Nguyễn Xuân Diện
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự Do – Hạnh phúc
HỒI ĐÁP CÔNG VĂN SỐ 2054/KHXH-TCCB
GỬI TS NGUYỄN XUÂN DIỆN
Kính gửi: Ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
và Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
– Đồng Kính gửi: Viện trưởng và Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Tôi là: NGUYỄN XUÂN DIỆN,
Tiến sĩ, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông, Quận Đống Đa, Hà Nội.
E-mail: xuandienhannom@gmail.com
Thưa Ông,
Sau hơn 3 tháng chờ đợi, ngày 08 tháng 11 năm 2017 vừa qua, tôi đã nhận được Công văn số 2054/KHXH-TCCB gửi cho tôi: Về việc Kết quả xác minh Đơn trình báo và Đề nghị của TS. Nguyễn Xuân Diện, ký ngày 06 tháng 11 năm 2017 do Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ký theo lệnh của Ông Chủ tịch.
Nay, tôi xin trả lời Công văn số 2054/KHXH-TCCB như sau:
1. Cám ơn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã “đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của TS. Nguyễn Xuân Diện đã quan tâm đến kho di sản Hán Nôm hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”. Tôi hiểu rằng đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bao gồm tất cả những ai đã và đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trách nhiệm này là một trách nhiệm vẻ vang, nặng nề, mà mỗi cán bộ của Viện đã từng gánh vác và thể hiện. Tôi xem đây là lời đánh giá chung đối với các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2. Toàn bộ Mục 2 trong Công văn số 2054/KHXH-TCCB không phải là kết quả xác minh vụ việc. Đó chỉ là những gì mà bất cứ ai cũng có thể quan sát được trên mạng xã hội Facebook.
Để dễ hiểu tôi xin lấy hình ảnh ví dụ: Có một người phát hiện ra một vụ trộm. Người này làm đơn trình báo nhà chức trách về hiện trường, về diễn biến tên trộm phi tang, bỏ chạy và địa chỉ cơ quan đang nắm giữ hồ sơ nhân sự của tên trộm này. Nhà chức trách vội chạy đến, đo đạc và ghi chép về hiện trường, rồi ra về báo cáo là tên trộm đã không còn ở đấy, chỉ còn một cái áo nó vứt lại. Kết quả xác minh chỉ có vậy.
Vụ việc này được phát hiện đã lâu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm không giải quyết, và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thì để “ngâm” quá lâu, đã tạo điều kiện cho nghi phạm có thời gian bỏ chạy và phi tang. Trách nhiệm này thuộc về Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói riêng và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói chung.
Công văn số 2054/KHXH-TCCB không nhắc gì đến tên ông Nguyễn Phúc Anh (Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội) là đối tượng mà tôi đã nêu trong các đơn thư. Công văn này trình bày các “quan sát được” trên các tài khoản Facebook “Thư viện Nhân học” nay chuyển thành “Thư viện Khoa học”.
Rất tiếc công văn này giấu đi một sự thật là trên tài khoản Facebook “Thư viện Khoa học” ở phần Phương thức thanh toán, đưa ra 5 Tài khoản ngân hàng, mà chủ tài khoản đều mang tên VU THU HANG (Vũ Thu Hằng). Đó là các tài khoản:
1. Vietcombank, số TK: 0541000191660, Chi nhánh Chương Dương.
2. BIDV, số TK: 12310000708707, Chi nhánh BIDV Quang Trung.
3.Sacombank, số TK: 020044241286, Chi nhánh Long Biên.
4. Vietinbank, số TK: 106003392248, Chi nhánh Long Biên.
5. Techcombank, số TK: 19031418934550, Chi nhánh Hà Thành.
Vũ Thu Hằng chính là tên Vợ của ông Nguyễn Phúc Anh.
Ngoài ra, đối với người nước ngoài, “Thư viện Khoa học” cho biết, người giao dịch liên hệ qua Email: npa@ussh.edu.vn
Và Tài khoản ở Ngân hàng Bank of America
Routing number: 011000138
Account number: 004662946236
Account holder: Phuc Anh Nguyen
Email: npa@ussh.edu.vn
Ở đây, Ông Nguyễn Phúc Anh, Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội đã sử dụng E-mail công vụ để phục vụ việc giao dịch.
Vậy thì cái Kết quả ở Mục 2 trong Công văn số 2054/KHXH-TCCB là vô trách nhiệm, chiếu lệ và không thể chấp nhận được; trong khi nghi phạm vẫn còn nhởn nhơ và đang cười khẩy lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
3. Công văn số 2054/KHXH-TCCB viết: “Các tài liệu trên trang facebook “Thư viện nhân học” trước đây là trên trang facebook “Thư viện khoa học” hiện nay do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý là những tài liệu không thuộc danh mục bí mật Nhà nước, không thuộc nhóm tư liệu hạn chế đọc”.
