Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (kỳ 4)

Lã Nguyên

VỊ THẾ CỦA VĂN HỌC TRÊN SÂN CHƠI VĂN HOÁ

TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

1. Dẫn nhập. Một trong những chức năng quan trọng bậc nhất của lí luận văn học là nghiên cứu, khám phá lô gíc nội tại của tiến trình văn học. Với ý nhĩa như thế, lí luận văn học chính là lịch sử văn học được trừu tượng hoá và bàn về lí luận văn học thật ra là bàn về sáng tác văn chương trong xu hướng vận động lịch sử của nó. Cái khó của người làm lí luận bây giờ là ở chỗ, hơn nửa thế kỉ qua, văn học đã trải qua nhiều thay đổi vô cùng lớn lao. Sự biến đổi của văn học khiến nhiều nhà chuyên môn lắm lúc không còn đủ tự tin để cắt nghĩa một cuốn tiểu thuyết hoặc một bài thơ đang làm xôn xao dư luận. Đúng là văn học ngày càng trở nên xa lạ với các quan niệm lí thuyết mà ta vẫn quen xem như những chân lí bất di bất dịch. Cho nên, nếu chưa phân tích thấu đáo bối cảnh văn học hiện nay mà vẫn cứ bạo gan bàn về con đường phát triển của lí luận văn học hoặc về những vấn đề trọng đại ví như bản chất hay chức năng của văn chương, tôi dám chắc, chúng ta chỉ có thể vòng vo với những câu chữ sáo rỗng hoặc nói những chuyện giời ơi đất hỡi ở tận đẩu đầu đâu.

Có thể hình dung bối cảnh văn học của một thời đại từ hai bình diện quan trọng sau đây. Thứ nhất: vị thế của văn học như một tiếng nói quyền lực trên sân chơi văn hoá. Thứ hai: văn học như một thực tế diễn ngôn. Tiểu luận này chỉ tập trung vào bình diện thứ nhất: vị thế của văn học trên sân chơi văn hoá. Thiết nghĩ, dẫu không đi sâu nghiên cứu, nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật, các nhà văn, nhà thơ, các nhà lí luận, phê bình đều có thể nhận ra, trên sân chơi văn hoá, văn học đang bị đẩy ra khu vực ngoại vi. Dĩ nhiên, hiện trạng ấy là kết quả của cả một quá trình dài lâu, rất khó chấp nhận với những ai chỉ quen xem xét văn chương như một bản thể trừu tượng, hoặc chỉ quen khái quát lí thuyết trên nền tảng của văn học trung đại hay văn học hiện đại của một số dân tộc ở các nước phương Đông. Bởi vậy, tôi sẽ trình bày về vị thế của văn học trên sân chơi văn hoá dọc theo trục lịch sử, từ cổ – trung đại, qua hiện đại đến thời đương đại của chúng ta. Vì văn học là nghệ thuật ngôn từ, nên vị thế của văn học sẽ được xem xét trên các tương quan cơ bản sau đây: 1. Lời nghệ thuậttoàn bộ hoạt động tinh thần của xã hội; 2. Lời nghệ thuậtlời xã hội (như phê bình văn học, tiếng nói chính trị, tư tưởng hệ); 3. Lời nghệ thuậtcác tiếng nói ngoài lời (điện ảnh, truyền hình, Internet, tiếng nói của “văn hoá tiêu dùng” như là sức mạnh của “vật” trong cặp phạm trù đối lập “vật”/“lời”…).

2. Lời nghệ thuật và tiếng nói quyền uy trên sân chơi văn hoá. Trên sân chơi văn hoá thời cổ đại và trung đại, văn học luôn chiếm giữ vị trí trung tâm. Nó là tiếng nói đầy quyền uy. Quyền uy của văn học có nguồn cội từ sức mạnh của lời nói nghệ thuật.

Sở dĩ văn học được xem là nghệ thuật vì nó có đối tượng nhận thức riêng, có nội dung và phương thức biểu đạt nội dung mang tính đặc thù. Năm 1841, trong bài viết nổi tiếng Tư tưởng nghệ thuật, V.G.Belinski (1811 – 1848) đã đưa ra định nghĩa: “Nghệ thuật là sự chiêm ngưỡng chân lí một cách trực tiếp, hoặc là tư duy bằng các hình tượng”. Belinski cho rằng, chỉ cần “đem cái định nghĩa ấy mà mở rộng ra, ta sẽ có toàn bộ lí luận nghệ thuật: từ lí luận về bản chất của nghệ thuật, về sự phận chia nghệ thuật thành các thể loại cho đến lí luận về hoàn cảnh tồn tại và bản chất của từng thể loại”[1]. Trong lịch sử khoa học, không phải ai cũng tán thành quan điểm ấy[2]. Nhưng theo cách hiểu truyền thống, hầu như tất cả chúng ta đều đinh ninh, rằng tính hình tượng là đặc trưng quan trọng nhất của nghệ thuật.

Trong nghệ thuật, không tồn tại một thứ hình tượng nói chung. Hình tượng bao giờ cũng là hình tượng của một loại chất liệu cụ thể. Cho nên, hơn hai nghìn ba trăm năm trước, Aristotle (384 – 322 tr. CN) đã biết dựa vào chất liệu “bắt chước” để phân chia các loại hình nghệ thuật và chỉ ra sức mạnh của “thi ca” (tức văn học). Văn học khai thác chất liệu xây dựng hình tượng từ lời nói tự nhiên trong giao tiếp của con người. Nhờ được tổ chức một cách nghệ thuật, hình tượng ngôn từ trong sáng tác văn học trở thành chỉnh thể thống nhất của hai mặt đối lập tưởng như loại trừ nhau. Một mặt, đó là loại hình tượng rất giàu giá trị tạo hình. Bởi vì, trong sáng tác văn học, nhà văn có thể sử dụng rộng rãi lớp từ hình tượng (như từ tượng thanh, tượng hình) và các phép chuyển nghĩa (như ẩn dụ, hoán dụ, phóng đại, ngoa dụ…) để miêu tả cuộc sống một cách hình tượng. Trong tác phẩm nổi tiếng Laokoon hay là về ranh giới của hội hoạ và thi ca (Laokoon oder Über die Grenzen der Malerei und Poesie – 1766), G.E. Lessing (1729 – 1781) đã chỉ ra đặc điểm độc đáo của phương thức tái hiện đời sống bằng lời nói trong sáng tác văn học. Theo Lessing, khác với hội hoạ, “thi ca” (tức văn học) bao giờ cũng miêu tả hành động, miêu tả “động tác của vật thể để qua đó miêu tả vật thể”, nó miêu tả “động tác và trạng thái bên ngoài để làm nổi bật động tác và trạng thái bên trong, động tác của tâm hồn, động tác của tình cảm”[3]. Cho nên, tiếp xúc với văn học, ta vừa nhìn thấy một bức tranh hiện thực với đủ cả mầu sắc, đường nét, hình khối, lại vừa cảm nhận được ở phía sau bức tranh ấy có một sự sống đang run rẩy, phập phồng, biến hoá. Nhắc lại những tri thức sơ đẳng như thế để thấy, phương thức tái hiện đời sống bằng lời nói đã mang đến cho văn học những khả năng tạo hình mà các môn nghệ thuật khác khó bề sánh nổi. Mặt khác, từ trong bản chất sâu xa, thế giới nghệ thuật được mở ra từ hình tượng ngôn từ chỉ là thế giới của lời, của ý niệm. Người ta gọi đó là hình tượng phi vật thể, loại hình tượng không có khả năng tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào giác quan của con người. Nó chỉ biểu đạt một thực tại gián tiếp, thực tại tiềm năng, một thực tại tinh thần đầy tính giả tưởng mà muốn chiếm lĩnh, người đọc hoặc người nghe phải có trí tưởng tượng mãnh liệt và khả năng liên tưởng phong phú. Bản chất hai mặt được tạo thành bởi sự thống nhất giữa các đối cực tưởng như loại trừ nhau (tạo hình – ý niệm) đã biến hình tượng ngôn từ thành hình thức biểu đạtkiểu tư duy tổng hợp độc đáo, trác tuyệt mà ta chỉ có thể tìm thấy trong văn học nghệ thuật. Tư duy văn học vừa là kiểu tư duy của vô thức tập thể (giống như trong huyền thoại, tôn giáo, văn hoá dân gian, hoặc âm nhạc và nghệ thuật sân khấu trong hoạt động chuyên nghiệp), của tình cảm mãnh liệt và những xúc động trực tiếp trước hiện thực (giống như trong các hoạt động văn nghệ – thẩm mĩ), lại vừa là kiểu tư duy đầy thông tuệ của lí trí con người (giống như trong các công trình nghiên cứu khoa học). Chính kiểu tư duy trác tuyệt, độc đáo ấy đã mở đường cho văn học tiến vào chiếm giữ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá – xã hội.

Vị trí trung tâm của văn học trong cấu trúc của các nền văn hoá thể hiện ngay ở mối quan hệ giữa nó với tiếng nói của các nghệ thuật khác. Văn học là cầu nối liên kết các loại hình nghệ thuật không gian với nghệ thuật thời gian, nghệ thuật tạo hình với nghệ thuật biểu hiện (“Thi trung hữu nhạc”, “Thi trung hữu hoạ”). Truyện có thể đọc, cũng có thể kể. Thơ có thể đọc mà cũng có thể ngâm. Có kịch bản để diễn, nhưng cũng có kịch bản để đọc. Văn học là nơi gặp gỡ giữa nghệ thuật thị giác và nghệ thuật thính giác, giữa nghệ thuật viết – đọc trầm ngâm trong nội thất, với nghệ thuật công diễn náo nhiệt ngoài quảng trường. Văn học là nghệ thuật của các nghệ thuật, là nghệ thuật mang tính tổng hợp. Với ý nghĩa như thế, V.G.Belinski gọi “thi ca” (tức văn học) là “vòng nguyệt quế lấp lánh trên vầng trán nghệ thuật”.

