Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 10)

Hoàng Tuấn Công

C. GIẢNG SAI TỪ NGỮ HÁN-VIỆT

THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ GỐC HÁN

Các sách Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân mang đậm dấu ấn cùng tác giả. Đó là: dịch sai, hiểu sai nhiều từ Hán-Việt và thành ngữ, tục ngữ Việt gốc Hán.

○ “bách phát bách trúng (Trăm phát trúng cả trăm) Ý nói: Có tài, đã làm việc gì thì thành công mỹ mãn”.

Giải thích chung chung và không đúng về cách dùng. Thành ngữ Bách phát bách trúng 百發百中, xuất phát từ tích thiện xạ Dưỡng Do Cơ nước Sở thời Chiến Quốc (Xuân Thu), đứng cách lá cây dương liễu một trăm bước, dương cung bắn, bách phát bách trúng [thế nên còn có dị bản: Bách bộ xuyên dương – 百步穿楊]. Thành ngữ vốn nói đến tài bắn giỏi, sau mở rộng, có thể dùng trong các trường hợp mà động tác người thực hiện có tỉ lệ chính xác cao: ném trúng, đánh trúng, phóng trúng... mục tiêu. Đâu phải cứ “có tài”, làm việc gì “thành công mỹ mãn là có thể vận dụng được thành ngữ “Bách phát bách trúng? Ví dụ, một người có tài tạc tượng, cái nào cũng đẹp, đâu có gọi là “Bách phát bách trúng” được?

Tham khảo: Thời Xuân Thu có hai thiện xạ nổi tiếng là Dưỡng Do Cơ và Phiên Đảng. Một lần, Dưỡng Do Cơ thấy Phiên Đảng bắn ba mũi tên đều trúng hồng tâm, bèn nói: “Bắn như thế chẳng có gì khó. Ta có thể bách bộ xuyên dương”. Nói đoạn, cho người dùng màu đen đánh dấu lên một cái lá dương liễu. Do Cơ đứng cách xa trăm bước, bắn tên xuyên thủng lá dương liễu đã đánh dấu. Phiên Đảng chưa phục, chọn 3 lá cao thấp khác nhau, đánh thứ tự 1,2,3, thế nhưng Do Cơ vẫn lần lượt bắn không trượt mũi tên nào.

○ “bách tuế vi kỳ Nói cuộc đời của người ta (Thực ra hiện nay có nhiều người sống quá một trăm tuổi)”.

Bách tuế vi kỳ” 百歲為期 chỉ mang tính ước lệ, không phải quy định kỳ hạn tuổi tác của con người đến 100 tuổi là phải chết (“Sinh hữu hạn, tử bất kỳ là vậy). Bởi là con số ước lệ, nên dân gian còn gọi khi chết là “trăm tuổi”, cho dù người này có thể thọ 80-90 hoặc hơn 100 tuổi. Việc GS Nguyễn Lân cải chính “thực ra hiện nay có nhiều người sống quá trăm tuổi”, để bắt bẻ dân gian là không hiểu cách nói của dân gian, và có thể khiến người đọc hiểu sai nội dung, ý nghĩa thành ngữ.

○ “bán tự vi sư (Nửa chữ cũng là thầy) Nói đến tình nghĩa cao cả giữa thầy và trò”.

Thực tế không có ông thầy nào kể công lao hoặc tự nhận, tự xưng Bán tự vi sư 半字為師 – “Nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, không thể hiểu tục ngữ này nói lên tình nghĩa của đôi bên, cụ thể là “giữa thầy và trò”. Ngược lại, tục ngữ chỉ nhằm mục đích tôn xưng, vinh danh nghề thầy, công lao dạy giỗ của thầy, sự biết ơn của trò đối với thầy học mà thôi. [Tục ngữ Hán gần nghĩa: “Một ngày là thầy, suốt đời xem như cha – Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ – 一日爲師終身爲父”]. Cũng cần nói thêm, câu tục ngữ dân gian phải đầy đủ là: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), nghĩa là dù học nhiều hay học ít, dạy nhiều hay dạy ít đều đáng quý trọng, đáng tôn xưng là thầy. Trong đời sống, người ta có thể nói tắt là “Bán tự vi sư”, nhưng với người biên soạn từ điển thì không nên cắt đi một nửa vế đầu, khiến câu tục ngữ trở nên què cụt, thiếu nghĩa.

