Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 43): Nhã Ca – Nụ hồng

Image result for "Nhã Ca"Nhã Ca, tên thật là Trần Thị Thu Vân (sinh 1939).

Nhã Ca sinh trưởng tại Huế đến năm 1960 thì vào Sài Gòn nơi bà bắt đầu viết văn. Trong thời gian 1960 – 1975, 36 tác phẩm của bà được xuất bản gồm nhiều thể loại như thơ, bút ký và tiểu thuyết. Một số tác phẩm của bà lấy xứ Huế làm trọng điểm, nổi tiếng nhất là Giải khăn sô cho Huế (1969) đoạt Giải Văn chương Quốc gia Việt Nam Cộng hòa năm 1970.(tái bản ở Hoa Kỳ năm 2008). Cũng vì nội dung trong những tác phẩm của bà, sau năm 1975, Nhã Ca bị chính quyền giam hai năm vì tội “biệt kích văn hóa”.

Do sự can thiệp của hội Văn Bút Quốc tế phối hợp với hội Ân xá Quốc tế và thủ tướng Thuỵ Điển Ingvar Carlsson, bà được sang Thuỵ Điển tỵ nạn. Năm 1992 bà cùng gia đình sang California định cư và lập hệ thống Việt Báo Daily News tại Quận Cam.

Tại hải ngoại, bà tiếp tục sáng tác, như:

1. Hồi ký một người mất ngày tháng (1990)

2. Đường Tự Do Sài Gòn (2006)

Giải khăn sô cho Huế được giáo sư sử học Đại học Texas A&M, Olga Dror, dịch sang tiếng Anh với tựa Mourning Headband for Hue (2014).


N hng


Lúc bước xuống đường, để sang bên kia trạm bus, ông cụ hoảng quá. Đèn bật xanh lè, cụ lụm cụm chạy.

Tuổi già tệ thiệt, cụ chạy mà không bắt kịp mấy người cùng băng sang đường với cụ. Bước chân họ như dài gấp đôi bước chân cụ. Soạch một cái, cụ bị rơi lại đằng sau. Đèn chớp vàng cùng với cái bảng cấm chớp đỏ lên cùng lúc. Ông cụ còn quýnh quáng hơn, muốn vấp té. Đã vậy, một chiếc xe hơi vọt tới, như muốn đâm thẳng vào người ông. Ông cụ nhắm mắt, tưởng giây phút về chầu tổ tiên đã tới. Nhưng khi mở mắt, thấy khoảng cách lề có một bước chân, cụ vội nhảy đại lên. Giờ mới yên tâm thở được.

Ngồi xuống ghế, hít thở đã đời, cụ vẫn chưa hết cơn sợ hãi bàng hoàng. Cái xứ Mỹ này lạ đời, không giống ai. Xe ở đâu mà nhiều vô số, còn hơn cả châu chấu ở quê cụ mỗi lần có nạn mất mùa. Đường trong, đường ngoài, xa lộ, ôi thôi, cái dòng xe chạy miết không bao giờ đứt đoạn. Khúc đường này, ngay trung tâm phố, mà kìa… Cụ ngó. Xe chạy loạn xạ. Mấy cậu thanh niên đi đâu mà như ăn cướp. Lạng qua, lách về, vèo một cái là mất biệt. Con gái lái xe cũng dễ sợ như đàn ông con trai. Chiếc xe hàng chở gì mà to kềnh, dài ngoằng, cụ vừa thấy cái đầu tóc vàng hoe. Mắt có quáng gà không? Con gái rành rành. Vậy mà xe vòng chữ U, nhanh như con rắn cong chân, bắn về phía trước. Hoa cả mắt. Hai tay ông cụ đang để trên đùi, từ lâu rồi, vẫn không ngừng run lên.

Trên chiếc ghế đợi cụ ngồi một mình, bây giờ đã có thêm hai người. Một người đàn ông da đen và một phụ nữ Mễ. Người đàn bà tới trước, đặt mình cái bịch ngồi ngay cạnh ông cụ. Đàn bà xứ này coi cũng kỳ. Cái vẻ e dè, kéo vạt áo hay váy trước khi ngồi xuống của phụ nữ Á Châu vẫn có cái vẻ dịu dàng, dễ thương mà vô cùng quyến rũ. Còn bà ta, con mụ này, chắc ăn uống cũng bạo lắm nên người tròn vo, như cái keo đựng mỡ. Không biết cả ngày làm việc, đụng độ những gì mà mặt mũi khó đăm đăm.

