Que diêm thứ Tám (kỳ 9)

QUE DIÊM THỨ TÁM (Kỳ 10)

Tiểu thuyết của Văn Biển

28.

CHUYỆN TRAI TÀI GÁI SẮC KỴ NHAU

Trên bãi cát Khánh cầm que miệt mài viết, vẽ lên cát, anh làm việc say mê như không cần biết có ai bên cạnh.

Hằng Nga ngang qua, chợt dừng lại:

Anh biết không, anh giống hệt anh chàng Xixiphơ trong thần thoại Hy Lạp. Xixiphơ bị trừng phạt. Hàng ngày anh ta phải cố sức đẩy một hòn đá to từ chân núi lên đến đỉnh. Sắp tới nơi hòn đá lại lăn xuống, anh chàng lại gắng sức đẩy lên. Cứ thế năm nọ qua năm kia, hàng ngày Xixiphơ vật lộn với hòn đá khổng lồ.

Chuyện anh chàng Xixiphơ nào đó của cô thì can gì đến tôi?

Thay vì đẩy hòn đá lên tới đỉnh thì anh suốt ngày mệt nhoài vật vã với mấy cái phương trình hóa học, công thức vật lý… Có phải anh tìm cách trốn tránh nỗi cô đơn bất hạnh của mình không?

Trên kia chắc cô chưa bao giờ có được một niềm vui trọn vẹn, một hạnh phúc thật sự.

Hằng Nga chạnh lòng, vội chống chế: Anh chẳng thấy tôi luôn cười đó sao?

Cười đôi khi là cách ngụy trang. Mỗi người hãy trở về với chính bản thân mình.

Nếu bây giờ tôi trả lại tự do cho anh.

Tôi sẽ sung sướng như con chim sổ lồng.

Anh có chắc được mãi vậy không?

Mỗi người đàn ông có một cái gì đó để say mê. Rượu, thuốc lá, cà phê. Thà tôi nghiện ngập tất cả các thứ kia, trừ chuyện mê đàn bà. Họ vốn là con quỷ đội lốt người đẹp.

Anh nói vậy mà không phải vậy.

Cô có thích nghe thơ không?

Anh đọc đi, nếu hay, tôi sẽ trả lại tự do cho anh.

Khánh:

Ta bằng lòng đánh đổi vàng mười

Để được dầu chỉ một phút thôi

Một phút giây ngắn ngủi

Được quỳ xuống chân em, đắm đuối.

Không ngờ anh thợ chống rỉ, thợ sửa cửa mà làm thơ tán gái bậc thầy.

Bài thơ còn một đoạn nữa, cô chịu khó nghe, đọc tiếp:

Và ta bằng lòng đánh đổi mười năm

Hay cả trăm năm bên em đằm thắm

Để được dầu chỉ phút giây thôi

Nhưng vô giá – tự do.

Cô đã đọc Carmen chưa? Cô gái Digan thà chết để được tự do chứ không bị lệ thuộc vào một người đàn ông.

Hằng Nga: Tôi biết anh không tin vào điều mình nói. Dầu thơ là tiếng nói chân thật nhất.

Cô cứ chờ xem. Khánh lại cúi xuống chăm chú bản vẽ của mình – Còn Hằng Nga ngồi nhìn Khánh làm việc.

Hai người như hai mảnh trời riêng, giữa họ là một khoảng cách bao la. Trời về chiều thoáng chút heo may. Nga cảm thấy se lạnh…

29.

CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI

Ông Tư và Thế Đạt vừa đi vừa nói chuyện.

Thế Đạt chỉ Khánh: Anh ta kia rồi. Người ta mách, cứ theo dấu các chữ số và các hình vẽ trên cát sẽ tìm ra anh chàng.

Ông Tư bước tới nắm tay Khánh thân mật: Đồng chí… Khánh, có nhận ra tôi không?

Khánh lúng túng một chút: Xin lỗi, tôi…

Thế Đạt: Đồng chí Tư, Chủ tịch Tỉnh mà cậu không nhớ ra thì cũng đáng phàn nàn cho sự vô tâm của cậu. Hoặc là trên kia cậu chỉ biết có công thức và những kí hiệu.

Lỗi tại tôi ít có thì giờ gặp gỡ các đồng chí.

