Dòng họ Tiến sĩ Vũ Tông Phan với văn hóa-giáo dục làng Mậu Hòa, Từ Liêm – Hà Nội

Vũ Thế Khôi

 

Tại phiên họp cuối năm 2013 Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã quyết định đặt tên 28 đường phố mới tại thủ đô, trong đó danh nhân Vũ Tông Phan được đặt tên cho một đường phố ở quận Thanh Xuân. Đây đã là thành phố thứ tư có đường phố Vũ Tông Phan: đi đầu là Đà Nẵng (2009), thứ hai là Hải Dương (8/2011), rồi đến TP Hồ Chí Minh (11/2011).

Trong ngót hai chục năm qua chúng tôi đã khảo cứu và giới thiệu về những đóng góp to lớn của Tiến sĩ Vũ Tông Phan đối với văn hiến Thăng Long – Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ XIX mà nổi bất nhất là cùng Hướng Thiện hội xây dựng đền Ngọc Sơn làm trung tâm hoạt động chấn hưng văn hóa-giáo dục. Trong phạm vi bài tham luận này, chúng tôi xin làm sáng tỏ hơn bình diện đóng góp của dòng họ Vũ-tông cũng như của bản thân ông Nghè làng Tự Tháp ven bờ tây Kiếm Hồ đối với văn hóa làng xã khu vực xứ Đoài xưa, đồng thời cũng là thử trả lời câu hỏi vì sao lá cờ độc đáo trong phong trào văn thân kháng Pháp “Triệt Nguyễn, bình Tây” lại xuất hiện ở làng Mậu Hòa chứ không phải ở một nơi nào khác.

Khoi 1Những căn cứ của tham luận này là các tài liệu sau đây:

  1. Các bản cổ phả chữ Hán của dòng họ Vũ-tông Lương Ngọc: a) [] tộc Hoa phả do Giải nguyên Vũ Hữu Cơ soạn khoảng 1809-1813, sao lại và tục biên năm 1905; b) Lương Vũ trục nguyệt kỵ phả, do Tú tài Vũ Như Kỳ soạn trong khoảng 1885-1887; c) Lương Vũ Kỵ phả, do ông Vũ Như Bình biên soạn năm 1898; d) Vũ gia thụy hiệu do con trai của “đồ Mậu” đứng tên “bái sao” năm 1922 và thủ bút bằng quốc ngữ của ông Vũ Quang Thiệu để lại năm 1983 về vụ việc ‘đồ Mậu’, ông nội mình.
  2. Lê gia phả ký, của họ Lê làng Đa Sĩ – Hà Đông, biên soạn năm 1914.
  3. Kim Giang tướng công nhật lịch tùy ký của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp.
  4. Thơ văn chữ Hán của Tiến sĩ Vũ Tông Phan và Phó bảng Nguyễn Văn Siêu sáng tác từ 1825 đến 1851.
  5. Sách Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn
  6. Sách Chống xâm lăng, Tập III của Giáo sư Trần Văn Giàu, NXB Lao Động 1957.
  7. Bóng nước hồ Gươm (Tiểu thuyết lịch sử) của nhà sử học Chu Thiên, NXB Văn học, Hà Nội 1976
  8. Quyển II Hồi ký Thanh Nghị của ông Vũ Đình Hòe, NXB Văn học – 1997, 2000; NXB Trẻ in năm 2011 thành sách riêng Thuở lập thân.
  9. Lời kể của thân phụ ông Vũ Đình Hòe là cụ Vũ Như (Bội) Hoàn (1878-1970), trong họ ngoài làng quen gọi là “Ông Hai”, hoặc “Giáo Hai” và của ông Đỗ Khắc Kiên (bí danh Vũ Thanh Thời), môn sinh của ông Giáo Hai, trong thời gian Kháng chiến chống Pháp là cận vệ của Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe.

*

Làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nguyên quán của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, vốn là danh hương Hoa Đường xưa với 12 tiến sĩ cả văn lẫn võ, có nghề truyền thống là viết chữ. Cụ Phan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí (TK XIX) khi viết về nghề truyền thống của các làng quê Hải Dương, đã ghi nhận: “làng Hoa Đường về huyện Đường An, quen việc viết chữ và tính toán…”. Do đặc điểm nghề nghiệp, người Hoa Đường từ xa xưa đã có mặt ở hầu hết tứ trấn quanh kinh đô Thăng Long và sau vài ba đời làm thư lại, con cháu được học hành, đỗ đạt được bổ nhiệm vào các chức thị tuyển, thị nội (“thị” tức chầu hầu) tại lục bộ, lục phiên, lục viện thì chuyển lên ngụ cư tại các phường thôn nội đô. Khảo sát qua các di tích lịch sử-văn hóa ở nội thành Hà Nội ngày nay, xưa là huyện Thọ Xương cận thành, có thể thấy sự đóng góp của người Hoa Đường vào văn hiến Thăng Long. Chẳng hạn, riêng trong đền Bạch Mã tại phố Hàng Buồm – một trong Thăng Long tứ trấn – có bút tích của ba danh sĩ Hoa Đường: văn bia và câu đối của Tiến sĩ khoa 1779 Phạm Quý Thích, văn bia của Tiến sĩ khoa 1822 Vũ Tông Khuê và văn chúc thọ các bô lão của Tiến sĩ khoa 1826 Vũ Tông Phan.

