Hợp tuyển Frankfurt (kỳ 9)

Phạm Kỳ Đăng dịch

BÀI THƠ “TRONG MỘT TRẠM XE ĐIỆN NGẦM” CỦA EZRA POUND

Kurt Drawert   

Là một trong những bài thơ ngắn nhất của văn chương thế giới. Nhưng mà hai câu thơ của Ezra Pound có thực sự là một bài thơ? Câu trả lời không khó nghĩ ra, nó động chạm tới nguyên tắc cơ bản của thơ trữ tình.

Khi nào thì một bài thơ là một bài thơ? Câu hỏi, ở đây bật ra một cách nhẹ nhõm và gợi lên vẻ dễ bề cũng chóng vánh như vậy có thể trả lời bởi chưng nó cũng ngắn, dẫn tới một diễn ngôn không hồi kết. Bởi vì trong thơ, ít nhất từ thời Klopstock (1) và sự cách tân Tụng thi cũng như khai phá câu thơ tự do, không còn chuẩn tắc nào của thơ ca nữa. Nói chung không còn chuẩn tắc nào cũng không có thể bị hủy bỏ ngay sau lúc ra đời. Mà tuy thế, nếu như thơ mang tính quy phạm đã trở nên phập phù như vậy tức là không có thể sử dụng được nữa, tất phải có thứ gì đó bước vào chỗ thay thế nó. Càng đặc biệt, bởi mỗi một phá lệ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ chỉ thông qua việc nó để lại một vết tích cung cấp một chỉ dẫn về thông lệ đã bị phá hoặc bị bước qua.
Ở thời đại của một sự giải tán, có thể theo dõi được theo chiều lịch sử, của tất cả những yếu tố cơ bản của thi ca này cũng xuất hiện một trong những bài thơ ngắn nhất trong văn chương thế giới: “In a Station of the Metro” của Ezra Pound, nhà thơ sau này cũng nổi tiếng với những Thi Khúc soạn ra bằng những câu thơ dài. Ông viết bài thơ này vào năm 1912 tại Paris, và bài thơ ra đời lần đầu tiên năm 1913 trong tạp chí thơ “Poetry” ấn hành tại Chicago. Nhưng mà câu hỏi đầu tiên chính đáng, nếu như người ta nhìn vào hai dòng không ăn nhập với nhau về mặt ngữ nghĩa, được kết nối bằng dấu chấm đôi (2) và cho ta một câu không thể đoán định được một cách trọn ý, liệu rằng đây thực sự có phải là một bài thơ không. Bởi vì trước hết là thế đã, nếu như chúng ta đọc dòng đầu của hai câu này, thì không có hơi hướng gì cho thấy quan sát được ghi lại bằng phong cách văn xuôi lại có thể khả dĩ trở thành một bài thơ cả. Nhưng mà rồi dòng thứ hai mở ra một bức tranh hoàn toàn đáng ngạc nhiên tự ứng vào một phúng dụ tự tại, qua việc bị tước đi cái “như thế nào” so sánh, đã lắng sâu thành một ẩn dụ. Chính xác cái dấu hai chấm này là thứ đã cho phép địa hạt liên tưởng được hô gọi “nhảy ra”, hay là như Roman Jakobson (3) nói, được xoay chuyển từ trục kết hợp (syntagm) chuyển sang trục đối vị (paradigm).
Nguyên tắc tác động của lối đồng hiện
Những “cánh hoa trên một cành đen nhòe ướt” như vậy nhiều hơn là một xô dạt hình ảnh “của những gương mặt này trong đám đông”. Đó là những ảnh tượng, một sản phẩm của trí tưởng, và chúng ta nhìn thấy chúng cũng riêng biệt, với hoặc không có sự nảy nở ý nghĩa. Tính chất đan nối nhiều bình diện của thực tại khác biệt và không đồng điệu với nhau sao cho những không gian mới của nhìn và nghĩ xuất hiện, được gọi là đồng hiện, nơi sau đó một lần nữa còn được so sánh các cấp độ đồng hiện thuộc về ngữ nghĩa, cú pháp và tổng hợp. Roman Jakobson cũng chính là người, với tư cách kẻ sáng lập ra gọi là “trường phái Praha” ngay từ những năm 30 của thế kỷ đã khảo sát thơ trữ tình ở những mối quan hệ giống nhau và tương phản, và đã nhận định rằng, nguyên tắc tác động của thơ luôn luôn tương hợp với một sự đồng hiện.
Tất nhiên không giây phút nào Pound đã nghĩ tới chuyện sử dụng một lối đồng hiện thơ, cũng như một con chim không nghĩ tới việc chuyển động đôi cánh ra sao, nếu như nó đang trên đường bay. Nhưng cũng giống như vậy, qua đó nó để lại một bài thơ tuyệt phẩm trước hết trình diễn điều mà qua đó đại để chúng ta chỉ hiểu chút ít: cụ thể thông qua mối tương quan của một hình ngữ nói với hình ngữ thứ hai giải minh điều đó. Trong trường hợp này, và điều này làm hai câu trở thành một bài thơ, không xảy ra sự cắt nghĩa cho nhau về những bộ phận câu, mà một chút gì thường vắng mặt đã được đưa ra trình diễn, thứ xuất hiện ở chỗ cắt, trong dấu câu. Điều này đương nhiên sẵn đòi hỏi sẵn người đọc sáng tạo, trở thành tác giả ở chỗ, tác giả bỏ qua sự mô tả mang tính diễn ngôn thế giới, và trọn tin vào cái mà Jakobson gọi là “hiểu biết về vô thức”. Với một lời: Bài thơ gợi liên tưởng một cách tối ưu. Nhưng để làm điều đó nó cần người đọc sáng tạo có khả năng tưởng tượng – hoặc là bài thơ ở lại trống không.