Hồi đó giữa tôi và ông Thế Đạt đã nảy ra cuộc tranh luận to và khi việc đó đưa lên Tỉnh thì chính đồng chí Chủ tịch đã đứng ra giải quyết.

Tôi nhớ. Tôi đã ủng hộ phương án chống rỉ của đồng chí Đạt.

Phải nhận là phương án chống rỉ của cậu cũng chưa hoàn thành và chưa có cơ sở lý luận vững chắc. Thế Đạt nói.

Tất cả những người làm khoa học đều biết rằng cần phải có thời gian và điều kiện để thí nghiệm. Khi định chống rỉ ăn mòn kim loại từ bên trong tổ chức mỗi tế bào, mỗi phân tử thì không phải là một công việc đơn giản.

Sau đó nghe đâu anh vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu…

Vâng, nhưng trong điều kiện vô cùng khó khăn, tự mình lo liệu mọi việc, chống đỡ với tổ chức, sự hờ hững của đồng nghiệp và nhất là sự phản ứng của vợ con.

Ông Tư cảm thấy như mình có lỗi: Lúc đó tỉnh cũng đang gặp khó khăn về ngân sách. Hôm được tin anh đi tôi có tới chia buồn với chị và các cháu. Tôi có chỉ thị bên tài chính cứu trợ cho gia đình một số tiền nhưng chắc chẳng được là bao.

Cảm ơn bác Chủ tịch.

Ông Tư nói với Đạt: Sao tôi nghe nói hình như sau này chị ấy…

Thế Đạt: Vâng. Quay lại nói với Khánh, lẽ ra mình không muốn nói điều này với cậu. Mình nghĩ đó là điều tế nhị có thể làm cậu hiểu nhầm. Một hôm mình tình cờ gặp cô ấy đang rửa bát thuê trong một quán phở. Đáng trách là cậu đã quá say mê nghiên cứu và đẩy cô ấy vào cuối đường hầm… May ngày đó mình đã không ngại miệng lưỡi thế gian, sau khi cậu đi vài tháng mình đã đưa cô ấy về ở với mình, nếu không thì chẳng hiểu tình cảnh mấy mẹ con sẽ ra sao?

Khánh nghe Thế Đạt nói càng lùi dần ra xa, rồi như thì thầm với mình: Vậy là cô ấy nói đúng rồi. Trời đất, lâu nay tôi vẫn không hiểu sao mình lại có thể chết được? Không ai chết vì say mê làm việc cả. Ngược lại, nó giúp người ta đi ngược chiều tới nghĩa địa. Thế mà tôi…

Ông Tư lắc đầu vẻ không hiểu: Hãy bình tĩnh. Đồng chí nói đi.

Khánh mãi một lúc sau mới nói: Lúc tôi đang trong tình trạng hấp hối, cô ấy chợt kêu lên thảng thốt: “Trời ơi, xin hãy tha thứ cho em”. Nàng quỳ xuống ôm tôi khóc nức nở. Vừa khóc vừa nói. Tôi nhớ nàng có nói mấy lần từ… thạch tín, thạch tín, ông ta đưa, em cứ ngỡ đấy là thuốc… đặc trị. Ngay đó tôi mới biết là mình bị đầu độc. Nhìn Thế Đạt, có hai nguyên nhân bắt tôi phải chết, một là trình độ nghề nghiệp tôi hơn hẳn ông, nếu tôi còn, cái ghế viện trưởng của ông mong manh và cái cơ hội vào Trung ương từng là giấc mơ lớn của ông cũng không phải thuận buồm xuôi gió như ông nghĩ, hai là, mà cái này cũng quan trọng không kém, người đẹp… Sau đó một lát thì tôi đi. Nhìn Thế Đạt đứng sững, ông… ông đã bán rẻ linh hồn cho quỷ. Chắc chúng đã tìm gặp ông rồi.

Thế Đạt tái mặt.

Bây giờ thì mọi sự đã an bài rồi. Rốt cục ông cũng chẳng được gì trong trò chơi ma quỷ này. Song còn điều này tôi cần phải nói rõ hơn.

Cậu cứ nói đi.

