VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (134): Ngựa chứng trong sân trường (2)

Duyên Anh

BUỔI TỐI TỈNH LỴ BUỒN TẺ. Nhưng tôi yêu sự buồn tẻ của tỉnh lỵ. Đời sống ở đây ít bon chen và an phận. Có lẽ, tại tôi sinh trưởng tại tỉnh lỵ. Bố tôi hồi còn sống đã mong muốn nếu tôi được học trong khu Đại học nghiêm trang, tĩnh mịch, rộng lớn của thủ đô Hà Nội, tôi sẽ học thuốc để trở thành Bác sĩ. Tôi không muốn giấu diếm ai những điều hèn mọn của gia đình mình. Ông Nội tôi chết năm tôi 7 tuổi. Tôi chỉ biết về Ông Nội tôi qua những câu chuyện mà Bố tôi kể cho nghe với nhiều chớp mắt. Đôi khi, hai giọt lệ ứa ra, không chịu chảy xuống má. Ông Nội tôi là một nhà nho ít may mắn, kể cả cái may mắn lều chõng đi thi. Thay vì nghe lời Ông Trần Tế Xương quẳng bút lông đi, viết bút chì, Ông Nội tôi đã miệt mài với bút lông, cốt thu nhặt ít chữ nghĩa của Thầy Khổng, Thầy Mạnh của thời mạt nho của giai cấp thông ngôn đã nắm quyền cai trị. Ông tôi học xong thì làm Thầy Đồ nho. Tôi cố hình dung Ông Nội tôi qua mấy câu phú của Trần Tế Xương: Thầy đồ thầy đạc, dạy học dạy hành. Vài quyển sách nát. Ba thằng trẻ ranh. Và câu đối của Cao Bá Quát: Nhà trống ba gian, một thầy , một cô, một chó cái; Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Bố tôi kể rằng Ông tôi đã sống hết đời với nỗi nghèo khổ. Thầy khóa tư lương ăn cơm nhà người ta dạy con cái người ta học thêm chữ nho. Cái tráp của Ông tôi luôn luôn đựng trứng gà luộc. Mỗi bữa cơm, Ông tôi đều nhớ mở nắp tráp, lấy quả trứng bày lên chiếc đĩa trong mâm cơm thường là rau muống, rau khoai hay cà, dưa chấm nước mắm cáy chấm tương. Để hễ khách tới bất chợt, khách biết thầy đồ được ăn cơm sang trọng. Có trứng luộc. Áo rách giữ lề đó. Chả khi nào Ông tôi dám ăn trái trứng. Tội nghiệp Ông tôi.

Một hôm, nhà học trò có giỗ, Ông tôi về đưa Bố tôi tới vì thương con, vì muốn con ăn được vài miếng thịt. Làng mạc miền Bắc không xa nhau mấy. Ông tôi về buổi sáng dẫn Bố tôi đến nhà Ông tôi “ngồi dạy”. Buổi trưa, đúng lúc cỗ bàn đã bày sẵn. Chủ nhà Ông tôi “ngồi dạy” nói một câu tàn nhẫn: “Thầy ăn chưa đủ sao còn đem cả con Thầy sang ăn nữa”! Dù năm ấy mới 10 tuổi, Bố tôi đã biết tủi thân và bỏ về. Câu chuyện tới đây, Bố tôi thở dài: “Con thấy chưa, đời Ông Nội con đấy.”! Ông tôi dạy học khắp các huyện trong tỉnh. Khi Ông tôi chết, học trò lo chôn cất và dựng một ngôi nhà cột gỗ bằng lim, tường xây bằng gạch làm nơi thờ phụng. Giỗ Tết, học trò về đông đủ bái Thầy. Tôi không quên ngôi nhà ấy, không quên những người học trò của thời đại Tây học đã tận diệt Nho học.

Bố tôi được Ông tôi kềm cặp, sau này, làm Ông Lang. Và tôi hiểu được nỗi ước mơ của Bố tôi. Nhưng Bố tôi chết trước khi tôi lên trung học đệ nhất cấp. Tôi bơ vơ làm lấy đời tôi. Tôi chọn nghề dạy học vì thương Ông tôi. Tôi hứa, bao giờ cưới vợ, có con, tôi sẽ bắt con tôi học thuốc để làm vừa lòng Bố tôi dưới lòng đất lạnh.

