Văn học miền Nam 54-75 (339): Nguyễn Thị Thụy Vũ (6)

Đàn Kiến Lửa

Châu dẫn Biểu, người đánh xe thổ mộ đến trình diện bà Tư. Mọi việc đều thỏa thuận êm xuôi. Biểu đem một cặp vịt xiêm, hai chai rượu nếp than, một lít rượu đế xuống nhà bà mẹ nuôi để làm lễ ra mắt họ hàng bên vợ. Hôm đó, ông anh bà con của Biểu từ miệt Củ Chi cũng xuống chứng đám. Thế là Châu, hăm hở lên ngã Ba Cây Quéo để coi sóc nhà cửa cho chồng.

Bà Tư vẫn cờ bạc đều đều, vẫn chửi lộn hà rầm với hàng xóm. Cuộc đời không tiến mà cũng không lùi. Một hôm bà đang ngồi trên bộ ngựa gõ têm trầu thì Châu gánh một gánh rau bước vô, nét mặt lo lắng. Chị ta lột chiếc khăn rằn bịt trên đầu, lau mồ hôi, hổn hển nói:

– Má nên lo gã chồng cho con Ngọc đi. Nó đang có chửa với thằng Chơn ở mướn cho thiếm Bảy Bụng.

Bà Tư sững sờ, chết điếng:

– Ai nói mày vậy?

– Không tin thì má thử hỏi đầu trên xóm dưới đi. Ở trong nhà chẳng ai hay mà người ngoài biết ráo trọi rồi.

Bà Tư hét:

– Sao hồi đó tới giờ mày không nói cho tao biết?

– Tui thấy cũng chưa có chuyện gì. Nhưng bây giờ, nó thú thật với tui là nó có thai được hai tháng.

Bà Tư trợn mắt:

– Thiệt vậy hả? Chắc phen này tao phải đội quần hết thảy bàng dân thiên hạ xóm này còn gì.

Châu nói nhỏ:

– Thủng thỉnh rồi tính. Má làm inh ỏi lên thì người ngoài hay hết trọi bây giờ.

– Mày nghĩ coi, còn non nước gì nữa mà giấu, vài ba tháng nữa là cái bụng nó thè lè ra. Bộ mày tưởng lấy thúng úp miệng voi được à?

– Mình phải o bế thằng Chơn để nó làm đám thú phạt với con Ngọc. Có vậy mới vớt vát mặt mũi mẹ con mình.

Bà Tư ra lệnh:

– Mày đi tầm con Ngọc, kéo đầu nó về đây cho tao.

Châu bước lẹ ra khỏi cửa. Bà Tư nhai nát miếng trầu, nhưng cớ sao miệng bà lạt nhách. Càng nghĩ bà càng tức âm ách. Ngọc không bằng một phần ngàn của bà thuở trước. Trong cuộc hôn nhân, bà luôn lèo lái một con ngựa ngoan hiền. Mỗi tiếng ho, mỗi cái ngáp của bà cũng đủ làm cho họ mất vía. Vừa mãn tang người chồng thứ nhất, bà nghĩ ra ý định chiêu phu. Điều kiện rất dễ dàng: nuôi bà ngày hai bữa cơm và cho tiền bà đậu vài chếnh bài tứ sắc mỗi ngày. Bà không cần bông vàng, trầu rượu, heo gà gì hết.

Từ khi ý định chiêu phu của bà được phổ biến trong xóm thì biết bao nhiêu gã si tình đến quán cơm của bà chầu chực. Sau hết, một tay anh chị Lăng Tô lọt vào mắt xanh của bà, nhưng trớ trêu một nỗi là gã đã có vợ. Bà vợ lớn tìm tới khóc lóc, năn nỉ bà Tư. Nhưng bà Tư thản nhiên:

– Ai mà thèm giữ chồng chị? Nó lủi đầu vô ở với tui, chớ phải tui rủ quyến gì nó đâu.

Người vợ bất hạnh từng nghe đồn bà Tư là tay đâm thuê, chém mướn nên chịu lép một bề. Bà cùng người con trai chở bàn thờ cha mẹ chồng xuống giao cho bà Tư thờ phụng giỗ quẩy.

