Hành trình cuối đông (kỳ 9)

Tiêu Dao Bảo Cự

Tư liệu 15

Ba bài báo của Tiêu Dao Bảo Cự phản bác một số luận điểm trong “kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng” cuối năm 1988 và bài diễn giải văn bản này của Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, đăng trên báo Nhân dân ngày 24-12-88. Ba bài báo này viết ngay từ khi có văn bản của Bộ Chính trị nhưng mấy tháng sau mới được công bố.

Đổi mới công khai và dân chủ

Hiện nay chúng ta đang nói nhiều đến công khai và dân chủ và rõ ràng công khai, dân chủ không phải là một cái “mốt” thời đại, “mốt” cải tổ và đổi mới. Dân chủ vẫn là khát vọng muôn đời của nhân dân mọi thời đại, mọi chế độ. Công khai là điều kiện cơ bản để thực hiện dân chủ. Trong một giai đoạn lịch sử nào đó của một dân tộc, do đặc điểm của tình hình, công khai và dân chủ trở thành vấn đề bức xúc, như giai đoạn của chúng ta hiện nay.

Công khai có giới hạn không, dân chủ thể hiện như thế nào? Trên báo chí chúng ta đã trao đổi nhiều về vấn đề này, và trên thực tế đang có những quan điểm khác biệt, thậm chí mâu thuẫn. Công khai nhưng không được tiết lộ bí mật quốc gia, phải giữ gìn bí mật của cách mạng. (Bí mật của cách mạng là một khái niệm mới, một cách diễn đạt, một cụm từ mới được đưa ra lần đầu trong kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng mới đây.) Chúng tôi nghĩ Đảng và Nhà nước cần nói rõ thêm về quy định này, nếu không sẽ có người lợi dụng để hạn chế công khai, dẫn đến chỗ hạn chế, bóp nghẹt dân chủ.

Có điều có thể đoan quyết một cách chắc chắn là những sai lầm, tội ác của những người cầm quyền, kể cả người cầm quyền trong hiện tại và quá khứ, không phải là điều bí mật gì của quốc gia, của cách mạng và nhân dân cần phải biết và biết rõ những sai lầm, tội ác này để đứng vào cuộc đấu tranh bảo vệ quốc gia, bảo vệ cách mạng. Tội ác của tập đoàn Mười Giộc ở Sở Công an tỉnh Đồng Nai, của Nguyễn Trường Xuân ở Hải Phòng, báo cáo láo của những người cầm quyền ở Thanh Hoá đưa đến chỗ dân chết đói không thể nào là bí mật của quốc gia, của cách mạng được. Muốn có dân chủ thực sự phải bảo đảm các quyền tự do cơ bản mà hiến pháp của ta cũng như hiến pháp của nhiều nước trên thế giới đều có ghi rõ như tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình… Tuy nhiên, lịch sử cũng đã chứng minh: một chế độ có dân chủ hình thức hay dân chủ thực chất chính là ở chỗ nhà cầm quyền có thực sự tôn trọng các quyền tự do này không. Giữa người cầm quyền và nhân dân đối kháng sẽ diễn ra cuộc đấu tranh giữa xu hướng bóp nghẹt dân chủ và đòi dân chủ cho dù người cầm quyền luôn luôn hô hào dân chủ.

Chúng ta vẫn tự hào là dân chủ xã hội chủ nghĩa hơn gấp triệu lần dân chủ tư sản. Đã đến lúc phải xét lại thực chất của vấn đề.

Dân chủ của chúng ta là dân chủ tập trung, dân chủ có lãnh đạo. Đã có một thời chúng ta có các cuộc bầu cử bỏ phiếu 100%, các cuộc họp biểu quyết 100%, vô số cuộc mít tinh, biểu tình hàng ngàn, hàng vạn người tham gia. Trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định nếu toàn dân nhất trí, Đảng, Nhà nước và nhân dân một lòng, đó là dân chủ.

Hiện nay, tình hình đã khác đi nhưng những người cầm quyền vẫn chưa quen với dân chủ kiểu mới hay sợ dân chủ, muốn bóp nghẹt dân chủ. Vì thế mới có vấn đề đặt ra là nên mở rộng hay thu hẹp dân chủ và đấu tranh để đòi dân chủ. (Điều đáng buồn là nhiều vị gọi là đại biểu cho nhân dân nhưng cũng đòi thu hẹp dân chủ trong cuộc họp Quốc hội vừa qua.)

Dân chủ phải có lãnh đạo nhưng lãnh đạo để bảo đảm có dân chủ chứ không phải để bóp nghẹt dân chủ. Nếu người dân chỉ được làm những gì người cầm quyền bảo làm thì chắc chắn không phải là dân chủ. Ai lãnh đạo, Nhà nước là ai? Ở đây có khái niệm chung và những tổ chức, con người cụ thể, không được đồng hoá. Trường hợp có một đảng bộ, một đảng viên, một người cầm quyền, một chủ trương chính sách sai lầm mà cứ nhân danh lãnh đạo để buộc mọi người tuân phục thì đó là độc tài. Nhân dân chống lại những tổ chức, những con người, những chủ trương chính sách sai lầm là dân chủ, không phải chống lãnh đạo. Bản thân những tổ chức, những con người, những chủ trương chính sách sai lầm này mới là chống lại sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay lại có người lên án việc lợi dụng công khai và dân chủ, công khai, dân chủ quá trớn, cực đoan. Lợi dụng công khai và dân chủ để làm việc xấu, mưu lợi riêng phải lên án nhưng cần cảnh giác những kẻ bảo thủ, đổi mới giả lại dùng điều này làm cái mũ chụp lên đầu những người cấp tiến – người đổi mới thực sự. Báo chí chống tiêu cực, nông dân biểu tình đòi ruộng đất, văn nghệ sĩ và công chúng cả nước phản đối vụ tuần báo Văn nghệ, cử tri thành phố Hồ Chí Minh đòi bãi miễn hai bộ trưởng, các hội văn nghệ, văn nghệ sĩ và những người hưởng ứng đổi mới ở các tỉnh Miền Trung ký kiến nghị, ra tuyên bố đòi quyền tự do báo chí và xuất bản, đòi cách chức những người phụ trách các cơ quan ở Trung ương (trong đó có Ban Tuyên huấn, Bộ Thông tin, Ban Tổ chức Chính phủ) đã tỏ ra chống đổi mới hoặc thiếu năng lực thực hiện đổi mới, những việc này có phải là lợi dụng công khai và dân chủ không?

