Đối thoại dưới “nửa gốc cây đa” trường Đại học Luật khoa Huế cũ của tôi

Trần Đình Sơn Cước


Mùa hè năm 2017 vừa qua được tôi gọi là những tháng ngày hạnh phúc của hoài niệm. Tháng 5, hơn 14 giờ bay từ San Francisco đến Canberra (Úc) để thăm vợ chồng người thầy cũ, ông bà luật sư Bùi Chánh Thời. Tôi nguyên là luật sư tập sự cuối cùng của văn phòng ông, nhưng cũng là sinh viên của ông vì ông là giáo sư thỉnh giảng của trường Đại học Luật khoa Huế cũ. Với mối thâm tình đó, lại hơn mấy chục năm xa cách, nên gần một tuần lễ thăm viếng, vợ chồng ông và tôi đã sống lại trong tình thương và kỷ niệm. Phần tôi, hiểu và thương ông bà hơn qua những đau thương trên đường đi tìm tự do, chao lòng trước những chịu đựng của ông bà những năm tháng xây dựng lại cuộc sống nơi đất nước Úc Đại Lợi mênh mông, bao dung và tình nghĩa.

image

Ông bà Luật sư Bùi Chánh Thời tại Úc

(Ảnh: từ album của gia đình)

Về lại San Jose, đầu tháng 6, lại được tham dự buổi hội ngộ của các cựu giáo sư, nhân viên, sinh viên Viện Đại học Huế (cũ), kỷ niệm 60 năm Viện Đại học Huế (1957-2017). Biết bao bồi hồi xúc động được gặp lại ông bà Viện trưởng, các giáo sư, nhân viên nay đã quá tuổi 80; tay bắt mặt mừng các lớp cựu sinh viên thuộc nhiều thế hệ mà nay đường đời đã lên chức ông, bà nội, ngoại…

image

Gs. Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu đang phát biểu. (Ảnh: SC)

image

Gs. Tăng Thị Thành Trai (thứ 1 từ trái) (Ảnh: SC)

Tháng 8, tại Huế, nơi 60 năm trước Viện Đại học Huế đã được khai sinh, đã diễn ra ngày họp mặt lần thứ tư của anh chị em cựu sinh viên trường Đại học Luật khoa Huế (cũ) cũng để kỷ niệm 60 năm một ngôi trường đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Đây là ngày gặp gỡ thân tình, đầm ấm giữa các anh chị em ở quê nhà, cứ mỗi đôi năm lại cùng ngồi lại bên nhau nhắc nhớ bao kỷ niệm của một thời sinh viên tươi đẹp trong đời. Tôi tiếc chưa có điều kiện để về tham dự, gặp lại các giáo sư, nhân viên và bạn bè cũ trong cái ngày mà các bạn gọi là “ngày vàng, giờ vàng” đó. Tuy nhiên, sự mất mát lại được bù đắp khi được đọc đặc san “Cây Đa Trường Cũ” phát hành trong dịp hội ngộ. Qua một đêm thức trắng, ngấu nghiến 248 trang sách trang nhã, sống lại với biết bao kỷ niệm về trường xưa, thầy bạn cũ do nhiều bạn, nhiều thế hệ khơi gợi niềm xưa nỗi nhớ…

image

Hình bìa đặc san “Cây Đa Trường Cũ”.

image

Trường Đại học Luật khoa Huế cũ. (Ảnh: từ đặc san)

 

image

Toàn cảnh hội ngộ cựu sinh viên Luật khoa Huế 2017. (Ảnh từ SVLKH BLOG)

Có điều gì băn khoăn về bài viết “60 năm nhìn lại sự có mặt của một ngôi trường” do anh Nguyễn Duy Hiền viết. Đây là một bài sưu tầm tương đối đầy đủ, chính xác từ trước đến nay về lịch sử trường Đại học Luật Huế cũ. Tuy tác giả gọi bài viết “như một phác thảo về sự hình thành và phát triển của một ngôi trường lắm thăng trầm…”, nhưng nhờ anh sử dụng những tài liệu cũ còn lưu giữ được (Đại học chỉ nam, Sinh hoạt Đại học Huế, …), tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, cộng thêm từ trí nhớ của nhiều thế hệ sinh viên khiến bài viết của anh thêm phong phú và bổ ích.