Vị trí của văn học trong đời sống văn hoá – xã hội còn thể hiện qua mối quan hệ giữa nó với các tiếng nói của lĩnh vực hoạt động nhận thức chân lí, khám phá bản chất, quy luật của thế giới khách quan. Có cơ sở để gọi văn học là “cuốn sách giáo khoa về đời sống” (N.G.Sernysevski). Suốt mấy nghìn năm tồn tại, trên thế giới đã có nhiều trào lưu văn học gần như hoá thành một kiểu hoạt động trí óc, hoặc một dạng đặc thù của nghiên cứu lí thuyết. Các trào lưu văn học ấy khi thì xích lại gần tôn giáo, triết học, lúc lại xích về phía lịch sử học, ngữ văn học, xã hội học, thậm chí có những khuynh hướng sáng tác tiến hẳn về phía khoa học tự nhiên. Ngay cả khi không không xích lại các lĩnh vực khoa học một cách có ý thức, văn học nghệ thuật vẫn là hoạt động nhận thức thế giới, khám phá chân lí. Ai cũng biết định nghĩa nổi tiếng của M.Gorki: “Văn học là khoa học về con người”. Còn F. Engels thì cho rằng, bộ Tấn trò đời của Balzac “đã cấp cho ta cái lịch sử hiện thực tuyệt diệu nhất của xã hội Pháp, bằng cách miêu tả dưới hình thức biên niên sử, gần như từng năm một, từ năm 1816 đến 1848”. Engels nói, qua Tấn trò đời, ông “đã biết được, ngay theo nghĩa kinh tế học, nhiều chi tiết (chẳng hạn sự phân phối lại động sản và bất động sản sau cuộc cách mạng) hơn ở các quyển sách của tất cả những nhà chuyên môn: các sử gia, các nhà kinh tế học, các nhà thống kê của thời này gộp lại”[4]. Văn học không thể so với các khoa học về sự chính xác, nhưng vẫn có ưu thế riêng, vì nó nhận thức thế giới bằng hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật không chỉ là công cụ khám phá cái chưa biết, mà còn là tác nhân đánh thức vùng tri thức chìm sâu dưới lớp vô thức, tiềm thức thường bị con người bỏ quên. Nó giúp con người đi về trong miền kí ức để “Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui. Những ngày vui nghĩ lại thấy bùi ngùi”. Thế giới hình tượng trong sáng tác văn học không chỉ là sách giáo khoa cung cấp sự hiểu biết về hiện thực khách quan, mà còn là ông thầy dạy khôn giúp con người mài sắc cái nhìn để phân biệt thật giả chân nguỵ và năng lực tự khám phá bản thân.

Kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội hoạ dẫu tinh tế đến đâu thì vẫn chỉ là phần không lời của đời sống. Văn học miêu tả hoạt động lời nói và hoạt động tư duy. Trong sáng tác văn học, ngôn từ không còn là lời nói tự nhiên như một chất liệu thô mộc. Mỗi từ, mỗi câu được cất lên trong sáng tác văn học đều là một “phát ngôn”, một “ý kiến” luôn luôn lấp lánh ánh sáng ý thức của chủ thể lời nói. Lấy hình tượng ngôn từ làm chất liệu biểu đạt và phương thức tư duy, văn học có khả năng to lớn trong việc chuyển tải, truyền đạt tư tưởng và các hệ thống quan niệm mang tính lí thuyết (ví như quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, quan điểm chính trị, xã hội…). Văn học không chỉ miêu tả bức tranh về thế giới hiện thực, mà còn phân tích, giải thích, đánh giá bức tranh đời sống được nó miêu tả, tái hiện. Cho nên, văn học là nghệ thuật đầy ắp nội dung tư tưởng hệ. Đặt bên cạnh tôn giáo, triết học, đạo đức học, chính trị học, pháp quyền, luật học…, văn học là diễn ngôn tư tưởng hệ trong hình thức nghệ thuật. Nhưng đặt bên cạnh kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội hoạ…, văn học là diễn ngôn nghệ thuật mang nội dung tư tưởng hệ. Nhìn từ phía nào – đem nối kết nghệ thuật và tư tưởng hệ để khẳng định sự thống nhất, hoặc đem tư tưởng hệ đối lập với nghệ thuật nhằm làm nổi bật sự khác nhau giữa chúng – người ta đều có thể nhận ra chỗ đứng đặc thù của sáng tác văn học. Văn học vừa là nhân tố liên kết, hợp nhất, vừa là nhân tố phân hoá, chia tách các hiện tượng tư tưởng hệ với các hiện tượng thẩm mĩ – nghệ thuật. Đã có hàng nghìn năm, văn học chiếm giữ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá – xã hội. Văn học có được vị trí như thế bởi vì nó bao giờ cũng nằm ở nơi giáp ranh giữa nghệ thuật và tư tưởng hệ.

Văn học sở dĩ luôn chiếm giữ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá – xã hội còn bởi vì nó là một dạng hoạt động tác động. Người cầm bút viết văn, làm thơ không phải chỉ là để giãi bày tình cảm, tư tưởng, mà còn là để đối thoại, tranh biện. Bằng sáng tác của mình, nhà văn trực tiếp phát biểu chính kiến, góp phần giải quyết những vấn đề thời sự nóng bỏng của thời đại. Thực tế chứng tỏ, khi xã hội có nhiều biến động, hoặc ở những giai đoạn bước ngoặt của lịch sử, sáng tác văn học thường mang nặng tính luận đề. Ví như tính luận đề không chỉ là đặc điểm nổi bật của văn xuôi, của kịch, mà còn là đặc điểm của thơ Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Đọc lại văn thơ thời ấy, ta sẽ thấy, nội dung luận đề trong văn học đa dạng biết chừng nào. Có hiện tượng như thế vì qua sáng tác, nhà văn tham gia trực tiếp vào các cuộc đấu tranh tư tưởng, hoặc những cuộc tranh luận về đủ các loại chủ đề, như triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị – xã hội, về cả những vấn đề về mĩ học và văn học nghệ thuật… Bằng cách ấy, văn học không chỉ phản ánh hiện thực đời sống, mà còn góp phần cải biến thế giới. Nó tác động tích cực tới thế giới quan của người đọc, góp phần hình thành ở họ những tín niệm đạo đức, thị hiếu thẩm mĩ, quan điểm tôn giáo, chính trị và cả những tri thức triết học, khoa học…Nó thường xuyên đấu tranh chống lại cái cũ, mở đường cho cái mới nẩy nở, phát triển. Có nhiều thời điểm, văn học trở thành diễn đàn tự do, trước hết là của tự do tư tưởng, của lẽ phải và sự công bằng, của khát vọng dân chủ và lí tưởng nhân bản bất diệt của con người. Văn học tác động tới tư tưởng người đọc thông qua con đường tình cảm. L. Tolstoi cho rằng làm “lây lan tình cảm” là bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật[5]. Văn học nghệ thuật tác động tới tư tưởng và tình cảm người đọc không phải bằng logic lí trí, bằng ngôn ngữ chính luận, mà chủ yếu bằng thi pháp nghệ thuật và ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ hình tượng và thi pháp nghệ thuật cho phép người cầm bút tìm tới lối nói độc đáo chỉ có thể có trong sáng tác văn học. Đó là lối nói bóng gió, nói ngầm, nói bằng điển tích, điển cố, bằng những hình ảnh tượng trưng ước lệ….Trong sáng tác văn học, lớp nghĩa “hiển ngôn” thường không quan trọng bằng nghĩa “hàm ngôn”, văn bản nổi trên bề mặt không quan trọng bằng văn bản ngầm. Lớp nghĩa hàm ngôn ở văn bản ngầm giúp người sáng tác vượt qua mọi hàng rào kiểm duyệt của quốc gia, của các đảng phái chính trị, các tổ chức tôn giáo, các loại giáo lí, huý kị, của các thành kiến, định kiến, và cả những thứ hủ tục, mê tín, dị đoan… để nói với người đọc những điều không thể nói bên ngoài sáng tác văn học. Từ góc độ này, có thể thấy, văn học là hàn thử biểu ghi nhận chính xác cả truyền thống dân tộc, lẫn các chuẩn mực lịch sử mang tính cụ thể của một nền văn hoá ở từng giai đoạn hình thành và phát triển của nó.

Cũng có nhiều nhà văn làm thơ, viết truyện bằng tiếng nước ngoài. Nhưng nền văn học của bất kì một dân tộc nào cũng sáng tạo bằng tiếng nói của dân tộc mình. “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy”. Nhà văn là con để của dân tộc. Cách cảm, lối nghĩ, kiểu nhìn thế giới bằng hình tượng và các hình tượng thế giới của một dân tộc bao giờ cũng để lại dấu ấn trong tiếng nói của dân tộc ấy, rồi qua tiếng nói, thấm sâu vào máu huyết của nhà văn, nhà thơ. Các hình tượng thế giới của dân tộc lại dạy cho nhà văn cách lí giải vũ trụ và thực tại xã hội, cách phân tích các bước đi của tiến trình lịch sử, đời sống tâm lí của con người, giúp họ tìm hiểu sự vận động của các ý niệm về tôn giáo – huyền thoại, về tư tưởng – chính trị cùng sự phát triển của phong tục, tập quán và văn hoá trong đời sống thường nhật. Có thể nói, việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc làm công cụ sáng tạo đã biến văn học thành tấm gương phản chiếu trung thành trình độ tự nhận thức của nhân dân, cách thức ứng xử văn hoá và tâm tính của dân tộc[6].