Khánh cười nhạt: Chẳng phải là ngay từ đầu, ông đã sớm đem cái chức Chủ tịch Tỉnh và tương lai vài năm tới sẽ vào Trung ương ra mồi chài cô ấy hay sao. Cô ta đã có lần kể với tôi. Lúc đó tôi nghĩ một khi cô ta đã nói với mình điều đó thì không có gì đáng phải quan tâm. Nhưng tai hại đàn bà vốn nhẹ dạ, còn ông thì thừa sự kiên trì và biết tóm lấy cơ hội thuận lợi. Tôi hỏi thật, những năm sau này cô ấy sống với ông có hạnh phúc không?

Chắc là… có. Tôi biết cô ấy vẫn còn yêu anh, nhiều đêm cô ấy khóc…

Ông Tư suy nghĩ một lát: Trong câu chuyện này tôi có lỗi.

Bác Tư ạ, trong mọi nỗi đau khổ của thế gian, mỗi người chúng ta đều ít nhiều có lỗi, tất nhiên nặng nhẹ còn tùy thuộc cương vị của mỗi người. Khánh quay lại nói với Thế Đạt, không rõ trong câu chuyện này trên đó có nhiều người biết không?

Thế Đạt lắc đầu: Hình như không ai biết.

Tôi hỏi thế vì lo cho cô ấy. Dư luận sẽ không hay ho gì. Những chuyện như thế này thường xảy ra trong giới chính trị và kinh doanh, còn trong giới trí thức, khoa học hầu như không có mấy. Xuống dưới này tôi không thù hận gì ông đâu. Tôi nghĩ đó là đặc ân của tạo hóa muốn cho mọi linh hồn được nhẹ nhõm.

30.

KHO TỪ VỰNG ẢO

Khi chỉ còn lại hai người, ông Tư nói với Khánh: Cuộc gặp gỡ hôm nọ không thấy anh nói gì hết.

Tôi biết là đồng chí Chủ tịch không đủ sức trả lời những câu hỏi nóng bỏng tính thời sự mà lúc còn trên kia họ không biết hỏi ai mà thật ra cũng không dám. Mà thời đó cũng không có mạng, có báo lề trái như bây giờ.

Lúc này chúng ta có thể trao đổi thẳng thắn với nhau.

Tôi nghĩ, cái lỗi không phải chỉ ở người lãnh đạo. Nói như ông An, Chủ tịch Quốc hội, nó hỏng từ bên trong, như cỗ máy, hỏng từ trong ruột, lỗi ở hệ thống, lỗi ở cơ chế, một cơ chế không khoa học, thậm chí phản khoa học, lạc hậu so với thế giới hàng mấy chục thập kỷ. Bác có nhận thấy điều này không. Từ lâu rồi chúng ta quen sống trong lối mòn ngôn ngữ, thích dùng những từ sáo rỗng, lỗi thời. Những từ vì dân, của dân, do dân. Rồi lại dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Nếu làm một cuộc thống kê, những từ vì dân, do dân, của dân phải đứng hàng đầu. Những từ kêu oang oang đó tưởng sẽ cảm động thấu trời nhưng người dân cứ khổ, cứ nghèo, cứ bị ức hiếp. Hết thời bao cấp lại thêm một số từ mới: Khách hàng là Thượng đế. Rồi quan lại là nô bộc, công bộc, là đầy tớ nhân dân. Mà muốn làm đầy tớ không phải là chuyện dễ dàng gì, phải chạy chọt, phải mất tiền mua bằng, mua ghế, tạo vây cánh. Còn ông chủ là nhân dân thì khốn khổ, khốn nạn trăm bề. Có những từ, từ lâu không còn chỗ đứng của nó. Có bao giai thoại, tiếu lâm về chuyện đầy tớ của dân.

Chắc Chủ tịch đã nghe chuyện này. Ngọc Hoàng ngày nọ sai một vị quan xuống trần, vì nghe dân chúng ngay ở Thủ đô ta thán, oán khí bốc lên trời. Khi vị quan đó xuống, rơi ngay vào cửa hàng Tôn Đản bèn hỏi:

Cửa hàng này bán cho ai?

Thưa bán cho đầy tớ ạ. Người bán hàng nói.

Vị quan nhìn khắp lượt các gian hàng, toàn những thứ Thiên đình chưa chắc đã có, bèn quay về Trời tâu.

