Ký, đọc Đinh Quang Anh Thái

Nam Dao

clip_image002

Trong những thể văn, ký là ghi lại. Cổ nhất ở phương Đông có lẽ là Sử Ký của Tư Mã Thiên, kẻ bị thiến sống vì sao chép chính xác và luận bình khách quan và vô tư về những sự kiện lịch sử. Ở ta, từ thời dùng chữ quốc ngữ, ký xuất hiện không ít. Miền Bắc, Thạch Lam với Hà Nội 36 Phố Phường, Vũ Bằng với Miếng Ngon Hà Nội, Nguyễn Tuân với Phở… Miền Nam, Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, rồi Bến Nghé Xưa, và hẳn với Phan Nhật Nam qua Mùa Hè Đỏ Lửa, Dựa Lưng Nỗi Chết… Miền Trung, nổi bật là Hoàng Phủ Ngọc Tường với Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông, Rất Nhiều Ánh Lửa…

Thường, thể Ký ghi chép về chiến tranh, về sinh hoạt, địa lý, đường phố, miếng ăn, phong tục, tập quán. Và ở một góc độ rộng, ký không xa với phóng sự, nhà văn trở thành nhà báo, cứ người thật việc thật, thấy sao nói vậy. Ký dưới hình thức đó, trừ một số ngoại lệ, khó đọng lại trong lòng người đọc như những tác phẩm văn học tầm cỡ. Bắt giam trí năng tưởng tượng trong ngục tù của những hiện thực mắt thấy tai nghe, chữ nghĩa chỉ làm công việc chuyển tải thông tin của báo chí.

Ký, tác phẩm của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, không làm công việc của báo chí. Anh ký về những nhân vật gặp gỡ qua duyên nghiệp. Mắt anh thấy gì, tai anh nghe gì, dĩ nhiên là anh thấy và nghe qua cái màn lọc của cá nhân anh, với sự trải nghiệm và thân phận của riêng anh. Vì thế, nhân vật và người viết hẳn hòa quyện vào với nhau như một nỗi gắn bó và tương cảm. Vì thế, qua nhân vật người đọc ký nhận diện được người viết, mặc dầu người viết diễn vai chứng nhân của nhân vật.

Người đọc nay vào vai với người viết Ký và nhân vật, thành một bộ ba trong cuộc tuần du chữ nghĩa. Đọc Đinh Quang Anh Thái, trừ ký về chuyến du hành của anh ở Tiệp, ở Nga, chúng ta có dịp “gặp” nhiều nhân vật đặc biệt ở hải ngoại. Họ phần lớn là những nhà hoạt động có tên tuổi trong những lãnh vực văn hóa, chính trị, truyền thông… như Hoàng Cơ Trường, Đỗ Ngọc Yến, Bùi Bảo Trúc, Trần Văn Bá, Nguyễn Ngọc Bích…

Gặp họ qua Đinh Quang Anh Thái, kẻ gần gũi họ, thật là một cuộc rượu tay ba giữa những người thân, không e dè cấm kỵ, không điệu đàng tạo dáng, không đao to búa lớn, không bợm trợn dối trá, không thù tạc tán tụng. Rượu vào, lời ra. Có những lời đau đớn cứa đứt da. Có những hoang tưởng của kiếp lưu đầy. Có những ngụm nước mắt nuốt ực vào trong. Và dĩ nhiên có những cái cười, khi là cười mỉm, khi thì cười ha hả, cái cười của đấng trượng phu trước thời thế chao đảo.

Người đọc Ký tiếp cận cả hai, nhân vật và người viết, trong cuộc rượu tay ba. Người đọc, kẻ thực ra đến nhậu với tư thế chầu rìa, nay xin cụng ly, và hô lối thời thượng, dzô, dzô!