Tóm lại, sức mạnh của lời nói đã làm nên sức mạnh của văn học. Văn học là một loại hình diễn ngôn đặc thù. Lấy hình tượng lời nói làm phương thức tư duy và công cụ biểu đạt, ngay từ thời xa xưa, nghệ thuật ngôn từ đã chiếm giữ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá – xã hội. Từ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá – xã hội, văn chương luôn luôn cất lên tiếng nói đầy quyền uy. Lời văn viết ra hoá thành “hịch”, “cáo”, “chiếu”, “chế”, “lệnh”… Văn nhân có người được gọi là “thánh nhân”. Tác phẩm văn chương có thể được xem là kinh sách, điển phạm. Thi từ có sức mạnh “thị chúng” (“Cáo tật thị chúng”). Văn dùng để “tải đạo”, “quán đạo”, “minh đạo”… Ở nhiều thời điểm lịch sử, “trường quyền uy” của tiếng nói văn học gần như lấn lướt, làm lu mờ quyền uy của mọi lời nói khác, kể cả tôn giáo, khoa học, chính trị, pháp quyền… Cứ nhớ lại thái độ của các tầng lớp nhân dân đối với tờ báo Văn nghệ và không khí của văn học Việt Nam thời “đổi mới” (1986 – 1991), ta sẽ hiểu ngay, nghệ thuật ngôn từ có sức nặng như thế nào trong đời sống văn hoá – xã hội. Ở những thời điểm như thế, “văn học quyển” là linh hồn của “văn hoá quyển”.

3. Cuộc đối thoại giữa lời nghệ thuật và lời xã hội. Sự đảo ngược tương quan quyền lực. Nhưng khi nhân loại chuyển qua kỉ nguyên hiện đại, văn học không thể giữ được vị trí trung tâm trên sân chơi văn hoá và “trường quyền lực” của nó không ngừng bị thách thức, thu hẹp. Ở châu Âu, nền văn hoá hiện đại được mở ra bằng hội hoạ Phục Hưng, chứ không phải là văn học. Đến cuối thế kỉ XIX, tinh thần duy lí cực đoan như là mặt trái của chủ nghĩa hiện đại phương Tây lại lộ ra ở kiến trúc để rồi, từ những năm 50 của thế kỉ trước, chủ nghĩa hậu hiện đại lại xuất hiện ở kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, sau đó mới thâm nhập vào văn học và âm nhạc. Cho nên, chỉ cần nhìn vào chương trình đào tạo trong nhà trường, từ các cấp phổ thông cho tới đại học, ta có thể nhận ra ngay, ở nhiều nước Âu – Mĩ, văn học có vị trí rất khiêm tốn trên sân chơi văn hoá và tiếng nói của nó hoàn toàn bình đẳng với các tiếng nói xã hội khác. Chẳng riêng gì kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc mới thách thức vị thế của nghệ thuật ngôn từ. Trên sân chơi văn hoá hiện đại, khi các hình thái ý thức đã tách khỏi tình trạng tư duy nguyên hợp và cây trí tuệ chung của nhân loại để thiết lập cho mình một vương quốc đặc thù, thì quyền uy của lời nói nghệ thuật thường xuyên bị thách thức bởi chính những lời nói khác – những lời nói nhắm tới các định hướng xã hội. Phê bình văn học là tiếng nói xã hội đầu tiên tấn công vào khu vực quyền uy của văn học nghệ thuật. Cuộc tấn công này diễn ra trong hình thức đối thoại của hai loại diễn ngôn mà kết quả là dẫn tới sự đảo ngược tương quan quyền lực giữa lời nghệ thuậtlời xã hội trên sân chơi văn hoá.

Văn học trung đại về cơ bản là nền văn học chức năng. Văn học hiện đại thoát ra khỏi hoạt động chức năng để trở thành văn học nghệ thuật. Nền tảng sáng tạo của kiểu văn học trung đại là kinh nghiệm cộng đồng. Văn học trung đại là hệ thống thi pháp của cái điển mẫu, quy phạm. Nền tảng sáng tạo của kiểu văn học hiện đại là tư duy phân tích, giải thích và ý thức cá nhân. Mỗi tác phẩm văn học hiện đại là một sản phẩm sáng tạo của cá nhân, không thể trộn lẫn. Kiểu sáng tạo và phương thức tồn tại của văn học hiện đại đòi hỏi sự xuất hiện của phê bình văn học. Sự ra đời của kĩ nghệ in ấn, xuất bản và hoạt động báo chí tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của phê bình văn học, văn chính luận và các thể văn học trung gian. Lúc đầu, phê bình có xu hướng thiêng hoá văn học. Người xưa đốt trầm mà thưởng văn, bình thơ. Mở đầu Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cũng đốt trầm hương “Cung chiêu anh hồn Tản Đà”, “một lòng thành kính xin rước anh hồn tiên sinh về chứng giám”. Ông viết về Thơ mới, về các thi sĩ đương thời cũng trong tâm thế ngưỡng mộ, thiêng liêng, cung kính. Ở thế kỉ XVIII, các nhà thơ và nhà văn Nga được xem là những vị “trần gian Á Thánh”, “sách của họ, giống như tạo tác của các thánh chăn chiên, mãi mãi không thể cũ, bao giờ cũng có ý nghĩa giáo huấn”[7]. Vào những năm đầu thế kỉ XX, khi phân tích văn học cổ điển Nga, các vị chủ soái của Trường phái hình thức, như Iu.Tynhjanov, B.Eikhenbaum, V.Shklovski, thường xuyên sử dụng thuật ngữ “văn hoá văn học” (“литературная культура”) và những khái niệm gắn liền với thuật ngữ ấy, như “đời sống văn học” (“литературный быт”), “Sự thật văn học” (“литературный фак”), “tiến hoá văn học” (“литературная эволюция”). Về cơ bản, Trường phái hình thức Nga đã đồng nhất văn hoá với văn học, xem văn học chính là văn hoá. Nhưng đã có xu hướng thiêng hoá văn học, thì tất yếu sẽ xuất hiện xu hướng giải thiêng. Cho nên, cuộc tranh luận giữa hai quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh” diễn ra trên văn đàn công khai nước ta hồi 1935 -1939 chắc chắn không phải là sự kiện ngẫu nhiên. Thực tiễn lịch sử chứng tỏ, xu hướng giải thiêng văn học bằng hoạt động phê bình càng về sau càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí, tiếng nói phê bình có tham vọng thế chỗ cho tiếng nói văn học. V. Belinski là đại diện đầu tiên của xu hướng này trong văn học Nga thế kỉ XIX. Trong suốt 20 năm hoạt động, Belinski luôn luôn nói về “uy tín”, về “sức mạnh” và ảnh hưởng của nền phê bình Nga đối với đời sống tinh thần của xã hội. Ở thế kỉ XVIII, nhà thơ được đặt ngang hàng với thần thánh. Nay Belinski đặt phê bình ngang hàng với văn thơ. Ông nói: “Bây giờ, chuyện người ta sẽ nói thế nào về tác phẩm vĩ đại cũng có tầm quan trọng chẳng kém gì so với tác phẩm vĩ đại ấy”[8]. Đúng là từ nay, công chúng Nga không chỉ ngưỡng mộ những A.Puskin, N. Gogol, I.Turgheniev, L.Tolstoi, F.Dostoievski, A.Chekhov, mà còn chăm chú lắng nghe B.Belinski, K.Aksakov (1817-1860), A.Khomjakov (1804-1860), A. Drujynhin (1824-1864), V.Odoevski (1803-1869), N.Secnysevski (1828-1889), N.Dobraliubov (1836-1861), Ap.Grigoriev (1822-1864), N.Strakhov (1828-1896), D.Pisarev(1840-1868), N.Mikhailovski (1842-1904), V.Stasov (1824-1906), A.Serov (1820-1871)… Vì sao tiếng nói của các nhà phê bình có sức mạnh thu hút công chúng như thế ? Vì sao “chuyện nói về tác phẩm vĩ đại cũng có tầm quan trọng chẳng kém gì so với tác phẩm vĩ đại ấy”? Trong Diễn văn phê bìnhBài thứ nhất (1842), V. Belinski giải thích: “Không phải nghệ thuật đẻ ra phê bình và cũng chẳng phải phê bình đẻ ra nghệ thuật, mà cả nghệ thuật lẫn phê bình đều thoát thai từ một nguồn cội chung, ấy là tinh thần thời đại. Nghệ thuật và phê bình đều là sự nhận thức thời đại; nhưng phê bình là sự nhận thức triết học, còn nghệ thuật là sự nhận thức trực tiếp. Nghệ thuật và phê bình đều có chung một nội dung, sự khác nhau của chúng chỉ là ở hình thức”[9]. Trước kia, A. Puskin (1799-1837) xem “phê bình là khoa học khám phá những vẻ đẹp của tác phẩm”[10]. Nay theo V.Belinski, văn học chỉ là cái cớ để qua đó phê bình “nhận thức thời đại”. Nhà phê bình là nhà tư tưởng, vì phê bình là “nhận thức triết học”, loại nhận thức có sức khái quát, thể hiện thái độ khách quan trước hiện thực đời sống. Nghệ thuật cũng “nhận thức thời đại”, nhưng đó là “tư duy bằng hình tượng”, là “sự nhận thức trực tiếp” đầy cảm tính, chủ quan của người nghệ sĩ. Với ý nghĩa như thế, từ thời V.Belinski, hầu như tất cả các nhà phê bình Nga đều đặt phê bình “cao hơn” văn học, “nhà tư tưởng” cao hơn “nghệ sĩ”. Thế là, lấy nhận thức thời đại và cải tạo thực tại làm mục đích, phê bình Nga đã đảo ngược tương quan quyền lực trên sân chơi văn hoá. Trong cuộc đối thoại giữa văn học và phê bình về các vấn đề xã hội, phê bình giành cho mình vai trò cầm trịch. Nó nhân danh xã hội tư tưởng hệ để nhận xét, đánh giá, nói lời cuối cùng về tác phẩm văn học. Nó đánh giá tác phẩm văn học trong vai trò của nhân tố tổ chức, định hướng tiến trình văn học và văn hoá – lịch sử. Không phải ngẫu nhiên, hầu hết những nhà phê bình có uy tín xã hội ở nước Nga đều là những yếu nhân của các phong trào cách mạng – dân chủ, hoặc dân tuý, ví như A.I.Ghersen, V.G.Belinski, N.Secnysevski, N.Dobraliubov, D.Pisarev (dân chủ – cách mạng), N.Mikhailovski, P.L.Lavrov (dân tuý – cách mạng).