Trong các nẻo đường tiếp cận Long thành thì dòng họ Vũ-tông làng Hoa Đường hình như có biệt duyên với xứ Đoài. Theo quyển cổ phả bằng chữ Hán do Giải nguyên khoa 1762 Vũ Hữu Cơ trong họ này soạn khoảng đầu đời Gia Long, nhiều vị tiên tổ sống vào thế kỷ XVII mang biệt hiệu là các địa danh thuộc trấn Sơn Tây: những ông Đô Yên Lạc, Đô Tư Đoài, Đô Quốc Oai… Đô Quốc Oai, tức làm đô lại ở phủ lỵ Quốc Oai thuộc trấn Sơn Tây. Ông chính là kỵ nội (tứ đại tổ) của Vũ Tông Phan. Phủ Quốc Qai, theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, từng “kiêm lý”, tức kiêm nhiệm quản lý huyện Đan Phượng và huyện Từ Liêm nên ông Đô Quốc Oai chắc có nhiều mối quan hệ tại xứ Đoài, vì vậy ông kiếm vợ cho cháu đích tôn Tông Uyển không ở nguyên quán Hoa Đường, cũng chẳng ở xứ Kinh Bắc nơi trưởng nam của ông là Hương cống Tông Giao từng ngồi Tri huyện, mà ở làng Cót (Hạ Yên Quyết) thuộc huyện Từ Liêm.

Các trường lớp tại gia do quan viên họ Vũ-tông vốn “quen việc viết chữ và tính toán” mở ra khi về hưu hoặc buộc phải ở ẩn thời Tây Sơn (vì có nhiều người đỗ đạt và làm quan với triều đình Lê – Trịnh), đương nhiên có phần đóng góp khai tâm cho chúng dân làng quê xứ Đoài. Tuy nhiên, vì mở ra ngẫu nhiên và tồn tại nhất thời, nên không để lại dấu tích gì trên thực tế và trong thư tịch.

Biệt lệ là ngôi trường ở làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (mới có quyết định đặt thành hai quận Bắc và Nam Từ Liêm), thành phố Hà Nội.

Chắt trưởng của ông Đô Quốc Oai là Vũ Tông Cửu, đỗ Tú tài khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn năm 1807, rồi “ẩn cư thụ đồ” – như sách nhân vật chí Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn viết trong bài “Vũ Phan”, kể về trưởng nam nổi tiếng của ông. Mới đầu Tú Cửu ngồi dạy ở Vân Đình, cậu bé Phan hồi 7 tuổi từng theo cha học tập ở đấy – như bốn chục năm sau ông Nghè Phan viết trong lời nguyên chú cho bài thơ “Vãng Sơn Minh chi Vân Đình” (ghé qua Vân Đình ở Sơn Minh) – huyện Sơn Minh nay là Ứng Hòa. Nhưng chỉ ít lâu sau Tú Cửu về định cư hẳn ở làng Mậu Hòa cách làng Cót quê mẹ của ông không bao xa, mở trường dạy chữ Thánh hiền cho con em dân làng học cùng các con của ông. “Phan thiếu đắc đình huấn” (Phan thuở nhỏ được cha dạy – Đại Nam liệt truyện) ở tư thục này hơn chục năm, từ khoảng 1807/08 đến 1819, khi đỗ tú tài mới ra Văn Miếu-Quốc Tử Giám học với cậu ruột là Tiến sĩ Phạm Quý Thích.

Như vậy, người sáng lập Mậu Hòa thục là Tú tài Vũ Tông Cửu. Thời gian sáng lập là khoảng 1807/08. Tộc phả gọi ngôi trường này là “Mậu Hòa thục” (chữ “thục” trong các từ tư thục, nghĩa thục), thơ văn của các thầy đồ họ Vũ-tông và môn sinh của họ thì gọi trang trọng là “Mậu Hòa giảng thất”. Ông Tú Cửu còn tiếp tục dạy ở Mậu Hòa chí ít là đến đầu những năm 30, chứng cớ là năm 1829 trên đường từ kinh đô Huế ra Bắc nhậm chức Tham hiệp Thái Nguyên, khi đi đến Mai Dịch, Nghè Phan có rẽ về Mậu Hòa vấn an song thân và thăm vợ con.

Chậm nhất là năm 1833 ông Tú Cửu đã trở lại khu trại gia truyền ven bờ tây hồ Hoàn Kiếm, mở trường ấu học bên cạnh trường đại tập của con trai. Nguyễn Trọng Hợp, trong tương lai đỗ tiến sĩ và làm quan đến Thượng thư Phụ chính đại thần, từng khai tâm ở chính trường ấu học này của Tú Cửu. Mậu Hoà thục, ông trao lại cho con trai thứ ba là Vũ Như Thụy, phả ghi “rất thông minh”, anh cả Phan cũng thừa nhận “Thiên tính tựa anh, em giỏi hơn”. Từ đây Mậu Hoà thục không phải là ngôi trường làng đơn lẻ như trong các thế kỷ trước mà tham gia một mạng lưới tư thục của các “nho sĩ bình dân” (chữ của nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện) hoạt động theo định hướng chung của Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn do Tiến sĩ Vũ Tông Phan làm Hội trưởng đầu tiên.