Tham khảo: Nhà sư Tề Kỉ (đời Đường) làm bài “Tảo Mai – 早梅 – Hoa mai nở sớm, có câu: Vạn mộc đống dục chiết, Cô căn noãn độc hồi. Tiền thôn thâm tuyết lý, Tạc dạ sổ chi khai – Tạm dịch: Vạn cây băng giá chết, Mình cội ấm xuân về, Đầu thôn ngập tuyết trắng, Mấy cành đêm nở hoa… (萬木凍欲折, 孤根暖獨迴. 前村深雪裏, 昨夜數枝開…). Tề Kỉ nhờ Trịnh Cốc (cũng là một tài thơ đời Đường) chỉ giáo. Trịnh Cốc nhận xét: “數枝非早也, 未若一枝佳Sổ chi phi tảo dã, vị nhược nhất chi giai (Có tới mấy cành không thể gọi là sớm, chưa hay bằng một cành). Thế là Trịnh Cốc chỉ đổi một chữ (sổmấy, thành nhấtmột) mà toát lên thần thái của toàn bài thơ! Sư Tề Kỉ mới sửa thành: Tạc dạ nhất chi khai (昨夜一枝開 – Một cành đêm nở hoa), và xem Trịnh Cốc là Nhất tự sư 一字師 – Thầy dạy một chữ.

○ “bất học diện tường (Nghĩa đen: không có học như đứng trước bức tường). Chê những người dốt nát không chịu học hành”.

Bất học diện tường” 不學面墻, không phải chê “người dốt nát, không chịu học hành”, mà nhằm đề cao sự học, tầm quan trọng của học hành nói chung.

Có những chữ quan trọng trong câu bị GS bỏ qua khi dịch nghĩa, giải thích, làm mất đi cái hay, cái đẹp, hoặc khiến bản chất thành ngữ, tục ngữ bị thay đổi:

○ “bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử (Không vào hang hùm, không bắt được cọp) Ý nói: phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó”.

GS Nguyễn Lân đã không dịch chữ “tử” 子, trong “hổ tử” 虎子, nên diễn giải thành: “không vào hang hùm, không bắt được cọp”. Nhưng nếu chỉ cần “bắt cọp” nói chung, cần gì phải vào tận hang hổ? Phải là bắt hổ con (hổ tử – 虎子) mới chính xác! Hổ con chưa rời hang ổ, chưa tự đi kiếm ăn, đang nằm dưới sự nuôi nấng, bảo vệ của hổ mẹ, nên phải vào tận sào huyệt mới bắt được chúng. Mặt khác, khi đang nuôi con chính là lúc bản năng hổ mẹ [cũng như nhiều loài vật khác nói chung] hung dữ nhất, sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù để bảo vệ con. Do đó, việc bắt hổ con ngay trên lãnh địa, hang ổ của chúng là việc muôn phần nguy hiểm!

Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử – 不入虎穴不得虎子” nghĩa là: Không vào hang hổ, không thể bắt được hổ con. Ý nói công việc tuy rất mạo hiểm, nhưng nếu muốn đạt được mục đích, thì không có cách lựa chọn nào khác. Đây còn là một kế sách. [Dị bản: Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử – 不入虎穴焉得虎子 – Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con].

