Ân xá Quốc tế: tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2017

Vũ Quốc Ngữ (VNTB) Những hạn chế độc đoán về quyền tự do ngôn luận, lập hội và tụ tập ôn hoà vẫn tiếp tục. Chính quyền gia tăng đàn áp chống lại giới bất đồng chính kiến khiến nhiều nhà hoạt động phải rời bỏ đất nước. Nhiều người bảo vệ nhân quyền, hoạt động chính trị ôn hoà và nhiều người theo tôn giáo đã phải chịu một loạt vi phạm nhân quyền, bao gồm bị giam giữ độc đoán, truy tố với tội danh an ninh quốc gia và nhiều cáo buộc mơ hồ khác trong các phiên toà không công bằng, và án tù dài hạn. Nhiều nhà hoạt động nổi bật phải đối mặt với những hạn chế về đi lại và phải chịu sự giám sát, quấy rối và bị tấn công dữ dội. Nhiều tù nhân lương tâm bị tra tấn và bị ngược đãi. Nhiều vụ tử vong đáng ngờ trong quá trình giam giữ của cảnh sát được báo cáo, và hình phạt tử hình vẫn được giữ lại.

clip_image002

Ảnh minh họa

Bối cảnh

Hàng chục cán bộ lãnh đạo nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước đã bị bắt và truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng, bao gồm cả những người nắm giữ các vị trí cao của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số đã bị kết án tử hình vì tội biển thủ. Trong tháng 7, mật vụ nhà nước đã bắt cóc một cựu quan chức chính phủ trong khi ông này đang xin tị nạn ở Đức và buộc ông ta trở về Việt Nam để bị xét xử về tội biển thủ và quản lý kinh tế yếu kém. Nhà cầm quyền Việt Nam nóirằng ông này đã tự nguyện quay trở lại.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ nhân quyền của Việt Nam theo quy trình đánh giá phổ quát định kỳ (UPR) của Liên Hợp Quốc, chính phủ Việt Nam tuyên bố vào tháng 2/2017 rằng đã thực hiện 129 trong tổng số 182 khuyến nghị đưa ra trong quá trình rà soát năm 2014. Không có sự sửa đổi nào về các điều luật thuộc phần an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự mà thường được sử dụng để bỏ tù người bất đồng chính kiến để đưa nó phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong suốt năm, bao gồm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trong tháng 11.

Đàn áp giới bất đồng chính kiến

Chính phủ tăng cường đàn áp tự do ngôn luận và giới bất đồng chính khiến nhiều nhà hoạt động ôn hòa phải rời bỏ đất nước. Ít nhất 29 nhà hoạt động đã bị bắt giữ trong năm 2017, và một số khác đã phải trốn tránh sau khi nhà chức trách ban hànhlệnh bắt giữ. Họ bị buộc tội chủ yếu với những điều khoản mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc bị bắt giữ với những cáo buộc giả mạo khác. Những người bị nhắm mục tiêu là bloggers và người hoạt động xã hội và môi trường, những người cất lên tiếng nói sau khi Tập đoàn Nhựa Formosa xả chất độc vào vùng biển miền Trung và gây ra thảm hoạ môi trường với hàng trăm tấn cá bị giết chết năm 2016 và phá hủy sinh kế của hàng ngàn người. Ít nhất có 5 thành viên của Hội Anh em Dân chủ đồng sáng lập bởi luật sư nhân quyền và tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài đã bị bắt giữa tháng 7 và tháng 12. Họ bị buộc tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 mà mức án có thể là tù chung thân hoặc án tử hình. Một số là những tù nhân lương tâm trước đây. Tháng 8 vừa qua, Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, người đã bị bắt và giam giữ từ cuối tháng 12 năm 2015, ban đầu bị điều tra theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88.

Ít nhất 98 tù nhân lương tâm bị bắt giữ hoặc giam giữ, cao hơn so với năm trước cho dù một số đã mãn hạn tù trong năm 2017. Họ bao gồm blogger, người bảo vệ nhân quyền, người bảo vệ quyền lao động và đất đai, người hoạt động chính trị, tín đồ tôn giáo và thành viên của một số nhóm dân tộc thiểu số. Nhà chức trách vẫn tiếp tục trả tự do trước thời hạn cho một số tù nhân lương tâm chỉ khi họ đồng ý đi lưu vong. Đặng Xuân Diệu, nhà hoạt động xã hội Công giáo và blogger bị bắt năm 2011 và bị kết án với mức án 13 năm tù giam, đã được trả tự do vào tháng Giêng và được lưu vong tại Pháp. Tháng 7, Mục sư Nguyễn Công Chính, người đang thụ án 11 năm tù giam, đã được trả tự do sau bốn năm tù và ngay lập tức đi lưu vong ở Mỹ. Cả hai người đàn ông đều bị tra tấn và bị ngược đãi trong khi bị tù.

