Thiên hạ đại thế luận

Nguyễn Lộ Trạch

Tiểu dẫn: Nguyễn Lộ Trạch cùng với Nguyễn Trường Tộ là 2 nhà canh tân hàng đầu VN TK.XIX. Thiên hạ đại thế luận được Nguyễn Lộ Trạch viết vào năm 1892 nhân kỳ thi đình năm ấy. Năm ấy vua Thành Thái, một ông vua duy tân, ra đề thi đình: Các anh chị hãy bàn về các thế lực lớn trên thế giới (Thiên hạ đại thế luận). Các sĩ tử cắn bút hết, vì đề này không có trong văn mẫu hay luyện thi. NLT tuy không đi thi nhưng ở nhà bức xúc mà tự làm bài. Bài luận văn này được lưu truyền bí mật, và trở thành bài học khai tâm cho các sĩ phu duy tân sau này: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Trong bài luận văn này ông phân tích tình hình chính trị thế giới, tiên đoán về tương lai châu Á: Xiêm La sẽ giữ được độc lập do biết cách điều hòa mâu thuẫn giữa các nước đế quốc, Nhật Bản thì sẽ trở thành nguy cơ lớn nhất của châu Á, TQ thì hỏng hết rồi, đừng trông cậy gì nữa. Quả thật, LS chứng minh tất cả các tiên đoán chính trị của ông đều đúng. Ông nói: nước mình thì ngu dại, nhưng nếu biết duy tân tự cường, học theo phương Tây thì biết đâu một ngày kia cũng trở nên cường thịnh. Tôi kính phục ông là một trong những bộ óc thông minh nhất nước ta bấy giờ.

Bài luận dài, chú thích nhiều, nhưng đây là một trong những luận văn quan trọng nhất của TK.XIX, mở đường cho phong trào duy tân TK.XX nên tôi chép ra đây để làm tư liệu cho những ai quan tâm đến tư tưởng nước nhà. Bài này trích trong sách “Nguyễn Lộ Trạch, điều trần và thơ văn” do GS. Mai Cao Chương và tôi biên soạn từ năm 1995, đến nay đã tuyệt bản. Không biết có NXB nào quan tâm tái bản được không?

Đoàn Lê Giang

THIÊN HẠ ĐẠI THẾ LUẬN

Sự còn mất của quốc gia là do chính trị – giáo dục(1), chứ không phải do mạnh – yếu, lớn – nhỏ (b). Chính trị – giáo dục được sửa sang cất cử thì dầu nhỏ yếu cũng chưa thể mất được.

Tử Sản làm Tể tướng nước Trịnh(2), Khổng Minh cai trị nước Thục(3), người ta cũng dễ dàng quên đi cái tình trạng suy yếu của nước ấy. Còn cẩu thả buông tuồng thì dẫu Tần, Tùy(4) có giàu mạnh cũng không thể ỷ lại được, huống chi các triều đại kém hơn.

Kinh Thư nói rằng: “Theo đường trị thì hưng, làm việc loạn thì mất”.

Đó là vết xe chung ngàn đời vậy. Ôi, lớn – nhỏ, mạnh – yếu tuy không phải tại số còn mất, nhưng ngựa kỳ, ngựa ký một ngày đi được ngàn dặm, còn nếu có ngựa tồi thì phải mười cỗ rồi sau mới kịp(5). Việc thiên hạ không thể ra ngoài cái thế. Cái thế ngày nay khác với cái thế ngày xưa. “Thiên hạ” ngày xưa thì vết chân vua Vũ đã trải khắp cả rồi(6). Thiên hạ ngày nay thì đúng như điều người xưa nói: “Ở ngoài trời đất và bốn phương thì có thể luận mà không nghị”(7) vậy. Nếu may mà được sống ở “thiên hạ” trước đời Hán, Đường thì mới có thể luận mà không nghị được. Không may mà sống vào buổi Âu – Á tranh cường thì muốn luận mà không nghị được không? Vào thời Xuân Thu, lãnh thổ Trung Quốc phía bắc không đến Lưu Sa, phía tây không đến Ngọc Môn, phía nam không hết được cõi Dương Châu, các bậc quan khanh, đại phu bấy giờ không ai là không trù tính kỹ ở trong lòng cái thế chung của “thiên hạ” để làm cho nước mình được yên trị. Thời nay thì sao lại riêng không làm được như thế?