Người ta nói làm như thế là không bình thường, làm phức tạp thêm tình hình, địch có thể lợi dụng. Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay là không bình thường, mà việc không bình thường lớn nhất là nhiều điều ghi trong hiến pháp, bộ luật cơ bản của một quốc gia, lại không được thực hiện. Những biện pháp để đòi dân chủ mà nhân dân đã thực hiện là bình thường nhưng được coi là không bình thường. Tình hình phức tạp là do nghị quyết đúng đắn của Đảng không được thực hiện chứ không phải do việc đòi thực hiện nghị quyết của Đảng. Tình hình phức tạp còn là do những sai lầm ảnh hưởng tới cuộc sống và số phận hàng triệu người nhưng không được truy cứu trách nhiệm và xử lý đến nơi đến chốn. Đòi hỏi thực hiện nghị quyết của Đảng để đưa đất nước ra khỏi tình hình khó khăn, để địch khỏi lợi dụng tình hình khó khăn xuyên tạc chế độ chứ không phải việc đòi dân chủ là để cho địch lợi dụng. Địch luôn luôn tìm mọi cách xuyên tạc phá hoại chế độ ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân phải luôn luôn cảnh giác, tìm cho ra, vạch mặt kẻ địch chứ không phải đem địch ra để hù doạ nhân dân, chụp mũ kẻ địch lên đầu nhân dân. Trước đây chính quyền Sài Gòn khi lên án các phong trào đấu tranh đô thị luôn luôn dùng luận điệu “biểu tình chống đối là đâm sau lưng chiến sĩ”, “Việt cộng giật dây”. Luận điệu đó không thuyết phục, che mắt được ai.

Đảng, Nhà nước của nhân dân, vì nhân dân phải sửa sai khi nhân dân phê phán sai lầm của mình thay vì nghi ngờ, chụp mũ nhân dân. Chỉ có Nhà nước đối kháng với nhân dân mới sợ nhân dân phê phán. Nhà nước không lắng nghe ý kiến của nhân dân, sự phê phán của những người trung thực, sẽ xa rời nhân dân, đi tới chỗ đối kháng với nhân dân, và đó là bắt đầu thảm hoạ của chế độ, của đất nước.

Ở đây có vấn đề trách nhiệm, nhân cách và bản lĩnh của người cầm quyền và các cơ quan dân cử. Tin về việc toàn thể chính phủ Nam Tư từ chức sau khi báo chí và quốc hội đã phê phán mạnh mẽ tình trạng tham nhũng của các thành viên cao cấp trong chính phủ và chính phủ để lạm phát tăng vọt tới mức 25% mỗi năm. Quốc hội Hungary phủ quyết cả ba đề án ngân sách Nhà nước trong năm 1988 do chính phủ đệ trình (Báo Sài gòn Giải phóng ngày 31/12/88) làm chúng ta suy nghĩ và đặt ra thành vấn đề.

Để cuộc đấu tranh cho đổi mới thắng lợi, dứt khoát phải có công khai và dân chủ, tập dượt công khai và dân chủ, đấu tranh cho công khai và dân chủ bằng nhiều hình thức phong phú, tích cực, phù hợp với tinh thần hiến pháp.

Bảo Cự

(Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Báo Lâm Đồng số 616 ngày 17-3-89

Tự do báo chí và sắp xếp lại báo chí

Báo chí là sức mạnh của công luận, là vũ khí sắc bén của Đảng và nhân dân trong công cuộc đổi mới quyết định vận mệnh của đất nước. Do đó báo chí có quyền và cần thiết, nhất thiết phải nói lên sự thật. Nếu báo chí chỉ nói được một nửa sự thật thì báo chí sẽ trở thành một lực cản của công cuộc đổi mới.

Thế nào là sự thật? Sự thật có lợi cho ai? Lúc nào không nên nói sự thật? Tại sao báo chí không được hoặc không thể nói đến đầy đủ và kịp thời một số vấn đề, tin tức, sự việc sốt bỏng hiện nay. Trong thời đại bùng nổ thông tin này, ngay ở đất nước ta mà những phương tiện truyền thông đại chúng còn lạc hậu rất xa với thế giới, không có cái gì có thể bưng bít được. Càng bưng bít tin tức càng lan nhanh, càng bị bóp méo, xuyên tạc gây tác hại sâu hơn.

Có những tin rất ngắn ngủi thôi, có khi tưởng như vụn vặt nhưng gợi cho người đọc bao nhiêu điều, cả những điều hệ trọng nhất. Cuối tháng 12 năm 1988 và đầu tháng 1-89, báo Sài Gòn Giải phóng đưa các tin sau đây:

– Các nhà bác học Liên Xô và Mỹ đang hợp tác biên soạn sách giáo khoa lịch sử và địa lý: Cả hai môn lịch sử và địa lý đều thuộc lĩnh vực tư tưởng, lại là sách giáo khoa nhưng Liên Xô và Mỹ vẫn có thể hợp tác để góp phần vào việc hiểu biết tốt nhất nền văn hoá và văn minh của mỗi nước, góp phần cải thiện các quan hệ toàn nhân loại và các quan hệ quốc tế.

.

– Bộ trưởng Giao thông Úc cho biết bộ này đang kiểm tra tay nghề toàn bộ tài xế taxi ở Úc sau khi có quá nhiều lời than phiền của du khách. Bộ đã lập đường dây điện thoại đặc bịêt để mọi người có thể than phiền trực tiếp với Bộ trưởng về các vụ rắc rối do tài xế taxi gây ra: Cách giữ thanh danh nước Úc đối với du khách, cách làm việc của một Bộ trưởng có đáng cho chúng ta suy nghĩ không?

– Nam Triều Tiên đã đồng ý cho Hungary vay 65 triệu đô la. Đây là công trái đầu tiên của Nam Triều Tiên cho một nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vay để cùng hợp tác và có thể cho nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác vay những món nợ giới hạn trong năm 1989. Từ một nước con nợ cách đây hai năm, nay Nam Triều tiên đã bắt đầu thành một nước chủ nợ. Bằng cách nào mà một nước bị chiến tranh tàn phá và chia cắt có thể tiến nhanh như thế?

– Trong năm 1989, phóng viên các báo Mỹ sẽ dùng máy truyền ấn bản (fax) bằng ánh sáng mặt trời (trực tiếp hoặc tán quang). Ngồi bất cứ một nơi thâm sơn cùng cốc nào, không cần có điện, phóng viên cũng có thể gởi tin về cho toà soạn báo cách nửa vòng trái đất. Kỹ thuật thông tin cực kỳ hiện đại sẽ tác động vào thế giới và thế giới sẽ xích lại gần nhau đến mức nào, có cái gì sẽ còn là bí mật phải bưng bít?

Ở đây có vấn đề năng lực, nhận thức, sự nhạy bén của người làm báo nói chung và tầm nhìn, bản lĩnh của tổng biên tập nói riêng. Vậy mà theo báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà báo trong kỳ họp tháng 12 năm 1988 vừa qua, chỉ có 1/8 trong tổng số tờ báo có xu thế đổi mới mà trong đó 13 tổng biên tập đã phải “ra đi” bằng cách này, cách khác. Việc cách chức trá hình tổng biên tập báo Văn Nghệ cũng vừa mới xảy ra một cách trắng trợn, thô bạo, bất chấp dư luận. Phải chăng tất cả những điều này nằm trong một ý đồ khống chế báo chí, bắt báo chí phải nói theo một giọng của người cầm quyền? Đây là lãnh đạo báo chí chăng? Nhằm mục đích gì? Không thể cứ nhân danh Đảng, nhân danh lãnh đạo để bắt báo chí đi vào tuân phục một ý muốn chủ quan mà xét cho cùng không hề phù hợp với tinh thần nghị quyết của Đảng.

Phương Tây gọi báo chí là đệ tứ quyền. Ta không bắt chước phương Tây nhưng báo chí nếu không có tính độc lập trong khi người cầm quyền có nhiều sai lầm thì báo chí chỉ còn là một công cụ mù quáng không hơn không kém.