– Thưa Ngọc Hoàng. Chắc là ở nơi nào đó thôi, chứ Hà Nội thì khỏi lo. Hạ thần vào một cửa hàng thì rượu cho tới các loại thực phẩm cao cấp nhìn thôi cũng đủ no.

Nhưng cửa hàng đó bán cho ai?

– Thưa chỉ bán cho đầy tớ nhân dân.

Mọi người vui vẻ.

– Đầy tớ mà được thế thì ông chủ chẳng biết còn sướng thế nào.

Ngọc Hoàng gật gù phán: Thôi, vậy là ta an tâm rồi.

Sau đây là hai câu ca dao mới ra lò:

Dân cúi mặt còng lưng Làm Chủ

Công bộc là một lũ háu ăn” (1).

Đó là chưa nói tới chuyện dân chủ, tự do mà năm 45 Chủ tịch nước đã tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập. Chẳng lẽ sau gần thế kỷ đấu tranh, hàng chục triệu người hi sinh để cuối cùng người dân sống trong một kho từ vựng ảo. Trong khi đồng tiền các vị bỏ túi lại là đồng tiền thật, xe hơi thật, biệt thự thật, quyền lực thật được bảo đảm bằng vàng, bằng ngoại tệ gửi ở các ngân hàng ngoại quốc, bằng súng ống, bằng các lực lượng vũ trang được nuôi bằng tiền đóng thuế của dân, bằng các cuộc bầu cử giả hiệu. Nói tới súng ống làm người ta nhớ tới câu nói nổi tiếng của Mao: “chính quyền đẻ ra từ họng súng” và sau hơn nửa thế kỷ người ta vẫn dùng súng ống để giữ chính quyền. Còn chuyện bầu cử Quốc hội thì lại buồn cười: Đảng cử, dân bầu. Để tỏ ra có dân quyền, dân chủ. Đảng cũng chọn vài người có tên tuổi ngoài Đảng, nhưng trước ngày bỏ phiếu, trong nhân dân có đợt học tập, nên xóa tên ai, để tên ai. Chủ tịch có nghĩ ruộng đất toàn dân là một sáng tạo độc đáo chỉ thấy có trong Hiến pháp Việt Nam. Một sáng tạo thông minh. Mở ra một thời đại cướp đất của dân một cách hợp pháp. Cướp đất của dân nghèo, do họ tự khai phá, khẩn hoang hay Tổ tiên để lại nay sung công. Bọn có tiền muốn lấy lúc nào cũng được, khi dân không chịu đã có chính quyền, sử dụng lực lượng vũ trang cộng với thêm xã hội đen.

Còn những thứ người dân hưởng là những giá trị ảo, cầm chẳng được, sờ chẳng thấy chỉ thấy toàn đau thương, chết chóc, mất mát. Thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin chủ nhân blog này blog nọ bị bắt vì lạm dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước và nhân dân. Trời đất. Làm gì Việt Nam có dân chủ tự do mà người dân xâm phạm. Làm sao có chuyện lạm dụng thứ mà ở một đất nước không bao giờ có.

