Tiếng cồng (kỳ 6)

Tiểu thuyết của Nam Dao

4 LŨNG MÂY

Lục đục ra cửa khách sạn, đám du khách đã thấy Lùng Thầu và vài người H’mong còn trai trẻ đứng đợi. Trời vẫn chưa sáng rõ. Tiếng côn trùng rỉ rả, im bặt khi có tiếng chân, rồi lại cất lên vừa như bướng bỉnh vừa như chịu đựng. Sương mù trắng đục giăng quanh, cây cỏ qua một đêm lạnh lẽo co ro nằm như ngủ. Lùng Thầu đi tới trước mặt Marthe, cười nhe ra hàm răng vàng chóe:

– Xin mời. Tay xách nặng, bà đưa cho đám trẻ…

Tay chỉ vào bọn thanh niên H’mong, Lùng Thầu nhìn mọi người, tiếp:

– Các vị cứ đưa máy quay phim, máy ghi âm cho họ. Bảo đảm không mất. Ði đường xa, phải đến chiều tối mới đến Lũng Mây.

Ðêm qua Marthe thao thức cho đến gần sáng. André trước khi chợp mắt còn lầu bầu “Ði thế là mất ba bốn ngày, làm sao kịp chuyến xuống vịnh Hạ Long thì làm!”. André nào có biết chính Marthe cũng chần chừ, đã từng nói tháo lui, nhưng Lùng Thầu nghiêm mặt đáp “Dân H’mong đã sắp sửa đón tiếp, chắc họ chẳng để một cái xe nào rời Sapa mà có bà trong đó đâu!”. Từ đó, dăm thanh niên cứ lảng vảng ở bãi đậu xe và trước cổng ra vào của khách sạn. Marthe biết nói ra, André sẽ la to “À, black-mail làm áp lực phải không!” và thế nào cũng ồn ào đối phó. Marthe im lặng, chỉ bảo “Thôi, chiều em một tí đi nào”, thừa biết là rồi André cũng sẽ làm theo ý nàng. Nhưng đến bây giờ, khi chồng đã ngáy ngủ, bỗng dưng Marthe lại chùn bước lại. Giả thử ông Thầy Tao nào đó bảo không, nàng không phải là Công chúa, thì quả là dễ xử. Marthe lẩm nhẩm, ta sẽ vui vẻ yêu cầu người H’mong biểu diễn nhạc dân tộc, thu băng đem về Paris, so sánh với âm nhạc Bắc Borneo tìm xem liên hệ thế nào, và nhất là xét nghiệm lại qua liên hệ đó cái giả thiết ngày xưa quần đảo Sumatra và Borneo gắn liền vào bán đảo Ðông Dương trước khi lục địa trôi cách đây đâu quãng mười mấy nghìn năm.

Nhưng nếu Thầy Tao bảo rằng nàng chính là vị Công chúa kia thì sao? Marthe chặc lưỡi, vơ vẩn nhìn ra ngoài cửa sồ. Trăng ngoài trời là trăng non xanh biêng biếc hắt qua những chấn song bóng lá lay động chập chờn. Ừ, Marthe nhủ thầm, ta sẽ nhận mình chỉ là bóng của vị Công chúa đó. Cái bóng có, nhưng Công chúa kia thì không. Và ta tiếp tục như ta là bóng Công chúa, để lại vài trăm đô la thù lao cho cuộc biểu diễn âm nhạc, rồi hẹn sẽ quay lại Sapa nếu như kết quả việc so sánh nhạc ngữ H’mong và Bắc Borneo có triển vọng khai phá đáng kể.

Marthe nhắm mắt, đầu áp vào chiếc gối, nhưng nỗi băn khoăn vẫn đâu đấy. Có bao giờ cha nàng nói gì về mẹ nàng đâu. Thậm chí ngay một bức ảnh của mẹ nàng cũng không có. Khi mười một tuổi, Marthe có hỏi đi hỏi lại, nhưng cha chỉ nhỏ nhẹ bảo phải biết quên đi những chuyện buồn. Từ đó, nàng thôi hỏi, tưởng đã quên hẳn đi cho đến đêm nay, câu hỏi xưa lại văng vẳng trong lòng. Cứ thế, Marthe cựa mình trăn trở. Chợt nàng ngồi lên dỏng tai. Vẫn tiếng thứ nhạc khí nàng chưa xác định được ở đâu vang vọng, lúc mơ hồ tan đi, lúc lại nghe như ngay bên cạnh. Marthe bỗng dưng mỉm cười hệt như vừa tìm ra thân thuộc, lòng thanh thản dần, thiếp ngủ lúc nào không biết cho đến lúc André đánh thức nàng dậy.