Ngày nay Tây phương đánh nhau với Trung Quốc, tuy ở cách xa gần nửa vòng địa cầu, thế mà lính Tây (chỉ Tây Ban Nha) kéo ra từ Lữ Tống(8), thuế má người Anh được cung cấp từ Mạnh Gia(9), tiền của ở Cát Lâm(10) là kho ngoài của nước Nga. Thế thì giặc mạnh vốn không ở ngoài trùng dương bảy vạn dặm mà chúng ở ngay sát nách vậy. Cái thế trong ngoài hỗn tạp, mà cái hình thôn tính lập thành. Đất Lữ Tống từ đời Minh đến nay, hơn ba trăm năm vẫn thần phục Tây Ban Nha, mà nay lại muốn ngang nhiên tự mình đứng vững, thực là khó lắm thay! Ấn Độ, Miến Điện cùng chung một bệnh như vậy. Xiêm La thì có thể giữ nguyên vẹn được, nhưng không thể hòa thân với các nước láng giềng. Nhật Bản thì mỗi ngày một tiến mau chóng, thế nhưng Nhật Bản mạnh thì mối lo của Trung Hoa lại chẳng phải ở Tây Dương mà chính là ở đây vậy.

Ôi, đất nước nhà Thanh (Trung Hoa) không phải là không mênh mông rộng lớn, nhưng miền Hắc Long bị sáp nhập vào Nga, con đường Miến Điện thông suốt đến đất Điền (Vân Nam); thậm chí Hương Cảng, Áo Môn, Tô, Hạ(11), Đài Loan đều là con đường phía đông của các nước từ phương Tây đến; một khi có nội biến, các nước đều nhảy vào phân chia xâm chiếm, thì làm sao có thể giữ cho ngày sau tránh khỏi nạn chia năm xẻ bảy được. Ngày trước thiêu rụi ở Viên Minh (thời Hàm Phong), đốt cháy ở Quảng Đông (thời Đồng Trị)(12), và gần đây Phúc Châu (thời Quang Tự)(13) cũng hầu như không giữ được. Thế là nước không phải không lớn, sức nước ấy không phải là không mạnh, nhưng chính trị – giáo dục đã bị buông lơi, trên dưới cẩu thả cầu an nên vậy, Qua Đăng đã bị bó chân không tiến lên được, cũng là đúng thôi (Qua Đăng là người Anh, làm quan triều Thanh; trong việc dẹp loạn Hồng Dương, ông tham dự có công, sau về châu Âu, rồi lại sang phương Đông, dâng kế sách dời đô cho triều đình nhà Thanh, nhưng không được dùng. Xem Hương Cảng tân văn)(14).

Thế nhưng không đến nỗi đã quá lắm đâu. Không phải là trí có thể có, để chế ngự nổi mệnh của các nước phương Tây, mà là thế thì đủ để ràng buộc sức của các nước ấy. Chính trị của Tây phương hoàn toàn có quan hệ với thương mại, mà Trung Quốc lại là nguồn lợi vô tận(15). Hễ một nước gây hấn thì bốn bên đều bỏ nghiệp – gà ở liền nhau thì kỵ nhau – nên phải cùng nhau dàn xếp. Đó là cái thế kiềm chế lần nhau mà phải vậy thôi. Tự cứu mình không xong thì làm sao cứu nổi người! Cao Ly bị phụ thuộc vào Nga, Lưu Cầu(16) bị thôn tính bởi Nhật, thế mà nhà Thanh vẫn cứ đành giương mắt mà trông. Trước kia có người nước ta bàn nên làm theo kế của Thân Bao Tư(17), vì họ cũng chưa hiểu rõ được đại thế mà thôi.