Các phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến thường không đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về sự công bằng; không đượcbảo vệ thích đáng cũng như phủ nhận giả định vô tội. Nhà hoạt động nhân quyền và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được gọi là Mẹ Nấm, đã bị kết án 10 năm tù vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 vào tháng Sáu. Nhà hoạt động trong lĩnh vực lao động và đất đai Trần Thị Nga đã bị phạt 9 năm tù cùng với 5 năm quản chế tại nhà vào ngày 2/7. Trong tháng 10, trong một phiên toà chỉ kéo dài vài giờ, sinh viên Phan Kim Khánh bị kết án sáu năm tù giam và bốn năm quản chế cũng theo Điều 88. Anh đã tố cáo tham nhũng và thiếu tự do ngôn luận ở Việt Nam trên blog và truyền thông xã hội. Anh cũng bị cáo buộc là tiếp xúc với “phản động” ở nước ngoài.

Tháng 5 vừa qua, chính quyền đã thu hồi quyền công dân Việt Nam của cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng, thành viên của đảng Việt Tân, một nhóm hoạt động ôn hoà ở nước ngoài cho dân chủ ở Việt Nam. Ông bị cưỡng bức trục xuất sang Pháp vào tháng 6.

Tra tấn và đối xử tàn nhẫn

Có nhiều báo cáo về tra tấn và những hành động ngược đãi khác, bao gồm đánh đập và tấn công vật lý nhằm vào người hoạt động ôn hoà bới các cá nhân được cho là hành động với sự trợ giúp của lực lượng an ninh. Trong tháng 9, báo cáo ban đầu của Việt Nam về việc thực hiện Công ước chống Tra tấn của LHQ, phê chuẩn vào tháng 11 năm 2014, thừa nhận những thách thức và khó khăn trong việc thực hiện do “một khung pháp lý không đầy đủ về quyền con người,” cùng với các lý do khác.

Nhiều tù nhân lương tâm thường xuyên bị biệt giam trong thời gian giam giữ trước khi xét xử, có thể kéo dài đến hai năm. Những người bị bắt giam đã bị từ chối điều trị y tế và chuyển đến nhà tù cách xa gia đình họ.

Nơi giam giữ Nguyễn Bắc Truyển, một người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ bí mật vào tháng 7, đã không được thông báo cho gia đình ông trong ba tuần đầu. Ông bị cắt đứt liên lạc và không được điều trị một số bệnh nguy hiểm.

Từ chối điều trị y tế được sử dụng để buộc các tù nhân lương tâm phải “thừa nhận tội.” Đinh Nguyên Kha, một nhà hoạt động đã bị kết án 6 năm tù giam vì phân phát tờ rơi chỉ trích phản ứng của Việt Nam về các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, đã bị từ chối điều trị tiếp theo sau một cuộc phẫu thuật y tế. Nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo và quyền đất đai Trần Thị Thúy tiếp tục bị từ chối điều trị cho dù bị mắc một số bệnh hiểm nghèo từ tháng 4 năm 2015.

Tự do lập hội

Các cơ quan chức năng đã sử dụng vũ lực không cần thiết hoặc quá mạnh tay để giải tán và ngăn chặn các cuộc tụ họp ônhoà, đặc biệt là những vụ liên quan đến vụ xả thải độc hại của Formosa. Tháng hai, cảnh sát và nhiều đàn ông mặc thường phục đã tấn công khoảng 700 người biểu tình tập trung tại tỉnh Nghệ An trước khi diễu hành để nộp khiếu nại pháp lý đối với Formosa. Một số cá nhân đã bị thương và phải điều trị tại bệnh viện, và một số khác bị bắt.

Chết trong khi bị giam giữ

Nhiều vụ tử vong đáng ngờ trong khi bị giam giữ trong đồn cảnh sát. Nguyễn Hữu Tấn, người thuộc Phật giáo Hòa Hảo,chết sau khi bị bắt hồi tháng Năm. Cảnh sát thông báo rằng ông đã tự tử, nhưng cha ông nói rằng các thương tích trên cơ thể ông cho rằng ông đã bị tra tấn trước khi bị giết.

Án tử hình

Báo cáo của Bộ Công an công bố vào tháng 2 cho thấy Việt Nam đã thi hành trung bình 147 vụ tử hình mỗi năm từ giữa tháng 8 năm 2013 và tháng 6 năm 2016. Báo cáo nói rằng sẽ có thêm 5 trung tâm tiêm độc để phục vụ việc thi hành án tử hình. Chỉ có một vụ tử hình được báo chí nhà nước đề cập trong năm 2017, nhưng người ta tin rằng có nhiều vụ được thực hiện trong năm ngoái. Án tử hình được áp dụng cho tội phạm ma túy và tham nhũng.

Nguồn: Amnesty International Report 2017-2018: Vietnam

Comments are closed.