Thơ Trương Đình Phượng

Hoàng Vũ Thuật

ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU VỀ THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯƠNG

Cách nay không lâu, tôi gặp cái tên mới, Đời Cỏ Dại, trên facebook qua bài thơ “Trong buổi chiều nhảm nhí này”. Liên tiếp những câu thơ làm tôi sững sờ: Từng đám mây lao xuống dòng sông. Tuẫn nạn; Hay: Sau làn áo mỏng, những núm vú buồn/ Níu chút tàn tuổi xuân bằng nhịp thở. Hoặc: Đến những giọt nắng tàn cũng đượm mùi suy tưởng/ Bạn mặc niệm giấc mơ ban trưa. Rồi nữa: Đêm muôn đời như cuốn sách/ Viết về hành trình của nhân loại/ Bạn đọc hoài chẳng hết… Đời Cỏ Dại là ai, người đã viết những câu thơ trên? Đó là Trương Đình Phượng. Phượng trả lời tôi: Cám ơn chú, cháu sinh năm 84, quê Nghệ An. Công việc chính của cháu, làm nhân viên phục vụ quán cà phê. Trương Đình Phượng học cao đẳng Du lịch. Phượng viết theo cảm hứng, ưa gì viết đó, tản văn, truyện ngắn cũng không ngán. Hình như Phượng không có thì giờ để viết, ngày kiếm sống, đêm vật ra viết. Như có người đang hối thúc trong Phượng, mà cũng không ai kiểm soát Phượng. Viết và viết, viết về thời hiện tại Phượng đang đối mặt. Câu thơ “Sau làn áo mỏng, những núm vú buồn” gợi, tạo được thân phận chua xót của người phụ nữ. Tính thơ không gợi sự nhục cảm, trái lại hình ảnh ảm đạm, xót xa, tài hoa hiếm thấy.

Trong diễn từ Nobel đi tìm thời hiện đại đọc ngày 8/12/1990, Octavio Paz viết: “Sáng và tối, tối và sáng liên tục thay đổi cho nhau, đó là thời hiện tại. Thời hiện tại là một hành tinh [theo tôi có lẽ chữ “hành trình” đúng hơn, do lỗi Nxb?] đã thống nhất hai mặt đó lại, đã thống nhất hành động và chiêm quan” (Nguyễn Trung Đức dịch từ tiếng Tây Ban Nha, theo Octavio Paz: Thơ văn và tiểu luận, Nxb Đà Nẵng, 1998). Cái gì đối với Phượng cũng rất lạ. Thực tại quanh mình là môi trường cho Phượng “chiêm quan”, chiêm quan về mặt trái cuộc đời. Phượng kể rất thật, cháu mới viết hồi 2010, lúc đó cháu có tập “Màu” (*) của chú. Cháu mượn của họ, bác ấy đã mất. Nghe đâu bác ấy mượn của bác Xuân Chuẩn và một ít thơ khác, đó là vốn liếng ban đầu. Cháu viết nhảm nhí ấy mà… Vậy mà cả một số lượng khổng lồ tôi không thể kể. Phượng gửi cho tôi mười chín bài có tên Sến khúc. Cuộc sống quanh ta, nhiều cái trong trẻo, cao thượng, nhiều giá trị thẩm mỹ, nhưng cũng phải thừa nhận rằng không thiếu những thứ vô bổ, hình thức, màu mè thứ người ta gọi: Sến! Việc ấy sến, câu nói ấy sến, cả cậu ấy sến… Thôi khỏi phải bàn. Tôi chia làm nhiều đêm để đọc. Có đêm ba giờ sáng tôi dựng Phượng dậy để nghe điện thoại, thì ra Phượng không ngủ. Tôi bảo thơ cháu mới là thơ. Cháu có con mắt và trái tim nhìn cuộc sống sắc sảo. Dưới ánh nhìn của cháu cuộc sống đã bay lên thành thơ. Hay nói cách khác cuộc sống đã sinh ra và trao cho cháu ngôn ngữ để biến thành thơ. Chú đọc mà rưng rưng muốn khóc:
Tại sao người ta lại đem chôn những giấc mơ
Sáng nay trước khi mùa đông ập đến
Lũ chim còn kịp cất giấu tiếng hót mình dưới mái hiên
Ngôi nhà cũ kĩ
Như ký hiệu đánh dấu lãnh thổ để quay về
Sau chuyến di cư

