Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Khắc Phục

(Tô Hoàng thực hiện)

Ng Kh Phục 1

1- Nguyễn Khắc Phục… Khắc Phục… Gần như cả cuộc đời ông, cái May, cái Xui, Vinh quang và Thử thách luôn luôn cận kề bên nhau… Có lẽ vì vậy không ít người quen biết ông vẫn nghĩ rằng hai chữ Khắc Phục ám ảnh ông trong suốt đoạn đời, buộc ông phải vật lộn, lèo lái hơn nhiều đồng nghiệp văn chương nghệ thuật khác . Ông giải thích sao về cái tên cha mẹ đặt cho mình?

NKP- Họ Nguyễn nhà tôi vốn không có tên lót “Khắc”. Khi mẹ tôi sắp sinh tôi, giặc Pháp đã quay lại tái chiếm Sài Gòn, nên cả nhà phải tản cư lên Mi Mốt (gần biên giới Việt Nam – Campuchia) và chính tại đây tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Bác Cả của tôi vốn cũng biết đôi ba chữ Nho, bèn đặt tên cho tôi thêm chữ lót là “Khắc”. Thế là tôi có tên Nguyễn Khắc Phục. Bác Cả giải thích: Khắc là nhất định, Phục là quay lại, lấy lại, khôi phục… Ám chỉ việc ta nhất định lấy lại Sài Gòn từ tay Pháp! Như vậy, cái tên Khắc Phục của tôi ra đời với nghĩa “nhất định lấy lại” nhưng sau này lại biến nghĩa thành “vượt qua”. Thí dụ: khắc phục khó khăn, khắc phục hậu quả của lũ lụt… Xem ra như vậy, cái tên Khắc Phục đâm ra gần với khẩu hiệu và nặng nhọc quá. Cứ thế cái tên này “ám” gần trọn cuộc đợi và quá trình sáng tác của tôi. Ôi, ơn giời, về đoạn cuối này, cái tên Khắc Phục với cái nghĩa “nhất định lấy lại” đã quay về với tôi. Và tôi đã lấy lại được những gì ngày xưa chưa có, chưa biết hoặc chưa dám nghĩ tới… Giời công bằng lắm. Phải vậy chăng quý bạn!

2- Có một Nguyễn Khắc Phục mười chín, đôi mươi áp tải những chuyến tàu chở gạo, chở xăng dầu từ Cảng Hải Phòng bị máy bay Mỹ phong tỏa vào tiếp tế cho vùng Nam Khu IV cũ, cũng trong mưa bom bão đạn. Có một Nguyễn Khắc Phục xung phong lên đường vào chiến trường Khu V để rồi gùi gạo cứu đói vượt yêu cầu, theo chân những người du kích Gia Lai phục kích những đoàn xe của lính Mỹ, lính Sài Gòn trên đèo Măng Giang. Có một Nguyễn Khắc Phục tung tẩy giữa Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư để mau chóng chiếm lĩnh “nền văn minh Akai, Honda” và ngốn trọn cả một núi sách triết học, văn học của Phương Tây qua những bản dịch khá tốt của các dịch giả miền Nam. Có một Nguyễn Khắc Phục chỉ cần thăm quê hương ông Lênin chưa đầy ba tháng rồi nằng nặc đòi về Việt Nam. Có một Nguyễn Khắc Phục bươn chải trong những khó khăn, thiếu thốn của thập kỷ 1970-1980 để nuôi vợ nuôi con… Có một Nguyễn Khắc Phục… Mà thôi, xin được hỏi ông ngay: Tính cho tới ngày ông nhập Quân y viện 103 lần này, tự ông có thể chia những năm tháng dằng dặc của đời mình ra làm mấy giai đoạn?

NKP- Như trên tôi đã thưa cùng quý bạn, đời tôi có thể chia ra hai giai đoạn lớn, rồi mỗi giai đoạn lớn lại chia ra các giai đoạn nhỏ. Hai giai đoạn lớn là: Giai đoạn 1 tương ứng với cái tên KHẮC PHỤC mang nghĩa PHẢI VƯỢT QUA. Giai đoạn 2 tương ứng với cái tên KHẮC PHỤC mang nghĩa NHẤT ĐỊNH LẤY LẠI.

Cụ thể hơn, giai đoạn “phải vượt qua” của tôi bắt đầu từ lúc hiệp định Genève sắp có hiệu lực, lúc đó tôi khoảng 6 tuổi, đang học lớp năm (tương đương lớp 1 bây giờ) ở trường tư thục Trí Tri, Hải Phòng. Bố mẹ tôi vội đưa cả gia đình hồi hương bằng tàu thủy theo dòng sông Ninh Cơ về Cống Múc… Về làng, tôi vào học lớp 1 của thầy Mịch, bàn học là những câu đối được rỡ xuống, hai đầu kê trên những viên gạch xếp chồng lên nhau… Và chỉ mấy tháng sau, tôi bắt đầu được biết thế nào là Cải cách ruộng đất, là đấu tố, là rồng rắn lên mây khắp những con đường làng đi hô khẩu hiệu: Đảng phóng tay phát động quần chúng, nông dân vùng lên! Đả đảo bè lũ địa chủ cường hào đại gian đại ác! Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên! Chưa hết, những bài hát, điệu múa thời cải cách còn choáng hơn, lũ trẻ con nghêu ngao, nhảy múa trước, trong và sau mỗi vụ tòa án nhân dân đặc biệt (tòa án trong Cải cách ruộng đất) mở ra, tuyên án tử hình chính những ông bà, chú bác, họ hàng của chúng, nào là “Nông tác vũ”, nào là “Hái chè bắt bướm”, còn những bài hát thì khỏi nói, sặc mùi “đấu tranh giai cấp”:

Ta là người nông dân mặc áo lính

Chiến đấu vì mối thù giai cấp từ mấy ngàn năm xưa đau khổ

Súng đã lên nòng hai nhiệm vụ phản đế bài phong

Dù là cha là bác là anh

Đã là địa chủ đích danh là thù…

Đấy là một thời khi một tên nhóc như tôi phải “vượt qua” nếu không cứ chìm lỉm vào không khí phi nhân của Cải cách ruộng đất thì rồi thằng lỏi ấy sẽ thế nào? Chắc chắn sẽ thành nửa người nửa ngợm…

Rồi quãng đời tiếp theo của tôi trong giai đoạn “phải vượt qua” là đi theo các chị gái, vừa đi học vừa bế con cho các chị. Rồi hết cấp 3 gặp đúng thời kỳ nhà nước bỏ thi đại học, xét lý lịch mà tuyển sinh. Tôi may mắn lắm mới được vào Trung cấp Hàng hải Hải Phòng. Mới tập tọng viết truyện, vừa được in truyện ngắn “Hoa cúc biển” trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, bị ngay bên Tổng cục Chính trị phê phán là “tiểu tư sản”, có “hơi hướng phản chiến”… Cái dớp này theo tôi mãi cả khi vào chiến trường, mới viết truyện dài “Rừng non” đã bị ngay các bạn đồng nghiệp trong Văn nghệ Giải phóng Khu 5 phê phán kịch liệt nào là tiểu tư sản nào là “dám gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta là nội chiến”, nào là “có hơi hướng chủ nghĩa hiện sinh”. Ấy vậy cũng chưa kinh bằng mấy “ông nội văn chương trộn lẫn chính trị và mặc cảm cá nhân” ở Huế những năm 1984-1985, tổ chức đốt cuốn tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” (tập 1 của bộ “Bay qua cõi chết”…) [Nhà văn có thể nghe thông tin nhầm: theo chỗ chúng tôi biết, hoàn toàn không có chuyện “tổ chức đốt cuốn tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu”” – Biên tập]. Có lẽ đấy cũng là thời kỳ kịch tính nhất, rắc rối nhất của giai đoạn “phải vượt qua”… Còn sau đó, nhất là từ năm 2011 đến giờ, tôi đã bước sang giai đoạn “lấy lại”, lấy lại niềm vui, sự thanh thản và kịch tính nhất là khi tôi bị mắc ung thư phổi, đang nằm điều trị trong quân y viện 103 mà vẫn đủ sức đọc lại, chau chuốt và cho in cuốn tiểu thuyết thứ 13 của mình, cuốn “Hỗn độn”!

3- Những căn cứ, quy chuẩn nào trợ giúp ông chia cuộc đời mình ra từng ấy giai đoạn?

NKP- Tôi chia đời mình ra hai giai đoạn như trên là do tự xét, khi nào thì mình phải “vượt qua” và khi nào mình “lấy lại”.

4- Rõ ràng trong những năm tháng áp tải tàu gạo, muối, xăng dâu vào phía Nam khu IV cũ; hoặc thời kỳ sống, làm việc ở chiến trường Khu V ác liệt, hẳn nhiều lần ông đã giáp mặt với Thần Chết. Nhưng qua câu chuyện với bạn hữu, đồng đội của ông ở cảng Hải Phòng, hoặc ở chiến trường Quảng Đà, không ai phàn nàn, châm chích rằng một lần Nguyễn Khắc Phục đã than đói, kêu khổ hoặc run rẩy, hoảng hốt sau một lần thoát chết bởi bom B.52 rải thảm hoặc pháo chụp, pháo bầy…

Xin ông cho biết sức mạnh tinh thần ấy là gì? Và ông đã khai thông từ nguồn mạch nào?

NKP- Tôi yêu cái nước này, quê hương này và yêu cuộc sống, yêu những người anh chị em ruột thịt cùng bè bạn, nếu tôi không làm nổi những chuyện lớn để họ được đôi chút tự hào khi nhắc đến tôi thì chí ít tôi cũng không muốn họ phải xấu hổ vì tôi!

5- Tấm lòng, niềm tin và cảm hứng văn chương ở những năm tháng xa xưa ấy so với hiện nay có gì thay đổi?

NKP- Về bản chất thì không có gì thay đổi, nhưng rõ ràng hiện thời cảm hứng văn chương trong tôi dồi dào hơn, thâm trầm hơn, ma mị hơn và cũng tươi trẻ hơn…

6- Được biết, trong ba tháng ở Moskva, trong khi rất nhiều người đồng lứa coi như họ đã được tới “Thiên đàng Cộng sản”. Riêng ông phản ứng rất nhanh, rất nhạy về những mặt trì trệ, lạc hậu của chế độ Xô Viết – những gì mà chính người Nga đã lên tiếng phê phán và đi đến xóa bỏ trong thời kỳ Perestroika.

Có người nói rằng, ông tinh nhạy, mẫn cảm như vậy vì ông đã có “vật so sánh” – nghĩa là đã tận mắt chứng kiến “một thế giới khác” tại Sài Gòn trước ngày 30 tháng Tư năm 1975?