Trước đây, từ 1973 trong vùng “địch tạm chiếm”, khi Thiệu đàn áp báo chí, cấm các báo chí tiến bộ thì tạp chí Đối diện vẫn xuất bản và ghi rõ trong trang bìa: “Giấy phép xuất bản: Điều 11 Hiệp định Ba Lê. Đồng thời phụ chú rõ điều 11 này: “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên miền Nam Việt nam sẽ: (…) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh”.

Nhắc lại một chuyện cũ và tất cả chúng ta chắc ai cũng nhớ rằng nhân dân ta đã tốn bao nhiêu xương máu, các nhà ngoại giao đã đấu tranh gay go như thế nào trong từng câu từng chữ để ghi vào hiệp định Ba Lê việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân dân Việt Nam đã sáng tạo như thế nào trong việc vận dụng thực hiện hiệp định Ba Lê, đấu tranh với địch (chưa kể Đối diện còn ghi chú in tại nhà in Thi Nha nghĩa là Thiệu Nhào và toà soạn đặt tại Québec Canada dù thực tế vẫn ở Sài gòn).

Mới đây Bộ thông tin đã đặt vấn đề sắp xếp lại báo chí không cho ra báo tạp chí mới. Giả thử như cần sắp xếp thì trên cơ sở nào, đánh gía nào để sắp xếp, tổ chức, cơ quan nào có thẩm quyền sắp xếp? Vừa qua có người kêu lên là “loạn báo chí” nhưng thực ra chúng ta có bao nhiêu tờ báo tốt, tờ nào tốt, tờ nào xấu, tờ nào vi phạm cái gì, đã xử lý chưa? Bộ Thông Tin đã cấp giấy phép cho bao nhiêu tờ báo với điều kiện gì ? Tại sao các tạp chí Văn Nghệ của các Hội văn nghệ địa phương hầu hết đều không được cấp giấy phép chính thức trong khi phần lớn các Hội đều ra tạp chí hàng năm trong mười năm nay và hồ sơ xin cấp giấy phép nằm mốc meo ở Bộ Thông Tin? Có báo nào vừa mới ra vài số đã được Bộ Thông tin cấp giấy phép ngay và mang vào tận nơi để cấp không, với điều kiện nào? Bộ Thông tin ra chỉ thị cấm các sở văn hoá thông tin không được cấp giấy phép nhất thời cho các tạp chí của các đoàn thể ở địa phương trong khi thực tế các sở văn hoá thông tin (trừ Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng) vẫn tiếp tục cấp và Bộ Thông tin vẫn lờ đi. Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng vô kỷ cương, vô chính phủ này? Bộ Thông tin với chỉ thị phi lý của mình hay các Sở Văn hoá Thông tin?

Với cách làm ăn như thế Bộ Thông tin có đủ tín nhiệm để làm việc sắp xếp lại báo chí hay không? Việc này còn liên quan đến cả Ban Tuyên huấn vì theo quy định Ban Tuyên huấn và Bộ Thông tin xét duyệt, Bộ Thông tin ra quyết định về mặt nhà nước.

Thực ra báo chí chúng ta không nhiều nếu không nói là quá ít so với thế giới và nhân dân ta đói thông tin một cách ghê gớm.

Vượt lên trên cách đặt vấn đề sắp xếp lại báo chí, khi Hiến pháp đã ghi rõ quyền tự do báo chí thì ai, tổ chức nào có quyền ra báo và ai, tổ chức nào có quyền sắp xếp, có quyền không cho ra báo, tạp chí mới? Bộ Thông tin cao hơn Hiến pháp chăng?

Một điều lạ nữa là mới đây, báo Nhân dân đưa tin về việc Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng sau khi nghe Bộ Thông tin báo cáo đã thảo luận và kết luận về công tác xuất bản, báo chí và phát thanh truyền hình, trong đó có việc sắp xếp lại báo chí. Cuộc họp để bàn vấn đề trên diễn ra vào ngày 21-11-88 mà đến 11-1-89 báo Nhân dân mới đưa tin. Phải chăng để phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư tưởng mà báo Nhân Dân đưa vào ngày 9-12-88, có vấn đề gì trong sự việc khó hiểu này?

Đất nước ta về báo chí đang đứng trước một thử thách lớn về một quyền tự do cơ bản của xã hội văn minh: Tự do báo chí. Đây cũng là một thử thách đối với công cuộc đổi mới hiện nay. Nhân dân và những người làm báo nghĩ gì về sự kiện này?

Những người có trách nhiệm của Đảng, và nhà nước đã xem xét hết mọi khía cạnh của vấn đề đặt ra chưa? Giải quyết không tốt vấn đề dứt khoát sẽ đưa đến một tình huống vô cùng xấu và chắc chắn sẽ phải trả gía rất đắt. Ai sẽ phải trả gía này trước lịch sử và nhân dân?

Bảo Cự

(Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Báo Lâm Đồng số 617 ngày 10-3-1989

Động dao về chủ nghĩa xã hội và tự do báo chí

Kết luận về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng của Bộ Chính trị đã chính thức nói đến động dao về chủ nghĩa xã hội. Đó là một thực tế và một cách nhìn thẳng vào sự thật. Rõ ràng chỉ có thể nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết nó chứ không thể quay mặt đi, né tránh hoặc tìm cách quên nó đi, coi nó như không có.

Tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân cho thấy ở một số bộ phận kể cả trong cán bộ, đảng viên, đã có biểu hiện động dao về chủ nghĩa xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau.

Có người bi quan về thực tế tình hình đất nước, sau 13 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng tình hình chưa thấy sáng sủa hơn mà hình như khó khăn hơn về nhiều mặt và chưa thấy có dấu hiệu rõ ràng sẽ thoát khỏi khó khăn trong một tương lai gần.

Có người xem xét sai lầm trong những chủ trương đã được thực hiện trên đất nước ta, trên các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa nhất là ở Liên Xô, đặc biệt qua các cuộc cải tổ, đổi mới, nhiều nước đã nêu lên và nghiêm khắc xem xét lại sai lầm quá khứ của mình để sửa sai, và qua đó người ta thấy chủ nghĩa xã hội không hoàn toàn ưu việt như tuyên truyền từ trước tới nay mà vẫn có nhiều sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng.

Có người đã so sánh chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Một số nước xã hội chủ nghĩa đã công khai nhìn nhận thua kém các nước tư bản trên các mặt quan trọng như năng suất lao động, tổng sản lượng quốc gia, thu nhập quốc dân hay trong việc đầu tư cho giáo dục, y tế, cho phát triển khoa học kỹ thuật, cho phúc lợi công cộng … kể cả việc thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

Mặt khác những điều chúng ta tiên đoán về sự dẫy chết của chủ nghĩa tư bản, sự nổi dậy của giai cấp công nhân ở các nước tư bản vẫn chưa xảy ra.

Những điều trên đã dẫn đến việc một số người hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, từ mức thấp là năng lực tổ chức thực hiện cho đến mức cao hơn là cả đường lối, chính sách, thậm chí có một số ít còn muốn xét lại cả nghĩa Mác-Lênin.