Các phần “Quá trình hình thành”, “Tổ chức và đào tạo”, viết rất chi tiết, nhiều hình ảnh quý hiếm. Thế nhưng, nếu anh chỉ đề cập đến trường Đại học Luật khoa Huế cũ mà không cần phải bàn thêm “Về trường Đại học Luật hôm nay” thì chắc tôi khỏi băn khoăn tìm cách nào đây để bày tỏ đôi điều không đồng ý với người viết. Viết thư cho anh, gọi điện thoại trò chuyện, câu chuyện rồi sẽ chỉ có anh và tôi biết. Viết bài tranh cãi đăng báo, có chắc không đụng đến tình bè bạn, tình “đồng môn”? Thôi, bằng tưởng tượng của hoài niệm, lùi quay về quá khứ, tôi chọn cách mà ngày xưa giáo sư Khoa trưởng trường Đại học Luật khoa Huế, giáo sư Nguyễn Sĩ Hải, đã dặn dò sinh viên (được anh Nguyễn Phúc Quỳnh, sinh viên khóa 1966-1970, nhắc trong bài viết của anh, mặc dù anh quả quyết “Không ai nhớ được câu nói trên của thầy nói khi nào và trong dịp nào nhưng lứa của tôi ai ai cũng nhắc đến câu này”): “Nếu các con ra đời làm việc với nhiều ngành nghề khác nhau hay giống nhau, nếu có mâu thuẩn thì hãy về ngồi dưới gốc đa để giải quyết vấn đề”. Vậy thì, tôi và anh Nguyễn Duy Hiền là bạn đồng khóa, lại có “tình trạng sinh viên đặc biệt” giống nhau từ 1972-1975, lại cùng nhau làm việc chung một cơ quan gần 5 năm sau năm 1975, nên chăng, anh và tôi, cùng nhau tìm về ngồi lại dưới gốc cây đa trường Luật cũ của chúng ta (thực tế chỉ còn “nửa gốc” bị chèn sát bên hông một kiến trúc cao tầng mới!) (*), bên nhau ta cùng đối thoại…!

Trước hết, về việc thành lập trường Đại học Luật hiện nay, anh cho rằng “Vậy là sau bao năm trăn trở, mãi 40 năm sau, trường Đại học Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế trước đây mới chính thức tái thành lập lại nhằm đào tạo nguồn nhân lực pháp lý…” (trang 18). Anh tâm sự: “Nhưng có lẽ cũng nên vui với điều quan trọng hơn là một trường Đại học Luật Huế không bị mai một, cuộc tái sinh này dẫu chưa tròn vẹn nhưng vẫn là một niềm vui…” (trang 19).

Tôi không đồng ý với anh trường Đại học Luật khoa Huế cũ của chúng ta được “tái thành lập”, “tái sinh”. Trường Đại học Luật khoa Huế cũ đã chết, chết tức khắc ngay sau “ngày toàn thắng” (!). Chính anh cũng thừa nhận trong bài anh viết: “Sau ngày giải phóng, vì nhiều lý do, khác với các trường đại học ở Huế, Đại học Luật khoa chỉ tồn tại đến năm 1975 rồi chịu cảnh vang bóng, ngôi trường nhỏ nhắn xưa để hoang tàn đổ nát…” (trang 18).

Trường Đại học Luật thuộc Viện Đại học Huế bây giờ được thành lập trên căn bản pháp lý hoàn toàn không dính líu gì đến trường Đại học Luật khoa Huế cũ. Thật vậy, như anh trưng dẫn, “15 năm sau cái chết của trường Đại học Luật cũ, ngày 19-11-1990, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Đại học Khoa học) ký quyết định số 304/TCCB thành lập Tổ Pháp lý, sau đổi thành Bộ môn Pháp lý. Đến ngày 26-01- 2000, Giám đốc Đại học Huế có quyết định số 020-QĐ-ĐHH-TCNS thành lập Khoa Luật thuộc trường Đại học Khoa học trên cơ sở của Bộ môn Pháp lý trước đây. Ngày 19-8-2009, Giám đốc Đại Học huế đã ban hành quyết định số 868/QĐ-ĐHH-TCNS thành lập Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế (trên cơ sở Khoa Luật thuộc trường Đại học Khoa học trước đây). Ngày 03.03.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 274/QĐ-Ttg chính thức thành lập trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế (trang 18).

