Tiếng cồng (kỳ 8)

Tiểu thuyết của Nam Dao

5 DỐC ĐỈNH HÀM RỒNG

Trong phòng ăn khách sạn, André ủ rũ, tay ôm trán, mắt nhìn vào khoảng cửa sổ lờ mờ sáng. Trận mưa từ tối hôm qua kéo dài, tiếng mưa tí tách bên hàng hiên nghe như tiếng kim một cái đồng hồ đang cơn mê loạn. Sa bưng thức ăn điểm tâm ra, không dám nhìn André, lặng lẽ đặt đĩa trứng ốp la, tách cà phê và khúc bánh mì lên bàn. Hà và Freddy cũng im lặng. André thở dài buột miệng:

– Làm thế nào đây? Và tại sao?

Một con ruồi ở đâu bay lại, tiếng vo ve như trêu người. Freddy cuốn tròn tờ báo Thời Trang, mặt mũi căng thẳng, tay giơ lên. Con ruồi cất cánh như có linh tính về sự nguy hiểm đang rình rập. Nó lượn trên đầu, giả tảng bay xa, rồi bất ngờ vòng lại. Hà đổ chút đường trắng lên bàn. Con ruồi không kìm được, sà xuống và Freddy nhanh tay đập. Nhìn xác nó, Freddy tần ngần:

– Nó có linh hồn không nhỉ?

André cười nhạt, không góp chuyện, lẳng lặng uống nốt ngụm cà phê. Hà lẩn thẩn:

– Chắc có!

Chàng chợt nhớ lại buổi lên chùa Giác Hoa miệt New Jersey năm ngoái. Sư cụ thủng thỉnh giảng: “Trong ba nghìn thế giới, có cái gọi là vật chất, thì cũng có cái gọi là phi vật chất. Có thân xác bằng da bằng thịt này, tất phải có cái gì đó khác, cứ gọi là linh hồn đi… Chúng thuộc vào phần thế giới linh thiêng song song tồn tại với thế giới ta ngửi thấy, nhìn thấy, nghe thấy, sờ mó được. Nhưng hai thế giới vật chất và linh hồn ấy không độc lập, mà ràng buộc với nhau trong sự vận chuyển làm nên sự sống…”. Hà lẩm bẩm nói với mình:

– Phải có chứ!

André chợt ngắt lời, giọng bực bội:

– Ai bảo thế?

Freddy chen vào:

– … dĩ nhiên.

Hà trầm ngâm, tai văng vẳng lời giảng “… ý nghĩa sự vận chuyển của cặp vật chất – linh hồn kia là quá trình tiến hóa của hai thế giới. Hai đấy, nhưng vẫn một, từ cái không trở nên cái có. Rồi có lại thành ra không và tiếp tục như vậy với sinh – tử, còn – mất, được – thua… Con người lại bị guồng máy vật chất chi phối, thường khó mà thấy, hiểu, và chỉ trực giác lờ mờ về phần hồn của mình!”.

Nhìn André, vẻ tội nghiệp, Freddy tiếp:

– … Linh hồn có thể là một mức độ khác của lý trí, của lôgích. Ở Âu châu, và nhất là ở Pháp, chính cái thuyết duy lý kiểu “tôi suy tư, tức tôi là, tôi hiện hữu…” đã giết mòn trực giác, cản trở óc tưởng tượng và bóp nghẹt khả năng của tạo vật vào trong những công thức cứng ngắc. Như trường hợp Marthe. Tiếng đàn đá có thể là cái động lực đẩy trực giác bà ra vùng ánh sáng…

Xô ghế đứng dậy, André vò đầu, tay giơ lên trời:

– Tôi thì tôi chẳng nghĩ thế. Vùng ánh sáng nào mà lại làm mất hết lý trí, mất hết lôgích…

Lắc đầu, vừa đi André vừa lẩm bẩm:

– Cứt, thật là cứt!

Nãy giờ chỉ lẳng lặng nghe, Sa bước theo André. Ra đến cửa khách sạn, Sa níu tay André nói:

– Trước mắt, làm sao gia hạn cái nhập cảnh của Marthe ở đây cho hợp lệ. Cứ về Hà Nội, vào sứ quán Pháp khai mất hộ chiếu để trì hoãn đã. Xin hộ chiếu mới, và nhân thể xin thêm hạn nhập cảnh…

Nhìn Sa, André lẩm bẩm:

– Ðể tính lại xem sao! Cười gượng, André tiếp – Tôi đâu ngờ được là trận Ðiện Biên Phủ chưa chấm dứt! Riêng về vấn đề linh hồn, giọng André mai mỉa, nhắn lại các bạn trong kia cứ bàn tiếp với nhau lúc tôi vắng mặt nhé! May mắn nhé!

André bước ra, không nhìn thấy Sa bĩu môi khi quay vào.

*

Cụ Hênh, theo lời Sa là người gọi được hồn, ở một làng người Dao Tiền trên đường từ Sapa về Lao Cai. Sa nhất quyết bắt Hà theo Freddy và mình đi về làng tìm cụ. Ba người bắt xe hàng, rồi từ quốc lộ đi bộ vào mất nửa buổi. Trời vẫn mưa, đường vào làng lầy lội, lúc xuống dốc cứ trơn tuột đi như trượt băng. Freddy lấy dao chặt cành làm gậy cho cả ba, đi trước để Sa khi cần vịn vào. Sau chót là Hà, thỉnh thoảng lại chao người đi, quần áo bùn đất bám đầy, miệng than trời than đất.

Ðã được báo từ trước, cụ Hênh ra cửa đón, miệng móm không còn một chiếc răng nào. Nhà người Dao cũng như nhà người H’mong, không có cửa sổ, tối om om. Giữa nhà, bếp nhóm, củi cháy nổ lách tách. Ba người rửa chân tay rồi ngồi quanh bếp hong cho khô quần áo. Cụ Hênh thắp nhang đặt lên bàn thờ, bảo phải đợi đến giờ Dậu mới là giờ mời hồn về. Cụ hỏi Sa. Sa đáp:

– Ông này, tay chỉ Freddy. Ông ấy muốn gặp cha ông ấy chết ở vùng này!

Nheo mắt nhìn Freddy, cụ nói:

– Thế người Mỹ à! Tôi chưa gọi họ bao giờ đâu đấy. Ðược hay không, không bảo đảm. Còn tiền, đưa trước đây!

Nghe Sa dịch xong, Freddy thọc tay tìm ví, đầu gật gật nhìn cụ Hênh. Cụ đáp:

– Gút, gút. Mô nây, gút.

