Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam (kỳ 9): Ngọc Bích & Xuân Tiên: Chờ Một Kiếp Ma

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Chờ Một Kiếp Mai -Sáng tác: Ngọc Bích & Xuân Tiên

Trình bày: Khánh Ly


Video:

Phụ Lục:

Nghe Thêm: Hoài Nam – 70 Năm Tình ca – Ngọc Bích-Xuân Tiên

Đọc thêm:

Mộng Chiều Xuân – Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Ngọc Bích
Trần Viết Minh-Thanh

(Nguồn: Dactrung.com)

clip_image006

Một luồng gió lạnh bất ngờ tới quận Cam… Gió thổi hiu hắt, lạnh lùng, mưa rơi từng hạt lấm tấm, làm chiều tưởng nhớ Ngọc Bích mang âm hưởng của những ngày cuối năm. Mọi người đi vội từ khu đậu xe vào nhà hàng Emerald Bay, lòng có đôi chút chùng xuống… Phần đông khán giả tham dự Chiều Ngọc Bích là thân hữu của nhạc sĩ, như lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhưng cũng có các bác tới vì muốn được sống lại trong giây phút thời tình tứ, với nhạc lãng mạn, nhạc của thuở ban đầu tạo nên nền Âm Nhạc Việt Nam, còn gọi là Tân Nhạc.
Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ
Mối tình đầu xuân ai thấu chăng?
Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân”
Lời hát này nghe quen thuộc quá phải không các bạn trẻ? Hẳn rồi, vì cứ độ xuân về ta lại nghe từ đài phát thanh, hay thỉnh thoảng cũng từ dĩa hát của ông bô bà bô. Bài hát quen thuộc đó là bài: “Mộng Chiều Xuân” của Nhạc Sĩ Ngọc Bích, viết từ đầu thập niên 50, cũng như phần đông những bài hát nổi tiếng của ông. Đó là các bản: “Khúc nhạc chiều Mơ, Thiếu Nữ trên Mây Ngàn, Con đò đưa Xác, Thuở Trăng Về, Đêm Trăng Xuân, Bến Đàn Xuân, Đôi Chim Giang Hồ…”
Mộng Chiều Xuân cũng là tựa “Chiều Nhớ Ngọc Bích”, một chương trình nhạc về một người Nhạc Sĩ đã đến với âm nhạc Việt Nam từ thuở đầu. Xen kẽ giữa những bài hát của Ngọc Bích, là những lời tâm tình của các nhạc sĩ lão thành, đã sống, làm việc và quen biết Nhạc Sĩ Ngọc Bích trong một thời gian dài, từ thời kháng chiến cho đến những năm tháng sống tại quê người. Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, có lẽ là người thân quen Nhạc Sĩ Ngọc Bích lâu nhất, từ thời hai người còn học lớp ba, thuở còn tắm sông, rảy mựt vào người nhau. Thân sinh ra Nhạc Sĩ Ngọc Bích là cụ Đốc Thú Y Nguyễn Huy Bằng, là người có biệt tài sử dụng đủ loại nhạc cổ truyền như đàn bầu, đàn thập lục, tỳ bà… Những lúc bố đi vắng, Nhạc sĩ Ngọc Bích cũng đem các đàn của bố ra đánh cho bạn bè nghe. Sau đó nhạc sĩ Nguyễn Hiền lại học nhạc chung với nhạc sĩ Ngọc Bích.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nhạc sĩ Ngọc Bích là tác giả bài hát nổi tiếng “Say Chiến Công”, để khuyến khích tinh thần chiến đấu, danh từ “Bà già giết giặc” cũng từ một bài hát kháng chiến thời đó, do Nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác. Nhạc Sĩ vào Nam sớm, và tiếp tục sinh hoạt cho đến khi qua Mỹ. Nhạc Sĩ Ngọc Bích là tác giả bài hát “Vinh Danh Ngô Tổng Thống”, mà ít người biết đến.