Người đàn ông da đen tới sau một lát, anh ta không ngồi mà đứng, tựa vào cái cột đèn mé hông ghế. Anh này coi bộ vui vẻ, thấy phụ nữ là cười chào liền. Người đàn bà Mễ chẳng hề có cái nhếch môi đáp lại, mà còn lầu bầu. Gặp đôi mắt ông cụ nhìn, hắn ta lại cười, chào nữa. Còn nhún vai, ra cái điều người đàn bà này đáng chê quá. Ông cụ gật đầu đồng ý. Ông cụ nghĩ đáng ra mình phải chào thành tiếng, như nói đại: Hai. Nhưng rồi ông không mở miệng được.

Sang Mỹ đã năm năm, mỗi lần ông cụ hay bà cụ mở miệng xài thử vài tiếng Mỹ học lóm được thì mấy thằng cháu nội sửa lưng liền: ông (hay bà) nói sai rồi. Nhiều lúc ông bà cụ nghe con cháu nó sửa lưng, ngó nhau, tẽn tò lắm. Có lần ông cụ nói chuyện nước Mỹ với bà cụ: Chỉ có xứ Mỹ này mới dùng cái xe mút-sơ-lin được vì đường sá nó rộng mênh mông. Hai thằng cháu nội cười chảy nước mắt. Thằng con trai chen vô: “Ba không biết thì đừng có nói tiếng Mỹ. Khổ quá, xe Lin-mu-din chớ không phải mút-sơ-lin. Tệ nhất là lúc nhà có khách, ba đừng xổ tiếng Mỹ có được không?”

Hai ông bà già tủi thân và buồn dễ sợ luôn. Nếu còn ở Việt Nam, con của cụ có dám mở miệng với cụ vậy không? Tội nghiệp ngày bà cụ còn sống, vẫn canh chừng, nhắc nhở ông: “Thôi ông ơi. Mình đã bỏ quê cha đất tổ mà đi. Mình mất cái gốc rồi. Ông đừng bực mình tụi nó làm chi, cứ như câm như điếc là xong. Nhà bà cụ Lài kìa, đánh thằng cháu có cái tát, nó biết quay số điện thoại gọi cảnh sát, ông cụ vô tù, thấy chưa? Nhịn đi ông.”

Con giun xéo lắm cũng quằn. Tức quá cũng co lúc phải chửi cha thằng con lên. Thì thằng cha phải chửi cha thằng con chớ ai vô đó nữa. Thằng con thấy cha mình bị lôi ra chửi, cũng đau:
“Ba chửi vậy mà nghe được. Không thấy kỳ cục gì hết sao? Buồn cười. Ba nghĩ coi, lúc ba má còn ở Việt Nam, con cũng có thư về nói rõ đời sống bên này. Không phải ra đầu đường đút cái thẻ vô máy rồi tiền nó chạy ra cho mình tiêu như mấy thằng lưu manh về Việt Nam nói dóc để lừa gạt đâu. Đi cày còn hơn trâu nữa. Ba má cũng nghĩ cho chúng con, cả vợ cả chồng đi làm từ sáng sớm tới tối mịt. Ngày nghỉ cũng ráng đưa ba má đi chùa. Thế còn chúng con có chút nghỉ ngơi nào không? Đời sống ở đây nó sòng phẳng tàn nhẫn. Một tháng tụi con không đủ đóng tiền nhà là nhà băng nó lấy nhà ngay. Ba má hiểu cho tụi con thì mới sống được.”

Còn nói gì nữa. Đêm, hai bộ xương già ôm nhau khóc. Bà cụ: “Biết vậy ở Việt Nam cho xong”. Xong đâu được với ba thằng Cộng sản. Nhà cửa ruộng vườn của nhà nước lâu rồi. Trẻ còn sức lao động, làm thí mạng không đủ ăn, huống chi già. Con cái nó gửi thùng quà về cũng đau lòng lắm. Có chút hơi hám quà Mỹ là anh em, mẹ con, thân quyến cũng lừa đảo, trở thành kẻ thù của nhau. Thì cộng sản nó muốn cả nước như vậy, cứ để ý dòm ngó nhau, để nó tiện bề cai trị, dễ bề vơ vét. Dễ ẹc.
Tiếng thở dài trong đêm khuya của ông từ hồi đó như còn kéo dài tới bây giờ. Hồi nãy, khi ngồi bên mộ bà cụ, thắp nhang, ông có lâm râm khấn và nói chuyện với bà: “Bà đi trước mà sướng, bà có biết không? Còn tui, mới thiệt là côi cút, trơ trọi.” Ông nhìn thấy ở dãy mộ bên cạnh, một người đàn ông Mỹ đặt bó hoa lên một mộ bia. Ông cũng mủi lòng lắm. Nhiều lần, đã tính dừng chân lại ở ngoài ngã tư, có một thanh niên Mễ đứng bán hoa, muốn mua. Chỉ có ý định, rồi thôi. Hoa hòe là lối tình tự thời còn trẻ trung. Ở đây, bà đã khô héo mà chết, bỏ ông đơn độc ở xứ lạ quê người. Tình già nó kỳ cục lắm. Ông đã không giận bà bỏ ông mà đi trước khỏe re thì thôi, còn đặt một bó hoa lên để cám ơn chắc? Nghĩ vậy thôi, ông cụ cũng thấy lòng bần thần ân hận, còn một ẩn ức khác trong đời ông, ông dấu bà mãi.