Từ những năm 30 của thế kỉ trước, ở Liên Xô, vai trò cầm trịch của phê bình càng được khẳng định triệt để một cách có ý thức. Nghị quyết Về phê bình văn học – nghệ thuật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (ngày 21/1/1972) ghi rõ: “Phê bình có trách nhiệm phân tích sâu sắc các hiện tượng, khuynh hướng và những quy luật của tiến trình nghệ thuật hiện đại, bằng mọi cách củng cố vững chắc nguyên tắc tính đảng và tính nhân dân của Lenin, đấu tranh nhằm nâng cao trình độ tư tưởng – thẩm mĩ của nghệ thuật Xô Viết và chống lại hệ tư tưởng tư sản. Phê bình văn học – nghệ thuật có sứ mệnh mở rộng tầm tư tưởng cho nghệ sỹ và giúp họ nâng cao tay nghề”[11]. Tuy nhiên, kể từ đây, nổi trên bình diện thứ nhất của nền văn hoá Xô Viết là tiếng nói đầy quyền uy của chính trịtư tưởng hệ. Bởi vì, quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính đảng do Lenin khởi xướng, cả văn học lẫn phê bình đều trở thành công cụ tuyên truyền và vũ khí đấu tranh cách mạng. Là “công cụ” đấu tranh và tuyên truyền, phê bình và văn học ngày càng trở nên xa lạ với các lĩnh vực tri thức, và vì thế, việc nó phải lùi xa vị trí trung tâm của nền văn hoá dân tộc là điều dễ hiểu. Ở Việt Nam, trên sân chơi văn hoá, tương quan quyền lực giữa bộ ba “văn học – phê bình – tư tưởng hệ” cũng có đặc điểm và diễn biến tương tự như ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia. Đặc điểm ấy được diễn tả rất chính xác qua cặp ẩn dụ về “con ngựa” và “chiếc roi” mà ai cũng biết: “con ngựa văn học” “cúi đầu ủ rủ đi bước một” cần một “cái roi phê bình” quất cho nó “lồng lên”.

Trên sân chơi văn hoá ở các nước Âu – Mĩ cũng diễn ra sự đảo ngược trong tương quan quyền lực giữa văn học và phê bình. Từ đầu thế kỉ XX đổ về trước, tiến trình văn hoá – lịch sử ở các nước Âu – Mĩ được ghi dấu chủ yếu bằng sự xuất hiện tuần tự của các trào lưu, trường phái nghệ thuật: Phục hưng – barroco – chủ nghĩa cổ điển – chủ nghĩa tình cảm – chủ nghĩa lãng mạn – chủ nghĩa tượng trưng – chủ nghĩa hiện thực – chủ nghĩa tự nhiên… Nhưng từ những năm 20 của thế kỉ XX đổ về sau, lịch sử tiếp nhận văn học ngày càng có xu hướng lấn lướt lịch sử sáng tác văn học. Cho nên, nổi trên bề mặt của tiến trình văn hoá – lịch sử là sự xuất hiện đông đúc, náo nhiệt của rất nhiều trào lưu, trường phái nghiên cứu văn học: Trường phái hình thức – Phê bình mới – Phân tâm học – Mĩ học phân tích – Hiện tượng luận – Kí hiệu học – Cấu trúc luận – Thông diễn luận – Mĩ học tiếp nhận – Trần thuật học, Xã hội học văn học – Giải cấu trúc thực hành…Dĩ nhiên, vẫn có khác biệt lớn giữa phương Đông và phương Tây. Phê bình phương Đông thường biến tác phẩm thành đối tượng định giá. Phê bình phương Tây thường chỉ xem tác phẩm là cơ sở “khảo cổ tri thức”. Cho nên, ở phương Tây, sự đảo ngược quyền lực giữa văn học và phê bình chủ yếu phản ánh tương quan kiểu mới giữa khoa họcvăn học.

Tuy đầy quyền uy, nhưng sức sống của lời nói xã hội, nhất là lời tư tưởng hệ tỏ ra không dẻo dai, mãnh liệt bằng sức sống của lời nghệ thuật. Cho nên suốt hai thế kỉ XIX và XX, văn học Âu – Mĩ vẫn phát triển rực rỡ. Chẳng những thế, ở một số vùng miền, quốc gia, ví như Việt Nam, Trung Quốc, nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa trước kia, nhất là ở Nga, người ta còn chứng kiến sự hồi sinh của xu hướng văn hoá hoá văn học. Không phải ngẫu nhiên mà nền văn hoá Nga đã trở thành nơi khai sinh của khái niệm “văn học trung tâm luận”[12]. Khái niệm này được sử dụng để chỉ một hiện tượng đặc thù của nền văn hoá Nga, theo đó, trong suốt trường kì lịch sử dân tộc, từ thời xa xưa, cho đến những năm cuối cùng của thế kỉ XX, văn học Nga là diễn đàn tập hợp trí thức và là trung tâm của đời sống tinh thần toàn xã hội[13]. Đã có nhiều công trình nghiên cứu tìm thấy lời giải đáp thuyết phục về sự tồn tại của hiện tượng này trong một số nền văn hoá hiện đại. Trong một công trình nghiên cứu mới công bố cách đây chưa lâu, I. Kondakov cho rằng, nó là con đẻ của những nền văn hoá có xu hướng dị ứng với cái hiện đại, thậm chí, khước từ hiện đại hoá[14]. Ở những nền văn hoá như thế, tư duy nguyên hợp được bảo tồn rất lâu dài. Tư duy nguyên hợp hoá thành lớp vỏ bọc vững chắc khiến các bộ phận cấu thành của văn hoá không thể tách khỏi cây trí tuệ chung để thiết lập cho mình một vương quốc đặc thù[15]. Bởi vậy, kiểu tư duy hình tượng mang tính tổng hợp luôn luôn giữ vị thế ưu thắng trong mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần. Do ý thức về sự gắn bó mật thiết giữa văn học và văn hoá dân tộc đã thấm sâu vào tư duy, hoá thành một thứ trực giác mang tính bản năng, nên cơ cấu quyền lực trên sân chơi của những nền văn hoá ấy bao giờ cũng xem văn học là vũ khí chính trị lợi hại, là công cụ sắc bén có khả năng tác động tổng hợp tới tình cảm và tư tưởng của con người. Cách lí giải của I.Kondakov giúp ta hiểu ra, việc đề cao vai trò của văn học trong đường lối văn nghệ của V.Lenin, của Stalin, của các lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô – như chúng ta đã biết và từng chịu ảnh hưởng sâu sắc – thực ra chỉ là một hiện tượng thuần tuý mang tính dân tộc, thể hiện đặc điểm văn hoá của một số quốc gia, vùng miền.

Theo I. Kondakov, B. Grois và một số nhà nghiên cứu khác, hiện tượng “văn học trung tâm luận” và xu hướng “văn hoá hoá văn học” còn có nguồn cội từ đời sống của xã hội Xô Viết. B. Grois nhận thấy xã hội xô viết được kiến tạo trên nền tảng của “lô gíc lời nói” thể hiện tinh thần lạc quan của thời đại mới. Men say của tinh thần lạc quan đã biến đời sống thời ấy thành một “cuộc lên đồng tập thể bằng lời nói”[16]: từ lãnh đạo đến quần chúng, từ trí thức đến công – nông – binh, từ nghệ sĩ đến các nhà khoa học, ai ai cũng viết văn, làm thơ, nên nghe đâu cũng thấy “Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”, cũng gặp cảnh “Đất nước hoá thành văn”.

