Đề án ga Hà Nội: “Thêm một giọt nước là tràn ly!”

“Hà Nội không thực hiện nghiêm chỉnh Luật Thủ đô, phá vỡ môi trường, phá vỡ cấu trúc đô thị. Việc này nếu cứ tiếp tục diễn ra với những dự án như ga Hà Nội, khu Giảng Võ hay một số dự án nhà cao tầng khác trên một số đường trục thì không biết Hà Nội sẽ ra sao…”, PGS-TS-KTS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị.

Thưa ông, những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội với mật độ xây dựng và dân số có thể tăng cao tại khu vực này. Ý kiến của ông về đề xuất đó?

Theo tôi biết, hiện nay người ta đang dựa vào căn cứ xây dựng một TOD (cơ hội phát triển đô thị dựa vào giao thông công cộng – PV), cho phép phát huy hiệu quả quỹ đất khi dựa vào đầu mối giao thông, tập trung toàn bộ các luồng giao thông để điều tiết vào một đầu mối. Cách suy nghĩ này không sai so với xu hướng trên thế giới, nhưng Việt Nam phải có cả một hệ thống TOD thì mới giải quyết được, còn giải quyết một điểm cục bộ thì hiện nay ga Hà Nội đã ách tắc rồi, sẽ càng ách tắc thêm.clip_image001

Ông Trần Trọng Hanh

Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20.6.1998 về việc phê duyệt quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2020 và Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đều khẳng định một chủ trương rõ ràng là bảo tồn bản sắc, bảo tồn các di sản văn hóa của các quận nội thành Hà Nội – nơi ra đời, hình thành, phát triển thủ đô. Để làm được điều đó thì phải hạn chế tối đa việc xây dựng các nhà cao tầng, thay đổi cấu trúc đô thị truyền thống này, đặc biệt với năm khu vực là hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, khu Ba Đình, khu phố cổ và khu phố cũ. Đây là những khu đặc trưng nhất của Hà Nội.

Quy định chung là thế, nhưng thực tế thì cứ di dời được cái nhà máy nào, lập tức họ lại lấy miếng đất đó xây nhiều tòa chung cư cao ngất ngưởng với số dân cư rất cao trong khi hạ tầng công cộng vẫn thế. Nhiều lần hô hào đưa bệnh viện, trường học… ra khỏi nội đô, dân số hạn chế ở mức 80 vạn, nhưng chỉ trong năm năm đã gần 1,5 triệu người (tăng gần gấp đôi). Tất cả (xây dựng, dân số tăng quá mức) dẫn đến sự quá tải, phá vỡ toàn bộ cấu trúc truyền thống vốn bền vững của đô thị Hà Nội.

Hà Nội không thực hiện nghiêm chỉnh Luật Thủ đô, phá vỡ môi trường, phá vỡ truyền thống. Việc này nếu cứ tiếp tục diễn ra với những dự án như ga Hà Nội, khu Giảng Võ hay một số dự án nhà cao tầng khác trên một số đường trục thì không biết Hà Nội sẽ ra sao. Chúng ta đang xây dựng không chỉ một thành phố không bền vững mà là một siêu thành phố không bền vững!

Hà Nội đang gửi bản Dự thảo đề án ga Hà Nội để lấy ý kiến các bộ ngành. Vậy, các ý kiến phản biện phải dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Thứ nhất, quy hoạch chung thủ đô và Luật Thủ đô đã xác định những nguyên tắc rất cơ bản và đề án này phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đó. Thứ hai, muốn xác định chỗ này xây cao, chỗ kia xây thấp thì phải xác định rất kỹ, không đơn thuần chỉ bởi đó là mô hình TOD, vì mô hình này áp dụng trong trường hợp cụ thể nào, cần phải được xem xét cẩn thận.

Thứ hai, ga Hà Nội vẫn còn chưa được xác định chức năng ra sao, trong tương lai là đầu mối công cộng hay vẫn là ga trung chuyển… và còn khá nhiều vấn đề phải xem xét.

Thêm nữa, các chỉ tiêu về chiều cao, mật độ dân cư… của khu vực đã khống chế rồi, cho nên muốn làm dự án này thì không phải chỉ xin ý kiến bộ, ngành mà phải xin ý kiến Chính phủ. Nhưng xin lưu ý là sẽ rất khó cân đối được các chỉ tiêu đó, bởi khả năng dung nạp tại đây chỉ có như vậy. Nếu thêm một giọt nước là tràn ly.

Đồ án quy hoạch ga Hà Nội sẽ “cao ốc hoá” trung tâm Hà Nội. (Ảnh phối cảnh của đồ án)

Cho nên theo tôi, chính quyền của Hà Nội trước hết hãy nghiêm túc suy nghĩ xem việc đó có nên làm hay không, rồi sau đó đi xin ý kiến các bộ ngành. Nếu không có cách nhìn chuẩn thì Hà Nội tự trói chân mình, khó có thể vượt qua khó khăn và thách thức trong tương lai.

Trong đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội có nhiều tòa nhà đến 70 tầng, nhiều ý kiến cho rằng như thế là quá cao. Sự cao thấp hay đẹp xấu dường như vẫn khá cảm tính, vậy theo ông cần dùng chuẩn nào để đánh giá cho đúng?

Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô dù vẫn còn chung chung nhưng trực tiếp là Quyết định 108 năm 1998 và Quyết định 1259 năm 2011 vẫn là cơ sở, chiều cao khống chế đã tương đối, cứ cho là chưa tốt nhưng vẫn là nền tảng để triển khai. Chưa kể còn bao nhiêu cơ sở khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng… đều đã đưa ra các nguyên tắc. Phải căn cứ vào đúng – sai, chứ không phải là xấu – đẹp.

Ví dụ việc khống chế chiều cao công trình đã có, nhưng áp dụng như thế nào, có áp dụng không? Chỉ tính chiều cao đã vượt quá quy định của Chính phủ, chưa cần đến Luật Thủ đô. Ngoài ra, quy hoạch chi tiết thủ đô cũng đã xác định rất rõ vấn đề bảo tồn, khống chế chiều cao từng lô đất, từng thửa đất. Đây là ý chí của Chính quyền để bảo tồn các công trình văn hóa của nhân dân, không thể phá vỡ. Tóm lại, chúng ta không thiếu các điều kiện pháp lý để quản lý, nhưng người ta vẫn viện trăm ngàn lý do để không chấp hành!
Xin cảm ơn ông.

Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/de-an-ga-ha-noi-them-mot-giot-nuoc-la-tran-ly-10180.html

Comments are closed.