Ban nhạc The Star Band họp nhau tổ chức buổi tưởng niệm Mộng Chiều Xuân, nhạc Ngọc Bích, cũng là dịp giỗ 100 ngày của Nhạc Sĩ, tuy không là thành viên chính thức, nhưng đã tham dự rất nhiều trong các buổi trình diễn của ban nhạc. Ban nhạc “The Star Band” đặc biệt lắm! Các nhạc công gồm có Lão, Trung và Thanh niên. Các bậc lão thành gồm có N. S. Nguyễn Hiền (chơi accordeon), N. S. Trần Trịnh (Electric keyboard), N. S. Quang Anh (keyboard), các ông trung niên là N. S. Phạm Gia Cổn (chơi saxophone, clarinet), N. S. Lý Văn Quý (lead guitar), Nguyễn Đức Trịnh (drum), và những thanh niên rất trẻ, Bách Tùng con trai của nhạc sĩ Trần Trịnh (trumpet), Deanna (trumpet), em Tina Huỳnh (flute, tenor sax), Kim Chi (clarinet), Kim Ngân (trombone). Hai em là cháu ngoại của Thầy Phạm Biểu Tâm. Các thành phần thuộc ba lứa tuổi khác nhau, mà làm việc chung được với nhau, thật là một thành tích đáng được đề cao! Để bắt đầu chương trình ban nhạc Star Band hòa tấu bài “Mộng Chiều Xuân” nghe rất du dương, êm ái.
Phải nói là chương trình có không khí thân mật, đầm ấm nhờ tài ăn nói hoạt bát của bác sĩ Phạm Gia Cổn, cô MC duyên dáng Hồng Vân, và nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường. Phần nhạc đơn ca và song ca, gồm nhiều tiếng hát tài tử hơn là các ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng đây là những tiếng hát đầy nhiệt thành, tập dượt công phu. Nhạc của Ngọc Bích thật lãng mạn, êm tai, nhẹ nhàng, là một đóng góp cho nhạc trữ tình VN, thuở 50, 60, một thoáng Frank Sinatra, Tony Bennett, với dàn nhạc đệm có rất nhiều loại kèn khác nhau. Có những bản hát của Ngọc Bích nghe xa xưa lắm, nhưng có bản thân quen vô cùng. Tỷ như bản “Chờ một kiếp mai”, Ngọc Bích sáng tác cùng với Xuân Tiên, đã được hai ca sĩ của Ngàn Khơi, B.S. Nguyễn thị Nhuận và Vương Lan đồng ca.
Mt chiều ngoài trời u ám, mưa rơi hiu hắt lắng mơ hình bóng, xót xa ngân trong cung đàn, ngày vui năm xưa đâu còn?
Rồi một ngày nào xa nhau hẹn cùng trăng nước nhớ câu nguyện ước, nhớ khi chia tay đôi đường lòng còn vương vấn…
Ca sĩ tài tử cũng là một giọng ca của Ngàn Khơi, Bác Sĩ Vương Đức Hậu đã mở đầu với nhạc khúc “Bến Nhạc Lòng”, B. S. Phạm Gia Nghị giọng mạnh, rất có triển vọng, hát bản “Khúc Nhạc chiều Mơ”, ca sĩ Duy Anh, tức nhạc sĩ Lý văn Quý của Star Band đóng góp với bản “Đôi Chim Giang Hồ”, một bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cho là hay nhất của N. S. Ngọc Bích. Ca sĩ Kim Tước đã hát bản “Giấc Mơ Ngàn”, Lệ Thu vừa từ phi trường tới đã hát bản “Khúc Nhạc Tương Tư”, Quỳnh Giao với hai bản “Thuở Trăng Về” và “Xuân Nhớ Chiến Sĩ”, Mỹ Thúy với “Lời Hẹn Xưa”. Luật sư Michelle Mai Nguyễn hát một bản của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Lá Thư Mùa Xuân) rất tới, và cô ca sĩ dễ thương Thanh Mai hát một bài của N. S. Trần Trịnh (Tiếng Hát Nửa Vời). MC nhạc Sĩ và cũng là bác sĩ Nguyễn Đức Cường trình bày một bản hát do chính mình sáng tác. Hai ông bác sĩ Hậu và Nghị song ca bản “Hương Tình” để chấm dứt chương trình. Có sự đóng góp đặc biệt của ban Cổ nhạc Lạc Hồng, gồm các thành viên rất trẻ tuổi, chơi những nhạc cụ cổ truyền VN, đàn tỳ ba, đàn tranh, sáo. Các em hòa tấu bản “Mơ về Sông Hương” cũng của N. S. Ngọc Bích.