Một câu hỏi không thể trả lời, nó cứa vào lòng ta nghiệt ngã cay đắng của thế giới hiện hữu. Con người điềm nhiên không hay biết sự tàn phá của chính bàn tay mình: Nhưng con người lại cứ hả hê/ Trước những con phố dài bị hãm hiếp/ Và họ sợ hãi lấy tay che khi nhìn thấy mặt trời (Sến khúc 1 – Tang lễ)
Hình tượng thơ trùng điệp, nối dài như một bức tranh gam nóng phả vào mặt chúng ta. Và cũng những câu hỏi không để trả lời ấy lại vang lên: Tại sao càng ngày hành tinh này càng nhiều sa mạc/ Sa mạc trên đất liền sa mạc ngoài biển khơi/ Và sa mạc ngay cả trong trái tim mỗi con người (Sến khúc 4 – Xếp hàng). Văn học từ lâu đã gánh trên vai tính dự báo. Phượng đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh. Một sự cảnh tỉnh vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia. Càng đọc lòng thẫn thờ, tôi muốn quay mặt đi để khỏi đối diện với những câu thơ rùng mình, buốt lạnh: Những người đàn bà tự lót ổ/ Và tự đỡ đẻ cho mình/ Những đứa trẻ được sinh ra trên nền đất lạnh/ Những đứa trẻ được cắt rốn bằng chiếc răng của mẹ (Sến khúc 11 – Tiếng khóc). Điều gì đã giúp Phượng có cái nhìn nhân văn, tương phản về người đàn bà chửa hoang đầu thế kỷ văn minh 21? Tôi chân thật với cháu, càng đọc cháu, chú thấy mình chưa là gì cả. Chú học ở cháu rất nhiều. Đã thơ ắt phải tư duy bằng hình tượng, thơ không thể lấy kể lể làm chính. Một thời văn học chúng ta dây cà dây muống, thử hỏi làm sao trình bày với thế giới đang hội nhập cái gọi là chững chạc không thua kém ai?

Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ trong Sến khúc là một câu, một bài mở lòng văn chương thời ta sống thực sự. Tôi dùng chữ “mở lòng”, khi nhận ra hồn vía con người ẩn trong dó. Tôi biết mình cực đoan khi đưa ra một nhận định. Nhưng tôi quả quyết không sai khi đi săn lùng báu vật giữa chợ đời hiện có. Phượng không có ý niệm thao tác ngôn ngữ. Ngôn ngữ của Phượng chính là để trình bày cái biểu cảm. Thí dụ ở bài Sến khúc 19 – Tự vấn, Phượng viết: Này ngôn từ/ Đã đến lúc chúng ta cởi bỏ/ Những y phục lòe loẹt trên người/ Và khoác vào tấm áo/ Đẫm mồ hôi nước mắt/ Con Người! Như vậy ngôn từ không đủ để tạo ra cốt cách bài thơ. Lớp trẻ ngày nay có nhiều kiến văn rộng rãi, đủ khả năng tiệm cận với thế giới văn minh nhân loại. Với Phượng, dường như ngược lại, Phượng bảo cháu không hiểu gì một chút gọi là hiện đại, thủ pháp văn chương… Cháu viết cái quanh mình, như hơi thở, thức ăn nước uống hàng ngày, thiếu nó không thể được chú ạ. Vâng, đúng vậy Phượng đang khai thác thì hiện tại… Thơ khác nhiều so với các lĩnh vực nghệ thuật. Thơ là sản phẩm của trời cho. Độc giả lúc nào cũng tìm thấy gương mặt buồn vui của mình trong từng câu thơ. Kiến văn chỉ là yếu tố cần thiết, không tạo ra được tài năng. Tài năng như một định mệnh!

