Văn học miền Nam 54-75 (490): Chu Tử (kỳ 4)

Sống

Chương 2

Nhắn tin về Bắc.
“Bà Trần Thị Xuyên, trước kia ở Cát Lâm, Tiền Hải, Thái Bình, hiện nay ở trại định cư Bình Thới nhắn tin cho chị là bà Trần Thị Hồng ở đường Cát Dài Hải Phòng biết, chúng em khấm khá… cháu lớn Tam mới đậu một chứng chỉ văn khoa và cháu Lan vừa mới ở riêng”.

Lần nào cũng vậy, mỗi khi nghe thấy thu thanh phát tin đến mục “Nhắn tin về Bắc”, Văn không khỏi có cảm giác bực bội của một người quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ, không muốn ai nhắc nhở đến những cảnh cũ người xưa, mà vẫn bị người ta vô tình ám ảnh v.v… Từ khi di cư, thoạt đầu chàng cũng còn gửi một hai cái thiếp về Bắc, hỏi thăm tin tức những thân quyến còn lại, và vẫn được trả lời. Nhưng, đã ba năm nay, từ khi được tin mẹ chàng từ trần, tự nhiên chàng cắt đứt liên lạc, không gửi bưu thiếp gì về thăm người em cùng lũ cháu mà vào những đêm đột nhiên thức giấc, chàng thấy nhớ nhung một cách đau xót. Chàng vùi đầu vào hiện tại, vào sự sống, hỗn tạp, mong quên hết, từ quá khứ tới tương lai mờ mịt…

Văn vừa bảo đứa con gái tắt máy thu thanh để khỏi phải nghĩ ngợi lôi thôi, thì Hổ ở đâu lù lù dẫn tới.
– Chuyện gì vậy anh? Hay thiếu tiền trả xe, “cưỡi cọp” tạt vào nã tiền chăng?
Hổ cười nhe cả 24 cái răng:
– Lần này thì không phải tới xin tiền! Sở dĩ vội tìm đến anh là để làm với anh một “áp phe”…
– Lại “áp-phe”!
Văn vừa làm giáo sư, vừa viết báo, vừa làm “áp phe” một cách thật tài tử, mà vẫn nợ đìa. Chàng giao du với đủ hạng người, từ ông đại trí thức tới ông phu xe xích lô; từ vị linh mục nghiêm nghị, đạo đức đến người bạn nghiền nặng, sống vất vưởng nay xin tiền người này, mai xin tiền người nọ.
Văn không chơi bời trác táng, không uống rượu, hút thuốc phiện, nhưng chàng chỉ thích những ông bạn hư hỏng, trụy lạc, ăn tục nói phét, có nhẽ vì gần họ, Văn có cái ảo tưởng là mình vẫn chưa đến nỗi xấu như ai, còn lương thiện hơn kẻ khác.
Hổ trước kia là một đại úy chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô. Chàng đã vào sinh ra tử, đã từng chiến đấu liều lĩnh, gan gạ.
Nhưng từ năm, sáu năm nay, chàng sống lang thang, thất nghiệp, bấu xấu bạn bè, mần “áp phe” đủ loại, thương vàng hạ cám. “Áp phe” không đủ tiền đi xe, chàng lại đèo thêm bệnh ghiền vì những lúc chán chường mệt mỏi, thuốc phiện là phương kế giải phiền kiến hiệu nhất.
Từ khi đa mang thuốc sái, Hổ càng trụy lạc, tâm hồn mỗi ngày thêm quằn quại trong dối trá, thủ đoạn vặt. Hổ coi Văn như một người anh, người bạn, người đồng chí cũ: lúc nào túng tiền xe, tiền thuốc lá, hoặc nhỡ bữa ăn, Hổ tạt qua nhà Văn xin một vài chục đi xe, ăn cùng Văn một chén cơm, ngủ vùi một giấc, rồi mượn tạm một cái “sơ mi” sạch, thay cái áo đang mặc đã nhầu nát, Hổ lại ra đi, mất hút độ năm, bảy ngày, có khi cả tháng mới trở lại. Và mỗi lần trở lại, bao giờ Hổ cũng có một câu chuyện làm quà, một “áp phe” trong túi.
Lần này Hổ hí hửng tới nhà Văn với tin tưởng sẽ được Văn hưởng ứng đề nghị của mình. Khi thấy Văn tỏ ý thờ ơ, Hổ đâm lung túng, không dám nhập đề ngay:
– Không, “áp phe” này thì “suya” 100%. Tôi sợ nói không đủ anh tin, vậy mời anh đi cùng tôi tới nhà Vinh, ở đó sẽ có người trình bày cặn kẽ với anh. Đói lắm rồi! Đàn anh phải tính thế nào, chứ kéo dài mãi thế này thì đến phải đi ăn cướp mất.
Văn cười chua chát:
– Tôi sợ bọn mình hết cả can đảm rồi! Chứ nếu đứa nào tổ chức ăn cướp thì mình cũng nhào vô ngay. Chúng mình bây giờ hèn hơn cả bọn cướp. Làm lục lâm thảo khấu khó lắm! Nhưng “áp phe” gì? Nói lên chứ còn bắt người ta đi đâu?