Chủ tịch còn nhớ một công thức nổi tiếng của Tổng Bí thư Lê Duẩn không? Mà ông ta cho là một công thức bộ ba: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Mới nghe tưởng là một công thức quá hay, hiện đại văn minh dân chủ. Cái công thức bộ 3 trên chỉ đúng có hai phần đầu, phần cuối dành cho nhân dân, nói như nhà thơ Chế Lan Viên muôn năm chỉ là cái bánh vẽ. Cả một kho từ vựng ảo tôi vừa nói trên rốt cuộc chỉ là trò chơi chữ vụng về, ma quái, những cái bánh vẽ to tướng Đảng, Nhà nước tặng cho Nhân dân thay vì cơm ăn, áo mặc, cuộc sống an lành mà bất cứ người cầm quyền nào cũng phải lo. Cho tới hôm nay giữa thập niên của thế kỷ 21 vẫn có người ảo tưởng rằng từ năm 1986 tình hình Việt Nam có thay đổi, đời sống người dân được nâng cao… Đúng là có “thay đổi” bộ mặt của các đô thị, các biệt thự, nhà cao tầng, khách sạn mọc lên khá nhiều do các nhà đầu tư nước ngoài và các “nô bộc” rút tiền ngân sách, tiền bán đất, bán biển, tham ô, tham nhũng mà có. Nhưng thử hỏi những ai vô. Hơn 90% người dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Trẻ em nhịn đói tới trường. Trong các báo cáo, diễn văn, các bài viết của các vị lãnh đạo lúc nào cũng quen dùng các từ, các câu: “Đảng đưa dân tộc từ thắng lợi này tới thắng lợi khác…” hoặc “Từng bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội”. Hoặc hùng hồn hơn: “Tiến nhanh, tiến mạnh. Tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”. Sau hơn nửa thế kỷ, có bao giờ người ta chịu khó nhìn Việt Nam đang đứng ở cột mốc nào? Chắc không ai nghĩ Việt Nam được Liên hiệp quốc xếp vào hạng áp chót “nước đáng sống” chỉ trên Lybia, một nước nghèo đói lạc hậu ở Trung Đông. Thế còn may. Chỉ lùi một bước ngắn là sang thế giới “những nước không đáng sống”. Lạy Phật. Hãy hỏi ai chịu trách nhiệm về tình trạng đáng xấu hổ này. Một đất nước vốn nhiều may mắn được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt? Thử lấy vài ví dụ. Bình Định là một trong các tỉnh nằm trong diện xin Trung ương viện trợ cứu đói, nhưng sẵn sàng dựng tượng ông Nguyễn Sinh Sắc và cụ Hồ. Người ta nghĩ, hình như cứ mở mắt dậy các vị lãnh đạo địa phương nghĩ ngay tới chuyện dựng tượng đài hay làm một cái gì đó kỳ vĩ được coi như lương tri, lương tâm thời đại.

Sơn La thuộc diện một trong những tỉnh nghèo nhất ở miền núi, nhưng dám đòi bỏ ra 1.400 tỷ dựng tượng đài Bác Hồ, gần như dư luận cả nước phản đối. Trong lúc đó có một vị kỹ sư trưởng ở một thành phố lớn lại ủng hộ. Báo mạng lên tiếng: con chó sủa 100 lần không biến thành người nhưng người chỉ cần sủa một lần biến thành chó. Đủ biết sự công bằng của lòng dân.

Còn ông Chủ tịch tỉnh Sơn La thì than vãn: không dựng được Tượng Đài Bác thì thiệt thòi cho dân. Hãy đi hỏi từng người dân có ai nói như vậy không? Hay thiệt thòi cho những ai không có tiền rút ruột công trình bỏ túi?

Nhân đây tôi xin nói thêm ý kiến của tôi về vị Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Chương viết thêm:

NHÀ ĐỘC TÀI SẮC MÁU VÀ LÃNG MẠN

Trong các đời Tổng Bí thư Đảng tiền nhiệm hay kế nhiệm sau này, không ai ngồi ghế lâu như Lê Duẩn 26 năm. Trong 26 năm đó Lê Duẩn đủ thời gian để lại nhiều dấu ấn chủ yếu là di họa cho Đất nước và một vài câu chuyện đối với ông ta thì nghiêm túc nhưng với nhân dân lại trở thành hài hước.

Lê Duẩn có hai đặc điểm nổi bật. Vừa sắc máu, vừa lãng mạn. Tưởng như hai tính cách đó kỵ nhau như nước với lửa nhưng lại hợp nhất trong con người ông.

Chưa có vị Tổng Bí thư nào “oách” như ông. Tự cho là mình có công đầu trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều lần chỗ này chỗ nọ ông thường chê cụ Hồ nhát, sợ không dám đánh Mỹ. Thép mới trong loạt bài “Thời thắng Mỹ” ca ngợi anh Ba sáng láng hơn cả Bác Hồ, bản lĩnh hơn Bác Hồ. Người ta tưởng Lê Duẩn là người chống Trung Quốc. Có chăng chỉ là sau này, khi dã tâm của họ ngày càng bộc lộ một cách trắng trợn. Trước đó, ông ta chính là người ca ngợi, sùng bái Trung Quốc. Ông ta có câu “Thế giới có Lê-nin, phương Đông có Mao Trạch Đông”, cho rằng Mao Trạch Đông là mẫu mực, Việt Nam buộc phải học theo. Nếu chuyện chỉ có vậy thì không nói làm gì. Lê Duẩn cùng Sáu Thọ, một cặp bài trùng, sau Nghị quyết 9 đã mở ra một chiến dịch lớn chống bọn “xét lại làm tay sai cho địch” (Liên Xô), những người chủ trương hòa bình, sợ Mỹ, không dám đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Trong số đó có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đứng đầu bảng với hàng chục hàng trăm, hàng ngàn vị tướng tá khác tràn sang cả lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nạn khủng bố bao trùm cả miền Bắc, “Thiên đường xã hội chủ nghĩa” đang đói ăn thiếu mặc trầm trọng.