Nhìn Lùng Thầu bước về phía mình, Marthe lo lắng hỏi:

– Sa, Sa đâu? Cô ta hứa đi với chúng mình mà. Sa ơi, Sa!

André đảo mắt một vòng rồi chạy vào khách sạn. Lát sau, ra một mình, André đặt tay lên vai Marthe, giọng giễu cợt:

– Công chúa! Thị nữ của nàng còn sửa soạn.

Tiếng Sa gọi. Hai thanh niên H’mong vào, rồi tay xách nách mang những chiếc bị cói đựng đồ ăn, thức uống. Sa theo ra, tươi cười:

– Cháu phải dậy từ sớm, sửa soạn thức ăn cho ba ngày tới. Công chúa du hành, đến là tội cho thần dân…

Marthe nắm tay Sa kéo đi, giả vờ mắng:

– Dân gì mà chỉ biết than với vãn. Thôi lên đường!

*

Hà và André bước theo Lùng Thầu. Ðằng sau, Marthe nắm tay Sa, có Freddy kèm bên cạnh, và rồi là đám thanh niên có mang theo hai cái cáng, phòng khi phải khênh công chúa trên những chặng đường khó đi. Khi mặt trời ló ra, cả bọn đã đến bến Lú. Ðàn bà trẻ con ở giàng đã ra đó chờ. Chị Pình ngóng mắt nhìn thấy Marthe, reo lên rồi chạy ùa lại. Chị tíu tít nói, nhưng Marthe không hiểu, nhìn Sa. Sa dịch:

– Vạn lạy công chúa, nếu không khinh thì cho Pình phục dịch!

Lúc đó, chồng chị Pình cũng chạy lại, miệng cười, đầu gật gật, xin đi theo. Marthe đùa bảo:

– Ði thì đi, nhưng cấm anh ta uống rượu.

Phía trước, André nhìn Hà, lắc đầu:

– Chẳng biết họ còn bày trò gì nữa. Ðêm qua, công chúa thao thức mãi, hỏi giá mà là công chúa của họ thật thì làm sao?

Nhướng mắt nhìn André, Hà trêu:

– … thì lên ngôi, nếu người H’mong chấp nhận nữ hoàng. Còn nếu không, anh để con trai anh chị về nhận vương quyền.

André bật miệng:

– Một người phe tả như tôi mà thành bố một ông vua phong kiến! Impossible!(28)

Nhớ lõm bõm một câu nói bất hủ, Hà cười lớn:

– Impossible n’est pas français!(29)

André cũng cười. Sa dấn bước đến bên Hà:

– Có gì mà vui thế, anh?

Quay sang nhìn, Hà choáng ngợp ánh mắt Sa long lanh. Má ửng hồng dưới nắng, mồ hôi trên mép đọng nhưng giọt lấm tấm, nàng víu vào tay Hà, tíu tít:

– Vui thế thì cho Sa nghe với, anh!

Hà cao giọng:

– Nếu Marthe là công chúa, André sẽ cho con trai về làm ông hoàng xứ này. Thế có tuyệt không cơ chứ?

Khúc khích cười, Sa hỏi André:

– Hoàng tử năm nay bao nhiêu tuổi, thưa thượng công?

André đáp:

– Mười tám.

Ngoái nhìn Marthe, André nói to:

– Thể theo ý bàn dân, George sẽ về nhận vương miện. Nếu công chúa chấp nhận vương quyền, con trai chúng ta sẽ là vua…

Cười thật tươi, Marthe quay sang hỏi Lùng Thầu. Ông ta lắc đầu, miệng lại ngoác ra, hàm răng vàng chóe sáng dưới nắng. Marthe nghe xong, kêu lớn:

– Này! Ðàn bà không làm vua được ở đây. George thi Tú tài xong thì phải về chấp chính ngay. Như vậy là chỉ vài tháng nữa thôi!