NKP- Nói một cách chính xác hơn, không phải “một thế giới khác tại Sài Gòn” mà là “một cánh cửa nhìn thông sang một thế giới khác tại Sài Gòn”. Qua cánh cửa sổ này (những kiệt tác văn nghệ, triết học, mỹ học, khoa học nhân văn…, của thế giới, từ Đông sang Tây, từ cổ điển đến hiện đại và cả ngay của chính nước ta, từ Minh triết đến lịch sử tư tưởng, phong tục tập quán Việt Nam), tôi giật mình đối chiếu chúng với những gì cực kỳ nghèo nàn đang vây bủa chúng ta trên đất Bắc mấy chục năm, ít nhất thì cũng từ 1954 đến 1975…

7- Nếu đúng là như vậy, thì kết quả rút ra từ những trắc nghiệm ấy là gì?

NKP- Qua những trắc nghiệm trên, dù mới manh nha và nhảy cóc, cũng đủ cho mình thấy mình quá ngây thơ, cả tin nên dễ bị mắc lỡm và tự tha hóa xuống hàng “CON” để cái chất “NGƯỜI” ngày càng bị bào mòn cho đến khi thành súc vật… Như thời Cải cách ruột đất, vì tin vào câu hát “Dù là cha là bác là anh / Đã là địa chủ đích danh là thù“, mà tôi – một thằng nhóc 8, 9 tuổi – đã dám bắt ông cậu ruột của bố mình phải chào tôi là “Con xin chào ông bà nông dân ạ!”…

8– Giữa những tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ); kịch sản sân khấu, kịch bản phim truyền hình ông cho ra mắt độc giả, khán giả, người theo dõi thường xuyên sáng tác của ông đánh giá cao hơn văn xuôi và kịch bản sân khấu. Và họ cho rằng kịch bản dành cho các bộ phim truyền hình nhiều tập là thứ “mỳ ăn liền” ông sáng tác nhằm để kiếm tiền nuôi vợ con.

Ý kiến ông ra sao về nhận xét này?

Ng Kh Phục 2

NKP- Bảo là “sáng tác để kiếm tiền nuôi vợ con” (nếu chỉ có vậy) thì e chúng ta đã quá đơn giản hóa quá trình sáng tác của nhà văn, mà ở đấy thật khó tách bạch cái nào là cảm hứng đến từ nhuận bút (nhuận bút văn chương, kịch cọp nước ta các bạn biết rồi, đúng như một trong các nhà thơ lớn của xứ ta từng than vãn “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”), cái nào do thôi thúc của trách nhiệm công dân, cái nào là sự nhạy cảm của nghệ sĩ…

9- Tiếp là mấy chục kịch bản phim dành cho các lễ hội. Nhiều bạn đọc cho rằng, từ kịch bản dành cho phim truyền hình, tiếp nối là kịch bản dành cho các lễ hội, trong trái tim nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã tắt lịm ngọn lửa của niềm tin và đam mê thời ông viết “Học phí trả bằng máu”, “Thành phố đứng đầu gió”…

Liệu có đúng vậy không?

NKP- Có lẽ nhận xét này hơi oan, bởi bằng chứng rõ ràng nhất là tháng 11 năm 2015 vừa rồi, nằm trong viện chữa ung thư phổi, tôi vẫn viết, bổ sung tư liệu, trau chuốt từng câu chữ để hoàn chỉnh và cho ấn hành tiểu thuyết “Hỗn độn”!

10- Có bạn đọc cũng thắc mắc, trước âm mưu xâm chiến biển đảo Việt Nam của bọn bành trướng Bắc Kinh không thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phục lên tiếng. Riêng tôi thì lại nhớ rằng, ông là một nhà văn Việt Nam cất tiếng nói sớm nhất, quyết liệt nhất trước dã tâm của kẻ thù phương Bắc. Xin ông có thể nhắc lại hành động này của ông…

NKP- Tôi xin gửi quý bạn một số dữ liệu đã được ghi nhận để quý bạn hiểu rằng, tôi căm thù tận xương tủy chủ nghĩa bành trướng và lũ xâm lược phương Bắc như thế nào…

(Xem phần tham khảo ở cuối bài)

11- Tiểu thuyết “Hỗn độn” là tác phẩm dày dặn nhất, tâm huyết nhất và chúng tôi cũng hy vọng rằng đấy không phải là tác phẩm cuối cùng của ông. Quả là đọc “Hỗn độn” khá mệt, khá căng thẳng. Cũng dễ, mà cũng khó khư khư đoan quyết những trang viết ấy phản ánh “y chang” hiện thực Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua. Thôi, nếu ví thử cuộc sống của chúng ta ngày hôm qua và ngày hôm nay thật sự lộn tùng phèo, hỗn mang, tả pí lù như vậy… thì xin được hỏi ông, vậy trật tự nào, niềm tin và hy vọng nào nhà văn nhìn thấy trước để đưa bạn đọc của mình cập bến bờ?

Cám ơn nhà văn vì cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn hôm nay. Xin chúc ông sớm bình phục!

Tham khảo:

THƯ NGỎ GỬI CÁC NHÀ VĂN TRUNG QUỐC 

Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2007 

Tôi là một công dân bình thường của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và làm nghề viết văn, gửi bức thư ngỏ này cho Quý Vị, những công dân của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và xét trên phương diện nào đó, chúng ta là đồng nghiệp của nhau. Quý Vị yêu nước Trung Quốc cũng như tôi yêu nước Việt Nam, điều này thật hiển nhiên và không có gì phải bàn cãi. Chắc Quý Vị cũng chia sẻ với tôi nhận thức rất đơn giản nhưng có tính nguyên tắc rằng: Lòng yêu nước của bất kỳ công dân quốc gia nào cũng đáng được trân trọng khi chúng ta coi đất nước mình là một thành viên trong Đại Gia Đình Nhân Loại. 

Và cùng là người cầm bút, hẳn Quý Vị cũng như tôi, đều hướng tới các giá trị nhân văn cao cả, đều mong muốn dùng tác phẩm của mình góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng, văn minh và nhân dân tất cả các quốc gia đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc, được tôn trọng và bình đẳng… Tôi cũng xin bày tỏ chân thành sự kính trọng của tôi đối với đất nước và nhân dân Trung Hoa, nơi đã có một nền văn hóa rực rỡ lâu đời, nơi sản sinh ra những nhà tư tưởng, văn hóa nhân văn vĩ đại. Mà Khổng Phu Tử là một trong những vị đại diện kiệt xuất, đáng kính trọng nhất của nền văn hóa ấy với tinh thần nhân đạo sâu sắc, lý tưởng cao cả về một “thế giới đại đồng” của Người cho đến nay vẫn còn nguyên sức mạnh và cảm hứng thúc giục nhân loại phấn đấu và vươn tới. 

Hẳn Quý Vị cũng như bất cứ nhà văn nào trên thế giới (trong đó có tôi) đều ghê sợ, căm ghét và sẵn sàng dùng ngòi bút của mình vạch mặt thói đạo đức giả, thủ đoạn đánh tráo sự thật và lịch sử bằng những lời lẽ hoa mỹ; đặc biệt là thói cậy mạnh hiếp yếu, trịch thượng và khinh miệt người khác, những kẻ tự cho mình cái quyền đứng trên đầu trên cổ thiên hạ, bất chấp đạo lý, công luận và công pháp quốc tế, bất chấp những hậu quả thảm khốc khôn lường mà sự lộng hành của họ có thể gây cho các dân tộc khác, thậm chí cho chính đồng bào của họ… 

Vững tin vào những điều vừa trình bày, tôi viết bức thư ngỏ này gửi tới Quý Vị và hi vọng tìm được sự đồng cảm nào đó… 

Thưa Quý Vị, là người cầm bút, ít nhiều chúng ta cũng phải tìm hiểu lịch sử của đất nước mình, tất nhiên cũng sẽ thấy ngay một sự thật: Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, hầu hết lịch sử các quốc gia, dân tộc đều liên quan đến lịch sử của các quốc gia, dân tộc khác, theo các cách khác nhau và những kết quả tương ứng cũng khác nhau. Mà trong đó, mối quan hệ giữa đất nước của tôi và đất nước của Quý Vị đã trải qua hàng nghìn năm, đã trải qua đủ các cung bậc, tình huống, cảm xúc…, trong các hoàn cảnh lịch sử cụ thể, là một thí dụ khá điển hình. Và sau hết là một kết cục tất yếu của lịch sử: Tháng 8 năm 1945, nước tôi giành được độc lập và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Tương tự, tháng 10 năm 1949, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Và 2 năm sau, nước tôi và nước Quý Vị chính thức đặt quan hệ ngoại giao với nhau. 

Kể từ đó, mối quan hệ Việt-Trung bước vào lịch sử nửa cuối thế kỉ 20 với những diễn biến mạnh mẽ và cũng đầy kịch tính. Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam bình thường không bao giờ quên những gì mà đất nước và nhân dân Trung Quốc đã làm, đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập – tự do và thống nhất đất nước. 

Cũng chính vì thế, làm sao chúng tôi không đau lòng, ngỡ ngàng khi phải đối mặt với sự thật: Ngày 19-1-1974, hải quân Trung Quốc đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Mà bằng chứng lịch sử đã khẳng định Hoàng Sa là của nước tôi. Trong trận chiến không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống. 

Rồi ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc tràn qua biên giới, tàn phá các thị xã, làng mạc, nhà máy, xí nghiệp, gây nên bao thảm cảnh cho nhân dân chúng tôi trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. 

Chưa hết, tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam. 74 chiến sĩ của chúng tôi đã hi sinh khi bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc mình. 

Điểm qua một vài sự kiện bi kịch như trên, hẳn Quý Vị và tôi có thể dễ hiểu hơn niềm hân hoan của nhân dân hai nước khi diễn ra việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc năm 1994. Cho đến khi lãnh đạo hai nước cùng nhau đưa ra 16 chữ vàng và 4 tốt, nhân dân Việt Nam và Trung Quốc càng tin vào tương lai tươi đẹp của tình hữu nghị. 

