Bôi/Quệt/Cào/Cấu/Thân/Thần/Thông/Suốt (về các tác phẩm nghệ thuật thị giác của Phạm Trần Việt Nam)

Trần Lương

Sự vẽ mơ hồ như một sứ mệnh được trao gửi.

Bên cạnh đó, sự vẽ như liệu pháp để giải toả tâm lý, tinh thần

Đơn giản hơn, sự vẽ như tập thể dục.

Và sự vẽ cũng cần như ăn, uống, ngủ, thở…

Trong triển lãm cá nhân lần này, thực hành hội hoạ của Phạm Trần Việt Nam đã thách thức cách hiểu thông thường, cũng như phương pháp thực hành và tư duy truyền thống về nghệ thuật hội hoạ cả ở đông phương và tây phương. Buông bỏ các tiêu chuẩn hàn lâm và giới hạn sinh học, Việt Nam mượn visual art làm phương tiện trung gian để tìm kiếm những mảng tối của nội tâm và những thể vô hình của ngoại giới. Hành vi hội hoạ còn như một phương pháp trị liệu, một ngôn ngữ để thông dịch thay cho sự hữu hạn/ bất khả của các ngôn ngữ khác.

Đã từng yêu thích và tôn thờ, rồi thất vọng và ghét bỏ. Để rồi khi trở lại, nghệ thuật thị giác của Việt Nam đã không còn là thực thể đối trọng, mà trở thành một phần của bản thể đầy mâu thuẫn nhưng không thể tách rời. Vì thế không có sự tiếc nuối “mối quan hệ” hay khuôn phép ứng xử nào giữa anh với nghệ thuật. Anh chà xát vật liệu bằng tay không, và đã từng không ngần ngại cắt nát nhiều bức tranh khổ lớn của mình, rồi tái cấu trúc chúng như một cuộc hồi sinh mới.

Phạm Trần Việt Nam là “nguyên thuỷ đương đại”.

Hành vi vẽ của Nam đã làm tôi tĩnh lại và suy nghĩ rất nhiều về cái gọi là “vẽ” (paint) và tự hỏi cái gì là gốc gác của hành vi đó?

Ngoài vai trò kể/tả lại một sự việc cụ thể, thuần tuý có tính chất minh hoạ. Nhưng cũng là kể/tả lại về một trạng thái tinh thần hay cảm xúc thì phương pháp kể/tả/ và minh hoạ đã không còn khả thi. Phần lớn nghệ sĩ đã và sẽ đi tìm ngôn ngữ và phương pháp phù hợp, ở đó lí trí đóng vai trò chủ đạo cùng với phương pháp nghiên cứu, phân tích thường làm cho họ yên tâm tin rằng họ đã đi đúng hướng và hãnh diện về những thành quả lao động.

Nhưng rồi hành trình sáng tạo khắc nghiệt đã cho một kết quả lạnh lùng: đa số trong số họ khi đến lứa tuổi trung niên – lứa tuổi chạm ngưỡng của sự hữu hạn – đã trở thành những nghệ sĩ tầm tầm. Họ sa đà vào một loại minh hoạ “khác”, ở đó là sự lịch duyệt với chút viên mãn về hình thức. Nhưng tài nguyên thật sự là cá tính, và chiều sâu của tính nhân văn thì thiếu vắng làm sao!

Nhìn lại lịch sử phát triển hội hoạ, việc tìm tòi các hình thức mới bằng một cái đầu dùng lí trí và kỹ thuật, đã tạo ra sự đa dạng phong cách có tính mặt bằng (như giai đoạn MaoPop chẳng hạn). Nhưng rất nhanh, 1, 2 thập niên sau chỉ còn đọng lại một số ít khuôn mặt nghệ sĩ, đó là những người thả cho phần “con” tung hoành dựa trên nền tảng nhân văn sẵn có. Lí trí đối với các nghệ sĩ số ít này có ý nghĩa là “màu xám” hay là “buổi bình minh đầu năm u ám” mà thôi!

Khi chúng tôi còn học trong trường quy bảo thủ, vấn đề được đặt ra thường xuyên là mối liên hệ giữa hình thức và nội dung. Hay nói cách khác là mối liên hệ giữa hình thức với cảm xúc (là bản chất của nội dung)!