Trong đời tình ái của bà Tư, đàn ông chỉ là thứ Thiên Lôi để bà sai đâu đánh đó. Đằng này Ngọc khờ khạo quá, bị người tình cướp trên tay đời con gái mà không dám mở miệng buộc hắn làm đám cưới. Được rồi, bà nhất quyết ra tay trừng trị thằng tiểu yêu đã làm bại hoại gia phong nhà bà. Bà đi xuống bếp, lấy con dao xắt chuối, cất dưới gầm giường.

Ngọc đã về, rón rén sau lưng bà như một con mèo hoang, không dám hó hé gì cả. Châu lên tiếng:

– Nó về đó má.

Bà Tư quay lại:

– Nè con đỉ chó, mày cặp xách với thằng Chơn đằng nhà bà Bảy Bụng phải không?

Ngọc thổn thức gật đầu, nói:

– Dạ con dại có bầu với ảnh…

Bà Tư nổi xung, túm lấy tóc Ngọc:

– Mày ngựa quá mà. Bây giờ nó tính sao với mày đây?

Ngọc khóc ấm ức. Bà Tư bạt tai nàng xiểng niểng vì cái tội ngu, chứ không phải vì tội làm điếm nhục gia phong. Ngọc ấp úng:

– Tuần sau ảnh đi quân dịch rồi nên ảnh hẹn lúc nào về phép sẽ mời ba má ảnh lên để nói chuyện với má.

Bà Tư rít lên:

– Mày là đồ uống máu dơ. Đợi đến lúc nó về phép thì cái bụng mày chình ình rồi. Nếu nó thiệt bụng thương mày thì đâu có hẹn lần, hẹn lữa…

Bà Tư ngó qua Châu:

– Mày qua mời bà Bảy Bụng với thằng Chơn nhín chút thời giờ lại đây cho tao hỏi thăm vài câu chuyện… quan hệ. Đừng có lộn xộn phanh phui về chuyện con Ngọc nghe chưa?

Một lát sau, Châu trở về với hai người khác. Một bà tuổi xồn xồn, bụng phệ, mặt mày sần sượng vì giấc ngủ trưa bị lủng đoạn. Gã con trai mặc quần xám, áo sơ mi trắng, chợt lộ vẻ lo lắng khi thấy Ngọc ngồi củ rủ ở mép giường.

Bà Bảy Bụng hỏi:

– Có đủ “tay xòe” chưa chị Tư?

– Ối, hôm nay không có cờ bạc gì hết. Tui mời chị lại nói chuyện đời cho đở buồn vậy thôi.

Bà Tư quay qua Chơn, chỉ chiếc ghế đẩu:

– Em ngồi đây chơi.

Chơn khép nép sợ sệt. Ngọc cúi mặt nhìn xuống đất. Bà Tư đứng dậy khóa trái cửa lại, giữ chìa khóa trong túi áo, rồi thong thả nhả xác trầu vào ống nhổ và hớp nước trà súc miệng:

– Chắc cậu em cũng đoán biết tại sao qua mời cậu em qua đây? Bà gằn giọng – và gài kín cửa như vầy?

Chơn ấp úng:

– Dạ… dì Tư có điều chi dạy cháu?

Bà Tư cười lạt, nói với bà Bảy Bụng:

– Nó là thằng làm công cho chị, tui coi như là chị thay mặt cho cha mẹ nó.

Bà Bảy Bụng hơi ngạc nhiên, ngó Chơn rồi day qua bà Tư:

– Gì vậy chị Tư?

– Còn chuyện gì nữa? Thằng Chơn rủ quyến con Ngọc cho tới mang bầu rồi làm lơ chị biết hôn?

Bà Bảy ré lên:

– Trời đấy quỉ thần thiên địa ơi, ai mà dè.