Trích Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào từ ngày 31/10 đến 2/11 năm 2005: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai là phương châm chỉ đạo phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới. Mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt là mục tiêu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước…”

Bởi nếu thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất của “16 chữ vàng” và “4 tốt”, người ta sẽ thấy ở đấy sự hội tụ cả 5 đức lớn mà hàng nghìn năm trước Khổng Phu Tử đã nêu lên làm chuẩn mực hành động của đấng quân tử: Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín! Nói nôm na, làm đúng theo phương châm này, nhân dân hai nước sẽ có cuộc sống thanh bình, hữu hảo (Nhân), cư xử với nhau một cách có văn hóa (Lễ), trân trọng, nâng niu những tình cảm sâu nặng gắn bó số phận hai đất nước (Nghĩa), đó cũng là biểu hiện của sự thức thời (Trí), biết rõ trong thế giới hiện đại, người ta có thể làm gì và cái gì là không thể, cả nhận thức sâu sắc, cập nhật hóa khái niệm Trung-Thứ của Đức Khổng Tử (Ta không muốn cái gì thì đừng làm cái ấy cho người khác), và cuối cùng, đó là sự thành tín, nhất quán giữa nói và làm (Tín)… 

Tiếc thay, sự thật lại không diễn ra như vậy, mà cứ mỗi lần ở đâu đó người ta cao giọng nói về “16 chữ vàng” và “4 tốt” thì y như rằng, ngay sau đó, Trung Quốc lại có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam một cách trịch thượng và đe dọa nguy hiểm an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. 

Mà mới đây nhất, ngày 3 tháng 12 năm 2007, Việt Nam lên tiếng phản đối Quốc vụ viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam), trực tiếp quản lý ba quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam… 

Thưa Quý Vị nhà văn Trung Quốc, như trên tôi đã trình bầy, làm đúng và thành thực thì “16 chữ vàng” và “4 tốt” sẽ hội tụ cả 5 đức Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, còn làm ngược lại thì đương nhiên là hủy hoại cả 5 đức lớn ấy. 

Chúng tôi biết rõ, nước chúng tôi bé, nhân dân chúng tôi còn nghèo, tàu chiến, máy bay của chúng tôi vừa ít hơn, vừa lạc hậu hơn hải quân, không quân của các cường quốc, nhưng điều ấy không ngăn cản chúng tôi đứng lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước mình. Hẳn Quý Vị chưa quên rằng trong lịch sử, không phải chỉ một lần, Việt Nam đã từng phải đương đầu với những kẻ xâm lược hùng mạnh hơn mình gấp bội. Và kết quả của những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước ấy của nhân dân Việt Nam hẳn Quý Vị cũng không phải không biết. Nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn yên ổn làm ăn, hữu hảo với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, trong đó có đất nước Trung Hoa. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng sẵn sàng hi sinh tất cả, muôn người như một đoàn kết để chống lại bất cứ hành động ngang trái nào làm nhục chúng tôi và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia của mình. 

Thưa Quý Vị, vạn bất đắc dĩ chuyện xấu nhất xảy ra thì ai sẽ là người gánh chịu? Trước hết là phụ nữ, trẻ em, những người dân hiền lành, lương thiện của cả các bên. Là các nhà văn, hẳn Quý Vị sẽ hình dung ra bao tấn thảm kịch và cái giá xương máu phải trả cho bất kì tham vọng bất chính nào. 

Nhân dân chúng tôi không muốn thế. Và nhân dân các nước khác cũng không muốn thế. Nhưng khi bị đẩy đến lựa chọn sinh tử, bất kì dân tộc nào, quốc gia nào biết tự trọng cũng phải chiến đấu bảo vệ danh dự và quyền lợi chính đáng của mình. Và nhất định nhân loại tiến bộ, lương tri loài người và đạo lý, công pháp quốc tế sẽ đứng bên dân tộc ấy, đất nước ấy. 

Vài lời tâm huyết, thành thực giãi bầy với Quý Vị, tôi chỉ ao ước mong được Quý Vị lắng nghe, cùng ngẫm nghĩ và sẽ đưa ra hành động thích hợp, vì mục tiêu công chính và nhân đạo, trên cương vị của mình – những nhà văn chính trực và công tâm, yêu hòa bình, công lý, bênh vực lẽ phải. 

Trân trọng cảm ơn Quý Vị! 

Kính thư 

Nguyễn Khắc Phục 

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 

Địa chỉ: 2A ngõ Dã Tượng – Hà Nội.

Thư ngỏ gửi các bạn đọc trẻ Việt Nam!

Tôi khẩn thiết cầu mong các bạn đọc trẻ hãy đọc bức thư ngỏ này và tất cả chúng ta, con dân nước Việt hãy đứng bên nhau trong giờ phút đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng, cùng suy nghĩ và đồng lòng góp sức, tìm ra cách tốt nhất, đối phó một cách hiệu quả nhất cho sự bình an của Tổ Quốc ta. Và ngay khi có thể, các bạn hãy giúp tôi, đưa bức thư này đến những người thân quen của các bạn, càng nhanh, càng đông, tôi càng biết ơn các bạn!

Nguyễn Khắc Phục

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008

Bạn đọc trẻ thân quý!

Tôi tên là Nguyễn Khắc Phục, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã về hưu và tiếp tục sáng tác tại Hà Nội. Cách đây đúng một năm (ngày 08.12.2007), trước những hành vi sai trái, nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa chủ quyền, an ninh lãnh thổ nước ta, tôi đã phải viết một bức thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc. Một năm sau, những diễn biến nói trên mỗi lúc một thêm nghiêm trọng, nhà cầm quyền Bắc Kinh càng có nhiều hành động không thể chấp nhận được, đưa ra những đòi hỏi cực kì vô lý, đi ngược lại mọi chuẩn mực công pháp quốc tế, đạo lý khi tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển có diện tích khoảng 75% Biển Đông. Tham vọng bất chính, bất hợp pháp của họ không dừng lại ở việc xâm chiếm phi pháp Hoàng Sa, đe dọa Trường Sa mà còn tiếp tục những mưu toan ngang ngược, trắng trợn đòi chiếm luôn cả vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn của Việt Nam vốn nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1000 km, bất chấp chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với vùng biển này đã được luật quốc tế và các bên liên quan công nhận (xin tham khảo thêm tư liệu ở TUANVIETNAM ngày 8.12.2008- Chủ quyền VN ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây của Dương Danh Huy – Lê Minh Phiếu). Thật ra những diễn biến nguy hiểm mới này chỉ là những biểu hiện tiếp tục một cách lô-gic của chủ nghĩa bành trướng và tham vọng bá quyền thâm căn cố đế trong đầu óc của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Vì thế, hôm nay tôi phải viết thư ngỏ này, khẩn thiết gửi các bạn đọc trẻ – đồng bào máu thịt của mình, giãi bầy với trách nhiệm công dân, những suy nghĩ nghiêm túc, canh cánh và tâm huyết nhất của mình, một người bình thường trong ngót trăm triệu con dân nước Việt đang sống trên Tổ Quốc hay ở nước ngoài, rằng: Nhân dân Việt Nam vốn chỉ có một nỗi khao khát thiết tha duy nhất, được sống bình yên, hạnh phúc, hữu nghị và làm bạn với tất cả các nước láng giềng và các quốc gia trên thế giới, nhưng những gì nhà cầm quyền Trung Quốc đã, đang và sẽ làm, đang đe dọa nghiêm trọng, hủy diệt nỗi khao khát thiết tha nói trên!

Có một sự thật hiển nhiên: Muốn hiểu rõ bản chất của tội ác, tham vọng bất chính của các thế lực đen tối, chúng ta không còn cách nào khác là truy ngược lên, tìm gốc rễ sâu xa của những tội ác và tham vọng nói trên!

Nỗi ưu tư này càng nóng bỏng, nhức nhối trong mỗi con tim Việt Nam, khi sắp tròn 30 năm ngày xẩy ra sự kiện quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam (17. 02. 1979 – 17. 02. 2009)!

Đến đây, chúng ta lại phải đối mặt với một sự thực rất đau lòng và không thể chấp nhận được: Trong lịch sử hiện đại của đất nước, sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một trong những sự kiện đặc biệt và quan trọng bậc nhất, lại hầu như rất ít khi được nhắc tới dưới mọi hình thức, phương tiện thông tin, từ những nghiên cứu sử học, đến các tác phẩm văn chương – nghệ thuật phản ánh đề tài hiện thực này. Theo tôi biết, không phải không có những công trình, tác phẩm liên quan trực tiếp hay gián tiếp, với quy mô lớn, vừa hoặc nhỏ, đề cập tới sự kiện lịch sử này. Vậy vì sao những công trình, tác phẩm ấy không được công bố? Ai phải chịu trách nhiệm, họ muốn gì khi chủ trương như vậy? Đó không chỉ là biểu hiện ô nhục, hèn nhát mà còn làm yếu đi sức mạnh của chính nghĩa và khả năng tập hợp đại đoàn kết dân tộc trước nguy cơ ngoại xâm.

Ở đây, tôi chỉ điểm lại một vấn đề mấu chốt hệ trọng và dễ thấy nhất, liên quan đến cái cớ nhà cầm quyền Trung Quốc vin vào để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.

Ngay sau khi lên nắm quyền ở Căm-pu-chia, tập đoàn Pôn Pốt được Bắc Kinh dung dưỡng, cổ súy cả tinh thần, vật chất, cả hệ tư tưởng, bày mưu tính kế, cố vấn cao cấp hoặc trực tiếp huấn luyện, đã ngang nhiên xâm lấn và phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân ta dọc biên giới, đồng thời thực hiện một chế độ diệt chủng với chính đồng bào mình, tàn bạo, vô nhân đạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Việt Nam buộc phải tiến hành các biện pháp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và cuộc sống, sinh mạng của đất nước, nhân dân mình, giáng trả bọn xâm lược theo đúng công pháp và tập quán quốc tế về “quyền tự vệ chính đáng”. Và lịch sử đã diễn ra theo đúng lô-gic của nó. Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam theo yêu cầu của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Căm-pu-chia, tiến vào đất bạn, góp sức cùng các lực lượng yêu nước, yêu công lý Căm-pu-chia, chặn đứng nạn diệt chủng, giải phóng đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt vong… Và chỉ 37 ngày sau, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam! Vì sao họ “nhanh nhẹn” như vậy khi gây ra tội ác này? Họ nhân danh cái gì để xâm lược Việt Nam?