Ở trường hợp của Phạm Trần Việt Nam, vai trò của hình thức đã trở thành thứ yếu! Điều này nghe có vẻ vô lý vì tác phẩm / final production vẫn là sản phẩm của hình thức được xây dựng bởi vật liệu sờ được ! Nhưng thực sự ở đây không có phương pháp, hay định hướng hình thức nào trong quá trình sáng tạo. Và cũng không có sự “nhờ cậy” làm “người phát ngôn” nào của cảm xúc với hình thức cả! Hình thức cứ “tuột” ra như “vô thức” trực tiếp từ năng lượng của cảm xúc và hơn thế năng lượng phần nào còn được truyền từ một “sự tồn tại khác”.

Hiện tượng này làm tôi nhớ đến một lý thuyết trong võ học “Vô chiêu thắng hữu chiêu” được điển hình bằng nhân vật Lệnh Hồ Xung trong tiểu thuyết võ học/dã sử/đương đại của văn hào Kim Dung (Jin Yong; tên thật Tra Lương Dung – Cha Leung-Yung). Khi sự rèn luyện và kỹ thuật hoà quyện với tinh thần thông suốt, tức là đã đạt đến mức “thượng thừa” hay cách khác là “giác ngộ”. Chiêu thức cứ tuột ra mà ứng biến không còn lệ thuộc vào trường phái võ, và có thể “thắng” mà không cần sát thương!

Có thể thấy khối lượng công việc sinh học của Phạm Trần Việt Nam là rất lớn, nó thách thức sức khoẻ và tinh thần. Với thời gian 8 tiếng làm việc “vẽ” trong một ngày và liên tục kéo dài, tác giả vẫn vượt qua hết bức tranh lớn này đến bức khác mà không cho thấy sự phải cố gắng, mệt mỏi hay cạn năng lượng.

Trong sâu thẳm, ta có thể đọc được sự ẩn ức về một thế giới bất công bằng giữa con người với vạn vật. Hay nói cách khác, ở những thời khắc “gíác ngộ” là sự trỗi dậy phi phàm các bản tính của thực vật và động vật trong con người tác giả.

Điều này phản ánh giai đoạn quá độ khi mà sự khống chế thế giới của con người đã vượt qua giới hạn làm lộ diện sự tự huỷ diệt, cùng lúc các lý thuyết cực đoan và duy ý chí đã kết trái thành những quả bom thức âm ỉ. Trong tranh của Nam ta thấy có lời phán quyết của “mẹ tự nhiên”, và cả hình ảnh một cuộc tái sinh trên nền của huỷ diệt.

Kể từ trước khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định [Trường Đại Học Mỹ Thuật TP HCM ở quận Bình Thạnh, TP HCM trên đất Gia Định cũ – Văn Việt] năm 2000, Phạm Trần Việt Nam đã vẽ khá nhiều tranh sơn dầu mà không sáng tác đúng ngành anh đã học trong trường đại học là điêu khắc. Nam đã có triển lãm solo ở Sài Gòn và Hà Nội, cùng một số triển lãm nhóm khác. Cùng lúc anh thành lập ban nhạc Giao Chỉ, nhóm nhạc mang phong cách indie rock với đầy cảm thán chính trị, chuyên biểu diễn ngoài luồng với những nhóm khán giả đặc biệt.

Tranh của Nam giai đoạn đầu mang nhiều triết lí và đề tài to tát, như “The Last Supper”, về sự tức giận và phản kháng có hơi hướng bạo lực. Hoà sắc mạnh contrast của ánh kim xanh lè, lửa đỏ cùng ráng vàng từ địa ngục. Vào lúc đó, so với các nghệ sĩ trẻ cùng lứa anh có vẻ như đã đạt được những thành công nhất định.

