Hoàng Tuấn Công
Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có lẽ khi sưu tầm do ghi nhầm, ghi sai, dẫn đến GS Nguyễn Lân rất lúng túng, không biết nên hiểu thế nào, đành giải thích theo cách suy diễn, phỏng đoán chủ quan mơ hồ của mình mà không cần biết nó có lý hay không, hoặc có đúng thực tế nghĩa đen hay không. Bản tính sơ sài, tuỳ tiện này không phù hợp với yêu cầu nghiêm túc, khoa học của công việc biên soạn từ điển.
○ “lúa tốt xem biên, người hiền xem tướng (Biên là bờ ruộng, trong chế độ cũ, người thợ thường cấy cẩn thận những hàng lúa gần bờ hơn là ở giữa ruộng)”.
Chép nhầm từ “lụa tốt” thành từ “lúa tốt” nên hiểu lầm từ “biên” là mép của mảnh vải lụa thành “biên là bờ ruộng”, rồi tìm cho tục ngữ một cách hiểu khó chấp nhận: “trong chế độ cũ, người thợ thường cấy cẩn thận những hàng lúa gần bờ hơn là ở giữa ruộng” (nên lúa ở bờ ruộng thường tốt?). Nhưng, xưa kia thợ cấy lấy công, thường cấy thưa cho nhanh hết diện tích, nếu gần bờ họ “cấy cẩn thận” chỉ có một cách là cấy dày hơn, làm sao lúa tốt hơn giữa ruộng được?
Theo khoa học nông nghiệp, lúa gần bờ tốt hơn giữa ruộng vì được hấp thu nhiều ánh sáng và dinh dưỡng hơn lúa giữa ruộng. Từ kết luận này, ngày nay người ta áp dụng cách cấy mới, đó là cấy “hàng rộng, hàng hẹp”, mục đích tạo ra trên ruộng có nhiều hàng lúa tốt giống như lúa ven bờ ruộng, thuật ngữ nông học gọi là “hiệu ứng hàng biên” (ngày xưa nông dân cũng áp dụng biện pháp này, gọi là cấy “rộng hàng sông, hẹp hàng tay”; “rộng hàng sông, đông hàng tay”). Tuy nhiên, cấy quá rộng hàng sông thì lãng phí đất, thu hoạch kém. Bởi vậy, kẻ đi cấy thuê mới có lời ca dao: “Trả ta đủ gạo đủ tiền, Thì ta sẽ cấy cho liền hàng tay, Nếu mà bớt gạo bớt công, Thì ta cấy rộng hàng sông ta về”.
Mặt khác, về tổng thể, cách giải thích của GS hoàn toàn mâu thuẫn. Bởi nếu có sự giả dối của người thợ cấy như ý GS nói, thì phải làm ngược lại mới đúng: muốn biết lúa tốt hay không phải xem ở giữa ruộng! (bởi cái tốt ở bờ là tốt lỏi, tốt giả, không đại diện cho cả ruộng lúa).
Trở lại với câu tục ngữ. Chất lượng của vải nói chung và lụa nói riêng, ngoài nguyên liệu tốt phải kể đến kỹ thuật dệt (tức là kết cấu, độ chặt, săn chắc của vải). Vì thế, muốn biết tấm lụa tốt hay xấu, người ta xem đường biên (mép của tấm lụa), xem sợi tơ dệt có săn không, miết tay vào xem vải có bị xô dạt hay không… Thời bao cấp chuộng ăn chắc mặc bền, khi mua vải, các bà các chị cũng thường dứt ra vài sợi ở đường biên để thử xem có dai, bền hay không.
Tham khảo: Từ điển Vũ Dung cũng giải thích câu “Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng” như sau: “(biên: mép tấm lụa) Muốn biết lụa tốt hay xấu, cứ xem ở biên: biên lụa mà săn sợi đều thì là lụa tốt, muốn biết người hiền hay ác, cứ xem mặt khắc rõ”. Thành ngữ, tục ngữ lược giải: “Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng: Muốn biết lụa tốt hay không, cứ xem ở biên, tức là ở bên mép tấm lụa. Hễ may lụa mà ăn mi thì là lụa tốt. Muốn biết người hiền hay không cứ xem mặt thì biết, vì khôn ngoan dồn ra nét mặt…”.
