Thảo luận về tiếng Việt

Gần đây, Internet sôi nổi về từ “thấu cảm”, một từ dường như Hán-Việt mà hóa ra được tạo mới. Qua cuộc bàn cãi, nổi lên vấn đề duy trì từ ngữ truyền thống và chấp nhận từ tạo mới ra sao. Văn Việt xin mời quý bạn góp ý về đề tài này. Xin mở đầu bằng ý kiến của cựu nhà giáo (một “từ mới”!!!) & dịch giả Trần Ngọc Cư (Hoa Kỳ)

Văn Việt

Về nỗ lực duy trì tiếng Việt truyền thống

Trần Ngọc Cư

Thực tế là 3/4 dân số Việt Nam hiện nay được sinh ra sau 1975 và trong 1/4 còn lại có một nửa đã sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc. Ngoài ra, 1/8 dân số chế độ cũ để lại và còn sống qua quá trình cọ xát với “ngôn ngữ Việt cộng” liệu họ có “gìn vàng giữ ngọc” được chăng? Đấy là thực tế trên bờ Tây Thái Bình Dương. Còn ở Mỹ, cụ thể mà nói, như gia đình tôi chẳng hạn, ngoài hai đứa con còn nói thứ tiếng Việt nhà quê của bà nội ở VN, đến thế hệ các đứa cháu lai, tiếng Việt coi như là số không, ngoài các tên gọi đồ ăn như phở, bún bò Huế.

Việc một cộng đồng di dân cố duy trì tiếng nói truyền thống như duy trì một phần bản sắc dân tộc (national identity) là phát triển tự nhiên và đầy cảm tính, như từng diễn ra trong lịch sử loài người, như với tiếng Pháp Cajun tại Louisiana, tiếng Afrikaans (gốc Hoà Lan) tại Nam Phi. Bẽ bàng là, cả tiếng Cajun lẫn tiếng Afrikaans nếu đem về sử dụng tại mẫu quốc, nếu “có nói thì chỉ tai liền miệng đấy thôi!”

Tôi tôn trọng khát vọng duy trì bản sắc dân tộc của một số người “nặng lòng cố quốc tha hương” (Kiều), nhưng tôi sẽ không đi dưới ngọn cờ ngữ học của họ / I am not walking under their linguistic banners. Đa số các nhà ngữ học từ Đông sang Tây đồng ý một điều là, sự phát triển của một ngôn ngữ có tính độc đoán (arbitrary) của nó. Tính đúng, sai của một ngôn ngữ được quyết định bằng việc một tuyệt đại đa số sử dụng nó qua một quá trình đủ lâu để trở thành thói quen của đại chúng. “Language is defined as a set of habits.” Thậm chí có những từ dùng sai lâu ngày cũng trở thành được chấp nhận (acceptable) trong một ngôn ngữ (language) hay phương ngữ (dialect), ví dụ cụm từ “tứ chiến giang hồ” [ở miền Bắc, thường nói “tứ chiếng” – TNT], đúng ra phải nói “tứ trấn giang hồ”, “vô hậu tế đợi” (phương ngữ Huế) đúng ra phải nói “vô hậu kế đợi”.

Một số ví dụ được tác giả Đàm Trung Phán[i] đưa ra để chỉ trích cũng từng được các nhà văn, nhà báo trong nước nêu ra để phê phán tính bừa bãi của chúng. “Tự sướng”, chẳng hạn, chỉ là một tiếng lóng (slang) được giới trẻ nặn ra để mỉa mai xu thế tự yêu mình (narcissism) qua việc sử dụng chức năng “selfie” của iPhone; tiếng lóng thì ở đâu cũng có, nó có thể xuất hiện một thời gian rồi biến mất, nó có thể ở lại để trở thành một từ vựng chính thống. Những từ như “chiến sĩ gái”, “ngụy quân”,  “quản lý đời em”, etc. gần như biến mất thậm chí trong văn viết chính thức tại VN.

Công bằng mà nói, một bộ phận đáng kể trong từ vựng tiếng Việt hiện hành (a considerable portion of current Vietnamese vocabulary) được phát sinh từ trong nước sau 1975 để đáp ứng nhu cầu diễn đạt trong nghiên cứu và phát triển, nhưng theo qui chụp của người chống Cộng triệt để ở nước ngoài (overseas radical anti-communists) đây cũng là ngôn ngữ Việt cộng, chỉ vì cái tội là nó chưa xuất hiện trong thời VNCH và người đồng hương nào dùng nó cũng có thể bị chỉ trích hoặc chụp mũ. Trong công nghệ thông tin chẳng hạn, có những từ như phần cứng, phần mềm, mã độc (malware), hệ điều hành, lướt mạng (surge the net), toán thuật (algorithm), cơ sở dữ liệu (data base), và hàng ngàn từ mới. Đấy là chưa kể vô số từ trong ngôn ngữ đời thường như “siêu sao” (dịch super-star), “ngoái hóa”, “bê tông hóa”, “vượt ngưỡng” (over the threshold), “chạm ngưỡng”, “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” (dịch cụm từ “the red thread running through”), etc. Vì xu thế thân Mỹ trong dân chúng, tiếng Việt đang tiếp thu mạnh mẽ và có khi bừa bãi bằng cách dịch hoặc phiên âm các từ thông dụng trong văn hóa Mỹ. Những từ như “gây sốc”, “câu likes” (từ của Facebook), “lai chim” (live stream), thường được dùng trong văn nói của giới trẻ. Theo tôi, hơi đâu mà cưỡng lại xu thế này, một xu thế diễn ra đồng bộ với sự kiện hàng ngàn người đứng hai bên đường chào đón Obama tại Hà Nội và Sài Gòn.

“Đường quan vừa rộng vừa dài,” tôi bình thản dùng tiếng Việt hiện hành ở trong nước và quĩ thời gian không cho phép tôi bỏ công học bất cứ một ngôn ngữ nào đang có khả năng trở thành cổ ngữ.

Luôn tiện mời quí anh chị đọc một bài viết của một nhà ngữ học đang sống và dạy học tại Sài Gòn, bàn về cách ứng xử với một số từ có gốc Hán[ii].

T.N.C.


[i] Xem tại đây: http://www.diendantheky.net/ 2017/08/am-trung-phap-gin- vang-giu-ngoc-cho.html

[ii] Văn Việt sẽ đăng như một bài tham gia thảo luận ở kỳ sau

Comments are closed.