Nhà báo Hồng Hà trong loạt bài đăng ở báo Nhân Dân có đoạn viết: “Khi con thuyền tam bản chở anh Ba trên sông nước Cửu Long thì vận mệnh Tổ Quốc đã được định đoạt từ đó”. Có phải cái không khí lãng mạn của sông nước Cửu Long đã làm nảy nở trong đầu người đứng đầu cả nước sau này cái ý tưởng “Làm chủ tập thể”.

Một hôm văn phòng anh Ba mời nhà Triết học nổi tiếng Trần Đức Thảo lâu nay bị xếp xó vì dính dáng tới bài viết trên Nhân văn giai phẩm tới gặp anh Ba. Sau một hồi sôi nổi trình bày ý kiến của mình về “làm chủ tập thể”, tác giả muốn nâng lên thành một học thuyết cách mạng. Nhà triết học ngồi im chăm chú nghe. Giảng giải một hồi anh Ba ngồi chờ ý kiến. Mãi không thấy đối phương nói gì, thư ký anh Ba giục, anh phải nói gì đi chứ. Nhà Triết học mãi một hồi lâu mới thốt lên được một câu: “Tôi chẳng hiểu gì cả”.

Rốt cục, tội nghiệp thay cho nhà Triết học. Bữa cơm thịt gà dự định đãi vị khách quý sau đó không dùng tới.

Nhà Triết học không hiểu là phải. Cả nước không ai hiểu và thế giới cũng không ai hiểu nó – làm chủ tập thể là cái gì?

Chuyện không chỉ dừng lại ở đây.

Trong một buổi nói chuyện với cán bộ, vị Tổng Bí thư được gọi là anh Ba 200 nến (nghe đâu mỹ từ đó được Sáu Thọ tặng lúc hai người còn ở trong Nam) nói với thính giả: “Các đồng chí có biết lịch sử nhân loại có ba phát minh vĩ đại. Mỗi phát minh là một bước ngoặt thay đổi đời sống, một bước tiến nhảy vọt. Phát minh lớn thứ nhất là tìm ra lửa, thoát khỏi đời sống thú vật ăn thịt sống, sống trong tối tăm. Phát minh lớn thứ hai là tìm ra được kim loại và phát minh lớn thứ ba là… Các đồng chí thử đoán xem là gì? Chờ không thấy ai trả lời, anh Ba 200 nến thủng thẳng nói để gây nên hồi hộp cho đám thính khán giả. Phát minh lớn thứ ba của nhân loại là làm chủ tập thể. Cả hội trường im, ngơ ngác không hiểu và không biết nó là cái quái gì. Diễn giả bèn hùng hồn giải thích một hồi. Mặc dầu sau đó có một tràng vỗ tay an ủi nhưng chắc không một ai hiểu gì cả.

Anh Ba còn có những ý tưởng, những câu nói độc đáo:

Giữa lúc đất nước kiệt quệ, dân không còn gạo ăn. Anh Ba nói: Chỉ trong 10, 15 năm nữa Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật (nước có nền kinh tế hồi đó đứng thứ nhì Thế giới) và người dân Việt Nam sẽ đi trên thảm vàng. Sau hơn một nửa thế kỷ, câu nói đó chỉ đúng một phần. Một bộ phận, một nhóm lợi ích nhỏ không phải đi trên thảm vàng mà sống trên đống vàng, đống đô la bằng cách rút ruột ngân sách, tiền bán các dự án và hàng trăm cách ám muội nhơ bẩn khác. Còn nhân dân thì vẫn ngày càng nghèo đói xác xơ. Có hai câu chuyện tự tử thương tâm. Một người mẹ phải tự tử để có tiền bà con phúng điếu nuôi con và được xếp vào diện được “cứu trợ”. Còn người phụ nữ kia giết chết bốn đứa con rồi tự tử chết theo vì không còn cách nào sống. Mình chết rồi chúng nó càng khốn khổ hơn. Đúng như Đạt lai Lạt ma nói: Người cộng sản làm cách mạng không phải để đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mà để nhân dân đem lại hạnh phúc cho họ. Điều đó ngày càng rõ thêm.