Nguồn: Frankfurter Anthologie – Hợp tuyển Frankfurt

   
TRONG MỘT TRẠM XE ĐIỆN NGẦM

Ezra Pound (1885-1972)

Sự xuất hiện của những gương mặt này trong đám đông;
Những cánh hoa trên một cành đen nhòe ướt.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ bản tiếng Đức của Eva Hesse

   
IN EINER STATION DER METRO

Ezra Pound (1885-1972)

Das Erscheinen dieser Gesichter in der Menge:
Blütenblätter auf einem nassen, schwarzen Ast.
Bản dịch sang tiếng Đức của Eva Hesse (sinh năm 1925, tác giả viết tiểu luận và dịch giả, bà đã giới thiệu và dịch Ezra Pound đến với độc giả Đức) từ nguyên tác tiếng Anh.

 

IN A STATION OF THE METRO

Ezra Pound (1885-1972)

The apparition of these faces in the crowd;
Petals on a wet, black bough.
TRONG MỘT TRẠM XE ĐIỆN NGẦM

Ezra Pound (1885-1972)

Bóng ẩn dị thường của những gương mặt này trong đám đông;
Những cánh hoa rụng vương trên một cành cây ướt đen sì.
© Bản dịch của Trịnh Lữ từ nguyên tác tiếng Anh (trích từ cuốn 15 Nhà thơ Mỹ thế kỷ XX– Nhà xuất bản Hội Nhà Văn-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2004)

   
Chú thích của người dịch:

Ezra Pound: (Ezra Weston Loomis Pound; 1885-1972): Nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình người Mỹ, một đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh-Mỹ hiện đại nửa đầu thế kỉ XX.

Kurt Drawert (sinh năm 1956): Nhà văn và nhà viết tiểu luận người Đức.

(1) Roman Jakobson (1896-1984) nhà ngữ học, nhà thi pháp học, nhà văn hóa người Mỹ gốc Nga.
(2) Ở bản tiếng Anh, và bản dịch tiếng Việt, hai câu được kết nối bằng dấu chấm phẩy, bản tiếng Đức ở vị trí này là dấu hai chấm.

(3) Friedrich Gottlieb Klopstock (1724-1803): Nhà thơ Đức.

 

BÀI THƠ “KHÚC KẾT ÂM” CỦA GOTTFRIED BENN

Mathias Mayer

Một cách nghiêm ngặt Gottfried Benn phân định trình tự sắp xếp những bài thơ của mình. Như một màn trò đế của tập thơ cùng tên, bài thơ Khúc kết âm (Aprèslude) mang ý nghĩa đặc biệt.

