Làm mới thơ, làm thơ mới, khác nhau chăng?

Ngu Yên

Suy nghĩ về hai khái niệm này, quả thật có chỗ khác nhau. Sự khác biệt cần được ý thức rõ ràng để người viết và người đọc có thể phán đoán và đánh giá khi sáng tác hoặc thưởng ngoạn một bài thơ.

Nếu đặt câu hỏi trên vào ý nghĩa ngược lại, có lẽ sẽ dễ giải thích hơn. Vì bất kỳ ai làm thơ, khởi đầu, thường làm thơ theo lối cũ. Sau một thời gian, gặt hái nhiều kinh nghiệm, cho đến khi nào ý thức được bản sắc của sáng tác, lúc đó, mới nghĩ đến việc làm thơ mới. Vậy thì, làm cũ thơ và làm thơ cũ, khác nhau ra sao?

Làm thơ cũ là sáng tác thơ: 1- Theo những thể loại thơ đã cố định. Ví dụ như lục bát, bảy chân, tám chân, v.v. 2- Nhưng chính xác hơn là cách diễn tả thơ qua ngữ pháp và cú pháp đã quen thuộc, thông dụng. 3- Lặp lại hoặc chế biến tương tựa những đề tài, nội dung, tứ và ý, từ những bài thơ trong quá khứ và thời thượng. Làm thơ cũ, thường sử dụng khả năng sáng kiến nhiều hơn sáng tạo.

Trong khi, làm cũ thơ xảy ra trong hai trường hợp: 1- Sáng tác với ý thức chứng minh giá trị thơ cũ. Ví dụ như những phong trào thơ về nguồn hoặc hoài cổ. 2- Dụng tâm hoặc vô tình sử dụng những yếu tố làm cũ thơ trong lúc nỗ lực làm thơ mới. Trường hợp thứ hai là do sự vô tình, thiếu cẩn thận, hoặc thiếu học thuật. Ví dụ như dùng điển cố trong thơ đương đại.

Từ khái niệm làm thơ cũ và làm cũ thơ lập luận ngược lại cho chúng ta một nhãn quan về sáng tạo. Vì sáng tạo luôn luôn mang ý nghĩa “làm mới”. Làm thơ mới là sáng tác thơ: 1- Không sử dụng những thể thơ cố định. 2- Tìm kiếm những thi pháp diễn đạt thơ một cách khác thường, thú vị. 3- Chọn lựa đề tài không phổ thông, nội dung khác, và tứ thơ mới lạ. Làm thơ mới cần tận dụng khả năng nhận thức, tưởng tượng và trực giác.

Làm mới thơ là điều tôi muốn đề cập nhiều hơn. Làm mới thơ không chì là hành động. Làm mới thơ là một thái độ. Tâm thức của người làm mới thơ luôn luôn ở trong tình trạng hoạt động. Bất kỳ lúc nào họ cũng sẵn sàng nhận thức, nắm bắt những gì mới và khác xuất hiện chung quanh đời sống. Những kinh nghiệm này được tích trữ vào trí nhớ hoặc trong sổ tay, để một hôm sẽ thể hiện ra thơ.

Làm mới thơ xảy ra trong ba trường hợp: 1- Sáng tác bài thơ hoàn toàn mới, từ hình thức đến nội dung. 2- Sáng tác bài thơ có một số thành phần cấu tạo mới lạ. 3- Sáng tác bài thơ với những thành phần cũ nhưng làm mới lại bằng cách mô tả, thể hiện khác thường.

Làm mới thơ là ý thức dặn dò vô thức, để đưa ra trực giác về hình ảnh, ý tưởng và ngôn ngữ, khi cảm xúc nâng cao khả năng sáng tạo. Làm mới thơ đôi lúc chối từ luôn thơ mới. Vì thông thường thơ mới là loại thơ hoặc đang được các nhà văn học quan tâm, hoặc đang gây tiếng vang trong giới thưởng ngoạn tiền phong. Vì vậy, đối với người làm mới thơ, thơ mới có khi đã không còn mới.

Người làm mới thơ cũng là người làm thơ mới, luôn luôn ý thức rõ ràng về giá trị của thơ: MỚI LẠ. Bài thơ sáng tác theo lề lối cũ có thể hay, có thể có giá trị, nhưng không còn đóng góp vào sự phát triển của thi ca. Chức năng thơ luôn luôn là khám phá điều gì mới lạ, hoặc tối thiểu, thể hiện đối tượng một cách khác thường. Làm mới thơ là chức năng tiên phuông phiêu lưu vào cõi thơ bát ngát.

Làm mới thơ và làm thơ mới không phải là mục đích nhưng là điều kiện để sáng tác thơ. Mục đích của làm thơ là tạo ra giá trị thơ và phục vụ ý định hoặc lý tưởng của tác giả. Làm cũ thơ hoặc làm thơ cũ hầu hết chỉ lập lại giá trị đã có và mang tính giải trí hoặc thỏa mãn tâm tình.