*

Người đọc tôi xin nâng ly hầu rượu đầu tiên là “Bác Năm mày”, cách bác tự xưng với những người bạn tù thế hệ sau bác. Bác tên thật là Hồ Hữu Tường, tác giả “Phi Lạc Sang Tàu”, “Phi Lạc Náo Hoa Kỳ”, “Tiểu Phi Lạc Náo Sài Gòn”… trong bộ truyện chính trị giả dạng trào phúng “Một thuở ngàn năm” để qua mắt những thế lực đương quyền. Thuở thiếu niên, tôi đọc bác, chỉ biết cười vì cái tếu táo của một Phi Lạc nghịch ngợm chọc phá. Sau, biết bác từng tốt nghiệp cao học Toán bên Pháp đầu những năm 30, quay sang làm báo, làm chính trị, gia nhập Đệ Tứ Cộng Sản hợp tác với những chí sĩ như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm… rồi bị tù đày nào là bởi Thực dân Pháp, rồi bởi Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, bị kết án tử hình song được ân xá may nhờ sự can thiệp của Thủ Tướng Ấn Độ Nehru, nhà văn đoạt giải Nobel Albert Camus… Sau 5 năm tù Côn Đảo, tháng 6 năm 1939 bác Năm tuyên bố chính thức ly khai Đệ Tứ và ý thức hệ Mác, quay về chủ nghĩa dân tộc, đề xướng con đường Trung Lập của những nước nhược tiểu như Việt Nam ta trên bàn cờ thế giới. Sau “giải phóng”, bác bị giải phóng (nói lái) và chia sẻ cảnh nhất nhật tại tù với Đinh Quang Anh Thái. Vô tù, bởi bác viết thư đề nghị kế sách Trung Lập gửi lãnh đạo Nhà Nước Cộng Sản ngay năm 1978, và chẳng hiểu chơi hay thật, trong tù bác rất lạc quan nói với bạn tù sửa soạn cùng bác “tiếp quản chính quyền”.

Trong bài Ký về “Bác Năm mày” của Đinh Quang Anh Thái, hình ảnh đọng lại là một ông già nhân hậu húp chung một tô canh dành cho 4 người tù, tếu táo bàn chuyện chính trị, đem cờ thế ra luận bàn thời cục, khoe mình có đến 9 dương vật (mà thật ra là 9 nốt ruồi lủng lẳng chỗ kín), và xếp sẵn áo quần nghiêm chỉnh để tiếp thu chính quyền buộc sẽ theo đường lối trung lập do bác đề xuất. Có người cho rằng bác Năm giả dại để qua mắt cường quyền, như một cách bảo vệ lấy thân mình. Có người bảo trong cảnh tù đày tuổi cuối đời bác đã hết minh mẫn như thuở sinh tiền bác xả thân đấu tranh tìm đường cứu một đất nước đầy oan khiên.

Phần tôi, người đọc, tôi tin Bác Năm là người nhân hậu, hồn nhiên, và là kẻ đi đến cùng với những suy tư và ước vọng của mình. Tôi đã viết cho Đinh Quang Anh Thái vài lời trước khi tập Ký chào đời, nay xin trích:

“… qua tiểu sử ông, tôi chẳng thể hình dung được con người Hồ Hữu Tường. Cho đến khi đọc bút ký của Đinh Quang Anh Thái thì Bác Năm mới thành con người có da có thịt, đầy trí tuệ và nhất là có một tấm lòng son sắt với nước non. Từ đó Bác Năm đối với tôi không chỉ là một Phi Lạc thông minh tếu táo nữa. Bác Năm mãi mãi là một tấm gương sáng cho những người còn biết yêu quê cha đất tổ và tin vào một tương lai tươi đẹp.”

“Bác Năm mày” ốm đau kiệt quệ nên được ra tù “giải phóng” ngày 26 tháng 6 năm 1980. Vài bữa sau thì bác qui tiên, để lại một sự nghiệp chữ nghĩa có tầm cỡ về chính trị, lịch sử, văn học.