Nguyên do là năm 1833, mới theo hoạn lộ được 7 năm sau khi đỗ tiến sĩ, Vũ Tông Phan đã ngộ ra rằng họ Nguyễn lên ngôi vua nhờ chiến thắng trong một cuộc nội chiến, chứ không phải trong chiến tranh chống ngoại xâm như các triều trước, cho nên họ chỉ có thể tuyên bố “vương đạo”, “văn trị”, nhưng trên thực tế thì thực thi “bá đạo”, cai trị bằng vũ lực, đàn áp tất cả những người chống lại nền chuyên chế của họ Nguyễn, kể cả các đại công thần như Quận công Nguyễn Văn Thành, Tổng trấn Bắc thành. Vì vậy ông Nghè Phan “dẫn bệnh quy” (viện dẫn đau ốm, về hưu – Địa Nam liệt truyện), trở về thôn Tự Tháp ven bờ tây Hoàn Kiếm hồ, dựng mới nếp nhà tranh, mở trường Hồ đình (cũng gọi là trường Tự Tháp) dạy học. Ngay kỳ thi Hương năm sau, 1834, ông Nghè Tự Tháp đã có hai môn sinh đỗ cử nhân là Vũ Thực và Vũ Duy Ninh. Trường Tự Tháp bắt đầu nổi tiếng, “Đệ tử tứ phương mãn” (học trò bốn phương đầy – thơ Nguyễn Văn Siêu). Tuy nhiên, Vũ Tông Phan cũng sớm nhận thức rằng một ngôi trường đơn lẻ, dù “chất lượng cao”, không chấn hưng được giáo dục trong môi  trường đồi phong bại tục, như ông miêu tả sinh động trong bài thơ viết về Hà Nội năm 1831, khi từ Huế ra nhậm chức Giáo thụ phủ Thuận An:

Nay đương phát sinh nơi đô thành

Nhiều hạng dân du thực du thủ:

Đi học chỉ cốt giật tiếng nho,

Đi buôn chửa giàu đã khoe của,

Cư dân thường túm tụm ba hoa,

Bộ hành áo quần cực diêm dúa,

Sòng bạc tràn lan khắp gần xa,

Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối…

Với uy tín của người khai đại khoa cho huyện Thọ Xương dưới triều Nguyễn, lại trải qua chức Đốc học một tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ, ông tập hợp các danh sĩ Hà thành như Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, các cử nhân Nguyễn Văn Siêu (năm 1838 mới đỗ Phó bảng), Cao Bá Quát, Lê Duy Trung (năm 1838 đố tiến sĩ), Trần Văn Vi …, cùng nhau lập Văn hội Thọ Xương, Hướng Thiện hội và xây dựng đền Ngọc Sơn làm trung tâm văn hóa mới của Hà Nội thay cho Văn Miếu-Quốc Tử Giám mà các vua Gia Long và Minh Mạng cố ý để cho hoang tàn nhằm độc tôn Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thần Kinh Huế. Tư tưởng chủ đạo của họ, như Vũ Tông Phan cho khắc lên bia trùng tu miếu Thần Hỏa (30 Hàng Điếu, Hà Nội) là “trung với dân” và “nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân”, phương châm giáo hóa sĩ dân của họ là kết hợp “cựu bang văn nhã” (phong tục tốt đẹp của nước Nam xưa) với “cổ đạo nghi hình” (các chuẩn mực của đạo Nho cổ đại của Khổng Tử) mà nền tảng là chữ “NHÂN” (nhân ái).

Khoi 2Trung với dân” và “lo cho dân” mà dân – tuyệt đại đa số ở trong các làng xã, do đó tất yếu các sĩ phu sáng lập Hướng Thiện hội kêu gọi nhau trở về làng, như khắc trên bia Văn chỉ Thọ Xương, hiện vẫn còn trong ngõ Văn Chỉ – Bạch Mai: “vi hương quân tử, vi xã tiên sinh” (làm người quân tử [người chân chính] trong làng, làm thầy đồ trong xã). Các ông đồ Hướng Thiện nhất loạt mở tư thục trong các phường thôn, làng xã. Từ năm 1969 nhà giáo dục lớn và nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Huyên trong một cuộc họp tại Ban Khoa giáo Trung ương đã nêu vấn đề cần nghiên cứu vai trò của các ông đồ trường làng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ, phần vì tài liệu văn hoá làng xã và dòng họ đã bị chiến tranh và biến thiên xã hội hủy hoại, phần do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề đối với giáo dục và xây dựng văn hoá mới.

Ông đồ Như Thụy vừa mới bắt đầu dạy ở Mậu Hoà thục thì năm 1834 người đồng chí thân thiết trong Hướng Thiện hội của ông Phan là Cử nhân Lê Duy Trung về dạy ở học quán Dương Liễu cùng tổng, thường qua lại giúp đỡ. Khoảng năm 1837/38 chính ông Nghè Phan đã ghé thăm Mậu Hoà thục và động viên em trai bằng một bài thơ khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Như Thụy – “làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã”:

 Nhắn nhủ  em Ba

Nhân ghé qua lớp dạy trẻ nhỏ ở làng Mậu Hoà

Được về mới nghĩ những mừng mong,

Gia cảnh về xem – nước mắt ròng.

Thiên tính tựa anh – em giỏi vậy:

Nếp nhà anh thẹn chửa gia công.