Bản Giấc Mơ Ngàn sáng tác cùng với Nhạc Sĩ Phạm Duy từ năm 1951, mà N. S. Phạm Duy cũng đã quên, cho đến N. S. được xem tập nhạc “Mộng chiều Xuân”, phát hành để gây quỹ, trang trải lệ phí cho Chiều nhạc tưởng niệm, ông mới sực nhớ ra! Và thế là khán giả bỗng dưng được nghe một câu chuyện lý thú từ Bố Già. Nhạc Sĩ Phạm Duy bước lên diễn đàn, với nụ cười hóm hỉnh trên khuôn mặt. Ông cho biết xuất xứ của bản “Giấc Mơ Ngàn”. Nhạc sĩ Ngọc Bích viết bản này vì đang yêu một cô gái có tên là Thái Hằng, nhưng lúc đó N. S. Phạm Duy cũng không biết, sau khi bản nhạc ra đời, thì là N. S. Phạm Duy đã rước được người đẹp Thái Hằng về xây đắp “Bến Xuân”. N. S. Phạm Duy cũng bày tỏ tâm sự, nói lên vai trò đóng góp của ông, cũng như của mọi người hải ngoại khi có những buổi tưởng niệm như thế này: Đó là vai trò “conserver” – cũng giống như từ “conservatoire” – tức là “gìn giữ” lịch sử âm nhạc VN. Nếu người Việt hải ngoại không làm, thì không ai làm cả, chắc chắn là VN hiện nay sẽ cố tình quên một nhạc sĩ như Ngọc Bích.
Nhạc sĩ Lữ Liên người bé nhỏ, rất tiếu lâm, không hổ danh là người đã đẻ ra những bản nhạc AVT bất hủ. Nhạc Sĩ Lữ Liên nhắc nhở thời gian qua Mỹ, đã cùng nhạc sĩ Ngọc Bích đi đánh đàn, lập ban nhạc AVT Hải Ngoại gồm Lữ Liên, Ngọc Bích, Vũ Huyến. Gần nhầt là lần đi trình hội chợ tết Nguyên Đán của cộng đồng, mấy ông bô lão phải xách đàn vào cổng hội chợ thật xa, may mà kiếm được xe đẩy hàng của siêu thị, chứ ông nào cũng xanh lè mặt cả rồi. Được nghe N. S. Lữ Liên nhắc nhở kỷ niệm này, lòng tôi xao xuyên, nghĩ đến các ông nhạc sĩ già đã bỏ công đi đánh nhạc cho Cộng Đồng và lũ trẻ nghe, mà nhiều khi vô tình chúng ta không để ý đến. Nhạc sĩ Lữ Liên có khuyên ông bạn già của mình nên kiếm một “bà già cỡ bà già giết giặc” để nâng khăn sửa túi, thôi chớ mơ mộng một “dáng huyền” nữa. Dáng huyền là người đẹp trong lời nhạc Ngọc Bích. Rất tiếc nhạc sĩ Ngọc Bích đã ra đi mà không thực hiện được lời khuyên của ông bạn hay bông đùa Lữ Liên.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả bản “Nắng Chiều” cũng có nói đôi lời nhớ lại về ông bạn Ngọc Bích của mình, nhất là những ngày cuối trên giường bệnh.
Đối với người viết bài này chắc có lẽ điều thích thú nhất là được xem sự hòa hợp giữa Đông Âu, giữa đàn dây violin, cò Tây và đàn cò VN. Các nhạc sĩ lão thành hoà tấu hai bản nổi tiếng quốc tế, bản Le Beau Danube (Giòng Sông Xanh) và bản La Paloma. Nhạc Sĩ Lữ Liên đã xử dụng đàn cò, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đàn accordeon, nhạc sĩ Nguyễn Đức Lưu đàn violin, nhạc sĩ Trần Trịnh đánh đàn piano điện. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lưu gọi đó là ban nhạc Ráp. Đợi tiếng cười ồ của khán giả ngưng, N. S tiếp: Ráp đây khg có nghĩa là Ráp của nhạc Mỹ, mà Ráp là “Nối Lại”. Ráp lại với nhau mà chơi nhạc. Khi còn tại thế, nhạc sĩ Ngọc Bích là một thành viên của ban nhạc, nhưng ông đã ra đi, nên nhạc sĩ Trần Trịnh thế vào. Đúng nghĩa quá thể!
Người viết bài này được sinh ra sau khi Nhạc Ngọc Bích ra đời. Tham dự Nhạc Ngọc Bích không vì tưởng nhớ thời lãng mạn, nhưng vì tò mò, muốn học hỏi, tìm hiểu lịch sử âm nhạc Việt Nam. Không bỏ công đến, vì những khám phá về Ngọc Bích, những câu chuyện vui bên lề thật lý thú, và cũng biết thêm được một khía cạnh sinh hoạt âm nhạc của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Một Chiều Xuân, 2001
Trần Viết Minh Thanh