Bây giờ, chắc Bác Năm đang dắt tay Phi Lạc trên con được trí tuệ làm náo động âm cung chăng? Tôi hỏi, và Diêm Vương bảo… như vầy như vầy, xem hồi sau sẽ rõ.

*

Người thứ nhì tôi xin hầu rượu là Như Phong Lê Văn Tiến. Đinh Quang Anh Thái gọi ông bằng cậu, chẳng phải là có liên hệ máu mủ ruột rà, cậu là tiếng tự nhiên bật ra, cậu Tiến. Điều khiến tôi ngỡ ngàng: cậu Tiến có bút danh Lý Thắng, tác giả tiểu thuyết Khói Sóng cuối thập niên 50 thế kỷ trước, đăng hàng ngày trên nhật báo Tự Do thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Và thuở vào mười bốn tuổi đời, thằng bé tôi mê Khói Sóng, mơ đi làm cách mạng như các chú các anh, tuy chẳng hiểu cách mạng là cái chi chi ngoài những hình ảnh tay dao vai súng ngược xuôi trên những nẻo đường đất nước.

Đinh Quang Anh Thái bị bắt năm 1978 vì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ với Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giam tại Trại Phan Đăng Lưu, và gặp Lê Văn Tiến ở đó. Liên lạc đứt đoạn cho đến tháng 8 năm 1981, hai người có cái duyên ở chung một phòng giam trong khám Chí Hòa. Theo lời kể của Thái, Lê Văn Tiến sống mẫu mực, an nhiên và tự tại, chấp nhận nghịch cảnh tù đày và lạc quan tin vào tương lai. Năm 1982, có tin tù sẽ chuyển trại. Thái hỏi, một khi vượt biên thành công rồi, phải làm gì? Tiến đáp, vận động quần chúng góp phần vào đại cuộc. Thái xin Tiến đặt cho một bí danh. Tiến đáp: Cao Hoà. Tại sao? Cao là Cao Đài, Hòa là Hoà Hảo, hai lực lượng khả dĩ nên việc ở trong miền Nam.

Ra tù năm 1984, Thái vượt biên và định cư tại Mỹ. Mười năm sau Tiến cũng đến sống ở California, say sưa vẽ ra một dự án làm báo có tầm vóc thế giới, chuẩn bị để khỏi ngỡ ngàng thời hậu Cộng Sản. Năm 96, hai người thuê một mobile home, chung sống trong 2 năm liền. Đó là nơi đám thanh niên tới lui. Tiến trẻ trung, hài hòa, uyên thâm, trao truyền kiến thức và kinh nghiệm cho mọi người. Đứng đắn và nghiêm túc là tác phong chính. Nhưng đôi khi, Tiến cũng tếu ra trò. Thái kể, một lần có anh bạn trẻ cùng ngồi trên xe hỏi Tiến: ông Lý Đông A của đảng Đại Việt Duy Dân còn sống không? Tiến bảo Thái dừng xe, xoay ra băng sau, nghiêm nghị đáp kiểu “ba tốc”: còn sống, và ông đang ở ngay quận Cam trên đất Cali này! Ai mà chẳng biết ông Đông A đã mất tăm từ năm 1947. Còn “ba tốc” là cách Tiến thi thoảng tự xưng mình. Ông giải thích, ba là vì đẻ ra đã có anh hai, còn tốc là cà chửng cà giỡn, đùa chơi với đời, xem mọi sự nhẹ tựa lông hồng.