Lớp trẻ hội nhau trước đó và dưới mái nhà facebook bây giờ khá đông. Lãng Thanh (Giải thưởng Hội nhà văn 2004, đã mất), Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Hoa Níp (Giải thưởng Hội Nhà văn TP. HCM, cũng đã mất), Đời Cỏ Dại (Trương Đình Phượng), Lưu Mêlan, Chiêu Anh Nguyễn, Hoàng Thúy, Chíp Chíp (Hoàng Thụy Anh), Nguyễn Thúy Hạnh… Trong đó, Trương Đình Phượng là con chim đang bay đầu mũi hình chữ V, giữa bầu trời mặc gió mưa, nắng táp. Chúng ta sẽ không hổ thẹn với ai cả. Nhưng chúng ta phải biết tìm vàng trong cát, chắt lọc lấy hạt quý. Coi lớp trẻ non nớt là tâm thái không đáng có. Đọc họ, tôi không lý giải được vì sao họ nhìn cuộc sống tinh tường bằng ngôn ngữ trí tuệ, giàu biểu tượng như vậy? Câu trả lời chỉ có thể thời thế sinh ra thế. Tôi tin thời “hiện tại” (chữ dùng của O. Paz) đã phác thảo nên gương mặt thơ Việt. Một cuộc cách mạng sau phong trào Thơ Mới. Niềm tin cực đoan, có cơ sở.

Cuối cùng tôi muốn dành riêng cho Phượng một lời nhắn nhủ chân thành. Chú không hề tâng bốc cháu, Phượng ạ. Tâng để làm gì, nhưng cháu phải nghe chú, mình càng khiêm tốn bao nhiêu ngày mai cao lớn bấy nhiêu, như cháu đã làm và nghĩ hơn mười năm nay. Cháu viết, sống an lành, chăm sức khỏe mẹ cho tốt, bởi bố đã mất. Tôi nhất trí với Phượng cái biểu đạt mà cháu đeo đuổi, như phép mầu nhiệm đầy ma lực của thơ:
Mọi lời hứa
Mọi sự ngợi ca
Rồi sẽ thành vô nghĩa
Chỉ tình yêu chân thành là vĩnh hằng
Bài thơ vĩ đại nhất
Là bài thơ được viết nên bởi những kẻ khốn cùng.
(Sến khúc 14 – Bài thơ vĩ đại)
29/4/2019
______
(*) Nxb Lao Động – Hà Nội, 2010.

TANG LỄ

Tại sao người ta lại đem chôn những giấc mơ

Sáng nay trước khi mùa đông ập đến

Lũ chim còn kịp cất giấu tiếng hót mình dưới mái hiên

Ngôi nhà cũ kỹ

Như ký hiệu đánh dấu lãnh thổ để quay về

Sau chuyến di cư

Nhưng con người lại hả hê

Trước những con phố dài bị hãm hiếp, xác xơ

Và họ sợ hãi lấy tay che khi nhìn thấy mặt trời

Tại sao người ta ngăn dòng sông đang chảy

Dạy lũ trẻ con cách giam cầm những khát khao màu hồng

Vào chiếc rương chứa đầy những tấm hình vẽ bầy ngáo ộp

Những bài thơ về niềm tin và tình yêu

Được khoác lớp áo phong phanh sặc sỡ

Giữa con đường ngập tràn băng giá

Những lời hứa hão chưng ra sàn đấu giá

Được rất nhiều kẻ tranh giành mua

Trong khi những lời ru ngọt ngào từ bờ môi người mẹ

Cho không chẳng ai thèm lấy

Kìa

Những tay họa sỹ kia đang vẽ

Một bức tranh họ rao giảng “là sự hoàn hảo về chân trời mà nhân loại đã mất triệu năm tìm kiếm”

Ngôi thánh đường mục nát

Nằm trơ trọi trên đỉnh đồi lộng gió

Vào sáng chủ nhật chỉ có dăm ba kẻ nhà giàu

Ăn mặc xênh xang ghé đến

Và ra rả đọc kinh

Trong khi bàn tay vội vã ghi vào cuốn sổ

“Những nơi cần gieo thêm tội ác”

Kìa

Những gã đồ tể đã buông đao

Chúng thề “bọn tao nhất quyết hoàn lương”

Trong khi mọi người bắt tay chúc mừng

Thì bất ngờ vang lên những tiếng thét đớn đau

Từ ngôi nhà u ám

Chúng quả quyết “đó chỉ là âm thanh trong bộ phim kinh dị nước ngoài”

Và mọi người hồn nhiên tin là sự thật

Lúc đó phía sau ngôi nhà

Những con cừu đang nằm chờ đến lượt.