Bỏ tiền vào hầu bao xong, cụ Hênh ra trước bàn thờ lẩm nhẩm khấn vái. Lát sau, cụ cầm nhang cắm bốn góc nhà, rồi vào trong mang ra năm con ngựa làm bằng giấy phết trên nan, mỗi con một màu. Khi trời sẩm tối, cụ lại ra quì trước bàn thờ, tay lôi một chiếc bàn chân thấp lè tè trên mặt có khoảng ba chục ô vuông, chữ vẽ loằng ngoằng, xanh xanh đỏ đỏ. Cụ rải chiếu, đặt cái bàn vào giữa nhà và bảo ba người ngồi ở phía sau. Từ bàn thờ, cụ trịnh trọng lôi ra một mảnh gỗ láng bóng, hình quả tim, đặt lên chiếc bàn có chữ vẽ. Sau đó, cụ lại khấn vái, và mang năm con ngựa ra hóa vàng. Ngựa cháy, lửa phừng phực bắt vào, gió thốc nghe như có tiếng ngựa hí.

Ðó là những con ngựa được phái đi năm phương tứ hướng để mời hồn về. Cụ Hênh bảo Freddy ra ngồi cạnh, để tay lên mảnh gỗ hình trái tim. Cụ quay lại nói. Sa dịch, bảo mảnh gỗ và cái bàn toàn là ván thiên quan tài những kẻ chết trẻ và chết oan. Freddy rởn gai ốc, thấy lành lạnh sau gáy. Cụ Hênh dặn:

– Ðầu nhọn của mảnh gỗ cầu cơ ngừng ở đâu, ghi số ô vuông ở đấy, từ đó biết được là chữ… Phải để ý khi cơ lên, chạy nhanh, và ngừng thì ngừng một tí, rồi lại chạy tiếp…

Mảnh gỗ vẫn không động đậy. Tiếng củi nổ. Tiếng mưa róc rách. Rồi tiếng thở của Freddy, lúc một dồn dập. Cụ Hênh chợt kêu: “… hồn về!”. Mảnh gỗ bắt đầu nhúc nhích, sau quay thành vòng tròn, lúc một nhanh. Freddy nhắm mắt lại. Cụ Hênh từ từ bỏ tay ra, miệng hỏi:

– Hồn là ai xin cho biết tính danh. Ông đây chủ cơ muốn tìm cha mình, hồn biết thì mách cho, gọi về hộ…

Mảnh gỗ vẫn tiếp tục quay, một lúc lại chậm lại, rồi lại nhanh, và cứ thế, cụ Hênh tiếp tục lập lại câu vừa hỏi đến cả chục lần. Bỗng mảnh gỗ chạy chệch ra khỏi mặt bàn. Freddy mở mắt, nhìn ngơ ngác. Cụ Hênh bảo:

– Thăng rồi!

Cụ lại bắt đầu làm lại như từ lúc đầu, miệng đọc thần chú, tay gõ trống. Một lát, mảnh gỗ lại chạy vòng vòng. Cụ nhìn Hà, thình lình nói:

– Ghi chữ đi…

Giọng van xin cầu khẩn, cụ thều thào:

– Hồn là ai xin cho biết tính danh.

Ðầu mảnh gỗ hình trái tim chỉ vào W, ngừng lại. Rồi I, rồi L… rồi T, và cuối cùng là chữ N thì mảnh gỗ lại quay vòng. Hà đọc WILLIAM THOMPSON. Freddy reo to:

– Tên cha tôi!

Cụ Hênh bảo Freddy:

– Ông ấy về. Có hỏi gì hỏi đi. Cứ nghĩ trong đầu, không cần nói ra.

Freddy thầm van nài: “Dad, có thật là Dad chỉ bay thám thính mà không bỏ bom không?”. Mảnh gỗ lại từ từ quay chậm lại. Hà ghi chữ, rồi đọc YES. Freddy lại hỏi: “… thế sao lại bị tên lửa bắn rơi được với tầm cao của máy bay thám thính”. Mảnh gỗ lại ngừng trên những ô chữ. Hà đọc “WHO KNOWS? THEY ALL LIE”. Freddy thầm thì: “Xác Dad nay ở đâu?”. Mảnh gỗ lại quay, rồi chỉ vào chữ V. Năm sáu lần liền, Freddy hỏi, những vẫn một chữ V. Thình lình, tay Freddy như bị bốc lên, chiếc bàn thấp lè tè xô ngang hẳn sang một bên, Freddy mở mắt nhìn. Cụ Hênh ngước lên, miệng chậm rãi:

– Hồn thăng rồi! Ông đã hỏi hết chưa?

Ngơ ngác, Freddy lấy tay dụi mắt, đáp:

– Hỏi xác ở đâu, thì chỉ độc một chữ V. Nếu là Việt Nam thì ai chẳng biết!

Cụ Hênh ngẫm nghĩ một lát rồi thủng thẳng:

– V thì có lẽ là mỏm Vềnh. Thời đó có máy bay Mỹ bị bắn rơi. Trả tiền thêm, tôi chỉ chỗ có nhiều xương nhiều cốt cho!

Nghe Sa dịch, Freddy quay lại hỏi:

– Bao nhiêu?

Cụ Hênh đáp:

– Giá một con trâu.

Freddy lắc đầu, nhờ Sa mặc cả. Sa chợt nghiêm giọng:

– Thế điều kiện thứ hai của Sa, anh có chắc nhận không?

Gật đầu, Freddy khẩn khoản:

– … nhưng Sa phải là vợ tôi!

Sa bảo:

– Chuyện ấy tính sau!

Ghé vào tai cụ Hênh, Sa lầm bầm to nhỏ. Hai người ngã giá sau mười lăm phút: một triệu đồng, và dĩ nhiên là tiền Việt

*

Mỏm Vềnh không xa làng Dao Tiền nên Freddy khẩn khoản nài Sa và Hà đi ngay. Trời đã ngớt mưa, nhưng khá lạnh. Cụ Hênh thoăn thoắt đi trước, tay cầm một cuộn chão, miệng cười nói với Sa như một người quen khá thân. Chừng hơn giờ sau, cả bọn lách qua một khe đá, rồi dừng chân ở mỏm núi. Tay chỉ xuống cái vực sâu bên cạnh, cụ Hênh nhìn Freddy, hắng giọng:

– Dưới ấy đầy xương!

Buộc chặt sợi dây chão vào gốc cây, cụ Hênh thòng xuống vực, giật giật, nói với Sa:

– Ðủ dài rồi, bảo nó tuột xuống mà tìm – cụ cười nhạt, tiếp – khi về chắc khuya lắm, ghé ngủ chỗ nhà tôi, tôi tính người Việt năm đô, thằng Mỹ lấy mười. Nhé, cô Sa nhé!

Chẳng đợi Sa trả lời, cụ Hênh quay lưng đi về, nhắc:

– … đừng quên cuộn chão!

Freddy nhìn theo, không hiểu hỏi Sa. Sa đáp, rồi bảo xuống vực cầm đèn pin. Freddy vỗ ba lô, tay móc đèn nhét vào túi quần, tay kia buộc con dao đi rừng ngang lưng.