Vâng, thưa anh Tiến, thưa nhà văn Lý Thắng đã viết ra Khói Sóng khiến tôi, người đọc, được một thời mơ mộng. Thưa anh, trải qua 78 cuộc chuyển mùa, long đong phía mặt sau chính trường với ước vọng dùng truyền thông – cái quyền lực thứ tư – tạo tương lai cho một đất mẹ đầy bạo loạn, anh đã trả giá bằng 14 năm tù đầy cộng sản. Đoạn chót, 7 năm trên đất Mỹ, anh tiếp tục mơ mộng xây dựng một con tàu truyền thông vượt đại dương để cặp bến sông Sài Gòn. Anh vẫn một thân một mình sống cô đơn, nhưng hẳn anh không cô độc. Anh có những người bạn trẻ yêu kính anh để gửi gắm những hoài bão và ước vọng. Rồi như mọi sự, cái kết cũng đến. Một đời người. Dăm ước vọng. Những nhành hoa. Và anh lên đường đi một chuyến chơi xa lắc năm 2001.

Viếng anh, tôi xin trích Đinh Quang Anh Thái:

“…bây giờ thì cậu không còn nữa, nhưng đó chỉ là phần xác thôi, chứ tinh anh của cậu, TIẾN như gió, TRỤ như núi, vẫn còn và sẽ còn mãi mãi trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ.

Và trong lòng cháu, cậu Tiến ạ!”

*

“Làm thế nào được”, anh nói, rồi leo lên chiếu xếp chân vòng tròn, nhìn Đinh Quang Anh Thái. Tôi rót rượu ra một chiếc chén hạt mít, đẩy về phía anh, nhẹ giọng: “Rượu Hoàng Cầm lấy từ quán 43 Lý Quốc Sư đấy! Rượu vẫn rượu ta, uống ở Mỹ chẳng hiểu có còn mùi vị xưa không? Anh khe khẽ lắc đầu, buông thõng: “Đến Nguyễn Chí Thiện là tôi qua đến đây cũng thành Nguyễn Chí Thiện ‘giả’ do công an Việt Nam gài vào cộng đồng hải ngoại thì cái gì mà chẳng có thể có mùi vị lạ…” Anh thở dài. Chuyện ông Thiện “giả” là chuyện dựng lên từ vài anh xưng là hậu duệ của Đại Việt Duy Dân, một chính đảng được thành lập trước thế chiến II góp tay giành độc lập chống thực dân Pháp. Tôi lấp liếm, chuyện qua rồi ta cho qua đi, nhất là những chuyện bon chen ấu trĩ của “phe” quốc gia ta, cứ chống phá lẫn nhau trong khi đối thủ độc tài đảng trị nằm bên kia bờ đại dương xoa tay cười xòa.

Thi sĩ còn có bút hiệu là Ngục Sĩ, tập thơ được phát tán lần đầu mang tên “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” trước khi trở thành “Hoa Địa Ngục”. Thơ trong Hoa Địa Ngục là thơ tranh đấu, đầy máu và thơ nước mắt, mang tiếng nghiến răng kèn kẹt lồng vào những cú đấm thẳng mặt một chế độ vô nhân. Đọc vài bài thì được, nhưng thi sĩ làm đến 400 bài, vậy “làm thế nào được” để khỏi phụ lòng anh. Ngập ngừng, tôi hỏi anh không bao giờ làm thơ tình ư? Có chứ, và sau cái cười mỉm, anh ngâm nga:

Tôi đã biết những đêm dài ròng rã
Con t
àu câm trôi giữa bóng trăng sao
Biết dừng đâu, không bóng hải đăng nào
Ra tín hiệu đón con t
àu buồn bã
Tôi đã biết những bình minh đói lả
Biến sang m
àu loang tím của chiều hoang
Con tầu đi vô định lệ rộng hàng
Thương xót những mảnh t
àu trôi vạn ngả


Bơ vơ mãi nơi biển trời quạnh quẽ
Đêm ngày mơ sao cập bến bờ vui
Giữa phong ba trong sóng gió dập vùi
Tôi đã đóng những con t
àu đẹp đẽ
Và từ đó triền miên trên sóng cả
Con t
àu tôi đi kiếm bến bình an
Bốn chung quanh lồng lộng bão cơ hàn
Không phá nổi mảnh buồm căng gió thả

