Đoàn Lê – tình người đa đoan

Hồ Anh Thái

Ai gặp cũng nghĩ chị Đoàn Lê là người nhẹ nhàng dịu dàng. Nói năng dịu dàng đi đứng khoan thai, đầy nữ tính. Nhưng đấy cũng là một người tính cách rất đàn ông.

clip_image002

Tại nhà Đoàn Lê ở Đồ Sơn, năm 2004. Từ phải qua: Đoàn Lê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Minh Thái, Hồ Anh Thái, Đặng Việt Bảo. Ảnh: Yên Ba.

Bản lĩnh và quyết đoán, dường như mọi quyết định trong nhà là ở chị. Làm đạo diễn phải quản lý cả một đoàn phim, không phải là chuyện nữ nhi liễu yếu đào tơ mà làm được. Viết văn, chị dám động đến cả những chuyện ghê rợn như trong tiểu thuyết Tiền định, hoặc để cho cả đám hồn ma đội mồ dậy bàn chuyện thế sự trong truyện Nghĩa địa xóm Chùa. Chị dám viết những điều mà nhà văn khác có thể ghê tay, không dám viết. Con người ấy mười bảy tuổi đã dám trốn nhà, một gia đình nhà nho ở Hải Phòng, để lên Hà Nội theo học lớp diễn viên điện ảnh khóa I (1959-1962). Rồi thì lấy chồng rất sớm, mười chín tuổi, chưa tốt nghiệp, chị đã có con đầu lòng.

Quyết liệt, mạnh mẽ về nội tâm, nhưng vẻ ngoài thì bao giờ cũng ngọt ngào dịu nhẹ. Ở khóa diễn viên đầu tiên có rất nhiều mỹ nhân như Tuệ Minh, Thụy Vân, Minh Đức, Trà Giang… Đoàn Lê được gọi là cô Kiều. Mảnh mai, trắng bóc, lại cầm kỳ thi họa đủ vẻ. Bây giờ, các mỹ nhân thời xưa đều trên bảy mươi rồi, thời gian khiến cho có người như biến thành người khác, không thể nhận ra. Nhưng Đoàn Lê vẫn dong dỏng thanh mảnh như thế, mỹ nhân đã thành một người đẹp lão. Năm 2015, trước khi đi xa, tôi đến thăm chị, lúc ấy đang ở nhà con gái trong chung cư Phùng Khoang. Đã ở Hà Nội mấy chục năm, bỏ xuống Đồ Sơn, rồi ốm đau quá lại phải quay về Hà Nội. Chị bảo bệnh tim của chị, may mà có bệnh viện ở Hà Nội, vừa rồi lên cơn đau, giá mà ở Đồ Sơn, chắc chết. Chị nhắc chuyện người chồng thứ hai là nghệ sĩ Tự Huy mới qua đời. Tôi kể chuyện chị Tuệ Minh bây giờ không nhận ra người đến thăm nữa. Chị ngậm ngùi, thế là cái ê kíp ba người của vở Trung phong chết lúc rạng đônggồm Tự Huy, Hồ Thái, Tuệ Minh coi như đã vắng hết.

Hôm ấy tôi thấy mỹ nhân vẫn còn đẹp lão lắm, dù đã ở tuổi bảy mươi hai. Đau tim, nhưng vẫn nói được chuyện thời sự văn chương. Chị nhắc lại để tự cười mình, bỏ ngôi nhà ở xóm chùa Kim Lũ sau một lần sụp đổ, xuống Đồ Sơn như một sự giận đời. Ở xóm núi Đồ Sơn, chị tự tay thiết kế một ngôi nhà vườn, có xưởng vẽ, còn rủ bọn tôi đến đấy mua đất làm nhà lập xóm chị em cho vui. Nhưng chỗ ấy vui chỉ là vui khi còn khỏe. Được chục năm bắt đầu bệnh nọ bệnh kia, người cao tuổi cần ở gần bệnh viện chứ không phải là ở gần biển. Cái ý tưởng xóm núi Đồ Sơn như tránh đời hóa ra chỉ là ý tưởng lãng mạn. Chị lại phải quay về Hà Nội cho gần bệnh viện.