Cũng còn có một nguyên nhân khác dẫn tới xu hướng “văn hoá hoá văn học”. Nói tới nước Nga, người ta thường nghĩ tới một dân tộc vĩ đại nhưng không mấy khi được biết tới vị ngọt của tự do và dân chủ. Trong Thư gửi Gogol (1847), V.G.Belinski viết: “Chỉ độc trong văn học, dù bị kiểm duyệt vô cùng hà khắc, là còn thấy có cuộc sống, thấy có sự vận động tiến về phía trước <…> Công chúng hoàn toàn có lí: họ xem các nhà văn Nga là những lãnh tụ, là người bảo vệ, là những vị cứu tinh duy nhất của họ trước nền quân chủ chuyên chế Nga…”[17]. A.I.Ghersen (1812 – 1870) cũng nói: “Ở một dân tộc mà tự do xã hội bị tước đoạt, văn học sẽ là diễn đàn duy nhất để từ đó dân tộc ấy buộc người ta phải lắng nghe tiếng gào thét của sự phẫn nộ và của lương tri”[18]. Dĩ nhiên, khi “tự do xã hội bị tước đoạt”, muốn cất lên tiếng “gào thét của lương tri và sự phẫn nộ”, văn học phải tìm được hình thức biểu đạt phù hợp. Trong một công trình về kí hiệu học văn hoá viết ở giai đoạn cuối đời, Iu. Lotman đã trao cho độc giả chìa khoá giải mã để đọc văn học Nga. Ông viết: “Vai trò xã hội của văn học Nga được đặt trên hai cột móng. Cột móng thứ nhất thuộc bản thân văn học, nó đòi hỏi nhà văn phải có thiên tài nghệ thuật <…> Cột móng thứ hai chẳng cần phải xem là cái gì đó có nghĩa lí, không xứng được gọi là giá trị nghệ thuật, nhưng đặt vào giới hạn của văn hoá Nga, nó được đánh giá rất cao. Đó là cái mà Saltykov-Sedrin gọi là “ngôn ngữ nô lệ” – là khả năng vượt qua mọi rào cản để mang đến cho người đọc những tư tưởng và những chủ đề bị kiểm duyệt cấm đoán. Bên ngoài giới hạn của những cấm kị kiểm duyệt, giá trị của những lời bóng gió ám chỉ ấy hoàn toàn biến mất”[19]. Hoá ra hai cột móng của văn học Nga vẫn là hai loại ngôn ngữ: ngôn ngữ định hướng văn hoá, và ngôn ngữ định hướng xã hội. Hai cột móng ấy xác định mối quan hệ mật thiết giữa văn học và ngữ cảnh mà văn học hoạt động như một văn bản nghệ thuật, hoặc một văn bản xã hội. Qua diễn ngôn văn học, ngữ cảnh văn hoá xã hội có thể biến thành một loại “văn bản” có giá trị tự nó, còn sự phán xét “đời sống” mà người sáng tác mượn văn học để phát ngôn thì lại có thể hiện ra như một ngữ cảnh văn học hoặc lịch sử văn học. Thế là ở đây, giữa văn bản và ngữ cảnh có một sự nghịch đảo, hoán đổi hết sức đặc biệt. Sự hô ứng giữa hai loại ngôn ngữ “định hướng văn hoá” và “định hướng xã hội” sẽ tạo ra một phạm vi chủ đề có thể mở rộng tối đa khả năng giao tiếp và giá trị nhận thức của văn học Nga, khiến cho nó bao giờ cũng được đặt vào vị trí trung tâm của đời sống văn hoá và xã hội. Chìa khoá đọc văn học Nga mà Iu.Lotman trao cho độc giả, xem ra có thể sử dụng để đọc nhiều nền văn học khác, trong đó, chắc chắn có cả văn học Việt Nam.

4. Lời nghệ thuật và áp lực của những tiếng nói ngoài lời. Hơn hai thế kỉ đối thoại, lấn lướt, có lúc làm đảo ngược tương quan quyền lực, phê bình và tư tưởng hệ vẫn không thể đẩy văn học ra khu vực ngoại vi của sân chơi văn hoá các dân tộc. Nhưng hơn 50 năm trở lại đây, những tiếng nói ngoài lời ngày càng gia tăng áp lực, thách thức sự tồn tại của văn học với tư cách là lời nói nghệ thuật. Nhiều số liệu thống kê về thái độ của xã hội đối với văn học cho thấy, chính những tiếng nói ngoài lời đang đẩy văn học ra khu vực ngoại vi của sân chơi văn hoá.

Ai cũng biết, văn học bác học ra đời cùng với sự xuất hiện của chữ viết. Cho nên, sự tồn tại và phát triển của văn học luôn luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển của văn hoá đọc. Thế mà từ nửa sau thế kỉ XX, khi điện ảnh phát triển rực rỡ, màn hình tivi có mặt trong từng gia đình, Internet trở thành phương tiện được phổ biến rộng rãi, nhất là khi mạng lưới truyền thông toàn cầu hoạt động mạnh mẽ, nhân loại bước vào kỉ nguyên tin học, văn hoá đọc đang từng bước phải nhường chỗ cho văn hoá nghe – nhìn. Tờ Tuoitre online số ra ngày 20 tháng 5 năm 2006 đưa tin: theo kết quả nghiên cứu vừa công bố của các tập đoàn giải trí lớn nhất của Mỹ, thì dân Mỹ được xếp vào hạng nghiện game hàng đầu thế giới. Một hoạ sỹ tên là Valente 29 tuổi cho biết, rằng mỗi tuần chị bỏ ra trung bình 30 giờ để chơi game online và chỉ riêng năm 2005 chị tiêu tốn 1500$ cho trò chơi ấy. Chị Valente không phải là ngoại lệ. Một cuộc thăm dò do AP-AOL Games thực hiện cho biết có đến 40% dân Mỹ tham gia chơi game. 45% game thủ của Mỹ chơi game online thường xuyên và trong năm 2005, mỗi game thủ này chi khoảng 200$ cho thú vui ấy. 42% game thủ online cho biết họ đã bỏ ra tối thiểu 4 giờ/tuần để chơi game, 17% cho biết họ thường chơi ở mức 10 giờ/tuần[20]. Nhưng thời gian dành cho sách ở 10 quốc gia ham đọc nhất hiện nay trên thế giới, theo số liệu đưa ra vào năm 2005 của “NOP World” (một tập đoàn lớn chuyên nghiên cứu thị trường sách) cũng chỉ là như sau:

1. Ấn Độ: 10,7 giờ/tuần, 2. Thái Lan: 9,4 giờ/tuần, 3. Trung Quốc: 8,0 giờ/tuần, 4. Philippin: 7,6 giờ/tuần, 5. Ai Cập: 7,5 giờ/tuần, 6. Cộng hoà Séc: 7,4 giờ/tuần, 7. Liên bang Nga: 7,1 giờ/tuần, 8. Thuỵ Điển: 6,9 giờ/tuần, 9. Pháp: 6,9 giờ/tuần, 10. Hunggari: 6,8 giờ/tuần[21].

Sau khi số liệu trên được công bố, nhiều tờ báo của nước Nga cùng chạy hàng “titre”: “Nga không còn là đất nước đọc nhiều nhất thế giới”. Thậm chí, có tờ báo tuyên bố: Người Nga hầu như không đọc sách nữa![22]. Trong 2 ngày 22 và 23 tháng 3 năm 2008, Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga đã tiến hành phỏng vấn 1600 người ở 46 tỉnh thành, tất cả những người tham gia đều trả lời rằng họ rất thích xem tivi, nhưng không có hứng thú đọc sách[23]. Theo nguồn tin của tờ “Rianovosti”, từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 6 năm ngoái (2008), tại Moscow, người ta tổ chức cuộc Liên hoan sách quốc tế (MMOKF) với hai hoạt động nổi bật: 1. trưng bày sách của tất cả các loại hình nghệ thuật có quan hệ với văn học, 2. hội thảo tìm nguyên nhân và giải pháp trước tình trạng hứng thú đọc ngày càng suy giảm ở các quốc gia Nga, Anh, Mĩ và nhiều nước khác. Một vài số liệu điều tra gần đây nhất cho thấy: thời Liên Xô, người Nga đọc 20 phút/tuần, nay họ chỉ đọc 6 phút/tuần[24].

Vị thế của văn hoá đọc ở Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài quy luật vận động của văn hoá thế giới. GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường cho rằng, thói quen đọc sách của người Việt Nam mới được hình thành chưa lâu, “từ năm 1975 đến nay, văn hoá đọc của nhiều thế hệ liên tiếp vẫn chưa được hoàn chỉnh” và “điều đáng buồn và lo ngại hơn nữa là ngày nay có hai đối tượng cần phải đọc nhất là học sinh – sinh viên và những người lãnh đạo (ở mọi cấp, mọi lĩnh vực) lại là những người ít đọc sách nhất”[25]. Chỉ cần vào “Google”, gõ từ chìa khoá “văn hoá đọc”, lập tức ta thấy hiện lên trên các trang mạng Dantri.com.vn, Laodong.com.vn, Toquoc.com.vn… những tiêu đề như thế này: Văn hoá đọc của chúng ta đang ở đâu?, Lo ngại về văn hoá đọc, Hẫng hụt văn hoá đọc, Văn hoá đọc của giới trẻ ngày càng xuống cấp, Văn hoá đọc trong trường phổ thông: Nỗi niềm ai tỏ… Đọc những bài báo ấy ta sẽ tìm thấy vô khối cứ liệu với những con số thống kê cụ thể đủ để ai cũng có thể tin rằng, nhận xét của Chu Hảo ở trên kia là chính xác, khách quan.

Dĩ nhiên, văn hoá đọc dẫu sa sút thế nào thì vẫn còn nhiều người rất ham mê đọc sách. Dù bi quan đến đâu, ta vẫn có thể khẳng định, văn hoá nghe – nhìn không thể thay thế văn hoá đọc – viết, bởi sự phát triển của một loại hình văn hoá này không thể dẫn tới sự triệt tiêu của loại hình văn hoá kia. Nhưng một khi nền tảng tạo nên văn hoá quyển của thời đại bị đảo lộn, thì vị thế của văn học trong đời sống xã hội chắc chắn sẽ thay đổi.