Ôi, tình thế nhà Thanh đến nay còn có thể nói được gì nữa! Bên trong thì của cạn sức kiệt; bên ngoài thì bị lấn lướt khóa tay; với bộ xương còm chống giường còn không nổi, mà phải đi chặn giữ những chỗ xung yếu, thế thì họ còn có thể chi viện cho ta được là bao?

Trước kia Trịnh Trang chiếm đất Hứa(18), bên trong thì mưu tính làm giàu, bên ngoài vẫn giữ danh hiệu cũ. Vì ông ta thực sự có nỗi lo sợ, cho nên phải giả danh để mê hoặc người ta. Cái thói giảo quyệt của người đời nay có kém gì người đời xưa đâu! Sự còn mất của Tây Ban Nha tuy chẳng có liên quan gì ghê gớm tới nước Anh, nước Nhật(19), thế mà họ vẫn đem quân cứu giúp, không để cho người Nga thôn tính. Việc ấy thực ra có phải vì người Tây Ban Nha mà mưu tính đâu! Từ khi người châu Âu đi tàu sang phương Đông, thèm thuồng đất Chấn Đán(20), có kẻ đã gắng công lâu dài đến hàng chục năm, hàng trăm năm mà vẫn không có được một tấc đất nào. Nay Pháp chỉ với cái sức suy bại còn lại của phương Tây, bỗng nhiên có được kho tàng dồi dào, thì một ngày kia chúng sẽ vét thuế ở Long Biên để giành giật đất Điền, dấy binh ở Chân Lạp để quấy rối Tân Gia Ba(21), rồi dồn chứa tất cả sức lực trong nước để giành lại đất cũ với Phổ(22). Đó cũng là mối lo thầm kín của Anh, Phổ vậy. Nếu có cơ hội có thể lợi dụng được thì họ sẽ mượn cớ để đánh Pháp, thử hỏi Pháp có thể cao gối ngủ yên được không? Bên ngoài thì họ giả danh “dấy nước đã kiệt, nói dòng đã tuyệt”(23), bên trong thì lại thi hành mưu kế thu vén làm giàu, kể cũng giảo quyệt lắm thay!

Thầy thuốc chữa bệnh ắt phải biết nguyên nhân của bệnh rồi trị cái nguyên nhân ấy thì bệnh mới khỏi. Nay mưu tính sự sống còn há không có cái nguyên nhân làm căn cứ sao? Vì ta yếu hèn khuất phục mà chúng thương ư? Vì ta giàu mạnh mà chúng chẳng dám gây sự ư? Đều không phải như vậy! Thế thì vốn đã có nguyên nhân sẵn rồi. Người xưa trong lúc rối ren(24) thường vẫn cứ đinh ninh là việc nước sẽ ổn định. Tại sao họ lại viển vông như vậy? Vì nếu không nghĩ như thế, thì sẽ không có gì để cố kết lòng người, sẽ tan mọi hy vọng và làm mất hết tài trí của thiên hạ. Vả chăng trí mưu của ngoại bang không phải là khó dò xét lắm đâu. Cái mà chúng mưu đồ thì lâu dài, cái mà chúng tranh đoạt là lợi lớn. Những việc chúng làm hiện nay đều đã được trù tính ngay từ lúc mới mang tàu đến nước Nam, chứ không phải là vì vui mừng trước một lời nói mà chúng ký hòa khoản; cũng không phải vì giận dữ trước một sự việc mà dấy lên binh đao. Nếu ta cứ co ro, sợ sệt thì chỉ chuốc lấy sự khinh miệt mà thôi! Nay ta hãy thực tâm bỏ đi cái hư danh mà mình không có, xác định phạm vi thực đang có của ta, khiến cho có định chế rõ ràng, kẻ khác không được xen vào làm rối quyền hành. Rồi trên dưới một lòng, sớm tối bàn định. Bên trong là nỗi khổ của dân và tệ lậu quan lại, bên ngoài là tình hình Tây Dương và mối lợi tàu buôn, tất cả đều phải kịp thời chỉnh đốn – xa thì xem gương Câu Tiễn(25), gần thì xem gương Nhật, Phổ. Nếu làm được như vậy thì hiện nay tuy ta chỉ có thể xác định bờ cõi để giữ cho yên, nhưng biết đâu một ngày kia lại không có thể tung hoành làm nên nghiệp lớn? Nếu không làm theo kế ấy mà cứ cúi ngẩng theo lệnh người ta thì chắc chắn cũng lại đi theo vết xe đổ của Ấn Độ, Miến Điện(26) mà thôi!

