Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu: Lời tựa

 Hoàng Dũng

Từ Điển Tiếng Việt Của GS. Nguyễn Lân - Phê Bình Và Khảo Cứu

Từ cuối năm 2013, trên trang Blog Tuấn Công Thư Phòng, Hoàng Tuấn Công bắt đầu công bố những bài viết chỉ ra những sai sót trong trước tác của GS Nguyễn Lân. Những bài viết này gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau trong giới chuyên môn và cả trong độc giả đại chúng. Người thì thích thú, kẻ thì bất bình vì sự táo gan của tác giả: một nhà nghiên cứu trẻ, chưa được nhiều độc giả biết tới, dám viết cả một loạt bài đến 300 trang, nay tập hợp lại, cộng thêm những khảo cứu về sau, dày tới hơn 600 trang, tập trung nói đến chỗ chưa được trong những công trình then chốt của một giáo sư lão làng, “vua biết mặt chúa biết tên”. Trong sinh hoạt học thuật, hiếm có một công trình dày dặn do một người viết phê phán một người. Ở nước ta, hình như đây là lần đầu tiên.

Thật lạ lùng! Khi đăng bài bút chiến trên Đông Pháp thời báo năm 1928 với một tên tuổi lão thành như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi mới 41 tuổi, trẻ hơn Hoàng Tuấn Công bây giờ. Thế mà dư luận thời đó và ngay cả cụ Huỳnh tuyệt nhiên không ai vin vào cớ này để kết tội Phan Khôi xấc láo. Trái lại, cụ Huỳnh nhanh chóng trả lời, nói thẳng tâm phục lời chỉ trích của Phan Khôi!

Cứ đọc Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu và bỏ qua tất cả những gì ngoài học thuật. Cuốn sách cho thấy tác giả sở đắc một vốn Hán học vững chắc và vốn hiểu biết dân gian giàu có – đây là những tri thức nền nhất thiết phải có đối với những ai muốn nghiên cứu từ và thành ngữ, tục ngữ; mặt khác, tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra. Hoàng Tuấn Công không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, nhưng có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều tranh cãi. Nhìn theo một chiều hướng khác, cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc tranh luận với một cá nhân. Nói như tác giả, “nội dung sách thực chất là những Phê bình và khảo cứu về việc giải nghĩa tiếng Việt”. Đó là một đóng góp lớn cho khoa Từ điển học của nước ta.

Và đâu chỉ khoa Từ điển học. Không khí học thuật ở ta đang trầm lắng quá. Trong cuộc sống tất bật hiện nay, người ta tránh phê phán người khác, “cho nó lành”! Cuốn sách thoát ra khỏi tâm lý “nước sông không phạm nước giếng” ấy, không khoan nhượng trước những sai sót trong khoa học, khiến cho giới nghiên cứu đã cẩn trọng càng cẩn trọng hơn. Mặt khác, không phải tất cả các luận điểm của Hoàng Tuấn Công đều thuyết phục. Và như thế, nó mời gọi tranh luận.

Chẳng phải học thuật tiến lên bằng con đường chông gai của tranh luận hay sao?

Comments are closed.