Trong số những người động dao về chủ nghĩa xã hội có những cán bộ, đảng viên đã từng và vẫn còn tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản, có những trí thức yêu nước đã thực sự hồ hởi phấn khởi sau đại thắng mùa xuân năm 1975, có những người lao động chân chính đã một lòng một dạ đi theo Đảng. Họ không phải là kẻ thù địch của chủ nghĩa xã hội. Sư động dao của họ có nguyên nhân và cơ sở mà những vấn đề trên đây đã làm thay đổi hoặc quy hướng tư tưởng của họ. Dĩ nhiên có nguyên nhân quan trọng là sự tác động của kẻ thù. Kẻ thù luôn luôn bằng mọi cách phá hoại lòng tin vào chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên có một lý do quan trọng là từ trước tới nay chúng ta chỉ tuyên truyền một chiều về chủ nghĩa xã hội và cũng chỉ nói một chiều về chủ nghĩa tư bản. Tuyên truyền trên cơ sở chân lý sẽ có tác dụng bền vững nhưng tuyên truyền không đặt cơ sở trên sự thật sẽ có tác dụng ngược lại khi sự thật được phơi bày. Dĩ nhiên nói như thế không phải trước đây chúng ta hoàn toàn nói dối, chúng ta đã nói đúng nhiều việc, nhưng có những điều chúng ta không nói hết, không đúng sự thật, hoặc vì ấu trĩ, hoặc vì thực tâm tin tưởng như thế.

Sự động dao về chủ nghĩa xã hội đã xảy ra. Đây là một vấn đề rất lớn về mặt tư tưởng, có liên quan đến sức sống và vận mệnh của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta phải giải quyết trước mắt và lâu dài. Với tầm suy nghĩ rất hạn chế nhưng bằng nỗi lo âu, trách nhiệm trước cái chung, chúng tôi xin được đặt vấn đề như sau:

Cần phải khẳng định ngay rằng không thể giải quyết vấn đề tư tưởng bằng mệnh lệnh, bằng sự quy chụp, trấn áp. Làm như thế chỉ tăng thêm sự động dao, thêm mất lòng tin vì đây là vấn đề của khối óc, con tim, là tư tưởng, tình cảm, chỉ có tự nguyện chứ không bao giờ cưỡng bức được.

Mặt khác, vấn đề không phải là ở chỗ lên án những người động dao về chủ nghĩa xã hội mà phải truy nguyên sự động dao này, đặc biệt là phía những cơ quan, những nguời đã gây ra tình trạng làm xói mòn lòng tin vào chủ nghĩa xã hội. Sự động dao về chủ nghĩa xã hội là hệ quả chứ không phải nguyên nhân.

Chưa nói đến vấn đề lâu dài là làm sáng tỏ lại những vấn đề cơ bản của chũ nghĩa xã hội mà lâu nay người ta đã và đang làm khác đi, cũng như khẳng định sự vận dụng, phát triển của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới của lịch sử. Đối với chúng ta, vấn đề trước mắt là phải phân tích, lý giải tình hình một cách có lý có tình, có sức thuyết phục. Hơn bất cứ ở đâu, ở đây phải thực sự dành chỗ cho tự do tư tưởng, phát huy trí tuệ của toàn thể nhân dân, đặc biệt là của đảng viên, trí thức, trong cuộc đấu tranh gay go để dành phần thắng cho chủ nghĩa xã hội về mặt lý luận. Quan trọng hơn là sự sửa sai, nhận sai lầm và sửa chữa nhanh chóng sự sai lầm trên tất cả các lãnh vực. Quan trọng hơn nữa là tạo ra hiệu quả thực tế trên các mặt kinh tế, xã hội và khẳng định được hướng phát triển trong tương lai.

Chủ nghĩa xã hội đã đến với nhân dân các dân tộc bằng sự đúng đắn, sự trong sáng, tính thuyết phục của mình. Chỉ có thể giải quyết sự động dao của chủ nghĩa xã hội bằng cách vượt qua khó khăn, bằng bản thân sự tốt đẹp của mình, bằng sự thuyết phục của một chủ nghĩa xã hội thực sự dân chủ, công bằng, nhân đạo và phồn vinh, chứ không có cách nào khác.

Bảo Cự

(Hội Văn Nghệ lâm Đồng)

(Tạp chí Đất Quảng số 57 tháng 3-4-1989 )

Tư liệu 16

Buôn Ma Thuột, 14-1-89

Thầy thương kính,

Không thể nói rằng lúc nào em cũng nghĩ đến thầy nhưng hằng ngày, vào giờ phút mà những lo toan vụn vặt không thể thiếu của cuộc sống tạm lắng dịu, em vẫn thường- nói chính xác- bị ám ảnh bởi dáng hao mòn của thầy trong ngày gặp lại sau 17 năm xa cách.

Hôm ấy, em đã khá công phu trong việc ổn định tinh thần đè nén xúc động để chuẩn bị đi gặp thầy. Nhưng thình lình thầy hiện ra. Đúng, phải dùng chữ hiện ra vì em không thể nhận ra thầy trước khi thầy cách em ba bước. Cuộc hội ngộ như sự trở về thấp thoáng của dĩ vãng êm đềm, vô tư lự. Thấp thoáng bởi nó ẩn sau hiện tại nghiệt ngã, hao mòn. Nhìn thầy em biết, vẫn như xưa, thầy ít nghĩ đến mình, vẫn sống theo lý tưởng, cho nhiều hơn nhận lại.

Dẫu biết rằng công việc của thầy là quan trọng, em vẫn tiếc là thời gian tâm sự của thầy trò mình quá ngắn ngủi. Tuy nhiên, cũng có điều an ủi là xưa nay thầy trò mình vẫn thường hiểu nhau không cần phải nói nhiều.

Tạp chí thầy tặng em, em không giữ làm của riêng dù em rất quý nó. Em chuyền tay cho những người khát khao cái mới, cái thật với lời giới thiệu em đã mạn phép viết ở mặt trong bìa trước, đại ý như sau: “Tạp chí này là tặng vật của thầy cũ trong ngày hội ngộ sau 17 năm xa cách. Đáng lẽ người được tặng phải trân trọng gìm giữ như một kỷ vật thân thương. Nhưng thiết nghĩ ước mơ của những người chủ trương tạp chí này- trong đó có thầy tôi- là nó đi được thật xa và tìm được sự đồng cảm sâu sắc ở những con người bình thường đang ngày đêm làm nên cuộc sống.” Em đã ví nó như một cánh én xuân lẻ loi mà, nếu không thể làm nên mùa xuân thì cũng báo hiệu mùa xuân đang đến. Em kêu gọi những người biết đọc: “Nếu chúng ta không thể làm một con chim én thì xin hãy là những làn gió nhẹ nâng cánh én bay bổng qua từng mái nhà, xóm làng, đồng ruộng quê hương.” Em đồng ý cho những người đọc xong có thể chuyển cho người khác cùng đọc đến khi nào không biết chuyển ai thì gởi trả lại cho em.