Tham khảo: Thời Hán Minh đế, triều đình sai Ban Siêu đi sứ Tây Vực (nay là vùng Tân Cương, Cam Túc) để liên hiệp với các nước vùng Tây Vực cùng nhau chống Hung Nô xâm lược. Ban Siêu đến nước Thiện Thiện, lúc đầu được quốc vương nước này ân cần tiếp đón, thái độ hữu hảo. Nhưng được mấy hôm, thái độ của quốc vương thay đổi hẳn, tỏ ra lạnh nhạt với phái đoàn của Ban Siêu. Ban Siêu đoán có thể Hung Nô cũng phái sứ giả đến xúi giục nước Thiện Thiện chống lại Hán. Về sau, thăm dò quả đúng như vậy. Phái đoàn nhà Hán bàn cách đối phó, Ban Siêu nói với những người cùng đi: “Không vào hang cọp, sao bắt được cọp con, bây giờ đành phải đến chỗ bọn sứ giả Hung Nô giết chết bọn chúng, làm cho quốc vương nước Thiện Thiện khiếp sợ thì mới đạt được mục đích.” Thế là đêm khuya, Ban Siêu dẫn 36 người tập kích vào trại Hung Nô tiêu diệt hơn 100 tên. Hành động quả cảm này làm cho quốc vương nước Thiện Thiện kinh hãi, không dám ăn ở hai lòng, cùng triều Hán thiết lập quan hệ hữu hảo (Hậu Hán thư: Ban Siêu truyện). Đời sau dùng thành ngữ này để nói không hạ quyết tâm lao vào hiểm nguy thì sự việc sẽ không thành công. (Từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc).

○ “bóng câu qua cửa sổ (Câu là con ngựa) Ý nói: Thời gian đi nhanh quá”.

Giải thích “câu là con ngựa” chưa rõ, chưa chính xác. Nguyên câu thành ngữ gốc Hán là Bạch câu quá khích – 白駒過隙 nghĩa đầy đủ là: Bóng con ngựa sắc trắng đương kỳ sung sức vút qua khe hở tường vách. Trong tiếng Hán, “” 馬 là ngựa, “câu” 駒 cũng là ngựa, nhưng tại sao thành ngữ không dùng từ “bạch mã” mà lại dùng “bạch câu”? Khang Hy tự điển giải thích: “馬二歲曰駒 – Mã nhị tuế viết câu (Ngựa hai tuổi gọi là câu). Hán tự đồ giải tự điển giải thích: “駒: 形聲字. 馬 (马) 表意, 古文字形體一匹馬; 句 (jù) 表聲, 句有曲意, 表示小馬身體較軟曲, 不夠挺直結實. 形旁簡化. 本義指兩歲的幼馬. 又指少 壯的駿馬”. Phiên âm: “Câu: Hình thanh tự. “馬” (马) biểu ý, cổ văn tự hình thể nhất thất mã; câu “句” () biểu thanh, câu hữu khúc ý, biểu thị tiểu mã thân thể giảo nhuyễn khúc, bất câu đĩnh trực kết thực. Hình bàng giản hoá. Bản nghĩa chỉ lưỡng tuế đích ấu mã. Hựu chỉ thiếu tráng đích tuấn mã”. Nghĩa là: Câu: Chữ Hình thanh. “馬” (马), văn tự cổ hình một con ngựa; Câu “句” () biểu thanh; câu “句” có ý là cong”, biểu thị con ngựa con thân thể còn cong mềm, chưa phát triển đầy đủ. Hình bên giản hoá. Nghĩa gốc chỉ con ngựa non hai tuổi. Lại chỉ con tuấn mã sung sức”.