Khi Freddy nắm sợi dây chão lần xuống vực, trời đã nhá nhem, khí núi bốc lên buôn buốt lạnh. Sa nhìn Hà, rùng mình nói nhỏ:

– Chắc chỉ mười lăm phút là lên ngay thôi!

Kéo chiếc áo mưa sát vào người, Hà gật gù, bảo:

– Nếu có xương, cũng chẳng thể nào biết xương nào là xương William Thompson.

– Phi công Mỹ đều đeo dây chuyền có mảnh nhôm ghi tên, quân số…

Hà lắc đầu:

– Cái xác suất tìm ra xương cha mình gần như là một trên trăm ngàn. May mà Sa mặc cả, nhưng tôi thấy một triệu để đến cái mỏm núi này vẫn là đắt.

– Cứ để anh ấy trả. Cụ Vềnh được trăm đô là sống cả năm. Người giàu cho người nghèo mà! Có một trăm đô, lại hết ấm ức cái chuyện tìm xương tìm cốt, có gì là đắt…

Nghe giọng Sa thản nhiên, Hà hỏi:

– Thế Sa thật không định làm vợ Freddy à?

Sa gật đầu. Hà ngập ngừng:

– Nhưng Sa vẫn muốn đi Mỹ?

Sa lại gật, mắt ngước lên nhìn Hà:

– Nhất định! Nhất định thế…

Hai người im lặng một lúc lâu. Sa bỗng hỏi:

– Anh có hạnh phúc với chị ấy không? Sao lại về đây một mình?

Hà tần ngần:

– Julia bảo cứ về xứ sở… Julia tốt bụng, và là một người vợ đảm đang. Cô ta người gốc Ý…

Nhìn Hà, Sa đợi, mắt như ngầm bảo Hà chưa thực sự trả lời câu Sa hỏi. Hà nói đứt quãng:

– … còn hạnh phúc. Trước đây, không đặt nó thành vấn đề. Khi ấy, có thể là có… Bây giờ khác…

Như nói một mình, Hà tiếp:

– Bây giờ, chán. Chán và tự nhiên chẳng còn biết mình muốn gì, là ai… Về đây là để tìm lại mình nhưng lại gặp một kẻ xa lạ thiếu phần hồn…

Nép sát vào Hà, Sa lẩy bẩy thì thào:

– Thiếu phần hồn? Sa làm gì giúp được anh không?

Không đáp, Hà bỏ ra cạnh bờ vực nhìn xuống. Khoảng đen hun hút rợn người, đáy chỉ lờ mờ một lớp sương trắng đục. Ðáy vực hình như có một thứ hấp lực gọi mời đến chóng mặt. Nhắm mắt, Hà như say sóng, từ từ ngồi xuống. Ðến ngồi cạnh Hà, Sa lên tiếng, giọng mai mỉa:

– A, cái phần hồn… Freddy cũng đi tìm hồn cha anh ấy. Có hay không, Sa nào có biết. Nhưng chắc khó tìm vì Freddy làm gì dưới ấy mà lâu thế?

Hà chẳng để ý đến câu Sa hỏi, ngẩn ngơ thì thào:

– Cái phần hồn kia có thật. Thế nào cũng tìm ra, tìm ra cho bằng được…

Nhìn Hà, Sa cố dấu nét khinh bạc, chõ miệng xuống vực kêu:

– Freddy, Freddy!

Tiếng vọng nổi lên, nghe inh tai, nối tiếp nhau truyền đi rền vang trong vách đá. Không có một tiếng nào trả lời. Sau tiếng vọng, chỉ còn lại sự im lặng dọa nạt của rừng núi. Sa hỏi:

– Làm gì bây giờ?

Như tỉnh ra, Hà chần chừ:

– Chờ. Hay là xuống tìm Freddy?

– Không! Mình không có đèn pin, tối thế kia làm sao nhìn thấy gì. Dưới đó lại có rắn rết… Thôi, cứ chờ trên này vậy.

Hai người nhìn quanh, tìm cành khô xếp thành đống rồi nhóm lửa. Mưa lại bắt đầu rơi nhè nhẹ. Hà cởi áo mưa, căng ra như cái bạt cạnh đống lửa. Lát sau, bắt chước Sa, Hà cũng chõ xuống vực gọi tên Freddy. Vẫn chỉ còn sự im lặng. Trời tối hẳn, trên cao không trăng không sao. Cái lạnh ngấm vào cơ thể, khiến cả hai co người lại, răng đánh vào nhau lập cập. Sa lên tiếng:

– Bây giờ về cũng dở. Ðêm thế này lạc thì chết!

Hà ngẫm nghĩ, đáp:

– Chắc phải ở đây chờ sáng. Lạnh, lạnh quá…

Tìm một đống lá cây còn tương đối khô ráo, Sa trải xuống đất, giục Hà kiếm thêm củi. Thật may, trời ít gió. Tiếng chân thú đi ăn đêm đã bắt đầu đạp trên lá nghe xào xạc. Trong rừng côn trùng đủ loại cất tiếng rỉ rả, buồn đến thê thảm. Hà lôi tẩu ra, nhồi thuốc, vừa hút vừa nghĩ vẩn vơ, co người run lập cập. Nhìn Hà, Sa bảo:

– Anh đến ngồi gần đây cho ấm…

Dưới ánh lửa bập bùng, mặt Sa đỏ lên, mắt long lanh sáng. Ðược một lúc, Hà ngả mình nằm bên cạnh Sa. Nàng cứ ngồi như thế. Lát sau, nàng nằm xuống, người rúc nhẹ vào người Hà, miệng nói:

– Cố ngủ một lát. Sáng ra, phải xuống xem Freddy có gặp chuyện gì không?

Không trả lời, Hà lẳng lặng cảm nhận hơi ấm đến từ thân thể Sa. Chàng bỗng lại nhìn thấy cái ngấn cổ tròn lẳn, trắng bóc, dưới mái tóc huyền vấn cao. Nhưng đầu cứ chập chờn câu hỏi phần hồn ở đâu, Hà chợp mắt, quên mất thể xác mình bên cạnh đống lửa đã bắt đầu thành than chập chờn đỏ.

*

Sáng hôm sau ngày ba người đi vào nhà cụ Hênh là một sáng đẹp trời. Khách sạn vắng lặng, chỉ một mình André ngồi trong phòng ăn, đầu óc rối bù trước những vấn đề phải giải quyết. Hãy xử sự trước hết như một người chồng có vợ bị bệnh, André tự nhủ. Rồi sau, như một người thầy thuốc. Và thôi, đừng hỏi tại sao nữa! Nền y học phương Tây không phải lúc nào cũng cho phép hỏi câu hỏi đó. André lẩm nhẩm: “… phải về Hà Nội lo việc giấy tờ, rồi lại trở lại đây. Như thế chắc bắt buộc đóng cửa phòng mạch thêm hai tháng. Hoặc là tìm người thế mình… Về chuyện Marthe, khai nàng bị bệnh – không phải bệnh tâm thần – với cơ quan nàng đang làm việc để xin nghỉ thêm, thời hạn không nhất định”. Ra ngồi trên tảng đá cạnh Mộ Bướm, André hít khí trời vào đầy lồng ngực, nhìn ra cổng khách sạn.

