Giới thiệu Điếu ca cho Ignacio Sánchez Mejías

Ngu Yên

(Trích trong Tôi học được bí mật của u sầu (Bộ 1) và Mộ phần tôi ở đâu? (Bộ 2). Thơ Toàn Tập của Federico Garcia Lorca, Ngu Yên dịch liên văn bản.)

image

Một trong những tác phẩm hay nhất của thi sĩ Federico Garcia Lorca. Một trong những trường thi hàng đầu trên thế giới trong thế kỷ 20. Sáng tác trong năm 1934, ấn hành năm 1935, khoảng một năm trước khi ông qua đời. Christopher Maurer, nhận xét rằng: “… là một tác phẩm thơ lớn nhất của Tây Ban Nha kể từ thi sĩ Jorge Manrique của thế kỷ 15 (Federico Garcia Lorca Selected Verse. A Billingual Edition, Vanderbilt University, Nashville, Tennessee, 1997, trang xvi)


Tác phẩm chia làm bốn phần:

1- La cogida y la muerte. Đấu bò và cõi chết.

2- La sangre derramada. Máu Chảy.

3- Cuerpo presente. Xác thân còn đó.

4- Alma ausente. Vắng bóng linh hồn.

Ignacio Sánchez Mejías là một tay đấu bò cừ khôi nổi tiếng ở Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20. Sinh ở Seville tháng Sáu năm 1891 và qua đời ngày 13 tháng Tám năm 1934 tại Madrid. Ông còn là một nhà văn. Những nghệ sĩ đương thời như Miguel Hermández, Rafael Alberti, Jorge Guillén, José Bergamín, Dámaso Alonso, Gerardo Diego… và Federico Garcia Lorca là bằng hữu của ông.

Mejías có vợ và nhiều tình nhân. Encarnación López, vợ chính thức của ông, vừa là ca sĩ vừa là nghệ sĩ trình diễn vũ nhạc, được yêu chuộng đương thời. Bà có biệt danh là La Argentinita. Bà sinh cho ông hai cô con gái. Qua López, Mejías và Lorca trở thành bạn thân. Đi xa hơn một bước nữa là tình nhân.

Năm 1934, Mejías gặp một nghệ sĩ người Pháp gốc Tây Ban Nha, cô Marcelle Auclair, và đem lòng yêu thương. Chia tay với Lorca, Mejías đeo đuổi cô Auclair về tận bên Pháp nhưng mối tình không thành. Ông trở về lại Tây Ban Nha và nhận lãnh số mệnh của mình.

Bạn của ông, Domingo Ortega, cũng là một tay cao thủ đấu bò, sẽ trình đấu tại vận động trường ở Manzanares ngày 11 tháng Tám năm 1934 nhưng chẳng may bị tai nạn xe trên đường đi. Ortega phải nhờ Mejías thay thế. Trong trận đấu này, Ignacio Sánchez Mejías đã bị trọng thương. Sừng bò mộng đâm thủng chân và bụng. Mejías muốn được chữa thương ở bệnh viện tại Madrid nhưng xe cứu thương gặp trở ngại khi đưa ông đến bệnh viện. Hai ngày sau ông bị nhiễm trùng, bệnh trở nặng và qua đời vào buổi sáng ngày 13.

Sau cái chết của Ignacio Sánchez Mejías

Cái chết của Mejías đã gây khủng hoảng và đau đớn cho Lorca trong một thời gian dài. Trong nỗi đau khổ đó, Điếu ca cho Ignacio Sanchéz Mejías đã ra đời.

Điếu ca này đã đạt được những tinh túy thơ của Lorca: 1- Phối hợp lối kể chuyện như trong Primer romancero gitano (Tình ca Ballad Gypsy). 2- Tạo dựng những cấu trúc siêu thực như trong Poeta en nueva york (Thi sĩ trong thành phố New York). 3- Cô đọng thâm trầm theo nhịp điệu bi ai trong điếu ca của dân du mục Gypsy.

Những biểu tượng, tượng trưng, và ẩn dụ nhìn thấy trùng trùng điệp điệp trong trường thi này. Và cao đẹp nhất là những cảm xúc sâu đậm được diễn đạt qua mỹ cảm, gây nên xúc động một cách quí phái. Tình cảm của ông như những con nước triều cường hết đợt này đến đợt khác dâng lên, kéo xuống. Lồng lộng trong ngôn ngữ và cơ cấu của từng câu, từng đoạn thơ. Viết từ một cái chết bình thường như mọi cái chết, trở thành một bi kịch văn chương.