Mong sao sung túc miền quê ấy –

Lò luyện ta xưa, phần mộ ông.

Nhớ lượng khoan dung xin hối cải,

Khỏi nghèo, cũng chẳng nhục gia phong!

Nếp nhà” ý nói đến truyền thống làm thầy đồ trong làng của họ Vũ-tông, bắt đầu từ các tiên tổ mang những biệt hiệu “ông đồ Văn”, “ông đồ Giàu”, sống và dạy học ở nguyên quán Hoa Đường từ nửa sau thế kỷ XVI, gần hơn là của ông nội Tông Uyển và cha Tông Cửu, đều “ẩn cư thụ đồ” tại các làng quê xứ Đoài. “Xin hối cải” nói lên quyết tâm của chính ông Nghè Phan từ bỏ hư danh khoa bảng và hoạn lộ để lập thân theo nghiệp ông đồ khai hoá dân quê.

Như Thụy bắt đầu dạy học ở Mậu Hoà thục từ khoảng năm 1833/34,  sinh các con ở đây, năm 1854, thay anh Cả và anh Hai (đều đã mất trước) chôn cất mẹ, tức bà Tú Cửu ở nghĩa địa làng. Thay đổi nhận thức“trung quân”, đã nghìn năm ăn sâu vào tiềm thức sĩ dân, không phải việc có thể làm được trong một sớm một chiều. Suốt ba chục năm Như Thuỵ làm sự nghiệp khai hoá của ông đồ Hướng Thiện theo những phương châm mà chính anh cả của ông đã khởi xướng: “trung với dân” và “lo cho dân”, ca ngợi công lao dựng nước và giữ nước của các triều đại Lý, Trần, Lê, tôn vinh những gương tiết liệt như Hai Bà Trưng “chị em một nhà, anh hùng nghìn thuở” (Vũ Tông phan – Văn bia đền Hai Bà Trưng, hiện vẫn dựng trên lưng rùa đá trong đền Hai Bà ở phố Đồng Nhân, Hà Nội), khẳng định oai linh của đất Thăng Long  mãi mãi khiến bọn xâm lược phải khiếp đảm: “Long thành đất ấy y xưa vậy / Sứ Mãn qua đây vẫn hãi hùng!” (Vũ Tông Phan – Vịnh xứ Đống Đa). Phả ghi ông đồ Thụy qua đời tại ở Mậu Hòa thục và chép lại một câu đối viếng của môn sinh có nhắc đến cả hai ngôi trường của các ông đồ họ Vũ – ở thôn Tự Tháp ven hồ Gươm và ở làng Mậu Hoà:

Tự Tháp xuân viên tiên phu tử phương di đào ,

Mậu Hoà giảng thất Thái phong công trạch tại thi thư.

Dịch nghĩa:

Tại vườn xuân ở thôn Tự Tháp vị thầy tiền bối (ý nói ông Nghè Phan với ngôi trường đại tập trong thôn) còn lưu đệ tử (nổi tiếng như các Hoàng giáp Thượng thư Nguyễn Tư Giản, Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên, Phó bảng Phạm Hy Lượng…),

Ở nhà giảng trong làng Mậu Hoà ông Thái Phong (ý nói cụ đồ Cửu, vì dạy các con thành đạt nên được vua Thiệu Trị phong chức tước) để phúc lại là sách vở thơ văn.

Không thấy phả ghi con trai ông đồ Thụy nối nghiệp ông ở Mậu Hòa thục. Vị họ Vũ tiếp theo giảng dạy ở đây là Tú tài Như Phác, con trai thứ tư của cụ Tú Cửu. Khi anh ba mất, Tú Phác đang ngồi ông đồ ở làng Vân Cốc, Sơn Tây. Tú Phác hiếm muộn, phải lấy đến người vợ thứ ba mới có được con trai độc nhất Như Đẩu, trong tương lai sẽ trở thành “ông đồ Mậu” kéo nghĩa quân từ đình hàng tổng Chợ Sấu qua Cầu Đơ đánh vào Hà Nội.

Tú Phác dạy ở Mậu Hoà thục đến năm 1873 thì quân xâm lược Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Ấm Ba Như Cầu, con trai thứ ba của ông Nghè Phan và cũng là cháu gọi Tú Phác bằng chú, cùng nghĩa đoàn Văn hội Thọ Xương do hai cựu môn sinh trường Tự Tháp là ông Cử Ngô Dạng và ông Tú Mền Trần Quang Luyện chỉ huy, đã tham gia đánh giặc, bảo vệ thành Hà Nội. Thành thất thủ, đại gia đình họ Vũ cùng một số môn sinh Tự Tháp phải rời Hồ đình ven bờ tây Hồ Gươm lánh nạn về vùng Sấu – Giá, biến Yên Sở, Dương Liễu, Mậu Hoà, Hạ Yên Quyết thành một hang ổ kháng Pháp. Nghĩa đoàn Thọ Xương tập hợp các đoàn dân binh “mộ nghĩa”, tự động đánh chiếm lại Phủ Hoài (phủ lỵ Hoài Đức ở xã Dịch Vọng) và giao nộp cho Thống tướng Hoàng Kế Viêm, coi như “lễ ra mắt” để được đứng dưới cờ. Đoàn dân binh “mộ nghĩa” này đã hậu thuẫn đắc lực cho quân triều đình của Thống tướng Hoàng Kế Viêm và quân Cờ Đen của Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc ém quân trong các làng, liên tiếp đánh thắng những trận:

– Cầu Giấy 1 (21/12/1873, giết chết đại úy Francis Garnier),

– Cầu Giấy 2 (19/5/1883, giết chết đại tá Henri Rivière),

– Phủ Hoài (15-16/8/1883),

– và trận Phùng (1-2/9/1883.