Như mọi lần, Bắc Kinh lại biến trắng thành đen, vu cáo “Việt Nam tiểu bá xâm lược Căm-pu-chia” và Trung Quốc phải “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thế là họ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tổng lực, không từ bất cứ tội ác nào chống lại dân thường Việt Nam, phá hủy tan hoang thị xã, thành phố, làng mạc, nhà máy, xí nghiệp, cầu cống trên địa phận các tỉnh phía Bắc Việt Nam giáp biên giới Trung Quốc, theo một kế hoạch được vạch trước, với mưu đồ nham hiểm là đánh quỵ Việt Nam không chỉ ở khả năng phòng thủ, tiềm lực kinh tế – quân sự mà còn nhằm hăm dọa, làm tan rã ý chí yêu nước, cắt đứt truyền thống quật cường chống ngoại xâm chảy trong máu các thế hệ người Việt sau này…

Bây giờ, gần 30 năm đã qua, mọi cái đã trở nên minh bạch. Sự thật đã sáng như ban ngày. Và mọi sự dối trá và đạo đức giả cũng đã được phơi bày trước thế giới. Việc quân tình nguyện Việt Nam giúp Căm-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, dân tộc Khơ -me và nền văn hóa rực rỡ với Ăng-co Vát, Ăng-co Thom đã hồi sinh và đang tiến bước trên con đường hòa bình-phát triển…, đã được công luận quốc tế thừa nhận. Chính nhân dân cùng Quốc Vương và các nhà lãnh đạo Căm-pu-chia cũng đã hơn một lần ghi nhận, bày tỏ lòng biết ơn Việt Nam đã giúp Căm-pu-chia hồi sinh bằng hành động quang minh chính đại, kịp thời, hiệu quả và đã tốn không ít xương máu, tiền của vì đại nghĩa nói trên. Sự ghi nhận này không chỉ ở lời nói, dư luận mà cả trong các văn bản chính thức của Quốc Hội – Nhà Nước Căm-pu-chia. Và bọn thủ ác khủng khiếp nhất mọi thời đại, bọn mù quáng đi theo đường lối diệt chủng, bọn đã từng được Bắc Kinh dung dưỡng, khuyến khích, đã phải ra đứng trước vành móng ngựa của Tòa án Quốc Tế xét xử tội ác chống lại loài người!

Vậy là cái cớ nhà cầm quyền Bắc Kinh vin vào để xâm lược Việt Nam năm 1979 đã hoàn toàn đổ nhào, khẳng định mạnh mẽ một sự thật: Cuộc chiến tranh Trung Quốc tiến hành năm 1979 chống Việt Nam là phi nghĩa, phi pháp, phi đạo lý, cần phải bị lên án đanh thép. Và những kẻ đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”, đã lộ nguyên hình ngụy quân tử, đầy dã tâm, tàn ác và nham hiểm.

Nhưng thử hỏi, 30 năm qua, tại sao những kẻ gây nên tội ác xâm lược Việt Nam năm 1979 chưa bị vạch mặt công khai và đưa ra xét xử trước Tòa án công lý Quốc Tế? Tại sao chưa có bất cứ cuộc điều tra toàn diện, khách quan và công bằng nào của các tổ chức, cơ sở nghiên cứu khoa học và cá nhân, về tội ác của Trung Quốc chống Việt Nam năm 1979, được tiến hành? Hoặc đã có mà chưa được công bố bởi những lý do nào đó? Ấy là chưa kể một loạt tội ác khác nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gây nên cho nhân dân Việt Nam, chưa bao giờ được thống kê, phân tích đầy đủ để công bố cho nhân dân ta và thế giới biết rõ:

– Ngày 19-1-1974, hải quân Trung Quốc đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa của ta. Trong trận chiến không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống.

– Tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam. 74 chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh khi bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc mình.

Tại sao cái ác, cái xấu, cái đạo đức giả ở tầm vóc “giới cầm quyền một nhà nước” không bị phanh phui, lên án? Tại sao? Và những ai phải trả lời câu hỏi này?

Những diễn biến lịch sử và thực tế cuộc sống đã cho chúng ta những bằng chứng hiển nhiên để không mơ hồ: Về bản chất và tham vọng bất chính, những kẻ đòi “dậy Việt Nam” năm 1979 và những vị hôm nay trịnh trọng rêu rao những lời đường mật về “16 chữ vàng” và “4 tốt” là một đồng một cốt. Khác chăng chỉ ở cách thức, giọng điệu, diễn xuất, càng ngày thói đạo đức giả và thủ đoạn càng tinh vi, nham hiểm và tàn độc hơn.

30 năm trước, họ nói toạc ra mồm “dạy cho Việt Nam một bài học” và xua quân đánh qua biên giới. Tàn ác, nguy hiểm lắm, nhưng vẫn ít nguy hiểm và tàn ác hơn bây giờ, khi họ thi thố đủ các thủ đoạn chính trị – ngoại giao – quân sự đen tối, được che đậy, ngụy trang khôn khéo, ru ngủ thiên hạ, chia rẽ, làm suy yếu, vô hiệu hóa mọi khả năng đề phòng, đoàn kết của các quốc gia, dân tộc trong khu vực (vốn cùng là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của họ), chống lại những mưu đồ nguy hiểm bất hợp pháp, ngang ngược coi thường mọi chuẩn mực công pháp quốc tế; bằng các chiến lược, chiến thuật cực kì tàn độc, thâm thúy mà có nhà nghiên cứu đã gọi là “chiến lược diều hâu“!

“Trung Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng tranh chấp như Phillipine hay Malaysia. Đây là một sự thực rõ như ban ngày. Sự chênh lệch về sức mạnh kinh tế và quân sự, kèm theo các phản ứng rất chừng mực và đơn lẻ, từ các đối thủ ASEAN đã khiến Trung Quốc tùy ý vận dụng chiến lược diều hâu trên Biển Đông.

Từ khoảng 20 năm đổ lại đây, họ đã sử dụng một công thức tổng hợp bao gồm:(1) tấn công quân sự quy mô nhỏ (Việt Nam, 1988, Philippine, 1996, 1997), đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp, (3) đe dọa bằng vũ lực (đối với ngư dân) hoặc sức ép kinh tế (với các tập đoàn dầu khí quốc tế) nhằm ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp, (4) chia rẽ các đối thủ bằng kinh tế và ngoại giao, và (5) tuyên truyền về chủ quyền và thái độ cứng rắn của họ đối với vấn đề Biển Đông trên toàn thế giới…” (Dự Trần, cố vấn của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông – Theo TUANVIETNAM ngày 06.12.2008)

Đúng, họ đã mưu toan “ru ngủ”, “gây mê”, “dọa dẫm”, sử dụng tất cả những mánh khóe tinh vi, biến hóa khôn lường trong việc kết hợp giữa diễu võ giương oai (thị uy, phô trương sức mạnh quân sự, khoa học-kỹ thuật) với các chiến dịch ngoại giao đạo đức giả, gây sức ép, tâm lý chiến (không loại trừ cả “văn hóa chiến” và “hữu nghị chiến” thông qua phim ảnh, tác phẩm văn học – nghệ thuật, các cuộc gặp gỡ “hữu nghị”, thi đấu thể thao, buôn bán, mậu dịch, viện trợ… ), tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp, phản gián và cấy vào nội bộ các nước mà họ muốn thôn tính, một loạt “nội gián”, ra sức “li gián”, “mua chuộc”, “phân hóa” khối đại đoàn kết Việt Nam bằng mọi thủ đoạn; nếu không tỉnh táo, dũng cảm và thông minh, chúng ta lại tự ru ngủ, sợ sệt, hoang mang và tự chia rẽ thêm nữa, thì việc mất nước chỉ còn là chuyện thời gian!

Vâng, hiện giờ chuyện khẩn cấp và sống còn nhất, liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng, chủ quyền của Tổ Quốc, số phận, danh dự toàn dân Việt Nam và tương lai của các bạn, hoàn toàn tùy thuộc vào hành động và nhận thức của tất cả chúng ta.

Đúng, xét về phương diện thực lực từ kinh tế, trang bị vũ khí, đến khả năng tác chiến cơ động, hiện đại (đặc biệt là hải quân và không quân), Trung Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước trong khu vực. Nhưng cái quyết định trong chiến tranh không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh vũ khí, tiền bạc, thủ đoạn.

Một. Nếu các nước trong khu vực nhận thức tỉnh táo và đầy đủ về nguy cơ bành trướng và “chiến lược diều hâu”, biết tập hợp lại, đồng tâm hiệp lực, tạm thời gác bỏ những bất đồng, tranh chấp lẫn nhau (mà giữa các nước này với nhau, việc đàm phán đi tới các giải pháp thỏa đáng là có cơ sở và khả thi), chống lại mọi âm mưu và hành động bá quyền, cảnh giác trước mọi âm mưu chia rẽ, li gián…, dễ gì Trung Quốc đã có thể tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm?

Hai. Trên bàn cờ quốc tế hiện đại, các cường quốc khác đã từng có mối quan hệ lịch sử với khu vực này, hiện nay cũng đang coi các nước như Việt Nam – Philippin- Malayxia…, là các nhân tố được tính đến trong chiến lược phát triển kinh tế – chính trị – ngoại giao – an ninh của họ, không thể bó tay ngồi im, để mặc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và lấn lướt phi pháp và vô hạn độ, trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ. Trước hết vì quyền lợi của chính nước họ, sau nữa có thể họ làm như vậy vì được thúc đẩy bởi những đòi hỏi của lương tri, tầm nhìn xa và cũng có thể do họ nhận thức được lời cảnh báo: Nếu không ra tay hành động kịp thời và đủ mức cần thiết, sẽ là quá muộn một khi chủ nghĩa bá quyền, bành trướng từ “bóng ma” hiện lên thành một thế lực vật chất nguy hiểm và tàn bạo! Công luận quốc tế và lương tri nhân loại cũng luôn đứng về phía các dân tộc bị áp bức, các đất nước bị xâm hại bởi các thế lực đen tối, phi nghĩa. Vì vậy, phải công khai đưa ra quốc tế những vấn đề khúc mắc trong quan hệ Việt – Trung trước nay vẫn được “những ai đó” coi là “tế nhị”, là “nhạy cảm” và ra sức bưng bít. Trong một số trường hợp tranh chấp cụ thể về lãnh thổ, lãnh hải, cần phải được đưa ra phân xử công khai trước các tổ chức quốc tế hữu quan, có đủ năng lực, thẩm quyền và uy tín. Chúng ta đừng quên một bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu: Trong thời kì chống xâm lược 1945 đến 1975, đặc biệt là từ 1954 về sau, cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta được tiếp thêm nhiều nguồn cổ vũ, ủng hộ từ dư luận tiến bộ trên thế giới, từ chính phong trào phản chiến trong lòng đất nước mà nhà cầm quyền nước ấy tiến hành xâm lược Việt Nam. Chúng ta không thể không nhắc tới sức mạnh mà những tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh chống Việt Nam của Bec-trăng Rut-xel, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh diễn ra trên khắp các lục địa, từ Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ đến Mỹ La-tinh…, đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta giữa những năm tháng thử thách khốc liệt, cam go nhất. Tại sao hôm nay chúng ta lại không tăng cường thêm sức mạnh, khả năng và hiệu quả tranh đấu cho chính nghĩa của chúng ta bằng cách tranh thủ công luận tiến bộ và ngay cả sự thức tỉnh trong lòng đất nước đang bị chi phối bới chủ nghĩa bành trướng…, cũng không phải không có tác dụng chặn bớt các mưu đồ đen tối và nguy hiểm với chính an nguy của nhân dân nước ấy.