Nghệ thuật thơ trong điếu ca

Thơ là sự xuất hiện đặc biệt của ngôn ngữ trong một cấu trúc thẩm mỹ. Cấu trúc này không chỉ là thể thơ, còn thể hiện phong cách diễn đạt và trình độ sáng tạo của thi sĩ. Toàn thể câu, âm thanh, hình ảnh, ý tứ và ý nghĩa từ sáng tác sẽ khơi động khả năng tưởng tượng và mức độ cảm xúc nơi người đọc. Sự khơi động này xây dựng một thể loại “luận lý thơ”, vượt lên phạm vi của luận lý bình thường, luận lý toán học, luận lý triết học. “Luận lý thơ” có chức năng “giải thích” dù có thể mơ hồ. Có đối tượng là vô thức và phương tiện là ý thức. Nói một cách khác, “luận lý thơ” sử dụng ý thức để mang ý nghĩa thơ đến vô thức của độc giả. Luận lý của căn cước thơ càng rõ ràng, càng dễ chia sẻ. Càng sâu sắc, thâm trầm, càng khó cảm nhận ý nghĩa. Càng giả mạo, càng không thể hiểu.

Trong Điếu ca cho Ignacio Sánchez Mejías, Lorca đã khéo léo vận dụng những học thuật hỗn hợp những nghệ thuật khác nhau của tượng trưng, siêu thực và truyền thống quê hương một cách trôi chảy:

1- Trước tiên ông đã sử dụng ngữ lực để diễn đạt những hình ảnh, tứ thơ mang động lực tâm lý. Xây dựng một không khí bao trùm tâm tư người đọc. Chuẩn bị và mê hoặc tâm trạng của họ, khiến ý nghĩa và cảm xúc dễ dàng thẩm thấu.

2- Sử dụng những sự kiện nổi bật như những tiêu mốc hướng dẫn người đọc theo hành trình nội dung. Kỹ thuật này, cần thiết cho trường ca, để người đọc không bị thất lạc. Khuyết điểm của trường ca thường nằm nơi phức tạp gây rối rắm. Quá nhiều chi tiết, quá nhiều sự kiện, làm tan loãng mục đích và ý chính. Khi người đọc thất lạc, sẽ không còn hứng thú đeo đuổi chiều dài của bài thơ. Chọn lựa và quyết định tứ thơ nào để xây dựng trường ca là yếu tố quan trọng trong ý thức sáng tác.

Trong quan điểm này, mới thấy khả năng thi ca của ông, khi chọn lựa những cảnh-sự-vật siêu thực để liên kết hoặc tách lìa hiện thực. Đôi khi người đọc liên tưởng được những điều ông chuyên chở. Đôi khi người đọc tiếp xúc mơ hồ với mơ-thức (vô thức và mơ ngày) của ông. Ví dụ như ông dùng hình ảnh con báo dũng mãnh để chỉ cho thân xác người đấu bò và con bồ câu để chỉ cho tâm thức của Ignacio. Ya luchan la paloma y el leopardo, chim bồ câu đã chiến đấu cùng con báo (câu 14).

Ông dùng những biểu tượng hoặc tượng trưng xây dựng những lớp dày của tứ thơ. Một tứ thơ đơn giản chỉ là văn xuôi, hoặc văn xuôi có vần. Ví dụ:

Hôm nay đi Chùa Hương,

Hoa cỏ mờ hơi sương,

Cùng thấy me em dậy,

Em vấn đầu soi gương … […]

(Chùa Hương. Nguyễn Nhược Pháp. 1935)

Một bài thơ, câu thơ không có bề dày, khó đạt được giá trị cao, mặc dù có mỹ cảm. Lớp dày của thơ là ý nghĩa đàng sau ý nghĩa của ngôn từ. Một câu thơ có thể có nhiều lớp, tức là nhiều ý nghĩa liên hệ hoặc không liên hệ với nhau. Lớp dày cuối cùng là giá trị của câu thơ, đoạn thơ, và bài thơ. Trọng lượng của giá trị tính trên số lượng và chiều dày của các lớp ý tưởng.