Lúc này con trai Như Đẩu mới 9 tuổi, Ông Tú Phác nhường vị trí thầy đồ ở Mậu Hòa thục cho Vũ Như Hành, đích tôn của ông Nghè Phan, anh cả ông, còn bản thân theo lời mời của môn sinh chuyển sang dạy ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất – Sơn Tây. Để tạo cơ sở lâu dài ở Mậu Hòa cho con cháu, ông Tú Phác cho con gái Thị Khả kết hôn với con trai họ Đỗ-xuân Mậu Hòa là Đỗ Xuân Mật, sinh ra Xuân Bật mà trong họ quen gọi là ông Trẻ Bật. Trưởng tộc Như Hành lại cho trưởng nam của mình là Như Hàm (trong họ, ngoài làng quen gọi là Tổng Hàm vì ông làm Tổng sư tổng Kim Liên) và cháu họ Đức Thành (tên quen gọi là Đốc Thành, vì từng làm Đốc học trường Tiến Ích ở phố Hàng Quạt) kết hôn với gái làng Mậu là Đỗ Thị Xuân và Phí Thị Sâm. Chính ông đồ Hành cũng đã kết nghĩa anh em với ông Hương Phẩm, tức Đỗ Khắc Phẩm. Theo lời kể của chắt nội của Hương Phẩm là Đỗ Khắc Kiên, ông Phẩm vì Giàu có, bị ép nhận chức lý trưởng, nhưng ông chậm chạp, hiền lành, hay bị các quan trên hạch sách và xử ép trong giao dịch. Vợ ông lại rất thông minh và sắc xảo, mặc dù không biết chữ, nhưng có trí nhớ tốt. Thấy vậy, em kết nghĩa là đồ Hành bèn dạy cho bà chị dâu kết nghĩa thuộc lòng các luật lệ hương chính để bà đứng sau lưng chồng đấu lý với các quan trên. Ông Kiên trong một lần vui chuyện có nói lại với chúng tôi lời bình của bà con Mâu Hòa về việc này: “Con mẹ ấy nó làm lý trưởng, chứ có phải chồng nó đâu!”.

Năm 1886, sau khi lần thứ hai (1883) đánh và chiếm hẳn Hà Nội, bọn xâm lược Pháp bắt đầu đuổi dân, chiếm đất xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, ông đồ Hành phải ra trại Hồ đình lo di chuyển nhà thờ thầy Vũ Tông Phan do môn sinh dựng từ năm 1854, hai chục năm sau, 1873, lại trùng tu và dựng tấm bia đá lớn để khắc ghi công ơn tác thành của Thầy Vừa lúc con trai Như Đẩu của cụ Tú Phác đã trưởng thành, ông đồ Hành bàn giao Mậu Hòa thục cho ông Trẻ Đẩu, vai chú ruột, nhưng kém ông ngót ba chục tuổi. Danh xưng “Đồ Mậu” xuất hiện từ đấy để về sau đi vào tài liệu của mật thám Pháp viết không dấu là “Do Mau”, rồi sau này có nhà nghiên cứu của ta “giải mã” sai thành “Đỗ Mậu”!

Ông Trẻ Đẩu vừa dạy học vừa đi các làng lân cận như Dương Liễu, Quế Dương, Yên Sở, Cao Xá, Sơn Đồng… chiêu mộ những môn sinh Tự Tháp và Mậu Hòa từng tham gia đánh Tây trong những năm 1873 – 1874 và 1882 – 83. Một số tài liệu viết rằng năm 1887, nhân hội Đấu Xảo, Đồ Mậu đã đưa nghĩa quân Sấu – Giá tập kích vào Cầu Đơ và Hà Nội. Điều này có lẽ là nhầm lẫn về thời gian. Một là, theo các tài liệu lịch sử chống Pháp, năm 1887 không có trận tập kích nào vào Hà Nội, thậm chí, không có một cuộc khởi nghĩa nào ở vùng đất phía tây Hà Nội. Hai là, năm 1887 ông Trẻ Đẩu mới 23 tuổi, cũng vừa mới bắt đầu lập thân ở Mậu Hòa thục, chưa đủ uy tín và thời gian để tập hợp quanh mình một nghĩa đoàn chống Pháp đông đảo. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này có lẽ là vì có 2 cuộc đấu xảo do người Pháp tổ chức: vào năm 1887 ở Tràng Thi, nhỏ thôi, và 1898, lớn hơn nhiều, ở khu vực mà sau này, năm 1902, họ xây dựng thành một khu triển lãm bề thế; thời ta thành Nhà hát Nhân dân, rồi sau đó xây Cung Văn hóa Việt – Xô.