Có thuyết nỏi rằng: hàng ngày người làm ruộng bón phân cho lúa sắp héo khô, thì mặc dầu họ chẳng mong tất sẽ được mùa, nhưng chính là họ làm cho đất màu mỡ để năm sau mùa màng nhờ đó mà tốt hơn. Vậy thì việc vun xới, chăm bón để bồi bổ nguyên khí cho đất đai hẳn không phải là tính toán sai lầm vậy. Ôi, người quân tử chỉ làm cái việc cần phải làm, còn cái thế và cái số tạm gác lại không cần xét đến cũng được. Mạnh Tử khi ở nước Tề(27) thì nói: “Với nước Tề việc thi hành đạo vương dễ như trở bàn tay”, còn ở nước Đằng(28) thì nói: “Nếu có bậc vương dấy lên thì ắt phải đến đó mà học hỏi”. Vậy là đâu có từng vì cái thế yếu kém mà trễ nãi việc xửa trị đâu? Vũ Hầu đời Hán, Việt Thạch đời Tấn, Văn Tín Quốc đời Tống, Sử Thượng Thư đời Minh(29)… mấy vị quân tử ấy, không phải là không biết cái thế ra sao, nhưng các vị ấy vẫn đều hết sức làm cái việc cần phải làm, còn thành hay bại, nhanh hay chậm thì không cần tính đến.

Vả chăng mối nguy ngày nay há phải là mới bắt đầu từ ngày nay đâu? Cái mối nguy ngày nay chẳng phải mới có từ ngày đánh nhau ở cửa biển Cần Giờ, bán đảo Sơn Trà mà ngay từ lúc Vạn Tượng, Cao Miên xin triều cống. Có ngoại bang mạnh thì lại đổ cho ngoại bang, giả sử không có ngoại bang thì liệu ta có thể yên ổn vô sự được không? Ôi, chế độ quận huyện vốn sinh ra từ chế độ phong tước kiến địa(30), phương thức chia ruộng ra bờ “thiên” bờ “mạch” lại bắt nguồn từ phương thức chia theo kiểu “tỉnh điền”(31). Thối nát – thần kỳ, đó là cái lẽ tuần hoàn của bản thân vạn vật. Dựa vào giấy tờ, lương bổng bạc bẽo, cho nên quân đội yếu kém. Cần phải cố gắng chấn chỉnh lại! Quen thói tô vẽ bề ngoài, bày đặt lắm thứ, cho nên quan lại nhũng lạm. Cần phải cố gắng giảm bớt đi! Vì giấy tờ bề bộn nên tục lệ thời thượng cổ(32) trở lại; vì công việc trễ nải nên học thuyết Thân, Hàn(33) dấy lên. Đó là nguyên nhân tất yếu của sự biến chuyển tình thế, mà đời nọ nối tiếp thay thế đời kia vậy.

Thời thế biến chuyển đến thế này là cùng cực rồi. Nhưng cơ trời bĩ và thái thường nương tựa nhau và ngầm chứa nhau. Người quân tử không dám vì thiên hạ yên trị mà xao lãng việc nơm nớp giữ gìn, cũng chẳng nỡ vì thiên hạ loạn lạc mà sợ sệt lẩn tránh. Có trách nhiệm với đời một ngày thì cũng có việc làm của một ngày. Người quân tử rất ghét những kẻ lấy cớ thời vận để thoái thác trách nhiệm vậy.