Nhạc sĩ Xuân Tiên

clip_image007

Xuân Tiên sinh ngày 28-1-1921 tại Hà Nội. Là em của nhạc sĩ Xuân Lôi.
Năm 6 tuổi bắt đầu học nhạc với cha. Từng theo cha chu du sang Campuchia để sau này viết bài Hận Đồ Bàn nổi tiếng.
Năm 1952 cả gia đình ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến 30/4/1975.
Năm 1986 được bảo lãnh sang Úc và sống ở Sydney từ đó cho đến nay.
Chữ nghĩa nghe dễ sợ.
Viết về Xuân Tiên nhiều người đã dùng tiếng “cụ”.
Nhớ lại cách đây chẳng bao lâu, cứ ở tuổi ngoài 50 một chút người ta đã gọi nhau bằng “cụ” rồi.
Cái khoảng cách giữa hai tiếng “cụ” ấy là 30 năm.
Vậy mà 30 năm sau, gọi bằng “cụ” một người thường 30 năm trước đã được gọi bằng “cụ” rồi, người ta vẫn thấy có vẻ hơi sớm!
Ðiều ấy chứng tỏ tuổi thọ trung bình của người ta đã tăng khá nhiều.
Xuân Tiên thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên của chúng ta, và, theo đúng như chữ dùng của ông, được “rèn luyện kỹ năng sử dụng nhạc cụ và kiến thức nhạc học” một cách cẩn thận.
Ông học cả nhạc lý Tây Phương lẫn Trung Hoa.
Ông sử dụng được rất nhiều nhạc khí, đặc biệt là kèn clarinet, saxophone, flute, trumpet, guitar, violin… và hầu hết các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam Bốt.
Xuân Tiên cùng bào huynh là nhạc sĩ Xuân Lôi cải tiến sáo tre thành hai loại 10 lỗ và 13 lỗ, có khả năng bao gồm nhiều âm giai khác nhau, kể cả âm giai di chuyển. Hai loại sáo này hiện được tàng trữ tại Musee de l’Homme, Paris, Pháp.
Ông cũng sáng chế ra cây đàn 60 dây có khả năng bao gồm tất cả các âm giai. Cách trình tấu tương tự như cây đàn tranh nhưng tay phải để khảy giai điệu còn tay trái để đệm hợp âm.
Còn cây đàn bầu đã được ông cải tiến với trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Ðàn này đã được đem ra trình tấu nhiều lần ở Úc Ðại Lợi và được gọi là đàn bầu Xuân Tiên.
Xuân Tiên sáng tác khá nhiều ca khúc.
Những ca khúc phổ thông nhất của ông là các bản: “Chờ Một Kiếp Mai”, “Khúc Hát Ân Tình”, “Hận Ðồ Bàn”, “Về Dưới Mái Nhà”, “Duyên Tình”, v.v.
Trừ bài “Chờ Một Kiếp Mai” một sáng tác chung với Ngọc Bích, viết theo thể điệu tango có một chút âm hưởng gì đó của nhạc mới, nhạc Tây Phương, tất cả các ca khúc còn lại của Xuân Tiên đều được viết trên cái nền ngũ cung của nhạc cổ truyền dân tộc. Vì vậy, dù ông khai triển thế nào, nhạc ông vẫn giữ được vẻ thuần nhất và rất Việt Nam.

(Trích: Xuân Tiên – yeunhacvang.com)

Comments are closed.