Bà Tư ngó Chơn không chớp mắt, rồi thò tay lấy con dao xắt chuối bén ngọt lạnh lùng đặt trước mặt Chơn làm Chơn xanh mặt:

– Nè, cậu em. Tui hỏi cậu điều này, nếu cậu trả lời suông thì thôi. Còn ngược lại, tui sẽ chém cậu từng lóng tay, nghe chưa. Cậu thử hỏi chị Bảy đây coi con già này hồi xưa như thế nào. Tui coi việc tù tội như đi hứng mát Ô Cấp vậy.

Bà Bảy Bụng hạ thấp giọng:

– Chị cứ dạy cháu. Bao giờ nó không nghe thì trừng trị nó sau.

Bà Tư nhếch mép cười:

– Cậu có dám nhận là cậu đã lấy con Ngọc nhà tui cho tới nó mang bầu không?

– Dạ hai đứa con lỡ dại… thương nhau.

– Rồi cậu tính làm ngơ chuyện cưới hỏi phải không?

Chơn sợ sệt, ấp úng:

– Dạ con đã nói với con Ngọc, đợi lúc con về phép thăm nhà rồi sẽ…

Bà Tư quắc mắt:

– Trời đất! Từ đây tới ba tháng nữa cậu mới tính tới chuyện cưới hỏi thì con nhỏ tui có nước đội quần thiên hạ. Bộ cậu muốn rút êm hả?

Rồi bà gằn giọng, dữ tợn:

– Tui nói cho cậu biết. Nội trong ngày mai nếu cậu không về mời ba má cậu lên đây thì tôi quyết liều sống chết với cậu, nói có chị Bảy đây làm chứng.

Chơn cúi mặt buồn xo:

– Ba má cháu nghèo lắm. Dì Tư rán huởn cho con vài tháng nữa. Cần phải có vài chục ngàn mới làm đám cưới không đến nổi xập xệ.

Bà Tư lắc đầu lia lịa:

– Tui chỉ cần một lời nói phải quấy của tía má cậu thôi. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Tui không đòi hỏi giết heo mổ gà gì cả.

Chơn lặng thinh. Ngọc vẫn khóc rấm rức. Bà Bảy Bụng chen vào:

– Chuyện đâu còn có đó. Để tui lảnh phần làm mai cho.

Bà Tư nhai trầu ngấu nghiến:

– Cậu phải tính cho xong trước khi cậu đi lính. Nếu không, tui sẽ chém cậu ra làm ba khúc rồi sau đó có ra sao thì ra. Nếu cậu trổ mòi đoản hậu, tôi nói thiệt, dẫu có chạy lên trời cũng không thoát khỏi tay tôi đâu.

Bà Tư chụp lấy con dao hoa lên vài đường trông ớn lạnh, rồi đặt mạnh xuống bàn:

– Bây giờ tui tu rồi đó. Nếu chuyện này mà xảy ra vào cái thuở tôi còn mạnh tay khỏe chân thì không được êm thắm như vầy đâu.

Chơn đã giẫm phải ổ kiến lửa rồi. Không phải gã định đánh trống bỏ dùi, nhưng gã cần phải chờ hốt vài chân hụi để sắm một đôi bông búp bằng vàng làm sính lễ, cùng heo gà để bày tiệc đãi đằng. Bây giờ bà Tư ví gã vào thế kẹt quá. Khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào. Nếu bà đừng buộc gã làm con rễ gì trơn thì gã đâu có lúng túng khổ sở như vậy?

Bà Tư nghiến răng:

– Cậu hứa trước mặt chị Bảy là cậu sẽ đi cưới con Ngọc đàng hoàng trong nội tuần này đi.

– Dạ… con xin phép dì Tư cho ngày mốt con mới rảnh rang công việc.

– Đâu có được. Cậu phải gật đầu liền bây giờ hè. Cậu cưới vợ cho cậu chớ đâu có phải cho tía cậu. Nếu cậu không có tiền sắm nổi đôi bông cho nó thì tui cũng phải bù đắp, bao chi hết. Tui muốn vớt vát chút ít danh dự cho nhà tui, chớ tui đâu dám thèm tiền bạc của cậu. Con gái tôi tuy buôn gánh bán bưng chớ vòng vàng đeo đỏ tay, có thua gì con gái ông Phủ, ông Huyện đâu mà.