Chắc thầy cũng khó tưởng tượng được ở chốn đồng quê này tạp chí của thầy tặng em đã được đón nhận một cách trân trọng và là đầu đề của những cuộc tranh luận sôi nổi trong nhóm những người được chuyền đọc như thế nào. Có người bày tỏ ý muốn được đặt mua tạp chí, thậm chí mua lại từ số đầu cho đầy đủ. Em không biết chắc tác động cụ thể của nó ở đây như thế nào, nhưng biết đâu vào một lúc nào đó, cái tinh thần của nó mà mọi người đã tiếp nhận một cách trìu mến lại chẳng biến thành những hành động cụ thể. Sức mạnh của văn học xưa nay vẫn kín đáo, thâm trầm phải không thầy?

……

Tạm biệt thầy. Chúc thầy luôn khoẻ để còn tiến xa trên con đường chông gai thầy đã chọn.

Mãi mãi là học trò của thầy

Hoàng Minh Tú

(Thư một học trò cũ của Tiêu Dao Bảo Cự nói về tạp chí Langbian)

Tư liệu 17

Huế, ngày 18 tháng 1 năm 1989

Kính gửi anh Bùi Minh Quốc, anh Bảo Cự

Anh em ở đây đã nhận đủ bài và bản tường trình chuyến công tác của Đoàn. Cả thư từ nữa (thường là đọc nhiều anh em nghe).

Tấm lòng và ý thức của anh em ở đây thì các anh đã biết. Phần lớn muốn góp phần và muốn đi hàng đầu trong công cuộc đổi mới. Đó là điều bất di bất dịch. Có điều, như hai anh biết, bọn tôi muốn tham gia công cuộc đổi mới với phong thái riêng của mình. Như tôi có trình bày với hai anh, hai điều Sông Hương rút ra qua chặng đường 5 năm, muốn thực sự đổi mới, với chúng tôi phải có hai điều liền nhau: phải quyết liệt hơn, kiên định hơn và phải thông minh hơn, trí tuệ hơn, để đúng phong thái mà chúng tôi hằng quyết tâm phấn đấu từ đầu.

Về tình hình Lâm Đồng, bọn tôi đang tìm cách chi viện các anh cho có hiệu quả trong khả năng của mình. Số 36 tới, chúng tôi sẽ có một phát biểu về vấn đề này. Cách làm của các anh có thể tôi chưa tán thành tất cả, nhưng cái tâm muốn đổi mới, muốn gánh vác là cái tâm lớn nơi các anh mà bản thân tôi cảm nhận rất rõ.

Nhân dịp năm mới, xin chúc hai anh và anh em văn nghệ tâm huyết ở Lâm Đồng có nhiều niềm vui hơn trong mỗi ngày, và công việc tâm huyết của chúng ta là công việc đổi mới ngày một tiến bộ hơn.

Mong hai anh đừng ốm

Thân mến,

Tô Nhuận Vỹ

Tư liệu 18

Đà Lạt, ngày 25 tháng 1 năm 1989

Thư ngỏ về vấn đề công khai và dân chủ

Trong tháng 11 và tháng 12-1988, chúng tôi Bùi Minh Quốc và Bảo Cự thay mặt cho Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng và ban biên tập tạp chí Langbian đã đi công tác tại các tỉnh miền Trung và Hà Nội, cùng với các hội văn nghệ, các tạp chí văn nghệ bạn ký chung một số kiến nghị để yêu cầu Trung ương giải quyết một số vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các hội văn nghệ, đặc biệt đòi thực hiện các quyền cơ bản của các hội văn nghệ là quyền ra báo, tạp chí và xuất bản. Chúng tôi cũng đã cùng với 118 người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới ra một bản tuyên bố về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay, ủng hộ kiến nghị của các hội văn nghệ địa phương, yêu cầu làm rõ vụ tuần báo Văn nghệ, yêu cầu cách chức hoặc thay thế những người phụ trách ở các cơ quan trung ương đã tỏ ra chống đổi mới hoặc thiếu năng lực thực hiện đổi mới.

Trong khi chúng tôi mới đi được hơn nửa đường (đến Bình Trị Thiên), do báo cáo của Ban Tuyên giáo Đaklak về Trung ương, Ban Bí thư đã điện cho Tỉnh uỷ Lâm Đồng và các tỉnh, thành uỷ khác để phê phán chuyến đi và việc làm của chúng tôi. Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã có công văn gửi các hội văn nghệ và ban tuyên giáo các tỉnh về sự việc này. Sau đó, trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân ngày 23 và 24 -12-1988, đồng chí Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên huấn Trung Ương đã nhắc đến hoạt động của “nhóm người trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng” và qui kết nặng nề như một điển hình về việc lạm dụng công khai và dân chủ, hoạt động có tính chất bè phái. Chưa kể đồng chí Trần Trọng Tân còm đem nói điều này ở nhiều hội nghị.

Sau chuyến đi, khi về đến Đà Lạt, chúng tôi đã làm một bản báo cáo tường trình chi tiết chuyến đi và bày tỏ quan điểm của mình, đề nghị đưa vấn đề công khai lên mặt báo để công luận phán xét. Chúng tôi cũng đã viết bài trả lời bài báo của đồng chí Trần Trọng Tân nhưng báo Nhân dân không đăng.

Chúng tôi được biết, trong Hội nghị để quán triệt kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư tưởng cho các tỉnh phía Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, đồng chí Trần Trọng tân đã họp các Trưởng Ban Tuyên giáo, tổng biên tập báo, giám đốc đài phát thanh, truyền hình các tỉnh miền Trung và tổng biên tập các báo của thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu Ban Tuyên huấn các tỉnh miền Trung báo cáo rõ thêm về tình hình lúc chúng tôi đi qua làm việc ở các tỉnh đó, đồng thời nói lại một số điểm trong bản báo cáo về chuyến đi của chúng tôi như chỗ lược ghi ý kiến của đồng chí Đào Duy Tùng, việc đồng chí Trần Trọng Tân xin thu lại cuộn băng ghi âm trong hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo…

Chúng tôi được biết phát biểu của các đồng chí trưởng ban tuyên giáo các tỉnh trong cuộc họp (mà hầu hết các đồng chí này chúng tôi không gặp, không làm việc và không biết việc chúng tôi làm trong thời gian chúng tôi lưu lại các tỉnh đó, chỉ nghe báo cáo lại sau khi chúng tôi đã đi qua) đều tỏ ra không đồng tình, phê phán việc làm của chúng tôi, thuật lại sự việc có một số điều không chính xác, phê phán những anh em văn nghệ địa phương đã làm việc, ký kiến nghị, tuyên bố với chúng tôi, thậm chí còn nói người này, người kia đã ăn năn.

Việc làm của chúng tôi cùng đại diện các hội và tạp chí bạn, cùng 116 đồng nghiệp và công dân khác không phải là một bí mật quốc gia, nó hoàn toàn có quyền và cần phải được nêu công khai lên mặt báo một cách đầy đủ.

Không thể chấp nhận tình trạng đặc quyền công khai cho một phía người có quyền. Cho đến nay, chỉ mới công khai trên báo Nhân dân ý kiến của đồng chí Trần Trọng Tân với một câu có tính chất qui kết, và tiếp đó là các phát biểu miệng trong Hội Nghị của đồng chí Tân và của đại diện ban tuyên giáo một số tỉnh mà chúng tôi đã đi qua, để rồi những ý kiến này cũng sẽ được phổ biến bằng truyền miệng.

