Nhớ ngày xưa “Vị ngọt hòa bình"…

(Rút từ facebook của Ngô Thị KIm Cúc)

Tập truyện ngắn đầu tiên tôi có tên Vị ngọt hòa bình, do Nhà xuất bản Phụ Nữ làm “bà mụ”, ấn hành năm 1981. Sách dày 134 trang với 7 truyện, in 16.2000 bản, bìa do họa sĩ Trần Ngọc Quỳ vẽ, một bìa sách rất ngọt ngào dễ thương, được người đọc cũng như tác giả rất thích.

Sẽ không có quyển sách ban đầu ấy nếu không có một người chị vừa “dỗ dành” vừa thúc ép tôi đưa bản thảo, để chị tập hợp và đăng ký với nhà xuất bản, bởi tôi là đứa rất cà lơ, việc in hay không in sách đối với tôi có vẻ không khác nhau là mấy.

Người chị đáng yêu ấy là biên tập viên Mai Hồng, tức nhà thơ Nguyễn Thị Hồng- hiền nội trợ của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ngày ấy gia đình chị Hồng sống ở chung cư Thành Công mới xây, chỉ cách Trường Viết Văn Nguyễn Du tôi đang theo học (từ 1979 đến 1982) bề rộng con đường Giảng Võ. Nhà anh chị bài trí gọn gàng xinh xắn, có cô con gái tuổi mẫu giáo tên Hà giống hệt một búp bê Nhật Bản với làn da trắng bóc, đôi môi đỏ tươi và đôi mắt mí lót đen lay láy…

Thỉnh thoảng, chúng tôi- nhóm bạn gái lại sang nhà chị uống nước chè, trò chuyện. Tình bạn thời ấy thật giản dị, không cầu kỳ tốn kém. Chỉ cần một ấm chè và vài thanh kẹo hay một bịch đậu phụng là người ta có thể kéo dài câu chuyện tới lúc nào cũng được. Chị Hồng rất “ưu ái” tôi, có lẽ bởi chị cũng như nhiều người dân Hà Nội thời đó (những năm đầu sau 1975), rất quý dân miền Nam ra Bắc làm việc, học hành.

Tập sách thứ hai của tôi cũng in bởi Nhà xuất bản Phụ Nữ và cũng do chị Mai Hồng biên tập, năm 1984. Đó là tập Sắc biển, dày 138 trang với 5 truyện ngắn và 13.200 bản in. Hai quyển này đều ra đời vào thời kỳ nhà văn Nguyệt Tú đang làm giám đốc và nhà văn Nguyễn Sinh làm phó giám đốc.

Từng là phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam trong ba năm (1976 tới 1978), tôi không xa lạ gì với Nhà xuất bản Phụ Nữ. Có chung cơ quan chủ quản là Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, chúng tôi vẫn ngồi chung hội trường những khi hội họp, trong trụ sở số 47 Hàng Chuối vô cùng thân quen những tháng ngày đầu làm quen với Hà Nội. Có một sự khác biệt là trong khi cán bộ Hội thường bộc lộ “đặc trưng đoàn thể” một cách khá rõ (như hay để ý săm soi tóc tai, quần áo, thói quen sinh hoạt… của mọi người) thì ở báo và nhà xuất bản, các chị phụ trách đều xuất thân từ tầng lớp học sinh thành thị tham gia kháng chiến, nên cách suy nghĩ và làm việc khá thoáng, không khiến lớp trẻ – nhất là một sinh viên Sài Gòn mới ra miền bắc như tôi, e ngại.

Cả sách lẫn báo của hai logo Phụ Nữ đều rất thành công trong công việc thông tin, giới thiệu cho người đọc nhiều điều cần thiết trong cuộc sống, bởi thời kỳ ấy sách báo còn khá quý hiếm, và cũng bởi vào thời ấy, người ta vẫn còn làm sách, làm báo với lý tưởng và trái tim đẹp đẽ, trong sạch.

Thú thật, nếu không in quyển sách đầu tiên, có thể tôi cũng sẽ chẳng bước vào làng văn và trở thành hội viên Hội Nhà văn, tức là người viết-văn-chuyên-nghiệp, ít ra là trong quan niệm của mọi người. Với quyển sách đầu tay, tôi được kết nạp hội khá sớm: năm 1983, trở thành 1/32 nhà văn nữ dự đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam – một “đại hội đổi mới” rất nổi tiếng, năm 1989.