Tuy thế, kế sách làm giảu của Thái Tây(34) cũng vụng về lắm. Mặc Lợi(35) mở mang lại giúp Hoa Kỳ dựng nước; Đông Bột(36) khai thông mà Nhật Bản hùng cường; nhờ khai khẩn núi Đại Lợi mà Mạch Tây(37) hưng thịnh; nhờ khai thác núi Tân Lang mà Xiên La giàu có. Gần đây họ lại dốc sức vào vùng vịnh phía nam nước ta(38), tất sẽ tạo nên thế đối địch sau này. Phàm những kẻ tính toán thu vén làm giàu cho mình thì đều là làm hộ cho thiên hạ cái việc khai sáng mở mang, chẳng khác gì chim tiêu liêu(39) hàng ngày lo xây tổ, người ta hàng ngày dạy dỗ con cái. Há là trời phú cho họ cái tính ấy chăng, sao lại làm không biết mệt như thế? Ôi, có điện mà không biết dùng, có khoáng sản mà không biết lấy, chỉ cậy vào sức chai cứng của chân tay mà không biết đến sự tiện lợi của tàu xe, máy hơi nước, quả là ngu nhất thiên hạ vậy! Nhưng biết đâu trời lại chẳng thương cho cái ngu đó mà sai kẻ thay mặt mình dạy dỗ cho chăng? Kết tổ xong thì chim tu hú vụng về(40) chiếm làm nhà, dạy dỗ con cái nên người rồi thì họ khác đến cưới đi. Đó là cái lý tất nhiên vậy. Xem cái lý, xét cái thế, kịp thời sửa sang chính trị – giáo dục để không phụ lòng mong mỏi của dân. Đó là điều hy vọng ở những bậc quân tử tương lai trong nước.

KHẢO DỊ:

(a) Dưới nhan đề có một đoạn văn giới thiệu bài luận này của người sao chép Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch di văn như sau:

“Những bài trong Quỳ ưu lục của ông đều được viết ra từ năm Giáp Thân (1884) niên hiệu Kiến Phúc trở về trước. Lúc ấy việc nước còn có thể làm được, cho nên những kế hoạch viết ra lúc trước hãy còn có hy vọng nhiều vào người cầm quyền, lại có ý khích lệ nữa. Bài này viết ra sau khi cuộc bảo hộ đã xong (vào khoảng đời Đồng Khánh đến đời Thành Thái), trong đó bàn về xu thế trào lưu Âu Tây, toàn cục Á Đông cùng với những việc sai lầm đã qua của nước ta, rõ ràng minh bạch, nhãn quan như đuốc, xác kiến không sai. Đoạn sau chuyên bàn về đại thế, không trách những chuyện đã qua nữa mà hoàn toàn trông mong vào người sau, lời nói càng đau đớn mà lòng càng thêm khổ não. Đến ngày nay ta lại càng phục tiên kiến của ông là sáng suốt.

NGƯỜI SAO CHÉP viết”.

(b) Bản K.A: nguyên văn “bất tại ư cường nhược, đại tiểu”.

Bản H.T: chỉ có “bất tại ư cường nhược” và chú thích bên cạnh “nhất tác đại tiểu, cường nhược”. (có bản viết: lớn nhỏ, mạnh yếu).

CHÚ THÍCH:

(1) Chính trị – giáo dục: dịch từ chữ “chính giáo”. Chính: chính trị, việc tổ chức và xây dựng đất nước. Giáo: dạy dỗ, giáo dục.