Ðâu đây đã thấp thoáng bóng những người đàn bà H’mong đi rao bán hàng thổ cẩm. Ðầu quàng khăn đỏ, khăn xanh, mắt nhìn lấm lét đến tội nghiệp, họ rảo qua bước lại nơi có du khách tựa như quả chuông lúc lắc trong chiếc đồng hồ cổ có lộng kính. Từ ngày họ đến khách sạn réo gọi Marthe là công chúa, công an thị trấn Sapa lảng vảng quanh đây, xua họ đi mỗi lần họ mon men vào cổng. Họ chỉ cười chịu đựng, bước ra xa, một lúc sau lại vòng trở lại.

Cánh cổng cọt kẹt mở. Freddy lách vào, vai đeo ba lô, mặt mũi phờ phạc. Không thấy Hà và Sa, André đứng dậy hỏi:

– Hai người kia đâu?

– Về sau. Freddy nói cụt lủn.

– Thế nào, André cố giấu giọng diễu cợt, anh có tìm được hồn cha anh không?

Freddy đứng sững lại, nhìn chăm chăm vào mắt André, nghiêm mặt đáp:

– Hồn cha tôi! Tôi không biết. Lạ là hồn tôi, tôi không định tìm nhưng lại thấy…

Nói xong, Freddy quầy quả bước vào khách sạn và lên phòng. Nhìn quanh, chàng thấy nó xa lạ, mặc dầu đã sống ở đây đến hơn một tháng. Freddy mở tủ, xếp quần áo vào túi ba lô. Cơm trưa xong, có chuyến xe hàng đi Lao Cai. Từ đó, chàng có thể về Hà Nội.

Mở vòi nước trong phòng tắm, Freddy hứng những giọt nước nóng hắt từ chiếc vòi bông sen xuống đầu, xuống cổ. Cái nhớp nháp đêm qua trôi tuột đi, nhưng nhắm mắt lại, Freddy lại có cảm tưởng như mình đang hứng những giọt nước mưa dưới vực sâu cạnh mỏm Vềnh tối qua. Nắm sợi chão, chàng tuột xuống cho đến khi chân đụng vào mặt đất lổng chổng đá chàng mới chiếu đèn pin nhìn quanh, rồi dò dẫm chống gậy bước. Ðáy vực ẩm, mùi lá mục xông lên. Mặt đất lơ lửng những cụm sương trắng hư ảo lờ mờ che phủ. Tay rút dao, Freddy bặm môi đi sâu vào. Vực lúc một tối. Ánh đèn pin loang loáng ngang dọc. Freddy vẫn bước tới, nhưng bỗng linh cảm mình đang bị rình rập.

Chiếu đèn lên vách đá, chàng thoáng thấy một bóng đen vụt qua, tiếng động nhẹ nhưng vừa đủ để chàng cảm nhận. Phải tiếp tục, Freddy tự nhủ. Khuất sau một mô đá cao, một dải lân tinh xanh lè chớp sáng. Chắc là xương. Xương có chất phosphore, loé lên trong bóng tối. Cắn răng, Freddy khua gậy đập vào đá chan chát, dò dẫm bước tới. Qua khỏi mô đá, lân tinh sáng hẳn một góc, nhưng xung quanh vách đá những viên bi đỏ lừ hay vàng khè rừng rực chiếu vào mắt chàng. Freddy hoảng sợ, quét đèn pin soi. Khỉ, toàn là khỉ. Chúng nhe răng, kêu eng éc rồi chạy, tiếng chân rào rào. Khỉ to, khỉ nhỏ. Có những con dộc cao như trẻ lên mười, tay chân lông lá, quơ vuốt lên như sắp tấn công. Freddy gầm lên, rú lên để tự vệ. Chàng gào to, tay gậy đập liên hồi, tiếng chan chát. Lùi ra, Freddy vấp vào một mô đá, ngã xuống. Chiếc đèn pin văng đi đâu mất, đèn tắt ngủm. Freddy lại rú lên, rồi cứ tìm những chỗ có ánh sáng chạy tới. Chàng vấp ngã, lại đứng lên, lại chạy, tai nghe tiếng gọi “Freddy, Freddy”. Tiếng gọi vọng lại từ những vách đá, trùng trùng điệp điệp đập vào nhau, vỡ toang ra, ù ù luân chuyển. Thở hổn hển, cổ họng như bị nghẹn, Freddy kêu ừng ực. Rồi cứ thế, tiếng khỉ kêu xa dần. Tiếng gọi tên chàng cũng tắt lịm. Trước mặt, lần lên dốc, đường sáng dần. Mất hết phương hướng, Freddy chẳng còn biết chỗ nào là chỗ có sợi dây chão thòng xuống vực. Chàng cứ theo nẻo có ánh sáng, quên cả bộ xương cha chàng nếu có đây thì nằm trong đống xương khỉ óng ánh lân tinh.

Cứ quanh co bước hàng giờ, Freddy ra khỏi vực khi trời tối như mực. Ngửng mặt nhìn lên, không có đến một ngôi sao giúp chàng định hướng. Lúc đó, mưa lại rơi. Chàng mở ba lô, tìm la bàn rồi đánh diêm soi. Sau đó, chàng nhắm hướng làng Dao Tiền bước. Một lát sau, mũi chàng thoáng thấy mùi củi đốt thoang thoảng theo gió bay lại.

Nhìn đống than hồng cháy từ xa, Freddy mừng rỡ. A, thì ra nhân loại vẫn đâu đây, cạnh bờ vực có những bộ xương khô của cả người lẫn khỉ. Bước đến gần, Freddy dần dần nhận ra mỏm Vềnh. Dưới cái áo mưa căng làm bạt, một người con gái nằm rúc vào lòng một người đàn ông, trên thân có đắp một cái áo mưa khác. Họ đang ngủ.

