Lê Huỳnh Lâm
Phan Như
Phan Như là bút danh của Phan Văn Chạy, anh là thầy giáo trước năm 1975 ở các trường Trung học tại Thừa Thiên Huế, như: Quốc Học, Nữ sinh Thành Nội, Đồng Khánh,… và sau 1975 anh dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Phan Văn Chạy viết báo làm thơ với các bút danh: Cung Thiêm, Phan Như – chữ Phan Như do kết hợp giữa hai cái tên Phan Văn Chạy và Nguyễn Thị Như Mai (theo cảm nhận của tôi). Thơ Như xuất bản năm 2020 là tập thứ ba sau Sóng vỗ mạn đời ấn hành năm 1992, Thơ Phan Như ấn hành năm 2015.
Cái cách mà Phan Như thể hiện ngôn ngữ trong thi ca của mình tạm chia ra nhiều thời đoạn: thơ ái tình, thơ triết lý về phận người,… và sau này là thơ có giọng như thiền. Thơ tình yêu của Phan Như kể lại những mối tình đi qua cuộc đời mình một cách chân thật (Tôi đi qua nhà em bằng đôi cà khêu),… hay thơ triết lý nhân sinh đi tìm cái gốc của cuộc sống bằng trí tưởng như: Giã biệt tinh châu, Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng,…
Nhưng trong những dòng thơ tình, thơ triết lý,… của Phan Như đã có hơi hướng của sự “ngộ” đời, “ngộ” tình,… của một con người trầm tư và trải nghiệm.
Và có lẽ sau một thời gian mệt mỏi tìm kiếm người tình trăm năm, tìm kiếm giấc Nam Kha và tìm kiếm lẽ sống giữa hoang vu hiu quạnh,… Phan Như nhận ra sự đùa bỡn của thời gian cũng như cuộc sống này qua danh sắc, qua quyền lợi, địa vị và ngày cả sự sống và cái chết… Vậy, điều tất yếu để Phan Như cà rỡn với sự hoát nhiên mà không màng đại ngộ qua ngôn ngữ vốn vô minh và trầm luân của kinh nghiệm, mà kinh nghiệm vốn là cái xác chết trong tiến trình thời gian. Nói vậy, cũng chỉ để biện giải cho cái nhan đề Thơ Như của Phan Như, Như và không Như theo cách nói của Bồ tát Long Thọ (Bodhisattva Nagarjuna) trong Trung Quán luận. Xin gợi nhắc đến “bát bất” trong Trung Quán luận của ngài Long Thọ để thấy sự cà rỡn chữ nghĩa của Phan Như không phải là sự coi thường cuộc sống và càng không phải để đùa cợt với thiền trong tinh thần “bất lập văn tự” hay “hoát nhiên đại ngộ”.
Thử đọc bốn câu sau của Phan Như để thấy dòng thơ phiêu hốt quả là không nói quá.
Tâm không có mái nhà
Bốn bề toác hoác rỗng rang
Ngại rằng vọng tưởng lang thang
Nên neo vào quán tức
Như mấy câu thơ tựa bài kệ của các vị thiền sư là thứ thơ rất đời, rất cà rỡn
Sáng sáng ly cà phê
Trưa vỉa hè nước mía
Xế chiều ra quán riệu
Rót bia vào ống cống
Mới đọc ai cũng ngỡ Phan Như đổ bia vào đường cống, nhưng xem ra không hiểu cạn, cụ thể như thế, ống cống ở đây chính là cái thân phàm phu, tục tĩu đầy rẫy tham, sân, si. Cái thân này chính là sự ô uế bầy hầy và bất tịnh. Tiếp theo bốn câu trên chính là sự ảo tưởng của đời sống, tưởng rằng có thể mượn chất kích thích để thăng hoa và quên đi nỗi thống khổ, nào ngờ đâu khổ càng tăng bội phần.
Thổi bay đi mộng tưởng
Đêm về nằm ôm bộ xương
Ôi một ngày nô lệ
Thân ơi là thân!
Nhưng chỉ những kẻ có gieo hạt giống và khi hội đủ duyên thì cây truy vấn mới nảy mầm để truy tầm bản thể và nhận ra sự nô lệ triền miên của thân tâm.
Trong hành trình tìm “cái ấy”, Phan Như chợt biết rằng không thể tìm ra nó trong tiến trình đi tìm và bất chợt anh bàng hoàng nhận thấy tự do như món quà của từ bi, mà chỉ khi rơi vào dòng đại bi tâm mới thật sự thể nhập vào cái ấy vốn nó như vậy.
Nhưng không bắt được đằng đầu
Cũng không bắt được đằng đuôi
Chỉ là nụ cười tháng giêng
Em từ bi bỏ lại
Tôi như con cá phóng sinh
Trở về đại dương vùng vẫy
Quẫy mình đớp Không
Bàng hoàng…
Cái ấy
Nói về cái ấy, cái bất khả tư nghị mà Phan Như lại sử dụng thơ với hình ảnh của “Ngư ông và biển cả” rồi xem mình “như con cá phóng sinh” để “Quẫy mình đớp không” rồi chợt bàng hoàng với cái ấy. Quả thật, xưa nay hình ảnh thiền được ví von như “cá quẫy mình đớp không” có lẽ là có một không hai. Rất hiếm tu sĩ, thiền sư sử dụng các ẩn dụ về thiền sinh động và gần gũi với mọi người như vậy.
Ở một khía cạnh khác của tôn giáo, khi nói về tín tâm, thi sĩ Phan Như lại chơi chữ một cách độc đáo và rất Phật giáo, khi dùng các cặp “cả tin” – “tin cả”, “thiệt thà” – “thà thiệt”, “thiệt là tôi” – “tôi là thiệt”…
Người chê tôi cả tin
Ừ thì tôi tin cả
Người khen tôi thiệt thà
Ừ thì tôi thà thiệt
Thiệt là tôi hay tôi là thiệt
Vẫn như như một niệm mà thôi:
Nam Mô A Di Đà Phật!