“Bà cứ ngồi đại xuống đi. Còn phải chờ lâu. Bà ngó gì mà ngó hoài vậy?”
Tiếng Việt. Ông ngẩng lên nhìn. Đúng là hai bà cháu rồi. Thảo nào cô cháu phải nói tiếng Việt. Bọn con nít ở đây quên tiếng mẹ đẻ hết trơn. Vô một nhà toàn mũi tetï da vàng, ăn cơm thì phải có rau muống mà con nít chỉ rặt nói bằng tiếng Mỹ, còn cha mẹ ông bà thì ngồi như phỗng đá. Ông cụ đang có cảm tình với đứa cháu nhỏ này đây. Bà cụ, người ở đâu mà trông phương phi quá. Người như thế này, lúc trẻ đẹp phải biết. Coi cái kiểu ké né ngồi xuống, tuy không có vạt áo dài để vén sang một bên, bà cụ vẫn còn giữ nết na thời con gái. Quần đen, áo tơ màu lam sáng, có thêu những cánh hoa nhỏ đồng màu, sang mà giản dị, bà cụ có một dáng dấp thanh nhã, dễ gây cảm tình.

Chỗ bà cụ ngồi sát phía bên ngoài, một chỗ ngồi thì rộng mà hai chỗ thì chật cứng, nên cô cháu đứng. Bà cụ cũng cứ nhích trách xa, sợ đụng chạm với người ngồi chung. Mỗi lần né xích, môi bà cụ mỉm cười như muốn lời xin lỗi. Ông cụ đoán chừng bà cụ này mới từ Việt Nam qua, thấy mắt nhìn còn tò mò, còn nhiều ngạc nhiên, làm gì không biết.

“Ở đây đi đường không như bên nhà nghe ngoại. Muốn qua đường phải chờ đèn xanh, đi đúng lằn vạch, mà phải đi thật mau. Đi qua đường ngoài lằn vạch là bị phạt, mà xe đụng chết còn phải bồi thường cho người đụng xe nữa đó ngoại.”
“Xứ gì mà kỳ. Trên đường hoãn xe, để cho người ta đi băng qua, nội một chỗ qua đường cũng muốn xuội chân rồi.”
“Luật là luật. Xứ Mỹ người đông như kiến, ai muốn làm gì thì làm là loạn. Với lại đi ra đường, ngoại đừng nhìn lung tung. Đi trong parking cũng cẩn thận, xe ra vô ào ào. Ở xứ Mỹ này, phải có bốn con mắt, hai con mắt nhìn không đủ gì hết.”
“Ờ, thì cũng phải một thời gian ngoại mới quen. Ngoại có hai con mắt mà mắt già rồi cũng như đui, cháu.”

Bà cụ nói chuyện ngộ quá. Không phải ông cụ vì có cảm tình mà nói đại đâu. Anh chàng Mỹ đen nghe không hiểu ất giáp gì hết trơn mà cũng ngó ngó hai bà cháu nói chuyện. Chỉ có người đàn bà Mễ là cứ nhìn mông lung ở đâu, trong mắt đầy vẻ nôn nóng. Đàn bà mà, họ có ưa nhau bao giờ đâu. Ông cụ nghĩ vậy.

“Con không có nhiều thì giờ đưa ngoại đi đây đó đâu. Con còn đi học, đi làm. Mai mốt ngoại phải tập đi xe bus, đi đâu ngoại đi phải đi một mình. Ngoại cũng phải biết sơ tiếng Mỹ mới đi ra đường một mình được.”
“Học ba cái tiếng Mỹ, thôi con ơi, cái đầu của ngoại không còn chỗ nào để nhét vô nữa hết.”

Ông cụ muốn bật cười. Ngộ thiệt là ngộ. Cái lối nói chuyện này sao đối với ông chẳng xa lạ gì. Ông đã có nghe. Trong đời, gặp gỡ, quen biết, giao thiệp, đàn bà cũng đếm không hết, chắc giọng nói này cũng đã có trong số đó. Người giống người cũng có. Giọng giống giọng cũng có. Vậy mà lạ chưa, ông cứ bị kéo về cái giọng, cái vẻ của bà cụ.