Ngồi xuống, Freddy lẳng lặng nhìn. Một cơn giận dữ bắt lửa rồi bùng bùng cháy trong lòng chàng. Trời ơi, ta bị lừa. Lừa trên mọi phương diện. Tiền, thôi thì bỏ. Nhưng tình, bỏ được không? Nhưng ai bảo nàng đã nói yêu ta? Nàng chỉ muốn có một cái hợp đồng qua Mỹ, thế thôi. Bây giờ, cái điều kiện thứ hai ấy, nó còn giá trị gì? Hình như nàng cũng chỉ tạo ra cái điều kiện đó với một mục đích nào đó. Phải, có lẽ là để quyến rũ anh chàng đang nằm ôm nàng trong tay. Freddy nghiến răng “Khốn nạn… đồ đểu!”, mặt nóng bừng bừng, mắt toé lửa. Và không biết tự lúc nào, chàng đã rút con dao đi rừng ra cầm tay. Nắm cán dao bằng hết sức mình, miệng nghiến kèn kẹt đến có thể gẫy cả hàm răng, Freddy từ từ đứng dậy…

*

Mẹ Sa không biết tiếng Anh, phải gọi đứa cháu bên hàng xóm đến tính tiền phòng cho Freddy. Xếp ba lô, túi du lịch vào góc hàng hiên, Freddy ra lẳng lặng nhìn Mộ Bướm. Ngửa tay xem đồng hồ, chàng nghĩ ngợi rồi đi ra, nhắm hướng chợ Sapa bước. Khi về, chàng mang để trên mộ một bó hoa tươi, ngồi xuồng tảng đá bên cạnh, mắt nhìn lên đỉnh Hàm Rồng.

Chỉ một lát nữa, chàng sẽ trả lại cho Sapa tất cả. Những cánh bướm khô dưới mộ. Cuộc cầu cơ gọi hồn. Sa và cái điều kiện thứ hai. Chàng trả lại tất cả, và chỉ giữ được một niềm thanh thản từ lâu chàng không có. Niềm thanh thản đó bỗng dưng nay trở thành điều tự nhiên, như mây trên kia, gió dưới này, và như những cánh hoa cẩm chướng vừa đặt trên nấm mộ còn tươi màu đất. Rút cây sáo ra, chàng kê miệng thổi. Một lần cuối cùng, chàng thổi cho Sapa đoản khúc thánh thót của Benda, thanh âm quyện vào tiếng chim, mang lại một niềm an bình cứ ngỡ chẳng bao giờ còn thấy được.

Nghe tiếng sáo, André bước ra. Ngạc nhiên, André nhìn hành trang xếp ở hàng hiên, hỏi:

– Ði à?

– Ừ, về nhà thôi, Freddy cười.

Ngẫm nghĩ thế nào, Freddy bật miệng lập lại: “Về nhà thôi!”, rồi nhìn André nháy mắt. Lúc đó, mẹ Sa bước ra, giúi vào tay Freddy một cái khăn to bằng hai bàn tay trên có thêu những hàng chỉ vàng, miệng cười:

– Kỷ niệm, sô vơ nia…

Tay vỗ nhè nhẹ vào vai bà, Freddy ngọng nghịu nói bằng tiếng Việt:

– Kâm ân.

André bỗng chợt xa vắng:

– Tôi cũng muốn về. Nhưng không về ngay được!

Freddy nghĩ đến Marthe, nhìn ra mộ bướm, tưởng đến những linh hồn được giải phóng khỏi những cánh bướm khô nay chắc đã rã mục ra trong lòng đất ẩm. Chàng nhớ lại lời chàng từng nói với André, cái ta là, nó tổng hợp trong sự hành xử của ta. Hành động chỉ ra bản thể, còn lại chỉ là sự tưởng tượng với thứ ngoa ngôn nhân loại này quen dùng để ngụy trang mình. Chàng nắm lấy bàn tay André, bóp mạnh, nói rất thành thật:

– Chúc anh may mắn! Rồi Marthe sẽ về, hãy kiên nhẫn…

Xe hàng từ từ lăn vào đỗ trước cửa khách sạn. Anh lơ xe mồm gọi, tay vẫy, nhảy tót xuống. Cùng người lơ xe chất hành lý lên, Freddy quay lại nhìn. Mẹ Sa đứng bên hàng hiên giơ tay vẫy. André đứng cạnh Freddy, nói bùi ngùi:

– Home, sweet home(36)

Xe chuyển bánh. Freddy thò đầu ra, tay vẫy, miệng nghẹn ngào đắng chát. Xuống cuối dốc Freddy không nhìn thấy khách sạn nữa, nhưng hình ảnh Sa lại hiện về như một lời nguyền rủa trong đám bụi mù bay tốc lên dưới bốn chiếc bánh xe. Chúng thản nhiên lăn tròn những vòng luân hồi chở đi nỗi gì như một sự cộng nghiệp.

*

André vào phòng cắm cúi viết, không biết là đơn từ hay thơ. Sáu giờ sáng ngày mai, chàng sẽ lấy xe về thẳng Hà Nội, quãng bảy giờ tối thì tới. Sáng sau đó, André lẩm nhẩm tính, vào sứ quán khai báo. Việc còn lại mất bao nhiêu thời giờ thì không biết được. Nằm lăn ra giường, André úp mặt vào chiếc gối Marthe vẫn dùng. Mùi tóc nàng thoang thoảng ùa vào mũi làm André ứa nước mắt. Hai mươi năm chung sống với Marthe trải ra, nhưng trộn vào nhau những ngày vui buồn, từ khi chàng học năm cuối cùng y khoa, còn Marthe mới học năm thứ hai Fac des Lettres ở Sorbonne(37). Khi André nói với mẹ là chàng muốn lấy Marthe, bà bảo: “… mais elle est indochinoise(38)“. Cáu lên, André đáp sẵng “Elle est française!(39)“. Mẹ André làm áp lực, bảo “… je vais te déshériter!(40)“. André cáu lên “Je m’en fiche! Gardes ton héritage(41)…”. Marthe không hề biết, và cho đến nay vẫn chưa biết chuyện này. Nàng hồn nhiên, thường rất thực tế. Nhưng sao tự nhiên nàng bây giờ chìm đắm vào một giấc mơ của vị công chúa mang tên Vàng Sao?

André thiếp đi. Vàng Sao đầu vấn khăn đỏ, quấn áo chẽn màu tím, yếm hồng, váy vàng, tai lủng lẳng đeo những vòng khuyên bằng bạc ròng kéo hai tai nàng trĩu dài xuống. Nàng nhìn André cười, hàm răng nay bọc vàng hệt như răng Lùng Thầu hay răng Trúng Truổ, chói lóe lên dưới ánh mặt trời. André đến gần, Marthe lại lùi ra xa, tay đưa lên trước ngực, ý bảo chàng ngừng lại. “Em là vợ anh cơ mà, Marthe ơi!” André kêu lên. Vàng Sao quay lưng bỏ chạy. André đuổi. Nàng thoăn thoắt, nhắm đỉnh núi chạy lên. André gọi: “Marthe! Em điên à! Ngừng lại…”. Vàng Sao ngoái cổ lại, cười ma quái, nói như trẻ con chơi trò đuổi bắt “Ha ha…không bắt được đâu!”. André lại cắm cổ lao về phía trước, chân vắt lên cổ, vừa chạy vừa gọi tên Marthe.