(2) Tử Sản: tức Công Tôn Kiều, đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, tự là Tử Sản. Ông thi hành một chính sách trị nước vừa khoan dung vừa cương quyết. Nước Trịnh bấy giờ ở giữa hai nước lớn: Tần và Sở, hai nước đang tranh ngôi bá chủ, Tử Sản bên trong dùng lễ nghĩa và hình pháp để trị yên, bên ngoài dùng cách ngoại giao khôn khéo. Vì thế nước Trịnh yên ổn, hưng thịnh suốt mấy chục năm.

(3) Khổng Minh: tức Gia Cát Lượng, người nước Thục Hán thời Tam Quốc, giúp Lưu Bị trị nước, chống Ngụy, Ngô, tạo ra thế “chân vạc” ở Trung Quốc lúc bấy giờ.

(4) Tần: Triều đại thay thế nhà Chu, sau bị nhà Hán diệt, chỉ tồn tại có 15 năm (221 trước CN – 207 trước CN).

Tùy: Triều đại thay thế nhà Bắc Chu, sau bị nhà Đường thay thế, tồn tại 37 năm (581-618).

(5) Ngựa tồi thì phải 10 cỗ: dịch từ “nô mã thập giá”. Ý nói kẻ tầm thường mà biết gắng sức thì cũng có thể thành công được (chữ mượn trong sách Tuân Tử).

(6) Vũ: vị vua mở đầu cho nhà Hạ thời cổ đại Trung Quốc, do có công trị thủy nên được vua Thuấn nhường ngôi cho. “Thiên hạ ngày xưa” là chỉ địa bàn Trung Quốc dưới sự cai trị của các ông vua Trung Quốc từ thời cổ đại.

(7) Câu này nguyên văn là: “Lục hợp chi ngoại luận nhi bất nghị”. Lục hợp: trời đất và bốn phương (có thể hiểu như vũ trụ). Luận: bàn luận, bàn bạc để hiểu biết. Nghị: bàn định, bàn bạc để hành động.

(8) Lữ Tống (Luzon): đảo lớn nhất trong quần đảo Philippin. Lữ Tống ở đây là chỉ chung nước Philippin. Từ thế kỷ XVI Philippin bị Tây Ban Nha xâm lược.

(9) Mạnh Gia: gọi tắt từ Mạnh Gia Lạp tức Bengal, một châu phía đông Ấn Độ. Bengal bị Anh chiếm từ thế kỷ XVIII.

(10) Cát Lâm: một trong 3 tỉnh ở phía đông Trung Quốc, giáp với Nga và Triều Tiên. Lúc ấy Cát Lâm đang bị Nga chiếm.

(11) Hương Cảng, Áo Môn (Ma Cao) ở địa phận tỉnh Quảng Đông, Hạ (Hạ Môn) thuộc tỉnh Phúc Kiến, Tô thuộc tỉnh Giang Tô, đều nằm ven biển phía đông Trung Quốc.

(12) Hàm Phong: niên hiệu vua Thanh Văn Tông (1851-1861). 10-1860 liên quân Anh – Pháp tiến đánh Bắc Kinh, cướp phá và đốt cháy khu vườn Viên Minh, vua Văn Tông phải trốn sang vùng Nhiệt Hà.

Đồng trị: niên hiệu vua Thanh Mục Tông (1862-1874). 1857 liên quân Anh – Pháp chiếm Quảng Châu, cai trị bằng chế độ quân quản suốt 4 năm. Có lẽ Nguyễn Lộ Trạch muốn nói đến sự kiện này chăng?

(13) Quang Tự: niên hiệu vua Thanh Đức Tông (1875-1906). 1884 Pháp đánh Phúc Châu, tỉnh lỵ tỉnh Phúc Kiến. Tàu thuyền và binh lính nhà Thanh bị thiệt hại rất nhiều.

(14) Qua Đăng: tức Charles Georges Gordon (1833-1885).

Loạn Hồng Dương: tức là phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1850-1866) do Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh lãnh đạo.

(15) Nguyên văn: “nhi Trung Quốc tắc kỳ “vĩ lư” dã”. Vĩ lư: nơi tiết ra nước biển. Trang tử, Thu thủy: “Nước trong thiên hạ không đâu nhiều bằng biển, muôn sông chảy về, không biết bao giờ dừng và đầy. Vĩ lư tiết ra, không biết bao giờ thôi và cạn”.