Bà Bảy can:

– Chị cứ tin lời nó. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu

– Ờ đúng vậy đó. Đừng ai giởn mặt với con già này mà chuốc họa vào thân nghe.

Khi khách ra về rồi, bà Tư lấy cái tô đá múc nước mưa, uống ừng ực. Nước tới đâu mát tới đó. Ngọc cầm khăn mù xoa quẹt nước mắt. Cử chỉ đó làm xốn mắt bà mẹ nuôi. Bà têm trầu, quát:

– Thấy con đỉ ngu si này khóc mà sao tao ứa gan? Mày lấy bậy cho sướng thây mày để cho tao phải mỏi miệng, rát nước miếng.

°   °

°

Đám cưới của Ngọc thật đơn sơ. Bữa nhóm họ, bà Tư mời miệng chòm xóm đến nhà bà để dùng tiệc trà. Chính bà đích thân đến từng nhà trong xóm, nên khó ai từ chối.

Nguyệt thắc mắc, không biết phải mua quà như thế nào để mừng Ngọc.

Ngỡi thành thạo:

– Ở đây không ai ưa nhận quà đâu. Mình đi tiền là tiện nhứt.

Nguyệt rủ:

– Chiều nay, tui đi làm về xong, tụi mình cùng đi một lượt. Chị tính đi bao nhiêu coi cho được?

Ngỡi nói không cần suy nghĩ:

– Qua bên đó, tụi mình chỉ hớp được ly nước ngọt. Đi nhiều uổng tiền. Tiền nhiều để dành cho ăn mày còn được phước hơn.

Thấy Nguyệt chưa kịp hiểu lời. Ngỡi giải thích:

– Nhà đó là chúa tham. Để rồi chị coi, qua cái đám thú phạt này là họ cải nhau giành phần chia chác. Họ ó ré, sâu xé rùm xóm, chịu đời không thấu.

Ngỡi nhìn ra cửa sổ:

– Lại nữa, đi ăn cưới thì không sao. Đi ăn đám thú phạt xui lắm. Tưởng họ mổ gà, vật heo gì đó. Hên lắm mình được ăn bánh mua trong tiệm Khách Trú.

Nguyệt hỏi:

– Mình nên đi chải tóc, phun keo và làm móng tay coi cho được mắt một chút. Để u trệ người ta quở.

– Ồ, hơi nào! Uổng tiền lắm. Bộ chị tưởng bên đó dập dìu tài tử giai nhân gì sao mà phải bỏ công chải chuốc tóc tai?

Đến chiều, Nguyệt và Ngỡi mặc áo đồng một màu xanh ve chai, không son phấn bước qua nhà bà Tư. Ngoài hàng ba, ánh đèn “măng sông” trong vắt quét một vệt ánh sáng vào bên trong. Tiếng radio mở ồn ào hòa lẫn tiếng ó ré của mấy người bà ngoài hẻm tưởng chừng ở đây có một đám giặc. Các bợm nhậu kéo giọng nhừa nhựa, nói những câu đầu Ngô mình Sở, không ai chịu nổi.

Bà Tư hớn hở kéo ghế mời Nguyệt và Ngỡi ngồi. Nguyệt liếc vào phía trong. Chiếc màn ni-lông trắng chen hồng lay động. Ngọc bẻn lẻn bước ra. Chiếc áo dài màu gạch thêu kim tuyến trắng bó sát lấy tấm thân bụ bẫm của cô ta, và đố kỵ nước da đen mốc của cô ta. Ngọc nghiêng đầu chào hai người, Ngỡi đứng dậy, cầm bao thư đựng tiền mừng trao cho Ngọc. Cô ả lí nhí cám ơn khi Nguyệt chúc cho cô được trăm năm hạnh phúc.

Bà Tư lật phong thư không dán kín, lôi món tiền ra trước mặt Nguyệt, giọng thản nhiên:

– Châu biên vào sổ đi… Cô Nguyệt đi năm trăm đồng, còn cô Ngỡi ba trăm.