Nhưng không! Rất nhanh Nam đã tự thất vọng về mình! Anh bỏ vẽ “đi buôn” từ năm 2011, công việc gọi là “buôn bán” thực ra là mở một quán cafe rất lớn tại quận Gò Vấp, Sài Gòn và một quán ăn tại Đà Nẵng, cả hai đều ổn định và tiến triển tốt. Trong mấy năm kể từ lần gặp đầu tiên vào năm 2006, chúng tôi chỉ là bạn nhậu và chia sẻ thông tin nghệ thuật nhưng không đi sâu vào nghệ thuật của nhau và không cùng làm việc.

Một ngày hè năm 2013,

Nam gọi điện từ Sài Gòn có nói đại ý: Em cảm thấy không bỏ được hội hoạ, nhưng lại vẫn ghét cái gọi là hội hoạ mà mình đã từng làm, và hầu hết hình thức hội hoạ hiện đại Việt Nam vào thời điểm đó.

Tôi hỏi: Vậy nếu vẽ lại thì sẽ làm thế nào?

Nam bảo: Không biết, nhưng muốn bôi trát bừa bãi chỉ để thoát ra khỏi trạng thái tinh thần và sinh học đầy mâu thuẫn và bấn bĩ mà thôi.

Tôi bảo: Thế thì tốt quá, làm tới đi, không toa rập gì có khi lại hay!

Ba tháng sau,

Nam lại gọi: Em vừa làm xong một loạt “tranh” em gửi hình anh xem nhé!

Tôi xem hình và book vé bay ngay vào Sài Gòn.

Trước mắt tôi là “cái gì” hoàn toàn khác! Hoà sắc và hình vẫn chút có hơi hướng của series tranh cũ, nhưng tinh thần và cấu trúc thì khác hẳn: Sâu hiểm, kỳ bí, chết chóc, nhưng lại tự tại như chuyện đã rồi. Tranh trước kia thì hằn học và cùng đường, còn tranh “bây giờ” lại thản nhiên và và có phần bay bổng, chúng như một thế giới hoà quyện không mặc cảm của sự sống và cái chết. Trên tường studio đầy những dòng chữ rời rạc và giật cục, đó là sự pha trộn giữa những từ cảm thán và các từ đơn độc nhặt từ triết học và tôn giáo.

Tôi thật vô tình! Lúc đó không biết rằng, sự thành công về kinh tế nhưng lại biệt lập về tinh thần đã dẫn Nam đến bệnh trầm cảm. Hiện tượng muốn bôi trát với màu giống như sự tự điều trị một cách bản năng của con người thời nguyên thuỷ, hay từ tri thức trị liệu của động vật. Nam làm việc như điên, 8 tiếng một ngày và năng lượng dường như ngày càng tăng lên, từ các tranh theo chiều dọc, có bề ngang 178cm và dài từ 2m80 đến hơn 3m. Nhưng sau đó Nam “vẽ” thẳng vào cuộn canvas với nguyên độ dài mà không cắt rời thành từng tranh nữa.

Giữa năm 2014 cuộn canvas đầu tiên kín đặc hình vẽ, lỗ thủng và các nét chỉ thêu, đến khoảng cuối mùa xuân năm 2015 cuộn thứ 2 hoàn thành (cả hai đều có kích thước 178cm x 2000cm).

Thực ra là chúng chưa bao giờ hoàn thành trong tâm tưởng nghệ sĩ! Chỉ vì nguyên cuộn canvas dài nhất cũng chỉ đến mét thứ 20, nên anh phải dừng lại. Và cũng không thể cố ý nối dài vì nó không tự nhiên, cũng như vượt quá độ dài, cân nặng và điều kiện studio và những nơi có thể trải nó ra…

Tôi bay vào Sài Gòn thường xuyên hơn. Dù ở đâu, chúng tôi cũng trao đổi suy nghĩ bằng mọi cách: gọi điện, nhắn tin, viết email, gặp trực tiếp. Vì tranh cỡ lớn và cách làm việc trôi nổi nên cuộn canvas luôn nằm ở trên sàn nhà (chứ không ở trên tường) và thỉnh thoảng chúng tôi cùng làm việc xuyên ngày đêm như kiểu cùng trồng trọt và làm vườn.

