MỘNG MƠ

(Trắng Trên Đen 3 và 4)

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

Khi còn bé tẹo, tôi thường ước mơ tôi có mẹ, tôi ước mơ cho đến năm lên sáu thì thôi không ước mơ nữa. Sau tôi mới hiểu ra, hay nói cho đúng, người ta mới giải thích cho tôi hiểu rằng mẹ tôi, một con mọi đen , đồ chó đẻ, đã bỏ rơi tôi. Tôi chẳng thích thú gì viết ra điều đó, nhưng người ta nói nguyên văn là như thế.

Những người giải thích cho tôi điều đó là những người lớn, những người mạnh mẽ. Bao giờ họ cũng đúng, cũng có lý trong mọi việc, thế tất trong chuyện nhỏ nhặt này họ cũng không sai. Dĩ nhiên, cũng còn những người lớn khác.

Những người lớn này là các thầy giáo. Các thầy kể cho tôi nghe về những xứ sở xa xôi, về những nhà văn vĩ đại. Các thầy bảo cuộc đời là tuyệt đẹp, rằng người nào rồi cũng sẽ có chỗ của mình trên trái đất, nếu như người đó cố gắng học tập và nghe lời người trên. Các thầy bao giờ cũng nói dối. Các thầy dối trá trong mọi chuyện. Các thầy kể cho chúng tôi nghe về những vì sao, nhưng lại không cho phép chúng tôi ra khỏi cổng nhà trẻ. Các thầy nói về sự bình đẳng giữa con người với con người, nhưng khi có gánh xiếc đến vùng tôi thì chỉ những đứa đi lại được mới được các thầy cho đi xem.

Chỉ những bà bảo mẫu là không nói dối. Trong tiếng Nga, chữ “bảo mẫu” thật là thần tình. Nó mới ngọt ngào làm sao. Nó làm cho ta lập tức nhớ đến “ta cạn ly nào, bảo mẫu ơi…” của Pushkin . Đó là những bà nhà quê. Họ chẳng khi nào nói dối. Thỉnh thoảng họ còn cho chúng tôi ăn kẹo nữa kia. Các bà bảo mẫu ác có, hiền có, nhưng bao giờ cũng là những người thẳng thắn và chân thật. Nghe họ, ta hiểu ngay họ muốn nói gì, trong khi đó thì từ miệng các thầy không bao giờ ta có được câu trả lời rõ ràng. Khi cho tôi ăn kẹo, bà bảo mẫu bảo: “Tội nghiệp thằng bé, sao mày chẳng chết đi cho rồi, để cả mày lẫn tao khỏi khổ”? Hoặc, khi mang một đứa bé vừa chết ra khỏi nhà: “Lạy Chúa tôi, thế là mày thôi không còn phải vật vã nữa nhá, thằng bé tội nghiệp ạ“. Những khi tôi bị cảm, được nghỉ học, nằm một mình trong phòng với một bà bảo mẫu như thế, thì bà bảo mẫu ấy, một bà nhà quê tốt bụng, mang cho tôi bánh kẹo hoặc quả khô dùng để nấu chè tráng miệng, kể cho tôi nghe chuyện những đứa trẻ chết trên các mặt trận, chuyện các ông chồng nát rượu, và vô số chuyện thú vị khác. Tôi nghe và tôi tin hết thảy những điều bà kể, như những đứa trẻ tin ở sự thật, chắc chỉ có trẻ con mới tin như thế. Người lớn thường chẳng tin gì hết. Vậy đấy, các bà bảo mẫu kể cho tôi nghe về “con mọi đen”, “đồ chó đẻ khốn kiếp” cứ tỉnh bơ, như thể họ đang nói về một cơn mưa hay về tuyết rơi vậy.

Đến năm lên sáu thì tôi thôi không mơ ước có mẹ nữa. Tôi mơ ước trở thành một đứa “đi được”. Hầu như tất cả bọn chúng tôi đều “đi được”. Kể cả những đứa chỉ di chuyển một cách khó nhọc trên đôi nạng. Người ta đối xử với bọn “đi được” hơn hẳn đối với chúng tôi, những đứa “không đi được”. Chỉ đám “đi được” mới là người. Sau khi tốt nghiệp nhà trẻ, chúng có thể trở thành người có ích cho xã hội – kế toán viên, thợ giày, thợ may. Nhiều đứa trong bọn chúng sẽ có học vấn cao, sẽ “nên người”. Sau khi tốt nghiệp, chúng quay lại thăm nhà trẻ trên những xe hơi đắt tiền. Trong những dịp như thế, chúng tôi được triệu tập đến đại sảnh, ở đó chúng tôi được nghe kể về một học sinh cũ nào đó của trường nay đang giữ chức vụ gì. Cứ theo lời người ta kể thì mấy chú mấy cô béo tốt nọ luôn ngoan ngoãn vâng lời người trên, chăm chỉ học tập, và họ đã đạt được cái họ muốn bằng trí tuệ và đức kiên trì . Khốn họ là những người đi được. Chẳng cần nghe họ ba hoa khoác lác tôi cũng biết mình phải làm gì nếu như tôi cũng đi được như họ. Nhưng làm thế nào để đi được thì chẳng ai nói cho tôi biết.