Hơn nữa, giá trị cao của thơ là đánh thức người đọc ra khỏi thế giới bình thường, để họ tự tái xét những ý thưởng, niềm tin, kinh nghiệm và hiểu biết về thế giới chung quanh, mà họ đã thu thập từ thói quen, được dạy dỗ từ theo truyền thống, rồi dần dần trở thành lỗi thời. Chức năng nhận thức những giá trị mới lạ và giá trị mới hơn để cảnh tỉnh người khác thuộc về ba loại người: Khoa học gia, triết gia và thi sĩ. Khoa học gia thí nghiệm và chứng minh. Triết gia lập luận và giải thích. Thi sĩ điềm chỉ và gợi ý.

Chức năng này của thi sĩ đã có từ thời xưa, thuở người ta xem thi sĩ là những nhà tư tưởng. Khái niệm này lỗi thời vì thi sĩ ngày nay không phải là triết gia, không làm công việc giải nghĩa, giải mã những thâm sâu. Khái niệm ngược lại. xem thi sĩ là những người ban phát cái đẹp, đi mây về gió, được cổ xúy từ phong trào thơ Lãng Mạn, nay cũng lỗi thời. Chức năng mới của thi sĩ có dạng khám phá thực tế của khoa học gia, tư duy thâm trầm của nhà tư tưởng, rồi trao tặng lại cho người đọc, để họ tự khám phá và tự tư duy. Trong lúc đó, thi sĩ tiếp tục đi tìm đối tượng và phương cách “làm mới” thơ.

Người làm cũ thơ hoặc làm thơ cũ thường hay bị tắc tị. Nghĩa là, hoặc giẫm chân tại chỗ hoặc ngưng làm thơ, vì lý do: 1- hoặc không đủ khả năng để tiếp tục hoặc 2- không tự tạo điều kiện để sáng tác thơ mới.

Tự tạo điều kiện bao gồm hai hành động văn học chủ yếu: Đọc và thử nghiệm.

Đọc bao gồm quan sát và nhận thức. Đọc để suy tư, thu thập, không chỉ giải trí. Thử nghiệm có mục đích lăn lộn với nhiều kinh nghiệm thất bại, không phải để thực hiện nỗi khao khát thành công. Đọc rồi viết. Viết rồi đọc. Một hôm, nói như nhà thơ Wislawa Szymborska, những bài thơ rời đang cất giữ được tuyển chọn, rồi đóng lại thành tập, gọi là tác phẩm.

Tái bút về sinh vật thơ

Một văn bản thiếu nghệ thuật thơ không thể gọi là bài thơ. Nhưng những gì gọi là nghệ thuật thơ, không được văn học xác định rõ ràng, vì vậy nhiều bài thơ không phải thơ xuất hiện.

Không thể xác định nghệ thuật thơ rõ ràng, chẳng phải vì những trí não thông thái qua nhiều thế kỷ không thể khám phá, tìm thấy và định danh, mà vì nghệ thuật thơ là một sinh vật.

Nó ra đời theo thơ. Khôn lớn, trưởng thành, thăng trầm theo thơ. Tự sinh, tự phát, tự lập, ba đặc tính này cho phép nghệ thuật thơ sống và phát triển theo thời gian, theo tâm trí, theo nhu cầu của nhân loại.

Cứ mỗi thời đại, những nhà nghiên cứu thơ trải nghiệm, tái xét đặc tính, tài năng của sinh vật này, với mục đích xác định lại căn cước, chuẩn đoán lại sức khoẻ, giải trừ những nhiễm trùng của sinh vật đó. Đồng thời, dự phóng sức sống, lối sống và những thay đổi khả thể trong tương lai.

Sinh vật này không thể nhốt trong chuồng. Nó sinh sống tự do trong cõi thơ vô hạn. Nghệ thuật thơ sẽ chẳng bao giờ có thể xác định minh bạch và duy nhất.

Sinh vật này sinh sản ra nhiều con cái phù hợp theo thời đại và sự thay đổi của con người. Mỗi đứa con sinh ra khác nhau vì mỗi đứa sinh ra trong lòng của mỗi nhà thơ. Nghệ thuật thơ của mỗi nhà thơ chính là đứa con lai, sinh vật tự phát, tự lập và lớn khôn theo “thực phẩm thơ” mà nhà thơ đã cung cấp và nuôi dưỡng. Không có ai khác sẽ chịu trách nhiệm về sức khỏe và tài năng của đứa con lai này ngoài trừ chính nhà thơ chủ nhân.

Mỗi nhà thơ phải tự sử dụng tài năng nghệ thuật thơ riêng tư để xác định một tác phẩm thơ có phải thật sự là thơ, với ý thức về khuyết điểm tâm lý: Con của mình luôn luôn hay hơn, dễ thương hơn con của người khác.

(Trích: Ý Thức Sáng Tác Thơ: Sáng Tạo và Tái Tạo. Phát hành tháng 9 năm 2019.)

Comments are closed.