Tại sao người ta lại đem chôn những khoảng trời

Chỉ vì sự cả tin?

NỔI LOẠN

Những cuộc biểu tình nổi lên

Bằng cách này hay cách khác

Tại sao?

Họ muốn thể hiện tinh thần yêu sự thật?

Những cuộc biểu tình bị dập tắt

Bằng lựu đạn cay, dùi cui, súng điện và cả những viên đạn đồng

Vô tư cướp đi sự sống

Tại sao?

Họ muốn giữ trật tự xã hội

Hay họ muốn thể hiện sự trung thành vì tổ quốc?

Một người phụ nữ dắt theo đứa con nhỏ

Chị giơ cao tấm bìa đề hai chữ “Tự Do”

Và hô vang “Chúng tôi cần sự thật

Hãy cho thế hệ sau nụ cười thay vì máu và nước mắt”

Đứa con ngước nhìn chị với đôi mắt an nhiên

Như đang chiêm ngắm nữ thần công lý

Nó từng gặp trong những giấc mơ

“Này đây là tự do và bác ái

Đồ con chó cái hôi tanh”

Những cái tát, những cú nện phũ phàng

Chị quỵ xuống

Đứa nhỏ thét lên, ánh mắt đầy căm hận

Một cụ già liều chết xông vào

Cánh tay gầy nắm chặt chiếc dùi cui

“Không được đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa

“Hãy nghĩ đến mẹ các anh ở nhà

Thế giới này được sinh ra từ những cơn đau thấu tử cung người đàn bà”

“A lão già”, gã thanh niên cười lớn

“Ở đây không có chỗ cho lão dạy cách làm người”

Những tiếng thét như bản trường ca nguyền rủa

Vang lên

Xuyên thấu những con phố dài giãy chết

Những tay phóng viên nhanh chóng đưa tin

“Hôm nay vào giờ Y ngày X thành phố N nơi đất nước tươi đẹp

Một lũ phản động đã xuống đường biểu tình chống phá

Và những người thi hành công lý

Đã hy sinh thân mình bảo vệ người dân”

Những bài hát đã được cất lên

Từ đắng cay

Tại sao?

Họ muốn đòi lại mùa xuân cho thế hệ mai sau!

Những châm ngôn bội phản đã nhấn chìm sự thật

Giữa bùn lầy và xương máu

Tại sao?

Chúng muốn một tay che lấp cả bầu trời!

Và khốn nạn thay cái ác đã thắng.

XẾP HÀNG

Liệu chúng ta có cần tìm câu trả lời

Chúng ta là ai

Chúng ta đến từ đâu và đi về chốn nào

Hôm nay

Ngày mai và cả hôm sau

Những con chim kia vẫn hót

Dù thành phố này vươn vai đứng dậy

Hay sẽ bị tàn phá

Liệu chúng ta có cần tìm câu trả lời

Tại sao càng ngày hành tinh này càng nhiều sa mạc

Sa mạc trên đất liền sa mạc ngoài biển khơi

Và sa mạc ngay cả trong trái tim mỗi con người

Những cuốn sách cổ tích xuất bản ra

Chỉ để nằm chết dí trên giá đầy bụi bám

Trong khi đó bầy trẻ con tranh giành nhau

Những cuốn truyện tranh tràn lan tội ác và máu

Liệu chúng ta có cần tìm câu trả lời

Những bài ca dao lưu lạc về đâu

Bài thánh ca ai bỏ quên trên tháp chuông nhà thờ

Để bầy quạ xám đánh cắp ném vào hoang địa?