Tỉnh lỵ buồn tẻ đâu bằng sự buồn tẻ, quạnh hiu của một ngôi làng nào đó, nơi Ông đã đi hết đời mình. Ông tôi phải thương học trò lắm nên học trò mới nhớ ơn dạy dỗ của Ông tôi. Tôi thích tỉnh lỵ miền Đông. Những mái nhà ngói xanh rêu dù nắng rực rỡ sau những trận mưa xối nước khiến tôi tưởng tới những nhà lợp rạ khói bốc lên quyện lấy sương chiều và học trò của tôi hiền lành, ngoan ngoãn. Tỉnh lỵ miền Tây, nơi tôi đang gặp những ưu phiền, giàu sang gấp bội tỉnh lỵ miền Đông. Nhà hai ba tầng. Mái ngói đỏ tươi. Kiến trúc mới mẻ. Máy móc ồn ào. Trên mỗi nóc nhà là một cây ăng-ten. Ở đây, tôi không được nghe biển động. Tôi đã trải qua một ngày căng thẳng. Những con ngựa chứng lớp Đệ Nhị A2 vừa lồng lộn. Nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi đã bỏ cuộc rodéo giáo dục. Nhưng tôi có Nguyễn Văn Lành và trò Lành – cái tên thật dễ thương – khuyên tôi: “Thầy phải đề phòng bọn thằng Phong. Tụi nó giao du với những tên du đãng.”

Du đãng đã đáp xe đò xuống lục tỉnh. Bằng cách nào? Phải chăng bằng những phim chém giết, đấm đá Django? Phải chăng bằng những phim chưởng Trung Hoa mà ân oán giải quyết bởi kiếm chặt đứt đầu, bởi đao chém ngang thây? Phải chăng bằng những điều mà người ta gọi là tuổi trẻ phản kháng, tuổi trẻ mệt mỏi trong văn chương thời thượng nhập cảng do những cây bút vô trách nhiệm? Tôi không tin như thế. Vì, 4 lớp Đệ Nhị của tôi, ngoài đám ngựa chứng Đệ Nhị A2, học trò các lớp khác chỉ có vẻ không phục tôi, không kính trọng tôi, có vẻ dửng dưng với người dạy dỗ họ. Tôi ngạc nhiên khi trống trường điểm hết giờ, tôi yêu cầu lớp Đệ Nhị B1 ở lại nghe tôi nói chuyện mươi, mười lăm phút, họ đứng dậy, thu xếp sách vở vài nói:

– Thưa Thầy, bài giảng Thầy đã hết, các Thầy khác cho nghỉ sớm hơn…

Tôi hỏi:

– Nghỉ sớm hơn làm gì?

Một cậu học trò đáp:

– Để nghe các Thầy nói chuyện ăn chơi ở Sài Gòn.

Tôi thành khẩn:

– Tôi không nói chuyện ăn chơi.

Cậu học trò nhún vai:

– Vậy chán chết. Thầy có báo Playboy không? Coi hình đã lắm. Các Thầy trẻ như Thầy đều cho coi.

Thằng Phong (mai tôi dở sổ coi họ và tiếng lót của nó và sẽ xem hồ sơ của nó) đã mỉa mai tôi rằng sẽ biết tên nó khi đến nhà đánh phé. Những Ông giáo sư trẻ đến tỉnh lỵ này đã làm học trò mất niềm tin. Tôi cũng ngạc nhiên nhận thấy một số học trò gọi giáo sư một cách hờ hững và xưng tên tôi một cách thản nhiên. Khác hẳn với miền Đông. Miền Tây văn minh hơn miền Đông. Văn minh đến, đạo đức suy đồi. Tôi muốn nói tới những nền văn minh không được đãi lọc tinh hoa. Tỉnh lỵ miền Tây, nơi tôi vừa đến, sẽ mang một nỗi buồn tẻ tự trái tim của nó. Tôi đứng trên hành lang khách sạn nhìn xuống. Con đường thật sạch, chỉ có vài cọng rác. Tôi muốn làm người phu quét đường tỉnh lỵ. Phải giữ gìn tỉnh lỵ của chúng ta. Phải giữ gìn tuổi trẻ của tỉnh lỵ.