Hổ vật nài:
– Thì anh cứ mặc quần áo đi chơi một chút! Mà nằm mãi ở nhà cũng phát điên mất. Tại nhà Vinh, có bàn “tĩnh”, nếu anh không dùng thì ngồi sưởi bàn tĩnh, tán bù khú cũng quên đời lắm!
Cái “khí hậu” bên bàn đèn thuốc phiện, đối với Văn vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt, mặc dầu mỗi lần chàng thử hút thưởng thức thú đi mây về gió, mà các bạn chàng thường ca tụng, Văn đều buồn nôn khi ngậm vào đầu dọc tẩu. Đang lúc trống rỗng, Văn tặc lưỡi nói với Hổ:
– Ừ! Đi thì đi! Chưa bao giờ mình thấy tâm hồn ẩm ướt, rêu mốc như lúc này. Đến nghe thằng Vinh nó chửi đổng, âu cũng là cách tiêu khiển.
Vinh ở một mình trên một căn gác nhỏ thuê ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Ngoài 50 tuổi, không vợ, không con, vô nghề nghiệp, tất cả sự sống và ý nghĩa cuộc đời của Vinh chỉ là khói thuốc phiện huyền ảo! Bảo rằng gác của Vinh là một tiệm hút thuốc phiện thì không đúng, nhưng đó là nơi hẹn hò của một số bạn cùng một thứ đam mê như Vinh. Họ đến, họ bỏ ra tiền cho Vinh mua thuốc phiện. Vinh tiêm cho họ hút, Vinh cũng hút nhờ vào đó…
No khói rồi, họ tán róc, bàn chuyện về thới thế, chính trị, văn học, vì đa số bọn người lui tới, đều là những nhà chính trị lỡ thời hoặc văn nghệ sĩ không có tác phẩm…
Gác của Vinh không có giường nằm, không có bàn, tủ, ghế, chỉ vỏn vẹn hai cái chiếu dài phủ gàn kín sàn gác, và mấy chồng sách, tiểu thuyết dùng làm gối để khách tựa đầu khi hút.
Vinh đang co ro nằm trên chiếu thì Văn, Hổ đẩy cửa bước vào, khiến Vinh vui mừng reo:
– Tướng Hổ mà lôi được tướng Văn lại đây kể cũng là hổ tướng! Tiền đâu? Xin các ông chi để kịp mua thuốc, rồi có tính gì hãy tính. “Tiên đả phù dung, hậu tính đại sự”!
Văn không nói, không rằng, ngồi xuống chiếu, lặng lẽ cởi dây giày. Chàng sắp sửa cởi cả sơ mi và quần để nằm dài xuống chiếu cho thoải mái, thì Hổ vội xua tay:
– Ấy chết! Xin ông đừng khỏa thân, để tôi đi mời người ta lại tính chuyện với ông. Chúng tôi đã “phong vương” ông với người ta ghê gớm lắm, và bọn này cũng là tay lịch sự, ăn chơi khét tiếng, xin ông giữ cái bề ngoài cho có vẻ một chút…
Văn vẫn điềm nhiên cởi sơ mi:
– Xin ông tha cho! Nếu ông đưa người ta lại đây mà còn phải bố trí, dàn cảnh như vậy, thì tốt hơn hết là đưa đến chỗ khác, trang trọng hơn, có phải không, ông Vinh?
Vinh gật đầu lia lại, tán thành:
– Mà ông Hổ tính “củ” gì cũng phải cho ông Văn biết trước để còn liệu thiết kế hoạch chứ!
Hổ gạt đi:
– Không cần! Lát nữa sẽ rõ. Tôi đi nhé!
Văn móc túi, còn hai trăm đưa cho Vinh.
Vinh theo Hổ xuống dưới nhà, sang nhà gần đấy mua thuốc. Còn lại một mình, Văn vớ quyển “Thuỷ Hử diễn nghĩa” trên chồng sách kê dùng làm gối, đọc bất cứ đoạn nào…
Văn mải miết đọc, Vinh mua thuốc về lúc nào chàng cũng không biết. Vinh im lìm sửa soạn bàn đèn, mãi đến khi thuốc phiện nướng, bốc mùi thơm ngào ngạt, Văn mới vứt quyển sách xuống chiếu, nói với Vinh:
– Ông tiêm cho tôi một điếu, lần này thì hút thực!
Vinh cười:
– Tôi đã khuyên cậu từ hơn 10 năm nay là cậu muốn chín chắn con người, muốn lập sự nghiệp vững chãi thì phải “phum” mà cậu có nghe đâu! Lần này thì hút thật nhé?
– Hút thật! Nhưng làm thế nào để nghiện được hở anh? Tôi muốn nghiện mà thấy khó quá! Đúng như anh nói, có nghiện thì mới lập được sự nghiệp! Như ông chẵng hạn!