Thời thanh niên, ai chẳng tập toẹ làm thơ lãng mạn kiểu Con Tàu Say của Rimbaud, nhưng đó không phải cái tạng của mình, anh nói rồi châm điếu thuốc hút dở một nửa. Thuốc hút lại mùi khét lẹt, và Đinh Quang Anh Thái kể, anh nhẹ nhàng: “làm thế nào được, quen rồi, từ dạo đi tù”. Lần đầu, lý do anh bị tù hơn 3 năm là anh dạy học mà lại phản tuyên truyền, nói cái điều mà cả thế giới biết: Nhật đầu hàng quân đồng minh trong thế chiến II vì Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nagaki và Hiroshima chứ không phải do Hồng quân Liên Xô chiến thắng trên mặt trận Đông Á. Thật lãng xẹt, tù vì bảo trái đất quay quanh mặt trời ở thế kỷ 20! Thẳng và thật, khẩu nghiệp trong thơ cứ thế đưa anh vào Hỏa Lò, rồi Phú Thọ, Yên Bái và lên Cổng Trời ở Hà Giang để chia chung mái ấm (!) với những Hoàng Minh Chính, Phùng Cung… Rốt cuộc, anh ở tù 27 năm, lần cuối từ 1979 đến 1991 vì anh đã chuyển tập thơ Hoa Địa Ngục vào Sứ Quán Anh mong được phổ biến ở hải ngoại.

Nhưng nhờ Hoa Địa Ngục mà anh tăng được 6 kí lô đấy. Anh kể nhân viên trong bộ máy an ninh của chính quyền nghi tập thơ do nhiều tác giả chứ chẳng chỉ một mình anh, “yêu cầu” anh chép lại theo trí nhớ 400 bài. Anh thuận theo, và được “bồi dưỡng” thuốc lá thơm, nước chè thượng hạng, bánh mì pa-tê xúc xích… liền 2 tháng, giá trị bồi dưỡng gấp lương công an 3, 4 lần cho mỗi ngày. Thế là anh cứ chép rất từ từ, lại chia một phần “quả thực” với anh em lấy cung, và có người ghé vào tai nói nhỏ “Mẹ, anh chơi hay quá, anh đánh quả đích đáng lắm!”

Xin trích 1 bài trong Hoa Địa Ngục:

Sẽ có một ngày

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng
Oan khiên!
Về với miếu đường, mồ mả, gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận.
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cơ hồng!
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng tiến quân ca
Và quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!

Tại sao tã trắng thắng cờ hồng, Đinh Quang Anh Thái hỏi. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đáp, Việt Nam hồi sinh sẽ là một hài nhi trong trắng để tiến tới tương lai.

Tôi lại rót rượu. Anh nâng ly, nhẹ nhàng: “làm ly chót nhé!”. Chúng tôi vừa nhắp môi thì một làn khói mỏng nhè nhẹ bay lên từ chỗ anh ngồi. Anh không ở đó nữa. Chỉ còn mùi trầm hương thoang thoảng. Thì thôi, sinh là ký, tử là qui.

Anh đã ra đi ngày Một tháng Mười năm 2012, để cho thế hệ sau tiếng sáo trên trời với niềm hy vọng đổi những mảnh đời vẫn còn tăm tối.

*

Đinh Quang Anh Thái kể Nguyễn Tất Nhiên bán quần có tiền đến chợ trời rủ đi ăn thịt chó. A, món quốc hồn quốc túy, nhưng tiếc khi đó tiền không đủ để gọi một xị ba-xi-đế. Mà ô này, thịt chó không có chất cay gây men thì chẳng hóa ra thịt… cừu ư? Đó là năm 1976, năm đã bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng. Đào đâu ra Martel, Cognac. Thì ta về ta uống rượu ta. Rượu trắng khi ấy đùng đục, muốn tẩy cho trong ta lấy tăm chấm vào thuốc rầy rồi nhúng vào rượu. Trong ngay, uống lại dễ say, và ba ngày sau còn nhức đầu như búa bổ. Đó là giai đoạn ta không cần kinh qua tư bản mà vô tư tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Thật bi tráng, và đói. Bo bo Liên Xô sẽ cứu toàn dân Việt Nam, vô sản trên thế giới hãy đoàn kết lại!