Hôm sau, tôi gặp lại học trò Nhị A2 trước. Cả lớp đứng dậy chào tôi. Tôi vẫy tay nói cám ơn họ. Thiếu 4 con ngựa chứng. Nguyễn Văn Lành dán băng keo ở trán và một bên mắt nó tím bầm. Tôi dở sổ gọi tên.

– Nguyễn Văn Phong!

– …

– Lê Quang Luyện!

– …

– Trần Chí Thiện!

– …

– Tôn Thất Du!

– …

Đó là tên 4 con ngựa chứng. Chúng nó vắng mặt. Không ai dám hô “Vắng mặt” dùm chúng nó. Gấp sổ gọi tên lại, tôi bước khỏi bục. xuống bàn Nguyễn Văn Lành.

– Anh Lành.

Nguyễn văn Lành đứng dậy, lễ phép:

– Thưa Thầy…..

Nó chớp mắt nhìn tôi ái ngại:

– Thưa Giáo sư, thưa…..

Và nó khóc oà. Lành ngồi đầu bàn. Tôi rút khăn đưa cho nó thấm nước mắt .

– Anh ngồi xuống. Học trò sắp trở thành cậu tú đơn, khóc lóc kỳ quá. Ngày xưa, bằng tuổi anh, mỗi ngày đi học tôi đều bị một trận đòn bắt nạt. Tôi không khóc, tôi nghiến răng chịu đựng. Sau đó, tôi nên người. Muốn làm một người có tâm hồn, ta phải trả giá thật đắt. Anh là một học trò có tâm hồn cao thượng.

Nguyễn Văn Lành trả lại tôi chiếc khăn đẫm nước mắt của nó. Và nó ngồi xuống. gục mặt trên bàn. Tôi biết nó đã bị bọn thằng Phong cảnh cáo về tội phá đám chúng nó trong giờ học đầu, chúng nó muốn đánh phủ đầu tôi . Chắc thằng Phong đã rạch lưỡi dao cạo lên trán Lành và đấm Lành sưng vù mặt.

– Thưa….

Tôi quay nhìn cậu học trò vừa lên tiếng:

– Anh muốn tôi giảng bài?

Cậu học trò lắc đầu:

– Tôi, giáo sư, Thầy, em…..tôi… phải xoay bảng.

Tôi hỏi:

– Anh được lệnh?

Cậu học trò ấp úng:

– Dạ, không…, tôi… em muốn xoay bảng giúp Giáo sư.

Nó dời chỗ, lên xoay bảng. Dòng chữ viết: “thằng giáo sư Định cút khỏi đây gấp. Lệnh của chúa đảng Sọ Người.” Cậu học trò xanh mặt ngó tôi. Tôi dịu dàng bảo nó:

– Cám ơn anh đã xoay bảng giúp.

Tôi tới bảng tìm giẻ lau không có. Ngựa chứng đã liệng nơi nào. Tôi lấy khăn mà Lành vừa thấm nứơc mắt, xóa đi rồi dùng phấn viết dòng chữ : Tôi nhất định ở đây dạy hết niên học. Lệnh của lương tâm và lòng tự ái của tôi. Tôi xoay bảng và lên bục Thầy giáo hành nghề. Nửa tiếng sau, bọn thằng Phong đến. Chúng vào lớp như rạp chiếu bóng. Ngựa chứng đầu đàn nhe răng cười, hất đầu trêu tôi:

– Đêm qua có rút không?

Nó giả đò:

– Chút quên, đêm qua giáo sư ở phòng ngủ. Mê ly hả?

Tôi nói:

– Anh nên vào chỗ nếu anh muốn học. Con đường anh hy vọng đi tới còn xa lắm. Thế nào chúng ta cũng co lần gặp nhau và giúp đỡ lẫn nhau.

Nó vất mẩu thuốc lá, dùng đế giầy dẫm nát:

– Tôi sẽ nhập ngũ , ra trận. Ông đựơc biệt phái làm Thầy thiên hạ, gặp nhau thế quái nào nhỉ?

Tôi nói:

– Tôi không trốn lính. Tôi không hèn nhát. Anh Phong, Nguyễn Văn Phong, anh nhớ gìum tôi điều đó. Tôi chưa bao giờ can đảm nhưng sẽ không thể hèn nhát.

Nó bĩu môi:

– Ngon dữ!