Ba. Riêng với nước ta, từ hàng nghìn năm trước, không chỉ một lần, ông cha ta đã từng phải đối mặt với những cuộc xâm lược của các đế chế Trung Hoa đầy tham vọng, hùng mạnh, nham hiểm và tàn ác. Dĩ nhiên tình thế ngày ấy khác bây giờ cả từ hình thái, quy mô, thủ đoạn xâm lược, bối cảnh quốc tế, trình độ kĩ thuật, tác chiến, phương tiện chiến tranh và tương quan lực lượng. Nhưng xét cho cùng vẫn là chuyện nước nhỏ, dân nghèo, quân ít phải đánh với giặc to, ác và hiểm. Vậy ông cha ta đã làm cách nào để có Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa? Thậm chí đời Lý, anh hùng Lý Thường Kiệt còn đại phá Ung – Khâm, đập tan từ trong trứng mưu đồ xâm lược của nhà Tống năm 1075. Nhà Trần đã tổ chức thành công 3 lần kháng chiến chống Nguyên – Mông thế kỉ 13. Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nhà chiến lược, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng những nghĩa sĩ dự hội thề Lũng Nhai năm 1418, đã tiến hành cuộc kháng chiến 10 năm chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước khỏi họa diệt vong do bọn xâm lược tàn bạo mưu toan thực hiện bằng tất cả các thủ đoạn và tội ác của chúng, từ hủy diệt văn hóa, hủy diệt cơ sở vật chất và hủy diệt khả năng tồn tại của dân tộc ta như một dân tộc có văn hóa và khát vọng hạnh phúc. Rồi Đại đế Quang Trung đã diệt 28 vạn quân Mãn Thanh chỉ trong vòng mấy ngày mùa xuân năm Kỉ Dậu – 1789, ngay giữa thành Thăng Long. Vân vân và vân vân… Tựu trung, nguyên nhân thắng lợi của những võ công trên là do:

A- Ta chính nghĩa, ta chống xâm lược.

B- Ta đoàn kết một lòng, không phân biệt Nam-Bắc, Xuôi-Ngược, Vua-Quan-Dân, Trai-Gái, Già-Trẻ, Tôn Giáo – Tín Ngưỡng – Chính kiến, tất cả đồng lòng đánh giặc khi đất nước lâm nguy. (Điển hình là Hội nghị Diên Hồng thời Trần đánh giặc Nguyên-Mông). Ta kiên quyết giữ vững và phát huy cao nhất, sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, chống lại mọi mưu toan chia rẽ, mua chuộc và li gián của giặc ngoại xâm.

C- Ta có truyền thống đấu tranh anh dũng và tự tôn, biết mình (sở đoản – sở trường), biết người, biết tìm cách đánh thích hợp, lấy “đoản binh thắng trường trận”, “lấy yếu thắng mạnh”, lấy ” chí nhân thay cường bạo”, biết tiến biết thoái… Mỗi lần phải đương đầu với giặc xâm lược phương Bắc, bao giờ cha ông ta cũng tìm mọi cách liên kết với các lân bang cùng cảnh ngộ, cảnh giác ngăn chặn mọi mưu đồ li gián của kẻ thù chính, tỉnh táo, có tình có lý, phân tích cho các lân bang hiểu rõ những nguy cơ do âm mưu ” bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa” gây nên, làm suy yếu khả năng của các liên minh chống lại bá quyền, bành trướng. Ta cũng biết nội bộ của chính thế lực xâm lược không phải lúc nào cũng ổn cả, chính nhà cầm quyền ấy cũng phải đối mặt với những vấn đề nan giải của chính đất nước ấy.

D- Đặc biệt, sức mạnh của Việt Nam được tìm thấy cội rễ từ chí khí, tinh thần quật cường, trung hậu và đức xả thân…, của giới trẻ trong mọi hoàn cảnh hiểm nghèo nhất. (Điển hình là chuyện cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở Hội nghị Bình Than – thời nhà Trần).

E- Ta không mơ hồ trước mọi sự lừa phỉnh, đường mật của kẻ xâm lược. Ta biết rõ tim đen và dã tâm của chúng. Ta luôn nhũn nhặn, thậm chí chịu lép khi nói năng, chữ nghĩa viết lách các văn thư của triều đình và phải cống nạp cho cái gọi là “Thiên Triều” (kể cả khi ta đánh thắng, vẫn tạo điều kiện giao trả tù binh đàng hoàng cho chính bọn xâm lược mình, hoặc cấp đất xây mộ phần cho những tên xâm lược chết trận tại Việt Nam), nhưng trong thâm tâm, ta không bao giờ quên họ là ai, muốn gì và ta phải làm gì để chống lại mọi mưu toan nham hiểm, tàn bạo đã ăn vào máu của những kẻ cầm quyền phương Bắc. Muốn làm gì thì làm, muốn mềm dẻo thế nào thì mềm dẻo, nguyên tắc cốt tử là phải bảo toàn bằng mọi giá, đất đai, sông biển thiêng liêng của tổ tiên trao lại, danh dự và phẩm giá của một đất nước có truyền thống văn hiến hàng nghìn năm. Đối sách “trong rắn ngoài mềm” phải được vận dụng và nhận thức trên nguyên tắc cốt tử, tối thượng như trên.

G- Ta không lạ gì sách của họ từ nghìn xưa đến giờ. Nôm na thế này: Muốn lấy phải cho (đời Tống, họ phải cắt 800 dặm đất họ cho Liêu Hạ, nhưng lại mưu toan cướp đất của Đại Việt). Trước Nam sau Bắc (phía Bắc của họ toàn thứ dữ, khó gặm, họ bèn tính chuyện lấn xuống phía Nam trước với hi vọng dễ ăn cướp hơn).Mềm với người xa, rắn với kẻ gần (mua chuộc, giả vờ ngọt nhạt, hữu hảo với những nơi xa, gây cảm tình, tạo đà để mưu lợi trong tương lai khi có cơ hội bành trướng, sắm vai anh hùng hảo hán, cứu khốn phò nguy, ra vẻ hào hiệp và nhân nghĩa, nhưng trắng trợn, trịch thượng, cậy mạnh hiếp yếu với những nước nhỏ hơn cạnh mình).

Tôi nghĩ sao nói vậy, giãi bày tâm can cùng các bạn đọc trẻ, chắc có chỗ thiếu sót, chủ quan hoặc thiển cận, thành thực không ngại bị chê cười hay khó chịu. Tôi làm việc này chỉ nhằm một mục đích: Tất cả chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, nhìn sau trước, thấy phải làm gì tốt nhất, kịp thời và thiết thực nhất cho đại vận mệnh của đất nước – quê hương này (đương nhiên, có hạnh phúc và tương lai của mỗi chúng ta). Khi viết bức thư này, tôi cũng chờ những điều chẳng muốn vẫn sẽ đến với mình. Kể cả vậy, tôi không hối tiếc khi bày gan ruột của mình trên giấy. Hơn nữa, nếu tìm được cách thức nào hành động hướng tới mục đích trên, tốt hơn, hiệu quả hơn, tôi sẽ làm ngay, không nề hà, tính toán.

Dân Việt Nam xưa nay có cái hay, có cái dở như mọi dân tộc bình thường khác trên thế giới. Nhưng dân Việt Nam cũng đủ tỉnh táo để phân định rạch ròi giữa nhân dân Trung Quốc, các giá trị chân chính và đáng trân trọng của văn hóa Trung Hoa với thiểu số ôm ấp “chủ nghĩa bá quyền, tham vọng bành trướng”. Người Việt Nam chỉ muốn sống yên ổn, no ấm, hòa thuận với láng giềng, không muốn gây thù chuốc oán, càng không ham tranh giành quyền lợi bất chính. Nhưng khi bị xâm lược, danh dự bị xúc phạm, toàn dân Việt Nam nhất định mang hết sức lực, trí tuệ, máu xương, hiến dâng cho Tổ Quốc với tinh thần Đại đế Quang Trung đã tuyên cáo tại Thăng Long, mùa xuân năm Kỉ Dậu 1789:

“Đánh cho biết nước Nam anh hùng, có chủ!”

Tôi khẩn thiết mong các bạn đọc trẻ hãy đọc bức thư ngỏ này và tất cả chúng ta, con dân nước Việt hãy đứng bên nhau trong giờ phút đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng, cùng suy nghĩ và đồng lòng góp sức tìm ra cách tốt nhất, đối phó một cách hiệu quả nhất cho sự bình an của Tổ Quốc ta. Và ngay khi có thể, các bạn hãy giúp tôi, đưa bức thư này đến những người thân quen của các bạn, càng nhanh, càng đông, tôi càng biết ơn các bạn.

Qua mấy lời máu thịt này, tôi xin gửi gắm trọn vẹn lòng tin yêu vào quê hương, đất nước và nghĩa đồng bào.

Thân quý gửi lời chào các bạn đọc trẻ Việt Nam.

Thân mến

Viết xong lúc 2 giờ 15 ngày 08 tháng 12 năm 2008

Nguyễn Khắc Phục – canhcualieutrai@yahoo.com.vn – 0904481335

Thông điệp đoàn kết và yêu nước

(Văn hóa) – Đúng vào đợt kỷ niệm 30 cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung (2009), tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một vở cải lương mang tên Lễ mở xiêm áo được công diễn với hai câu đối cực lớn ngay trên mặt tiền của Nhà hát, đập vào mắt khán giả và người qua đường:

“Đại Việt Hiếu Hòa Thượng Võ ngàn năm không chịu khuất

Thăng Long Hùng Khí Tôn Văn vạn kiếp chẳng hề lui”

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản của vở diễn, nói rằng thời điểm ra mắt vở cải lương chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng ý nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Lễ mở Xiêm áo không phải là một vở cải lương bình thường, vì ở đó các nghệ sỹ không chỉ bày tỏ khát vọng nghệ thuật của mình, mà còn bày tỏ cảm hứng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của công dân.

Vở diễn cũng hướng tới làm sao để cả dân tộc cùng đồng cam cộng khổ đứng bên nhau trong những giây phút khó khăn nhất. Đây là thông điệp của một dân tộc tôn trọng các giá trị văn hóa và hòa bình, nhưng không cho phép ai lăng nhục mình.