○ “thờ thời dễ, gửi lễ thời khó Nói sự băn khoăn của người phải gửi đồ lễ đến cúng cha mẹ hay ông bà ở một nơi nào, không biết gửi bao nhiêu là vừa”.
Câu tục ngữ này phải viết đúng là: “Thờ thời dễ, GIỮ lễ thời khó”. (Dị bản: “Thờ dễ, lễ khó”). Từ điển Vũ Dung giải thích: “Thờ cúng chỉ là hình thức, giữ được lòng tôn kính, yêu quý cha mẹ mới là điều khó”.
Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân chép lại cái sai này, chỉ khác là thêm ví dụ cách dùng cụ thể: “thờ thì dễ gửi lễ thì khó • ng. Nói sự băn khoăn của người khi đưa lễ đến nơi thờ cúng, không biết nên đưa gì và đưa bao nhiêu <> Trước khi đến dự lễ giỗ tổ, ông cứ băn khoăn nghĩ rằng; Thờ thì dễ gửi lễ thì khó”.
Tham khảo: Thành ngữ, tục ngữ gốc Hán có nhiều câu đề cao sự “giữ lễ” (kính cẩn, thật lòng) khi cúng tế, thờ phụng thần thánh, tổ tiên, (còn được sử dụng dưới dạng hoành phi treo ở gian thờ cúng) như: Tế như tại – 祭如在 [Tế tổ tiên kính cẩn như lúc còn sống]; Tế thần như thần tại – 祭神如神在 [Tế thần kính cẩn như thần đang hiện diện trước mặt]; Sự tử như sự sinh – 事死如事生 [Thờ người chết kính cẩn như lúc còn sống]. Hoặc câu tục ngữ Việt: Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng, nghĩa là vật phẩm dâng cúng không câu nệ nhiều ít, quan trọng là ý thức của con cháu có giữ lễ (góp giỗ, làm giỗ) hay không.
Khi Ốc Lư Tử hỏi về chuyện lễ nghĩa, ông Mạnh Tử đã trả lời như sau: “Trong kinh Thi có chép rằng: “Khi mình dâng cúng lễ vật cho quỉ thần, mình cần phải giữ nhiều nghi tiết một cách cung kính. Nếu lễ vật nhiều mà nghi tiết cung kính sơ sót, thì kể như chẳng dâng cúng. Là vì mình chẳng dùng tâm chí vào sự tế tự vậy. Cũng như thế, mình tặng cho người ta vật gì mà thiếu lễ kính, thì kể như mình chẳng có tặng. [詩曰: 享多儀, 儀不及物, 曰不享, 惟不役志于享. 為其不成 享也](Mạnh Tử – Tập hạ – Đoàn Trung Còn dịch). Khổng Tử cũng nói rằng: “Sinh sự chi dĩ lễ; tử táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ – 生事之以禮死葬之以禮祭 之以禮 – Đoàn Trung Còn dịch: Hễ làm con, khi cha mẹ còn sống, phải phụng-sự cho có lễ, khi cha mẹ mãn phần, phải chôn cất cho có lễ; rồi những khi cũng tế, cũng phải giữ đủ lễ-phép nghiêm trang.” (Luận ngữ – Vi chính).
○ “bánh ú đi, bánh gì lại? Chê người chê ỏng chê eo, rút cục không được gì?”.
Lại một câu giải thích rất lơ mơ do không hiểu, nhầm lẫn tệ hại giữa “bánh dì” với “cái gì”. Có lẽ GS Nguyễn Lân cho rằng: Tôi đem cho người ta cái bánh ú, bị chê ỏng chê eo, nhưng rốt cuộc thử hỏi người ta đã cho lại tôi cái bánh gì (nào)? Nhưng, “bánh dì” ở đây không phải là “cái bánh gì” (cái bánh nào), nên GS không thể đặt dấu chấm hỏi cuối câu.