Lên đến đỉnh núi, Marthe không còn chỗ chạy, đứng chơ vơ trêm mỏm đá, chung quanh là vực thẳm sâu nhìn chóng mặt. Marthe vẫn giơ tay ra trước ngực, miệng nói “Đừng xáp lại!”. André dừng chân lại, thở hổn hển: “… Được! Nhưng lại đây, Marthe!”. Cười lên the thé, Marthe gào:

– Ta là Vàng Sao, công chúa H’mong bị thực dân Pháp bắt. Marthe không có. Hoặc có, chỉ là ảo ảnh của Vàng Sao.

– Em ơi… Cẩn thận! Cái vực sâu, lùi xa ra!

Lùi xuống, André vừa giơ hai tay lên trời, vừa lặp lại. Ðứng trên mỏm đá, Marthe lại cất tiếng cười, rồi hát: “Không bắt được ta đâu…”. Bất ngờ, Marthe tung chân nhảy. André hét lên: “Marthe, Marthe!” thì một bàn tay nắm lấy vai kéo lại. Miệng vẫn ú ớ, André mở mắt ra ngơ ngác. Sa đứng đầu giường miệng nói:

– Ông hét to quá, tôi vừa về nghe thấy, vội chạy lên xem… Có gì không?

André ngồi dậy, thẫn thờ đáp:

– Không, không có gì thật. Tất cả chỉ một cơn ác mộng, thế thôi!

*

Sáng tinh mơ, Hà tuột xuống vực tìm Freddy nhưng không thấy, lại leo lên. Sa về làng Dao Tiền, rồi cụ Hênh theo ra cùng dăm kẻ trai trẻ. Họ lại xuống, kêu tên, rồi lùng khắp nẻo. Một người nhặt được chiếc đen pin. Một người khác, chiếc gậy. Sa tái mặt, tự hỏi “phải làm sao?”. Sa rùng mình nghĩ đến những tai ương với đám công an. Nếu tìm ra xác Freddy, cứ báo là tai nạn. Nhưng không, Freddy lại mất tích. Ðó mới là chuyện. Ăn nói thế nào đây với công an? Anh ta đi đâu? Sống hay chết? Cái thói gì cũng đổ là CIA, là gián điệp, tình báo tất nhiên sẽ gây họa cho Sa, cho Hà, và cho cả cụ Hênh. Cụ cuống lên, nằng nặc trả Sa một trăm đô cụ lấy của Freddy, và nhất định nói là chưa bao giờ gặp người du khách Mỹ nào bao giờ. Sa bực mình, giằng lấy tiền. Sa bảo Hà:

– Anh quốc tịch Mỹ, chắc khỏi lo.

Hà giãy nảy:

– Về đây, gốc Việt là lại thành người Việt, quốc tịch nào cũng vậy!

Sa bĩu môi:

– Anh cứ nói thế! Tại sao giá khách sạn, máy bay, xe hỏa, họ lại tính anh bằng giá người nước ngoài?

Hà lắc đầu, miệng bảo:

– … thì họ tham tiền.

– Tham tiền! Ðúng. Rồi họ nhân dịp này sẽ làm tiền anh…

Cụ Hênh nhìn Hà, khẩn khoản:

– Ông nói là chưa bao giờ gặp tôi nhé!

Hà không trả lời, quay sang nói với Sa:

– … về thôi!

Cả bọn lại quay ngược đi vào làng, suốt dọc đường không ai nói một câu. Sa lầm lì, không chào cụ Hênh, tiếp tục đi ra quốc lộ. Bắt xe hàng về đến Sapa, Sa thỉnh thoảng thở dài, tay mân mê cái đèn pin, mắt nhíu lại.

Khi đẩy cổng khách sạn bước vào, Sa chạy ngay xuống bếp. Mẹ Sa bảo:

– Ði đâu mà đi qua đêm thế!

– …

– Freddy đi rồi!

Sa trợn mắt:

– Ai, Freddy?

Mẹ Sa kể là Freddy về lúc sáng tinh mơ, tắm rửa rồi mua vé xe về Lào Cai. Sa thở ra. Trời ơi, thế là không phải lo. Mẹ lại bảo:

– Freddy có để lại một bức thư tạm biệt con, đây này.

Khi chìa tay ra lấy bức thư, Sa nghe tiếng André kêu rống lên. Sa vội vàng tung cửa chạy lên phòng André, vừa gọi vừa lay cho đến khi André tỉnh ngủ. Nàng bước ra, đúng lúc gặp Hà cũng chạy xồ sang. Hà hỏi:

– … gì thế?

Sa mỉm cười:

– Một cơn ác mộng của André. Nhưng với mình, có tin vui: Freddy chẳng mất tích đâu, đã rời khách sạn sáng sớm và lấy xe đi Lào Cai rồi. Không hiểu sao mà vội thế? Lại làm thế nào anh ta mò về Sapa được? Thật là quái!

Giơ tay chìa bức thư, Sa vui vẻ:

– Freddy có thư đây, nhưng Sa chưa đọc.

Nói xong, Sa về phòng mình. Cơn lo lắng đã qua, Sa bình tĩnh ngồi xuống góc giường, tay bóc phong thư dán kín. Ðọc vài chữ, nàng nhăn mặt đứng lên tìm cuốn từ điển Anh Việt, vứt xuống giường. Sa nằm sấp người, mở bức thư của Freddy, miệng lẩm bẩm đọc:

” … cái đống xương dưới đáy vực óng lên lân tinh bỗng nhiên vô nghĩa, dẫu là xương khỉ hay xương người, kể cả xương cha tôi mất tích trong khu vực này hơn hai mươi năm về trước. Tôi theo nơi có ánh sáng, xông bừa tới, không dám nghe tiếng kêu thất thanh của khỉ và nhìn những cặp mắt đỏ loét, xanh lè hay vàng bệch lóe lên trong vực tối như săn đuổi tôi. Cứ thế, tôi leo lên vực, chỉ còn một mục đích là ra khỏi đấy. Tôi quên hết, quên cả câu hỏi tại sao bay thám thính quá tầm cao xạ mà máy bay của cha tôi lại bị tên lửa bắn rớt.

Lên được trên, tôi theo mùi củi cháy đi tới. Ðến cạnh đám than hồng thỉnh thoảng lửa tàn leo lắt lại bùng lên cháy, tôi thấy cái cảnh cô nằm trong vòng tay Hà… Tôi ngồi nhìn cả tiếng đồng hồ, tay đã rút con dao đi rừng ra. Cái ước muốn đầu tiên, tôi ước cầm dao đâm một nhát vào cổ Hà. Dĩ nhiên, hắn vùng dậy. Cô ngồi lên, tôi sẽ đâm thẳng vào tim cô. Máu chạy rần rật, tôi có cảm tưởng tôi sẽ rất hạnh phúc khi những nhát dao tôi đâm lút vào cơ thể cô, cơ thể Hà, cho máu phụt ra có vòi, nhuộm đỏ cái mỏm Vềnh đầy oan nghiệt này.