Vinh cất tiếng ngạo nghễ:
– Ông định mỉa tôi đây chăng? Thì từ bao nhiêu năm nay, ông vẫn chạy rông như chó dái, có làm được gì hơn bọn nghiền này, ngoài cái thành tích nợ hơn chúa Chổm? Ông cần nghiện mới lập được sự nghiệp, tôi nói vậy là chí lý lắm. Đây nhé, sở dĩ từ trước đến giờ, ông vẫn chưa thành cái “thá” gì, là vì ông chưa dứt khoát tư tưởng, xấu không ra xấu, tốt không ra tốt, muốn xấu mà vẫn không dám xấu, nhưng nếu ông hút thuốc phiện thì ông sẽ tự coi là đồ bỏ, đồ bất lương, đồ hư hỏng. Và khi ông yên tâm sống với cái bất lương, thì ông sẽ hết băn khoăn, tư tưởng của ông lúc đó mới thống nhất, có đường lối rõ rệt, và ông mới lập được sự nghiệp!
– Sự nghiệp bất lương!
– Đúng rồi! Có cái sự nghiệp nào mà không bất lương hở ông? Ông là người có tài lắm, nhưng nếu ông dứt khoát tư tưởng, bất lương rõ rệt, không băn khoăn, không đau khổ, thì tôi tin là ông sẽ thành công!
Lời nói nửa đùa nửa thật, nửa triết lý rẻ tiền của Vinh, như gáo nước lạnh dội vào đầu Văn:
– Có nhẽ đúng! Phải triệt để bất lương mới thành sự nghiệp có phải không anh? Vậy thì bất lương muôn năm!
Vinh gật gù:
– Ừ, bất lương muôn năm!
Giữa lúc đó, Hổ đẩy cửa bước vào, đi theo là một người cao lớn khoảng gần 40, mặc đồ lớn rất trịnh trọng:
– Cái gì mà hô “bất lương muôn năm” tợn như vậy?
Hổ vừa nói vừa đưa tay giới thiệu người lạ mặt:
– Đây là ông Lương, giám đốc các đồn điền của công ty Liên Á, mới ở Vạn Tượng về.
Mọi người bắt tay nhau. Văn rất thản nhiên, vào thẳng ngay đề:
– Xin lỗi ông! Ông đã tới đây thì tuy mới sơ kiến, ông bắt buộc phải tin chúng tôi như ông tin ông Hổ, bạn ông. Vậy có gì xin ông cứ nói thẳng cho biết, để chúng ta xem có thể hợp tác với nhau được không?
– Dạ! Dạ! Tôi rất tán thành sự thẳng thắn của ông. Mặc dầu chưa quen biết ông, tôi cũng đã được nghe nhiều bạn nói chuyện về ông, cho nên tôi tin rằng việc tôi đề nghị sẽ được ông chấp thuận. Tôi cũng như các ông, không phải là kẻ bất lương, nhưng ông cho phép tôi được “citer” một câu.
Tôi cũng như các ông, không phải là kẻ bất lương, nhưng ông cho phép tôi được “citer” một câu hình như của Sartre: “Dans un monde qui triche, celui qui ne triche pas est… un salaud” (Trong một thế giới gian lận, kẻ nào không gian lận chỉ là đồ chó đẻ.)
Văn bực mình vì phải nghe ông bạn mới lấy cả Sartre ra thuyết, nên thủng thẳng trả lời:
– Ông cứ vào đề ngay cho. Để còn hút cho vui!
Hổ, biết tính Văn, xen luôn vào câu chuyện:
– Có gì đâu! Anh Lượng là giám đốc các đồn điền cho một số chủ đồn điền ở Vạn Tượng. Từ trước đến nay, anh Lượng vẫn điều khiển một tổ chức buôn lậu thuốc phiện từ Vạn Tượng về Sàigòn, chuyên chở bằng máy bay trực thăng riêng của hãng cao su bên Ai Lao. Các hàng đó vẫn được thả dù xuống một đồn điền của một ngoại kiều ở cách Sàigòn hơn 100 cây số. Những mục tiêu này vừa đây bị lộ, hệ thống bị phát giác. Anh Lượng biết anh quen ông chủ đồn điền Ng. Thảo, nên muốn mời anh vào tổ chức bằng cách nhờ anh điều đình với ông Thảo để lần sau, máy bay trực thăng sẽ thả thuốc phiện xuống đồn điền của ông ta. Anh tính có được không?
Văn hỏi lại:
– Chỉ có thế thôi ư?
Lượng đỡ lời:
– Ngoài ra, nếu ông ta vui lòng, thì chúng tôi mời ông ta hùn tiền hợp tác với chúng tôi. Mỗi chuyến, chúng tôi cho thả dù từ 300 ký tới một tấn thuốc phiện. Công việc cũng gọi là có tính cách đại qui mô. Anh Hổ sẽ chịu trách nhiệm với một số anh em khác về sự vận chuyển hàng hóa, từ chỗ thả dù về Sài Gòn và tiêu thụ hàng gửi về. Việc chỉ có thế, xin ông cho chúng tôi được biết ý kiến của ông.
Văn chậm rãi trả lời:
– Kể ra thì không có gì khiến tôi từ chối cả. Bảo rằng việc đó bất lương thì cái bất lương này cũng không đến nỗi tởm, mà trái lại còn quyến rũ lắm. Nhưng tôi không dám đoan chắc với ông là việc hợp tác với ông Thảo có thể thành tựu, vì ông Thảo đối với tôi chỉ là chỗ quen biết thường; thỉnh thoảng gặp nhau thì nhậu nhẹt, tán dóc hoặc đánh phé, ngoài ra chúng tôi chưa bao giờ tính chuyện hợp tác với nhau, vì ông ta giàu, mình nghèo, ngoài chuyện chơi bời, không nên tính chuyện làm ăn. Nhưng nếu ông muốn, tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Thảo. Vậy vai trò của tôi có còn gì nữa không?