Chờ một lúc cho bà cụ với đứa cháu gái hết chuyện nói, ông mới hỏi han:
“Chị ở Việt Nam mới qua phải không?”
“Dạ. Mới qua, bác.”
“Ở bên, người ta qua cũng đông. Mà ở đây về bển cũng đông, phải không chị?”
“Dạ. Việt Kiều người ta về đông lắm. Thôi mua nhà cửa, làm ăn hà rầm.”
“Vậy sao chị không ở bển mà qua đây làm chi? Ở đây, chị biết rồi đó, tuổi già như mình nó buồn lắm.”
“Dạ thì cũng biết vậy. Nhưng nhà tui có năm đứa con, đều ở nước ngoài hết. Hai đứa ở Mỹ, một đứa ở Úc, một Canada, còn thằng út thì được tàu Na Uy vớt, bác. Tui ở bển một mình cũng không được.”
“À, ra vậy. Xin lỗi chị, ở bển, chị ở vùng nào?”
“Sài gòn, bác.”
“Cũng xin lỗi nữa, trước quê chị ở đâu?”
“Đà Lạt, bác. Nói là Đà Lạt, nhưng chỗ chính là Tùng Nghĩa. Ông bà già có trại rẫy ở đó.”

Ông cụ hơi giật mình. Đà Lạt rồi Tùng Nghĩa. Cả hai nơi đều vừa nhắc nhở ông, và giòng máu gần khô đặc trong người ông vừa loãng ra, tỏa nhiệt. Còn bà cụ, như có người để khơi dậy thời trẻ trung, vui vẻ tiếp:
“Hồi đó tui lên Đà Lạt học. Được vài năm, có chuyện bỏ học về dưới ở. May chỉ hai ba tháng, dọn về Sàigòn, mua nhà cửa rồi ở luôn. Năm đứa con khai sanh ở Sài Gòn hết, bác. Quên hỏi bác, ở bên nhà, bác người vùng nào?”

Ông cụ mắt còn sáng lắm mà bỗng hấp hem. Hai bàn tay giật giật. Bà cụ tươi cười hỏi tiếp:
“Bác cũng người Sàigòn?”
“Hồi trẻ tui cũng ở Đà Lạt. Tui là học trò trọ học. Sau đó đi tùm lum, bôn ba lắm, chị.”

Bà cụ quay người lại nhìn ông cụ chăm chú:
“Hỏi không phải, hồi đó bác có học trọ ở căn biệt thự Hoa Hồng không?”

Không có con kiến nào cắn mà ông cụ cũng nhổm đít lên một chút. Khuôn mặt ông cụ gầy gò mà xanh quá, khó biết ông cụ có xúc động gì không. Bà cụ hỏi xong, nghiêm mặt chờ câu trả lời.
“À không. Nhưng tui biết khu nhà trọ đó. Tui cũng thường tới lui chơi với bạn hữu. Chị cũng trọ học ở đó à?”

Bà cụ chớp mắt, một thời xa xưa kéo màn mây vẩn đục.
“Tui trọ ở nhà bà con, nhưng tui biết ngôi biệt thự đó. Người ta đồn có ma.”
“Cái gì. Ở đâu ma, ngoại?”
Đứa cháu gái nãy giờ ngóng xe bus tới, giật mình, hỏi. Mắt con bé tròn vo. Bà cụ cười.
“À, ngoại nói chuyện hồi trước, khi ngoại mới lớn. Xưa rồi.”
Cô cháu gái nhíu mày, tiếp tục ngóng phía đầu đường vẻ nôn nóng sốt ruột. Ông cụ ngồi im lặng một hồi lâu, ra điều suy nghĩ lung lắm, rồi quay sang bà cụ:
“Xin lỗi, hồi đó chị có biết một người tên là Nụ Hồng không?”

Bà cụ khi không nắm hai bàn tay lại, bà cụ ngó ông cụ, trong đôi mắt bà, dĩ vãng như vừa lóe sáng.
“Dạ xin lỗi, ông anh đây là… có phải…?”

Ông cụ lại bị kiến cắn, muốn nhẩy nhổm:
“Dạ chị có tưởng nhầm tui với ai không? Bị hồi đó nội cái tên Nụ Hồng cũng đủ các cậu hâm mộ rồi, không có thi hoa hậu mà mọi người đều ngấm ngầm bầu người đẹp là hoa khôi… đó chị.”