[…]

Quan tài di động thay giường ngủ

lúc 5 giờ chiều.

Bên tai tiếng sáo, tiếng gãy xương

lúc 5 giờ chiều.

Tiếng bò kêu rống trên vầng trán

lúc 5 giờ chiều.

Căn phòng rực rỡ sắc khổ đau

lúc 5 giờ chiều.

Từ xa phảng phất mùi tử khí

lúc 5 giờ chiều.

Dấu sừng đâm thịt vỡ cánh hoa

lúc 5 giờ chiều.

Thương tích cháy như mặt trời đỏ

lúc 5 giờ chiều,

[…]

Bài thơ thành công, bằng một cách tự nhiên, lôi cuốn và thuyết phục thưởng ngoạn. Đưa họ vào tâm trạng sẵn sàng đón nhận tứ và ý thơ, cho dù chỉ cảm, hoặc nhận thức mơ hồ. Có lẽ, độc giả xem yếu tố ”cảm nhận tự nhiên” là đòi hỏi bình thường, nhưng đối với tác giả là những nỗ lực tận tình, đòi hỏi không những chỉ tài năng, trong những bài thơ lớn, còn đòi hỏi mức độ tài hoa.

Sự cảm nhận tự nhiên được hỗ trợ bởi giai điệu thơ. Khi nói đến nhịp và điệu trong thi ca, người ta thường liên tưởng đến nhịp điệu trong âm nhạc. Từ đó, bị cụ thể hóa thành tiết tấu, âm sắc. Nhịp điệu thơ theo biểu tượng của nhịp điệu nhạc chỉ là một phần của giai điệu thơ. Thể thơ cố định số chữ và thể thơ vần, là thể loại nhịp điệu cụ thể và quy luật. Trong khi giai điệu thơ có phạm vi rộng lớn hơn, nơi thơ tự do và thơ xuôi tạo ra thơ, có căn cước khác với văn xuôi. Một bài thơ tự do đúng nghĩa không phải là bài thơ có câu dài câu ngắn, tùy tiện xuống hàng, vô tư bẻ tứ. Một bài thơ xuôi đúng nghĩa không phải là bài văn xuôi, xuống hàng mỗi câu. Sự khác biệt nằm trong giai điệu thể hiện thẩm mỹ của thơ và trí tuệ của sáng tạo. Giai điệu tự nhiên, tạo thơ tự nhiên, đi vào cảm nhận thưởng ngoạn một cách tự nhiên.

Bây giờ, anh ngủ giấc muôn đời.

Bây giờ, rêu phong và cỏ dại

mọc trên những ngón tay tài hoa

trổ bông trên xương sọ.

Điếu ca này xây dựng trên cái chết của Mejías. Bày tỏ tâm sự tình nhân trong giày vò mất mát, nhưng cảm xúc sầu bi mỹ cảm vượt qua thơ điếu ca cho một người để trở thành điếu ca cho tất cả mọi người. Tâm trạng và không khí chết chóc được xây dựng một cách chân tình và cảm động. Cao kỳ nhưng không triết lý khó hiểu, đạt được mức độ thẩm mỹ. Đây cũng là biệt tài của ông. Văn chương Tây Ban Nha nhận xét về ông như sau, ở đỉnh cao của khả năng sáng tạo, Federico Garcia Lorca đã làm chủ được ngôn ngữ, hình ảnh và cảm xúc như một bản hòa tấu. Xin đọc:

[…]

Hiên ngang quá, chàng đấu bò giữa đấu trường!

Chót vót quá, đỉnh cao trên dãy núi!

Dịu dàng thay, như lúa trổ bông!

Dữ dằn thay, như gót chân thúc ngựa!

Mong manh thay, như giọt sương mai!

Sáng chói thay, như đèn lễ hội!

Khủng khiếp thay, khi cây lao cuối cùng

đâm vào bóng tối!

Bây giờ, anh ngủ giấc muôn đời.

Bây giờ, rêu phong và cỏ dại

mọc lên những ngón tay tài hoa

trổ bông trên xương sọ.

[…]

Lorca đã chứng minh được sở trường của phái Siêu thực qua tưởng tượng nối kết những truyền thống của văn hóa về cái chết theo kiểu Tây Ban Nha. Ông “mơ thức” người bạn đấu bò đi ra khỏi cõi sống như đi vào đấu trường, gánh nặng nỗi chết trên thân: Por las gradas sube Ignacio / con toda su muerte a cuestas. (Ingacio bước lên thang cấp / mang nặng nỗi chết sau lưng.)