– Còn nhiều chứ! Vì tôi ở Vạn Tượng, không có mặt thường xuyên ở đây, nên tôi trông mong nơi ông để “superviser” tất cả công việc tổ chức ở đây. Lúc này, chúng tôi cần tìm những “đồng chí” mới, vì cơ sở cũ bị phá. Mặc dầu chưa được quen biết cặn kẽ ông và ông Thảo, chúng tôi tin hai ông là cỡ người ngang tàng, có cơ mưu, óc thích phiêu lưu. Cho nên tôi mong ông sẽ vui lòng nhận làm cố vấn, sẽ hướng dẫn, cho sáng kiến, kế hoạch để anh em thi hành.
Văn cười:
– Cố vấn! Cố vấn buôn lậu thuốc phiện! Để ngày mai tôi hỏi ý kiến ông Thảo, rồi ngày mốt xin mời ông lại đây, chúng tôi sẽ trả lời ông.
– Dạ, hết tuần này, tôi phải trở về Vạn Tượng. Tôi mong sẽ đi tới một thỏa thuận dứt khoát với ông và ông Thảo trước khi trở về đất Lào. Giờ thì xin cáo lui, đợi tái ngộ ngày mốt.
– Ông hút chơi với chúng tôi vài điều đã!
– Xin để ngày mốt. Hôm nay chúng tôi phải đi ngay.
Lượng bắt tay mọi người. Hổ tiễn Lượng xuống dưới nhà rồi trở lên nét mặt hân hoan, vứt một xấp giấy bạc xuống chiếu, nói oang oang:
– Hết đói rồi các cha ơi! Đây năm thiên, Lượng nó vừa dúi cho tôi để tổ chức cuộc gặp gỡ sắp tới. Này, thằng cha Lượng có vẻ khoái bố Văn nhà mình lắm nhé, tấm tức khen bố đường hoàng, có thể hợp tác được.
Văn nhìn Vinh lắc đầu cười:
– Tướng Hổ này thì suốt đời lạc quan tếu! Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao công việc của họ to tát như vậy mà lại phải nhờ đến bọn mình. Ông quen cái ông Lượng đó trong trường hợp nào, và tại sao hắn phải nhờ đến thứ người thừa, nghiện hút như ông Hổ của chúng ta.
Hổ ưỡn ngực cãi:
– Anh tưởng tôi vứt bỏ à! Đối với mọi người, tôi vẫn là cựu Trung đoàn trưởng Trung Đoàn Thủ Đô chứ “cứt” đâu! Còn chuyện ông Lượng này thì dài và mê ly lắm. Cách đây 10 tháng, hắn còn lang thang vất vưởng ở Sài Gòn, đói như mọi người! Thế rồi, hắn sang Lào và lúc này hắn trở về với hàng chục triệu gửi ở Ngân hàng. Hắn là một thứ quái kiệt, nhiều khi một cắc không có mà không bao giờ thèm tính bạc vạn, chỉ tính bạc triệu, bạc tỷ. Nghe đâu hắn đang bắt liên lạc với cả tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á, tính một vài cú tày trời nữa. Bọn này bảnh mà! Anh cứ tin tôi đi!
Văn hất hàm hỏi Vinh:
– Ý kiến ông Vinh thế nào?
Vinh kéo một hơi dài thuốc phiện, chiêu một ngụm nước nóng bỏng, thở ra chút khói còn lại, rồi thủng thẳng nói:
– Theo ý tôi thì cái việc này không nên tính hợp tác lâu dài làm gì! Chi bằng, sẵn cơ hội ngàn năm một thủa, chúng nó giao thuốc phiện cho bán thì “cuỗm” tất cả một chuyến, làm cái vốn “hút chơi” cho đỡ khổ. Thế là hơn cả. Như tôi đã nói với ông Văn, cần phải dứt khoát tư tưởng, đã bất lương thì bất lương rõ, đừng có nữa đời nửa đoạn. Hổ xua tay, nghiêm nghị như một nhà đạo đức:
– Không được! Họ mới tín nhiệm mình mà đã tính “phỗng tay trên” của người ta thì chó quá! Đâu có thể được!
Vinh cười hoài nghi:
– Thì ông cứ việc giữ thủy chung để rồi coi sẽ đi tới đâu. Cái luật của những kẻ buôn lậu, là ai lật lọng trước thì ăn tiền mà!
Văn góp ý kiến:
– Lúc nãy, tôi nằm khàn, vớ quyển Thủy Hử, đọc trúng ngay đoạn Tiều Cái bố trí cướp xe bảo vật do Dương Chí áp tải về kinh dâng thái sư, có nhẽ ứng vào chuyện hôm nay. Kể ra cướp lấy độ một tấn thuốc phiện để lấy phương tiện, mưu đồ một vài “đại sự” rồi có chết cũng đỡ hối tiếc, chứ sống mòn mỏi hàng ngày lo ăn, lo mặc, lo nợ, mệt nhọc quá. Biết đâu do cái khởi điểm bất lương này, chúng mình chẳng trở thành những vĩ nhân, những anh hùng dân tộc có phải không ông Vinh?