(16) Lưu Cầu (Riou – Kiou): một nước nhỏ ở phía nam Nhật Bản, phía đông bắc Đài Loan. Từ đời Minh thần thuộc Trung Quốc, sau phụ thuộc cả Nhật Bản. Năm 1879 thời Quang Tự nhà Thanh, Nhật Bản ép Lưu Cầu không được triều cống Trung Quốc nữa. Lưu Cầu sai sứ đến cấp báo nhà Thanh nhưng nhà Thanh không dám làm gì. Nhật Bản đem quân đánh Lưu Cầu, bắt vua nước này giải về rồi phế đi, đổi đất ấy thành huyện Xung Thằng (Okinawa) của Nhật Bản.

(17) Thân Bao Tư: Xem chú thích (2) bài Dữ Phạm Phú Đường thướng phụ chính đại thần thư.

Ở đây tác giả muốn ám chỉ nhà Nguyễn chủ trương sang cầu viện nhà Thanh để chống Pháp.

(18) Trịnh Trang: tức Trịnh Trang Công thời Xuân Thu. Trang Công đánh nước Hứa, đuổi vua nước này đi rồi chia đôi nước này cho em vua Hứa là Tân Thần cai quản một nửa, nửa còn lại để cho tướng của mình coi giữ với danh nghĩa giúp Hứa.

(19) Phật: chỉ nước Pháp.

(20) Chấn Đán: chỉ Trung Quốc.

(21) Long Biên: tức vùng Hà Nội, đây dùng để chỉ nước ta.

Tân Gia Ba: tức Singapore.

(22) Chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), Pháp thất bại phải cắt đất cho Phổ.

(23) “Dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt”: nguyên văn “hưng kế” – nói gọn từ “hưng diệt kế tuyệt”.

(24) Rối ren: nguyên văn “bản đăng”. Bản đăng là tên hai bài trong Kinh Thi, nói về Lệ Vương vô đạo, trong nước loạn lạc. Người sau dùng từ “bản đăng” để chỉ thời loạn lạc rối ren.

(25) Câu Tiễn: Vua nước Việt thời Xuân Thu. Nước Việt bị Ngô đánh bại, Câu Tiễn bèn nuôi chí phục thù. Bên ngoài Câu Tiễn giả vờ thân thiện Ngô, bên trong thì ngầm tích trữ lương thực, huấn luyện binh mã làm cho nước Việt trở nên giàu mạnh. Sau Câu Tiễn diệt được Ngô, lên làm bá chủ.

(26) Ấn Độ bị Bồ Đào Nha xâm lược từ thế kỷ XVI, sau đó là Hà Lan (thế kỷ XVII), Anh, Pháp (thế kỷ XVI – XVIII). Giữa thế kỷ XVIII Ấn Độ bị Anh đô hộ.

Miến Điện bị Anh xâm lược từ đầu thế kỷ XIX, đến giữa thế kỷ XIX thì bị Anh đô hộ.

(27) Tề: Một trong bảy nước mạnh (thất hùng) thời Chiến Quốc.

(28) Vũ Hầu: tức Khổng Minh Gia Cát Lượng (xem chú thích (3) ở trên).

Việt Thạch: tức Lưu Côn, người đời Tấn, tự là Việt Thạch, là một người có chí khí. Hồi trẻ Lưu Côn thường hẹn với Tổ Địch cứ đến nửa đêm, hễ nghe thấy tiếng gà gáy thì cùng nhau thức dậy múa kiếm. Lưu Côn có công giúp rập nhà Tấn, được phong Quảng Vũ Hầu. Sau bị gian thần hãm hại.

Văn Tín Quốc: tức Văn Thiên Tường. Xin xem chú thích (3) bài Tự đề tựa tập Quỳ ưu lục.