PV nước ngoài: Thưa ông đã khai thác một đề tài khá quen thuộc với người Việt Nam, là mối quan hệ Việt Nam – Trung Hoa. Liệu có sự khác biệt, chênh lệch nào trong quan hệ này giữa ngày hôm nay và trong quá khứ hay không?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Không, nó chỉ có khác ở tình thế cụ thể, ở tương quan lực lượng, bối cảnh bên ngoài.

Về bản chất, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không thay đổi.

Một đất nước có nền văn hóa lâu đời và rực rỡ như Trung Quốc thì đất nước ấy sẽ lan tỏa các giá trị văn hóa của mình sang cho các dân tộc khác. Đó là sự lan tỏa tích cực, đẩy thế giới tiến tới chủ nghĩa nhân đạo và sự đại đồng mà chính các triết gia lớn nhất của Trung Hoa đã từng mong muốn.

Thế nhưng, có những người lại không coi những giá trị nhân đạo của văn hóa Trung Hoa ấy là quan trọng, mà coi rằng việc bành trướng lãnh thổ và triển khai các tham vọng bất chính của mình mới là quan trọng.

Thế giới do vậy luôn phải đứng bên cạnh vực thẳm do các tham vọng bất chính, vô văn hóa này gây nên.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xưa nay vẫn thế, tức là hai dân tộc đều mong muốn hòa bình, sống với nhau bằng các giá trị văn hóa, chứ không phải vì các tham vọng, hay tương quan mạnh yếu.

PV: Thưa ông vừa nói tới các tham vọng bành trướng. Trong quá khứ, không ít lần nhà nước phong kiến Trung Hoa đã muốn thôn tính Việt Nam và Việt Nam cũng có những đối sách phù hợp để đương đầu. Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam có thể học được gì từ quá khứ?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Tôi là người dân bình thường nên không thể biết để nói về các chiến lược chiến thuật của nhà nước.

Nhưng tôi biết một điều rằng hàng ngàn năm nay Việt Nam có thể đứng vững được là nhờ khối đoàn kết dân tộc, hay còn gọi là thế trận Diên Hồng.

Mặt khác, người Việt Nam cũng hiểu rằng cái có sức mạnh quyết định thắng lợi là chính nghĩa và chủ nghĩa nhân đạo chứ không phải các tham vọng, nên luôn hướng tới các giá trị cao cả này.

(TH)

Ngọn gió mãnh liệt của lòng yêu nước

Đã lâu lắm rồi tôi không đi xem cải lương và cũng đã lâu lắm rồi tôi mới được xem một vở cải lương hấp dẫn như vậy. “Lễ mở xiêm áo” một vở cải lương gọn ghẽ, chứa đầy những thông điệp về lòng yêu nước, về sự nhân ái, về giá trị văn hóa của dân tộc.

“Lễ mở xiêm áo”

Không chạy theo cái gọi là “các mảng miếng” mà các đạo diễn bây giờ thường dùng để bù lấp vào khoảng trống vắng của cảm xúc, sự nông cạn về ý tứ, tư tưởng và chất lượng văn học của vở diễn, càng không dựa dẫm vào những trang trí rườm rà, đương nhiên cũng không lạm dụng các phương tiện kỹ thuật sân khấu hiện đại; với lối khai thác xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, mô tả một cách sinh động, sâu sắc và tinh tế, cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt trong số phận của mỗi nhân vật, giữa một bên là vận nước và một bên là thù nhà, vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” đã đem đến cho người xem nhiều nghĩ suy…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục tác giả kịch bản “Lễ mở xiêm áo” khi ngồi dưới hàng ghế khán giả, thỉnh thoảng, ông lại đưa tay lau nước mắt. Sau vở diễn ông nán lại và nói với các nghệ sĩ diễn viên của nhà hát rằng: Ông đã từng được dựng 66 vở trên hầu hết các sân khấu lớn nhất quốc gia, và từng có nhiều giải thưởng kịch bản, nhưng đây là vở mà ông yêu thích nhất. “Các bạn diễn rất xúc động” – ông nói với nghệ sĩ, diễn viên rằng ông không nhận xét với tư cách của một tác giả kịch bản, mà ông đong bằng cảm nhận của một khán giả thực sự. “Lễ mở xiêm áo” sẽ ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán và đây là vở diễn chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

Được biết, nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết vở “Lễ mở xiêm áo” từ nhiều năm trước. Đó là một tác phẩm sân khấu được xây dựng từ chất liệu lịch sử và cảm hứng văn hóa, như phần lớn những gì nhà văn này đã thể hiện khi viết những tiểu thuyết, thơ, trường ca hay những kịch bản khác dành cho sân khấu, điện ảnh, truyền hình. Tuy vậy, “Lễ mở xiêm áo” mang một sắc thái bi tráng riêng mà trước đó, ít có tác phẩm nào của Nguyễn Khắc Phục đạt tới mức đậm đặc và đầy trăn trở như vậy.

Giặc ngoại bang muốn biến Đại Việt thành một đất nước bị khoét rỗng cả nhân tài, vật lực, cả niềm vui, lòng tin vào ngày mai và khát vọng. Chúng đã ra sức cấy vào hàng ngũ triều đình Đại Việt những tên nội gián vô liêm sỉ kiểu Nguyễn Chính, thèm khát ân huệ của “thiên triều”, sẵn sàng bán rẻ cả lương tâm, danh dự, tình bạn, tình yêu và giang sơn gấm vóc cho ngoại bang…, miễn sao kiếm được chút vinh hoa phú quý.

Còn Lê Thái sư, bậc đại thần của triều đình Đại Việt, vừa phải đối mặt với thế lực đen tối bên ngoài, vừa phải đối mặt với tấn bi kịch gia đình: Con trai Thái sư, Đô thống Thượng tướng quân Lê Anh Tuấn làm nhục mệnh vua khi để giặc xâm lấn bờ cõi, theo quốc pháp phải xử tội chết.

Với quyền uy trong tay, Thái sư họ Lê hoàn toàn có thể tha chết cho con trai với lý do: Cho Lê tướng quân một cơ hội lập công chuộc tội! Nhưng Thái sư biết rằng, giữa lúc nước sôi lửa bỏng này, lòng dân ly tán, rường mối xã tắc lung lay, việc khoan hồng cho con trai sẽ khiến trăm họ càng mất lòng tin vào triều đình, sỹ khí của ba quân sẽ nhụt đi. Thái sư chỉ còn biết nghiến răng, nuốt nước mắt vào trong mà ra lệnh xử trảm giọt máu của mình.

Vở diễn được mở màn bằng một giấc mơ của một đứa trẻ mang tên Hoàng Cương. Trong giấc mơ ấy giữa nơi âm u của nghĩa địa, một người mẹ đau đớn, gào thét, cào cấu trên huyệt mộ chồng với những âm thanh chát chúa. Và thật nghiệt ngã, người mẹ ấy đã giao cho cậu bé Hoàng Cương một nhiệm vụ: Phải trả thù cho người cha đã bị Thái sư giết chết. Hoàng Cương lớn lên trong nỗi ám ảnh của những giấc mơ và lời dặn của người mẹ.

Và cũng chính vì nỗi ám ảnh đó mà Hoàng Cương đã phải sống giả dối. Nhưng khi phát hiện ra lý do mà cha cậu bị giết vì ông ta đã từng trao 54 tấc đất cho giặc; khi chính mắt mình chứng kiến cảnh Lê Thái sư đau đớn như thế nào khi hạ lệnh giết chính con trai mình vì không làm tròn bổn phận với non sông, Hoàng Cương đã bị cảm hóa, vận mệnh của đất nước cao cả hơn nhiều một mối thù.

Hoàng Cương đã bỏ thuốc độc vào cốc nước của Thái sư rồi lại tự mình ngăn Thái sư không được uống. Chính hành động đó đã làm sáng ngời lên nhân cách của kẻ sỹ Thăng Long, những người lúc bình thường chỉ trọng nhân nghĩa, công lý, tình yêu vị tha, lòng tin vào con người và thiết tha với đại vận mệnh quốc gia, lúc xã tắc nguy biến thì sẵn sàng hiến dâng toàn bộ cuộc đời, tim óc, khát vọng sống và sáng tạo nghệ thuật cho đại nghĩa dân tộc.

Chính những con người như Lê Thái sư, Hoàng Cương, cô Đào Mây, Thiền sư Tuệ Minh, anh hầu Cả Nhĩ… và muôn vạn con dân nước Việt đứng sát cánh bên nhau khi Tổ quốc lâm nguy, đã kết thành khối sức mạnh vô biên trong một thế trận hùng vĩ, mà như chính nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã gọi là “Thế trận Diên Hồng”…

“Lễ mở xiêm áo” – một câu chuyện tưởng như rất đơn giản của một đào nương hát ca trù chờ ngày mở xiêm áo lung linh và huyền ảo của mình nhưng đan xen trong đó là những âm mưu, là sự phản bội của thù trong giặc ngoài hòng biến Đại Việt về tay giặc, với những tình huống kịch tính, vở diễn đã đưa ra chuỗi thông điệp về lòng yêu nước, về lòng tự hào dân tộc nhưng không gượng ép, không áp đặt, không giống như một bài học về đạo đức mà đó là sự rung động trước những giá trị cao thượng, để rồi những thông điệp đó “thấm” vào tận tâm can người cảm nhận.

Một cô đào nương mỏng manh, yếu đuối dám chấp nhận cái chết để nói vào mặt kẻ thù khi chúng bắt cô phải hát điệu hát của ngoại bang, nói tiếng nói của ngoại bang: “Từ ngày ta bị bắt sang đây, ta không được nói tiếng mẹ đẻ, ta không được làm điều mà ta suy nghĩ, ta không được múa hát cái mà ta đã được học, nhưng hôm nay dù có phải chết ta cũng phải nói tiếng của dân ta, hát tiếng của dân ta”… Câu nói khảng khái của Đào Mây đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Đó là ý thức công dân trước vận mệnh của đất nước.

Khi đất nước lâm nguy, thì không phải chỉ có những người ra chiến trận mới là người giữ nước mà bất cứ ai cũng có thể chứng tỏ lòng yêu nước của mình – ý thức của người nghệ sĩ cũng không kém gì những người ra mặt trận. Vở diễn đưa ra nhiều thông điệp nhưng có lẽ thông điệp lớn nhất đó là thế hệ trẻ hôm nay sẽ làm gì cho đất nước, sẽ làm gì để gìn giữ giang sơn gấm vóc này.

Đinh Kiều Nguyên

¤Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về

Xin trân trọng đăng tải lại KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP & HÙNG CA DIÊN HỒNG của Nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết 6 năm về trước, được Blog Nhật Tuấn lưu giữ được.