Anh Ba 200 nến còn nhiều ý tưởng và phát ngôn nổi tiếng khác. Ý tưởng xây dựng Pháo đài Huyện. Trong vòng 10 năm nữa mỗi nhà đều có ti vi, tủ lạnh… Làm như của cải tự nhiên trên trời rơi xuống.

Sau khi anh Ba ra đi, câu chuyện làm chủ tập thể và những điều lãng mạn bi hài khác không còn một ai nhắc đến nữa. Anh Ba trở về với cát bụi, những ý tưởng anh Ba cũng theo tác giả thành cát bụi. Nhưng những chuyện anh Ba làm trước và trong thời gian tại vị chức Tổng Bí thư để lại cho Đất nước nhiều di chứng, nhiều vết thương khó lành.

Có người nghĩ nếu anh Ba sống thêm mươi mười lăm năm nữa chắc anh Ba sẽ đưa đất nước Việt Nam trở lại thời kỳ đồ… đá.

Anh Ba và một số người có ảo tưởng hay hoang tưởng nghĩ rằng đánh giặc giỏi thì làm bất cứ chuyện gì cũng giỏi, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho tới triết học. Họ đánh giặc giỏi vì bạo gan dùng máu dân không thương tiếc. Và cũng không cần phải học hành, có học hàm học vị. Cao tổ nhà Hán xuất thân từ anh mổ lợn. Nguyên Chương người sáng lập ra triều đại nhà Minh nguyên là đầu đảng của băng đảng cướp nổi tiếng. Còn có thể nêu ra nhiều dẫn chứng khác.

31.

CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG Ở CÕI ÂM

Ông Tư cầm con cờ không đi. Mãi một lát mới nói.

Tôi nghiệm ra rằng mỗi nỗi đau dưới này đều có căn nguyên từ trên đó. Người ta bảo chết mà không nhắm được mắt quả thật đúng.

Tôi hỏi thật anh nhé. Lúc còn ngồi trên ghế chủ tịch có lúc nào anh nghĩ được như vậy không?

Ông Tư khẽ lắc đầu: Có xuống dưới này mới thấy điều đó rõ hơn, thấm thía hơn. Nhưng khổ nỗi lúc nhận ra được thì không ích lợi gì nữa.

Ông Nam chợt bật cười.

Tôi chợt có ý nghĩ vui này, cứ cho các vị lãnh đạo chủ chốt trong nhiệm kỳ của mình thử xuống dưới này một thời gian, để được chiêm nghiệm, chắc lúc trở lên lại trên đó công việc sẽ tốt hơn.

Hay, nhưng đó là cách nói cho vui. Có chuyện sống thử chứ làm sao chết thử được. Thay vì xuống dưới này như anh nói, ngày trước các vị minh quân vẫn thường cải trang vi hành.

Thì ngày nay vẫn có đấy chứ.

Có, nhưng thường là trước các cuộc bầu cử, hoặc để máy chụp hình, máy quay phim làm việc.

Bà Tư tới từ lúc nào ngồi im giờ mới lên tiếng: Các ông lại lo bao đồng rồi. Chết là hết các ông ạ. Tạo hóa đã an bài rồi. Thôi, chúng ta cùng tới kho bổi đi, kiếm bó đuốc đi tìm những thứ đã mất.

Ông Tư: Những thứ người dân đã đánh mất hoặc bị cướp mất.

Bà Tư cười: Thì đằng nào cũng vậy. Các ông thì lắm chữ nghĩa.

Mấy người kéo nhau đi.

Hằng Nga và Ngọc Hoa vừa đi vừa nói chuyện.

Chẳng biết anh ta có bùa phép gì mà hút hồn chị vậy.

Làm sao em biết chị bị anh ta hút hồn.

Em nghĩ đó là một mẫu đàn ông lý tưởng.

Em đánh giá anh ta hơi bị cao đấy.

Trí thức, trung thực. Hiểu biết rộng, có nhân cách.

