như đối thủ rất nhanh và khéo giơ bàn tay gạt bóng đi. Phạm luật rồi. Nhưng không tiếng cồng của viên quan cầm chịch trận đấu nổi lên. Tiếc quá trời! Rồi hoàng tử của chúng ta hơi rời xa cây cờ để tung chân đá mạnh bóng vào lá cờ bên thuyền đối phương. Nào ngờ hoàng tử xứ người dùng ngực đỡ và tức thời đá mạnh quả bóng ấy về cây cờ vàng. Gay rồi! Ai nấy nín thở. Nhưng hoàng tử của ta đã nhanh như chớp ngả người tung hai chân quặp lấy quả bóng và nhẹ nhàng đặt mình xuống thuyền. Tiếng hoan hô, tiếng trống vang lên như sấm.
Mặt trời đã lên khá cao, trận đấu càng thêm nóng. Đúng là một trận nảy lửa dù sân đấu trên biển thoáng gió. Hai hoàng tử dù thấm mệt vẫn thi nhau sút những cú thần sầu về phía lá cờ đuôi nheo.
Nửa canh giờ qua đi mau chóng không ngờ. Trận đấu hòa. Vua cha và hoàng tử xứ Nam vui vẻ chào từ biệt. Vua xứ Bắc có vẻ không hài lòng nhưng gượng cười chia tay, hẹn sẽ còn dịp gặp lại.
Về đến kinh thành, vua ta mới biết là bên họ đã ngầm cử người nhái lặn xuống đục thuyền của ta. Nhưng một quan đại thần đã lo xa, cử võ tướng bơi lội giỏi dẫn theo vài người quen sông biển ngầm lặn theo thuyền của hoàng tử để bảo vệ. Thấy vị tướng phương Nam lừng danh là Cá Kình biển Đông xuất hiện, những kẻ toan làm việc mờ ám đành tháo lui.