Phải chăng người ta muốn dùng báo Đảng để đưa ra công khai một kết luận chủ quan, mơ hồ, không có chứng minh, phân tích, rồi sau đó dùng các hội nghị không có mặt những người trong vụ việc để truyền bá củng cố cho kết luận đó, nhằm tác động vào tư tưởng các đảng viên, cán bộ tại Lâm Đồng đang ở trong trạng thái không được thông tin công khai đầy đủ,chuẩn bị cho các thủ thuật tổ chức để dẫn tới kết luận xử lý nội bộ khớp với kết luận có sẵn đó.

Đây là cách làm rất bình thường trong nhiều năm trước đây, bình thường đến mức không mấy ai nhận ra tính chất phi dân chủ của nó, nhưng ngày nay đứng trên quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ VI mà xét thì rõ ràng đây là một cách làm rất không bình thường.

Nếu thực sự tôn trọng công khai, dân chủ, cần phải và hoàn toàn có thể tiến hành các việc sau đây:

– Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, Uỷ ban Trung ương Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cùng phối hợp tổ chức một Hội Nghị gồm đại diện Tỉnh uỷ, đại diện Ban Tuyên giáo, đại diện Hội Văn nghệ các tỉnh Lâm Đồng, Phú Khánh, thành phố Nha Trang, Đaklak, Gia Lai-Kontum, Nghĩa Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, cùng 118 người đã ký tên trong tuyên bố cá nhân để làm rõ sự việc và trực tiếp trao đổi ý kiến với nhau để đánh giá vụ việc này đúng hay sai, đúng thì biểu dương, sai thì kỷ luật, kỷ luật những ai , mức độ nào…

– Đăng công khai điện của Ban Bí thư. Búc điện này không còn là điện mật nữa khi đồng chí Trần Trọng Tân đã công bố tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo.

– Đăng công khai phát biểu của đồng chí Trần Trọng Tân và các đồng chí đại diện các Ban Tuyên giáo tại Hội nghị các tỉnh phía Nam vừa qua.

– Đăng công khai thư ngỏ của nhà văn Anh Động gửi UBTƯLHVHNTVN và các hội văn nghệ.

– Đăng công khai bản báo cáo của chúng tôi và những ý kiến chúng tôi trả lời những điều cần phải trả lời.

– Đăng công khai ý kiến của đại diện các Hội Văn nghệ, tạp chí văn nghệ đã ký chung kiến nghị, đã tiếp xúc, làm việc với chúng tôi, ý kiến của 116 người đã cùng chúng tôi ký tuyên bố chung. Mỗi người sẽ nói rõ suy nghĩ vì sao mình ký, sẽ tái khẳng định hoặc phủ định chữ ký đó một cách công khai, tự do, không lệ thuộc vào một sự chi phối, một sức ép nào.

Chỉ có làm như thế công luận mới có điều kiện xem xét thấu đáo, những người trong vụ việc mới có điều kiện lĩnh hội đầy đủ các ý kiến nhận xét và mới tự nguyện chấp nhận những kết luận cuối cùng.

Nếu không làm như thế, không ai còn có thể tin những lời nói về việc phải tăng cường công khai, đối thoại, tranh luận của đồng chí Trần Trọng Tân ngay trong bài báo ngày 23-12-1988 là thành thực.

Hiện nay những người thưc sự dấn thân cho đổi mới đang đấu tranh cho công khai, dân chủ. Những phần tử quan liêu, bảo thủ cũng nói công khai dân chủ, nhưng thực tâm lại rất sợ điều đó. Mỗi cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ làm những phần tử quan liêu bảo thủ bộc lộ ngày càng rõ chỗ yếu chí tử của họ là mâu thuẫn giữa lời nói và thực tâm.

Chúng tôi ý thức được rất rõ ràng việc chúng tôi cùng với đại diện các hội bạn ký chung kiến nghị và cùng các đồng nghiệp, các công dân khác ký chung tuyên bố, đã bước đầu buộc những phần tử quan liêu bảo thủ lộ ra cái chỗ yếu chí tử đó. Nói như một đồng nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long: “Thành trì quan liêu bảo thủ cứng nhưng mà dòn. Không chọc vào mà chỉ đứng đó ngó thì thấy nó cứng. Dùng một mũi nhọn mà chọc sẽ thấy nó dòn, dễ vỡ.” Quá trình dấn thân của tất cả những ai thực tâm lo lắng cho vận Đảng, vận nước, đấu tranh cho công khai, cho dân chủ nhất định sẽ ngày càng phát triển, tất yếu sẽ buộc các phần tử quan liêu bảo thủ lộ mặt hoàn toàn và không còn chỗ đứng trong tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước.

Ý nghĩa biết bao khi sáu nhà hoạt động văn hoá và khoa học hàng đầu của Liên Xô đã gửi một thư ngỏ cho tổng bí thư Góoc-ba-chốp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cải tổ và tính công khai bằng phương pháp công khai, nêu rõ ngày nay sự lãnh đạo các phương tiện thông tin đại chúng phải là ở chỗ tạo điều kiện thành lập một hệ thống công khai tự điều chỉnh, tự sửa chữa và tự hoàn thiện, khẳng định chỉ có những cán bộ không có khả năng tiến hành những cuộc tranh luận nghiêm túc cũng như chứng minh quan điểm của mình, mới dùng đến thói mệnh lệnh trong việc lãnh đạo các phương tiện thông tin đại chúng, đó là những cán bộ không am hiểu và không có trình độ.

(Báo Tin tức Maxcơva ngày 1-1-1989, báo Tuổi trẻ chủ nhật ngày 22-1-1989 lược dịch và trích đăng).

Chúng tôi không e ngại trước bất kỳ một trở lực nào bởi tin tưởng rằng lẽ phải nhất định sẽ thắng, tin rằng tất cả những người cộng sản chân chính, những đồng nghiệp chân chính và những công dân thực tâm tha thiết với đổi mới luôn luôn ở bên cạnh chúng tôi, với sức mạnh không gì cưỡng nổi mà Đại hội Đảng lần thứ VI đã trang bị cho mình.

Bảo Cự Bùi Minh Quốc

Uỷ viên Thường trực Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng Tổng biên tập tạp chí Langbian

Phó tổng biên tập

Tạp chí Langbian

Nơi nhận:

– Bộ Chính trị Trung ương Đảng

– Ban Bí thư Trung ương Đảng

– Đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

– Ban Chấp hành Trung ương Đảng

– Ban Tuyên huấn Trung ương

– Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương

– Uỷ ban TƯLHVHNTVN

– Các tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Tuyên giáo các tỉnh thành

– Các hội văn nghệ địa phương, các tạp chí, báo văn nghệ ở địa phương và Trung ương

– 118 người đã ký tuyên bố

– Các cơ quan truyền thông đại chúng.

Tư liệu 19

Cần Thơ, ngày 25-1-1989

Bùi Minh Quốc thân mến,

Trước nguy cơ của đất nước, những người có tâm huyết muốn đóng góp với Đảng ta, Nhà Nước ta (với các nhà văn như anh em mình thì muốn góp phần xây dựng tổ chức Hội). Và khi tiến hành công cuộc dự tính, tất nhiên mỗi người có một biện pháp cách mạng khả dĩ đạt kết quả tốt nhất. Trong sự việc của đoàn văn nghệ Lâm Đồng mà Quốc và Cự đi các nới với mục đích như đã báo, theo tôi không có gì là không bình thường, là sai hiến pháp và luật pháp đã quy định-tới đây càng rộng rãi hơn, thì nếu như các vị có trọng trách- mấy ông anh đầu bạc phơ của mình “dũng cảm” bình tĩnh một chút, sẽ có cách giải quyết êm thấm cho cả hai phía (cần chi phải nêu lên báo Nhân dân để “đánh tiếng và đe doạ” nhiều anh em khác.