Bà cụ cúi mặt:
“Dạ, nhưng tiếc không phải là tui. Tui là bạn chơi rất thân của Nụ Hồng. Bây giờ còn chắc cũng đầu bạc răng long hết rồi ông anh à.”
“Vâng, thời gian mà chị. Xin lỗi ông anh có sang Huê Kỳ không?”
“Dạ không. Tui còn một mình.” Bà cụ cười, hơi nghiêm mặt.

Chiếc xe buýt đồ sộ dừng lại. Đứa cháu gái kéo tay bà cụ dẫn lên xe, người đàn bà Mễ tranh bước trước. Người đàn ông da đen lễ phép nhường bà cụ. Ông cụ lên xe sau cùng. Trên xe họ ngồi cách nhau một ghế. Phía sau, ông cụ nhìn tới, thấy nguyên cái đầu tóc trắng như cước của bà cụ. Ông cụ lắc đầu, nuốt nước bọt. Không thể lầm được đâu. “Em à, cái nụ cười của em, trăm năm sau có gặp, anh vẫn nhận ra”. Tệ quá, mình đã có lỗi với bà ấy, suốt trong cuộc sống vợ chồng êm ấm, nhiều lúc mình đã lẫn lộn nụ cười của vợ là của Nụ Hồng.

Xin lỗi. Bàn tay ông vẫn đặt trên đầu gối, bỗng lại rung lên. Chiếc xe buýt đang chạy băng băng. Trời chiều muộn vì nắng, còn ngập ngừng chưa muốn tắt. Trong đôi mắt đục, lờ đờ, bỗng xa xôi đầy hình bóng kỷ niệm.

. . .

Mưa xối xả. Nước từ trời dội xuống, chia thành hai nhánh, chảy xiết như hai dòng suối nhỏ ở hai lề đường. Chiều mùa đông Đà Lạt, thường bị mưa và bóng tối nuốt rất sớm. Những tàng thông xanh đang biến dạng thành những chùm bóng bí mật, dọa dẫm. Đường phố như không còn ai, chỉ có hai người. Họ đang đi lên con dốc dẫn tới biệt thự Hoa Hồng. Cả hai cùng mặc áo mưa màu sậm nên càng lẫn trong bóng chiều xẫm màu.
“Hai chân em như đang ngâm trong nước. Nó sắp tê cóng hết rồi, anh. Thích quá.”

Họ là một cặp trai gái, người con trai cao hơn cô gái nhiều. Họ đi sát vào nhau. Cô gái trông càng thấp hơn vì đi phía bên trong. Quần xắn cao, chân đi guốc gỗ, đang lội trong dòng nước chảy ngược xuống dốc.
“Em đừng nghịch nước nữa. Thấy không, bắn ướt hết anh rồi.”
“Không sao. Ướt mát.”
“Thôi mà, bé. Anh đang rét run lên đây.”
“Bộ anh lạnh lắm hả? Tội anh quá. Anh đi sát vào em đi. Ấm. Ấm chưa.”
“Ái chà. Em lừa anh. Ác.”
Cô gái cười ròn tan. Tiếng nước bắn tóe lẹt xẹt. Chiều trốn vội vàng không báo trước. Cả hai chìm mất trong bóng tối.
“Anh. Em không thấy đường đi. Tối thui à.”
“Đi bằng mắt của anh. Níu tay anh, đừng sợ.”
“Mưa hoài. Chắc mưa suốt đêm quá.”
“Anh mong vậy. Mưa suốt đêm.”

Hai người đi lên gần hết con dốc. Họ dừng lại trước một khối đen khổng lồ. Nhìn kỹ lắm, mới thấy có vài đốm lửa lung linh, tòa biệt thự và cây cối nổi lờ nhờ. Họ đứng sát vào nhau. Cơn mưa vẫn ào ạt dữ dội.
“Em vào với anh nhé? Vào một chút, anh pha cà phê.”
“Muộn quá. Em sợ…”
“Mưa mà. Em về nhà trọ trễ đâu có sao. Nói trú mưa.”
“Chỉ uống một ly cà phê thôi nghe.”
“Không đủ thì giờ để anh hong suối tóc cho em. Tóc em ướt hết nè.”

Người thanh niên đẩy chiếc cổng gỗ. Một tiếng kêu khô khốc, chìm lỉm mất trong tiếng rào rạt của mưa. Cô gái rùng mình, đeo cứng chàng trai. Con đường đá, trơn trượt, họ dìu nhau thận trọng từng bước một. Chưa có một cơn mưa nào dữ dội, cộc cằn mà dễ thương như cơn mưa đêm nay.

Ngọn đèn nhỏ trên bàn học tỏa chiếu ánh sáng vàng đục, không đủ soi hết căn phòng trọ. Họ có hai ly cà phê nóng và họ ngồi ngó nhau… Lâu lắm, người thanh niên mới kéo được cô gái vào vòng tay ôm của mình. Lúc cả hai ngồi trên chiếc giường nhỏ, cô gái khóc.