Trong khi người ta chạy theo dấu chân những gã khổng lồ

Tìm miền đất bình an hái những trái cây hạnh phúc

Thì chúng ta ngồi thu mình trong căn nhà vỏ ốc

Sợ hãi khi nghe đài báo bão phương xa…

Này cánh rừng kia đã bị cắt đôi

Như cánh tay bị chặt lìa khỏi cơ thể

Này những hòn đảo kia đã bị bán rẻ

Như quả tim bị đem ra khu chợ vỉa hè

Liệu chúng ta có cần xua tan đám mây mù

Lôi vầng dương từ vũng bùn ngàn năm hắc ám?

Và đặt vào lòng những bàn tay cùng tư tưởng

Phá vỡ gông xiềng giam giữ đàn chim gieo hạt giống

Tương lai?

Con sông này sẽ chảy về đâu?

Con đường này bao giờ sẽ không còn nhan nhản loài gai sắc?
Liệu có thể chạm tới khuôn mặt rạng ngời ngày mai

Khi hôm nay chúng ta chúi đầu xây bức tường cách ngăn thế giới

Tại sao không đổ nước vào chiếc bình sắp sửa cạn khô

Cho bông hoa kia sống thêm dù chỉ chút thời gian ngắn ngủi

Thay vì phũ phàng ném nó vào sọt rác?

Liệu chúng ta sẽ bất chấp chân mình rướm máu

Để leo lên tận đỉnh ngọn đồi

Hay câm lặng xếp hàng chờ đến lượt

Được bố thí

Mùa xuân!

CHUYẾN XE

Hồi sinh từ những cơn đau tháng chín

Từ trần vào giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư tháng mười

Những cảm xúc phơi bày hình hài trên con phố nườm nượp người qua kẻ lại

Sự đồng thuận về những giấc mơ không được ký giấy

Tôi đi, tôi chạy, tôi bay bằng mọi loại phương tiện

Chỉ có điều tôi quên mất tâm hồn tôi nơi bến xe chiều

Và hóa đơn thanh toán cho tuổi trẻ đã bị tôi vò nát trong khi chờ chuyến xe cuối cùng.

Trên chuyến xe ngày muộn tôi bắt gặp những gã thanh niên ngơ ngáo

Họ đứng bên cửa ngó trời ngó đất và những đám mây bay, bay loạn xạ

Tuy nhiên chúng lại không chịu thay đổi hình thù như vốn dĩ phải thế

Chiếc đài già còm cõi, có lẽ nó già hơn cả thân thể đất mảnh đất này

Rề rề phát những bản tin, những bản tin mới nhất nhưng thật ra lại cũ rích

Như những câu chuyện cổ tích lũ trẻ nghe bà chúng mẹ chúng kể, kể, kể suốt bốn ngàn năm và có lẽ còn kể đến tận khi tuyệt tích loài người

Gã tài xế dừng xe, tôi và đám hành khách dẫm lên đầu lên mặt nhau lên cả lương tri lương tâm và bản ngã con người

Ùn ùn lao xuống khu chợ tồi tàn tranh giành cướp giật mua cho bằng được những món hàng ế ẩm

Những nụ hôn, nụ cười, hạnh phúc được bày bán nhan nhản như những phế phẩm ôi thiu

Đắng cay, sầu tủi, hờn oán, ghét ghen lại được trang trọng nân niu bày trong lồng kính như những sản vật quý hiếm

Chuyến xe tiếp tục lao vào màn đêm dằng dặc như con đường ruột dê

Chúng tôi liên tục hỏi dồn bao giờ thì về đến nhà

Gã tài xế châm điếu thuốc và trong một phút tôi ngỡ điếu thuốc đang nhai nuốt gã đàn ông với nét mặt lầm lỳ cáu bẩn

Chiếc xe đi vào một cánh rừng âm u với những âm thanh hỗn loạn chát chúa nện vào tâm não

Những cơn đau tháng chín bắt đầu phân hủy trên mảnh xác của căn bệnh ung thư tháng mười

Tôi âm thầm viết vào cuốn sổ tay dự trình tháng mười một.