Và với tiếng gọi thống thiết “Tâm hỡi là tâm! Biết đâu ghì”, đã nói lên tâm trạng của thi nhân về một cuộc truy tầm bản thể đến cùng tận, và trong cuộc truy tìm đó, bất chợt tiếng vọng của “hòa âm điền dã” trong đêm tối mù trăng đã khơi dậy ngọn đèn tâm trong hành trình quy hồi.
Như tình chẳng thấu ngọc là chi
Tâm hỡi là tâm! Biết đâu ghì
Ếch nhái À Uôm đêm nguyệt tận
Chong đèn: chợt thấy bóng Từ Quy!
Với quan niệm của người Á Đông về thể phách và hồn vía, người xưa và nay thường gọi “hu ba hồn chín vía” khi người thân gặp nạn. Và trong tận cùng của tiếng gọi, như một sự thức tỉnh của trực giác mà chỉ có những hành giả mới có cơ may để đón nhận tiếng dội của tâm thức, để rồi phát lên một niệm khởi đánh thức cộng đồng trước sự mê lầm đảo điên, chấp nhận cái bản ngã mà không ngờ rằng đó chỉ là sản phẩm của tập khí! Trong suốt hành trình tìm kiếm miền đất hứa với câu hỏi muôn thuở “Đâu là Tự tánh?”:
Đang đưa tay hú gọi
Chợt nghe tiếng vọng quay về
Ngươi gọi ai? Ai gọi mà về?
Bản thân ngươi cũng là Cô hồn
Mấy mươi năm đi tìm Quê hương
Lang thang như con ma đói
Hãy nhắm mắt bịt tai quay vào thân tâm mà hú gọi:
Chính là ngươi, cô hồn ơi cô hồn
Đâu là Tự tánh.
Và rồi như để tự nhắc nhở chính mình trước sự ô hợp và chồng lấn văn hóa, Phan Như muốn gọi mọi người phải nhìn lại, đánh giá lại cái gì, điều gì là lợi lạc quần sinh qua tiếng gọi tìm Chân Tâm:
Không vàng mã áo binh
Không đường đen cháo trắng
Thắp một ngọn lửa hồng
Quên đi ba hồn chín vía
Chỉ tìm gọi Chân Tâm!
Tiếng chuông khởi lên do tác động của một ngoại lực rồi dần dần ngân và bặt, cũng như nhân duyên không như mọi người nghĩ là tự nhiên đến và đi, mà phải có một nguyên cớ, một lực đẩy, lực hút, một quán tính, cũng như nỗi buồn và niềm vui xuất hiện và biến mất, chỉ còn lại tự tánh vốn vắng lặng, như mặt nước đã lặng sóng, như những cái bóng hiện lên trong tâm thức rồi biến mất, trả lại sự rỗng không nhưng tương dung tương nhiếp mọi sự… Để thấu đạt được tự tánh đó có lẽ tác giả đã phải hành trì xuyên suốt trong tâm thức mọi lúc mọi nơi.
Tự tính không là chuông
Nhân duyên không là gió
Một mình trước hiên nhà
Cớ chi lòng buồn quá?
Cuối cùng không thể nào rời xa nơi chốn mình và mọi người đã, đang sinh sống với tên gọi là trái đất, địa cầu mà không lên tiếng về sự bất nhân và vô lý. Phan Như đã nhìn ra sự phi lý của danh xưng (mặc dù mọi danh xưng đều hư huyễn, sai biệt so với tự tánh), khi quả đất có hơn ba phần là nước mà không được gọi là thủy cầu, trái nước,… và sự phi lý hơn nữa của con người là hàng triệu cuộc binh đao chỉ vì chút đất nhỏ nhoi không đủ ấm một bàn chân!
Tên là địa cầu
Nhưng hơn ba phần là nước
Bao nhiêu cuộc đao binh
Chỉ giành nhau chút đất
Không đủ ấm bàn chân!
Thơ Phan Như là một tiến trình chuyến động của tâm thức, như trong câu chuyện của những kẻ đi tìm chân lý, tìm mãi cho đến lúc thân xác mỏi mệt rã rời, lúc ấy, tự nhưng, có tiếng nói từ xa vọng lại: Người muốn an tâm à? Vậy hãy đưa tâm ta an cho.
Với Phan Như, có lẽ không cần an tâm nữa, mà cần tiếng reo vi vu trong cái ấm bể để đêm đêm ngắm ánh đèn trăng của chị hằng soi vào cõi âm u của kiếp người, rồi vang lên một tiếng động dứt khoát của sự vỡ toang!
CÁI ẤM BỂ
(Phan Như)
Ta như ấm cũ vứt bờ cỏ
Chẳng nên tích sự nằm chơi khan
Vòi sứt miệng bể, vi vu gió
Đêm nghiêng soi một ánh trăng tàn.
Nửa cuộc, cỡi nghé tìm trâu lạc
Tới lui không quá một bờ đê
Bỗng nhiên căng gió con diều hát
Mênh mang nghe tiếng gọi ai về
Về đây rong rêu bên giếng cạn
Soi mình chợt thấy bóng tà dương
Đáy nước khô rồi dòng hữư hạn
Giọt lệ thong dong hoá mây ngàn
Chẳng hẹn, mưa nguồn cơn bất chợt
Nước lại vơi đầy chuyện có – không
Mục tử vô tình đá lăn lóc
Ấm vỡ: nghe như tiếng cười khàn!
Huế, Những ngày đại dịch Covid-19
13-4-2020