. . .

Cô gái vùng vằng ném nụ hồng lên mặt cỏ xanh, ngồi trên phiến đá và quay lưng lại. Cô khóc. Họ giận nhau đã một tuần lễ và mới gặp lại nhau chiều nay. Chàng đã làm lành bằng cách mua một nụ hồng đem lại cho nàng. Nhưng nàng vẫn không nguôi. Hoa hoét gì nữa. Lòng dạ nàng đang mê man đây. Cái đêm mưa gió quỷ quái hơn tháng trước đã để lại một hậu quả không lường tính được. Khi nghe người yêu báo tin, chàng đã như bị sét đánh, ngất ngư.
“Phải làm sao bây giờ, anh?”
Chàng cà lăm luôn:
“Anh… anh… anh…”
“Anh không biết phải tính sao phải không?”

Nàng cắn môi muốn bật máu, cố nén tiếng nấc.
“Được, em thu xếp lấy.”

Mấy lần gặp gỡ, khóc lóc, gây gổ, dỗ dành. Lần này này, coi bộ đến hồi quyết liệt.
“Em hãy cho anh thời gian để tính. Gia đình anh ở xa, khi nghe tin chắc khó chấp nhận.”
“Mình bỏ thành phố này trốn đi… ”
“Em biết anh không có tiền. Mỗi tháng gia đình gửi tiền ăn, học vừa đủ. Làm thế nào mình nuôi nhau?”
“Em đi làm. Người ta sống được mình sống được. Anh biết đó, gia đình em đã nhận lời xin cưới của đằng trai, mà xin cưới gấp vì anh ấy phải đổi về Sàigòn. Anh cứ lần lữa hoài. Em biết, anh chỉ lợi dụng…”

Cô gái chà hai chiếc dép xuống cỏ. Con suối lượn lờ chảy trước mặt cô an lành. Nước trong đến có thể soi mặt được, còn lung linh hai khuôn mặt chập chờn bên nhau những lần hẹn hò trước.
“Em hiểu cho anh. Để anh viết thư về xin nhà…”
“Nhà anh? Thôi khỏi đi. Anh biết chắc không được mà còn xin?”
“Má anh rất khó…”
“Má. Má. Anh lớn rồi, sao chuyện gì cũng má… Anh im đi. Biết vậy sao còn…”

Cô gái nấc lên, đưa tay ôm lấy mặt. Gió vùng lên cùng cơn giận của cô, đẩy một quả thông rơi tỏm xuống giòng suối. Nước nhăn mặt bất bình. Chàng thanh niên ngẩng mặt nhìn bầu trời đang muốn mưa. Mưa nữa!

Đứng như trời trồng. Đứng như cây cối.

Hồi lâu, cô gái đã dịu cơn khóc. Cô rút chiếc khăn tay nhỏ xíu trong chiếc ví da, lau nước mắt. Mắt cô đỏ hoe, đã hiện ra nhiều tia gân máu đỏ li ti của nhiều đêm thao thức. Cô đứng lên, từ tốn đến trước mặt chàng thanh niên, thở ra một hơi dài cho vơi bớt khí uất trong người, nói:
“Thôi, để em tự giải quyết. Anh không xứng đáng để em oán trách. Ba má ở Tùng Nghĩa mới lên hôm qua. Em tính hôm nay hẹn anh để anh gặp ba má em. Bây giờ không cần nữa. Bây giờ thì em biết, em hiểu rồi. Anh chỉ là một thằng hèn. Anh hèn lắm. Anh biết không?”
“Em. Anh rất yêu em… anh có thể vì em mà…”
“Hừ, anh còn tính nói hươu nói vượn gì thế? Thôi, anh để tôi tự thu xếp lấy đời tôi…”

Cô gái lại nấc lên. Hai tay lùa vào bấu mớ tóc. Bầu trời cau mặt sa sầm xuống. Vài giọt mưa bắt đầu rơi. Chàng thanh niên khổ não nhìn người yêu. Mặt nàng ướt đẫm lệ. Anh đưa tay lên, không biết để làm gì, lại buông thõng xuống. Anh đã câm.

Bầu trời biến đổi đột ngột, quằn quại tiếng ì ầm của cơn giông. Lòng cô gái cũng giông bão. Cô nghiến răng, quắc mắt. Định nhảy tới cắn xé kẻ phụ tình chăng? Không, chỉ tội nụ hoa hồng bị gót dép của cô chà nát bét. Nụ hồng, như tên cô, như cô, cùng tan nát. Mưa bắt đầu nặng hột.