Tôi nói thế mà chỉ có Thái tủm tỉm chứ Nhiên không cười, không nói, lừ đừ như ngái ngủ, lêu nghêu đứng lên ngửa mặt nhìn trời. Tôi rót một ly rượu khi xưa uống dở với Nguyễn Chí Thiện đưa vào tay Nhiên, cao giọng “Nhậu đi cha nội, rồi làm thơ cho em…” Anh cười. Tôi ư ử ngâm bài Cô Bắc Kỳ nho nhỏ:

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất… Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si
Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
“Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò”

“Này cha nội, em là Duyên, đúng không?” Nhiên vẫn không gật, không lắc, không nghe, không nói. Khích Nhiên, tôi quay sang Thái cao giọng “Thằng này khùng mất rồi!”. Thi sĩ vẫn im lặng, lát sau quay nhìn Thái, nói như mơ: “chắc có ngày tui tự tử quá ông ơi!” Nhà thơ Việt Nam toan tự kết thúc đời mình có ông Trần Dần cứa tay, nhưng “ôi cái lưỡi dao cùn, không đứt được mà đau” (ông đã tiên cảm trong bài thơ Nhất Định Thắng). Vậy thì lo chi cho Nhiên, mà có lo cũng chẳng được.

Phạm Duy kể có ba văn nhân là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên đều rồi ta sẽ gặp trong Dưỡng Trí Viện Biên Hoà. Tôi không quen biết ông Ý, nhưng Giáng thì tôi có cảm tưởng ông điên giả, còn Nhiên thì… tôi chỉ gặp qua bài “Thà như giọt mưa…” do ông Duy phổ nhạc bài “Khúc buồn tình” . Xin trích:

….“ Người từ trăm năm
về ngang sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)…

… Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ..

… “thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vời vợi
trên ngọn lông măng.”

Tình si như Nhiên, chẳng dễ chết thế đâu.

Nguyễn Tất Nhiên rời Việt Nam năm 1980, đi Pháp rồi sang Mỹ định cư ở quận Cam. Đinh Quang Anh Thái tù ra, vượt biên và gặp lại Nhiên năm 1985 ở California. Thái kể: “… thăm Nhiên tại căn nhà trọ ở quận Cam, bạn mình gầy hơn, nói chuyện như có lúc trôi vào cơn mê sảng. Nhiên nói đi nói lại nhiều lần, ông đuổi bà bán hàng rong giùm tôi, mới sáng bảnh mắt mà bà rao hàng ồn quá”. Thái hoảng , nghĩ thôi Nhiên thế là “hỏng” rồi. Nhưng không! Nhiên giao tiếp với bạn văn, thường họp mặt định kỳ ở nhà anh Nhật Tiến, và sau lấy vợ, đẻ được hai cháu trai. Tưởng thế là yên, nhưng rồi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, hai vợ chồng ly thân. Nhiên lại vất vưởng chốn bụi trần. Anh đêm đêm gõ cửa nhà bạn bè xin ngủ nhờ, cô đơn, và buồn đứt ruột. Anh than:

Buồn ơi hãy để ta buồn nữa

Trong tiếng làm thinh của ghế bàn

Gặp Thái trên đường Moran nơi có trụ sở báo Người Việt, Nhiên rũ rượi chẳng khác gì một tàu lá chuối ủ dột. Thái rủ Nhiên ăn một cái gì đó, Nhiên đáp “thằng sắp chết không ăn”. Thái nhớ Nhiên từng nhiều lần kêu ông ơi chắc có ngày tui tự tử quá nên đưa thuốc lá cho Nhiên bảo không ăn thì hút. Nhiên lại nói “thằng sắp chết không hút thuốc”. Đó là hai câu kêu cứu cuối cùng Thái nghe được!