Xét như trên, trường Đại học Luật thuộc Viện Đại học Huế bây giờ được thành lập do các quyết định của các cơ quan giáo dục của chính quyền hiện tại (sau 1975), hoàn tòan không có dấu vết “di truyền” nào từ cái xác chết của trường Đại học Luật khoa Huế cũ của chúng ta! Như thế làm sao chúng ta có thể nói cái “ngôi trường nhiều thăng trầm” như anh nghĩ là đã được ”tái sinh “, “tái thành lập” được?!

Xét về mặt nội dung, tôi nghĩ rằng những cựu giáo sư cũng như sinh viên của trường Đại học Luật khoa Huế cũ đều dễ đồng ý với nhau rằng nội dung giảng dạy, học tập của trường Đại học Luật mới hiện nay hoàn toàn khác với những kiến thức mà chúng ta đã được dạy và học. Hệ thống chính trị xã hội thay đổi tất nhiên đòi hỏi phải thay đổi hệ thống pháp luật. Hệ thống chính trị hiện đang áp dụng trên đất nước chúng ta là hệ thống của một nước trong vỏn vẹn mấy nước cộng sản còn sót lại trên hành tinh này, nên hệ thống pháp luật của nó không hề có mẫu số chung với các định chế pháp luật của các nước dân chủ trên thế giới, dù là “thế giới phẳng” như anh nói. Tôi không muốn đề cập đến những nguyên tắc pháp luật cơ bản của nhà nước pháp quyền như “tam quyền phân lập”, “định chế đảng phái đối lập” …, tôi chỉ muốn nhắc lại một vài sự kiện pháp lý đã xảy ra trong nước như khi luật sư Lê Công Định bị bắt năm 2009, trong khi chờ đợi điều tra và xét xử, nghĩa là tòa án chưa kết án, thì Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã vội vàng rút thẻ hành nghề và xóa tư cách luật sư của ông. Có phải điều này hoàn toàn xa lạ đối với những ai trong chúng ta đã từng ngồi dưới giảng đường trường Đại học Luật. Từ Hoa Kỳ, ông Phan Quang Tuệ, bấy giờ là thẩm phán tòa di trú liên bang tại San Francisco, nguyên là một cựu sinh viên trường Đại học Luật khoa Sài Gòn cũ, thay mặt Hội Luật gia Việt Nam tại California, gởi thư ngỏ đến chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, cũng là một cựu sinh viên trường Đại học Luật khoa Sài Gòn cũ, để chất vấn về quyết định “xa lạ” trên. Thư ngỏ có đoạn viết:

“Tục ngữ luật pháp La Tinh có câu ‘‘Nulla Poena Sine Lege’’. Luật sư chủ nhiệm đã từng theo học tại Đại học Luật khoa Saigon trước đây chắc còn nhớ nguyên tắc hình luật căn bản này. ‘‘Pas de peine sans lois.’’. Không có luật pháp thì không có tội…” (nguồn: http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=3555).

Hoặc mới đây, Quốc hội khóa XIV trong nước bàn thảo về điều khoản sửa đổi hoạt động của luật sư trong bộ luật Hình sự, buộc luật sư phải có nghĩa vụ tố giác thân chủ của mình. Thêm một lần nữa, có chút gì “tái sinh”, “hồi sinh” những nguyên tắc pháp luật đã được giảng dạy trong các trường Đại học Luật khoa cũ chúng ta vào những “điều trông thấy” mà, như giáo sư Hoàng Xuân Phú vừa viết một bài nghiên cứu “Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh”, có đề cập đến một vài khía cạnh pháp lý của hệ thống pháp luật trong nước. Ông đã nhắc lại cuộc bàn thảo về vai trò và nghĩa vụ của luật sư như sau:

“Nhìn từ góc độ nhà nước pháp quyền, thì trách nhiệm vô cùng quan trọng của luật sư là giữ thăng bằng cho hệ thống pháp quyền. Vì không dựa trên quan điểm này, nên Quốc hội khóa XIV đã luẩn quẩn trong cuộc thảo luận về trách nhiệm tố cáo thân chủ của luật sư (khi sửa cái Bộ luật Hình sự vừa mới được thông qua mà đã phải dừng triển khai để sửa lại). Ý kiến ủng hộ thì cho rằng:

“Ngoài đạo đức luật sư, còn trách nhiệm, đạo đức của một công dân…”

Ý kiến phản đối thì lập luận:

“Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không?”

May mà không có ai vận dụng cách lập luận “vỉa hè không phải là nơi xóa đói giảm nghèo”, để phán rằng ”luật sư không phải là nơi giải quyết nạn thất nghiệp”.

Vấn đề cốt lõi là: Để hoàn thành tốt vai trò giữ thăng bằng hệ thống pháp quyền, luật sư phải đóng vai trò chuyên trách là làm đối trọng, chứ không thể sốt sắng nhảy sang phía bên kia, làm thay phần việc điều tra tội phạm của cơ quan điều tra. Nếu luật sư không chuyên tâm trụ lại ở bên đối trọng, để đảm đương trách nhiệm giữ thăng bằng, thì hệ thống pháp quyền át sẽ… tùng bê.” (nguồn: http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=MotSoDieuCanTraoDoiNhanVuTrinhXuanThanh-20150821).

Như vậy là quá đủ!

… Thế nhưng, chúng ta vẫn còn ngồi bên nhau dưới gốc cây đa trường cũ. Thân ái biết bao khi nhớ về những ngày “phơi phới” tuổi đôi mươi. Tôi vẫn muốn cùng bạn bàn thêm đôi chút. Có phải vì chúng ta quá luyến thương ngôi trường cũ mà chúng ta “tự” gán ghép cho linh hồn trường của chúng ta “tái sinh”, trường mới có “cội nguồn” từ ngôi trường đã chết chỉ còn “nửa cây đa” già làm biểu tượng. Nếu là ngôi trường cũ đã được “hồi sinh”, thế bạn có bao giờ nghe từ những giới chức trách nhiệm của ngôi trường mới chính thức công nhận nguồn cội này chưa? Nếu có, thì tại sao các bạn, qua bốn lần hội ngộ, trong hai đặc san “Cây đa trường cũ” đều nhắc đến điều mong ước nhỏ nhoi của tôi là lập một tấm bảng nhỏ khắc ghi dấu tích của ngôi trường cũ: “Nơi đây, từ năm 1957-1975 là trường Đại học Luật khoa Huế…” trên “nửa gốc cây đa” mà vẫn không thực hiện được? (1). Tôi nghĩ nếu trường Đại học Luật Huế thuộc Đại học Huế hôm nay đã trình bày lịch sử của trường trên trang web của họ là từ 1957 thì họ cũng phải có chút trách nhiệm và lương tâm (!) ngay thẳng để cùng các cựu sinh viên chúng ta lập nên dấu tích của ngôi trường cũ cho nhiều thế hệ sinh viên luật về sau. Hay là, họ cũng như những giới chức trách nhiệm khác của Đại học Huế hiện nay mà trong bài viết của giáo sư Tạ Văn Tài, nguyên là giáo sư thực thụ của trường Quốc gia Hành chánh cũ, nguyên giáo sư thỉnh giảng của Đại học Luật khoa Huế cũ, bài “Hồi tưởng và vinh danh sinh hoạt và đóng góp của các nhân viên và sinh viên Đại Học Huế trước 1975 và nghĩ về tương lai” đăng trong Đặc san Đại học Huế, kỷ niệm 60 năm Đại học Huế (1957-2017) phát hành tại San Jose (Cali 2017), đã viết:

“...vì là thành viên Đại học Huế, tôi phản đối mạnh mẽ âm mưu xóa bỏ quá khứ của các cựu nhân viên và sinh viên Đại học Huế thời kỳ 1957-1975, biểu lộ qua hành vi của những người ở trong nước đã tổ chức kỷ niệm 55 năm (2012) hay 60 năm (2017) thành lập Đại Hhọc Huế mà lại phớt lờ hay giảm thiểu sự hiện diện và đóng góp của tầng lớp người 1957-1975 trước đó” (trang 43).

image

Gs. Tạ Văn Tài & phu nhân trong lần gặp mặt cựu sinh viên tại Cali. (Ảnh từ đặc san “Cây Đa Trường Cũ”)

image

Hình bìa đặc san Đại học Huế. (Ảnh: SC)

Ông dẫn chứng: “Trong một bài viết của ông Nguyễn Văn Nghệ ngày 17-4-2017 về KỶ NIỆM 60 NĂM (1957-2017) THÀNH LẬP VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ, được tổ chức tại Huế năm 2017, ông Nghệ đã hỏi một câu chí lý: “Tại sao công lao của Tổng thống Ngô Đình Diệm và linh mục Cao Văn Luận trong việc thành lập Viện Đại học Huế sờ sờ ra đó mà trong các lần kỷ niệm thành lập Viện Đại học Huế (2012, 2017) không một trường nào của Viện Đại học Huế nhắc đến tên của hai vị ấy dù chỉ một lần mà thôi?!” (trang 43). “Ông Nghệ có công cho ta biết rằng có cuốn sách “55 năm theo dòng lịch sử (1957-2017) của nhà xuất bản Thuận Hóa, do Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế làm chủ biên, sách có tới 300 trang, nhưng chỉ dành 3 trang nói về giai đoạn hình thành cho đến 1975!!! Ông Nghệ kể tiếp: Năm 2017 Viện Đại học Huế kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Đại học, ông đã được Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế kính biếu một số sách, trong đó có cuốn “60 năm theo dòng lịch sử (1957-2017)”, nhưng nội dung 219 trang cũng chỉ nói nhiều về phần ngọn, còn rất sơ sài phần gốc trước 1975”. (trang 44)

…Chúng ta vẫn còn ngồi bên nhau dưới gốc cây đa trường cũ. Chúng ta trân trọng “những ngày xưa thân ái”. Nói ra những điều trên với bạn, lòng tôi không chút nghi ngại về tấm lòng “hòa giải hòa hợp” được bên này, bên kia, người này người nọ lập đi lập lại, có việc làm được có việc chưa. Tôi cũng chia sẻ sự vui mừng với bạn là tại Huế thân yêu của chúng ta hiện có được một trường Đại học Luật khoa cho con cháu chúng ta học tập. Nhưng lịch sử là lịch sử. Hãy trả đúng những gì của lịch sử cho lịch sử. Thế hệ chúng ta nay vui sống bằng hoài niệm, nhưng phải là hoài niệm đúng, không tự đánh lừa chúng ta. Vì xa Tổ quốc, tôi cũng như bao người sống xa quê hương thấm thía hai câu thơ dẫn vào bài viết của tiến sĩ Hoàng Xuân Phú:

“Xa Tổ quốc gần nỗi đau Tổ quốc

Trải nỗi lòng mong nhẹ bớt nỗi đau”.

Với tôi, trong một bài thơ viết cho Nguyễn Thanh Văn, một cựu sinh viên Viện Đại học Huế cũ cũng có chung tâm sự:

“… Trang thư bạn viết

Kỷ niệm, tình thân

Dẫu trái tim nguội lạnh

Thể nào

Quay lưng?.

Vì không thể quay lưng với nhau, nên chúng ta cùng đối thoại. Giờ chia tay, dưới “nửa gốc cây đa” của trường cũ, mời bạn, chúng ta cùng hát “Hẹn một ngày về “, sáng tác của cựu giáo sư Đại học Văn khoa Huế cũ, giáo sư Lê Hữu Mục, vì mong rằng, trong bạn và tôi, cũng như các bạn sinh viên trường Đại học Luật khoa Huế cũ của chúng ta “tình xưa không vỡ bao giờ”.

(Sunnyvale 8, 2017)

(*) https://www.diendan.org/sang-tac/cay-da-truong-luat-hue-cua-toi

Comments are closed.