Về quyền tự do ngôn luận liệu gắn liền với nhóm lợi ích? *

Ánh Liên

Khi nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn gặp vấn đề tại sân bay Tân Sơn Nhất và bị người bên Cục Chống phản động làm việc, câu hỏi đặt ra là: quyền tự do ngôn luận tại Việt nam phải được diễn dịch theo cách nào?

Nếu căn cứ theo Hiến pháp và pháp luật quy định, thì quyền tự do ngôn luận bị hạn chế khi nó xâm hại đến lợi ích cộng đồng và an ninh quốc gia. Nhưng nếu căn cứ vào thực tế, thì quyền tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế nếu nó làm suy giảm quyền lực của chính ĐCSVN.

Hệ sinh thái của Vingroup vẫn đang trong quá trình bổ sung và tiếp tục mở rộng.

Và giờ đây, qua bài tường thuật lại câu chuyện làm việc với nhân viên Bộ Công an Việt Nam của nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, thì giờ đây quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế bởi xâm phạm nhóm lợi ích thân hữu.

‘Tôi thấy ngạc nhiên khi A67 yêu cầu tôi xoá những bài gần đây, đặc biệt là những bài có liên quan tới tập đoàn Vingroup. Tôi có đề nghị họ đưa ra căn cứ pháp lý của yêu cầu này nhưng họ từ chối trả lời, chỉ bảo rằng đấy là cách để tôi bày tỏ thiện chí với họ. Thực lòng mà nói đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao họ lại yêu cầu như thế,’ ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ với BBC tiếng Việt.

Hệ sinh thái chi phối đời sống kinh tế – chính trị?

Thực tế cho thấy, quyền tự do ngôn luận tại Việt nam phụ thuộc vào cách thức chính quyền nhìn nhận nó như thế nào. Và hiện nay, quyền ngôn luận gắn với câu nói ‘theo Hiến pháp, pháp luật’, tuy nhiên, tính chất pháp lý cũng không được hiểu một cách rõ rang câu chữ như trong luật vạch định, mà nó lại phụ thuộc của sự phán xét từ phía Nhà nước.

Nếu quyền tự do ngôn luận là chữ O thì nó là chữ O.

Câu chuyện của Nguyễn Anh Tuấn trở nên phức tạp hơn khi nó phản ánh những sai phạm liên quan đến tập đoàn Vingroup. Một tập đoàn đang tạo một hệ sinh thái khổng lồ và len lỏi trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội Việt nam.

Vingroup gắn với ông Phạm Nhật Vượng – người xây dựng đế chế này trở nên bất khả xâm phạm, ban xử lý khủng hoảng truyền thông của tập đoàn này hoạt động khá tốt trong mọi lĩnh vực, kể cả những tai nạn chết người xảy ra trong các công trình thuộc tập đoàn hay các vấn đề khiếm khuyết nảy sinh trong quá trình tồn tại và vận động ở hệ sinh thái của tập đoàn. Mọi thông tin bất lợi đều sẽ được bịt kín. Và dường như, Vingroup đã trở thành một hệ Ban tuyên giáo thực sự.

Vấn đề là, Vingroup lại liên hệ mật thiết với chính quyền, và từ đây đã trở thành một mối quan hệ mang tính thân hữu, lợi ích – chi phối hoạt động chính trị – kinh tế trong cả nước.

Mối quan hệ thân hữu giữa Vingroup và chính quyền tại Việt nam không mới lạ, bản thân nó hiện diện trong các hệ chính quyền mà sự minh bạch trở thành xa xỉ. Từ nhóm mafia ở Đông Âu, Nga, cho đến Trung Quốc, Việt nam,… Có thể liên hệ mối quan hệ giữa Vingroup với chính quyền như  cách mà nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc miêu tả về mối quan hệ chủ nghĩa tư bản và giai cấp vô sản: Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi còn lại kia sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra.

Nếu thay cụm từ ‘chủ nghĩa tư bản’ thành chủ nghĩa thân hữu (hay tư bản đỏ); cụm từ ‘giai cấp vô sản’ thành quyền lợi kinh tế – chính trị – xã hội cộng đồng, thì có thể hình dung được rõ ràng mối quan hệ hiện nay giữa Vingroup với chính quyền như thế nào.