Tiếng kêu từ Tục Lãm

Lời dẫn của Nhật Tuấn: Theo tin nước ngoài, tại cuộc họp giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 12/12/2008 tại vùng Hữu Nghị – Lạng Sơn, Bắc Kinh buộc Việt Nam phải nhượng thêm bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh cho họ trước khi dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước. Tục Lãm (điểm chót mũi của Tổ Quốc) là một trong 3 điểm nóng nhất còn bàn cãi giữa đôi bên. Hai vùng còn lại là khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Báo chí và giới trí thức trong nước im thin thít theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, riêng nhà văn Nguyễn Khắc Phục sống ở Hà Nội vẫn dũng cảm một mình một ngựa lên tiếng trước công luận trong thư gửi Quốc hội và Chính phủ kèm theo một bài hịch “Hùng ca DIÊN HỒNG” rất hào hùng sau đây:

KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP CỦA MỘT CÔNG DÂN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2008

Kính gửi: Quốc Hội & Chính Phủ Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Tôi tên là Nguyễn Khắc Phục, công dân nước CHXHCN Việt Nam, khẩn thiết yêu cầu Quốc Hội & Chính Phủ: Thông báo công khai trên báo chí, phương tiện truyền thông, những thông tin về việc đàm phán cắm mốc biên giới với Trung Quốc, mà trước mắt là những thông tin khẩn cấp về chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tục Lãm (Hải Ninh – Quảng Ninh), khu vực Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Bất cứ cuộc đàm phán nào về lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc với ngoại bang cũng không thể diễn ra theo kiểu “đóng cửa bảo nhau trong nhà”, bất cứ sự thoả hiệp, nhượng bộ vô nguyên tắc nào cũng không thể biện minh và không thể dung thứ. Càng không thể chấp nhận thái độ cậy nước lớn áp dụng đường lối “đàm phán tối hậu thư”, cưỡng bức nước nhỏ từ bỏ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và danh dự hợp pháp, chính đáng của mình. Vận mệnh Tổ Quốc đang bị đe doạ hàng ngày, hàng giờ, chúng tôi chỉ là những công dân bình thường nhưng có đủ quyền hợp hiến, hợp pháp và bổn phận, đòi hỏi được biết những gì cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc Hội và các nhà quản lý nhà nước đang thay mặt mình, thực hiện để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi và danh dự của Việt Nam.

Khẩn thiết kính mong Quốc Hội & Chính Phủ xem xét kiến nghị này.

Tổ Quốc trên hết!

Kính

Nguyễn Khắc Phục

Hội Nhà văn Việt Nam – 09 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội

HÙNG CA DIÊN HỒNG

Nguyễn Khắc Phục

1

Con dân nước Việt

Biết mình đang ở đâu trong thế giới

Sông ngắn hơn Amazôn

Núi thấp hơn Êvơrét

Việt Nam

Tay làm hàm nhai

Thạo cày cuốc, chăn tằm và chài lưới

Sức không đủ bao trùm mấy cõi

Chí không xa mong dẫn dắt loài người

Chỉ cốt ấm ba tháng hè, no ba ngày tết

Tuần chay nào cũng có nước mắt

Bán anh em xa mua láng giềng gần

Thương người như thể thương thân

Việt Nam

Chín bỏ làm mười

Cười như thở cả buồn vui hờn giận…

2

Con dân nước Việt

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh

Giặc vừa tan đã nhấm nháp chiến công

Há miệng chờ sung

Say ngất ngưởng mơ rừng vàng biển bạc

Vua sướng đằng vua, quan sướng đằng quan

Bán tước mua danh

Mở quốc khố lấy tiền đi đánh bạc

Khép cửa biển, ngại giao thương xứ khác

Ngồi trong xó khen nhau trích cú tầm chương

Mặc trăm họ đói rét, lầm than, oan khuất

Cha già mẹ héo, vợ goá con côi

Tiếng khóc than tận hang cùng ngõ hẻm

Kẻ sĩ bịt mắt bưng tai

Hết chầu chực thềm rồng chờ ban lộc

Lại véo von ca ngợi thủa vàng son

Quanh cút rượu bỗng dưng mau nước mắt

Khóc người cũ muôn năm

Khóc cho cả những giấc mộng anh hùng đã chết

Bậc thức giả dã tràng xe cát

Bao nhiêu “Thất trảm sớ” bị bỏ quên

Bao nhiêu ” Thiên hạ đại thế luận” bị giễu cợt

Bên hồ Gươm không còn ai bàn chuyện vua Lê…

3

Con dân nước Việt

Biết nhà dột từ nóc

Dù những ông vua hiền minh đã bỏ ngai vàng

Lên núi cao tìm Phật

Không cứu nổi những vương triều tụt dốc

Đất nước rối ren, vua mới lại đăng quang

Béo cò khi đục nước

Mềm nắn rắn buông

Trước Nam sau Bắc

Muốn lấy phải cho

Thời thế đổi thay

Bụng dạ thiên triều chẳng khác

Sai bầy sứ nghênh ngang

Đi giữa Thăng Long

Coi triều đình như cỏ

Mắt cú vọ hau háu ngắm mồi ngon

Rồi hùng hùng hổ hổ

Quân xâm lược tràn sang

Nhân danh thiên mệnh

Nhân danh “diệt tà, phò chính”

Nhân danh “dạy văn hiến cho ngoại man”

Chụp mũ quốc vương lên những đầu Chiêu Thống

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ

Đất tổ tiên lại quay về quận huyện

Mồ cha ông vó ngựa giặc giày tan

Tháp Báo Thiên bị cưa đổ máu còn loang

Lũ thái thú ngồi đếm ngọc trai, sừng voi và tê giác

Đồ cống nạp sũng máu người, nỗi hổ nhục cha ông

Lá cờ rũ như tay người hấp hối…

4

Con dân nước Việt

Ghét giặc như nhà nông ghét cỏ

Hào kiệt thời nào cũng có

Một cây làm chẳng lên non

Chụm lại thành hòn núi lớn

Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn

Hổ dữ cũng sợ bầy trâu

Lấy chí nhân thay cường bạo

Nước thắng Lửa

Yếu thắng Mạnh

Biết lấy đoản binh vượt qua trường trận

Biết dẹp bỏ những nghi kị bất hoà, tháo mũi sắt ra khỏi đầu gậy chống

Biết mở cửa hoàng cung đón bô lão trả lời vua

Hoà hay Đánh?

Bản hùng ca Diên Hồng tiếp lửa bến Bình Than

Cọc Bạch Đằng đã sừng sững trồi lên!

Máu cháy sôi trong hốc mắt những hồn oan

Giục người sống cầm gươm đi chiến đấu

Những trận đánh để đời Đống Đa, Vạn Kiếp, Chi Lăng…

Đánh một trận sạch không kình ngạc

Đánh hai trận tan tác chim muông

Đánh cho biết nước Nam anh hùng, có chủ

Trăng Như Nguyệt chớp loè hùng khí

Nam Quốc Sơn Hà

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên dựng thế trận Diên Hồng hùng vĩ

Xã tắc hai phen lao ngựa đá

Non sông muôn thủa vững âu vàng!

5

Con dân nước Việt

Biết thế kỷ hai mươi giông bão

Biết nhà thơ gọi đúng bệnh mà đau

Dân hăm nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Lịch sử hôm nay có đi lại lối mòn

Nước đến chân mới nhảy

Đáng giận không, Đấng Nhân chủ Loa Thành

Phải đợi thần Kim Quy hiện lên mới biết giật mình

Giặc ở ngay sau lưng bệ bạ!

Giặc có phải Mỵ Châu đâu

Sao nỡ chém bay đầu tình cốt nhục

Giặc ở ngay sau lưng người cầm cân nẩy mực

Mắt mải ngắm đám quần thần nịnh hót

Tai mải nghe tiếng xưng tụng vang trời

Mũi mải ngửi mùi phấn son cung nữ

Óc mơ màng lưu danh thiên cổ

Mà trái tim không đập nhịp với lương dân

Chí đã nhụt như giáo gươm rỉ sét

Tâm càng mờ mịt

Đại vận mệnh quốc gia

Ngàn cân treo sợi tóc

Quên mối lo giặc áp sát hiên nhà

Chỉ nhăm nhe tượng đồng bia đá

Càng không hay đã đánh mất nỏ thần

Là sức mạnh của toàn dân cố kết

Khi đã lìa xa thế trận Diên Hồng

Ắt như kiến loay hoay trong chảo lửa

Trút tội tình lên cô gái đáng thương

Mỵ Châu ơi máu của nàng không phải nuôi trai bể

Mà sôi lên nhức nhối nỗi đau đất nước giết oan nàng…

6

Con dân nước Việt

Biết chọn đường đi là việc khó muôn trùng

Giữa thế giới ngổn ngang muôn lối rẽ

Đi về hướng tây hay trực chỉ phía đông

Đón mặt trời lên hay ngắm ánh sao hôm

Muốn đi hướng nào cũng phải ra tới bể

Cuộc chiến đầu tiên là lột xác chính mình

Phải thoát ra cái bóng mấy nghìn năm đè nặng

Du du bất tức

Quẩn quanh không thở được

Lấy chính cuộc vật lộn của mình trong bão táp

Để lường xem con tàu Việt Nam chịu sóng cấp bao nhiêu

Đi theo hải trình nào là tốt nhất

Lựa ngọn triều nào mau đến được tương lai

Với một chiếc la bàn chỉ hướng: Ngày Mai

Người thuyền trưởng khôn ngoan có khi phải chọn đường vòng

Tránh đá ngầm hay ghé các bến bờ tiếp lương và nước ngọt

Nhưng bên tai luôn văng vẳng tiếng tiền nhân

Mọi con sông đều chảy từ một nguồn và hướng về một bể

Đồng nguyên và đồng quy sẽ mở cửa Diên Hồng

Xưa tam giáo mà nay nhiều hơn thế

Đi với Bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy

Xanh vỏ đỏ lòng

Muốn ăn oản thì năng lễ Phật

Đi ngày đàng học sàng khôn

Vẫn không ra ngoài cách vượt vũ môn

Cá chép hoá rồng

Bầu thương bí

Nhiễu điều phủ giá gương

Gạn đục khơi trong

Của chồng công vợ

Của cho là của nợ

Thiên hạ đãi chân giò

Ngày mai phải thò chai rượu

Nước nghèo, thuyền yếu

Vượt đại dương sẽ mắc nợ cỡ đại dương

Buôn có bạn bán có phường

Liệu cơm gắp mắm

Con rô cũng tiếc con giếc cũng ham

Tham thì thâm

Chỉ tội nghiệp đời cháu đời con kéo cày giả nợ…

Bụt chùa nhà không thiêng

Người biết việc thành nộm Rơm

Giả điếc giả câm

Rồi điếc thật, câm thật

Thuyền đua thì lái cũng đua

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược

Quân hồi vô phèng

Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay

Mười ba cũng ừ mười tư cũng gật

Sư bảo sư phải vãi bảo vãi hay

Một tấc tới giời

Rồng leo cây nghệ

Quạ khoác lông công

Mặt trời mọc phía đông

Lại quang quác bài ca phương khác

Tham con săn sắt bỏ con cá rô

Khôn nhà dại chợ

Không biết sợ bút sa gà chết

Kí một chữ buông xuôi đã mắc nợ tổ tiên

Quên bài học Cổ Loa giặc ở sau lưng

Lộng giả thành chân

Nhìn gà hoá cuốc

Cha dạy học con đốt sách

Ừ, thì lịch sử giao ta phải thắng trận này

Máu xương bao triệu triệu người mới có được hôm nay

Sao vội quên lời dặn dò trong Đại Cáo

“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng

Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng

Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Chẳng những mưu kế kì diệu

Cũng là chưa thấy xưa nay

Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới…”