Năm lên tám, tôi ngộ ra một điều cực kỳ đơn giản: tôi là đứa tứ cố vô thân, chẳng ai cần đến tôi. Người lớn cũng như trẻ con, người nào cũng chỉ nghĩ về mình. Tất nhiên, tôi biết rằng ở đâu đó, trên một hành tinh khác, cũng có những ông bố bà mẹ, những ông nội bà ngoại. Nhưng tất cả những cái đó xa vời và khó tin, tôi coi những lời hàm hồ ấy như những câu chuyện mung lung về những vì sao và những châu lục.

Năm lên chín, tôi hiểu ra rằng tôi sẽ chẳng bao giờ đi được hết. Cái đó thật đáng buồn. Thế là xong – những xứ sở xa xôi, những vì sao, và những niềm vui khác. Chỉ còn lại một cái chết mà thôi. Một cái chết vô tích sự, dài dằng dặc.

Năm lên mười, tôi đọc về những phi công Thần phong. Những chàng trai dũng mãnh mang cái chết đến cho quân thù. Bằng chuyến bay không hạ cánh giữa đường họ trả lại cho Tổ quốc những gì họ nợ – những bát cơm, những cái tã dây bẩn, những quyển vở, những nụ cười thiếu nữ, ánh nắng và những vì sao, quyền được nhìn thấy mẹ mỗi ngày. Cái đó hợp với tôi. Tôi hiểu chẳng bao giờ tôi sẽ được ngồi vào một phi cơ như thế. Tôi đành mơ ước một trái thuỷ lôi. Một trái thuỷ lôi lái được, nhồi đầy chất nổ. Ước gì tôi có thể lẻn đến một hàng không mẫu hạm địch và tôi sẽ nhấn vào cái nút bấm màu đỏ.

Từ bấy đến nay đã nhiều năm trôi qua. Tôi đã thành người lớn và tôi hiểu sự đời. Có thể cái đó tốt, mà có khi cũng chẳng tốt bao nhiêu. Kẻ cái gì cũng hiểu, cái gì cũng biết, thường là những kẻ ngô nghê chán ngắt. Tôi không có quyền mong cho tôi chết đi, bởi vì gia đình tôi phụ thuộc nhiều vào tôi. Vợ tôi và các con tôi yêu tôi, tôi cũng yêu vợ con tôi lắm. Nhưng thỉnh thoảng ban đêm, nằm đấy mà không chợp mắt được, thì tôi lại mơ ước một trái thuỷ lôi với cái nút màu đỏ. Cái mơ ước thơ ngây của con trẻ mãi không rời bỏ tôi, và có thể, chẳng bao giờ nó chịu rời tôi hết.

NGÀY HỘI

(Trắng Trên Đen 4)

Hồi ức đầu tiên. Tôi, một mình, bé nhỏ, trong giường nôi. Tôi la hét. Chẳng ai đến. Tôi la hét một lúc lâu. Giường nôi là giường thường cho trẻ con, khác ở chỗ bốn bên có lưới cao. Tôi nằm ngửa, người tôi đau, ướt đầm. Bốn bên là rèm trắng. Tôi chỉ có một mình. Trước mắt tôi là trần nhà trắng phếu; quay đầu lại thì cũng chỉ thấy toàn rèm trắng là rèm trắng. Tôi la hét không thôi. Người lớn chỉ đến với tôi vào những giờ nhất định, theo lịch làm việc. Khi họ đến, họ mắng mỏ tôi, họ cho tôi ăn, họ thay tã cho tôi. Tôi yêu họ, nhưng họ không yêu tôi. Mặc cho họ mắng mỏ, mặc cho họ vần tôi từ giường nôi sang cái phản lưới khó chịu, họ muốn làm gì tôi thì làm, tôi cóc cần. Tôi chỉ muốn có ai đó đến với tôi. Chỉ khi đó tôi mới có thể được thấy những cái khác, những giường, những bàn, những ghế, những cửa sổ. Thế thôi. Xong việc, họ đặt tôi vào giường. Khi họ đặt tôi vào giường, tôi lại la hét. Họ lại mắng. Họ không muốn bế tôi, tôi thì không muốn bị đặt vào giường. Tôi nhớ là bao giờ tôi cũng sợ họ bỏ tôi một mình. Họ thường xuyên bỏ tôi một mình.

