Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 17)

Hoàng Tuấn Công

○ “chuối đằng sau, cau đằng trước Tả một cảnh nhà nông dân làm ăn khấm khá”.

Thực ra đây là cách bố trí cây trồng xung quanh nhà.

Cây cau phải trồng trước nhà (thường là xung quanh bờ sân) tạo phong cảnh đẹp, thoáng đãng; còn chuối trồng ở vườn sau, tận dụng đất, lại tránh khi trổ, hướng buồng chuối đâm thẳng vào gian giữa nhà (điều tối kị theo quan niệm của người Việt). Hơn nữa, trồng chuối um tùm che mất hướng gió, lại không đẹp. Sự bố trí không gian cư trú hợp lý, quy củ của “Chuối sau, cau trước” tạo nên phong cảnh thoáng đãng khang trang. GS Nguyễn Lân giảng nghĩa bóng: “Tả cảnh một nhà nông dân làm ăn khấm khá”, là chưa thật đúng, vì “làm ăn khấm khá” đâu buộc phải có vườn chuối, hàng cau? Nhà ngói, sân gạch, cây mít, mới là hình ảnh tiêu biểu cho “khấm khá”. Nguyên nhân GS không hiểu rõ nghĩa đen của cách bố trí cây trồng phải đẹp và hợp lý để tránh sai lầm về phong thuỷ, phong tục dân gian.

○ “chữa dép ruộng dưa (Ruộng dưa có quả khi chữa dép phải cúi xuống, có thể bị nghi là ăn cắp dưa) Ý nói: bị nghi oan”.

Diễn đạt lủng củng, không rõ ý. Thành ngữ này xuất phát từ bài thơ Quân tử hành 君子行, viết theo lối Cổ nhạc phủ, khuyên người quân tử nên chủ động phòng tránh những hiềm nghi có thể xảy ra, trong đó có hai câu: Qua đin bất nạp lý, Lý hạ bất chính (chỉnh) quan – 瓜田不納履, 李下不正 (整) 冠 [Qua ruộng dưa không sửa giày, dưới cây mận không sửa lại mũ]. Ý nói: Khi đi qua ruộng dưa của người khác, dù giày bị tụt, cũng không nên cúi xuống xỏ lại; khi đứng dưới cây mận, dù mũ bị lệch cũng không nên giơ tay chỉnh lại, tránh người ta nghĩ mình cúi xuống để lấy trộm dưa, giơ tay lên để hái trộm mận. Bởi vậy, nghĩa bóng thành ngữ đang xét không phải “bị nghi oan”, mà là (tránh) làm những việc tình ngay, lý gian, dễ bị người ta nghi oan, ngờ vực.

○ “có đức mặc sức mà ăn Khuyên người nên có đạo đức, nhưng thực ra người giữ đạo đức không phải vì miếng ăn”.

Tục ngữ đâu có ý “vì miếng ăn” nên “giữ đạo đức”? Cũng như Tục ngữ Tày: “Sống trung thực ăn không hết; sống quanh co ăn không đủ” [Giú ngày kin bố lẹo, gốt ghẹo kin bố đo]” là một cách nói đề cao đức tính trung thực, đâu phải người ta trung thực vì miếng ăn? Nghĩa bóng tục ngữ: đề cao chữ đức, có đức thì tất được hưởng phú quý, tiền tài, sự nghiệp.

Tham khảo: Nho gia quan niệm đức là gốc: “Đức giả bản dã, tài giả mạt dã” – 德者本也, 財者末也 [Đức là gốc, tin tài là ngọnĐại học]. Tục ngữ gốc Hán: Hậu đức tải phúc – 厚德載福 [Đức dày chở phúcNgười dày công tích đức sẽ được hưởng phúc lớn]. Hay Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ – 皇天無親,惟德是輔 [Trời không thân với ai, chỉ giúp người có đức].

○ “cóc làm tội nhái, nhái làm tội ễnh ương Chê những kẻ cùng loại làm hại lẫn nhau”.

Không đúng. Đây là hành động của một người làm ảnh hưởng dây chuyền đến người khác. Có nghĩa: Người này làm tội người khác, người khác lại làm tội người khác nữa.

○ “coi mặt đặt tên Ý nói: Có nhìn thấy rõ mới có thái độ đối xử”.