*

Nhà Đoàn Lê đông anh chị em, nhưng chị thân nhất với một người em gái, chị Đoàn Thị Tảo. Mười chín tuổi, chị Lê sinh con, chị Tảo phải lên Hà Nội bế cháu cho chị Lê đi theo đoàn làm phim. Sau này đến lượt con gái con trai chị Lê sinh con, lại cũng đến lượt chị Tảo phải đến trông cháu, đám cháu gọi bằng bà. Chị Lê chuyển nhà ra Đồ Sơn, chị Tảo cũng đi theo trông nom nhà cửa cho chị Lê thỏa sức vẫy vùng các miền đất nước mà làm phim. Không phải chỉ phục vụ chị và cháu, chị Tảo còn tìm thấy ở đấy nguồn vui có bạn tri kỷ văn chương. Chị Tảo làm thơ, viết truyện ngắn, thơ truyện đều rất ấn tượng. Tôi từng biên tập và gửi thơ truyện của chị cho báo chí và đưa cả vào tuyển Văn Mới hàng năm.

Thơ chị Tảo có những câu ám vào vận vào đời chị Lê: Vấn vương với sợi tơ trời / Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan. Đấy là nhân sinh nhật chị Lê, chị Tảo ngồi viết bài Cho một ngày sinh, tưởng như vô tình mà là nói về một số phận.

Bây giờ, sau ngày 6/11/2017, cả Đồ Sơn và Hà Nội đều vắng bóng chị Lê rồi, tôi băn khoăn chị Tảo có còn ai tri âm để mà chuyện đời, chuyện văn chương nghệ thuật.

Cầm kỳ thi họa. Viết văn, viết kịch bản phim, làm đạo diễn phim, vẽ tranh sơn dầu, chỉ có sự nghiệp diễn viên là đứt đoạn ngắn ngủi. Ngày ấy một nữ diễn viên bỏ chồng rồi lại toan lấy chồng mới là bị kỷ luật. Chị bị chuyển sang làm ở bộ phận thiết kế mỹ thuật cho phim. Muốn bỏ xưởng phim chuyển sang làm phóng viên báo, cơ quan cũng không cho đi. Loanh quanh như thế, rồi cuối cùng hóa ra nghề văn đã chọn chị. Thơ tài hoa, văn nền nã mà dữ dội. Thơ chị, bài Bói hoa được nhiều người chép vào sổ tay và ghi nhầm là thơ của Hainơ. Bài Hai mươi năm sau của chị cũng được rất nhiều người nhớ.

Nhưng cái người vừa dịu dàng vừa quyết liệt ấy phải viết văn mới khai thác được hết sở trường. Tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại mạnh mẽ và dữ dội. Tiểu thuyết Tiền định thì như một thiên tự truyện xót xa thương mình. Loạt truyện Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa… thể hiện rõ một cây bút văn xuôi tài hoa. Tập truyện này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở Mỹ, Pháp, Thụy Điển…

Thời ở Đồ Sơn, Đoàn Lê vẽ nhiều tranh sơn dầu. Tranh của một người viết văn, thành ra trong tranh nào cũng có một câu chuyện. Một bức tranh khỏa thân khổ lớn, vẽ một cô gái như cánh bèo trôi dạt trên bãi biển Đồ Sơn. Chị bảo người mẫu cũng là một cô gái như thế trên bãi biển này, chị cám cảnh cho một kiếp người, tươi non là thế nhưng ai biết số phận sẽ dập vùi đến đâu.

Vẽ. Chị từng là học trò yêu của các bậc danh họa. Nhưng ngay cả khi chị vẽ, tôi biết chị vẫn đang nung nấu tiểu thuyết mới. Sẽ là cuốn tiểu thuyết tự truyện kể tiếp những điều chưa kể. Cái kết cục sụp đổ của một gia đình khó khăn lắm mới gây dựng lên được. Cái kết bi thảm của đứa con trai duy nhất, sản phẩm của một tình yêu tưởng như bền vững.

Nhưng chị không còn thời gian nữa. Giờ thì chị hãy buông xả như triết lý Phật giáo mà chị vẫn thường tôn ngưỡng.

Comments are closed.