Tôi nói:

– Tôi chỉ có một mình, không vợ con để phải có trách nhiệm, không Bố Mẹ để phải phụng dưỡng. Tôi cần gì chạy chọt, xin xỏ trốn lính. Tôi đã là lính. Anh Phong không biết chuyện một giáo sư tình nguyện không về phép suốt chín tuần thụ huấn quân sự à?

Ngựa chứng đầu đàn móc túi rút điếu thuốc đầu lọc. Nó cắn chặt cái đầu lọc và cười khẩy:

– Cuối cùng, các anh vẫn được biệt phái làm thầy. Các anh trình diễn khéo lắm. Thôi, giảng bài đi cha nội! À khoan đã…

Nó bước nhanh lên bảng, xoay mạnh. Phong nhích lại. Nó ngó tôi:

– Thằng Lành hôm qua bị té xe.

Rồi về chỗ. Khi tôi giảng bài, ngựa chứng ngồi hút thuốc. Hút thuốc chán, nó lôi cái máy thu thanh bỏ túi đặt trên mặt bàn, mở nhạc. Tôi kiên nhẫn chịu đựng. Gần hế t giờ, ngựa chứng bỏ ra ngoài. Chúng nó ra như chúng nó vào. Tôi hỏi học trò:

– Các anh có hiểu những lời tôi giảng không?

Im lặng… Tôi nói:

– Đừng sợ bị phá. Mỗi chúa nhật, tôi sẽ dạy các anh để các anh khỏi bị trượt oan uổng. Vài hôm nữa, tôi xin một căn phòng ở trường. Tôi sẽ ăn ở luôn trong trường.

Anh nào kém bất cứ một môn gì, tới tôi, tôi kèm giúp.

Nguyễn Văn Lành đứng lên:

– Thưa Thầy, Thầy không dạy ở trường tư sao?

Tôi đáp:

– Không.

Nó nói tiếp:

– Chúa nhật, Thầy cần nghỉ ngơi, giải trí chứ?

Tôi nói:

Tôi giải trí với các anh. Các anh sẽ đậu hết, sẽ được hoãn dịch theo đuổi sự học tới bậc Đại học. Mà Lành….

– Dạ.

– Coi chứng kẻo bị té xe.

– Em không sợ té xe, thưa Thầy.

– Một người không muốn giống những người khác, chắc chắn, người ấy chỉ gặp những hàn oan và thù hận.

Tôi vẫy tay:

– Lành ngồi xuống.

Đôi mắt trò Lành ngầu đỏ. Nó nhìn tôi không chớp. Và , bất thần, nó đưa tay lên trán lột miếng băng keo. Vết thương còn non, ứa máu ra, Lành nói:

– Thưa Thầy, em biết chuyện Ông Carnot.

Bây giờ, nó mới chịu ngồi xuống, dùng ống tay áo sơ mi trắng thấm máu đỏ đang bắt dòng từ từ chảy trên má nó. Tôi muốn khóc, quả thật, tôi muốn khóc. Con đường tỉnh lỵ miền Tây chỉ có vài cọng rác. Và tàu ngựa của chúng ta chỉ có vài con ngựa chứng. Tôi nói thật nhỏ nhưng cả lớp đều nghe rõ:

– Các anh cho tôi một vinh dự quá lớn. Chằng biết tôi có bảo vệ nổi cái vinh dự đó.

Một cậu học trò đứng dậy:

– Thầy không giống các gíao sư trẻ dạy trường này.

Tôi nói:

– Các anh chưa thức khuya làm sao biết đêm dài.

Cậu học trò khoanh tay:

– Em sẽ thức khuya với Thầy.