Châu khom người xuống tập giấy, nắn nót từng chữ một. Nguyệt ngượng chín người. Ngỡi nheo mắt nhìn qua Nguyệt, cười tinh quái.

Bà Tư mời Nguyệt:

– Mời cô Hai dùng chút nước ngọt mừng cho em đi.

Tuyệt nhiên, bà không đá động tới Ngỡi. Ngọc lẹ miệng mời thay:

– Mời chị Ngỡi ăn chút bánh lấy thảo.

Nguyệt hớp ngụm xá xị rồi đứng dậy kiếu từ. Khi bước ra ngoài sân. Ngỡi nói nhỏ:

– Cái bọn họ tiếp khách tùy theo món tiền của người đi mừng. Phải dè, tôi không thèm bỏ tiền vào bao thư làm chi cho mắc công.

Nguyệt cười ngất:

– Từ cha sanh mẹ đẻ cho tới bây giờ, tôi chưa thấy cái đám cưới nào thâu tiền bừa bãi, kỳ quái như vầy. Thiệt, mấy người đó thấy tiền còn hơn thấy Phật.

Bỗng có tiếng ú ớ của người đàn bà vang đột ngột giữa lúc đám cưới bớt ồn ào, Nguyệt đã gặp bà này một vài lần ở bên nhà bà Tư. Hôm nay, bà mặc áo dài màu hường tươi, màu áo chửi rủa tuổi tác năm mươi ngoài của bà. Bà là mẹ đẻ của Châu và Ngọc. Ít khi bà đến nhà bà Tư, trừ những ngày giỗ chạp, tết nhứt, hoặc những dịp Châu sanh nở. Bà ở miệt Hòa Hưng, suốt ngày chỉ tới các chùa lân cận, làm công quả để kiếm chác hai bữa cơm chay. Bà mê Phật còn hơn mê nhân tình. Tuy không thể đọc được kinh, không rành lần chuỗi hột, nhưng không ngày nào bà không đến chánh điện để chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thích Ca Mâu Ni.

Nguyệt lủi vào nhà, kéo Ngỡi theo. Cả hai châu đầu ngó qua cửa sổ. Nguyệt chắc lưỡi:

– Bả già ngắt mà ăn bận lòe loẹt, hực hỡ giống như ma bóng quá.

– Tuy vừa câm vừa điếc mà bả ngựa giàn trời. Bả không có chồng mà vẫn sanh con mệ Châu và con Ngọc như thường.

Nguyệt tò mò:

– Ai lấy bả vậy chị?

– Ai mà biết. Bà Tư chưa tìm ra thủ phạm thay.

Nguyệt tinh quái:

– Không lẽ Hộ Pháp trong chùa nửa đêm tuột xuống bàn thờ để lấy bả?

– Nghe nói hồi xưa, lúc hai mươi tuổi bà Cam coi cũng ngọt mắt, sắc lẻm lắm chớ. Bả đi nấu cơm cho một tiệm sắt nguội trong Chợ Lớn. Tối, trời nực bả kê ghế bố ngoài hàng ba hóng mát. Bọn du thủ du thực nửa đêm đi coi hát về, làm bậy vài phát là bả ôm trống chầu, đẻ ra con mẹ Châu.

– Còn trường hợp của Ngọc?

– Ối, ai mà biết. Bả đâu có nói được mà tố cáo ai? Đã vậy lại không biết chữ nữa.

Nguyệt ngậm ngùi:

– Tội nghiệp quá!

Ngỡi trề môi:

– Xí, biết đâu bả sướng thứ điều bay tới chín từng mây. Tôi hỏi chị, có ai nở gièm siểm, bắt bẻ một người vừa câm, vừa điếc không?

Bỗng Nguyệt kêu khẽ:

– Ủa, bà Năm Út tới kìa.

Năm Út hôm nay tô son, trét phấn, đeo cẩm thạch, xách bóp đầm. Chiếc áo màu xanh thẫm điểm bông lớn bằng cái trứng gà không hợp với màu phấn tô mặt của mụ.