Sa nhảy quẫy lên như một con hoẵng, cười ngặt nghẽo, vừa nhìn André vừa nói:

– Thế là cháu cũng có dịp để thành nữ hoàng. Cháu mười chín, sắp hai mươi. Gái hơn hai, trai hơn một, lấy nhau là cực đẹp đấy…

Freddy từ sau đến cạnh Hà. Anh ta ngơ ngác:

– Có gì mà mọi người cười vui thế hả? Sa nói gì?

Hà dịch lại. Freddy mặt thoáng sầm xuống, vẻ hơi khó chịu. Nhìn Sa, Freddy nói nhỏ, tay để nhẹ vào vai Sa:

– Sa này. Về cái điều kiện thứ hai đó…

Sa khẽ hất tay Freddy ra, thì thào:

– Xứ này “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Nói xong, nàng lại cười nắc nẻ rồi chạy về phía Marthe. Nàng ngắm nghía, miệng thốt:

– Công chúa đẹp quá! Bà có cho tiện nữ này được hầu hạ hoàng tử không? Bà gật đầu một cái, cả thế giới này sẽ thay đổi. Ðổi như sâu hóa bướm, rồi bướm thành hoàng hậu. Bà gật đi.

Vui vẻ, Marthe cười gật đầu.

– Thế nhé. Sa reo lên, công chúa vừa nhận lời rồi! Sa phải chạy lên báo bố chồng và sửa soạn lễ đăng quang cho hoàng tử!

Nói xong, Sa lại chạy ào lên đến cạnh André. André cũng gật đầu, ngoái nhìn Marthe với ánh mắt giễu cợt, miệng vui vẻ:

– Em yêu! Xứ này chẳng những có vua mà còn có cả hoàng hậu. Quả là phép lạ!

Marthe nhìn quanh. Lùng Thầu và đám trai trẻ cũng toét miệng ra cười dẫu chẳng hiểu gì cả. Bỗng nhiên, Marthe thấy gần gũi họ. Nàng bảo họ ngừng chân, mở cái túi du lịch, rồi vào một lùm cây cạnh đường. Khi ra, Marthe cười tươi như hoa, đầu đội chiếc khăn đỏ, trên mặc áo chẽn dưới quấn váy. Ðám người H’mong ồ lên, rồi vừa cười, vừa reo “Công chúa, công chúa đã về!”.

*

Khi Freddy đến cạnh, Sa quay lưng rồi thủng thỉnh đến ngồi bên Hà. Ðoàn người đã ăn bữa trưa, ngồi dựa vào những gốc cây, đợi cho nắng bớt gắt mới lên đường. André nóng quá, cởi trần ra, mồ hôi nhễ nhại. Marthe lim dim, tay phe phẩy quạt, tay kia thỉnh thoảng lấy mùi xoa chấm vào cổ, vào thái dương.

Sa lẳng lặng mở sắc tay, đưa cho Hà:

– Anh xem. Cha em đây. Anh bảo có giống anh không?

Hà uể oải cầm tấm ảnh, nhìn rồi trao lại, lắc đầu.

– Thế mà không giống à? Này nhé, cũng đeo kính. Cái cằm, anh xem này, cũng bạnh ra như rắn hổ. Và mũi, mũi cao chứ không tẹt dí như phần lớn người mình… Anh xem kỹ đi!

Nói xong, Sa lại dí tấm ảnh vào mũi Hà. Ngắm nghía một lát, Hà nói cho qua:

– Ừ, cũng có nét giống…

– Nhưng giống nhất là cái dáng người. Cao dong dỏng nhưng lưng lại hơi gù. Và nhất là cách trả lời, cứ ầm ừ, nói như không nói gì cả… Bây giờ, Sa hỏi. Xin anh trả lời cho chính xác nhé, được không?

Hà gật đầu. Sa trầm ngâm:

– Cứ giả dụ rằng Sa qua Mỹ, rồi làm giấy ly dị, có được không? Và mất bao lâu?

– Ðược! Chắc một năm, cùng lắm một năm rưỡi!

Hừ một tiếng, Sa đăm chiêu:

– Ði học bên Mỹ, mỗi tháng cần bao nhiêu tiền?

Lẩm nhẩm cộng độ hai mươi nghìn tiền học một năm vào số chi phí tối thiểu để sống, Hà đáp:

– Khoảng hai mươi nghìn đô la, hoặc hơn kém một chút!

Sa lè lưỡi, kêu:

– Sao đắt thế nhỉ? Anh có lầm không?