Cái thanh điệu buông thõng quen thuộc được Benn khi đã gần 70 tuổi xướng lên trong những bài thơ của mình không che giấu được chuyện ông đã giám sát mới tỉ mỉ làm sao sự hòa tấu những ấn phẩm thơ của mình. Ấn phẩm “Những bút tích lượm lặt” năm 1922, khi đó Benn vừa tròn 45 tuổi, đã bắt đầu với một “Màn giáo đầu”, cũng tương tự như vậy với sự tuyển lựa những bài thơ viết năm 1936. Và tập hợp mang tên “Sóng triều say” viết năm 1949 được chốt lại với màn “Lời kết” vừa viết xong cũng trong năm đó, và bài này cũng phải cần khép lại Ấn bản Toàn tập trong năm ông mất 1956. Xét cái ý thức nghiêm ngặt về Khởi đầu và Kết thúc này, bài thơ Khúc kết âm (Aprèslude) đạt được một ý nghĩa đặc biệt: hoàn tất ở dạng viết tay và đề ngày 11.05.1955, bài thơ được công bố như màn chung cục trong tập thơ mỏng xuất bản mấy tháng sau đó mang đúng cái tên đó. Ngày 16.05 Benn gửi cho bà Ursula Zierbarth một bản đánh máy đã sửa chữa cho thấy cần in văn bản “Bài thơ” đứng ở vị trí đầu và Khúc kết âm (Aprèslude) ở vị trí cuối – cả hai lần ta có bốn khổ thơ bốn dòng trong vần chéo.

Trong thể thơ co-rê bốn hoặc năm nhịp thơ tiết dâng, “Khúc kết âm” kết hợp những chỉ thị gửi tới cái “Anh” trữ tình (trong hai khổ đầu tiên) với những cái nhìn soi vào cái “qui luật lạ kỳ”, thứ kết cục không thể nào nhìn soi thấu. Trong một sự không hiểu biết xuất hiện như là định mệnh không hề cho ngoại lệ “Không ai biết, nơi đâu mầm nuôi dưỡng”, phước hạnh và ê chề được đề cập tới như những nghiệm trải không sao tránh khỏi, chỉ có thể phản ứng lại chúng bằng với sự điềm đạm và lạnh lùng. Cái “được xác định từ xa: Anh phải” từ bài thơ Chỉ có hai thứ (1) ở đây sẽ còn lại như là điều răn, và được cụ thể hóa thành điều cấm bỏ bê rời đi; một sự đào thoát là không thể. Trong cái “giữ lấy và kiên trì” ở đây được chủ đề hóa một cách nhân đôi biểu đạt lên một chủ nghĩa khắc kỷ hiện sinh, cho dù chủ ý không thống thiết, thứ không hề mang tính siêu nhiên hay tôn giáo, mà chính được xác chứng từ cái trật tự của tự nhiên đương nhiên là bí hiểm.

Một trận đánh nhỏ trên đường rút lui

Có thể đoán Benn thực ra không công bằng với tác giả của “Chờ đợi Godot (2), nếu ông cho rằng, cả hai gã lang thang không phù hợp với việc làm sáng tỏ cho một người biết rằng” những gì người ta không niềm hy vọng phải cố công và chịu đựng”. Đối với Benn, ở phía bên này của cái phi lý nơi người đương thời, sự phải chịu đựng mãi còn là thứ không thể thương lượng, ông đã trình bày điều này không che đậy và không hề thương tiếc. Trước đó, với Oelze – người bạn trao đổi thư từ – ông đã gọi một bài Kết âm (Aprèslude) – hẳn đây là một sáng tạo từ của Benn tương ứng với Khúc dạo (Prélude) – như một “trận đánh nhỏ trên đường rút lui”. Một lần khác ông mô tả phong cách viết của mình là một “phong cách bị dồn ép lưng vào tường, – bất động, không ở trong dòng chảy kể chuyện trình bày biến diễn, mà hơn thế nữa sáng chế ra một khúc kết âm biểu hiện”. Như một màn hát đế giàu ấn tượng cũng như được diễn đạt tất hiểm hóc, bài thơ thế đó đạt được đặc điểm của một lời trăng trối khô khan trong cảnh trí bao quanh của sự dần tối và sự về già không mảy may nghi ngờ hoặc ta thán. Oelze đã nhận được khổ thơ cuối cùng và đọc với một lời bình luận ráo hoảnh: “Một chút cuộc sống, nhiều hơn ta không có, ông đừng đòi hỏi quá cao, đừng tham vọng nhiều như thế. Có lẽ ông muốn hạnh phúc chăng? Tất nhiên ông hoàn toàn không có quyền đòi hỏi điều đó. Mọi thứ đi đến kết thúc, không chỉ mình ông mà thôi.”