Nam “vẽ” mà không có ý đồ bố cục trước, không có nội dung, không có định hướng kỹ thuật hay hình thức. Nam bắt đầu “vẽ” từ góc đầu của tấm canvas, hình vẽ cứ “mọc” ra, nét này/vệt này dẫn đến nét khác/vệt khác, hình hài màu sắc cứ tuột ra, nét mới tương tác với nét cũ, tương tác với mảng trống ở phía trước.

Điều khá hài hước là khi tôi ở xưởng vẽ của Nam thì thỉnh thoảng lại chạy lên gác nhìn xuống tranh theo thói quen “hàn lâm” muốn nhìn thấy toàn cảnh của từng đoạn lớn. Nhưng tác giả của tranh lại không thèm ngắm toàn cảnh các bức tranh, mặc dù – khá kỳ lạ và khó hiểu – là các bức tranh to này vẫn rất “ổn” về bố cục và tổng thể!

Theo sau việc “vẽ” là bước đục thủng canvas, tác giả cũng đục theo thứ tự từ đầu đến cuối tranh, đục liên tục như đã lập trình mà không hề có sự do dự hay cân nhắc, và cũng vì làm việc với tấm canvas quá dài trong một studio quá nhỏ (so với cỡ toan) nên tác giả cũng không thể nhìn toàn cục để cân nhắc tính toán.

Quá trình xảy ra tương tự với việc thêu, tuy nhiên vai trò của thêu có vẻ như bước hoàn thiện cuối có nhiệm vụ làm cân bằng hay bù đắp cho những khu vực được cho là thiếu, lệch hoặc để điểm xuyết…

Trở lại với việc đục thủng mặt “tranh”, khoan chưa nói đến những hiệu ứng thẩm mỹ mà nói đến vấn đề “tâm trạng” hay “tâm lý” của tác giả. Cắt thủng ngoài việc có ý nghĩa “tạo hình” thì về mặt hiện tượng của hành vi cũng có ý nghĩa của sự cắt bỏ, phá bỏ. Ở đây đã tiềm ẩn tâm trạng muốn phá bỏ, một tâm trạng còn phảng phất màu bạo lực, trong khi với một hoạ sĩ thông thường nếu cần xoá đi hay bỏ đi một chi tiết hay khu vực không cần thiết, họ sẽ vẽ lên khu vực đó miếng màu đậm, hay vẽ đè lên trên đó một chi tiết khác…

Tuy nhiên việc cắt thủng không chỉ để loại bỏ một khu vực, một nhóm chi tiết trên mặt “tranh”, mà còn hơn thế nó tạo nên một khoảng trống đồng nghĩa với việc tạo ra một không gian “khác” với bề mặt của “tranh”. Khoảng trống này là “đối tác” hấp dẫn nhưng cũng đầy bất trắc với mặt “tranh” vi nó bắt sáng kiểu khác, nó trưng ra ID của mình theo kiểu khác, và nó thay đổi trạng thái tuỳ thuộc vào không gian quanh nó.

Về hiệu ứng thẩm mỹ, các mảng thủng này đã thay đổi giao diện của tác phẩm tranh thông thường ở dạng 2 chiều (2D) thành ba chiều (3D). Hình thức và tinh thần của bức “tranh” sẽ thay đổi khi các mảng thủng thay đổi độ sáng và màu sắc bởi không gian và vật liệu phía sau tranh. Bản thân những mảng thủng này cũng tạo nên các bóng của nó trên bề mặt nền phía sau bởi khoảng cách và ánh sáng… Như thế là có sự tương tác “sâu” hơn giữa “tranh” và nơi sắp đặt nó, hay “tranh” này đã là loại tác phẩm bán-site specific! Đây là điểm khác biệt giữa “tranh” của Nam với định nghĩa truyền thống về tranh.