Nhưng không biết vì lẽ gì, tôi cứ chần chờ. Chần chờ một lúc, tôi tự hỏi vì sao tôi phải giết người. Vì tôi ghen? Tại sao ghen? Vì tôi yêu em? Yêu, rất có thể. Nhưng giết người vì tình yêu là một điều khác. Nếu ai cũng làm thế khi thất tình thì nhân loại đã tận diệt từ lâu. Thế thì vì sao? Nghĩ mãi, tôi mới hiểu, có thể vì tôi là một thằng hề đang làm trò cười cho cô, cho Hà, cho cả cụ Hênh. Một thằng thành hề vì bị lừa, hệt như cha tôi bị lừa, như người Mỹ bị lừa ở Việt Nam. Ðể cứu vãn danh dự, phải xóa sạch cái trò cười kia, và đối với người Mỹ thì dễ nhất là bắn phá, bỏ bom. Với tôi ở phút này, dễ nhất là rút con dao ra, giải quyết bằng bạo hành. Và khi cán dao đâm lút vào, tôi không phải là thằng hề nữa mà là một kẻ tình si đến độ không còn lý trí. Nhưng như thế, vẫn hơn một thằng hề chứ, phải không?

Cầm dao, tôi đứng dậy. Ðúng lúc đó, cô cựa mình, miệng nói mê ú ớ. Rồi cô xoay người, mặt hướng về đống than cháy dở. Tôi khựng người lại. Bộ mặt một con người mới bình thản làm sao khi ngủ. Lại là bộ mặt một người tôi yêu (hay ít ra, tôi đang ngờ là thế). Tôi bất lực, lại ngồi xuống. Cái gan sắt đá giết người là cái tôi không có.

Lúc đó, tôi chợt thấy câu trả lời hiển nhiên: cha tôi chỉ bay thám thính chứ không bỏ bom. Ðiều này là sự thật. Bởi nếu cha tôi bỏ bom thì tôi, con ông, đã có cái khả năng đâm lút con dao này vào cổ Hà, vào ngực cô, nơi đúng ngay tim. Nhưng không, tôi không làm được. Tôi không làm được vì cha tôi cũng đã không làm được. Cha con tôi là Americans, nhưng không cứ bắt buộc là người Americans, như kiểu người ta thường định kiến với người Mỹ chúng tôi…

Tôi đứng dậy, lẳng lặng tìm đường về trong đêm sâu, lòng nhẹ nhàng mặc dầu có gì như một sự chua xót vẫn cứ đâu đó theo tôi từng bước. Dần dà, tôi biết, dẫu chưa thấy xác, tôi đã tìm được cha tôi rồi. Ơn Thiên Chúa!”.

*

Hà thức giấc khi chim chóc ríu rít ở đâu về đậu trên cành cây đầu cửa sổ phòng chàng. Chàng nằm nán, mắt hé nhìn ánh nắng mai tươi vàng, tai cố phân biệt tiếng chim chích choè, chim chào mào, và hình như có cả tiếng chim quyên. Rồi bật dậy, Hà tìm cuốn sổ tay, viết vào “Hôm nay có nắng. Những ngày mỏi mệt trôi qua đi, cứ như nước sông ra biển. Và tôi ở lại, thênh thang trên bờ cát chạy tít tắp đến chân trời mới. Lòng tôi như gió sớm, lồng lộng nỗi yêu thương tôi tưởng đã đánh rơi mất phương nao…”.

Xuống nhà, phòng ăn trống trơn. André đã về Hà Nội và nay Hà là người khách độc nhất. Sa bước từ bếp lên, tươi mát trong bộ quần áo lụa màu mỡ gà, mắt long lanh, nói đùa:

– Khách đông. Xin ngài đợi cho, chúng tôi sẽ sắp chỗ.

Vừa cười, Hà vừa giả vờ lách đi như tránh giữa đám đông người, đi lại chiếc bàn con đặt dưới bức tranh “Cây đa nơi đỉnh miếu”. Ngồi xuống, Hà nghịch ngợm bảo:

– Du lịch thành công thế này, chẳng mấy chốc mà ta giàu cả lên đấy!

Sa nhìn bức tranh, đáp:

– Lúc đó, chặt hết đa rồi đập miếu ra thành bình địa để xây khách sạn. Loại Tây ba lô như Freddy, xin mời đi chỗ khác…

Như chợt nhớ ra, Sa hạ giọng, bí mật thì thào:

– Anh chưa đọc bức thư của Freddy gửi cho Sa!

Nói xong, Sa quay ngoắt đi, mắt nheo lại, cười khúc khích:

– Nhưng chả cho anh đọc đâu, bí mật riêng tư mà!

Một lát sau, Sa bưng thức ăn điểm tâm ra, tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh Hà. Mắt nhìn đăm đăm, Sa nói nhỏ:

– Anh mà đi thì ở đây buồn lắm. Chắc rồi cũng phải dẹp cái khách sạn này. Khách khứa không như những năm trước, giờ thỉnh thoảng lắm mới lại có một đoàn…

Sa bỗng bật cười:

– Hay là anh ở lại đây luôn đi. Ở với Sa cho vui. Về Mỹ làm gì? Anh bảo anh giàu rồi mà. Với lại, gặp anh bên Mỹ chắc khó lắm. Freddy xé hợp đồng rồi…

Lẩm nhẩm, Hà vuốt tóc, miệng nói:

– Anh chàng ta có vẻ si lắm, xé thế nào được mà xé?

Không đáp, Sa lẳng lặng chìa cho Hà bức thư Freddy viết. Hà ngần ngại, nhưng cũng mở ra. Vừa đọc, mắt Hà vừa cau lại. Ðọc xong, Hà đánh một câu “Thế à!”, rồi lôi tẩu ra nhồi thuốc. Nhìn khói thuốc bay lên, Sa cười chua chát:

– Hụt chuyến đi Mỹ rồi! Thôi để kiếp sau – Sa nuốt nước bọt, hạ giọng – Nhưng Sa chỉ trách nhiệm một nửa. Nửa kia thuộc anh. May mà nó không đâm cho chết…

Chưa kịp nói gì, Hà nghe giọng Sa tức tưởi:

– … nhưng giá chết đi, lại yên chuyện. Khỏi vấn vương cái gì…

Hà không ngờ bị buộc vào một cái vòng trách nhiệm, nhưng lấn cấn không biết nói sao. Sa nói sõng sượt, nhẹ như thở:

– … và khỏi vấn vương ai.