Giờ dạy của tôi chấm dứt. Tôi không muốn dời khỏi lớp. Tôi muốn ở lại đây, gặp hoài học trò của tôi, nói với họ những gì tôi biết, tôi nghĩ về cuộc đời. Tôi muốn họ là học trò lớp 3. Và tôi là ông Thầy tiểu học. Tôi muốn có ngọn roi máng trên tường. Tôi muốn có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo cạnh ngọn roi mây. Tôi muốn được đập thước kẻ kêu giòn đầy quyền uy xuống mặt bàn Thầy giáo. Không có những thứ đó ở các lớp trung học. Nhất là các lớp trung học Đệ Nhị cấp. Ông thầy khi đã được gọi là giáo sư để phân biệt với giáo viên và học trò thích nhận mình là học sinh để chứng tỏ mình đã hết thời tiểu học thì cả Thầy lẫn trò đều xa nhau. Họ nghĩ rằng, qua cửa ải tú tài, học vài năm đại học là bằng Thầy. Vậy có gì để nói với nhau hơn là bài giảng đã ghi sẵn trong chương trình của Bộ Giáo Dục. Ông Thầy quên mất rằng học trò của mình đang là tuổi trẻ, và học trò quên mất rằng Ông Thầy còn là người hướng đạo cho họ, một mai, họ bước xuống cuộc đời. Những con ngựa chứng sẽ dẫn dắt bầy ngựa ngoan dời bỏ tầu ngựa nếu người chủ tầu ngựa buông xuôi trách nhiệm. Tôi hiểu chỉ có tâm hồn một Ông Thầy tiểu học già mới cảm hóa nổi những con ngựa chứng trong sân trường. Bằng kiên nhẫn. Bằng độ lượng. Bằng đức độ và cuộc sống đạm bạc. Tôi nhớ Ông Nội tôi, Ông Đồ nghèo khổ hành nghề giữa một hoàng hôn Nho học, giữa thời buổi mười người đi học, chín người thôi. Thế mà Ông tôi đã can đảm đi hết cuộc đời một Thầy Đồ. Tại sao tôi lại hèn nhát? Không, nhất định tôi dạy hết niên học ở đây.

Vì trò Nguyễn Văn Lành đã thương tôi đến nỗi phải đổ máu và nước mắt. Nó biết chuyện Ông Carnot. Tôi cũng biết chuyện Thầy Hoàng Cơ Nghị.

***

– ANH THU XẾP CHO TÔI MỘT căn phòng nhỏ trong trường, cạnh nhà ông tùy phái. Tôi muốn ăn ngủ trong trường cho tiện.

– Đến nhà moi đi. Còn một căn phòng trên gác. Lý tưởng lắm.

– Tôi muốn ở trong trường.

– Vấn đề an ninh à?

– Không.

Tôi trả lời ông hiệu trưởng và bày tỏ luôn sự khó chịu của tôi:

– Tại sao ông lại coi học trò bất bình thường như kẻ thù cần đề phòng?

Ông hiệu trưởng cười xòa:

– Toa bướng lắm Định. Moa biết bọn thằng Phong đã hăm dọa toa.

– Tôi thách thức chúng thì đúng hơn.

Ông hiệu trưởng nhún vai:

– Phải áp dụng câu tránh voi chằng hổ mặt nào, Định! Toa đừng tự ái vặt. Bọn thằng Phong đã đón đánh mấy ông giáo sư trẻ vì dám thách thức chúng.

Tôi không dằn được sự tức giận:

– Họ đáng bị khinh bỉ bởi họ không phải là thầy giáo dù họ đã tốt nghiệp ở trường dạy làm thầy gíao. Thằng Phong miệt thị tôi bằng cách đem mấy ông giáo sư trẻ đã đến nhà nó đánh phé với nó ra khoe khoang. Ở lớp khác, học trò đòi tôi kể chuyện ăn chơi ở Sài Gòn và cho họ xem báo Playboy vì các thầy trẻ đã làm như thế trước khi tôi tới. Anh không biết những chuyện đó, chuyện đê tiện của thầy mà chỉ biết sợ hãi, đề phòng những đứa học trò mất nết. Thầy đàng điếm, trò du đãng, có chi lạ. Anh muốn đuổi tôi đi khỏi đây cứ việc đuổi, nếu tôi đã nhục mạ anh.

Ông hiệu trưởng lắc đầu:

– Định, toa đừng nghĩ thế. Moa quý toa. toa làm moa suy nghĩ.

Tôi hỏi:

– Anh suy nghĩ gì?

Ông hiệu trưởng trầm ngâm giây lát, rồi đáp:

– Toa đã khích lệ moi. Đến một tuổi nào đó, con người đâm ra ù lỳ, an phận và hèn nhát chỉ vì sợ xê dịch. Moa ở đây khá lâu, muốn yên thân. Moa không khốn nạn như thằng hiệu trưởng đã đánh toa văng đi nhưng không dám can đảm như toa. Toa còn trẻ.