Chàng trai nhìn khuôn mặt người yêu. Anh đau đớn kêu: “Nụ Hồng”.

Nước mưa muốn xóa những giọt lệ không ngừng trên mặt cô, sũng ướt cả quần áo. Chàng thanh niên nhào lại, muốn ôm, muốn hôn, muốn gật đầu liều lĩnh cùng sống chết. Nhưng cô gái đã xoay người, bỏ chạy và biến mất trong cơn mưa ào ào, hung dữ. Chàng thanh niên đuổi theo. Trong mưa, tiếng gọi “Nụ Hồng. Nụ Hồng” không ngớt. Tiếng gọi càng lúc càng nghẹn ngào, vô vọng, chìm lỉm.
“Tha thứ cho anh. Nụ Hồng. Thằng hèn hạ. Khốn nạn, ma cô, ma cạnh, khốn nạn. Tha thứ cho anh!”
Chàng thanh niên quỳ trên cỏ ướt. Chàng khóc. Nước mắt cùng nước mưa, bất tận.

Một buổi tối khác, trong khu vườn đầy đặc cây cối, bên ngoài cánh cửa sổ đóng kín, chàng thanh niên nép mình trong bóng tối, nghe tiếng người yêu la khóc. Mỗi lần tiếng roi quất vụt rít lên, chàng thanh niên lại đưa tay lên miệng cắn chặt.
“Con gái mất nết. Đánh chết mày cũng chưa hết tội. Đồ ngựa vía. Voi dầy. Mày có nghe lời không?”
“Đau quá má ơi. Con lạy má. Con nghe rồi. Xin má đừng bắt con làm điều đó. Con sẽ không sống nổi đâu… Má nói gì con cũng nghe, bảo lấy ai con cũng lấy, nhưng đừng… con sợ lắm má ơi.”
“Biết sợ? Thôi đi cô. Cô bôi tro trát trấu lên mặt mẹ cha rồi còn gì nữa. Được. Ngày mai về dưới, làm đám cưới liền, không học hành gì nữa. Trời ơi, sao mày quá quắt, sao mày… mày chết đi. Chết đi…”
“Ôi, đau quá má ơi. Con biết rồi. Má nói gì con cũng nghe. Đám cưới. Dạ. Ôi, đau. Dạ, con bằng lòng, bằng… lòng”

Giọng cô gái yếu dần như sắp tắt hơi:
“Má bảo gì cũng được, con chỉ xin đừng bắt con làm điều đó. Má giết con cũng được, con đáng tội chết má ơi…”
“Được, muốn chết thì cho chết. Lì lợm. Này lì. Lì…”

Hôm sau, chàng trai ra bến xe đợi. Thấy nàng lên xe đò cùng cha mẹ. Nàng có trông thấy mình không? Chắc có. Chàng trai ra bờ suối, nơi nàng dẫm nát nụ hồng. Không còn dấu vết gì, cơn mưa hung dữ ngày nọ đã xóa hết. Dòng suối lạnh lùng như không còn biết chàng ta là ai.

Chàng ngồi trên phiến đá cho tới lúc đêm xuống.

Hai tháng, sau ngày cưới, vì phải lên Đà Lạt, thu dọn đồ đạc để theo chồng đi xa, họ có gặp nhau. Cả hai đều xơ xác, nàng mới xẩy thai, còn chàng, đêm không ngủ, ngày biếng ăn, hốc hác, tiều tụy. Người thanh niên nhanh nhẹn, đầy sức sống, mới đây, tâm tính đã thay đổi hẳn.

Thâm trầm, cay chua. Họ nhìn nhau nhiều hơn là nói. Lúc chia tay, chàng hỏi nàng:
“Em còn oán anh không?”
Nàng lắc đầu. Nụ cười buồn:
“Bây giờ thì em đã bình tĩnh lại rồi, nhất là khi em mất đứa nhỏ, em cảm thấy không còn mất mát nào lớn hơn, không có chuyện nào làm em khổ hơn được nữa.”
“Anh mong em hạnh phúc. Quên anh đi.”

Nàng gật đầu. Vẫn nụ cười buồn. Chàng nói thêm:
“Em à… Nụ cười của em, trăm năm sau có gặp lại, anh vẫn nhận ra.”

Nàng lại gật đầu. Vẫn bộ dạng quay đầu để hất mái tóc đẹp bớt lòa xòa xuống trán.

Họ phải chia tay nhau vì chẳng có lời gì để nói thêm. Chàng lầm lũi bước trên đường một mình, có cảm tưởng như tất cả bước chân của chàng, của nàng, của kỷ niệm cùng thức dậy, đang nhịp bước theo.