TIẾNG KHÓC

Tháng mười một

Tiếng chuông nhà thơ xé nát khuôn mặt buổi sớm

Bên kia dòng sông

Những cây bần già bắt đầu trút lá

Những người đàn bà chửa hoang

Ngồi giặt áo

Họ sắp lâm bồn

Những căn nhà lợp bằng cỏ dại

Những căn nhà không có tay người đàn ông

Bầy chó ra sông lè lưỡi liếm nước

Nước lạnh làm chúng run mình thích thú

Những người đàn bà thì chau mày cau có

Nước lạnh khiến cái bào thai giật mình

Đêm

Lũ đóm rình rang đưa tang

Đám ma của những linh hồn không xứ sở

Trong những căn nhà tối

Những người đàn bà bắt đầu trở dạ

Những người đàn bà tự lót ổ

Và tự đỡ đẻ cho mình

Những đứa trẻ được sinh ra trên nền đất lạnh

Những đứa trẻ được cắt rốn bằng những chiếc răng của mẹ

Bên kia dòng sông

Tiếng chuông nhà thờ trầm đục

Những câu kinh bay lên bay lên

Những người đàn bà lầm lũi ra sông

Cần mẫn ngồi giặt

Họ giặt mãi

Giặt mãi

Nhưng không làm sao giặt sạch tiếng khóc hài nhi

Đang khắc khoải trong những căn nhà không cửa.

BÀI THƠ VĨ ĐẠI

Có bài thơ nào là vĩ đại

Giữa ngồn ngộn trắng đen sướng khổ sang hèn

Có cơn mưa nào gội sạch cát bụi trần gian

Có vì sao nào thắp sáng những tâm hồn mắc cạn

Có bàn chân nào đi hoài không mỏi

Dẫu phía trước là sa mạc vô biên

Bạn thấy gì trong đôi mắt con nai

Khi chiều tô nỗi buồn lên những khoảng rừng già

Những tia nắng tà

Thả thính bằng những sắc màu lừa dối

Dụ nai lạc đến bên bờ vực thẳm

Bạn thấy gì trong đôi mắt biển khơi

Những đêm bão tố

Đoàn thủy thủ điên cuồng réo gọi

Bốn hướng trời quạnh lặng mênh mông?

Trên ngọn hải đăng

Gã canh gác say sưa trò dục thú

Đôi tai chỉ nghe thấy mỗi tiếng cười dâm đãng

Của bầy gái điếm

Bạn thấy gì trong đôi mắt đàn chim

Rời bỏ quê hương thiên di tìm miền đất hứa

Sương mù bít bùng

Núi non trùng điệp

Và trên mọi nẻo đường

Những tay thợ săn đã dương cung chờ đợi?

Những dòng suối

Suốt một đời bị giam cầm nơi rừng hoang núi thẳm

Bao đêm trường nuôi khát vọng đại dương

Thành chốn nương thân cho bầy thú

Mùa khô hạn

Những kiếp lá khi trút máu mình giữa trời đông u uất

Đã nghĩ về ngày mai sáng lạn

Khởi nguồn trên những nhánh lộc non

Còn chúng ta

Một ngày mai đi xa

Có thể đến thiên đàng

Cũng có thể sẽ về hỏa ngục

Để lại gì cho hậu thế?

Ngoài những chiếc thuyền không đáy

Lênh đênh?

Mọi lời hứa

Mọi sự ngợi ca

Rồi sẽ thành vô nghĩa

Chỉ tình yêu chân thành là vĩnh hằng

Bài thơ vĩ đại nhất

Là bài thơ được viết nên bởi những kẻ khốn cùng.

TRONG BUỔI CHIỀU NHẢM NHÍ NÀY

1.

Tôi ăn mày buổi chiều

Bằng những chấm cô đơn

Con chuồn ớt nhỏ nhoi. Bay. Luống hoa cà dần héo

Từng đám mây lao xuống dòng sông. Tuẫn nạn.