– Tôi sẽ già giống anh.

– Không, toa sẽ không giống moa. Toa làm rạng rỡ cho nhà giáo mới.

– Anh lầm, tôi chỉ muốn làm trọn bổn phận một thầy giáo. Anh có học cuốn Luân lý giáo khoa thư của Trần trọng Kim không nhỉ?

– Chắc moa quên.

– Trong cuốn đó, có bài Lương tâm chức nghiệp, kể chuyện một người thợ sửa cầu. Sửa xong thì hết giờ. anh thợ gói đồ nghề sửa sọan ra về, chợt anh nhìn thấy một con ốc còn lỏng. anh nghĩ chuyến xe lửa sắp chạy qua cầu có thể lật đổ, chết hết hành khách vì con ốc này. Không ai bắt anh làm quá giờ của anh ngoài lương tâm anh. Và anh thợ hèn mọn đã dở đồ nghề, siết chặt con ốc. Anh chằng cần ai nhớ ơn anh và cũng chẳng cần ai biết anh. Nhưng lương tâm anh yên ổn. Tôi muốn bắt chước anh thợ hèn mọn này. Tôi sẽ đưa bọn thằng Phong trở về bàn học của chúng nó hoặc tôi sẽ đổi nghề. anh nên giúp đỡ tôi, tôi không cô đơn. Cả lớp Nhị A2 thương tôi trừ bọn thằng Phong. Chúng nó sẽ cô đơn. Không ai dám đổ máu vì chúng nó song đã có cậu Nguyễn Văn Lành dám đổ máu vì tôi. Anh biết chưa?

Ông hiệu trưởng sứng sốt:

– To chuyện thế rồi cơ à?

Tôi mỉm cười:

– Mới khởi sự, đôi khi, vì cần siết chặt con ốc, người thợ có lương tâm phải sứt da, chảy máu.

Ông hiệu trưởng rút điếu thuốc mới, quẹt diêm, mồi thuốc. Cử chỉ của ông chậm rãi, bình tĩnh, nhưng, thật ra, ông đang bối rối. Ông nhìn khói thuốc:

– Toa đã ném tảng đá xuống hồ, mặt hồ của moa gợn sóng và sắp nổi sóng.

Tôi nói:

– Ông có đủ lý do để thuyên chuyển tôi.

Ông hiệu trưởng dập vội điếu thuốc:

– Toa đừng dồn moi vào chân tường.

– Tôi không bắt anh về cùng phe tôi. Anh cứ thụ động, thụ động cho tới khi thằng Phong rạch lưỡi dao cạo vào trán anh hoặc anh làm hiệu trưởng suốt đời ở đây. Tôi chỉ muốn anh nhìn bọn thằng Phong bằng con đôi mắt xót thương. Anh phải cứu rỗi nó.

– Cứu rỗi?

– Vâng , chúng ta đang giữ nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần chúng nó.

– Moi cho toi biết, thằng Phong là con trai cầu tự của ông phó Tỉnh trưởng nội an.

Tôi đập nắm tay xuống bàn ông hiệu trưởng:

– Nó là con ai mặc xác nó. Với tôi, nó chỉ là thằng học trò ngỗ nghịch. Và tôi, Tôi sẽ làm cho nó hết ngỗ nghịch.

Ông hiệu trưởng bóp trán thở dài:

– Toa bướng quá. Moa có cảm tưởng là toa gàn. Một con chim én không làm nổi mùa Xuân.

Tôi lắc đầu:

– Anh sẽ thấy con chim cô độc vẫn làm nổi mùa Xuân. Tôi không gàn. Những người đã chết cho một lý tưởng đẹp thì không gàn.

Ông hiệu trưởng chớp mắt:

– Quả thật, toi xứng đáng làm Tổng Trưởng Giáo Dục.

Ông đứng dậy, chìa tay:

– Moi sẽ giúp toi.

Tôi bắt chặt bàn tay một đàn anh:

– Chỉ cần một căn phòng trong trường là đủ và tôi muốn anh đứng ngoài cuộc rodéo.

Tôi cười:

– Anh làm trọng tài.

