Một nếp tư duy thô thiển cứng nhắc

Vương Trí Nhàn

 

1988, tôi đang làm biên tập cho nhà xuất bản Raduga ở Moskva thì ở Hà Nội nổi lên hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp với các truyện ngắn “Tướng về hưu”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”… 

Vừa nhận được bài viết của tôi mang tên “Khuôn mặt nhàu nát – tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp”, một đồng nghiệp cũng viết phê bình như tôi nhắn sang:

– Ông Nhàn đang ở bên Nga, biết gì về Nguyễn Huy Thiệp mà viết.

Chỗ trong nghề với nhau, tôi biết việc tôi có bài viết theo hướng khen Nguyễn Huy Thiệp lúc đó là ngược với “giai điệu chính” đang chi phối dư luận nên những người từ chối tôi có cái lý riêng của họ.

Nhưng vẫn cứ thấy buồn cười cho cách nghĩ khá phổ biến ở những người cầm bút nước mình. 

Ơ kìa, tôi có được sống trong không khí văn nghệ tiền chiến đâu mà vẫn viết đều đều về các vị từ Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, tới Hàn Mặc Tử Nguyễn Bính, Xuân Diệu… 

Cũng như tôi có được gặp Tchekhov, Hemingway đâu mà dám viết lời giới thiệu cho các tập truyện của họ dịch ra tiếng Việt?!

Vậy thì nếu không đồng ý với cách đánh giá Nguyễn Huy Thiệp của tôi thì hãy tranh luận. 

Chứ lấy cớ tôi đang ở xa đối tượng mà bảo rằng tôi không hiểu gì về đối tượng là cách nghĩ của… trẻ con, người đã cầm bút viết văn viết báo không có quyền con nít mãi.

Xin tạm gọi đó là cách nghĩ giản đơn thô thiển.

Thuở nhỏ tôi cũng từng có cách nghĩ thế.

Năm 1954 ở Hà Nôi khi thành phố mới được đội quân từ Việt Bắc về tiếp quản, lần đầu tiên đám trẻ con phố Thụy Khuê chúng tôi mới biết thế nào là đài phát thanh. Nhiều phen, đứng ở đầu phố, nghe các bài hát cất lên từ chiếc loa đặt trên cột điện – mà ngày nay ta gọi là loa phường –, tôi tưởng tượng người ca sĩ đang đứng ở phía đầu dây bên kia hát cho đám người nghe chúng tôi.

Giữa các sự vật chúng ta chỉ biết những mối quan hệ trực tiếp. Rồi ta tưởng cả thế giới giống như cái ao làng mà ta vùng vẫy, cái gì ta không nhìn thấy tức là không có trên đời này. 

Nó là bằng chứng của một đời sống nghèo nàn quanh quẩn của một xã hội tiểu nông. 

Và nó cũng là một khía cạnh của nếp tư duy trung cổ như tôi nói trong bài trước. 

Chỉ tính riêng trong phạm vi văn chương nơi tôi hành nghề, cho đến tận những năm đầu thế kỷ XXI này, người ta vẫn nghĩ theo cách đó. 

Đại khái khi cần xác định giá trị của một nhà văn đã khuất, người ta vẫn tin rằng chỉ những người thân của ông ta hiểu ông ta hơn cả, hiểu hơn mọi nhà phê bình nghiên cứu nào khác.

Hoặc khi viết về chiến tranh, tác phẩm của một nhà văn sống lâu dài ở chiến trường ắt bao giờ cũng hơn hẳn những tác phẩm của người chỉ có mặt ở đó một thời gian ngắn, ngoài ra lo đọc sách và tìm hiểu các vấn đề xã hội bao quát . 

Một cách tiếp thị của nhiều nhà văn nhà thơ thời nay là kể về qua trình làm việc của mình với tác phẩm. 

– Tôi đã lao tâm khổ tứ thức mấy đêm ròng mới làm nên bài thơ này. 

– Tôi đã xé đã đốt máy bản thảo và bản tôi trình ra hôm nay là bản cuối cùng. 

– Còn đây chính là những dòng tôi viết ra khi có ý định tự tử. 

May mà tôi sớm tránh được lối nghĩ lẩm cẩm đó. 

May là ở chỗ trước khi về công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi có một năm – là năm 1967 – làm giáo viên văn hóa ở Đoàn kịch Tổng cục Chính trị. Ở đó, có một điều giống nhau mà các đạo diễn Thành Ngọc Căn, Vũ Minh, các diễn viên Thùy Chi, Xuân Thức, Kim Oanh, Tường Sơn, Hoàng Thành Lợi… có dịp đều nói với tôi:

– Nhiều khi người diễn viên chân thành khóc lóc thảm thiết trên sân khấu mà người xem chỉ thấy buồn cười.

Ngược về quá khứ tôi nhớ tới con người trong câu chuyện ngụ ngôn, gà đẻ trứng vàng.

Còn ngày nay là những dạng thức khác nhau của cái giản đơn mà người ta thích lặp đi lặp lại.

Cách đây bốn năm chục năm là cách nghĩ mà bọn học sinh Hà Nội chúng tôi bị nhồi vào đầu:

– Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước.

– Làm sao mà các trí thức được đào tạo ở nước ngoài lại có lòng yêu nước nồng nàn như những người cả đời chỉ sống với mảnh đất này?

Giờ đây lối nghĩ giản đơn máy móc này lại đang chi phối cả đoàn quân chiến thắng sau chiến tranh, cố nhiên là nó hiện ra qua những dạng thức mới. 

– Đã đánh Mỹ được thì ta làm gì cũng được.

– Những người anh hùng dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh sẽ dắt dẫn chúng ta đến những đài vinh quang mới trong thời bình.

– Chỉ con cháu những người đã đổ máu vì đất nước này mới biết cách làm cho đất nước này trở nên thịnh vượng. 

Vì cách nghĩ ấy quá phổ biến nên khi đặt vấn đề về nó, chính tôi cũng ngần ngại. Nhưng ở tuổi 70 của mình tôi thấy không cách nào khác là chúng ta phải đưa nó ra bàn bạc.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Comments are closed.