Từ trong nền cốt, văn học thuộc lĩnh vực văn hoá tinh thần. Thế mà đã mấy chục năm nay, văn hoá tiêu dùng ngày càng chiếm vị thế ưu thắng trong đời sống xã hội. Sự chi phối của văn hoá tiêu dùng khiến con người bao giờ cũng đặt kinh tế và các giá trị vật chất cao hơn giá trị tinh thần. Theo kết quả kết quả nghiên cứu về nhu cầu và ước mơ của người tiêu dùng tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á có tên “Eye on Asia™” do tập đoàn quảng cáo, tiếp thị và quan hệ công chúng toàn cầu Grey Group công bố, thì “một trong những yếu tố khiến người châu Á lạc quan và hạnh phúc là có đủ tiền. Đại đa số, 87%, tin vào điều này. Đặc biệt, 96% người Việt Nam và Đài Loan cho rằng có đủ tiền là yếu tố tạo nên hạnh phúc và sự lạc quan”, “chỉ có khoảng 30% người Việt Nam cho rằng công việc là niềm vui”(chữ in đậm do tôi nhấn mạnh.- LN)[26].

Tôi chắc những ai quan tâm đến đời sống văn hoá của nước bạn Trung Hoa đều biết, Đại hội văn nghệ Trung Quốc với sự tham gia của 3200 đại biểu đã diễn ra như thế nào vào tháng 10 năm 1979. Đặng Tiểu Bình đã đến dự Đại hội và đọc lời chảo mừng. Tại diễn đàn Đại hội này, Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Kiên quyết giải phóng tư tưởng, mở cửa cải cách tiến theo thời đại, sáng tạo cái mới”. Một trong những “cái mới” mà họ Đặng chủ trương là đặt “xây dựng kinh tế” vào vị trí trung tâm của xã hội, đưa văn nghệ ra “biên duyên” (“ngoài rìa”) để tự do phát triển. Văn hoá tiêu dùng, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay càng khẳng định vị trí trung tâm xã hội của nền tảng kinh tế. Báo Thanh niên số ra ngày 06.4.2009 chạy “Titre”: Chỉ đạo của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế – xã hội: Ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu hàng đầu[27]. Trước đó mấy hôm, ngày 02.4.2009, Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại London. Sự kiện này chứng tỏ, kinh tế đã thực sự trở thành tâm điểm chú ý của toàn nhân loại.

Hoạt động kinh tế phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, nhất là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đang làm thay đổi tận gốc cơ cấu lao động của xã hội. Nhu cầu sử dụng lao động dịch vụ kĩ thuật của xã hội ngày càng lớn. Những người làm việc trong các lĩnh vực này thường có thu nhập cao, đời sống ổn định. Trong khi đó, khu vực thu hút nguồn nhân lực có tri thức khoa học cơ bản và khoa xã hội – nhân văn ngày càng bị thu hẹp. Số lượng các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành văn chỉ chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ bé trong trong hệ thống Giáo dục – Đào tạo hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học xã hội – nhân văn rất ít có cơ hội tìm được việc làm, những người đang làm việc ở lĩnh vực này thường có thu nhập rất thấp. Đây chính là những nguyên nhân đã tác động mạnh mẽ nhất tới vị thế của văn học trên sân chơi văn hoá. Nó khiến cho kinh tế không còn là câu chuyện thời sự nổi trên bề mặt của đời sống xã hội. Thực tế chứng tỏ, kinh tế đã tác động mạnh mẽ vào não trạng con người, làm thay đổi tư duy và phong cách diễn ngôn của thời đại.

Mới mấy chục năm trước kia, các diễn ngôn văn hoá thường dầy đặc mảng từ vựng chính trị, tư tưởng hệ, như “cách mạng”, “phản động”, “tư sản”, “vô sản”, thậm chí, đầy ắp những từ chiến tranh, như “mặt trận” (“văn hoá là mặt trận”), “vũ khí” (“văn học là vũ khí”), “chiến sĩ” (“nhà văn là chiến sĩ”)…Ngày nay, mảng từ vựng kinh tế lại xuất hiện dày đặc trong các diễn ngôn văn hoá. Bản tin Tưng bừng ngày hội tư vấn tuyển sinh 2008 trường ĐHSPHN có đoạn viết: “…với uy tín về thương hiệu của Nhà trường và cùng với sự chuẩn bị công phu của Ban tổ chức, sự nhiệt tình của đội ngũ tư vấn, tình nguyện viên, hình ảnh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được quảng bá rộng rãi…” (chữ in đậm do tôi nhấn mạnh.- LN)[28]. Tờ “E-VNU Forum”, diễn đàn sinh viên Trường Đại học Kinh tế ĐHQG Hà Nội chạy hàng “titre”: “Xây Dựng Thương Hiệu Trường Đại Học Kinh Tế – ĐHQGHN” (chữ in đậm do tôi nhấn mạnh.- LN) [29]. Một bài viết trên tờ Việt báo được mở đầu bằng đoạn: “Hai chữ “thương hiệu” đang bước vào giảng đường đại học với việc tiếp thị sản phẩm đào tạo vốn là thứ tạo nên dấu ấn của một trường”(chữ in đậm do tôi nhấn mạnh.- LN) [30]. Ở Việt Nam, các chữ “học hiệu”, “danh hiệu” đang được thay thế một cách tự nhiên bằng chữ “thương hiệu” như thế. Không chỉ có “thương hiệu đại học”, người ta còn nói tới “thương hiệu nghệ sĩ”: Thương hiệu nghệ sĩ: Không vô giá!”, hoặc “Một trong những thương hiệu có giá của giới nghệ sỹ Hà Nội là nhạc sỹ Phú Quang (chữ in đậm do tôi nhấn mạnh.- LN)[31]….

Kiểu kinh tế hoá diễn ngôn văn hoá ở Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt, ngoại lệ. Nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại London, ngày 31.3.2009, Tổng thống Nga D.A.Medvedev có bài phát biểu đăng trên Washington Post, trong đó, đoạn nói về kì vọng ở quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nga – Mĩ được viết như sau: “Tôi tin rằng sẽ là có lợi cho cả hai nước chúng ta cũng như cho thế giới, nếu chúng ta gạt bỏ những trở ngại này để đi đến một mối quan hệ song phương tốt đẹp khi chúng ta dọn sạch những khoản “nợ xấu”, để cải thiện bản quyết toán tài sản âm hiện nay” (Tiếng Anh:“I believe that removing such obstacles to good relations would be beneficial to our countries – essentially removing “toxic assets” to make good a negative balance shee – and beneficial to the world”. Những chữ in đậm do tôi nhấn mạnh –L.N)[32].

Một khi động mở miệng là nói chuyện kinh tế, lấy ngôn ngữ kinh tế để nói mọi chuyện trên đời, thì liệu mấy ai còn chú ý tới văn học? Mới đây, một tờ báo Nga gióng lên hồi chuông báo động: “52% người Nga không mua sách, 80% người Nga không bao giờ đến thư viện và chỉ có 9% những người đọc sách trong các thư viện (chủ yếu là thiếu niên và học sinh) còn tìm đến sách văn học”[33]. Lãnh đạo của nhiều Nhà xuất bản và các Trung tâm phát hành ở Việt Nam cũng cho biết, sách văn học, nhất là kiệt tác của các tác gia cổ điển, đang lâm vào tình trạng “ế ẩm”, vì nó không còn là “lựa chọn hàng đầu” của người đọc, càng không phải là sách “gối đầu giường” của giới trẻ. Các ấn phẩm bán chạy hiện nay chủ yếu là sách “Bí quyết thành côn trong công việc”, sách giải trí, như truyện tình, truyện vụ án, truyện phiêu lưu mạo hiểm, nhất là truyện tranh. Một Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng công bố, Đôrêmon là một trong số bộ sách được các bạn trẻ yêu thích nhất, nên hàng năm nó được xuất bản với số lượng rất lớn, từ 10.000 đến 15.000 bản[34].

Có một thực tế không thể xem là bình thường: trong các trường phổ thông, việc trò chán học văn, thày ngán dạy văn đã trở thành hiện tượng phổ biến[35]. Thậm chí, môn Ngữ văn đang bị đại đa số học sinh phổ thông trung học, nguồn nhân lực tương lai của xã hội, cự tuyệt, chối bỏ. Bằng chứng là, từ niên học 2006 – 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện phân Ban đại trà ở bậc trung học phổ thông “nhằm phân hoá và định hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện cụ thể của học sinh”, với hy vọng “chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT” để “làm giảm tỷ lệ học sinh chọn con đường thi vào đại học”. Nhưng sau 2 năm thực hiện, theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có 6,4% học sinh lớp 10 trong cả nước theo học ban Khoa học Xã hội – Nhân văn (Ban C)[36]. Rất nhiều trường phổ thông không thể thành lập được Ban này vì không có học sinh nào theo học. Tờ SaigonNews, số ra ngày 14.8.2007, đăng một bài viết nhan đề: Phân Ban Trung học phổ thông: Coi chừng phá sản. Tờ Nhân dân điện tử cập nhật ngày 08.01.2008 tiếp tục cảnh báo: Phân ban Trung học phổ thông: Đứng trước nguy cơ phá sản lần thứ tư! Nhiều thày giáo, cô giáo ở trường phổ thông cho biết, học sinh theo học Ban C thường là những em có lực học yếu kém. Trên tờ Việt Báo, mạng thông tin Việt Nam ra thế giới, tác giả Bảo Anh cung cấp cho độc giả nhiều số liệu về thực trạng “tỷ lệ HS đăng ký vào ban KHXH-NV ngày càng giảm do nhiều gia đình, phụ huynh và HS nhận thức rằng khối ngành này ít triển vọng so với nhu cầu việc làm của xã hội”[37]. Với những số liệu thu thập được ở nhiều trường phổ thông trong cả nước, Bảo Anh nêu ra câu hỏi đầy nhức nhối: Phân ban THPH: Nguy cơ “xoá sổ” ban Xã hội – nhân văn?[38].