Giải thích lạc đề. Ý tục ngữ là nhìn bề ngoài có thể biết được bản chất của con người (gọi tên, đặt tên sự vật); Hoặc nhìn vào mặt người ta có thể đoán định tính nết (bản chất) người ấy. Tương tự câu: “Trông mặt mà bắt hình dong, Con lợn có béo miếng lòng mới ngon”.

○ “cờ đến tay ai người nấy phất Tỏ lòng tin rằng đã giao nhiệm vụ cho người nào thì người ấy sẽ làm trọn”.

Sao lại nói đến việc tỏ lòng tin tưởng, “giao nhiệm vụ” ở đây?

Khái niệm “tay ai”, “người nấy” ám chỉ sự việc ngẫu nhiên, cơ hội ngẫu nghiên (khách quan) được phất cờ, không phải sự lựa chọn để giao nhiệm vụ. Nghĩa bóng: Cơ hội đến với người nào, người ấy được quyền hưởng lợi, không ai có thể phân bì hoặc ghen tỵ, tranh giành được; hoặc trao quyền (cờ) vào tay người nào, thì người ấy có quyền hành động (phất). Còn chuyện “làm trọn” hay không “làm trọn” không có ý nói đến. Mời bạn đọc tham khảo cách giải thích và vận dụng của Thành ngữ Việt Nam: “Cờ đến tay ai người ấy phất 1.Thời cơ tốt, thuận lợi đến với ai, thì người đó sẽ làm nên sự nghiệp. “Ồ gớm thế, sướng quá, cờ đến tay ai người nấy phất có khác.” (Tô Hoài – Mười năm). 2.Khi có thời cơ, điều kiện thuận lợi, thì ai cũng có thể làm tròn, làm tốt được nhiệm vụ của mình. “Phấn đấu thì ở đâu chả phấn đấu. Còn việc đội…chà! Chả mượn lo! Cờ đến tay ai người nấy phất, được tất” (Chu Văn, Hương cauHoa Lim)”.

○ “con mắt là mặt đồng cân Ý nói: Người thông minh chỉ cần nhìn cũng đoán đúng giá trị một vật”.

Dân gian không nhằm nói đến “người thông minh”, mà nói chung con mắt người ta chỉ nhìn bề ngoài cũng đánh giá, ước lượng được bản chất, giá trị của vật nào đó, không cần phải cân đong, đo đếm. Ví như người hàng xeo nhìn con lợn trong chuồng có thể ước lượng lợn nặng bao nhiêu cân; người bán thịt có thể lượng bằng mắt để cắt chính xác một miếng thịt đủ cân, đủ lạng theo yêu cầu của khách, mà không cần hai chữ “thông minh”. Thế nên Tục ngữ Mường cũng có câu: “Lấy mắt mà nhìn, không cần lấy tay mà sờ [Lế mặt mà hẩu ó phải lế say mà rơ]”; Tục ngữ Hán: “Nhân nhãn nan hổng – 人眼難哄 – Mắt người khó lừa; Nhân nhãn thị bả xứng – 人眼是把稱 – Mắt người là cái cân”.

○ “cờ bạc v sáng Nói việc gì đã sắp đến lúc tàn rồi”.

Cờ bạc về sáng thì đúng là đến lúc tàn cuộc rồi. Tuy nhiên, dân gian lại không có ý “Nói việc gì đã sắp đến lúc tàn rồi nói chung, mà chuyện cờ bạc phải “v sáng” (chung cuộc) mới biết ai thắng ai thua, ai được ai mất (vì gặp vận đỏ thì được rất nhanh, phải vận đen thì cũng mất rất nhanh). Thế nên mới có dị bản “Cờ bạc ăn thua v sáng”; Cờ bạc ăn nhau về sáng”. Nghĩa bóng: Chưa vội nói chuyện thắng thua, chưa biết ai thắng ai, kết quả cuối cùng mới quan trọng. Người làm từ điển phải nắm được và xem xét, đối chiếu với các dị bản để có thể hiểu đúng câu mình muốn giải nghĩa, không nên đoán bừa.

○ “cờ ngoài, bài trong Nói người đứng ngoài góp ý cho người đánh cờ, hoặc ngồi xem bài bàn nước đánh với người đánh bài”.