Vinh cười mỉa mai:
– Ông nói thì hay lắm, nhưng tôi biết cho kẹo ông cũng không dám lật lọng, vì tôi hiểu ông quá xá! Lần này cũng như mọi lần, các ông sẽ bị tai tiếng và rút cuộc vẫn chẳng ăn thua chó gì! Các ông cứ ghi lấy lời tôi để xem tôi tiên tri có đúng không. Tôi nói điều này, ông Văn đừng có giận, tôi biết suốt đời ông, ông sẽ khổ sở vì ông không bao giờ dứt khoát tư tưởng! Ngay cả đến đối với Cộng sản mà ông hiểu hơn ai hết, ông cũng còn đầy rẫy mặc cảm, có phải thế không, hỡi ông chiến sĩ chống Cộng?
Văn nằm yên, tẩn mẩn ngắm cái dọc tẩu tạc con rồng uốn khúc, rồi thủng thẳng bảo Hổ:
– Thằng Vinh nó cảnh cáo mình đúng lắm. Cho khéo kẻo chúng mình lại lăn lưng vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm vô ích, không đi tới đâu. Cho nên cũng cần phải suy nghĩ chín chắn… Để mai, tôi gặp thằng cha Thảo, tôi sẽ thăm dò ý kiến nó xem sao đã. Bây giờ thì tao cần hút thật nhiều, hút thật say, may ra mới có đủ tỉnh táo, sáng suốt mà quyết định…
Vinh cười:
– Đúng rồi! “Có thật say thì mới tỉnh táo, sáng suốt”. Từ trước đến giờ, mày không bao giờ say cả, mày luôn luôn tỉnh táo nên mày khổ sở. Vậy mày cần phải say thì mới giác ngộ chứ!
Hổ xưa nay vẫn ghét triết lý vớ vẩn, bèn văng tục:
– Mẹ kiếp! Mời ông hút cho chúng con nhờ. Hôm nay sao mà ông thuyết lý ngon lành quá xá!
Gần hai giờ sáng, Văn mới rời nhà Vinh, lừng khừng xuống thang gác, không say, không tỉnh, trí não như tan ra thinh không.
Chàng không gọi taxi, ngồi lên một cái xe xích lô đạp, duỗi thẳng hai chân, ngửa mặt lên không trung, nhìn bầu trời thăm thẳm mà từ lâu, sống co quắp với những vật lộn hàng ngày, chàng không còn lúc nào thảnh thơi để tâm hồn được hòa hợp với cảnh trời rộng, sông dài. Sinh trưởng trong một gia đình thôn dã, gần bến Trung Hà của con sông Đà, nước chảy xiết như những tấm lòng bão táp, Văn đã sống bao nhiêu năm ở đô thị mà vẫn thấy mình lạc loài, xa lạ, không thích ứng nổi với đời sống hỗn tạp nơi đô thị.
Văn ngửa mặt nhìn trời, lòng vật vờ thả trôi về dĩ vãng, tưởng tượng cái phút lâm chung đầy cô quạnh, tủi hờn của người mẹ suốt đời, đầu tắt mặt tối, dành dụm làm ăn, nuôi cho các con khôn lớn, để chết một mình, một xó, trong ghẻ lạnh, rè bỉu của những người trước kia đề đã mang ơn nghĩa đối với mẹ chàng.
Văn không buồn, không thương, không nhớ, tưởng như mình đang chết, đang hấp hối giữa cảnh ồn ào của kiếp sống, lòng xa vắng, cô đơn hơn cả mẹ chàng lúc lâm chung.
– Ông về đâu?
Tiếng nói của ông già đạp xe xích lô làm Văn tỉnh mộng:
– Đường Bùi Thị Xuân! Bác đã nhiều tuổi rồi mà giờ này con chạy xích lô, có mệt mỏi không bác?
Ông già trả lời nhát gừng:
– Cực lắm thầy! Nhưng biết làm thế nào! Tôi chỉ có một mụn con, phải gắng nuôi nó ăn học cho đủ bổn phận làm cha, thưa thầy…
Tự nhiên, Văn thấy cỏ cảm tình với ông già, chàng la cà hỏi chuyện:
– Con bác bao nhiêu tuổi, học trường nào?
– Cháu 19 tuổi, học Đệ Tứ trường Hoa Lư.
– Trường Hoa Lư? Tên nó là gì?
– Tên Lê Chi Tuyết!
– Đệ Tứ à! Tôi dạy ở trường Hoa Lư… Ông già cần tôi giúp gì không? Có muốn giảm học phí cho con gái không?
Ông già sung sướng nhìn Văn:
– Thực không thầy?
– Thực! Mai mốt, ông cứ bảo nó lên văn phòng gặp tôi. Tôi là giám học Văn… Tên nó là Lê Chi Tuyết phải không?
– Dạ!
… Tới nhà, Thu, đứa con gái của Văn, vẫn còn thức học thi và đợi cha, vội mở cửa cho Văn.
– Ba đi đâu về khuya vậy Ba?
– Ba đi hút thuốc phiện!
– Có ngon không Ba?
– Ngon hay không tao cũng không biết.