Hà lắc đầu. Sa tiếp:

– Làm sao có người đi học được?

– Sinh viên vừa học, vừa đi làm, làm hè là chính. Xưa, tôi cũng phải thế!

– Ðược! Sa mím môi – Phải đi!

Ngập ngừng, Sa ngước mắt nhìn Hà:

– Thời gian đợi ly dị, Sa xin đến ở nhờ nhà anh chị, có được không?

Câu Sa hỏi làm Hà sựng người lại. Chàng im lặng, bối rối nhìn ra xa. Sa lặp lại. Chậm rãi, Hà hỏi:

– Người ta không bắt đầu một đời đàn bà như thế! Tại sao Sa không nghĩ đến một việc bình thường hơn, coi việc lấy chồng không phải lấy là để ly dị?

Cười nhạt, Sa đứng dậy, giọng đanh lại:

– Em chỉ giao thân em cho ai em thực sự em yêu mà thôi! Còn lại, tất cả chỉ là phương tiện. Nhưng em sòng phẳng, có dặn là chỉ em mới quyết định có làm vợ thật cho Freddy hay không mà thôi. Anh ta nhận, đó là việc của anh ấy.

Chặc lưỡi, Sa nói như nói một mình “… sòng phẳng quá, cũng không hay!” rồi quay ngoắt người, đi ra mỏm núi, nhìn xuống thung lũng phía dưới. Như bị kéo theo bằng một sức mạnh Hà chưa hiểu nổi, Hà bước đến cạnh Sa, tai nghe Sa thở dài: “… giá mà gieo mình xuống kia, chắc là thanh nhàn hơn, chẳng có gì để bận tâm nữa”.

Hà nhìn xuống. Triền dốc đổ hun hút sâu, như gọi như mời một bước chân hẫng hụt. Hoảng sợ, Hà nắm tay Sa kéo về phía mình. Freddy nhìn về phía hai người, ánh mắt nửa tức giận, nửa buồn rầu. Rút ống sáo ra, Freddy thổi. Tiếng sáo cao lên rồi đột nhiên trầm xuống van vỉ “… Sa ơi, tôi ở đây. Ở ngay đây… Quay lại nhìn tôi đi chứ!”. Nhưng Sa vẫn nhìn tít tắp xa, nắm cánh tay Hà, miệng bực bội thốt lên “… như tiếng sáo bát âm đưa đám! Nghe khổ thật…”.

Khi nắng đã chếch bóng, đoàn người lại lên đường. Ðường dốc lúc một khó đi, lắm lúc đám thanh niên H’mong phải sấn lên, lấy dao chặt cành lấy lối. Thấy đám du khách đã mệt, Lùng Thầu luôn miệng: “Sắp tới rồi, còn tí nữa thôi!”. André vui mồm bảo: “… thế này mới là trekking, gần bằng chuyến đi Amazon!”.

Chạng vạng tối, một dãy nhà cheo leo lưng đồi hiện ra trong tầm mắt. Ðấy là quản, cũng gọi là giáp, nơi xưa tập trung quyền lực của người H’mong sống rải rác trong những giao, những giồng chân dãy Hoàng Liên Sơn. Lùng Thầu quệt mồ hôi, tay chỉ, miệng reo: “Ðã bảo mà. Tới nơi rồi!”. Lôi một ống tù và ra, Lùng Thầu bỏ lên miệng, lấy hơi thổi. Tiếng tù và ngân lên, theo gió bay xuống lũng. Chỉ dăm phút sau, một tiếng tù và khác đáp lại. Sa bước đến cạnh Marthe, nắm tay, nhẹ giọng, vừa nói vừa cười:

– Thần dân đã sẵn sàng tiếp công chúa rồi! Bây giờ, công chúa phải sửa soạn.