Ngỡi nói:

– Ý cha! Bả nịt bụng hay sao mà có co, có eo, coi được quá chớ?

Nguyệt thường trầm trồ đôi bàn tay mềm mụp, mát rượi của mụ. Ngón tay mụ suông đuột, phao móng tay hình hột hạnh nhân, trời nóng cũng như trời lạnh đều ửng hồng. Bàn tay đó không hề làm bếp hay giặt giũ quần áo, chỉ biết xòe những lá bài tứ sắc suốt ngày.

Trước kia Năm Út có nhiều tiền và cất mấy dãy phố lầu nhờ nghề cho vay đặt nợ ở mấy gánh hát để cho muớn. Thỉnh thoảng, mụ ta cũng nổi máu nghệ sĩ tính, xin soạn giả cải lương , đóng mấy vai con tỳ nữ giễu cợt với bọn hề mặt mốc, hoặc biểu diễn những màn chưng bươm bướm trước khi đoàn hát diễn tuồng nồng cốt. Sau đó, mụ ta bị mẹ ép gả cho ông Năm Út. Thua buồn hoặc bất mãn về tình duyên nào đó, mụ đâm ra bài bạc, bán đứt mấy dãy phố lầu rồi dọn về đây. Ông chồng thì bán cà phê, nước giải khát. Còn mụ vẫn đỏ đen lu bù, lâu lâu bày ra bán cháo trắng thịt phá lấu hoặc cơm tấm bì.

Năm Út chợt thấy bà Cam mặc áo hường, đúng bên bình bông huệ, liền ứng khẩu hát lảnh lót:

“ Người ngọc bên hoa, hoa ửng sáng,

Hoa cười bên ngọc, ngọc thêm trong”.

Mọi người cười ồ ồ. Bà Cam tuy không hiểu trọn câu nói của bà bạn hàng xóm, cũng cười bẻn lẻn, tình tứ như công chúa bị hoàng tử ve vãn trong phim Ấn Độ.

Bà Tư mừng rỡ:

– Thiệt tao bằng bụng lắm, Năm Út à. Mày tới đây chia vui với em út, quí biết chừng nào.

Năm Út ung dung ngồi xuống ghế, lấy phong thư, liếc liếc bà Tư rồi ỏn ẻn nói:

– Thôi đi bà nội. Để tui nói chuyện phải quấy với vợ chồng con Ngọc một chút. Đâu, cô dâu chú rể lại chị Năm coi.

Chơn và Ngọc bẻn lẻn, bước lại. Mụ nhìn Ngọc từ trên xuống dưới khen:

– Con Ngọc hôm nay sao đẹp mê ly quá xá. Tuy nó đen đúa, nhưng mà đen theo điệu xôi nếp than, càng ăn càng bùi miệng.

Ngọc cúi xuống cằn nhằn:

– Chị Năm… nói kỳ quá hé.

Năm Út làm bộ tỉnh khô, khẽ lấy tay nhịp xuống bàn ca mấy câu vọng cổ đã thâu thanh vào đĩa hát Asia qua giọng ca của cô Tư Sạng hồi hai mươi năm về trước:

Con ôi! Tháng Chạp tới đây là ngày tên con sẽ ghi vào cuốn sổ nhơn duyên, cung đàn bấm phím tơ loan cho trăm năm được bề chắc ơ… ơ… ơ…

Một người đàn ông ngồi đối diện la lên:

– Đ.m… bà này ca bản xưa mùi tận mạng.

Năm Út tra gân cổ lên chót chét ca nữa. Bà Tư háy dài một cái:

– Thì mừng cho em út đi. Ca lý hoài làm tụi nó nóng ruột.

– Bất nhơn dữ không? Mà tụi nó nóng ruột… để làm gì vậy a bà Tư?

– Con nhỏ coi bộ muốn điên.