5. Lời kết (Lí luận văn học trước vị thế của văn học hôm nay)

5.1. Tôi có đủ cơ sở để chứng minh, ở ta những công trình phê bình, nghiên cứu lịch sử văn học thường rất thiếu tính lí luận. Ngược lại, những công trình lí luận lại thường chông chênh, không được luận cứ, luận chứng trên nền tảng vững chắc của lịch sử văn học. Xin nêu một thí dụ lí thú. Hiện có 2 bộ Lí luận văn học đang được sử dụng rộng rãi ở các trường đại học và cao đẳng, được dư luận đáng giá cao. Cả 2 bộ sách đều do Phương Lựu chủ biên. Bộ thứ nhất ra đời cuối thể kỉ trước (1986-1988, đã tái bản nhiều lần, khi tái bản lần thứ ba, cả 3 tập được gộp chung thành một quyển). Bộ thứ hai được biên soạn và xuất bản vào đầu thế kỉ này (2002 – 2005). Ở ta, mọi bộ sách Lí luận văn học hiện có đều được mở đầu bằng những bài nói về “đặc trưng”, “bản chất” và “chức năng” của văn học. Hai bộ sách do Phương Lựu làm chủ biên không phải là ngoại lệ. Bài Chức năng văn học trong bộ thứ nhất do một tác giả có tên tuổi biên soạn. Bài Chức năng văn học ở bộ sau do một tác giả khác viết. Cả hai bài viết đều rất thống nhất về nguyên tắc phương pháp luận trong việc xác định chức năng văn học. Tác giả bài trước cho rằng: “Muốn hiểu đầy đủ chức năng của văn nghệ phải có cái nhìn tổng hợp, từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau để xem xét” và “cần vận dụng quan điểm hệ thống”. Tác giả bài sau cũng khẳng định phải “xem xét” chức năng văn học từ quan điểm toàn diện và “quan điểm hệ thống cấu trúc” như thế. Từ cái nhìn toàn diện và quan điểm hệ thống, tác giả bài trước thấy có 2 điểm cần “lưu ý”: “vấn đề số lượng chức năng” và việc “sắp xếp các chức năng” theo một trình tự như thế nào. Tác giả bài sau cũng nêu vấn đề về số lượng chức năng văn nghệ và yêu cầu xác định chức năng quan trọng ở cấp độ hệ thống và những chức năng mà ông gọi là “một số yếu tố cơ bản trong chức năng văn học”. Điều thú vị là ở chỗ, cùng đặt ra ngần ấy vấn đề, cùng vận dụng những nguyên tắc phương pháp luận tiếp cận giống nhau, thế mà bài viết của hai ông lại cho ta hai kết quả khác nhau. Tác giả bài trước thừa nhận văn nghệ là hiện tượng “đa chức năng” và kể ra 4 chức năng theo trình tự: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thầm mĩ và chức năng giao tiếp.[39] Tác giả bài sau cũng liệt kê 4 chức năng, nhưng thẩm mĩ được xem là chức năng quan trọng nhất ở cấp độ hệ thống, còn nhận thức, giáo dục, giao tiếp là những “yếu tố cơ bản trong chức năng văn học”[40]. Các sách lí luận văn học ở Liên Xô từ những năm 80 của thế kỉ XX đổ về trước đều trình bày vấn đề chức năng văn học giống như cách trình bày ở bài viết thứ nhất. Cách lí giải vấn đề chức năng của tác giả thứ hai lại gặp gỡ với cách kiến giải hết sức phổ biến trong nhiều sách giáo khoa của nước bạn Trung Hoa từ những năm 80 của thế kỉ trước cho đến nay. Tôi phải nhấn mạnh như thế, vì thoạt nhìn, sự khác nhau giữa hai tác giả có vẻ như là thể hiện sự độc đáo của quan điểm cá nhân. Nhưng ngẫm kĩ thấy hoá ra đó chỉ là kết quả “đỏng đảnh” của phương pháp[41]. Linh hồn của quan điểm toàn diện và quan điểm hệ thống mà hai tác giả vận dụng là niềm tin bất di bất dịch vào sự tồn tại của một bản chất duy nhất đằng sau các hiện tượng và khả năng phát hiện bản chất sự vật, chiếm lĩnh chân lí bằng tư duy lô gíc. Niềm tin ấy có nguồn cội từ thời cổ đại, đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX thì phát triển thành chủ nghĩa duy lí để rồi dẫn tới sự khủng hoảng của triết học và sự sụp đổ của các “đại tự sự” vào nửa sau thế kỉ XX. Các tác giả sách giáo khoa sách lí luận văn học ở Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô không phạm sai lầm trong các lập luận lô gíc. Nhưng hệ thống lập luận lô gíc của họ càng chặt chẽ bao nhiêu thì những kết luận do họ đưa ra càng có nguy cơ mâu thuẫn với thực tiễn lịch sử bấy nhiêu.

5.2. Thực tiễn lịch sử chứng tỏ, vị thế văn học trong đời sống tinh thần của xã hội không phải là một hiện nhất thành bất biến. Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Bây giờ thì đúng là lời nói đã mất thiêng. Đâu đâu cũng thấy người ta bàn về tính “diễn trò” của lời nói và sự “bất khả tín của tri thức”. Nhưng ở thời cổ – trung đại, “lời nghệ tuật” là nơi tập trung sự thông tuệ và văn học là tiếng nói đầy quyền uy. Ngay cả khi nhân loại đã chuyển qua kỉ nguyên hiện đại, người ta vẫn thấy sự hiện diện của khuynh hướng “văn hoá hoá văn học”, nên ở nhiều dân tộc, khu vực, văn học luôn chiếm giữ vị trí trung tâm của sân chơi văn hoá. Tuy nhiên, kiểu sáng tác của văn học hiện đại, sự phát triển của công nghệ in ấn và báo chí đã mở đường cho sự xuất hiện của các thể văn học trung gian, văn chính luận và phê bình văn học. Phê bình buộc văn học bước ra ngoài khu vực của tiếng nói nghệ thuật để đối thoại với nó về các vấn đề xã hội. Từ chỗ đứng ấy, phê bình giành cho mình vai trò cầm trịch đối thoại. Nó nhân danh khoa học, xã hội và tư tưởng hệ để nhận xét, đánh giá, nói lời cuối cùng về tác phẩm. Nó đánh giá tác phẩm trong vai trò của nhân tố tổ chức, định hướng cho toàn bộ tiến trình văn học. Thế là phê bình đã đảo ngược tương quan quyền lực giữa lời xã hội và lời nghệ thuật. Từ nửa sau thế kỉ XX, vị thế của văn học trên sân chơi văn hoá phải đối mặt với những thách thức quyết liệt và nghiệt ngã. Văn hoá nghe – nhìn ngày càng lấn lướt văn hoá đọc. Kinh tế đã chuyển vào vị trí trung tâm của đời sống xã hội. Văn hoá tiêu dùng tác động vào não trạng của con người làm thay đổi cách thức tư duy và kiểu diễn ngôn của thời đại. Cấu trúc lao động ngành nghề trong xã hội ngày càng thu hẹp chỗ đứng của những người muốn theo đuổi nghiệp văn. Những tiếng nói ngoài lời đầy quyền uy của sức mạnh vật chất đang tạo sức ép, đẩy lời nói nghệ thuật ra khu vực ngoại vi của sân chơi văn hoá. Cho nên, để những khái quát lí thuyết về đặc trưng, bản chất, nhất là về chức năng, ý nghĩa của văn học trong đời sống xã hội không trở thành lời nhận xét sáo rỗng, kinh viện, người nghiên cứu và giới sáng tác phải khảo sát kĩ lưỡng vị thế của văn học trên sân chơi văn hoá qua những bước đi đầy thăng trầm của lịch sử. Nói rộng ra, mọi phạm trù của lí luận văn học cần được tiếp cận trước hết từ quan điểm lịch sử, chứ không phải từ quan điểm duy lí trừu tượng.

5.3. Việc văn học bị đẩy ra khu vực ngoại vi của sân chơi văn hoá chứng tỏ luận điểm của các vị kinh điển của chủ nghĩa Marx về bản chất thù địch của nền sản xuất tư bản đối với nghệ thuật và thơ ca cho đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự. Nhưng sản xuất tư bản và nền kinh tế thị trường dẫu thù địch với thơ ca và nghệ thuật thế nào thì văn học vẫn tiếp tục phát triển. Có điều, chắc chắn, nền văn học đặt chức năng nhận thức vào vị trí quan trọng hàng đầu, hoặc lấy chức năng thẩm mĩ làm “chức năng duy nhất ở cấp độ hệ thống” chỉ có thể là nền văn học tồn tại trong vương quốc lí tưởng của các bộ óc duy lí mà thôi. Trên phạm vi toàn thế giới, qua 5 thế kỉ vận động, tiến hoá, văn học hiện đại có vẻ như đang tự biến đổi, thác sinh vào những hình thái tồn tại mới để khẳng định vị thế trong đời sống tinh thần của xã hội. Các khuynh hướng hậu hiện đại, tân hình thức, tân cổ điện với muôn vàn những biểu hiện phong phú đa dạng đang hiện diện trên sân chơi của các nền văn hoá dân tộc chính là hình thái tồn tại mới của văn học trong sinh quyển của xã hội hôm nay. Vậy lí luận văn học cũng phải thác sinh vào một hình thái tồn tại mới, vươn lên một tầm cao mới thì mới đủ sức khái quát thực tế lịch sử mới của văn học nghệ thuật.