Tiếng chiêng, rồi tiếng trống bất ngờ rộn rã vang lên khi đoàn người xuống đến cái dốc cuối xuôi xuống Lũng. Người trong giáp kéo ra, miệng hò reo. Chị Pình chạy lên phía trước. Chị vốn sinh ra ở giáp, thoáng thấy bóng người thân trong gia đình, miệng tíu tít gọi. Người H’mong mời Marthe lên một cái kiệu trông rất cũ. Thầy Tao, một người trạc sáu mươi tuổi, tay vung vẩy những cây nhang, miệng nói gì Marthe không hiểu. Sa đẩy Marthe lên kiệu, Marthe ngần ngừ nhìn những kẻ đồng hành, ngượng ngập thầm nhủ “Nếu mà mình không là công chúa của họ thì ê mặt, thật là ê mặt!”. Nhưng kiệu đã được nhắc đặt lên vai bốn người thanh niên. Theo tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng reo hò, cả đoàn người chuyển bước, ngoằn ngoèo trườn đi như thân một con trăn khổng lồ, lừng lững uốn mình vào sắp sửa định nuốt cả giáp Lũng Mây vào bụng.

*

Cụ già tuần trước đã đến Sapa gặp Marthe đưa cả đám du khách về Vương phủ, nơi ngày xưa công chúa trú ngụ. Phủ lớn hơn những căn nhà bình thường, có năm gian xếp theo hình chữ nhất, tách khỏi những mái tranh rải rác xung quanh, nhìn vừa bề thế, vừa bí ẩn. Nằm trên đỉnh đồi, từ Vương phủ có thể nhìn thấy một cái thác nước trắng xóa đổ xuống triền núi bên cạnh. Cụ già nói với Sa: “Bốn mươi năm nay không tiếp khách!”.

Vừa được dọn dẹp, năm gian nhà tương đối sạch sẽ. Ngoài những ổ rơm dùng làm nơi ngủ, phủ chỉ độc có ba cái bàn nằm ở gian thờ. Bàn thờ cũng đơn giản, có bát hương, ở trên bàn đều có để những chiếc bảng gỗ đỏ đầy chữ viết lòng ngòng bằng mực đen. Ở giữa, thờ đức Bàn Vương. Bên trái, là bàn thờ chư thần năm biển, và bên phải thì tổ họ Vàng. Cụ già chỉ bàn thờ, nhìn Marthe móm mém cười, miệng nói: “Tên công chúa là Vàng Sao”. Sa dịch cho Marthe nghe, thầm thì:

– Thế là công chúa Sao!

Tự nhiên, Marthe bỗng lo sợ, vội đáp nhỏ:

– Chắc gì Tata là công chúa đâu, đừng đùa nữa!

Sa ngúng nguẩy:

– Chắc một trăm phần trăm. Ðức Bàn đã báo bốn mươi năm sau công chúa về cứu dân H’mong, sai thế nào được!

Hà đưa mắt nhìn Sa. Nếu Marthe không là công chúa, chuyến đi Lũng Mây chỉ là một chuyến trekking khá lý thú, rồi sau mọi người sẽ hỉ hả chia tay. Nhưng nếu dân H’mong nhận Marthe là công chúa, và Marthe quả là công chúa của họ thật, câu chuyện chắc không kết thúc đẹp đẽ như vậy. Lúc này, Hà thầm nghĩ, đã đến lúc Marthe phải thật tỉnh táo. Là công chúa, phải xử sự như công chúa. Cứu dân H’mong, cứu làm sao? Trong rừng sâu núi thẳm với tình trạng bán khai này, lại mấy trăm năm kiềm chế bởi những dân tộc đông hơn, mạnh hơn, đến trời cũng chẳng cứu được họ. Tốt nhất, chuyện nhận công chúa là một sự lầm lẫn. Marthe cứ là Marthe, không cứu được ai, nhưng thanh thản trở lại về Sapa, rồi về Pháp, có câu chuyện vui và vô hại kể cho bạn bè.

Ðến cạnh Sa, Hà nghiêm nghị nhưng dịu dàng nói nho nhỏ:

– Sa tinh quái thật! Ðừng gọi Marthe là công chúa nữa!

Cong môi, Sa hỏi ngược:

– Tại sao?

– Là công chúa ở đây chỉ thêm khổ thôi! Gọi thế, bà tưởng thật, khổ cho bà ấy. Thế cũng là ác…

Cười lên khanh khách, Sa lại bông đùa, nhìn Marthe:

– Công chúa ơi! Tiện nữ gọi danh tước người mà bị mắng là ác đấy.

Ðến gần Freddy, Sa tiếp như đóng kịch:

– Hiệp sĩ, hiệp sĩ của lòng tôi. Hãy bảo vệ tôi. Tôi đang bị kết tội oan ức, không làm sao mà biện minh được…

Tiện đà, Sa ôm choàng lấy Freddy, miệng kêu: “Please help! Please help!”. Không hiểu gì, Freddy vòng tay ôm lấy Sa, ngạc nhiên mỉm cười thích thú. Marthe cũng phì ra cười. André hỏi, Marthe đáp:

– Đóng kịch mà!