Văn thay quần áo, Thu lấy chậu thau, múc nước cho Văn rửa mặt. Văn đột nhiên hỏi con:
– À, mày học Đệ Tứ có biết con Lê Chi Tuyết không con?
– Biết lắm Ba, nhưng con không chơi với chị đó.
– Sao vậy?
– Chị ấy “đợt sống mới” quá xá!
Văn sửng sốt:
– Bậy nào! Nó là con ông đạp xích lô mà…
– Trời chị ấy “diện” hơn cả con đó Ba!
Văn thừ người. Chàng xuýt buột miệng nói với con “hay nó làm đĩ?”, nhưng chàng giữ kịp lời nói và bảo con:
– Thôi đi ngủ, để mai tao xem con bé ra sao?
Mãi tới năm giờ sáng, Văn mới ngủ thiếp đi… Người thư ký của trường, gần chín giờ không thấy Văn lại, phải đến nhà Văn đánh thức chàng dậy…
Sợ học sinh vì đợi thầy, sẽ làm huyên náo, phá phách, người thư ký giục Văn không ngớt, loay hoay kiếm giùm giày, áo sơ mi để Văn mặc cho kịp. Văn không buồn chải đầu, nhảy lên taxi đã chờ sẵn ngoài đường, tới lớp học của mình chậm gần năm phút.
… Học sinh nhốn nháo, kẻ đứng người ngồi, hỗn độn như cảnh chợ mới họp. Thấy dáng điệu Văn mệt mỏi, tiếng nói khàn khàn – hậu quả của điếu thuốc phiện, lần đầu tiên Văn hút – mấy nữ sinh ngồi hai dãy bàn đầu, ái ngại nhìn Văn. Một đứa hỏi:
– Chắc thầy đau?
Mấy nam sinh ngồi bàn dưới, vốn lười chỉ mong có cơ hội để nghỉ, làm ra vẻ thương thầy, phụ họa thêm:
– Thưa thầy, nếu thầy đau thì thầy cho nghỉ. Chúng em mất một giờ học cũng chả sao, thưa thầy!
Văn lắc đầu, cố cất cao giọng:
– Tôi hơi khó ở và bị đau cổ họng nên không giảng bài được. Vậy các anh, các chị lấy mỗi người một tờ giấy, tôi ra bài cho các anh, các chị làm, rồi hết giờ, góp lại đem cho tôi sửa. Tôi giao hẹn: ai muốn làm bài thì làm, ai không muốn làm thì yên lặng mà… đánh cờ “carreau”, tuyệt đối không được làm ồn nghe chưa?
– Dạ! Dạ!
Các nữ học sinh ngoan ngoãn sửa soạn giấy, bút, trong khi mấy phần tử quỉ sứ ở cuối lớp nhao nhao trêu Văn:
– Dạ thưa thầy treo giải cờ “carreau” cho chúng con ạ!
Văn “suýt”, ngó chúng, lắc đầu, khiến chúng nhìn nhau cười. Văn uể oải lấy phấn viết lên bảng một bài tiếng Việt để các học sinh dịch sang Pháp văn. Chàng cắt nghĩa qua loa những chữ khó, rồi, tay chống cằm, lơ lãng nhìn học sinh làm bài!
Hết giờ, Văn xuống văn phòng giám học, sắp sửa nhờ ông thư ký cho gọi nữ sinh Lê Chi Tuyết lên văn phòng để xem nữ sinh có phải là một “gái đĩ trá hình” không thì Huyền, Thuận vừa tới.
Văn là anh họ của Huyền, nhưng chàng vẫn coi Huyền như một người em ruột, và thương yêu Huyền không kém Thu, con gái của chàng, vì Huyền nghèo, lại thông minh, kín đáo.
Thấy Huyền cùng Thuận lên chơi, Văn tự nhiên thấy lòng thanh thản, đỡ mệt mỏi, hỏi em:
– Có chuyện gì lạ không em? Hai cô vẫn đi học đấy chứ?
Thuận nhanh nhẩu thưa trước:
– Chị Huyền tới nhờ thầy kiếm giùm một chỗ dạy học khác đấy ạ! Chị ấy bỏ chỗ ở đường Hồng Thập Tự rồi!
Văn sửng sốt:
– Làm sao lại bỏ? Còn chỗ nào tốt hơn chỗ ông Kha nữa?
Thuận và Huyền đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười. Huyền nói như trách móc:
– Anh thì ai cũng tốt, ai cũng tử tế!
Rồi nàng kể tự sự cho Văn biết. Văn ngồi thừ, im lặng. Một lúc lâu, Văn mới hỏi em:
– Thế nó đã thanh toán tiền cho em chưa?
– Em sợ quá! Từ hôm đó, cũng không trở lại nữa. Thôi nhờ anh đòi giùm hộ em. Tội gì mà không đòi có phải không anh?
Nét mặt hầm hầm, Văn cố nén sự bực bội, quay số điện thoại hãng thầu của Kha, rồi chàng áp ống nghe vào tai, yên lặng đợi, đôi lông mày nhíu lại, khiến Huyền, Thuận sợ sệt nhìn nhau…
Văn dằn từng tiếng, nói trong máy:
– A-lô! Ông Kha phải không? Chịu ông thật. Con bé em tôi nó đã kể hết cho tôi nghe.. Nhưng thôi! Không cần bàn cãi dài dòng vô ích, chỉ yêu cầu ông cho mang lại số tiền dạy học còn thiếu của nó.