Từ điển Thiều Chửu giải thích: “Ngựa hai tuổi gọi là câu. Phàm ngựa còn non còn khoẻ đều gọi là câu cả”. Đào Duy Anh giải thích “câu” là: “con ngựa hai tuổi, đương sức mạnh mẽ”. Chữ “câu” 駒, với nghĩa con ngựa hai tuổi rất quan trọng, nên khi dịch nôm, người ta không nói “Bóng ngựa qua khe cửa” mà vẫn nói “Bóng câu qua khe cửa”. Bởi thế nếu giải nghĩa chữ “câu” cần nói rõ và chính xác hơn: “Câu” 駒 con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất (nên nó phi rất nhanh, lại sắc trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa). Trong Trang tử có câu: 人生天地之間, 若白駒過隙, 忽然而已 – Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ – Người ta sống ở cõi trời đất, giống như bóng bạch câu lướt qua lỗ vách, trong chốc lát mà thôi.

○ “đăng cao viễn chiếu Có nghĩa: Càng lên cao càng trông được xa”.

Đây là một kiểu Đầu Ngô mình Sở, Râu ông nọ cắm cằm bà kia. Bởi “viễn chiếu” là sáng xa chứ không phải “trông được xa”. Và “viễn chiếu” thì phải đi với “cao đăng” 高燈 (đèn cao), chứ không phải “đăng cao” 登高 (lên cao) [Cao đăng viễn chiếu – 高燈遠照 – Đèn cao thì chiếu sáng xa]; còn nếu “trông được xa” thì phải là “viễn vọng” (trông xa) chứ không phải “viễn chiếu” (sáng xa) [Đăng cao viễn vọng – 登高遠望 – Lên cao thì nhìn xa].

Ví dụ về cách dùng “đăng cao” 登高: “故不登高山,不知天之高也 – Cố bất đăng cao sơn, bất tri thiên chi cao dã – Cho nên không lên núi cao, thì không biết trời cao (Tuân tử); “遂將三五少年輩,登高遠望形神開 – Toại tương tam ngũ thiếu niên bối, đăng cao viễn vọng hình thần khai – Bèn mang theo năm ba đứa trẻ, lên cao nhìn ra xa tươi cười hớn hở – Lí Bạch.” (Hán Việt tự điển trích dẫn).

○ “làm trai cho đáng nên trai, đánh đông đông tĩnh, đánh đoài, đoài tan (Đoài là từ địa phương có nghĩa là phía Tây)”.

Không biết “địa phương” mà GS Nguyễn Lân nói là vùng nào, xứ nào? “Đoài” 兌 không phải là “từ địa phương” mà là tên một quẻ trong bát quái (Càn, Khảm, Chấn, Cấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) ứng với hướng Tây (chính Tây), nên người ta còn gọi hướng Tây là hướng Đoài. Xưa, cách đặt tên làng, thôn đơn giản theo phương hướng, vị trí như: xóm Đông, xóm Đoài, làng Đông, làng Đoài, làng Thượng, làng Hạ… Cách đặt tên này có ở nhiều vùng miền. Hoàn toàn không phải mang tính địa phương. Thậm chí cả vùng Sơn Tây rộng lớn được gọi chung là xứ Đoài.

Tham khảo: Người ta còn gọi gió tây là gió Đoài, gió mùa thu là gió Đoài (vì mùa thu ứng với hướng tây thuộc hành Kim). Đại Nam Quấc giải thích: “Đoài một dấu trong 8 quẻ chỉ nghĩa là nước núi. Hướng đoàiHướng tây. Gió đoài, gió tây, gió thu. Xứ Đoài vùng Sơn Tây”. Truyện Trinh Thử có câu: Thiếp như phận liễu gặp cơn gió đoài”, Bùi Kỉ chú giải: Đoài: phương tây, bởi chữ đoái 兌, đọc chạnh đi làm âm bằng.” (Truyện Trinh thử – Hồ Huyền Quy – NXB Tân Việt – 1950); Truyện Kiều: Trông ra ác đã ngậm gương non đoài (nghĩa là mặt trời đã xế về phía tây); Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương (trăng tà đã lặn về phía tây). Thơ Quang Dũng: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm, …” .Thơ Nguyễn Bính: “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”.

Comments are closed.