Không nghe Marthe đang kể lại tình tiết cho André, Hà khó chịu bước ra sân, miệng lẩm bẩm “kệch cỡm”, tai còn văng vẳng tiếng cười của Sa, của Freddy và của André.

Nhìn lên trời chi chít sao, Hà bỗng thấy một nỗi buồn ở đâu mênh mang kéo về, duyên cớ và nguồn căn vẫn lờ mờ thấp thoáng, từng bước dìm chàng vào một bến bờ vô định. Chàng nhồi thuốc vào tẩu. Nhìn những sợi khói mỏng mảnh tan vào đêm sương, Hà chợt nhận ra sự cô đơn không cứu vãn nổi của mình. Câu hỏi dằn vặt chàng lại lừng lững hiện ra như vách núi trước mặt. Không tự biết là ai, ta là kẻ xa lạ với chính ta. Câu hỏi kia, làm sao mà giải đáp được đây! Cái ta là, nó không phải chỉ là tấm hộ chiếu, giấy khai sinh, mảnh bằng, văn khế nhà, tờ hôn ước, trên đó tên có tuổi có, thậm chí cả tên cha, tên mẹ, quê quán. Cái ta là, lại càng không phải là cái ta có. Không phải là cái người khác nghĩ là ta. Hay ta là cái ta đang sống? Nhưng ta lại đang ngập ngụa sống những giấc mơ hẫng hụt của một kẻ vong thân, vong bản. Le mal de vivre. Misfit. Và vì thế, ta mới tự hỏi cái ta là. Hay ta là cái ta muốn? Cũng không phải nốt, chẳng biết mình là ai thì làm sao biết mình muốn gì?

Thình lình, có tiếng chân chạy ra. Tiếng André gọi thất thanh. Rồi tiếng Marthe rối rít:

– Tôi đã nghe thấy rồi…

Cầm đèn pin lao theo Marthe, André vẫy Hà. Họ uà xuống đồi. Tiếng Sa cất lên:

– Chờ cháu, công chúa ơi!

Nhìn theo vạt áo Marthe thấp thoáng ẩn hiện, Hà bám sát chân André. Ðến chân đồi, Marthe dừng lại nghe ngóng. Rẽ bên phải, Marthe lần tới. André và Hà đã theo kịp, ánh đèn pin lấp loáng trên những bụi cây. Vừa thở hổn hển, André vừa hỏi:

– Marthe! Em nghe thấy gì?

– Tiếng nhạc khí, có lẽ nó thuộc loại kim, nó ở phía này…

Cả ba tiếp tục đi. Tiếng Freddy ồm ồm:

– Các bạn đang ở đâu?

André hất bóng đèn pin lên trời ra dấu. Con đường lúc càng gập ghềnh. Marthe trượt chân, ngã chúi xuống, rồi lại đứng dậy. Một sức kéo vô hình kéo Marthe cứ đi tới, đi tới. Tiếng nước réo lên. Họ đã gần ngọn thác ở triền núi nhìn thấy từ Vương phủ họ Vàng. Freddy và Sa bắt kịp. Sa thở dốc, nói đứt quãng:

– Công chúa đi đâu vậy?

Marthe đáp, giọng sững sờ:

– Ta nghe… Có ai nghe thấy gì không?

Cả đám đã đến chân tháp. Marthe mừng rỡ:

– Ðấy, tiếng đó đấy…

Mọi người đều lắng tai nghe. Ðúng là có một thứ âm thanh lạ, trong vắt, văng vẳng ngân cao, biến đi, rồi ồ ồ, sau đó rền rĩ như oán thán, thình lình lại cao dần lên, rồi lại trong vắt… Cứ thế, những âm thanh đó xoắn xuýt vào nhau theo một chu kỳ khá chuẩn xác. Thác nước đổ xuống một cái đầm có những mỏm đá nhấp nhô. Giằng lấy chiếc đèn pin, Marthe chiếu vào làn nước bạc trắng từ cao ập xuống. Marthe reo lên:

– Nó, nó đấy!