Mẹ Sa dưới bếp loẹt quẹt bước lên. Bà cười, nói với Hà:

– Khách đi hết. Bao giờ ông đi?

– Dạ, chắc vài ngày nữa.

– Cảnh xem cũng chỉ có thế. Khi ông đi, chỉ còn hai mẹ con và lại vào lúc thưa khách, chắc chúng tôi đóng cửa ít lâu.

Sa ngắt lời mẹ:

– Không, bán hết. Ðóng cửa luôn!

Chỉ tay lên đỉnh Hàm Rồng, Sa cười:

– Hôm nay nắng, lên Hàm Rồng anh sẽ thấy đỉnh Fanxipan. Anh muốn, trưa nay Sa dẫn đường cho anh. Anh là vị khách duy nhất, khách sạn phải chiều để giữ chứ! Nhớ mang máy quay vidéo. Nắng trong thế này, lên hình cực đẹp.

*

Hà bước ra khỏi khách sạn, đi dạo một vòng, lại vào nhà thờ bên hông chợ. Ðứng dưới mái hiên chàng nhớ lại buổi tối ngày đầu trên đất Sapa. Chàng nhớ đêm say rượu rắn đầu áp vào ngực một người đàn bà, rồi bài hát của anh chàng người H’mong thất tình gảy đàn ghim bác. Lòng chợt mất đi sự thanh thản mới bắt gặp sáng nay, Hà ngước mắt tìm đỉnh Fanxipan vẫn ẩn hiện sau đám mây lững lờ trong gió. Cái chàng kiếm tìm vẫn chưa định hình, vuột đi như bóng cây thập tự chênh chênh dưới nắng, méo mó dần theo chiều quay của trái đất rồi biến mất hẳn khi gió xua cho mây bay ngang.

Chàng về khách sạn ăn cơm trưa. Sa không ra tiếp, khiến ngồi ăn một mình chàng thấy thiếu thốn và cô đơn. Cuối bữa, Sa ra bảo Hà cứ lên Hàm Rồng trước, thế nào nàng cũng lên, nhưng sau ba giờ trưa vì nàng còn đợi điện thoại từ Hà Nội về báo khách.

Khi Hà lên đến con dốc chàng đã cùng Sa tụt xuống ngày trước, nắng bỗng nhạt đi và gió ở đâu thổi mây ngùn ngụt bay về. Ði theo lối xưa, Hà dấn bước, chạnh nghĩ đến Marthe mới hôm nào còn nhờ chàng chụp ảnh. Cũng từ buổi đó, cái ngấn cổ trắng tròn trên mái tóc vấn cao thỉnh thoảng lại chập chờn ám ảnh mê hoặc chàng. Ðang mải miết, có tiếng gọi tên Hà và tiếng cười lanh lảnh:

– Lên đây! Ðố bắt em đấy. Nhanh lên.

Nghe tiếng Sa, Hà mỉm cười. Cô bé chắc vẫn tính trẻ con, tạo ra sự bất ngờ nào đó để trêu chọc. Lòng vui lên, Hà hỏi to:

– Bắt được thì sao?

– Còn sao nữa! Muốn gì được nấy, ha ha…

Hà theo hướng tiếng Sa nói, cắm đầu chạy lên. Ðến một khúc núi, cây cối um tùm, nhìn không thấy lối chân đi, chàng nghe tiếng Sa vừa cười vừa gọi:

– Ðây, em đây cơ mà!

Giỏng tai nghe ngóng, Hà biết Sa có thể đang nhìn mình, nhưng mình lại không thấy Sa. Chàng mỉm cười, cúi rạp xuống, rồi lẩn trong đám lá cây chằng chịt, cố gắng giữ không phát ra tiếng động. Lát sau, y như rằng, Sa kêu:

– Anh ở đâu? Xuống núi rồi sao?

Hà nhịn cười, từng bước bò đến, nhẹ nhàng như một con trăn trườn mình trong cỏ. Tiếng Sa đã gần, gần lắm, như sát một bên. Hà im lặng đợi. Sa lại kêu:

– Thôi không chơi trốn tìm nữa. Sa chán rồi!

Hà nhào ra, quát:

– Thế à!

Chàng đứng sững lại, mắt trợn trừng, mồm há hốc. Trước mắt Hà, Sa lõa lồ, không có đến một mảnh vải trên người. Thân thể nàng trắng, nhẫy nhụa, long lanh sáng lên. Lấy tay che ngực, Sa quay mặt, mái tóc dài đen huyền rơi xuống bờ vai, phất phơ theo gió dập dìu, chẳng khác gì chuyện Liêu Trai mà Hà đọc từ thuở còn nhỏ. Hà bước tới, mặt nóng rừng rực, phía dưới cơ thể căng ra như phá cho tung mọi thứ ràng buộc. Sa quay lưng lại. Ðộ cong của lưng vẽ trên màu xanh của rừng cây một nét tuyệt vời. Ôm lấy vai Sa, Hà nhẹ nhàng quay người nàng lại.

– Ðừng, cha ơi!

Âm thanh vừa nghe nổ xé ra như tiếng sét bổ vào đầu Hà. Sa đem cha nàng gán vào hình hài và thân thế chàng. Thì ra chàng không có thật. Thì ra chàng chỉ trước sau là cái hình nộm đặt trên thửa ruộng vào vụ gặt để đuổi những con chim sẻ đến ăn chực những hạt lúa mót từ một mối tình giữa đứa con gái với người cha sinh ra mình. Hà lùi lại. Hà đột nhiên thấy người con gái trần truồng trước mặt cũng chính là con gái mình đẻ ra rồi một ngày nào đi lạc mất. Mọi dục vọng bỗng nguội tanh như cốc nước lã để trong tủ lạnh. Sa tiến lên một bước. Hà vẫn lùi, rồi buồn bã, lắc đầu, thẫn thờ buột miệng:

– Có ai nghe thấy cái tiếng ấy nó vọng về đây không?

Sa hụt hẫng, chân không còn chỗ tựa. Nàng cắn răng vơ quần áo cắm đầu vừa chạy, vừa khóc. Hà ngồi bệt xuống đám lá có gai, tay bịt tai, đầu gục vào gối. Chàng còn nghe văng vẳng, cả hai ba năm sau, tiếng Sa khóc buổi trưa hôm ấy trên đỉnh Hàm Rồng, nơi cha ngày xưa đã định nhưng không thể ngược huyền thoại mang năm mươi đứa con lên núi về với mẹ.

Còn mẹ? Đợi cha, khóc đến mù mắt. Cha ơi, cha…

N.D.

(36) Về nhà, nhà ta.

(37) Đại học Khoa Văn ở Sorbonne.

(38) Nó người Đông Dương.

(39) Nó người Pháp.

(40) Tao sẽ bỏ quyền thừa hưởng của mi.

(41) Đếch vào! Bà cứ giữ hết!

Comments are closed.