Không hiểu Kha ở bên kia đầu giây, đã trả lời ra sao, mà Văn lồng lên:
– Sao?… Ông bảo sao?… Thì em tôi đang ngồi đối diện với tôi đây… Ông cần nói thẳng với nó không… Ông nói vô lý quá!… Ông không chịu trả hả?…
Văn đặt phịch ống nghe xuống.
Huyền sợ sệt hỏi:
– Sao! Nó không chịu trả hả anh?
– Nó bảo nó trả rồi. Và chính vì em không đứng đắn mà nó cho em nghỉ!
Huyền nghẹn thở. Nàng chỉ thốt được một câu: “Quân khốn nạn”, và nước mắt trào ra. Văn vẫn chưa hết cơn giận:
– Để xem nó có quịt số tiền không? Cả cái thằng Lưu nữa. Tôi sẽ cho hai đứa mỗi đứa một tát.
Rồi như không còn tự chủ nổi, Văn quay số điện thoại trường của Lưu. Huyền và Thuận nhìn Văn nói tiến Pháp như hét trong ống nghe. Nàng dịu dàng nói với anh:
– Kệ xác chúng, anh ạ! Hơi đâu mà gây thù oán với bọn họ. Nó không trả thì… thôi. Mà đối với ông Lưu, anh “gây” với ông ấy làm chi! Người ta nói gì kệ người ta chứ!
Văn “bốc” rất chóng, nhưng cũng “xẹp” rất nhay. Chàng cười, nói với em:
– Ừ mà tao cũng điên thực! Nhưng chúng nó chó quá, có phải không Thuận?
Văn vừa nói tới đó thì thấy bóng Thịnh, ngấp nghé ở ngoài hành lang, lối vào phòng Văn, nửa muốn vào, nửa không muốn. Văn lên tiếng gọi:
– Vào đây Thịnh! Không có ai đâu!
Nghe nói đến tên Thịnh, Thuận nhìn ra, đưa mắt nháy Huyền. Huyền rối trí trong giây lát, nhưng lấy lại ngay bình tĩnh. Thịnh còn lưỡng lự thì Thuận đã gọi:
– Vào đây anh Thịnh!
Thịnh không đừng được, đành bước vào. Với cái áo sơ mi trắng, tay dài, bộ tóc húi ngắn, để lộ hai vành tai to, đôi mắt đen và sâu, Thịnh có vẻ “người lớn” hơn mọi lần, một người sắp bước vào cuộc đời, hơn là một học sinh Trung học.
– Thầy ạ!
Rồi Thịnh quay sang phía Thuận, liếc nhìn Huyền. Làm như không trông thấy Huyền, Thịnh nói với Thuận:
– Hôm qua chị lại chơi tôi?
Thuận ranh mãnh:
– Đấy là chị Huyền rủ tôi lại thăm anh để tặng “quà” anh, và chúc anh thượng lộ bình an đấy chứ!
Văn không hiểu, hỏi cả ba người:
– Làm sao? Đi đâu mà thượng lộ bình an? Sao lại tặng quà?
Huyền sợ anh hiểu nhầm: Nàng chợt có ý nghĩ cần phải phanh phui bí mật ra để Thịnh hết tơ tưởng hão, nhất là để cho mình cũng đỡ nghĩ ngợi lôi thôi. Nàng giải thích với anh.
– Chả là anh Thịnh nay mai phải đi quân dịch. Cho nên hôm qua, em và Thuận mua chút quà lại biếu anh Thịnh, vì anh Thịnh có cho em một cái bút máy Parker, em không nhận thì sợ anh Thịnh giận, nên…
Thịnh không ngờ Huyền kể vanh vách những bí ẩn của mình cho Văn nghe, Thịnh cau đôi mày, nhìn Huyền, giọng run run, bực bội:
– Chuyện riêng giữa tôi và Huyền, kể cho thầy nghe làm chi?
Huyền biết Thịnh rất khó chịu. Nhưng đã trót lỡ rồi, Huyền nhìn thẳng vào mặt Thịnh, làm ra vẻ thản nhiên, nói với Thịnh:
– Xin lỗi Thịnh, tôi cần phải nói để anh tôi khỏi hiểu lầm hành vi của tôi. Chắc Thịnh hiểu sự khổ tâm của tôi. Tôi là con gái, không thể nhận cái gì của ai mà không trả. Tôi biết trả cái bút máy thì Thịnh buồn, nên tôi đã gửi Thịnh món quà khác. Mong anh hiểu cho.
Mắt Thịnh đổ hào quang! Nếu không có sự hiện diện của Văn thì Thịnh có thể bóp cổ Huyền cho Huyền ngạt thở mà chết. Thịnh không thèm nói với Huyền, quay lại phía Văn:
– Em đến chào thầy để đi quân dịch, và hỏi ý kiến thầy về một vài chuyện, nhưng lại gặp các chị Thuận và Huyền ở đây, nên xin phép thầy con về. Nếu tiện, mai mốt con trở lại.
Văn cười xòa:
– Giận à? Mà tao không hiểu giữa chúng mày có chuyện gì mà bí mật vậy?