Ánh đèn ngừng lại trên một phiến đá mỏng diện tích độ sáu, bảy mét vuông, nằm ngang trên mặt nước, thân chống bởi những mỏm đá sần sùi nhô ra. Nước đổ vào mặt phiến đá, và lượng nước chảy dưới thay đổi khiến âm thanh phát ra lên bổng xuống trầm như một khúc giao hưởng đến từ cái phép lạ của tình cờ. Marthe lẩm bẩm:

– Thì ra là tiếng đàn đá… Mình lại cứ tưởng là nhạc khí thuộc loại kim.

Ðể cả quần áo, Marthe nhảy xuống đầm. André kêu lên “Mais t’es folle, reviens!”(30). Marthe bơi về phía phiến đá, tay quờ quạng rồi nắm lấy, trèo lên. Nàng áp tai vào mặt đá nhẵn thín, úp môi vào hôn, thì thầm: “… thì ra mi. Cách Sapa một ngày đường mà ta vẫn nghe thấy mi, đá ơi đá!”. Trên bờ, André giơ tay lên trời, tiếp tục la to: “Mais reviens, Marthe! T’es folle! Tu vas ratraper l’froid!”(31).

*

Sau tiếng gà gáy thứ nhất, chó trong giáp sủa lên oăng oẳng. Tiếp đó, lác đác tiếng gà vang lên và cuối cùng, gà như rủ nhau cùng gáy, tiếng rân rân cùng thôn cuối giáp. Một lúc sau, người H’mong kéo đến đầy Vương phủ. Cụ già kéo cổng, Thầy Tao và Lùng Thầu đi vào gian thờ. Bên ngoài, hàng trăm người ngồi sụp xuống đất, những chiếc khăn quấn đầu phụ nữ đỏ rực trong ánh nắng mai vừa lên. Ðám đàn ông ngồi riêng một góc sân, ồn ào chuyện gẫu, xua đám trẻ con trần truồng chạy tới chạy lui, miệng la oai oái. Lùng Thầu bước ra, nói một điều gì đó. Vài người lớn chăn đám trẻ con như chăn trâu, lủi thủi xuống đồi. Trong sân bỗng im lặng hẳn.

Trong gian thờ, đám du khách ngồi sau, lưng dựa sát tường. Riêng Marthe, nàng chễm trệ trên chiếc ngai sơn vàng Thầy Tao cho khiêng đến. Nhang cháy đỏ cắm vô số trên ba cái bàn thờ, và hàng chục ngọn nến trắng được thắp lên, lửa chập chờn mỗi khi gió từ cửa sổ luồn vào như đùa nghịch. Một đám nhạc công, kẻ thổi khèn, người kéo thứ đàn chỉ độc một dây, kẻ đánh chiêng, người đánh trống, đánh phèng lần lượt xếp hàng ngồi đằng sau chiếc ngai. Họ im lặng, mắt lững lờ nhìn vào khoảng không, dáng điệu nghiêm trọng và kính cẩn.

Cụ già ra mang đến trước mặt Marthe một hộp gỗ để trên cái khay đen. Ðó là tro xương của tổ họ Vàng, đời này giữ qua đời kia. Cụ nói, Lùng Thầu dịch cho Marthe nghe, bảo Marthe xuống ngai quì lạy và đem hộp gỗ đặt lên bàn thờ. Thầy Tao ra dấu, đám nhạc công bắt đầu. Tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng đàn trộn vào nhau, ủ ê, dặt dìu, đều đặn, làm đầu óc tê liệt dần. Mở một xấp giấy, Thầy Tao đọc ê a, thỉnh thoảng lại quát lên. Lát sau, giọng thầy trầm xuống, van vỉ, đôi khi phải lắng mới nghe thấy tiếng. Ðột nhiên, Thầy Tao đứng bật dậy, xoay vòng vòng, người đảo lên đảo xuống, mồm rú những tiếng khủng khiếp. Tiếng chiêng tiếng trống lúc càng dồn dập, và dăm ba nhạc công cất tiếng đồng thanh hát, điệu hát thê thiết, thỉnh thoảng ậm ực trong cổ hệt như tiếng phều phào ngạt thở. Thầy Tao bây giờ nhảy quẫng lên cao. Khó có thể tưởng tượng một ông già sáu mươi có thể dẻo dai, người cong như lò xo, mỗi lần nhảy toàn thân bốc khỏi mặt đất cả thước. Cứ thế, Thầy Tao vừa nhảy vừa kêu có lẽ đến cả tiếng đồng hồ.