Mùi đầu tiên, mùi dễ chịu nhất đối với tôi là mùi rượu và mùi nước hoa. Thỉnh thoảng cũng có những những người đàn bà vận áo choàng trắng đến với tôi, bồng tôi lên. Họ bế tôi một cách nương nhẹ, khác thường. Họ gọi đó là “ngày hội”. Tôi ngửi thấy nơi người họ hương rượu ngọt ngào. Họ bế tôi đi, mang tôi tới một căn phòng lớn, nơi có một cái bàn và những cái ghế. Tôi được đặt ngồi trên đùi một người nào đó. Những người đàn bà chuyền tay nhau bế tôi. Họ cho tôi ăn một thứ gì đó ngon lành. Dễ chịu hơn cả là tôi được nhìn thấy mọi vật quanh mình. Những khuôn mặt, những cái đĩa đẹp trên bàn, những cái chai và những cái ly. Mọi người uống rượu, ăn, nói chuyện. Người đàn bà đặt tôi trên đùi thận trọng giữ tôi bằng một tay, tay kia nhanh nhẹn đưa cái ly lên miệng uống cạn khẩu phần rượu, sau đó mới nhắm. Thức nhắm có nhiều loại, bà ta véo mỗi thứ một tí và đút vào miệng cho tôi ăn. Không ai chửi mắng ai. Bầu không khí ấm áp, thân tình.

***

Một bữa nhậu nhẹt trong nhà trẻ. Một bữa nhậu nhẹt bình thường. không có gì đặc biệt. Đàng hoàng, đâu ra đó. Bọn đàn anh uống vodka, có thức nhắm. Đàn anh ở đây là học sinh các lớp trên. Sau buổi học, họ tạt nhanh vào phòng, cắt người đứng “ngánh” cho cả bọn, rồi chúi cả vào một góc. Họ mở đồ hộp, chuyền tay một cốc vodka, nhắm vội nhắm vàng.

Bất thần họ nhận ra sự có mặt của tôi. Tôi nằm dưới gầm giường, trong góc đối diện. Tôi nằm, thân trong gầm, đầu và vai thò ra ngoài, trước mặt tôi là cuốn sách. Đọc mà cho chân dưới gầm giường rất là tiện. Không ai làm phiền mình.

– Ruben, bò lại đây, chú mày.

Tôi bỏ sách đấy, bò lại. Tôi bò chậm, nhưng các đàn anh đợi tôi, không sốt ruột. Tôi đến chỗ của họ.

– Vodka chứ, chú mày?

Câu hỏi huênh hoang, rõ ràng là thế. Mọi người biết thừa tôi chưa được phép uống vodka. Người ngoài hai mươi tuổi mới có quyền uống vodka.

Tất cả cười rộ. Cười không ác ý, ai nấy vui vẻ cả.

– Thôi đi, Sergey, để thằng nhóc yên. Cho nó ăn chút gì thì hơn.

Sergey, không chân, làm cho tôi một miếng bánh kẹp xúc xích. Bóc cho tôi một tép tỏi.

Các đàn anh uống nốt phần rượu còn lại, chai thì mang đi giấu. Họ bắt đầu nhắm. Tôi ăn cùng họ. Khoái thật. Mọi người đều khoái. Ngày hội mà lị. Nếu không phải ngày hội, chắc chẳng ai để ý đến tôi, càng không chia sẻ thức ăn với tôi. Tôi chẳng là cái gì sất, một thằng oắt tỉu xà lai.

Sau vodka, đàn anh uống trà quạu. Các đàn anh nấu trà bằng một cái vỏ đồ hộp lớn, uống lần lượt, chậm rãi. Họ không cho tôi uống cùng họ không phải vì tôi còn nhỏ, mà vì tôi bị đau tim, điều đó ai cũng biết.

Sergey cầm cái cốc dùng để uống vodka nhanh nhẹn leo lên xe lăn, trườn ra khỏi phòng. Trở lại, Sergey mang theo cốc nước đầy. Tay cầm cốc nước, tay kia thận trọng nhấn xuống sàn để di chuyển. Đặt cốc xuống sàn, Sergey lấy trong tủ giường ra một hộp mứt và cái thìa. Đổ một ít trà quạu từ trong vỏ đồ hộp mà họ dùng uống chung vào cốc của tôi, Sergey tra mứt vào đấy. Anh tra nhiều, không tiếc rẻ.

– Ruben này. – Sergey nói – Chú mày có trà pha mứt rồi đấy nhá.

Đàn anh uống trà quạu, tôi uống trà ngọt. Tuyệt. Ngày hội mà lị.

Comments are closed.