Vài hôm sau, tôi dời khách sạn Thanh Bình, vào sống ở trong trường như một người tuổi trẻ dời cám dỗ bên ngoài để vào nhà tu. Thầy giáo cũng chỉ là một nhà tu. Hơn một nhà tu vì không được khoác áo nhà tu. Căn phòng ông hiệu trưởng lo liệu giùm tôi nằm ngay cạnh căn phòng ông tùy phái già. Trước đây, căn phòng dùng làm nơi chứa những bài thi lục cá nguyệt và thi vào đệ thất. Ông tùy phái già phải tìm chỗ khác để dọn cái đống này đi, hoặc chờ đem đốt hoặc bán cho người ta gói hàng. Ông tùy phái già rất thương tôi. Ông không nói, nhưng tôi hiểu. Ông quét dọn, rửa nền nhà và bảo tôi mua sơn về để ông quét tường. Tôi bảo không cần. Ông tùy phái xịt thuốc muỗi đến cay cả mắt. Ông kiếm cho tôi cái tủ nhỏ đựng quần áo, cái bàn viết và chiếc divan. Đại khái, căn phòng của tôi là căn phòng suốt quãng đời đi học tôi mơ ước. Bây giờ mới có. Tôi ngỏ ý nhờ ông tùy phái già nấu cơm tháng. Ông nói sợ cơm gia đình không xứng đáng cho một giáo sư. Tôi phải trình bày những ngày cơm dĩa ở vỉa hè Sài Gòn, ông mới chịu nhận lời. Ông mời tôi qua nhà ông, giới thiệu vợ con ông với tôi. Cô con gái út ông là học trò lớp Nhị B1. Cô bưng nước trà nóng mời tôi uống.

Ba cô giục:

– Con chào Thầy đi con.

Cô học trò lễ phép:

– Thưa Thầy….

Tôi hỏi:

– Phải Nguyễn Thị Lan không?

Cô học trò vân vê mép bà ba trắng:

– Dạ, Thầy nhớ tên em mau quá.

Ông tùy phái mắng con:

– Đứng trước Thầy phải khoanh tay, lễ phép. Ba cấm con xưng em với Thầy. Thầy cũng như Cha Mẹ. Con phải xưng con với Thầy.

Cô học trò Nguyễn Thị Lan vội vàng khoanh tay, cô cúi gầm mặt. Có lẽ cô xấu hổ. Tôi nói:

– Học trò bây giờ xưng hô với các giáo sư trẻ như thế cả, bác ạ!

Ông tùy phái nói:

– Tên tôi là Năm.

Ông tiếp:

– Trẻ già cũng vậy, đã dạy mình, tức là Cha Mẹ mình. Không Thầy đố mày làm nên.

Ông già Năm – tôi không muốn gọi ông là tùy phái – phân trần:

– Học trò bây giờ hư hỏng, chúng nó không kính trọng Thầy.

Ông chép miệng:

– Đọc nhựt trình, tôi thấy học trò ở Sài Gòn bỏ bê học hành, chạy rông ngoài phố phá phách còn cãi láo “Bé không học, lớn làm cảnh sát dã chiến”. Tưởng làm thứ gì chớ làm cảnh sát dã chiến đâu có khó.

Ông bảo con gái:

– Vô trong nhà để Thầy và Ba nói chuyện.

Cô học trò cúi đầu chào tôi, ông già Năm thở dài:

– Chuyện thằng Phong làm Thầy buồn hả? Tôi vái trời nó sớm đi lính.

Ông đẩy tách nước về phía tôi:

– Mời Thầy dùng nước đi, kẻo nguội,

Tôi cám ơn ông già Năm và uống cạn tách nước. Hương trà thơm. Thơm như tình người tùy phái tỉnh lỵ. Ông già Năm cũng tưởng tôi xin vào trường, ăn ngủ trong này để đề phòng bọn thằng Phong. Thú thật, tôi không sợ thằng Phong. Nếu tôi không dạy học, không dạy nó học, nếu tôi làm nghể khác mà bị bọn thằng Phong gây sự, dọa nạt, tôi sẽ cho nó và bạn bè nó một bài học đích đáng bằng võ lực. Hồi còn bán báo ở bến xe lục tỉnh, tôi đã đánh gục hai thằng lơ xe đò toan bắt nạt tôi khi can thiệp vào vụ chúng nó đánh một đồng nghiệp báo bé nhỏ của tôi và vất báo thằng bé tung tóe. Tôi học võ, võ nghệ của tôi chưa cao cường, song thừa khả năng quật ngã bọn thằng Phong. Nhưng giáo dục là chinh phục tâm hồn chứ không phải phô trương vũ lực. Một đồng nghiệp của tôi bị một thí sinh giết chết chỉ vì ông đã xử dụng võ nghệ đánh đấm bọn thí sinh mất dạy. Tôi có vẻ lạc hậu, tầm hồn nặng chất quốc văn giáo khoa thư. Bài học của Thường Tung dạy Lão Tử, tôi ghi nhớ nằm lòng. Thường Tung sắp chết, Lão Tử đến thăm. Thường Tung há miệng ra hỏi: “Răng ta còn không?”, Lão Tử đáp: “Hết”. Thường Tung le lưỡi hỏi: “Lưỡi ta còn không?”, Lão tử đáp: “Còn”. Thường Tung căn dặn: “Ngươi phải nhớ kỹ, lưỡi mềm thì còn, răng cứng thì gãy”. Dạy đệ tử bài học cuối cùng, Thường Tung nhằm mắt. Tôi nhớ bài này và luôn luôn nhẫn nhục, mềm mỏng, khi bước xuống cuộc đời.

Không thể cứng rắn với đám ngựa. Cứng rắn là đổ vỡ. Tôi ít tự phụ nhưng nhiều tự ái. Đã vượt qua bao nhiêu chướng ngại vật cuộc đời, đã chiến thắng nhiều hoàn cảnh, đã vươn lên từ một thằng bé mồi côi, vất vưởng, tôi không thể thua bọn thằng Phong. Tôi sẽ bắt nó khuất phục tôi, chỉ cần nó trở về, ngồi ngoan trên ghế nhà trường như những Nguyễn Văn Lành. Chỉ cần có thế.

– Bác Năm.

– Dạ.

– Bác biết gì về những thầy trẻ ở đây?

– Họ khác Thầy.

– Làm sao Bác Năm biết khác tôi?

– Biết chứ.

Ông già Năm có vẻ kiêu hãnh về nhận xét của ông. Ông châm thêm nước cho tôi và nói tiếp:

– Tôi làm tùy phái từ ngày trường mới cất. Tôi già bằng cái trường này rồi. Già tuổi nghề đó Thầy. Rất nhiều thầy, trò đã bỏ trường ra đi, tôi vẫn ở lại, Người già biết nhiều chuyện, biết so sánh.

Tôi nói:

– Tôi vừa chân ướt chân ráo về đây, bác Năm đâu đã hiểu tôi.

Ông già Năm mỉm cười. Nụ cười thật đôn hậu. Ông nói:

– Nói hay cho Thầy, Thầy chắc không thích, Nhưng Thầy có tướng ông Thầy. Nhìn qua là nhận ra liền.

– Cám ơn Bác Năm.

– Thầy xin vô trường là phải. Rồi bọn thằng Phong sẽ bỏ học. Bọn nó học hành gì. Học ăn cướp. Ông già nó chẳng ra hồn người. Rõ thiệt cha nào, con nấy.

Quả nhiên ông già Năm đã tưởng tôi đề phòng bọn thằng Phong đón đường hành hung. Tôi không muốn giải thích.

– Thầy Định.

– Dạ.

– Các Thầy bây giờ sao trẻ thế? Thầy trẻ khó dạy trò.

Tôi chẳng hiểu phải trả lời ông già Năm ra sao, khó trả lời. Khó trả lời quá. Tôi lảng chuyện:

– Bác Năm.

– Dạ.

– Tôi muốn qua đây dùng bữa cho đỡ phiền hai Bác.

Ông già Năm xua tay:

– Không được, con Lan sẽ lo cơm nước cho Thầy. Nó có bổn phận ấy. Thú thiệt, tôi rất vinh dự được nấu cơm giúp Thầy. Thầy không thích ở khách sạn, ăn cơm tiệm sang trọng, vậy là Thầy đã khác mấy ông thầy trẻ.

Tôi nói:

– Tối nay, mời Bác qua bên tôi, tôi muốn hiểu tất cả những gì bác nhận xét về các ông thầy trẻ đã bị bọn thằng Phong hành hung.

Ông già Năm vui vẻ:

– Được, thầy Định.

Comments are closed.