Như vậy có thể khẳng định rằng GS Trần Văn Giàu  đã viết chính xác: năm 1898 đã nổ ra cuộc dấy nghĩa và tập kích quy mô của sĩ phu và nhân dân Sấu – Giá vào Cầu Đơ và Hà Nội, và nó nằm trong kế hoạch một cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây dưới sự lãnh đạo của nhà sư Vương Quốc Chính, có một bộ chỉ huy thống nhất, trong đó “ông Đồ Mậu” Vũ Như Đẩu, ngoài trách nhiệm chỉ huy cánh quân Cầu Đơ, còn đảm nhiệm cương vi quân sư: là Tán tương quân vụ. Đến lúc này ông đã 34 tuổi, dạy học 12 năm, đã có đủ thời gian xây dựng lực lượng kháng Pháp trong vùng; ông lại là cháu ruột của một sĩ phu danh tiếng là Tiến sĩ Vũ Tông Phan và là em họ của “Ấm Ba Tự Tháp”, tức Vũ Như Cầu, một trong thủ lĩnh nghĩa đoàn Thọ Xương đánh Pháp năm 1873. Tóm lại, ông đồ Vũ Như Đẩu đã hội đủ điều kiện để lãnh đạo sĩ dân chống giặc giữ làng. Từng hơn chục năm giao giảng tư tưởng “trung với dân”, ông Đồ Mậu tất yếu từ bỏ “trung quân”: trước khi kéo nghĩa quân tập kích Cầu Đơ và Ngọc Hà ông đã làm lễ tế lá cờ “Triệt Nguyễn, bình Tây” ở đình hàng tổng Chợ Sấu nhằm thể hiện quyết tâm triệt để chống chẳng những giặc ngoại bang mà còn cả cái triều đình đã bán rẻ Tổ quốc.

Giáo sư Giàu không có tài liệu nên không viết về số phận của Đồ Mậu sau thất bại của cuộc khởi nghĩa. Chúng tôi xin bổ sung theo ký ức của một số bậc cao niên trong gia tộc Vũ-tông.

Khoi 3Trên đây là một trong ba trang thủ bút của cụ Vũ Quang Thiệu (1917 – 1983) ghi lại cách đây bốn chục năm lời kể của cha là Như Lung (1885 – 1963) về việc ông nội Như Đẩu (1864 – ? ) tham gia cuộc tập kích vào Hà Nội năm 1898. Ba tháng trước khi từ giã cõi đời, ngày 28 – 9 – 1983, cụ Thiệu một lần nữa ký xác nhận với ông Vũ Đình Hòe những ghi chép nói trên. Theo tài liệu này, sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa, giặc Pháp xộc về Mậu Hòa, bắt Đồ Mậu, nhốt cũi, gông cổ, xích chân và sai bốn phu khiêng đi mất. Nhiều năm sau, vào một dịp giỗ ở gia đình ông, có hai môn sinh cũ ở Dương Liễu và Yên Sở đến nhà, cho biết họ là bạn tù Côn Đảo với ông Đẩu, nay mãn hạn tù được về, nên qua thăm và cho biết rằng ra đảo được mấy năm ông Đẩu cùng một số đồng chí nữa đóng bè chuối để vượt biển về đất liền, nhưng đã mất tích ngoài biển. Họ biếu bà Đồ Mậu một món tiền nhỏ và nói: “Đây là của các bác cho mẹ con cháu làm vốn sinh nhai. Các bác năm-bẩy tháng hay là một năm mới lại đến thăm được”.

Cùng với sự hy sinh lẫm liệt của “Đồ Mậu”. sứ mệnh của Mậu Hòa thục như một ngôi trường gia truyền trong làng quê cũng kết thúc.

Dòng họ của Tiến sĩ Vũ Tông Phan còn một hậu duệ đời thứ 5 cũng ngồi ông đồ ở làng Mậu Hòa, nhưng là theo thể chế trường hương học của làng xã mà chính quyền Bảo hộ của người Pháp bắt đầu đặt ra bằng các nghị định của Toàn quyền Đông Dương các năm 1902, 1904 và 1927 về tổ chức và hoạt động của các hội đồng làng xã (Hội tề). Trường hương học là do làng xã đặt ra, mời và trả lương cho thầy; vị Hương sư luôn được giữ vị trí thứ 3 trong hội đồng (chỉ sau Hương cả và Hương chủ), trách nhiêm thay đổi dần theo hướng tích cực tham gia công việc làng xã: từ chỗ chỉ là cố vấn, giải thích luật lệ cho dân làng đến thanh tra, kiểm tra các hoạt động của bộ máy làng xã. Phải thấy rằng, khi chuyển từ xâm lược và chinh phục sang cai trị và khai thác, người Pháp nhận thức được vai trò của trí thức Nho học trong xã hội Việt truyền thống nên đã cố gắng tranh thủ họ phục vụ lợi ích của mình. Trí thức Nho hoc tiến bộ cũng đã “tương kế tựu kế”, tận dụng điều kiện này để tuyên truyền yêu nước, như sẽ nói rõ hơn dưới đây.

Tác giả Vũ Đình Hòe trong hồi ký Thuở lập thân (2011) của mình đã ghi lại hình ảnh ngôi trường hương học của làng Mậu Hòa ngót trăm năm trước, khi thân phụ ông là Vũ Như (Bội) Hoàn (1878 – 1970) – làng quen gọi là “Ông Hai”, chắt nội của danh sĩ Vũ Tông Phan, ngồi ông đồ nơi đây từ năm 1912 đến năm 1917. Một bức chân dung tả thực quý hiếm, có lẽ điển hình cho mọi ngôi trường hương học xa xưa. Xin dẫn nguyên văn.