[…]

Bia đá là vầng trán nơi chiêm bao than thở

không dòng sông, không hàng thông đóng băng.

Bia đá là đôi vai gánh thời gian miên viễn,

với hàng cây nhỏ lệ, băng tang, và sao trời.

[…]

Hình tượng bia đá dựng trên đầu mộ, nằm giữa cảnh hoang vu lạnh lẽo, chịu đựng thời gian không biết bao lâu. Thiên thu cô đơn, trong mơ thức của Lorca, chạm vào tâm linh người đọc. Vì bất kỳ ai, sớm hay muộn, sẽ phải bước vào cõi thiên thu này. Khả năng “mơ thức”, có thể gọi là daydream, một loại hình ảnh, câu chuyện xảy ra trong tâm tưởng của con người. Cũng là bản chất của tưởng tượng cộng với xuất thần, tạo ra tứ thơ. Là kho tàng của sáng tác. Làm cách nào để mở cửa kho tàng này và làm thế nào để chở báu vật vào thơ, thuộc về trình độ tài năng của thi sĩ. Giá trị sáng tác nằm ở đây, không phải chỉ ở những lý thuyết dùng cho khoa bảng phê phán. Chính tứ ảnh và mỹ cảm của thơ đến từ mơ thức của Lorca, đã làm tăng ảo diệu của ngôn ngữ, làm phong phú nội dung, và làm thâm trầm ý nghĩa.

Cấu trúc tạo giai điệu và Tiêu mốc dẫn đường

Bốn phần trong điếu ca có bốn tiêu đề riêng biệt. Mỗi phần trọn vẹn là một bài thơ riêng, kết hợp thành trường khúc bi thương.

Trong mỗi phần, Lorca xây dựng một trọng tâm của ý nghĩa theo diễn tiến, để diễn đạt cái chết của một người đấu bò danh tiếng, cái chết của người bạn, cái chết của người tình, và cái chết của chính tác giả.

Trong mỗi phần, Lorca xây dựng tiêu mốc để lôi cuốn người đọc theo giai điệu. Sự lặp lại nhắc nhở tạo ra hấp lực.

1- Hấp lực trong phần đầu: La cogida y la dmuerte, Đấu bò và cõi chết, là câu: a las cinco de la tarde, lúc 5 giờ chiều. Phần này gồm 52 câu. Câu lúc năm giờ chiều lặp lại 25 lần nguyên văn và 1 lần gần nguyên văn, A las cinco en punto de la tarde.

Trong khung cảnh của buổi tang liệm, câu thơ “lúc 5 giờ chiều,” đều đều vang lên, mênh mông như giai điệu cầu kinh. Đều đều lặp đi lặp lại từ tâm trí người viết đến tâm tư người đọc. Nhắc nhở cái chết của Ignacio và nỗi sầu đau của Federico. Tiếng đều đều này còn có công dụng làm cho cảm xúc lắng đọng, chìm dần theo âm điệu. Shelley Rockwell nhận xét, câu thơ lặp lại như nhịp trống của thực tế, để chấp nhận cái chết đột ngột của một người tài hoa.

· Trong phần hai, La sangre derramada, Máu chảy, hấp lực là tứ thơ lập lại trong câu: Que no quiero verla!, Không, tôi không muốn nhìn!. Một sự phủ nhận hiện thực làm cho thực tế thêm bi xót. Lorca từ chối không muốn nhìn thấy máu của Ignacio đã đổ vung vãi trên sân, trên đường đến bệnh viện, trong vô hình của những nơi quen thuộc. Ông càng phủ nhận chừng nào thì tiếng vang càng dội lên mạnh mẽ. Phần thơ này nhờ đó mà đạt được sự bi phẫn.

· Trong phần ba, Cuerpo presente, Xác thân còn đó, hấp lực nằm trong ý tưởng quay về hiện thực: Ignacio đã chết. Phần này là phần thơ thể hiện bản sắc Siêu Thực nhiều nhất so với ba phần kia. Ông sử dụng những tứ thơ từ bia đá dựng mồ cho đến những “mơ thức” như:

[…]

Anh biến mất giữa đấu trường trăng sáng,

Trăng giả vờ bất động vì sầu thương,

anh biến mất đêm ngư nhân không hát

biến vào nơi cây cỏ trắng sương mù.