Là người từng giới thiệu khá nhiều sách của các nhà xuất bản khắp cả nước cho người đọc trên hai tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, nhưng trong tôi vẫn giữ mãi ấn tượng lạ lùng mà một quyển sách rất đặc biệt của Nhà xuất bản Phụ Nữ đã để lại. Đó là cuốn tự truyện Giữa đêm đen của Barbara Peabody (qua bản dịch của Phương Hà). Đó là câu chuyện một người mẹ Mỹ chăm sóc đứa con trai bị SIDA của mình, từ khi được tin báo cho đến tận giây phút cuối cùng. Sách ra năm 1993, khoảng thời gian mà cả thế giới đang kinh sợ hãi hùng trước căn bệnh SIDA vô phương cứu chữa, cả nhân loại đang cảm thấy hoàn toàn bất lực trước những cái chết hàng loạt, dồn dập, mà người ta cho là sự trừng phạt của Thượng đế dành cho loài người.

Khi đọc quyển sách ấy, và cả khi viết bài về nó, nước mắt tôi luôn ràn rụa trong một nỗi đau nỗi buồn không cách gì kiềm được, cảm nhận hết những gì mà trái tim nát tan của người mẹ phải chịu đựng khi nhìn thấy con từ từ đi vào cõi chết một cách hết sức đau đớn mà phải đành buông tay bất lực. Quyển sách như một nhật ký mô tả rất cặn kẽ chi tiết diễn tiến căn bệnh thế kỷ, những đau đớn mà người bệnh phải gánh chịu khi cơ thể dần bị rã tan hủy hoại mỗi ngày, và cùng với nó là nỗi thống khổ không bờ bến mà người thân phải chấp nhận trong tuyệt vọng…

Quyển sách ấy, giờ giở lại, tôi vẫn còn nguyên cảm giác buồn đau, bởi nó trùng lặp với nỗi đau mà bao mẹ cha/chồng vợ/anh chị em… người Việt phải chịu đựng trước căn bệnh ung thư đang hoành hành ngày càng hung hãn ghê rợn trên khắp đất nước Việt Nam. Quá nhiều gia đình đã tán gia bại sản, bán hết nhà cửa đất ruộng tài sản có được để cố chạy chữa cho người thân mà cuối cùng vẫn đành phải cắn răng chào thua thần chết… Sau cái chết sẽ là con cái thất học, người thân lao đao khốn cùng không còn phương kiếm sống sau khi tất cả tiền bạc đã đội nón ra đi cùng với căn bệnh ung thư…

Kỷ niệm sáu mươi năm Nhà xuất bản Phụ Nữ, mỗi người liên quan đều có điều gì đó để nhớ để nhắc về những người đang, đã, và sẽ làm việc dưới logo này. Nỗi nhớ của tôi dành cho Nhà xuất bản Phụ Nữ rất riêng, rất thật: tôi yêu quý những người làm sách có tâm, biết đặt câu hỏi và tự trả lời một cách trung thực về những gì mà người đọc, người viết trông chờ ở mình…

Giữa thời điểm mà việc làm sách đang trở thành một thách đố lớn trước vô vàn các phương tiện truyền thông hấp dẫn khác, biết tôn trọng người đọc bằng cách không lãng phí tiền bạc và thời gian mà họ đã bỏ ra cho sản phẩm của mình, với tôi, đó là một cách làm thật sự có lương tâm, một chọn lựa hết sức đáng trân trọng…

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và trong nhà

Cùng người chị thân yêu Nguyen Thi Hong, người đã có vai trò quan trọng trong việc ra tập truyện đầu tay của tôi…
Trong Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, sợi và trong nhà

Nhà văn Thanh Hương- Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam, nhà văn Nguyệt Tú – Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ, Kim Cúc Ngô Thị (từ trái qua)…
Trong Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồi, đồ uống, bàn và trong nhà

Nhà báo Hà Nhung – Trưởng Văn phòng Báo Phụ Nữ Việt Nam ở phía Nam, nhà báo Trần Thu Hương – giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ (thời kỳ đó), Kim Cúc Ngô Thị (từ trái qua)… trong một bữa tiệc do Văn phòng báp Phụ Nữ chiêu đãi… Năm nào không nhớ rõ…

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và trong nhà

Kỷ niệm 60 năm Nhà xuất bản Phụ Nữ ở TP. HCM, tháng 11/2017

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, trong nhà

Kỷ niệm 60 năm Nhà xuất bản Phụ Nữ ở TP HCM, tháng 11/2017

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Quyển sách đầu tay, bìa giấy xấu, giấy in cũng xấu, nhưng là niềm thương yêu vô hạn của mình

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Quyển sách thứ hai – Sắc biển, cũng không khác quyển thứ nhứt Vị ngọt hòa bình là mấy… Và vẫn yêu với tất cả những gì đạp đẽ nhứt…

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Giữa đêm đen, quyển sách để lại ấn tượng không thể quên cho mình, trong rất nhiều đầu sách của Nhà xuất bản Phụ Nữ…

Comments are closed.