Về cách phương tiện để “vẽ”/”bôi” của Nam cũng có phần dị biệt. Anh không hề dùng bất kể một cái bút lông nào. Như thủa ban đầu của người nguyên thuỷ, anh “vẽ” bằng ngón tay là chính, đôi khi kết hợp với tăm bông ngoáy tai! Sự chà sát da tay với màu trực tiếp lên mặt canvas vừa cho anh cảm giác an toàn hơn là gián tiếp và bị “giảm xóc” bởi bút lông, nhưng mặt khác lại cho anh cảm giác phê, nhiều cảm xúc hơn. Về mặt tâm lý, quệt màu bằng tay đáp ứng và thoả mãn được tình trạng đặc biệt của tác giả, năng lượng và cảm xúc tuôn trào, gấp gáp muốn bắt và ghi lại, gấp gáp muốn hữu hình hoá cảm xúc. Tác giả không dùng đến cả pallete để pha màu, mà tay cầm tuýp sơn phun thẳng ra ngón tay hoặc ra mặt toan. Việc dùng bút lông và pallete làm chậm lại, và phiền nhiễu đến mạch cảm xúc, làm quá trình bày tỏ/bộc lộ trở thành bị gián tiếp.

Vào một buổi làm việc cùng vào năm 2016, tôi còn phát hiện ra anh không hề dùng màu trắng, nếu muốn ‘sáng’ và ‘trắng’, anh chùi màu bớt đi tuỳ theo ý muốn. Điều này chỉ có thể đạt được khi vẽ trực tiếp bằng tay, vì nếu vẽ bằng bút lông thì không thể!

Một phương tiện để “vẽ”/”bôi” khác là dao trổ và kéo! Nó không chỉ là để đục thủng “tranh” như đã nhắc đến ở trên, mà cực đoan hơn là để cắt nát những tranh đã hoàn thành!

Vào khoảng cuối năm 2015, Nam bất ngờ cắt nát khoảng hai chục bức tranh trong đám anh vẽ từ những năm đầu đến cả tranh mới sau khi quay lại vẽ vào năm 2013. Chỉ khi đã cắt xong – hay có thể nói là khi “cơn” đã dứt – anh mới gọi điện cho tôi. Lúc đó tôi thật sự sốc, vì trong đám tranh đó có nhiều bức mà tôi thích. Tôi biết Nam là ai, và cố giữ bình tĩnh khi trao đổi, qua đó mù mờ nhận ra có thể không phải mọi thứ đã nát bét như cho vào máy nghiền hay băm ra. Tôi yêu cầu xem hình ảnh đống vụn nát đó… Và đó là những miếng đôi khi có hình dáng, đôi khi “bị” cắt ngang dọc trong thái độ giận dữ. Rất may mắn, tôi vẫn giữ được 8 bức tranh ở giai đoạn đó, vì sau khi triển lãm quốc tế về chúng vẫn còn nằm ở Hà Nội.

Cho đến nay, anh chưa hề giải thích là khi anh cắt nát tranh đã có ý đồ để tái cấu trúc chúng thành tranh khác, hay chỉ quyết định tái cấu trúc sau khi cắt một thời gian. Cái gì đã khích lệ anh tái cấu trúc chúng thành một tranh mới khổ lớn? Tôi cũng không biết có phải vì trong cuộc trao đổi, tôi hơi tỏ thái độ tiếc nuối đám tranh bị cắt, hay sau đó là sự đồng tình với hành vi đó mà không hề chê trách…

Bức “tranh” ghép dán này vô tình/ hay hữu ý tái hiện quá trình phát triển và quan niệm cái gọi là “painting” của Nam từ modern art đến contemporary painting, hay nó là presentation về quá trình hình thành “nguyên thuỷ đương đại” của Phạm Trần Việt Nam.

Ở những bức “tranh” khổ lớn của Phạm Trần Việt Nam nhìn toàn cục là tranh trừu tượng, nhưng hệ sinh thái hình trong đó lại tạo sự liên tưởng đến vạn vật trong tự nhiên mang tinh thần biểu hiện. Nếu ta soi kĩ vào từng chi tiết, chúng chẳng cụ thể là cái gì, nhưng lại luôn cho thấy một sự vận chuyển âm ỉ từ những biến thể manh hình tượng giữa cái chết, sự huỷ diệt với một nỗ lực to lớn của sự trở lại, sự hồi sinh. Tôi tự nhủ: Đây là semi abstract mới đúng!

Trong bài viết, tôi luôn đặt chữ tranh trong ngoặc kép vì thấy phải đặt vấn đề về nghĩa của từ “tranh” ở trường hợp này.