Tôi không muốn phủ lên mặt khăn che

sợ anh sẽ quen dần cõi chết.

[…]

Lorca đã cho người đọc theo dõi một cuộc tranh đấu trong nội tâm của ông. Từ sự từ chối cái chết của Ignacio, một phản ứng của tâm lý khi lòng yêu thương bị mất mát lớn lao, cho đến khi phải chấp nhận hiện thực: Ignacio đã chết.

[…]

Nói gì đây? Lặng im mùi tử khí.

Tôi tiễn anh đang tan biến xác thân,

Hình hài ấy thời sơn ca xán lạn

sẽ lỗ hang theo đục khoét côn trùng.

[…]

Đi đi thôi! Ignacio.

Đừng lưu luyến tiếng bò hừng hực rống.

Hãy ngủ ngon, bay cao và bình yên:

Ôi, từ nay đại dương đã chết

· Trong phần cuối, Alma ausente, Vắng bóng linh hồn, hấp lực đến từ câu: porque te has muerto para siempre, vì anh đã qua đời miên viễn, để đưa vào đoạn kết, thăng hoa cái chết của Ignacio như một dũng tướng, thà chết ngoài sa trường, không chết trên giường bệnh.

[…]

Không ai biết anh. Không ai biết.

Nhưng tôi ngợi ca anh.

ngợi ca mai sau cuộc đời và thân thế.

Trí tuệ anh đã đạt mức thượng thừa.

Đối diện chết ngậm trên môi hương vị.

Chọn nỗi buồn bằng can đảm hân hoan.

Còn lâu lắm, mới có thể thấy lại,

một người Andalusia dũng cảm phiêu lưu.

Tôi ngợi ca phong thái anh bằng lời ta thán

để nhớ người khi gió rung rạng Ô-liu..

[…]

Đấu bò là môn thể thao truyền thống, cưu mang văn hóa và nghệ thuật của Tây Ban Nha. Nhưng người đấu bò thượng hạng như Mejías là niềm kiêu hãnh của địa phương và của quốc gia. Ông qua đời là cái tang chung của nhiều người, đã được nhà thơ danh tiếng đương thời Lorca ca ngợi. Trường thi này trở thành vòng hoa tưởng niệm lịch sử và vòng nguyệt quế vinh danh tài năng của cả hai.

Chung cuộc, Điếu ca cho Ignacio Sanchez Mejías là sự nối kết của bốn bài thơ. Trong thời điểm đó, điếu ca này vừa mang tính hiện đại, vừa thể hiện tinh thần “Khúc Bi Thương”, elegy, có nguồn gốc từ thời xưa cổ. (Lament for Ignacio Sanchez Mejias, Shelley Rockwell)

Điểm nhấn ở đây là phương pháp nối bốn đoạn thơ. Mỗi đoạn thơ diễn đạt mỗi góc cạnh nhìn khác nhau từ chứng kiến quan sát và cảm nhận qua đến sự biểu hiện tâm trạng, tâm lý mâu thuẫn rồi kết thúc bằng sự ngợi ca một cách bi thiết. Những góc nhìn phối lại với nhau cho người đọc một câu chuyện nội tâm với những chi tiết văn chương và một bài điếu ca giá trị.

Người đọc sẽ tìm thấy sự thành công của điếu ca này không những chỉ là kỹ thuật diễn đạt đặc thù và cao kỳ, mà quan trọng hơn là nghệ thuật vận chuyển tự nhiên, đôi lúc xuất thần. Hơi thơ lúc dồn dập lôi kéo người đọc không kịp đọc, lúc chậm rãi kềm hãm tốc độ cảm xúc, lúc thâm trầm để chìm lắng suy tư. Cho dù đến thời điểm này, những ưu tú của thơ Lorca đã quen thuộc nhưng không phải vì vậy mà kém phần hay đẹp. Như một mỹ nhân luống tuổi, dù tóc bạc da nhăn nhưng mỗi khi nhìn lại tấm hình chụp lúc tuổi đôi mươi. Này, biết bao nhiêu kẻ bồi hồi!

Comments are closed.