Về phía anh em VNLĐ, mình có chỗ rất đồng tình, cũng có chỗ chưa đồng tình. Là những nhà văn, những nhà nghệ thuật, hoạt động chủ yếu của ta là tác phẩm, trên lãnh vực tổ chức, lúc các quy chế chưa thoát thai sự cũ rích, mình va vào sẽ vấp phải khó khăn, mà bản thân đám mình nhọc công tháo gỡ. Khi đó tác phẩm sẽ chiến thắng nhanh hơn- vì đó là chức năng và sở trường mình.

……………………

Mình biết các anh chị Lâm Đồng thương mến và trân trọng anh em văn nghệ nói chung, cũng như đối với Quốc. Trong khi mình gặp khó khăn, mình nên bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn để có thể nhận lấy sự “chi viện” của địa phương. Mình ở vùng đồng bằng Cửu Long, nếu không có sự chi viện này, thì chết tù, chết đói hoặc bị bọn lưu manh (do đám kẻ thù mình chìa vàng ra mướn) đập mình chết lâu rồi. Nguồn thông tin vô tận, nguồn cổ vũ vô tận từ phía bạn bè cho mình sự sống và sức đề kháng đáng kể. Đặc biệt nhất là NHÂN DÂN như NT Cứ đã nói bằng thơ…. Trong hàng ngũ lãnh đạo hiện hữu, theo mình, vẫn còn có nhiều anh chị chân chính. Họ sẽ đồng tình nội dung các cuộc kiến nghị, đấu tranh của chúng ta – Bởi nó xuất phát từ tấm lòng chân chính. Mình đề nghị Quốc nên nghĩ đến các anh chị cô bác các người bạn ấy… chính ý nghĩ đó làm trung hoà tình cảm của mình. Với các đồng nghiệp trong nầy, chúng tôi còn tiếp tục theo dõi diễn tiến và bằng động tác nghiệp vụ chân phương, chúng tôi ủng hộ quá trình kiên trì làm sáng tỏ chân lý của anh em VNLĐ trong đó có nhà thơ lão thành Hữu Loan, mà mình rất quý.

…………………..

Nguyễn Bá

Tư liệu 20

Huế 28 Tết

……………………

Thôi bây giờ nói qua việc của ngày tiếp theo nhé.

Ngày 1-1-89, hội Huế họp mặt hội viên cuối năm. Trong buổi họp Phạm Phú Phong đem tới một số báo Văn nghệ Nha Trang số Tết. Tụi em quá kinh ngạc khi thấy trong đó có bài của anh Bùi Minh Quốc.

………………..

Kinh ngạc và vui mừng biết bao nhiêu vì anh Quốc và anh Cự ra đi khỏi Huế, nhiều người ở đây đã nghĩ về các anh là “manh động” “quá khích” “bốc đồng”. Lúc ấy em cảm thấy như các anh là những người đang đi trước thời đại và đang kêu gọi vô vọng trong cái thế giới cứ hoài lịm ngủ vì một căn bịnh lo sợ đã thành kinh niên trong máu mỗi người! Nhưng bây giờ thì em thấy không phải thế, chúng ta đang dàn hàng ngang mà tiến, những tiếng gọi đã có lời đáp, Langbian chết đi đã có Nha Trang tiếp nối cuộc chơi thế mệnh, và rồi Nha Trang đã lên tiếng thì chắc chắn đó sẽ không là tiếng nói cô độc! Trong một phút em nhớ quá chừng trời đất những ngày Nam trung Bộ ở Đà Lạt, và em thấy Nam Trung Bộ trở thành một hình ảnh sống động và thân thương quá chừng!

Trần Thuỳ Mai

Tư liệu 21

Huế, 2-11-1989

Anh Quốc và anh Cự thân kính

………………..

Sự kiện vùa qua của Lâm Đồng càng làm tôi thêm kính phục hai anh và không biết cách nào tỏ được lòng kính phục ấy. Gần đây, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vào Huế, tôi có nói với giáo sư, tỏ ra lo ngại về tình trạng của các anh dẫn đến những nguy ngập về nhiều mặt: chính trị, đời sống tinh thần. Những bức xúc lớn lao có thể dẫn đến những điều xấu hơn… Nhưng tôi tin là các anh sẽ vững vàng hơn. Trong cuộc “so gươm” này, là cuộc thử vàng, ai tốt ai xấu sẽ lộ ra cả. Những nhà văn “cao cấp” bàng quan trước sự kiện này đều không đáng gọi là người cầm bút nữa. Tôi tin rằng những người thật sự có văn cách, sẽ không bỏ các anh, sẽ ủng hộ các anh

Chiều hôm qua họp Hội Huế cuối năm, tôi đưa Văn nghệ Nha Trang 19 đến và anh em mừng đến lặng cả người khi gặp được tiếng nói của anh. Ít ra trong hơn 300 tờ báo của nước ta còn có tờ Nha Trang. Lúc đầu, tôi chỉ có ý định động viên Nha Trang bằng ý kiến của mình, sau đó trở thành tiếng nói chung của mọi người. Tôi xin ghi lại một cách trung thực nguyên văn gửi vào anh (trước khi gửi cho Thế Vũ) và không cần bình thêm, vì bản thân những ý kiến nầy đã nói lên thái độ các anh, ủng hộ Văn nghệ Nha Trang.

“Thế Vũ thân, chiều nay họp Hội Huế cuối năm, tôi đã “quảng cáo” Nha Trang 19. Anh em rất phục ông về khoản in bài ông Quốc. Ở đây có người đã từng “đánh cuộc” là các tờ báo miền Trung không ai dám in bài của Quốc. Anh em mong ông tiếp tục cách lập ngôn của mình và chúc Nha Trang vững vàng. Những người hoan nghênh ông ký tên dưới đây: –Phạm Phú phong

“Anh Thế Vũ ơi! Anh Thế Vũ tuyệt vời! Hoan hô anh Thế Vũ và Văn nghệ Nha Trang! Vô cùng cảm động khi đọc bài của anh Bùi Minh Quốc. –Trần Thuỳ Mai”

“Hội Huế họp cuối năm. Bây giờ quan khách đã về. Tôi ngồi tách ra để được đọc bài Bùi Minh Quốc. Tôi cảm thấy tất cả những ai có tâm huyết đều phải cảm ơn Văn Nghệ Nha Trang đã dám (đứng dậy) đăng bài của Bùi Minh Quốc, chứ không riêng gì tác giả bài báo. – Hoàng Dũng

“Anh Thế Vũ quý mến, Chúc năm mới anh và Hội Nha Trang vui. Anh em chiều nay đang quây quần tại Hội Huế nghe Hoàng Dũng (lúc đầu Hoàng Dũng đọc một mình, sau tôi bảo đọc to cho mọi người cùng nghe – PPP) đọc bài của BMQ trên Nha Trang số Xuân, chia sẻ cho nhau những nỗi buồn vui, hạnh phúc trước cuộc đời là tấm lòng rất thực của anh em văn nghệ mình. Kính quý. – Võ Quê