Bánh “gì” chính là cái bánh dì (hoặc bánh dầy-giầy, bánh dày-giày, tuỳ theo cách gọi của các vùng miền). “Giày” là cách gọi theo phương thức chế biến: xéo, ngào, giã, luyện kỹ nhiều lần (tham khảo bài “Bánh chưng bánh giày; bánh tày, bánh tét” – An Chi, Đương thời, số 33 – 2011, in lại trong Rong chơi miền chữ nghĩa); bánh ú, gọi theo hình dáng của bánh: có góc cạnh u, ú. Bánh ú làm bằng gạo nếp, bánh dì cũng làm bằng gạo nếp, đều là bánh ngon quý. “Bánh ú đi, bánh dì lại”, có nghĩa: mình cho người ta cái này (bánh ú), thì người ta cũng sẽ đáp lại mình bằng thứ tương xứng (bánh dì), không đi đâu mà thiệt. Hoặc người ta đã cho mình bánh ú, mình cũng phải tìm cái tương xứng (bánh dì) để đáp lại, kiểu ứng xử “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Trong trường hợp GS cứ khăng khăng cho rằng, bánh dì (dầy) ở đây có nghĩa là cái bánh “gì”, bánh nào, thì tục ngữ lại được hiểu khác hẳn: Mình cho đi cái bánh ú, không biết (người ta) sẽ đền đáp lại mình cái bánh gì đây? Tuy nhiên, việc phá vỡ cấu trúc một câu tục ngữ đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để đem đến một dị bản với nghĩa hoàn toàn xa lạ và vô lý, vô nghĩa trong trường hợp này là rất khó chấp nhận!
Tham khảo: Tục ngữ gốc Hán có câu Đầu mai, báo lý – 投梅報李, nghĩa là: Quả mơ đi, quả mận lại. Mơ và mận là hai thứ quả thuộc phân chi mận mơ, đều ăn ngon, ý nói cho và nhận đều là hai vật tương xứng. Hay Tục ngữ Hán: “Nhân tâm hoán nhân tâm, bát lượng hoán bát cân – 人心換人心八两換八斤” [Lòng người đổi lấy lòng người, tám lạng đổi lấy nửa cân (tám lạng xưa bằng nửa cân nay)]. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) thu thập dị bản “Bánh ít trao đi, bánh dì trao lại” và giải nghĩa: “Bánh ít đã được đưa ra, thì nhớ đáp trả ngay bằng bánh giầy (để bên trao đỡ thấy thiệt). Hay dùng để nhắc mọi người hãy đáp trả cho tương xứng mới mong giữ bền mối tình thân giữa bên cho và bên nhận”. [nguyên chú của Nguyễn Đức Dương: “Bánh dì: dng. (cổ) tên dân gian hay dùng để chỉ bánh giầy”]. Từ điển Vũ Dung: “Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại. (bánh ít: bánh làm bằng bột nếp, có nhân thịt và tôm hoặc nhân đậu xanh, gói lá thành hình chóp). x. Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”; mục “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu. [Ông có cái giò, bà thò chai rượu; Ông mất của kia bà chìa của nọ; Ông mất chân giò, bà thò chai rượu]. Quan hệ có đi có lại, không ai bị thua thiệt”.
○ “áo cứ chàng, làng cứ xã (xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình”.
GS Nguyễn Lân chép sai chữ “tràng” thành chữ “chàng”. Đúng ra câu này là “Áo cứ tràng, làng cứ xã”. “Tràng” là cái cổ áo (Hán = y lĩnh 衣 領; không phải “tràng” là cái vạt áo như một số nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển khác nhầm lẫn). Cổ áo là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo. Muốn cầm cái áo, cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn, gọn gàng nhất; cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu “xã” (trưởng) mà “gõ” xuống là xong.
Tục ngữ này thể hiểu theo nghĩa: Ông xã trưởng là người phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của làng; Muốn nắm được làng, phải nắm được ông xã trưởng, cũng như muốn cầm cái áo dài cho gọn chắc, phải nắm lấy cái cổ áo.
Có lẽ GS Nguyễn Lân cho rằng “áo cứ chàng” nghĩa là: việc giặt giũ, vá may quần áo đáng lẽ người phụ nữ phải đảm đương, đằng này “ỷ lại”, “cứ” (để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm; còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ” (ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình”(?!)
Cách kết cấu ngữ pháp, ngữ nghĩa của dân gian rất rõ ràng, đăng đối chặt chẽ: tràng (cổ áo) là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo, giữ vị trí thống lĩnh đối với cả cái áo; xã (xã trưởng, lý trưởng) là cấp chủ chốt, quản lý cao nhất của làng. Muốn “xóc” (cầm, túm,) để giũ cái áo cho phẳng cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn, gọn gàng nhất. (Thực tế, trong sinh hoạt hàng ngày, khi cầm chiếc áo, ta đều chọn vị trí cổ áo, thậm chí khống chế một người nào đó, người ta vẫn hay nắm lấy vị trí cổ áo); cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất “xã” (trưởng) mà “gõ” xuống. (Bởi thế, dân gian có câu: Đục đến chạm thì chạm đến khăng, Đòn đánh lý trưởng thì văng cả làng là vậy).
Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân tiếp tục chép lại cái sai này khi giải thích và ví dụ về cách dùng: “áo cứ chàng, làng cứ xã • ng. chê người có tính ỷ lại, không biết tự mình lo việc cho mình <> Chị ta dạo này thì áo cứ chàng, làng cứ xã, chẳng muốn làm ăn gì”.
○ “áo năng may năng mới, người năng tới năng thương Ý nói: Có dịp gặp gỡ nhau luôn thì mới dễ thân thiết với nhau”.
Hình thức đúng của câu tục ngữ là “Áo năng THAY” chứ không phải “năng MAY”. Nghĩa đen: Cũng một chiếc áo, với người không giữ gìn, ở bẩn, áo vừa nhanh cũ vừa nhanh rách. Ngược lại, với người cẩn thận, biết chăm sóc, giữ gìn, chiếc áo thường xuyên được thay ra giặt giũ, thay đổi, lúc nào trông cũng sạch đẹp, tinh tươm. Từ “mới” trong “năng mới” hàm ý dân gian muốn đề cao hiệu quả của việc chăm sóc, giữ gìn chiếc áo bền đẹp (như mới).
Tham khảo: Nói về kinh nghiệm chăm sóc, giữ gìn vật dụng, tục ngữ Việt còn có các câu đồng nghĩa: Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen [“liếc” = một cách mài dao nhanh, liên tiếp lật đi lật lại lưới dao trên hòn đá mài, hoặc vật dùng để mài nào đó. Mỗi lần đặt lưỡi dao lên mặt đá chỉ mài, quẹt rất nhanh một cái]; Dao có mài mới sắc, người có học mới khôn; Dao sắc đến đâu, bỏ hoài cũng rỉ. Tục ngữ Tày: “Dao được mài mới sắc, trẻ được bú sữa mới lớn [Tao đảy phân dẳng gồm, lủc đảy nồm dẳng mả]”. Tục ngữ gốc Hán gần nghĩa: Y bất tẩy tắc cấu bất trừ, đao bất ma tắc phong bất nhuệ – 衣 不 洗 則 垢 不 除,刀 不 磨 則 鋒 不 銳 [Áo không giặt không thể sạch vết bẩn, đao không mài không thể sắc bén]. Kết cấu, ngữ nghĩa của “Áo năng thay...”; “Dao năng liếc...”; “Dao có mài...”; “Áo không giặt...” là nói về việc chăm sóc, giữ gìn chính cái áo, con dao đang dùng ấy, không phải khuyên đi may áo mới, hay rèn con dao khác. Tương tự, “người năng tới...” cũng chỉ một mối quan hệ cụ thể nào đó cần được xây đắp tình cảm. Nếu nói “Áo năng may năng mới” thì nghĩa hiển ngôn là như vậy, chẳng có gì đáng để gọi là tục ngữ.
Vậy, hình thức đúng của câu tục ngữ là: “Áo năng THAY năng mới, người năng tới năng thương” (hoặc thân): Cũng một chiếc áo nhưng nếu thường xuyên được THAY ra để giặt giũ, chăm sóc, thay đổi thì luôn bền đẹp (tựa áo mới); giống như quan hệ giữa người với người, năng lui tới thăm hỏi (quan tâm đến nhau) sẽ tạo nên tình cảm thân mật, gần gũi, tốt đẹp.
Chỉ khi trả lại cho câu tục ngữ Việt hình thức, nội dung vốn có, chúng ta mới cảm nhận hết được giá trị của tri thức, kinh nghiệm, ngụ ý sâu sắc của dân gian: Đồ dùng muốn bền, đẹp còn cần được thường xuyên chăm sóc, huống chi quan hệ giữa người với người.
Lấy chất liệu từ nghĩa đen để hiểu theo nghĩa bóng, thành ngữ, tục ngữ luôn chứa đựng trong nó tính biện chứng, đúc kết thực tế chặt chẽ, sâu sắc, rất khó bác bỏ. Bởi thế, không hiểu đúng nghĩa đen không thể giải thích đúng và hiểu hết cái hay, cái đẹp của tục ngữ, thành ngữ dân gian.