Tôi cho rằng đây là một sự đánh tráo khái niệm không ai có thể chấp nhận.
Tôi nhắc lại, Đơn trình báo và Đề nghị của tôi, cũng như vấn đề kho di sản Hán Nôm không đề cập đến vấn đề tài liệu số hóa bị thất thoát có phải là tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước hay hạn chế đọc hay không. Vấn đề chúng tôi đề cập là: Việc thất thoát một khối lượng tài liệu lớn dưới hình thức bản copy scan (cơ quan quản lý là Viện Nghiên cứu Hán Nôm không biết và không kiểm soát được) bằng một lối đi khuất tất không rõ ràng và không được phép tiến hành về số lượng, về các giá trị cá biệt… có thể xem như là lấy cắp. Đặc biệt là đơn vị giữ quyền bảo quản và sử dụng đã bị mất QUYỀN đó thì vấn đề trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
4. Công văn số 2054/KHXH-TCCB viết: “Về cuốn Toàn Việt thi lục: trong các năm 2010- 2011, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có dự án phối hợp với đối tác Đài Loan để hợp tác và xuất bản bộ sách này, nhưng hiện chưa hoàn thành. Bản scan màu Toàn Việt thi lục đã được nhóm làm việc cung cấp cho đối tác để hai bên hợp tác triển khai nghiên cứu”.
Đây là một việc hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị Viện Hàn lâm KHXH và Viện Nghiên cứu Hán Nôm công khai cho cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm biết ai là người cung cấp bản scan bộ sách quan trọng này cho đối tác, cung cấp bản nào có ký hiệu nào; cung cấp toàn bộ hay một phần của bộ sách. Khi giao và nhận có biên bản bàn giao và tiếp nhận hay không?
Theo tôi biết, hai chuyên gia chủ trì công trình hợp tác Toàn Việt thi lục từ phía Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa xác quyết là cung cấp bản photocopy hay bản scan màu, và chưa xác nhận bản sao là từ bản gốc nào.
Nếu có chuyện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thời PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giữ chức vụ Viện trưởng, cung cấp cho đối tác Đài Loan bản scan bộ sách quý Toàn Việt thi lục, thì Ông Nguyễn Phúc Anh tuyệt nhiên không phải là đối tác được cung cấp tư liệu scan bộ sách Toàn Việt thi lục.
Tôi nhắc ở đây, việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã từng cung cấp bản sao 52 bộ sách cổ là Thơ đi sứ hiện đang lưu trữ tại Viện cho phía Trung Quốc. Họ đã in theo dạng ấn ảnh và phát hành rộng rãi như một sản phẩm thương mại với giá bán mà không mấy ai là người Việt Nam có thể mua được trọn bộ. Tương tự, kho tàng sách về Kinh điển Nho gia đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đã bị cung cấp như vậy, và phía Trung Quốc đã in ấn ảnh để bán khắp Trung Hoa lục địa và Đài Loan.
5. Công văn số 2054/KHXH-TCCB dẫn lại Quyết định số 274/QĐ-KHXH do Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ký ngày 27/3/2013 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) rằng: “Việc cung cấp cung cấp bản sao tài liệu (photo, scan, ảnh chụp) phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Nghiên cứu Hán Nôm: “Cung cấp bản sao cho các thư viện và các cơ quan có nhu cầu theo quy định hiện hành”.
Vậy tôi xin hỏi Ông và Ban lãnh đạo Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, và cả Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cái gọi là “Thư viện Nhân học” trên mạng Facebook có phải là Thư viện, Cơ quan như Quyết định 274/QĐ-KHXH hay không?
Thư viện Nhân học (sau đổi là Thư viện Khoa học) là cơ quan gì, được thành lập từ khi nào? Ai ký cho thành lập? Họ đã có ĐƠN XIN CUNG CẤP BẢN SCAN 1702 đầu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm lúc nào? Ai ký cung cấp cho họ?
Nếu không giải trình được việc này, thì rõ ràng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã mất kiểm soát, để thất thoát một khối lượng tài liệu lớn dưới hình thức bản copy scan bằng một lối đi khuất tất không rõ ràng và không được phép tiến hành về số lượng, về các giá trị cá biệt… có thể xem như là bị lấy cắp. Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị giữ quyền bảo quản và sử dụng nhưng đã bị mất QUYỀN đó thì vấn đề trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Tôi xin hồi âm Công văn số 2054/KHXH-TCCB mà Ông Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ nhân danh và thừa lệnh Ông Chủ tịch trả lời Đơn thư và Đề nghị của tôi để Ông Chủ tịch nắm được sự việc.
Tôi mong Ông Chủ tịch ý thức rõ về vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước di sản văn hóa của đất nước.
Tôi xin gửi tới Ông Chủ tịch lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng!
Hà Nội, Ngày 13 tháng 11 năm 2017
Nay kính!
Nguyễn Xuân Diện
[i] Tựa đề của Văn Việt