Sự kiêu ngạo đã biến chiến công thành tử huyệt

Tự cô lập mình giữa trùng điệp vòng vây

Những quyết sách chết người tàn phá nốt những gì đạn bom chưa kịp phá

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Bỏ ngoài tai lời dạy của tiền nhân

Lắm vãi không ai đóng cửa chùa

Bóc ngắn cắn dài

Dòn cười tươi khóc

Pháo hoa chưa tàn dân tán loạn vùng biên

Lớp chết ngoài khơi thây vùi bụng cá

Lớp chết đói chết đau chết đạn chết mìn

Ếch kêu trong vũng tre ngâm

Tiếng thét Diên Hồng có thấu tới trời xanh?

19-12-08

N.K.P

Văn tế Liệt sĩ Trường Sa của Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Đôi lời: Được biết, bài văn tế này là nội dung tác giả tâm đắc nhất trong kịch bản văn học, cũng do chính ông soạn, của chương trình cầu truyền hình: “Trường Sa – Hà Nội – Nước Việt yêu dấu“, do VTV dự kiến thực hiện vào tối 30-4-2012 (tại 2 đầu cầu: Đền Bà Kiệu và đảo Song Tử Tây), vừa bị đại thượng cấp yêu cầu loại khỏi kịch bản. Khả năng chương trình cũng khó được thực hiện đúng tối 30-4.

VĂN TẾ ĐỌC GIỮA BIỂN ĐÔNG DÂNG

ANH LINH CÁC LIỆT SĨ HẢI QUÂN

HI SINH ĐỂ GIỮ GÌN BIỂN ĐẢO

THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc ngang ngược tấn công, xâm chiếm trái phép một số đảo trong quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 3 tầu vận tải và 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hi sinh anh dũng. Trong các tài liệu của HQNDVN, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).Nhân ngày Thanh Minh, để tưởng niệm anh linh các chiến sĩ quyết tử của chúng ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bi hùng nói trên, tôi đã viết “ Văn tế đọc giữa biển Đông”, gửi đến quý bạn xa gần, đặc biệt thiết tha mong các bạn đọc trẻ chia sẻ những điều gửi gắm trong bản văn này!

Nguyễn Khắc Phục

I

Ai bảo nước Biển Đông chỉ có màu xanh?

Ai bảo mây bay trên Trường Sa, Hoàng Sa chỉ mông lung màu trắng?

Ai bảo sóng vây bủa Sinh Tồn, Gạc Ma, Sơn Ca, Nam Yết chỉ chuyển vần theo quy luật đại dương?

Ai bảo mỗi tấc đảo nổi chìm chỉ là đá xám, san hô và cát lạnh?

Tư Chính, Chữ Thập, Châu Viên, Tiên Nữ

Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le…

Chỉ có sóng thôi?

Chỉ có nước thôi?

Chỉ có mây thôi?

Cảnh giới vô tri, vô giác? clip_image001

Không có linh hồn?

Hãy đến giữa Biển Đông

Thắp nén nhang trầm

Thỉnh chư vị anh hùng liệt sĩ

Tụ khí thiêng về với quê hương

Đời đời ghi xương khắc cốt

Những cuộc chiến kiêu hùng giữ biển đảo Việt Nam

Từ Hoàng Sa khoảnh khắc giao thời, đất nước phải nghiến răng vì đại cuộc

Đến thủa Trường Sa bốn phía giặc bao vây, vận mệnh non sông gọi toàn dân một lòng, khí phách hiên ngang, đứng lên giữ nước

Làm sao quên đêm 14 tháng 3 năm 1988

Trên đảo Gạc Ma

Những người lính kiên quyết giữ cờ

Bất chấp lưỡi lê kẻ thù đâm nát ngực

Thiếu úy Trần Văn Phương người lỗ chỗ vết đạn găm, thét lên cùng đồng đội

Thà chết, không chịu mất cờ, mất đảo

Vinh quang thay người lính thủy Việt Nam!

Sẽ thấy nước Biển Đông rực máu

Sóng Biển Đông đau đáu, sứ mạng thiêng liêng

Bảo vệ thanh danh và chủ quyền Tổ Quốc

Mây Biển Đông giông bão chưa bao giờ yên

Mỗi tấc đảo Biển Đông là máu thịt quê hương

Cả Biển Đông thành tượng đài hùng vĩ

Nơi sống mãi những anh linh nước Việt thân thương!

II

Hãy đến những miền quê

Hỏi những Người Mẹ Việt Nam

Đẻ đau mang nặng

Sinh ra những người con, suốt đời gừng cay muối mặn

Nuôi đàn con bằng dòng sữa quê hương

Ngọt vị lúa, bùi khoai thơm sắn clip_image002

Chỉ mong chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng

Tần tảo làm ăn

Rồi con Mẹ lớn khôn, người xây dựng trên công trường

Người trồng rừng, người bước lên giảng đường đại học

Các anh đi cầm súng, canh trời, giữ biển

Lái hạm tầu lướt qua bão tố, bảo vệ giang sơn

Mẹ đặt tên các anh hiền như cánh cò bay trong ban mai hửng nắng

Những Trần Đức Thông

Những Nguyễn Văn Lanh

Những Vũ Phi Trừ

Những Trần Văn Phương

Những Vũ Huy Lễ

Những Nguyễn Văn Tư

Những Kiều Hồng Lập

Những Nguyễn Bá Cường

Những Nguyễn Văn Chương

Những Nguyễn Sĩ Minh…

Cả đội ngũ những chiến binh dọc ngang trên biển lớn

Những đứa con của châu thổ sông Hồng

Những đứa con miền vựa lúa Cửu Long

Những đứa con sinh ra trên đỉnh núi Trường Sơn

Những đứa con của vùng quê quan họ

Những đứa con của điệu hò sông Mã

Sông Trà, sông Vệ, sông Thu

Sông cha Kơ-nô, sông mẹ A Na

Những đứa con múa khiên, thuộc những bản sử thi cổ đại

Đam San, Đẻ Đất Đẻ Nước, Sống Chụ Xôn Xao…

Những đồng ngũ từ trăm miền quê họp nhau giữa Biển Đông thành hạm đội không chìm

Chỉ bốn chữ linh thiêng “Phẩm giá – Chủ Quyền”

Hòa trong máu Những Anh Hùng Bất Khuất

Đã làm nên sức mạnh Việt Nam

III

Hỏi các anh linh hi sinh trên biển cả

Giữ từng tấc đảo thiêng liêng

Chúng tôi nghe Hồn Các Anh nhắn nhủ

Hãy đến xứ Đường Lâm thỉnh nguyện ý Ngô Vương Quyền

Hãy nghe bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà trên sông Như Nguyệt

Hãy trèo lên đỉnh Phù Vân bệ kiến Đức Điều Ngự Giác Hoàng

Hãy về chùa Bút Tháp, Mẹ Phật Nghìn Mắt Nghìn Tay chỉ lối

Hãy viếng đền Vạn Kiếp, kiêu hãnh đọc Đức Thánh Trần viết trong Binh Thư Yếu Lược

Hãy về đất An Khê chiêm ngưỡng đại đế Quang Trung

Hãy lên Điện Biên tự hào ôn kì tích anh hùng

Thời đại Hồ Chí Minh và Tướng Giáp clip_image003

Tiên tổ anh linh đã chỉ lối cho hải trình chiến đấu

Mắt mở to nhìn lũ hồ li tinh

Bọn cướp biển có thay râu đổi mũ

Vẫn hiện nguyên hình

Chẳng phải đến bây giờ mới cháy nhà ra mặt chuột

Chúng đã từng vùi thây trong sóng nước Bạch Đằng

Chúng đã từng rơi đầu trên ải Chi Lăng

Chúng đã từng chui ống đồng chạy về cố quốc

Chúng đã từng run lên nghe “Phạt Tống lộ bố văn”

Chúng đã từng mưu toan hủy diệt văn hiến nước Nam

Nhưng rốt cuộc phải xin được toàn thân cút khỏi Đông Quan

Chúng đã từng tự treo cổ mình trên gò Đống Đa mùa xuân Kỉ Dậu

Chúng đã từng xua quân giết đồng bào ta dọc biên cương phía bắc

Và cũng chúng, ngậm máu phun người

Toàn quỷ thuật điểm phấn tô son, những ” bốn tốt” với ” 16 chữ vàng” làm thiên hạ ngủ mê

Xưa hung hiểm “tầu ô”, nay ngang ngược “lưỡi bò”, giương oai hăm dọa

Đòi cướp trắng Biển Đông

Dân ta yêu hòa bình, chuộng tình nghĩa, nhân văn, đạo lí

Muốn giữ nước phải đứng lên cầm vũ khí

Là sức mạnh Việt Nam trong thế trận Diên Hồng

Cả lịch sử mấy nghìn năm nuôi chí anh hùng

Mỗi người Việt – một chiến binh giữ nước

Không hổ danh con Lạc cháu Hồng

Tổ Quốc kính cẩn nghiêng mình, đời đời biết ơn những anh hùng liệt sĩ hải quân

Đã anh dũng hi sinh cho biển đảo Việt Nam

Chúng tôi nguyện theo bước các anh

Tất cả hiến dâng cho danh dự, phẩm giá, hòa bình và chủ quyền đất nước!

Hà Nội, tháng 3 năm 2012

Nguyễn Khắc Phục

Comments are closed.