Em không biết gã du đãng của em đang làm thịt anh ta à? Chỉ sợ gã quá tay.

Chị bảo tay Đáng ấy ư? Tướng thế chứ suốt đời chỉ bị đàn bà con gái bắt nạt. Rồi chị xem họ sẽ kết nghĩa đào viên.

Em lãng mạn quá đấy. Nói chuyện cứ như trong tiểu thuyết.

Ở một chỗ vắng vẻ khác. Gã du đãng đang đứng với Khánh. Gã gỡ chiếc mặt nạ xuống. Hóa ra Đáng.

Anh Khánh, anh không nhận ra thằng em này à? Thằng Đáng đây. Khánh nhìn Đáng nhưng không nhận ra. Em ở cạnh nhà anh. Hồi còn nhỏ chơi với anh. Lớn lên mỗi đứa một đường. Anh vô Đại học còn em vô tù. Sau đó lãnh án tử hình. Em tên là Đáng, nhưng sau này người ta gọi là Đáng Đời Mày.

Chuyện xảy ra như thế nào?

Chuyện thường ngày ở huyện mà anh. Tiền, tình và sau đó là tù tội may mà chưa kịp tự tử. Cũng vẫn cái vần T quái ác đó.

Vậy cậu cũng có đọc sách à?

Có, nhưng không được đọc nhiều như các anh. Thế anh nghĩ trong tù không có những vị tài cao học rộng à. Bên ngoài còn có những vị đáng vào lâu rồi nhưng chưa vào vì được bảo kê bằng nhiều thứ. Tiền, quyền lực, phe cánh. Anh biết đó, tụi em gọi pháp luật là sợi dây chăng qua. Con kiến dừng lại. Con khủng long thì bước qua. Đời nay khó có Bao công. Mà có hàng nghìn Bao công cũng bó tay. Tụi em loại tép riu nên phải dựa cột thôi.

Khánh ngồi trầm ngâm một lát rồi nhìn mặt trời sắp lặn: Mãi chuyện trò, cậu quên mất nhiệm vụ quan trọng cô ấy giao rồi.

Đáng cười to hết cỡ: Làm gì có chuyện đó. Chị ấy cốt chỉ dọa đùa ông anh thôi. Chị ấy bảo tim anh ta bị chó sói đớp rồi. Thử xem anh chàng gan to cỡ nào. Nhưng em hỏi thật anh, anh làm ăn ra sao mà để người ta bảo anh không có tim. Thế trên kia cái khoản ấy anh tệ lắm à.

Khánh ngạc nhiên: Hả! Cậu bảo khoản gì? Bọn mình thuộc diện kiếm ăn lần hồi làm gì có tài khoản…

Đáng cười: Nói chuyện với nhà khoa học chẳng khác nói với đầu gối. Chẳng bù với lúc anh nói về chuyện thời sự, chính trị. Anh nói hay và đúng không chịu được. Nghe vừa thích vừa đau. Nhưng nói tới chuyện đời anh còn kém xa các ông văn hào già bên Nga từ vài thế kỷ trước. Một hôm các ông Gorki, Tolstôi, Sê-khốp cùng đi dạo. Gorki tò mò hỏi ông bạn già: “Này cái khoản ấy của ông thế nào. Tác giả “Chiến tranh và hòa bình” trả lời không đắn đo: “À, trời cho mình làm không biết mệt”. Anh mà cứ như thế này thì lúc sống cũng như chết hồn vẫn cứ mồ côi mồ cút.

Khánh cả cười: Thế mà cậu gọi là cái khoản ấy. Tới bố mình cũng không hiểu.

Cam đoan với anh, ông cụ hiểu đấy. Nói thật về khoản đó anh còn phải học nhiều. Lát nữa có hội đuốc anh có đi không? Sao chẳng bao giờ em thấy có anh trong đó? Thế anh không đánh mất gì cả à?

Nói đúng hơn là không còn gì để mất, gia đình vợ con, tuổi trẻ, sự nghiệp. Tất cả trôi ra sông, ra biển. Đúng như có nhà thơ đã viết: Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.

Đáng nhìn Khánh vẻ chia sẻ: Hóa ra ông anh cũng khổ. Mỗi đứa khổ một kiểu.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)


(1) Tú Sóc.

Comments are closed.