Năm Út trao phong thư cho Ngọc rồi lên giọng dạy đời:

– Nè Ngọc, chị khuyên em một câu: hể con gái thì xuất giá thì tùng phu… Ông bà mình thường dạy như vậy…

Rồi mụ quay qua Chơn:

– Con Ngọc thì lo bề xuất giá tùng phu, còn mày cứ việc chổng khu… đẩy ghe vô ụ.

Cả đám cưới cười ồ ồ. Bên này Ngỡi nằm lăn ra “đi-văng” cười muốn hụt hơi. Nguyệt cũng cười đến nỗi đau cuống họng, nặng cả ngực và muốn tróc mỡ sa.

Bên kia, Năm Út uống nước cam rồi bóc chiếc bánh ú nhai lách chách. Mụ õng ẹo chê bai:

– Nè bà Tư, đi ăn đám cưới như vầy hoài chắc tôi bớt mập, có thể leo lên sân khấu vũ “xét-xi” ngon lành một cây.

Bên này, Ngỡi xầm xì với Nguyệt:

– Con mẹ Năm Út chì lắm. Một khi con mẻ xì ra, ba làng bụm họng y thị cũng không kịp.

Năm Út xách bóp đứng dậy kiếu gia chủ, liếc Chơn một cái thật lẳng, rồi núng ninh ngoáy cặp mông tròn vo ra cửa:

– Chị biết hai em cũng chẳng vui sướng nhiều bằng cặp vợ chồng mới cưới khác. Đêm nay, bất quá…

Bà Tư trợn mắt, tức mình:

– Con đĩ heo nái, ăn nói vô duyên.

Năm Út hát lảnh lót:

“Đêm nay dầy sướng mỏi mê

Đường đi nước bước đi về từ lâu”

Năm Út vừa bước ra hẻm, chợt thấy Ngỡi và Nguyệt thập thò ở khung cửa sổ vàng rực ánh đèn liền bước vào. Nguyệt niềm nở mời mụ ta ngồi và đưa cái quạt phất giấy cho mụ quạt.

Ngỡi cười:

– Bà này ưa soi bói chuyện của người ta hoài. Nhè chỗ nhột của người ta mà cù lét chớ.

Năm Út liếc qua bên nhà bà Tư:

– Con Ngọc muớn tiệm may nào may áo không biết mà khi ngó vào là thấy cái bụng nó nổi tròn vo, ngứa mắt quá chừng.

Ngỡi hăm he:

– Xong đám cưới, bà Tư sẽ đào mồ cuốc mả ông bà, ông vải chị đa.

Năm Út cười tỏn tẻn:

– Sức mấy. Bả là anh hùng một cõi, còn tao đây là đồ xả rác hay sao? Hồi xưa tao cũng cầm đầu một toán đánh ghen tập thể, ở miệt Lăng Tô, Tân Thuận, thử hỏi ai mà không biết?

Ngỡi bật cười:

– Chị bảnh quá he? Vậy thì chết thiên hạ còn gì?

Năm Út trề môi:

– Chẳng bảnh, chẳng bao giờ hết. Nhưng ai bảnh hơn con này chắc là khó sống.

Đám cưới tản mác dần. Trời tối mịt ở ngoài cửa sổ. Nguyệt sửa soạn khăn mặt, đi tắm. Đồng đi chơi cũng vừa về. Cả hai qua nhà Ngỡi dùng cơm không chờ Đăng vì Đăng đã dặn trước là tối nay chàng đi coi hát bóng tới muời giờ mới về.

Cơm nước xong xuôi, Đồng đi ngủ sớm. Nguyệt bưng hộp đồ thêu ra, tẳn mẳn thêu thùa cho qua một buổi tối. Ngỡi sau khi gội đầu xong, bước qua nói chuyện khào.

Con nít xúm lại la ó rùm beng ở dưới mái hiên nhà bà Tư. Chúng xúm quanh bàn bầu cua cá cọp, sát phạt nhau từng đồng bạc nhỏ, nhưng không kém hào hứng.

Năm Út bước lại thùng chứa rác, bỏ vào đó xác vỏ quít, ngứa miệng:

– Tụi bây, đừng có làm om xòm. Để chị Ngọc bây ngủ cho khỏe để nó kiếm con.