“Kính thưa anh Thế Vũ, thời nay có đến cả triệu người nói về lòng trung thực và dũng cảm nhưng người dám hành động theo lương tri của chính mình thì rất ít, trong đó có anh nói riêng và Ban Biên Tập Nha Trang nói chung khi dành cho nhà thơ Bùi Minh Quốc một diễn đàn. Tôi là người tập tễnh nghề văn chương thuộc Hội VNBTT xin gửi lời ngưỡng mộ tới Văn nghệ Nha Trang.Dương Thành Vũ

“ Cảm ơn Văn Nghệ Nha Trang đã in bài viết của BMQ. Tôi ủng hộ bài viết và người in bài. Cũng cám ơn VănNghệ Nha Trang đã có lần dùng thơ Ngô Minh. – Ngô Minh

“Thời Mỹ, nói: Hãy có 100 Việt Nam. Thời nầy là: Hãy có 100 Bùi Minh Quốc. Vậy hoan hô tạp chí Nha Trang!Hoàng Phủ Ngọc Tường

“Anh Thế Vũ, tôi rất khâm phục bản lĩnh làm báo của các anh. Chúng tôi (CLB VHNT Huế) đã từng chờ đợi gặp anh và sẽ rất sung sướng gặp anh. Chia sẻ những quan điểm về văn nghệ hiện nay của anh – Phạm Tấn Hầu

“Luôn ủng hộ hết mình những quan điểm và cách làm tương trợ như Thực tâm, thực tâm, thực tâm – Nha Trang 19 – Trần Đại Dương

“Đọc bài của BMQ trên Nha Trang có cảm giác biển Nha Trang nổi sóng. Hoan nghênh BMQ dũng cảm, Nha Trang, Thế Vũ khí tiết không lùi. – Nguyễn Đắc Xuân

“Ủng hộ hết mình thái độ làm báo của Nha Trang. – Phan Thuận An”

“Cảm ơn các anh vô cùng trời đất. –Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ, Huế”

“Hoan hô Nha Trang số 19-1989 –Nguyễn Quang Lập”

“Viết thêm: Rất nhiều người muốn viết vào đây: Trần Thứ, Lê Hùng Vọng…. nhưng hết giấy. Riêng tôi, tôi đề nghị Nha Trang tiếp tục in bài tường thuật Đại Hội Nhà văn lần thứ III của BMQ (như anh Quốc nói trong cái mở ngoặc). Bài này ra vào Văn nghệ Nha Trang số 20 rất có tác dụng trong Đại hội lần thứ IV vào tháng 3- 1989 sắp tới – Phạm Phú Phong

Tôi chép lại nguyên văn, kể cả những từ viết tắt của anh em, gửi vào cho anh Quốc và anh Cự, với mong muốn anh giữ vững cách lập ngôn của mình, dù những ngày sắp tới tôi tin rằng sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho các anh. Tôi vừa nhận thư anh Nguyễn Đăng Mạnh nói về Hội Nghị phê bình văn học với thành phần toàn những người đứng dưới cờ Phan Cự Đệ, trong đó rất buồn là có cả người bạn thân của tôi là Phạm Xuân Nguyên làm tôi thêm lo ngại trước đủ thứ gươm giáo sắp tới. Biết các anh vất vả nhưng không biết làm sao trợ thủ được vì tiếng nói nhỏ nhoi của người mới bước vào nghề, vì không có “ đất” để công bố ý kiến của mình.

Phạm Phú Phong

Tư liệu 22

Nha Trang, ngày 25-2-1989

Bảo Cự thân mến,

……………………

Phụ trương tạp chí Cánh én về vấn đề Hội Nhà văn, tuần báo Văn nghệ và đổi mới văn hoá văn nghệ có in của Bùi Minh Quốc một đoạn trích ngắn từ kiến nghị của anh Quốc về Đại Hội Nhà văn lần thứ 4. Tạp chí Văn nghệ Nha Trang số 20 sẽ đăng cái ý kiến của ban biên tập Langbian về bức thư của ông Chế Lan Viên, còn Cánh én số 10 sẽ đăng cái bài kêu cứu “Langbian SOS” của các ông. Như vậy, nhìn chung chúng tôi cũng đang chia lửa, hiệp đồng tích cực với Langbian đấy chứ! Không đến nỗi chúng tôi tụt lại đằng sau xa lắm đâu.

………………….

Có một điều Bảo Cự và Bùi Minh Quốc phải thông cảm cho các tạp chí khác là thế này: im lặng là không được, lùi bước là không được, nhưng đấu tranh mạnh mẽ tới đâu là còn tuỳ sức của mỗi anh và tuỳ tình hình cụ thể của mỗi địa phương. Bắt một anh loẻo khoẻo vác đại bác xung phong thì chỉ có mất súng.

…………………

Thế Vũ

(Hội Văn học Nghệ thuật Nha Trang)

Tư liệu 23

Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên

Số 21/ HVN

Hội Văn học nghệ thuật Bình trị Thiên

Kính gởi: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Hội văn học nghệ thuật chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng trước những chuyển hoá trong tinh thần đổi mới, dân chủ. Đó là những dấu hiệu thành tựu đáng mừng trên mặt trận văn hoá văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ vậy rất nhiều hoạt động tích cực trên lãnh vực này đã thu được hiệu quả đáng trân trọng. Hoạt động của Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng và đồng chí Bùi Minh Quốc nằm trong quỹ đạo ấy. Qua thông báo của chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng về các hoạt động của đoàn mà Hội chúng tôi đã nhận được, chúng tôi thấy rằng:

– Trong quan hệ với Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, những việc làm vừa qua của đ/c Bùi Minh Quốc và một số văn nghệ sĩ là bình thường, trong không khí dân chủ, hợp lý, hợp tình, và không hề sai trái về pháp luật.

– Chúng tôi lo ngại trước những đánh giá thiếu công bằng hoặc định kiến đối với những việc làm nói trên, biểu hiện gần đây trong một số trường hợp thông tin nội bộ hoặc trên báo chí. Là nhà thơ tên tuổi đồng thời là đảng viên cộng sản tích cực, đ/c Bùi Minh Quốc (cùng với vợ là liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý) đã chứng tỏ tinh thần cách mạng tiến công của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua và công cuộc đổi mới hôm nay: do đó cần được bảo vệ và quan tâm mọi mặt trong cuộc sống để có điều kiện sáng tác tốt hơn nữa.

Vì vậy chúng tôi đề nghị Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng có biện pháp tích cực bảo đảm sự hoạt động bình thường của Hội Văn nghệ Lâm Đồng và đ/c Bùi Minh Quốc đồng thời can thiệp để tạp chí Langbian trở lại hoạt động như mọi tạp chí văn nghệ địa phương khác.

Chúng tôi rất mong được lưu ý và xin trân trọng cảm ơn.

Huế, ngày 15 tháng 2 năm 1989

T/m Ban Thư ký

Tổng Thư ký

Hoàng Phủ Ngọc tường

Đồng kính gởi:

Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng (để biết)

Comments are closed.