Trước và khi đang “vẽ”, tác giả không hề có ý định “vẽ” để triển lãm, bản thân sự cồng kềnh của kích thước tranh và những tâm sự về tình trạng tâm lý, bệnh lý và sức khoẻ của Nam sau này cũng nói lên điều đó. Rõ ràng loạt “tranh” này sinh ra chỉ vì phần thiên chức ban đầu của nó là bộc lộ và đối thoại với tình trạng tâm sinh lý cuả tác giả, chứ không hề được chuẩn bị cho các bước thông thường sau như triển lãm và xa hơn là bán! Trong giai đoạn từ 2013 đến đầu 2015 tôi đã thất bại trong việc thuyết phục Nam tham gia các triển lãm mà tôi curate. Ngay đến tận năm 2017 tác giả còn từ chối tham gia một triển lãm trong fesstival các tác giả trẻ tổ chức bởi Saatchi Gallery London. Còn cái nhu cầu tác giả chia sẻ và tâm sự với một người khác là tôi, phần vì mối quan hệ bạn nhậu đã lâu, phần vì các ông bố cũng quen nhau từ rất lâu, và chắc còn vì trong tâm trạng biệt lập và trầm cảm Nam cũng cần một chỗ để xả!

Từ năm 2017, tôi bắt đầu để ý đến một hiện trạng mới với yếu tố “triển lãm” len lỏi vào não trạng của nghệ sĩ. Đó là tổng hoà mới giữa các vấn đề của tâm trạng và hành vi của tác giả: Tâm lý/sức khoẻ/hành vi “vẽ”/quan niệm nghệ thuật/nội dung/trách nhiệm của nghệ thuật và nghệ sĩ/trưng bày (ở đây chưa có một từ nữa là “bán tác phẩm” vì tác giả chưa nghĩ đến và chưa hề bán bức nào)

Có sự để ý này là vì từ giữa năm 2015, sau khi đã thuyết phục được Nam đồng ý tham gia các triển lãm do tôi curate, và sau đó chuyến đi dự khai mạc triển lãm tại Thuỵ Điển chắc đã làm Nam thay đổi cái nhìn về hiện tượng “triển lãm”.

Nó không chỉ như khái niệm về triển lãm trước đó tác giả từng nghĩ: “khoe” với công chúng, chờ đợi sự phản hồi từ khán giả và các bài viết, mong mỏi lời khen và ca ngợi, xác lập vị trí trong giới chuyên môn, và hy vọng bán được tranh.

Mà hơn thế: triển lãm là cơ hội nhìn lại tác phẩm của mình trong ngữ cảnh mới / không gian mới / giao diện khán giả và xã hội mới / những cách ứng xử khác của xã hội với tác phẩm và nghệ sĩ / tương quan và mối liên hệ giữa tác phẩm của mình với các tác phẩm của nghệ sĩ khác, ở cùng hay khác địa phương, khác tôn giáo, văn hoá, lứa tuổi, quan điểm nghệ thuật và chính trị…

Qua những hiện tượng và trao đổi, rõ ràng là gần đây Nam đã có những sự thay đổi – tuy còn rất mỏng manh – về cách làm việc và tư duy. Ở bức tranh mới nhất đã thấy được ít nhiều sự chủ động trong hướng phát triển bức tranh, nhỏ hơn là sự tính toán sắp xếp các khu vực, các nhóm hình và đậm nhạt, tức là đã có sự lịch duyệt và định hướng hơn. Và đây liệu có phải là một tín hiệu xấu báo hiệu một giai đoạn khủng hoảng mới. Tôi đã thẳng thắn trò truyện với Nam và anh cũng trung thực (hay thật thà) thú nhận…

Dù thế nào thì đó cũng là quy luật tất yếu, nó hay hay dở còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của tác giả, của người yêu nghệ thuật và giới chuyên môn. Điều đáng mừng là năng lượng làm việc của Nam là không hề thuyên giảm, sau khi bắt tay vào “vẽ” được một lúc thì ta có thể thấy anh trở lại hoang dã và mất kiểm soát như trước!