Khi bọn tiểu yêu tản mác thì Năm Út lẫn Tư Búp bước vào nhà Nguyệt. Tư Búp nói nhỏ:

– Có con trong bụng rồi mà còn kiếm nổi gì? Chắc là thằng Chơn chỉ có nước tráng men cho đứa nhỏ…

Năm Út nói:

– Có chửa rồi nên kiêng cữ ăn nằm với chồng họa may con cái sau này thông minh, học giỏi.

Đèn bên nhà bà Tư, không hiểu sao, tắt lịm. Bà loay quay lo thắp đèn dầu, và bắt đầu cằn nhằn, trách móc Tư Búp giễu cợt tầm ruồng, ăn nói xô bồ xô bộn.

– Tui lóng rày sức tàn vóc mỏi rồi. Hồi trước, con vợ thằng Út mà nói giọng đó, tôi xé nó tét háng.

Ngỡi xuí bậy:

– Bả chửi chị kìa. Ăn thua đủ với bả cho tụi này xem chơi.

Năm Út cười:

– Ối, hơi nào, bả nói lén mà ai thèm chấp nhứt.

Bà Tư bước ra hiên nhổ xác trầu, liếc sang nhà Nguyệt, nét mặt cùng hung cực ác. Khuôn mặt bà nhiều thịt hum húp như bị chứng phù thủng không thể làm giảm ánh mắt sắc sảo và cặp mày xếch ngược, đầy uy quyền.

Bà nói với bà Bảy Bụng:

– Chi Bảy nghĩ coi. Con cháu tui tuy là nghèo hèn vậy chớ cũng được một lần cưới hỏi rỡ ràng. Mấy con đĩ chung quanh đây ganh ghét, xầm xì nói hành nói tỏi. Mà nói cho cùng, nếu lấy trước cưới sau, nó cũng chỉ lấy có một thằng. Còn cái thứ đàn bà dâm đãng nay cụp thằng này, mốt cụp thằng nọ. Đã vậy, mà mấy con đĩ trời đánh thánh đâm đó không biết vinh, biết nhục, cứ xáp lại nói xóc óc mẹ con tui.

Bà Bảy cười hềnh hệch:

– Ối, hơi nào chị để ý chuyện tẹp nhẹp đó? Họ nói gì mặc họ. Mình tử tế, đàng hoàng thì mình biết.

Năm Út, Tư Búp, lẫn Ngỡi bị một câu “bứt mây động rừng” ấy, nhột nhạt, xốn xang. Tư Búp trề môi:

– Tưởng bả tử tế gì đó. Cái thứ đoạt chồng thiên hạ, ác đức, tội lỗi dẫu tắm nguyên con sông Đồng Nai cũng chưa rửa hết tội.

Năm Út nhún vai:

– Nghe nói hồi xưa bả dựng bảng kén chồng. Trời ơi! Đĩ ngựa một cây đó.

Không khí hai bên bắt đầu căng thẳng. Nguyệt muốn tìm chỗ trốn để khỏi nghe hai bên chửi bới lẫn nhau. Nàng miễn cưỡng ngồi tiếp khách, lòng hồi hộp. Ngỡi đứng dậy, Tư Búp trề môi, nói khích:

– Mày chạy mặt bà Dạ Xoa đó rồi hả?

Ngỡi ngoảnh lại:

– Có muốn sanh sự với bả thì làm ơn ra khỏi nhà chị Nguyệt, kẻo chỉ mắc họa lây.

Năm Út đứng dậy:

– Mày làm bộ biết điều, còn tụi tao là hạng ăn ở bội thiên nghịch địa vậy.

Tư Búp mỉm cười rồi ngáp ồn ào, nhìn qua bà Tư giọng châm biếm:

– Làm gì mà mình lúc nào cũng buồn ngủ y như là đàn bà có chửa vậy cà?

Năm Út cười:

– Tại mang tiếng đ… bậy nên có chửa chớ sao.

http://vietmessenger.com/books/?title=ddan%20kien%20lua

Comments are closed.