Về quấy rối trên mạng

Hiếu Tân dịch

Trong báo cáo mới của mình, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF/ PVKBG) cảnh báo về một mối nguy hại mới đối với các nhà báo: tệ quấy rối ảo (cyberharcèlement) đang xâm nhập ở qui mô lớn bằng đội quân ma [dư luận viên –ND], gồm những cá nhân đơn độc hoặc những kể đánh thuê tay sai của chính quyền.

Phóng viên không biên giới hôm 26 tháng Bảy vừa rồi trong báo cáo mới nhan đề “Quấy rối trên mạng đối với các nhà báo: khi lũ ma quỉ tấn công” đã cảnh báo về tầm rộng lớn của một mối đe dọa mới đối với tự do báo chí: sự quấy rối trên mạng đối với các nhà báo.

Tác giả của chúng là ai: đơn giản là “những kẻ căm ghét”, những cá nhân hay cộng đồng cá nhân núp đằng sau màn hình của chúng, hoặc những kẻ đánh thuê của thông tin mạng, thực chất là những “đội quân ma” do các chế độ độc tài dựng lên.

Trong hai trường hợp trên, mục tiêu là một: bịt miệng những nhà báo có tiếng nói phản biện, nhưng bỏ không dùng những phương pháp cưỡng bức cũ. Trong tháng này RSF đã cung cấp tài liệu về những cuộc tấn công mới trên mạng và phân tích cách thức hành động của những kẻ cướp tự do báo chí này, những kẻ biết sử dụng các kĩ thuật mới để mở rộng hơn nữa những kiểu cách đàn áp của chúng.

“Quấy rối trên mạng là một hiện tượng đang lan truyền toàn cầu, và hiện nay là một trong những mối đe dọa nguy hại nhất đối với tự do báo chí” Christophe Deloire – tổng thư kí RSF – tuyên bố. “Người ta phát hiện ra rằng chiến tranh thông tin không chỉ diễn ra giữa các nước trên bình diện quốc tế, mà những kẻ thù của báo chí còn dựng lên những đội quân ma quỉ để bao vây và làm suy yếu tất cả những ai đi tìm sự thật một cách lương thiện. Những kẻ chuyên chế này cho lũ đánh thuê của chúng nhắm vào các nhà báo và bắn hạ họ bằng đạn thật trên trận địa ảo giống như những tên lính đánh thuê khác bắn trên trận địa thực”.

Báo cáo của RSF đã cảnh báo:

· Khó xác định mối liên hệ trực tiếp giữa những âm mưu trên mạng với sự chống đối của các nhà báo và các nhà nước. RSF đã điều tra và cung cấp tư liệu về những trường hợp quấy rối trên mạng đối với các nhà báo ở 32 nước, và cũng đã cảnh báo về những chiến dịch căm thù tổ chức bởi các chế độ độc tài hoặc áp bức, như ở Trung Hoa, ở Nga, ở Ấn Độ, ở Thổ Nhĩ Kì, ở Việt Nam, ở Iran, ở Algérie, v.v.

· RSF đã phân tích và đưa ra ánh sáng cách thức hoạt động của các nhà nước kẻ thù của tự do báo chí, chúng tổ chức các cuộc tấn công trên mạng chống lại các nhà báo theo ba giai đoạn:

1. Tẩy thông tin: nội dung báo chí bị chìm nghỉm trong các mạng xã hội dưới những đợt sóng tin giả và những nội dung có lợi cho chế độ.

2. Khuếch đại/thổi phồng: những nội dung này được làm tăng giá trị một cách giả tạo thông qua những ké viết comment do nhà nước trả tiền, để tung các thông điệp lên mạng xã hội, hoặc thông qua các chương trình tin học tự động khuếch tán lại các nội dung ấy, gọi là những “bot”

3. Hăm dọa: Cá nhân các nhà báo được dùng làm bia, bị lăng mạ và dọa giết, để làm mất uy tín của họ và làm cho họ phải im tiếng.

· Những chiến dịch quấy rối ảo cũng được phát động bởi những cộng đồng hoặc các nhóm chính trị trong những nước được gọi là dân chủ – nhất là ở Mexico, thậm chí cả trong những nước được xếp hạng cao về tự do báo chí trên thế giới, như Thụy Điển và Phần Lan.

· Hậu quả đôi khi đầy kịch tính: phần lớn những nhà báo là nạn nhân của tệ quấy nhiễu ảo được RSF phỏng vấn, họ buộc phải tự kiểm duyệt và rất lơ mơ về thứ bạo lực này mà họ chưa hình dung được mức độ.

· Các nhà báo nữ là những người bị thương tổn nhiều nhất bởi nạn quấy nhiễu ảo. Hai phần ba số nhà báo nữ là nạn nhân của quấy nhiễu. Trong số đó, 25% vụ diễn ra trên mạng.

· Ở Ấn Độ chẳng hạn, Rana Ayyub làm bia cho những kẻ ủng hộ chế độ, như Yoddhas de Narendra Modi, kẻ tấn công nhà báo này vì bà đã điều tra Thủ tướng Ấn Độ lên cầm quyền như thế nào. “Họ đối xử với tôi như một con điếm. Khuôn mặt của tôi bị dán vào một tấm ảnh của một thân thể trần truồng, và ảnh của mẹ tôi bị đưa vào tài khoản instagram của tôi và bị photoshop bằng đủ mọi cách.”

· Các phóng viên điều tra cũng là đích ngắm của bọn ma quỉ trên mạng; Alberto Escorcia bị doạ giết ngay sau loạt bài điều tra, ảnh của ông được đưa lên theo cách mà các tài khoản “ngủ” được sử dụng để tác động đến những cuộc vận động bầu cử, như cuộc bầu tổng thống gần đây ở Mexico.

· Ở Philippines, nữ nhà báo Maria Ressa cũng bị lũ ma tấn công, trong khi hãng truyền thông Rappler mà bà điều hành phải đối mặt với sự khắc nghiệt của luật pháp. Từ cuộc bầu Rodrigo Duterte làm tổng thống năm 2916, các nhà báo tiến hành những cuộc điều tra độc lập về chính quyền giống như bà đều biến thành đích ngắm.

· Ở Pháp, đầu tháng Bảy hai cá nhân đã bị kết án sáu tháng tù treo và 2000 euro tiền phạt vì đã hăm dọa trên mạng nhà báo Nadia Daam. Người thứ ba, đã dọa giết bà này ngay sau phiên tòa, cũng bị kết án sáu tháng tù treo.

· Những doanh nghiệp như Devumi bán những tài khoản ma phải chịu trách nhiệm xã hội trực tiếp trong việc quảng bá những mối nguy hại mới này: quấy rối một nhà báo theo cách thô bạo không bao giờ là chuyện đơn giản, bao giờ cũng phải trả giá đắt.

· Trước tình trạng này, Phóng viên không biên giới đã gửi 25 khuyến cáo tới các nhà nước, cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, các phương tiện truyền thông và những người phụ trách mục quảng cáo, phải chịu trách nhiệm về những mối nguy hại mới này của kỹ thuật số. RSF cũng đưa ra trong báo cáo của mình một hướng dẫn nhan đề “Các nhà báo: làm thế nào để đối phó với những đội quân ma”, trong đó RSF nhắc đến những cách làm tốt trong lĩnh vực an ninh mạng (kĩ thuật số).

Nguồn: https://rsf.org/fr/actualites/rsf-publie-son-rapport-harcelement-en-ligne-des-journalistes-quand-les-trolls-lancent-lassaut

Comments are closed.