“Mẹ tôi kể mới ở cữ tôi chưa đầy tháng (tác giả sinh năm 1912 – VTK) là bố đã dời nơi dạy học từ Do Lộ – Thanh Oai về Mậu Hòa – Đan Phượng.

– Thì nể quá, – bố nói: – người ta tam tứ phen đến đón, nấn ná mãi không tiện. Chỗ ông, cha, cả cụ Tổ mình “ngồi” đời này sang đời khác ấy mà. Các vị chức dịch làng Do Lộ đồng ý cả rồi, họ đã mời được người thay chân (hương sư). Để lâu quá, sinh rắc rối, khó xử.

… Thời gian từ đó đến bây giờ lâu quá rồi. Trong trí tôi chỉ còn mang máng … Một ngôi nhà lá ba gian hai chái. Buồng dệt và buồng ngủ của u và chị ở hai đầu nhà. Lớp học ở ba gian giữa. Thầy ngồi trên tấm ghế ngựa, trò – khoảng bốn chục đứa – ngồi dưới đất có chiếu giải. Đủ lứa tuổi từ 10 đến 20. Đủ loại lớp từ vỡ lòng đến lớp ba. Đủ thứ chữ: chữ Hán “Tam tự kinh”, chữ quốc ngữ phải học cho thông thạo, chữ Tây bập bẹ vài ba tiếng, theo phương pháp của các ông đồ dạy “Tam tự kinh” soạn thành bài vè: “Pe rơ” (père) thì nghĩa là cha, “me rơ” (mère) là mẹ, ông bà “ay ơ” (aieux)… Thầy trực tiếp dạy các lớp trên, trò lớn dạy lại cho trò nhỏ. Tất cả đều được miễn “học phí”. Lương thầy do làng trả, quy vào dăm sào đất bãi. Thêm “bổng lộc”: quà biếu xén của gia đình học trò, của đình, chùa làng. Cộng lại cũng đủ nuôi miệng thầy. Ngoài ra, mọi sự trông vào tài ba của u…”

Ông Hai không chỉ dạy các thứ chữ Tàu, Ta, Tây. Tiếp nối truyền thống của cha mình là ông đồ Như Hành và cũng là thực thi chức trách của Hương sư, ông giảng giải cho các chức dịch luật lệ của Nhà nước Bảo hộ và Nam triều. Và không chỉ giảng giải mà do có uy tín và trình độ học vấn cao, Ông Hai thường được mời tham gia trực tiếp vào công tác “đối ngoại” của làng Mậu Hòa: mỗi khi có các quan trên về “kinh lý”, “thanh sát”, chức dịch trong làng lại mang trà thuốc đến trường mời ông giáo Hai ra đình cùng “hầu chuyện” các quan. Kể cả khi đã rời làng ra Hà Nội, không giữ chân Hương sư của làng nữa, mỗi khi có việc với “quan trên”, chức dịch Mậu Hòa vẫn cử người ra “thỉnh” Ông Hai về hỗ trợ, lại còn khéo léo nhắc ông đeo cái thẻ bài “Hàn lâm viện Kiểm thảo” (chức tản quan thất phẩm, về phẩm trật ngang với tri huyện) – cho cân bằng vai vế trong buổi nghị sự giữa hai bên.

 Nhưng việc Ông Hai say mê nhất là giảng kinh. Không phải chỉ có kinh Phật, mà ông bắt đầu hâm mộ cũng chính là ở Mậu Hòa, do trường ở gần chùa và ông đã kết thân bằng với vị sư khi đó trụ trì nơi đây. Ông cùng với anh cả của mình là Tổng Hàm, từng là đệ tử của cụ Đồ Mậu, thường giảng các bài “kinh” của trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở phố Hàng Đào như: Khuyến nông, Khuyến công, Khuyến thương, Khuyến học quốc ngữ…Đến khi phong trào Duy tân – Nghĩa thục bị đàn áp tàn bạo thì “kinh giáng bút” của chư vi thần thánh đất Việt là thứ “kinh” Ông Hai hay giảng và giảng rất hay, lôi cuốn cả thanh thiếu niên tới nghe, do ông có trình độ nhị trường Hán học, lại chuẩn bị chu đáo các tài liệu minh họa như sự tích, ca dao – theo hồi ức của thứ nam Vũ Đình Hòe, từ lúc 6-7 tuổi đã được ông cho theo hầu các buổi giảng kinh ở các đền chùa quanh vùng như Dương Liễu, Yên Sở, Tây Tựu…, thậm chí ở cả một số tỉnh khác như Bắc Ninh, Nam Định. Nếu chư vị “giáng bút” bằng chữ Hán, thì Ông Hai diễn dịch sang tiếng Việt, như bài Chính kinh do Đức Thánh Trần mới “giáng bút” ngày Rằm tháng 11 năm 1891 tại điện thờ Ngài ở thôn Yên Ninh (do anh rể họ Trần của ông phụ trách, ở phố Nguyễn Trường Tộ ngày nay), hội đảo nghênh đón tại đền Ngọc Sơn, được hai đền Yên Ninh và Ngọc Sơn khăc in và nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong các đền chùa khắp miền Bắc, vào đến cả Nghệ Tĩnh và sang những năm 30 – 40 của thế kỷ trước thì còn lan đến cả Nam Kỳ là “đất Tây” hoàn toàn. Để giới thiệu tư tưởng yêu nước và nội dung văn hóa, xin trích dẫn một đoạn của bài  Chính kinh ấy, mà chúng tôi đã dịch và công bố toàn văn trên tạp chí Xưa & Nay của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, số 321, tháng 12 – 2008.