Những ả đàn bà ra sông giặt áo

Giặt mòn tay chưa hết gian truân

Sau làn áo mỏng, những núm vú buồn

Níu chút tàn tuổi xuân bằng nhịp thở

Con đường bụi bốc mù. Những bóng người như đang đi trong sương.

2.

Có những buổi chiều

Lạnh hơn một nụ hôn

Bạn cố tìm hiểu đường biên của một sợi tóc

Hay phả hệ của một niềm tin. Trên linh hồn bông gió xám.

Có những buổi chiều

Đến những giọt nắng tàn cũng đượm mùi suy tưởng

Bạn mặc niệm giấc mơ ban trưa

Bằng những câu thơ vụng về

Bạn biết

Hoàng hôn chẳng bao giờ chết. bởi nỗi buồn

Đêm muôn đời như cuốn sách

Viết về hành trình của nhân loại

Bạn đọc hoài chẳng hết

Có những chiều

Bạn giơ tay

Đôi bàn tay đã thấm mệt đòn roi số phận

Hứng những tiếng động

Và gói vào mảnh giấy im lặng

Bạn nghĩ bạn sẽ ươm mầm sự nổi loạn

Để rồi nhiều ngày sau bạn mở ra

Chỉ thấy những miếng da khô sáp

Như xác những nàng tiểu tiên

Bị bỏ quên trong chiếc hang. Từ thuở xa xôi nào đó.

3.

Này anh

Chúng ta chơi trò chơi nhé

Trò gì?

Làm thi sỹ

Thôi bỏ đi em

Nhà thơ nghèo kiết xác

Méo xẹo mồm vì nhai những giấc mơ

Này anh nhầm rồi đấy anh yêu

Nhà thơ bây giờ giàu lắm

Chẳng còn ai cưỡi gió ôm mây

Cũng cóc còn ai bán niềm vui mua nước mắt cuộc đời

Nhà thơ bây giờ áo quần xúng xính

Điện thoại iphone ai phiếc rần rần.

Vậy à

Thế thì chúng ta chơi.

Anh đã đứng dưới vũng bùn này quá lâu rồi

Thôi chơi trò thi sĩ để đổi đời cũng tốt.

NẾU ĐƯỢC, BẠN LỰA CHỌN GÌ

Mỗi ngày
Tôi đã nói hơn những điều, có thể
Ai đó bảo tôi con vẹt lắm lời
Thật sự thì
Tôi không phải là cái máy phát lại
Không ai bắt chúng ta không được cười
Hoặc khóc theo chiếc cọ của những tay họa sỹ càn rỡ
Có lẽ do chúng ta tự nguyện
Chìa cổ cho người đeo thòng lọng
Con đường có rất nhiều ổ gà
Bạn có thể chọn cách đi chậm lại
Và vòng qua chúng
Nhưng bạn đã đẩy chính mình ngã xuống
Chỉ vì sự vội vã
Này
Tôi có mười ngón tay
Và bạn cũng thế
Chả ai bắt chúng ta phải nắm giữ nỗi buồn
Nhưng tạo sao chúng ta cứ phải đi qua những tháng năm đớn đau
Mùa trái ngọt thì hoài xa
Như ốc đảo trên nhánh xương sườn xa mạc
Mọi cuốn kinh hay tất thảy sách giáo khoa đạo đức
Trên thế gian này
Đều hướng tâm hồn loài người tìm đến chân thiện mỹ
Nhưng tội ác lại được ưa chuộng như món thịt bò hầm
Thiếu chúng lẽ nào mâm tiệc trần thế sẽ nhạt nhẽo?
Hôm qua
Một số người tự xưng là thánh sứ
Đã ghé đến
Họ xén trí tuệ tôi
Treo lên đầu chiếc gậy
Mang dáng dấp đôi mắt thánh nữ
Họ nói: họ sẽ mở cánh cửa thiên đường
Cho tôi nhìn thấy miền đất tự do trù phú!
Và khi tôi thức tỉnh khỏi giấc mộng
Xung quanh chỉ còn bóng tối vô biên

Nếu đời cho phép bạn lựa chọn
Bạn sẽ chọn gì?

Comments are closed.