Câu hỏi là, trong môi trường chính trị Việt nam hiện nay, ai có thể chứng minh được mối quan hệ giữa Vingroup và nhà nước đến đâu? Câu trả lời là, người ta nhận diện được điều đó qua cách thức tồn tại của Vingroup trong nhà nước hay nhà nước trong Vingroup.

Mới đây nhất, một trang tin đã đăng tải nội dung về việc: tập đoàn nào chiếm hữu đất vàng nhiều ở thủ đô. Kết quả đã cho thấy, Vingroup lại một lần nữa được réo tên gọi. Và trong một sự kiện khác, ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: Tất cả dự án có ‘đất vàng’ đều lọt tầm ngắm thanh tra.

Diễn biến câu chuyện ‘đất vàng’ (nguồn lợi cộng đồng do nhà nước quản lý) lọt vào tay một nhóm người có quyền và tiền cũng chính là biểu hiện ‘con đỉa’ nêu trên. Nếu ai đòi minh bạch con đĩa, lập tức tội xâm phạm an ninh quốc gia, phản bội tổ quốc sẽ áp đặt lên họ.

Câu chuyện tiếp theo diễn ra là những lợi ích thiết thân đó sẽ được biến tấu như thế nào? Câu trả lời là nó sẽ biến tấu theo cách thức mà tập đoàn kinh tế chịu chi cho nền kinh tế. Chừng nào nền kinh tế còn được đỡ bởi các trụ cột kinh tế như Vingroup, chừng đó mối liên hệ giữa hai bên là không thể bác bỏ.

Nhưng việc kết nối giữa Vingroup với chính quyền hay các nhóm kinh tế lớn với nhà nước có bất lợi ra sao?

Đó là sự chi phí, lũng đoạn nền kinh tế. Nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước chiếm đoạt một cách công khai của công của cộng đồng để phụng dưỡng các tập đoàn kinh tế, và ngược lại, các tập đoàn kinh tế sử dụng quyền lực kinh tế của mình để cấp hoạt động cho một số người, một nhóm người mà truyền thông vừa qua đã gọi đó là nhóm lợi ích.

Không đâu xa, khi mới đây, Vingroup và nhiều tập đoàn lớn khác đã biến Thủ thiêm từ Trung tâm hành chính mới của Tp. HCM, trở thành một nơi đắc địa để đầu cơ đất. Kết quả của nó là hang vạn người dân bị tống khứ ra khỏi đất/ nhà của họ một cách thô bạo và không có tính pháp lý. Và đằng sau đó, là nhóm người đại diện cho lãnh đạo cao nhất của thành phố,…

Chống ai và ai chống?

Vì Vingroup là một hệ sinh thái chứa đựng và biến tấu xử lý truyền thông theo cách thức của Ban Tuyên giáo, nên khi nhóm lợi ích chưa bị va chạm, mối quan hệ giữa chính quyền và các nhóm kinh tế chưa bị tan vỡ thì chừng đó, tính thiết thân vẫn duy trì, và nền báo chí, thanh tra, kiểm tra của nhà nước rơi vào im lặng. Thậm có, có một lúc, chính các nhóm lợi ích bao gồm tập đoàn kinh tế và giới chính trị gia cũng sẽ bảo hộ cho quyền tự do ngôn luận của một số người nhằm biến họ/ tổ chức trở thành vai cánh, phục vụ cho truyền thông lợi ích.

Do đó, vai trò của nhóm độc lập, bao gồm blogger, nhà báo, nhà điều tra,… đã trở thành một yếu tố để đảm nhiệm bảo vệ tính quyền lợi cộng đồng và cho thấy rõ tính nhóm lợi ích thiết thân đã biến chuyển theo chiều hướng nào. Và những gì đang diễn ra với nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chỉ chứng tỏ cho thấy rằng, mối quan hệ chính quyền thiết thân ra sao, khi huy động được cả cơ quan quyền lực để dập tắt những quan điểm – ý kiến trái chiều về một tập đoàn kinh tế. Nói cách khác, tập đoàn kinh tế đã thành công trong việc buộc nhà nước sử dụng quyền lực của mình một cách sai trái để chống lại cộng đồng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về vấn đề được nêu – Nội dung bài viết được bảo hộ bởi Điều 19 (Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền).

Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2018/05/vntb-ve-quyen-tu-do-ngon-luan-lieu-gan.html

Comments are closed.