Các ngươi đã quy làm đệ tử ở cửa Ta thì hãy mau mau tỉnh ngộ, làm điều thiện, trừ điều ác; trước gắng đôn đốc năm rường mối, sau âm thầm làm việc công đức. Tệ hám tửu sắc, tham bạc tiền đều kiên quyết dứt bỏ; thói ngạo mạn, tham ô thảy nghiêm khắc  diệt trừ. Hãy làm theo Nhân – Nghĩa của Ta, chẳng bận tâm lời khen chê của người đời. Hãy gìn giữ Trung – Hiếu của Ta, không vấn vương lề thói tầm thường của thiên hạ. Lấy chất phác mà đối xử trong nhà, đem trung hậu mà khuyên răn con cháu. Sĩ, nông, công, thương – người người yên nghiệp, không vương phận bọt bèo nổi trôi. Thảy đều quy về đức đôn hậu!

Tự khắc Thần trọng Quỷ sợ, hoạ đi phúc đến; bất tất phải cầu xin thần uy của Ta mà nghìn lành quy tụ, vạn phúc chen vai. Há chẳng vui sao?

Các ngươi khá gắng gỏi mà làm! Nhược bằng trái lời Ta dạy, thời chớ tụng niệm kinh Ta!

Về sau nhiều bài “kinh giáng bút” của chư vị thần thánh tộc Việt như “Đạo nam kinh”, “Tâm pháp chân kinh”…được các trí thức nho học diễn Nôm thành những thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát dễ dàng thấm vào lòng con cháu Lạc Hồng. Nhiều đoạn trong các bộ “kinh” ấy trở thành kinh nhật tụng của môn sinh, đệ tử, thiện nam, tín nữ, như bài sau đây trong “Tâm pháp chân kinh” mà Ông Hai khi theo con cháu lên chiến khu Việt Bắc tham gia Kháng chiến chống Pháp vẫn tụng hàng ngày, khiến mấy anh em chúng tôi, hồi mới 8-9 tuổi đã thuộc nằm lòng:

Kinh thề

Từ rày trở về sau mãi mãi

Thề không tham của cải của người.

Thề không hoa nguyệt chơi bời,

Thề chừa cờ bạc, thề thôi rượu càn.

Thề không dám ăn gian nối dối,

Thề không còn oán mới, thù xưa.

Thề cứu giúp sa cơ,

Thề trong việc Thiện từ giờ gắng công.

Ơn cha mẹ thề không phụ bạc,

Thờ sống sao, thờ thác làm vầy.

Nước, nhà nghĩa hợp xưa nay

Thề xin sau trước thảo ngay một lòng.

Có vợ chồng thề không lỗi đạo,

Sống thủy chung giai lão bách niên.

Anh em nhường dưới kính trên,

Thề xin hòa mục cho yên cửa nhà.

Chơi với bạn nếu mà lường gạt,

Thề xin cam trừng phạt lần hồi

Thầy, trò nghĩa lớn ở đời

Con mà bội bạc, đức Ngài chứng chi!

 

Rõ ràng, không phải “kinh giáng bút” tất cả là mê tín dị đoan, như có thời chúng ta quy kết vơ đũa cả nắm và thiêu hủy vô tội vạ. Rõ ràng, “giáng bút” như học giả Đào Duy Anh từ hơn nửa thế kỷ trước đã nhận định đúng đắn, là một hình thức đấu tranh mới của trí thức Nho học, đại đa số về “làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã”, ngụy trang dưới cái vỏ tín ngưỡng để khai hóa sĩ dân, thuyết giáo những tư tưởng yêu nước thương nòi, giữ lòng trung với nước, nhân ái với đồng bào, hiếu thảo với ông bà cha mẹ… – là cái gốc của văn hóa dân tộc và đạo lý làm người cổ truyền.

Hoạt động của Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn và mạng lưới tư thục trong thôn làng do các ông đồ dạy chữ và giảng Thiện kinh, như chúng tôi đã chứng minh trong báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế ở Đại học Provence (Pháp) ngày 3-5/07/2007, đã đóng một vai trò quan trọng là chuẩn bị cơ sở văn hóa – xã hội sâu rộng, hơn thế nữa – đã dự bị tổ chức và nhân sự cho các phong trào cứu nước đương thời như cho cuộc tụ nghĩa nhanh chóng của hàng nghìn người dưới sự chỉ huy của ông Đồ Mậu, và cả cho sau này, kể cả cho Cách mạng thánh Tám 1945 và Chính phủ Hồ Chí Minh: chỉ cần điểm danh thành phần Chính phủ Nhân dân Lâm thời, thành lập ngày 28 / 8 / 1945 đủ rõ!

Tác giả gửi Văn Việt.

* Đã đăng Tạp chí Hán Nôm số 1(122) – 2014.

Comments are closed.