Sử Thượng Thư: tức Sử Khả Pháp, người đời Minh, đậu tiến sĩ, có công đánh giặc cướp nên được phong làm Thượng thư bộ Binh. Sau quân Thanh đánh xuống phương nam đưa thư dụ hàng, nhưng Sử Kha Pháp không chịu nên bị giết.

(30) Chế độ phong tước kiến địa: dịch từ “phong kiến” Vua phong tước cho chư hầu và chia đất cho họ để họ lập quốc. Chế độ này có từ thời Hoàng Đế (thời thượng cổ Trung Quốc). Đến đời Đông Chu, các chư hầu chuyên quyền đánh chiếm lẫn nhau, nên đến Tần Thủy Hoàng thì chế độ này bị bãi bỏ, thay vào đó là chế độ quận huyện.

Chế độ quận huyện: là hình thức trung ương tập quyền cao độ. Vua chia nước ra thành quận huyện, dùng các quan để cai trị (chứ không dùng thân tộc cho lập nước riêng như chế độ phong tước kiến địa thời trước nữa).

(31) “Tỉnh điền”: là cách chia ruộng thực hiện từ thời Đông Chu trở về trước. Nhà nước lấy một dặm vuông chia đất ra làm chín khu (như hình chữ “tỉnh”), khu đất ở giữa là công điền, 8 khu còn lại chia cho 8 gia đình cày cấy. Những gia đình này có trách nhiệm phải làm ruộng ở khu công điền để thay cho thuế phải nộp cho nhà nước. Phương thức này dần dần trở nên lạc hậu, trở ngại cho việc phát triển sản xuất. Từ Tần Hán trở về sau nó bị phế bỏ, thay vào đó là cách chia ruộng ra bờ “thiên” bờ “mạch”.

Bờ “thiên” là bờ chạy theo hướng nam bắc. Bờ “mạch” là bờ theo hướng đông tây. Cách chia bờ thế này phù hợp với phương thức phát canh thu tô (chứ không làm công điền như trước) góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

(32) Tục lệ thời thượng cổ: dịch từ “kết thằng chi tục” tức là tục thắt nút dây. Dịch, Hệ từ: “Thời thượng cổ thắt nút dây để trị (vì không có văn tự nên thắt nút dây để ghi nhớ sự việc), đời sau thánh nhân đổi đi, dùng sách vở và khoán ước”.

(33) Thân, Hàn: tức Thân Bất Hại, Hàn Phi, người thời Chiến Quốc. Học thuyết của Thân, Hàn chủ trương cai trị bằng hình pháp nghiêm khắc (tức là pháp trị, khác với đức trị của Nho gia).

(34) Thái Tây: từ chỉ chung các nước Âu – Mỹ.

(35) Mặc Lợi: hay Mặc Lợi Gia, tức châu Mỹ.

(36) Đông Bột: phía đông biển Bột Hải, vùng biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

(37) Mạch Tây: tức Mexico.

(38) Vùng vịnh phía nam nước ta: nguyên văn: “Nam Úc” tức khu vực vịnh Thái Lan, nơi tiếp giáp các nước: Việt Nam, Campuchia, Thái Lai, Malaysia, Indonesia, Singapore.

(39) Chim tiêu liêu: nguyên văn: “xảo phụ”, một loài chim nhỏ, cánh và đuôi ngắn, màu đỏ có đốm đen, làm nhiều tổ và làm rất khéo.

(40) Chim tu hú vụng về: dịch tử “chuyết cưu”. Con chim tu hú (cưu) vốn vụng về, không biết làm tổ nên phải giành tổ con chim khách (thước) đã làm sẵn để ở.

Ở đây tác giả ý muốn nói nước ta phải biết lợi dụng Pháp để học lấy văn minh của họ.

(Nguồn: Nguyễn Lộ Trạch, điều trần và thơ văn, Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang biên soạn, NXB. KHXH, 1995, tr.138-151)

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10212273394968884

Comments are closed.