Dưới đây là một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/ 2017 ở nơi vừa để uống trà vừa là toalet ở xưởng vẽ của Nam:

Trần Lương: Ông có nghĩ là ông đang vẽ tranh không?

Phạm Trần Việt Nam: “Vẽ” với tôi là cách bày tỏ tâm trạng, vì cuộc sống giữa bản thân với gia đình và xã hội có nhiều áp lực, những áp lực đó tự nhiên chuyển hoá thành năng lượng phun lên mặt toan, bằng cách tôi bôi, trát, cấu hết lớp này đến lớp khác, vẽ với tôi như một cách điều trị tâm lý.

TL: Thế nên hành vi “vẽ” này bao gồm cả việc ông đã từng cắt nát một số tranh rồi tác cấu trúc chúng thành tranh mới?

PTVN: Sau một thời gian vẽ được các bức mới, tôi thấy những bức vẽ trước đó chưa có hoàn chỉnh, vì sự chưa hoàn chỉnh đó mà thành động lực để tái sáng tạo ra những bức mới.

TL: Cùng với việc cắt nát tranh cũ, bên cạnh bôi trát đắp lên mặt toan, ông cũng đã đục thủng lấy đi nhiều chi tiết, rồi lại thêu tức là bồi đắp lên lại… vì sao có những hành động đó và xuất phát từ đâu?

PTVN: Những hành động đó nảy sinh vì một thời gian dài làm việc trong studio với tình trạng dị biệt, sự dị biệt đó tạo nên tình trạnh mất mát về tâm lý, phần nào tạo ra sự trễ nải, nên việc cắt thủng như phản ánh sự mất mát. Sau đó thì lại thêu, hay nói cách khác là vá lại như một hành động hàn gắn. Vì khi cắt thủng, đôi khi quá tay làm đứt sự liên kết giữa những mảng toan nên sự vá/thêu xuất hiện, cái sự thêu nó ngược lại hành động cắt phá ra, nó giống như người phụ nữ thêu thùa cần mẫn. Các hành vi này không hề liên quan đến ngôn ngữ của kỹ thuật hay có ý đồ thẩm mỹ cụ thể.

TL: Tại sao tinh thần sáng tạo chung của ông dường như nhiều hành vi nam tính và hơi bạo lực, lại bất ngờ nảy ra sự thêu/vá là hành vi để hàn gắn, cần mẫn, mềm mại và có nhiều chất nữ tính?

PTVN: Trong quá trình làm việc thường thì cảm xúc dâng mạnh và tâm trạng trôi nổi nên nhiều khi hậu quả của hành vi đi hơi xa. Đôi lúc sực tỉnh tôi thấy mình phải bằng cách nào đó chữa hay điều chỉnh lại…

TL: Ông có nói là “vẽ” như sự tự điều trị, vậy sự tự điều chỉnh những điều xảy ra chính là quá trình tự điều trị đó?

PTVN: Đúng như vậy.

TL: Khi tôi thấy ông đang vẽ, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của một con kiến mối khổng lồ đang gặm tấm toan, điều đó với ông ra sao?

PTVN: Tôi không biết! Đó là anh nhìn thấy, nhưng tôi cũng nhận ra có một năng lượng bất thường và âm ỉ phần nào điều khiển tôi.

TL: Ông toàn “vẽ” bằng đầu ngón tay, ông có thể bật mí cách vẽ một chút được không, và liệu những ngón tay của ông có bị mòn đi không?

PTVN: Vẽ bằng đầu ngón tay nhiều sẽ bị trầy và còn bong móng rất đau, khi đau quá thì tôi phải quấn vải dệt kim vào ngón. Quệt mãi rồi các ngón tay cũng thành chai cứng. Khi vẽ bằng đầu ngón tay thì tay tôi chạm trực tiếp vào sơn, chạm trực tiếp lên hình vẽ, tay cảm nhận được độ nóng khi chà xát, sự ăn mòn, độ nóng lạnh tạo cảm giác gần hơn với những gì biểu hiện đang hiện ra mặt toan, ngón tay chạm trực tiếp cũng giúp mình tưởng tượng và phát triển hình tốt hơn.
TL: Ông đã từng trải qua giai đoạn gặp nhiều giấc mơ kỳ dị, ông đã gặp ai? Họ giao tiếp với ông như thế nào?