Thịnh lùi lũi chào Văn, quay quắt ra, không kịp chào Huyền và Thuận, khiến Thuận gọi với:
– Anh Thịnh! Làm gì mà bất nhã vậy? Không chào chúng tôi sao?
Thịnh đi một mạch ra cổng trường. Thuận nhìn theo nói với Huyền:
– Cô ác quá!
Và nàng ngổ ngáo nói với Văn:
– Thưa thầy, người yêu của chị Huyền đấy ạ!
Huyền đấm vào lưng Thuận:
– Chỉ tại cô nói ra chuyện tặng quà, tôi phải giải thích khiến hắn giận. Hắn giận là phải. Và tôi cũng mong hắn giận cho “rồi” chuyện! Ngán quá!
Rồi Huyền kể tất cả sự thực cho Văn rõ. Nàng lấy ở cặp ra, mấy cái thư của Thịnh gửi cho nàng, đưa cho Văn coi và hỏi Văn:
– Bây giờ anh bảo em phải làm thế nào?
Văn hỏi lại:
– Thịnh nó bao nhiêu tuổi?
Thuận cướp lời:
– Cùng tuổi với chị Huyền!
Huyền cười theo:
– Có nhẽ kém tuổi em. Cho nên trong thư, hắn mới lấy cớ ngày xưa Nã Phá Luân yêu Josephine nhiều tuổi hơn mình mà có sao đâu!
Văn trêu em:
– Ừ có sao! Vậy thì em nên bằng lòng yêu hắn là phải. Ngày xưa khi anh 18 tuổi, lần đầu tiên anh yêu, anh “rơi” vào một cô hơn anh tới bảy tuổi. Đêm nào anh cũng đứng vớ vẩn trước cửa nhà nàng, đợi nàng đi với “kép” về, có khi tới hai, ba giờ sáng, khi chuột cống đã bắt đầu chạy qua đường và xe đổ thùng vệ sinh đã lạch cạch kêu vang ở đầu phố, nàng mới trở về, và trước khi chui tọt vào nhà, “nàng” chỉ có đủ thời giờ xoa đầu tôi để nói nựng: “Văn về đi chứ! Khuya rồi”; và tôi lủi thủi trở về, khóc như bò rống, để hôm sau, lại mò đêm túc trực trước cửa nhà nàng.
Huyền tò mò hỏi:
– Thế rồi kết quả ra sao? Cô ta có yêu anh không ạ?
– Yêu chứ! Không yêu làm sao được với anh! Một khi người ta đã yêu thực, yêu say mê, thì không ai cưỡng được!
Huyền càng lo sợ.
– Tình yêu đó cuối cùng đưa tới đâu, hở anh?
– Đi đến chỗ tan rã chứ còn đi tới đâu nữa!
Thuận hỏi Văn:
– Thưa thầy, thế sao thầy lại yêu một người nhiều tuổi hơn thầy ạ?
Văn có vẻ trầm ngâm:
– Bí mật của tình yêu là vậy! Người ta chỉ yêu cái gì người ta không có. Khi người ta còn trẻ, người ta coi những thiếu nữ cùng lứa tuổi như con nít và chỉ để ý đến người già dặn, nhiều kinh nghiệm hơn, cũng như khi người ta đã có tuổi thì người ta lại để ý đến những người trẻ…
Thuận tiếp luôn:
– Như thế tức là chị Huyền, dù muốn dù không, cũng sẽ phải yêu “chú Thịnh” có phải không thầy?
Huyền lườm Thuận, khiến Văn bật cười:
– Kể thì cũng không phải chuyện đùa đâu, vì tôi biết tính nết thằng Thịnh. Tôi nghe luận điệu nó nói chuyện, theo dõi hành tung nó, tôi rất ngại là chưa biết chừng nó đã bị Cộng sản lôi cuốn rồi… Nhà nghèo, chưa có kinh nghiệm cuộc đời, lại hăng tiết vịt, bất mãn, thì tránh sao chẳng thành cái mồi ngon cho Cộng Sản…
Những điều Văn vừa nói phù hợp với những băn khoăn của Huyền về Thịnh: Ít lâu nay, Thịnh học hành chểnh mảng, có khi đi vắng cả ngày, không ai biết đi đâu. Một đôi khi, Huyền thấy những người lạ, bộ điệu bí mật, đến tìm Thịnh tại trường. Thịnh lại có tiền, ăn mặc chải chuốt hơn trước. Huyền không hiểu gì về chính trị, không hiểu Cộng Sản rõ rệt là thế nào, nàng chỉ biết gia đình nàng sở dĩ phải di cư là vì không chịu nổi Cộng Sản, cho nên nghe nói đến Cộng Sản, nàng mơ hồ cảm thấy là một kẻ thù ghê gớm lắm. Thế mà Thịnh lại thích Cộng Sản! Và nàng cảm thấy không thể bỏ rơi Thịnh, mặc Thịnh muốn đi đường nào thì đi. Với ý định vừa nảy nở trong đầu óc, Huyền thưa với anh:
– Có nhẽ mai mốt em phải gặp Thịnh…
– Để làm gì?
– Em chưa biết để làm gì, nhưng dù sao em cũng cần gặp hắn…

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=song&page=2

Comments are closed.