Hai tuần sau, Nhiên chết trong chiếc xe cũ rích đậu bơ vơ cuối sân một ngôi chùa vắng lặng. Thời gian đó là vào chớm thu năm 1992, Nhiên được tròn 40 tuổi. Chắp tay cầu tiếng chuông chùa đưa Nhiên theo mây an bình bay vào cõi tĩnh lặng vô biên.

Văn gia và thi nhân là những kẻ trời phú cho thứ mẫn cảm vượt mức bình thường. Vì thế, trời đày: bắt yêu cái yêu của mọi người, ghét cái ghét của mọi người, đau cái đau của mọi người, khổ cái khổ của mọi người. Đau quá, khổ quá, thì sống nữa làm gì? Trả lời câu hỏi đó, lý tính và chữ nghĩa trở thành bất lực. Chỉ hành động tiếm quyền tự diệt mới đáp trả được câu hỏi tối hậu. Những kẻ chính mình đã kết liễu đời mình trong giới thi văn không ít. Họ là E. Hemmingway tác giả của Ông Già và Biển Cả, là Y. Mishima của Chùa Vàng. Là V. Woolf, là G. de Nerval, là V. Mayakovsky, là P. Celan, là Y. Kawabata, là Gu Yuan… Bây giờ, xin chua thêm vào danh sách thi sĩ người Việt Nam mang bút danh Nguyễn Tất Nhiên, tên thật là Nguyễn Hoàng Hải.

*

Trong những cuộc rượu vừa kể lại với bạn, dẫu chỉ là kẻ chầu rìa, người đọc phải nắm bắt cái thần của nhân vật trong Ký. Cái thần đó là do người viết truyền tải bằng những con chữ. Công việc đó chẳng khác gì việc người họa sĩ vẽ chân dung, người tạc tượng chạm khắc tạo hình nhân vật. Chất liệu nghệ thuật có khác nhưng tinh thần vẫn chỉ một, là khám phá cái ẩn ở chiều sâu một con người. Vẽ truyền thần, không hơn một bức ảnh. Tạc một bức tượng nhìn như thật, nhưng đó chỉ là cái thật nhìn bằng mắt, và nó có thể vô hồn, trơ trơ tĩnh vật. Bắt được cái thần của nhân vật là tìm ra phần hồn, và tìm được hay không đến từ sự tương cảm, mối thân tình của người viết với nhân vật. Viết về nhân vật, người viết ký cũng đồng thời bày tỏ chính mình, nhưng với liều lượng vi tế, tránh lộ liễu kiểu tự đánh bóng chiếm chỗ nhân vật. Người đọc Ký tiếp cận cả hai, nhân vật và người viết.

Đinh Quang Anh Thái viết về 10 nhân vật. Anh chấm phá, nhưng rất thành công vẽ lại những con người trong tù đày tao loạn nhưng vẫn vượt lên để làm người một cách đích thực.

Như người đọc, tôi góp một lời cộng hưởng, phác qua cái truân chuyên của các vị Hồ Hữu Tường, Lê Văn Tiến, Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Tất Nhiên.

Và rất tiếc không thể đề cập đến những nhân vật khác mặc dầu cuộc đời họ chẳng kém phần sinh động trong những dấn thân với ý thức xây dựng một xã hội tử tế.

Bây giờ, họ tất cả là những người muôn năm cũ.

Nhớ đến họ lúc tàn canh khi giật mình tỉnh giấc. Và như nàng Kiều trôi giạt, tôi không khỏi giật mình để mình lại thương mình xót xa.

Comments are closed.