Từ những bậc đi trước của văn bản người ta biết được Benn đã tránh cái từ “bảo tồn mình” đơn giản nguy hiểm nghe dễ lọt tai như chủ nghĩa Tân khắc kỷ truyền thống. Ông đã sửa thành “gắng đảm cho mình” mang tính cởi mở hơn – và viết tiếp vào dòng cuối không đánh dấu phẩy. Qua đó câu thơ này của bài thơ còn đang tiếp dòng tĩnh lặng đạt đến một moment động hoạt lực, đảm bảo cho “giữ gìn, kiên trì” một tương lai cùng thì đáo hạn, tuy rằng tăm tối. Bởi vì sự định ra chuẩn mực của bài thơ không phải là những tiên lượng, buồn bã và tuy nhiên êm thấm, nó tập trung vào màn kết, vào “những cảm xúc đến sau đó” (như trong Lời bạt đã nêu), như một chứng chỉ của một cái tôi đã luốm sắc tàn (Chỉ có hai thứ), tự khu giới lấy riêng mình và còn lại một giọng thơ trữ tình nghe tiếng.

Nguồn: Frankfurter Anthologie

 

KHÚC KẾT ÂM

Gottfried Benn (1886-1956)

Anh phải lặn được, anh phải học

một lần may phúc, và một lần ê chề,

đừng bỏ cuộc, anh không được bỏ bê,

nếu giờ khắc đã dứt đi ánh sáng –

Giữ gìn, kiên trì, một lần chìm xuống

một lần ào qua và một lần nín thinh

qui luật lạ kỳ, không là những tia lửa,

không lẻ loi, anh hãy nhìn quanh:

Trong tháng Tư thiên nhiên muốn tự

làm ra anh đào, cả với ít nụ hoa,

lặng lẽ giữ chuyện trái cây nhân quả

tới những năm mưa gió thuận hòa.

Không ai biết, nơi đâu mầm nuôi dưỡng,

chẳng ai hay, tán cây nở một lần –

Gìn giữ, kiên trì, và gắng đảm

sự tối dần, già lão, khúc kết âm.

 

Nguyên tác tiếng Đức:

APRÈSLUDE

Gottfried Benn (1886-1956)

Tauchen mußt du können, mußt du lernen,

einmal ist es Glück und einmal Schmach,

gib nicht auf, du darfst dich nicht entfernen,

wenn der Stunde es an Licht gebrach.

Halten, Harren, einmal abgesunken,

einmal überströmt und einmal stumm,

seltsames Gesetz, es sind nicht Funken,

nicht alleine – sieh dich um:

Die Natur will ihre Kirschen machen,

selbst mit wenig Blüten im April

hält sie ihre Kernobstsachen

bis zu guten Jahren still.

Niemand weiß, wo sich die Keime nähren,

niemand, ob die Krone einmal blüht –

Halten, Harren, sich gewähren

Dunkeln, Altern, Aprèslude.

 

Chú thích của người dịch:

(1) Tên một bài thơ của Gottfried Benn với hai câu kết: “Chỉ có hai thứ: cái Rỗng không/ Và cái Tôi luốm màu in nét.”

(2) Tên vở kịch phi lý của Samuel Beckett, tác phẩm nói về hai người đàn ông cả đời chờ đợi một nhân vật không quen biết tên là “Godot”, Godot viết giống như God (Chúa Trời).

Mathias Mayer (sinh năm 1958): Giáo sư, tiến sĩ ngành Ngữ văn và Nghiên cứu văn học.

Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ Đức, thuộc số ít nhà thơ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ 20. Như nhiều trí thức nghệ sĩ trong chế độ toàn trị (ở cương vị và mức độ biểu hiện khác nhau như Martin Heidegger, Herbert von Karajan, Emil Nolde…), ông mắc một số ngộ nhận, sai lầm trong nhận thức chính trị. Ông đã từng bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Nationalsozialismus) hy vọng trong đó sự tái sinh của dân tộc Đức, ông xiển dương Friedrich Nietzsche trong thơ và kêu gọi tầm vóc nam nhi – anh hùng, chủ trương một “Vương quốc của tinh thần” đối đầu lại “Vương quốc của quyền lực” Quốc xã. Tuy nhiên ông bị khai trừ khỏi Viện điển thư quốc gia (Hội Nhà văn – Reichsschrifttumskammer) do Goebbels thành lập, bị công kích và cấm viết dưới chế độ phát xít. Ông lặng lẽ sống, như ông nói, trong cảnh lưu đầy nội tâm. Thế hệ nhà văn sau chiến tranh thông cảm và ngưỡng mộ ông bởi phong cách hiện đại. Năm 1951 Gottfried Benn nhận giải thưởng văn học Georg-Büchner.

©® Phạm Kỳ Đăng và Văn Việt

Comments are closed.