Không đúng. Bạn đọc có thể tham khảo sách Từ điển thành ngữ Việt Nam giải thích: “1.Với cờ tướng người ở ngoài mách nước thường tinh tường hơn; với trò chơi bài, thì người cầm bài bao giờ cũng hiểu chắc tình thế và cách đi quân bài hơn ai hết. 2.Người ngoài cuộc thì bao giờ cũng thoải mái, dễ dàng phán định, nhưng thực ra, nếu vào cuộc tình hình sẽ khác hẳn, sẽ phức tạp, khó khăn hơn nhiều”. [Tục ngữ Hán gần nghĩa: “Đương cục giả mê, bàng quan giả thanh – 當局者迷, 旁觀者清 – Người trong cuộc thì mụ mẫm, người ngoài cuộc thì sáng suốt]”.

○ “cơm quanh rá, mạ quanh bờ Kinh nghiệm nông dân cho rằng lúa cấy ở ven bờ tốt hơn lúa ở giữa ruộng”.

Vế đầu “Cơm quanh rá” sao không được giảng nghĩa? Hơn nữa, dân gian đang nói “mạ quanh bờ”, sao bỗng dưng lại hiểu ra “lúa cấy ở ven bờ”? Giải thích như vậy là không phân biệt được mạ với lúa thế nào.

Nông dân gieo mạ bằng cách làm đất kỹ, nhuyễn, rồi vét rãnh thoát nước, tạo luống rộng chừng 1,2m-1,5m. Chỗ giáp với rãnh thoát nước chính là “bờ” luống mạ. “Mạ quanh bờ” là những cây mạ nẩy mầm từ hạt giống khi gieo bị vương vãi ra ngoài mép luống, rất thưa thớt so với cả đám gieo dày đặc thành luống phía trong. Do có nhiều ánh sáng và dinh dưỡng, nên mạ quanh bờ phát triển xanh tốt, to mập như cây lúa gieo thẳng (gieo sạ). Cũng chính bởi bộ rễ mạ quanh bờ ăn sâu, nên khi nhổ hay bị đứt rễ, rất khó nhổ, dễ bị sứt gốc, cấy xuống cây lúa sẽ chết hoặc kém phát triển. Thế nên, người ta ít khi nhổ mạ quanh bờ. Nếu nhổ, phải lựa từng cây rất lâu, trong khi mạ luống chỉ vơ một cái đã được hàng trăm cây. Còn nếu áp dụng biện pháp xúc cấy (tức xúc cả phần rễ và đất thành cả tảng mạ, tiếng Thanh Hoá còn gọi là “mạ dủn”) đem đi “đặt” (cấy bằng “mạ dủn”) người ta cũng không bao giờ “dủn” phần mạ quanh bờ, vì đất nhiều hơn mạ, chẳng bõ công gánh nặng. Vì thế, dù mạ quanh bờ tốt, nhưng nông dân bỏ lại chứ không nhổ. Những cây “mạ quanh bờ” còn sót lại trở thành “mạ rài”. Hãn hữu có năm thiếu mạ, hoặc cần trám dặm chỗ lúa bị mất, người mới quay lại “bòn” thêm, được cây nào, hay cây ấy, hoặc để cho người thiếu mạ, ai “mót” được cây nào thì “mót”.

Tương tự, cơm quanh rá là những hạt cơm dính quanh rá. Xưa kia đói kém, người ta quý từng hạt cơm, hạt gạo. Cơm trong nồi, trong bát thì thường “đánh nhẵn” không để sót một hạt. Thậm chí, đũa cả (đũa bếp) mà dính cơm cũng “gặm” cho bằng hết. Nhưng cơm đã dính quanh rá thì dẫu có dùng thìa, dùng muôi mà gạt, mà cạo thì cũng không ra, ngược lại càng dính bết vào. Thế nên, người ta chấp nhận xem như hạt rơi hạt vãi. Ngày trước, những bữa ăn cơm tập thể đông người, có đình có đám hoặc chủ nhà mang cơm cho người cấy, gặt thuê ở đồng xa, thường đựng cơm vào rá cho tiện. Nghĩa bóng của “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ”, chỉ những thứ không đáng kể, không bõ bèn thì không nên tiếc, hoặc chớ đầu tư công sức để lấy cho bằng được.

Comments are closed.