Chàng trai hát nhỏ bài Chiều của Hồ Dzếnh:
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vương trong mây…

Mây Đà Lạt mùa đông thường thấp, nên vướng chung nỗi buồn với người. Vườn hồng nhà ai xơ xác, tiêu điều qua trận mưa gió đêm qua. Không còn một nụ hồng nào nữa.

Chuyện xưa, hồi tưởng, nhanh như cái chớp mà người xưa tóc bạc trắng vẫn còn giữ nguyên được nụ cười. Ông cụ nao lòng quá. Bà ấy đâu còn nhận ra mình là ai? Lời thốt năm xưa, dù trăm năm sau, gặp lại ông vẫn nhận ra nụ cười của bà. Bà ấy làm sao biết được, bao năm rồi, những lần nhìn những nụ hồng, lòng ông vẫn bồi hồi. Những sinh nhật của con cháu, nến, những bó hồng tươi thắm, lúc nào cũng lẫn lộn một nụ hồng của riêng ông. Nụ hồng nhỏ bé, ngậm tăm, chỉ héo úa đi, không bao giờ nở.

Thay vì thở ra, ông cụ nuốt xuống. Ông cụ nhìn bàn tay nhăn nheo của mình rồi nhìn mái tóc bạc của cụ bà ngồi phía trước. Thời gian kinh khiếp làm sao. Mới ngày nào, tay này đây, vuốt ve mái tóc còn đen dày, xõa dài xuống lưng. Coi nào. Ông cụ lắc đầu. Tóc bà ấy chỉ còn lưa thưa, mà trên đỉnh đầu còn hói nữa. Chà, vẫn thói quen làm dáng ngày nào, còn cố kéo mớ tóc uốn loăn xoăn che khoảng da đầu muốn lộ ra. Áo quần vẫn những màu sắc thanh nhã. So với các bà cụ khác, bà cụ Nụ Hồng của ông vẫn còn gọn thon, chưa có chỗ nào trên thân thể phì nhiêu một cách quá đáng.

Bà nhà mình khi về chiều không được như vậy đâu, cụ bà cứ nung núc thịt, nhất là khi sang đến Mỹ, bà cụ cứ tròn vo, ngắn dần đi. Chỉ tới lúc sắp bỏ ông mà đi, thì lại gầy chỉ còn da với xương. Lúc nãy cụ cũng ngắm rồi, người xưa, tuy già, cách đứng, dáng đi vẫn còn thong dong lắm.
“Đến trạm này, mình xuống, bà. Bà cố nhớ nghe bà, lần sau bà đi một mình…”
“Chẳng nhớ. Bà thấy đường nào, chỗ nào cũng giống y chang nhau. Đi một mình là lạc tới đâu kìa…”

Ông cụ lại nuốt nữa. Tội không, khi trẻ lạc đường tình rồi, nay già, thêm cái khờ khạo lạc đường phố nữa. Chưa bao giờ ông thấy xe buýt chạy nhanh quá vậy. Vèo một cái, chiếc xe đã táp vô lề đường. Hành khách vội vã xuống trạm. Khi ngang qua, bà cụ có nhìn, gật đầu chào. Ông cụ đã sửa soạn câu nói văn vẻ về một nụ cười, nhưng lýnh quýnh có mở miệng ra được đâu. Cho tới khi chỉ còn nhìn thấy cái lưng của bà cụ, ông mới thốt ra lời:
“Bà cụ ơi, một trăm năm sau…”

Ông cụ chỉ nói tới chừng đó lại tắt ngang họng. Cô cháu gái đi sau lưng bà cụ quay lại nhìn ông cụ, ngơ ngác. Bà ấy có nhìn lui không? Không, nhưng rõ ràng ông thấy bà khựng lại, và cô cháu đẩy lưng bà, kêu:
“Đi xuống nhanh, bà ơi. Sao bà đứng giữa lối đi vậy?”

Trên xe buýt cũng có đàn kiến chắc. Ông cụ nhỏm lên. Ông nhìn phía cửa sổ xuống đường, không thấy gì hết. Cho tới khi xe chạy ông cũng không nhìn thấy gì hai bên đường. Cái xứ gì kỳ cục, chiếc xe buýt làm vừa to vừa cao. Bực mình.

Một anh chàng da đen đã ngồi vào ghế bà cụ lúc nãy. Anh ta dúi mặt vào tờ báo đọc lấy đọc để.

Xe chạy qua mấy trạm nữa, ông cụ nhắm mắt, ngủ gà ngủ gật. Tuổi già nó tệ vậy, khi nào buồn là thấy ngay cơn buồn ngủ.

Nguồn: http://son-trung.blogspot.com/2017/04/nha-ca-nu-hong.html

Comments are closed.