Trên bàn thờ Ðức Bàn, những bó nhang thình lình bắt lửa cháy lên có ngọn, trong khi đó bao nhiêu ngọn nến bỗng lụi cả. Lùng Thầu thét: “Ðức Bàn hạ giá!”, và đám nhạc công tăng nhịp trống nhịp kèn, miệng tiếp tục ê a hát. Lát sau, bao nhiêu cây nến cắm trên bàn thờ chư thần năm biển bỗng chao đi chao lại như biến thành chất dẻo. Lùng Thầu lại thét: “Chư thần giáng thế!”. Lúc này Thầy Tao ngừng nhảy. Ông chạy đến trước bàn thời tổ họ Vàng, quì xuống, miệng bí ba bí bô một tràng dài. Ly nước trên bàn thờ nổ tách một cái, vỡ ra, nước chảy xuống đất, giọt nhỏ lách tách. Lùng Thầu đến trước mặt Marthe, kêu “Tổ về!”, tay dắt Marthe đi về phía bàn thờ, ấn vai cho quì xuống.

Lúc đó, hai người khênh một con lợn nhỏ vào giữa gian thờ. Con lợn kêu eng éc, quẫy lên, nhưng nó bị buộc chặt, chỉ hếch mũi lên phì phò thở. Thầy Tao đến, tay vuốt ve con lợn, miệng nói giọng ngọt ngào, như an ủi, như cầu xin. Thình lình, người đánh chiêng khua một hồi liên tục. Ba tiếng phèng la tiếp theo, và sau đó Thầy Tao thét lên. Hai thanh niên H’mong rút dao, đâm vào cổ con lợn. Tiếng lợn kêu thảm thiết, máu đỏ chảy đầy trên sàn nhà, bắn vào mặt mũi Thầy Tao, vào Lùng Thầu, vào cả quần áo Marthe. Mặt mũi tái mét, nàng nhắm mắt lại không dám nhìn. Nhạc lại cử lên, cho đến lúc con lợn không còn giãy được nữa mới ngừng.

Thầy Tao cắt dây trói lợn. Thầy lại bắt đầu đọc những câu ê a, lại nhảy, lại kêu. Ðột nhiên, thầy ngồi thụp xuống, tay thò vào máu lợn, quệt lên trán mình một đường dài. Làm xong, thầy đến cạnh Marthe, một tay quệt máu lên trán nàng, tay kia thò vào hộp gỗ đựng tro xương tổ Vàng, chấm vào rồi bôi lên hai má. Marthe bỗng rú lên. Thầy Tao ra dấu, nhạc công lại đánh chiêng đánh trống, cho đến một lúc, con lợn tưởng đã chết bỗng vùng dậy, kêu hộc lên một tiếng rồi chạy ra sân. Chạy được chừng chục thước, nó khuỵu chân ngã lăn quay ra, nhưng hàng trăm người H’mong ngồi trong sân đều đồng lượt đứng dậy reo “Công chúa, công chúa đã về!”. Họ ôm nhau khóc, la ó, mừng rỡ.

Cụ già lấy khăn ướt lau mặt cho Marthe, kính cẩn quì xuống lạy. Vẫy Lùng Thầu lại, cụ già thì thào nói vào tai. Ðến trước mặt Marthe, Lùng Thầu nghiêng người, rồi thưa: “… Ðức Bàn, chư thần và tổ họ Vàng đã nhận ra công chúa. Cụ già theo hầu từ ngày công chúa còn bế ngửa, nói thêm là khi mới đẻ, công chúa có một vết bớt ở chỗ kín. Ðiều này, chỉ công chúa mới biết được!”. Nghe xong, Marthe tái mặt, cố sức vùng đứng dậy. Nàng quên hẳn đám du khách đồng hành, tai bỗng lại văng vẳng tiếng đàn đá. Bước ra, nàng giơ tay vẫy đám người đang hò lên reo mừng nàng đích thực là công chúa của họ.

N.D.

(28) Không thể được!

(29) Không thể được không phải là tiếng Pháp.

(30) Em điên ư, hãy quay lại!

(31) Quay lại, Marthe! Em điên! Bị cảm lạnh đó!

Comments are closed.