Đồng Bát, 12.4.2009


[1] V.G. Belinski.- Bộ Tuyển 3 tập, t.2, Nxb Văn học nghệ thuật quốc gia, M., 1948, tr. 67.

[2] Chẳng hạn, Trường phái Hình thức Nga xem đặc trưng của nghệ thuật nằm ở thủ pháp “lạ hoá”, ở “thao tác” tổ chức chất liệu ngôn từ (Xem: V.Shklovski.- Nghệ thuật là thủ pháp, trong sách: V.Shklovski.- Về lí thuyết văn xuôi, M., 1983, tr.9-25). Còn M.Bakhtin thì yêu cầu phải nghiên cứu thể loại văn học như một “thể loại lời nói”, một kiểu phát ngôn, chứ không phải như một kiểu tổ chức hình tượng (Xem: M. Bakhtin.- Vấn đề các thể loại lời nói; trong sách: M.M.Bakhtin.- Mĩ học sáng tạo ngôn từ, (Xuất bản lần thứ II), “Nghệ thuật”, M., 1986, tr. 250- 296).

[3] Xem: G.E.Lessing.- Laokoon hay là về ranh giới của hội hoạ và thi ca.- Nxb Văn học nghệ thuật, M.,1957, tr.423 (tiếng Nga)

[4] C.Mác – Ph. Ăng-ghen – V.I.Lê-nin.- Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật, H. 1957, tr. 385,386

[5] Xem: L.N.Tolstoi.- Nghệ thuật là gì?//Trong: L.N.Tolstoi.- Tuyển tập (Bộ 22 tập), Nxb “Văn học nghệ thuật”, M.,1978 – 1985, tập 15, tr.79 (tiếng Nga).

[6] Về vấn đề này, xin xem: G.Gatsev.- Ngôn ngữ với tư cách là giọng nói mang bản chất dân tộc// Trong sách: G.Gatsev.- Kosmo – Psycho – Logos: Các hình tượng mang tính dân tộc về thế giới, M., 1995 (Tiếng Nga).

[7] Xem: Pansenko A.M.- Cải cách nhà thờ và văn hoá thời đại Piоt Đại Đế // “Thế kỉ XVIII”, Quyển 17, XPb,: “Nauka”, 1991, tr.11, 12-13 (Tiếng Nga).

[8] V.G. Belinski.- Bộ Tuyển 3 tập, t.2, Nxb Văn học nghệ thuật quốc gia, M., 1948, tr. 348.

[9] V.G. Belinski.- Bộ Tuyển 3 tập, t.2, Nxb Văn học nghệ thuật quốc gia, M., 1948, tr. 348.

[10] Puskin A. Toàn tập, T.6, M.,1958, tr. 320.

[11] Về phê bình văn học – nghệ thuật (Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 21 tháng Giêng năm 1972)// Trong: Những văn đề công tác tư tưởng của KPSS. Tuyển tập tài liệu (1965-1973, M., 1973, tr. 527.

[12] “Văn học trung tâm luận”: Tiếng Pháp:“Littérrarocentrisme”, tiếng Nga: Литературоцентризм”.

[13] Về biểu hiện của đặc điểm này trong văn học trung đại Nga, xin xem: Likhasev D. X. – Văn học cổ Nga trong quan hệ với các nghệ thuật tạo hình// Trong sách: Likhasev D.X. – Thi pháp văn học cổ Nga (In lần thứ 2), “Văn học nghệ thuật, L., 1971, tr. 24 – 94; hoặc: Likhasev D.X.- Nhập môn chuyên đề đọc các kiệt tác văn học cổ Nga, M.: “Đường Nga”, 2004, tr. 16.

[14] Xem: Kondakov I. – Phía bên kia của lời (Sự khủng hoảng của văn học trung tâm luận ở Nga trong thế kỉ XX – XXI) // “Những vấn đề văn học”, số 5/2008. Có thể nhận ra hiện tượng “dị ứng với cái hiện đại” và xu hướng “khước từ hiện đại hoá” trong những khẩu hiệu rất phổ biến của một thời, ví như khẩu hiệu: “Chạy tắt, đón đầu”, “Tiến thẳng lên chủ nghiã xã hôi, không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”.Trong sáng tác của nhiều nhà văn, ví như L.Tolstoi ở nước Nga trước kia, hoặc Nguyễn Huy Thiệp ở Việt Nam hiện nay, thường có mô típ chủ đề được lặp đi lặp lại: “Lí tưởng chỉ có thể tìm thấy ở phía sau yên ổn, ở con trẻ ngây thơ, ở quan hệ gia trưởng nồng ấm, chứ không thể tìm thấy ở phía trước bất trắc, ở người lớn khôn ngoan, ở quan hệ tư bản “tiền trao cháo múc” lạnh lùng”. Đó cũng là biểu hiện của sự dị ứng với xu hướng hiện đại hoá.

[15] Về quá trình phân rã của kiểu tư duy nguyên hợp, có thể tham khảo: Pelipenko A.A, Jakovenko I.G. Văn hoá như một hệ thống. M.: “Các ngôn ngữ văn hoá Nga”, 1998 (Tiếng Nga).

[16] Grois B.- Tái bút cộng sản, M.:Ad Marginem, 2007, tr. 7-8, 10 (Tiếng Nga).

[17] V.G. Belinski.- Bộ Tuyển 3 tập, t.3, Nxb Văn học nghệ thuật quốc gia, M., 1948, tr. 712.

[18] Ghersen A.I.- Tuyển tập (bộ 30 tập), T.7, M., 1956, tr. 198 (Tiếng Nga).

[19] Lotman Iu.M.- Đề cương về kí hiệu học văn hoá Nga// Trong: Những bài báo về kí hiệu học văn hoá và nghệ thuật, XPb,: “Academi projec”, 2002, tr. 233 (Tiếng Nga)

[20] Xem: Dân Mỹ nghiện game hàng đầu thế giới//Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=138788&ChannelID=16

[21] Nguồn: http://sociocom.ru/2008/09/22/book/

[22] Nguồn: http://www.cnews.ru/news/line/index.shtml?2005/11/01/190932

[23] Nguồn: http://wciom.ru/arkhiv/tematicheskii-arkhiv/item/single/10118.html?no_cache=1&cHash=a10b971f15

[24] Nguồn: http://www.rian.ru/videocolumns/2008619/111153463.html

[25] Chu Hảo – Văn hoá đọc của chúng ta đang ở đâu// Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Van-hoa-doc-cua-chung-ta-dang-o-dau/20084/83051.laodong/

[26] Nguồn: http://tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=131837&ChannelID=3

[27] Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200915/20090406234414.aspx

[28] Nguồn: http://www.hnue.edu.vn/portal/page/portal/dhsphn/daotao/98109/98111?item_id=432859&p_details=1&pers_id=428622

[29] Nguồn: http://forum.e-vnu.com/showthread.php?t=3184

[30] Nguồn: http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Sinh-vien-thuong-hieu-khoa-truong/40056836/275/

[31] Nguồn: http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/vn/tinnhacviet/12384/index.aspx

[32] Dmitry A. Medvedev.- Building Russian-U.S. Bonds//

Nguồn: http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/03/30/AR2009033002443.html

[33] Nguồn: http://www.versiasovsek.ru/material.php?4881

[34] Nguồn: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Van-Hoa-Hoi-Nhap/Van-Hoa-Doc-Dang-Xuong-Cap.html

[35] Xem: Trọng Nghĩa.- Chuyện buồn dạy văn thời @// Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s202-230125/chuyen-buon-day-van-thoi-.htm

[36] Dẫn theo số liệu được công bố trên : SaigonNews// Nguồn: http://www.saigonnews.vn/sncdetailnews.aspx?Item=29881&Kind=11

[37] Một cán bộ nghiên cứu giáo dục cho chúng tôi biết số lượng học sinh lớp 10 theo học Ban C trong cả nước ngày càng giảm theo tỉ lệ % là như sau: Năm 2006: 6,4%; năm 2007: 4,88%, năm 2008: 2,77%, năm 2009: 1,82%.

[38] Bảo Anh.- Phân ban THPT: Nguy cơ “xoá sổ” ban Xã hội – Nhân văn?// Nguồn: http://vietbao.vn/Giao-duc/Phan-ban-THPT-Nguy-co-xoa-so-ban-Xa-hoi-Nhan-van/20729067/202/

[39] Xem: Phương Lựu (Chủ biên).- Lí luận văn học.- Nxb Giáo dục, 2003, tr. 165 -182.

[40] Xem: Phương Lựu (Chủ biên).- Lí luận văn học, T.1,T.3, Nxb ĐHSP, 2002, 2005, tr. 206-231.

[41] Vì thế tôi thấy không cần thiết phải nêu chính xác tên tác giả của hai bài viết mà tôi dẫn ra để phân tích.

Comments are closed.