PTVN: Sau khi ra trường tôi mới có cơ hội đọc và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nhiều hơn, một lịch sử với rất nhiều chiến tranh và nhiều cuộc chia ly. Cùng lúc đó là giai đoạn bị trầm cảm nên đã tác động đến tinh thần tôi với những giấc mơ kì dị, ở đó hay gặp các hồn ma của những con người không quen. Những người không thể trở lại kiếp người hay không được siêu thoát. Tôi có thể bị hoang tưởng khi nghĩ rằng mình là đại sứ đi tìm tiếng nói cho các hồn ma đó.

TL: Về tổng thể khách quan, có thể xếp tranh của ông vào dạng trừu tượng, trong đó hàm chứa cảm thức expressionism, Tuy nhiên tôi thấy rõ hiện tượng của “Việt Nam” là chẳng liên quan gì đến nhận định trên. Tôi không thể nói ngắn được về hiện tượng này thay bằng từ “nguyên thuỷ đương đại”. Nhìn ông tôi thấy cả tôi trong đó vì tôi cũng là họa sĩ, nhưng khi tôi là một mentor tôi lại thấy ông như một đối tượng xã hội đặc biệt cần được hỗ trợ. Mặt ông xanh tái, tinh thần bất định, tăng động ào ạt… Vậy dưới mắt ông, tôi có giống như một “curator” hay không?

PTVN: Bản thân tôi nghe nhiều về curator nhưng thật sự tôi không hiểu kỹ vai trò này. Với anh, tôi coi như một người bạn, một người anh truyền đạt những kiến thức nghề nghiệp mà tôi kiếm khuyết… và ý thức nghề nghiệp, ý thức nghề nghiệp là rất quan trọng! Nhìn chung cả khoảng thời gian tính từ tám năm trước đến nay thì đó là sự hỗ trợ tổng hợp toàn diện, phải nói là như vậy!

TL: Khách quan mà nói, ông đã bao giờ ông coi tôi là cơn ác mộng chưa?

PTVN: Những công việc mà anh đưa ra có những lúc tôi rất stress, và anh thực sự là cơn ác mộng! Dĩ nhiên tính cách và hướng đi là của tôi, nhưng anh đòi hỏi đẩy lên một tần suất cực nét, và tần suất lao động cũng đẩy đến cùng cực. Nhiều lúc tôi cũng nản chí nhưng nghĩ là vượt được qua ngưỡng nào đó là vượt được qua chính mình.

TL: Ông nghĩ gì về vai trò của một nghệ sĩ và vai trò của một công dân? Có những mâu thuẫn nào giữa hai vai trò đó?

PTVN: Tôi nghĩ nhiều! Bản thân là một nghệ sĩ nhưng cũng là một người dân thường, nếu chỉ phóng tưởng mãi thì con người nghệ sĩ không đủ sức và sẽ bị đuối đi. Trước hiện trạng xã hội và những điều trần ai trước mắt, dưới sự quan sát của vai trò và trách nhiệm công dân, sẽ rút ra rất nhiều bài học xã hội và đạo đức, cung cấp những cách nhìn, cảm xúc và chất liệu cho con người nghệ sĩ. Hai con người đó là một cặp tương hỗ!

Đến đây thì trời mưa nhỏ, cuộc trò chuyện tạm chấm dứt.

Thời tiết toàn cầu những năm gần đây có rất nhiều đảo lộn, ca dao tục ngữ không còn chính xác để người làm nông trông vào. Nhưng ngay lúc tôi ngồi hoàn thành bài viết này ở Hà Nội lại bất ngờ có mưa và gió lớn.

Thật may mắn, đợt rét cuối cùng của mùa đông rồi cũng quay trở lại!

4/2018

Trần Lương

Thân-thần 1

Thân-thần2

Thân-thần 3

Thân-thần 4

Phạm Trần Việt Nam

Phạm Trần Việt Nam

Phạm Trần Việt Nam và Trần Lương

Phạm Trần Việt Nam và Trần Lương

Comments are closed.