Cú Ngã

Truyện

Tru Sa

Tặng Người Quen

Hắn ngã cầu thang. Tai nạn năm sáu tuổi. Một cú đau trước ngày vào đời.

Hắn vào lớp một. Mẫu giáo cũng là một trường học, thứ biên giới khác nằm ngoài hệ thống gia đình. Mẫu giáo bé, rồi mẫu giáo lớn, những nơi ai ai cũng phải đi qua. Thời con nít của tôi, vì nghịch ngợm nên chẳng bao giờ được phiếu bé ngoan. Cô giáo đã tát tai khi tôi hát sai nhịp. Cái tát không làm tôi khóc dù tôi đã ngã lăn dưới đất. Bàn tay thép cùng khuôn mặt quỷ sứ của cô đã phủ ác mộng lên tuổi trẻ con của tôi. Dấu tát đỏ ửng má là bằng chứng kết tội bảo mẫu. Cha tôi đã đòi công đạo cho tôi bằng cái tát khiến cô giáo ngã lăn, hộc máu và bất tỉnh. Tôi chẳng thấy cha mình, trước mặt tôi là con quỷ đực đánh gục con quỷ cái. Ấn tượng đầu tiên của tôi với trường học là thế, và điều này đã đeo bám, khiến tôi luôn kiêng dè mọi thầy cô giáo. Tôi không kính trọng một ai, và luôn luôn co mình thủ thế. Với tôi, một giáo viên điển hình là phải biết tát trẻ con ngã lăn dưới đất.

Trở lại chuyện của hắn, như tôi đã kể, hắn từng ngã cầu thang. Cái cầu thang hắn ngã là ở nhà hắn. Đấy là một cầu thang dài, uốn nối lên sân thượng. Vốn là kẻ thích leo trèo nhưng kì quặc là hắn chỉ biết leo lên, không biết leo xuống. Cầu thang dựng cũng thế, cầu thang đóng thành bậc trên tường cũng vậy, ngay cả cầu thang bậc, xây cao cũng làm hắn khó xuống. Ngày hôm đấy mấy anh chị, chú bác thì đi làm hoặc ở tầng dưới. Hắn leo lên từng bậc, và khi mãn chí trên tầng thượng thì đòi xuống. Cầu thang chín bậc, bậc trên cao gấp hai bậc dưới, uốn gấp như thân rắn. Hắn kể rằng đã ngồi trên từng bậc thang rồi tụt xuống từng bậc một. Một cái vấp, trơn khiến hắn đổ nhào. Hắn lăn như quả bóng và đập đầu xuống một bậc thang. Hắn bị u đầu. Cục u to như quả ổi. Tiếng khóc đầu tiên của hắn là thế. Trong một cú ngã lộn ngược đập đầu.

Ngày chào đời hắn đã khóc tiếng khóc của mọi thiên thần bị trục xuất. Những lần khóc vì mẹ vắng nhà, vì không được mua quà, không được cho đồ chơi, bị vấp té hoặc do bản tính mít ướt chẳng từ một cơn đau. Đây là tiếng khóc đầu tiên, cú vào đời đau điếng để từ sau đấy hắn mãi chìm vào tiếng khóc.

Tôi nghe nhiều về hắn. Trước và sau, hắn vẫn là con dơi treo mình trốn ánh sáng. Thời bé con hắn hay vẽ vời. Vì vẽ hắn quên tất cả, học hành chểnh mảng cũng vì mải vẽ. Hắn không còn nhớ gì về số tranh vẽ lúc bé, tôi đồ rằng hắn chưa quên, chỉ nhớ không được rõ. Những bức tranh nhem nhuốc chẳng nghĩa lí gì dù được tạo ra từ những giấc mơ, những tưởng tượng, thứ mà mọi đứa trẻ đã bị truất bỏ, bị nghiền nát trong lò đúc tạo nhi đồng miền Bắc. Nát bét. Hắn nói với tôi, nhưng về những bức tranh trẻ con của hắn hay về những tưởng tượng ấu trĩ cũng của hắn. Lí lịch của hắn, ngoài tên, năm sinh, giới tính là sự khạc nhổ vào cái đầu ngu si, được cha mẹ chu cấp đầy đủ, trang bị đến chân răng. Hắn học dở và mỗi lần trả bài kiểm tra là một bữa đòn roi. Gia đình hắn mướn gia sư liên tục nhưng chẳng tẩy sáng được cái não bộ ngập ngụa hình ảnh tưởng tượng. Một lần, hắn gom lá cây, rác rến và đốt giữa sân trường. Cô giáo chủ nhiệm lớp hắn đã gô cổ hắn, ném vào phòng bảo vệ và mời cha mẹ hắn đến để trả con. Tội danh phóng hỏa được đóng thẳng lên mình hắn. Ai cũng đều biết lửa chỉ cháy lá cây nhưng việc mang diêm đến trường đã đủ kết tội âm mưu phá hoại tài sản công cộng. Cô giáo bảo kẻ cầm súng rồi sẽ bắn người. Hạnh kiểm của hắn bị đánh tụt xuống âm rồi lần lượt được kéo lên trung bình sau những cuộc hẹn hò lén lút của cha mẹ hắn với cô chủ nhiệm.

Hắn thường xuyên không đeo khăn đỏ. Hễ trống đánh, báo chuyển tiết là hắn tháo béng khỏi cổ. Sao đỏ không bao giờ buồn vì luôn được chấm công khi tóm cổ tên hắn vào sổ. Trong khi các bạn đồng lứa khéo léo buộc lại khăn thì hắn loay hoay, chỉ vắt được khăn. Mẹ hắn thường xuyên buộc khăn giúp hắn, nhưng tôi được biết cả khi được dạy hắn cũng không thể tự đeo. Hắn quá vụng về để có thể thắt nút đúng, gấp ra hai sợi râu màu cánh hoa hồng phất phới. Tôi không biết hắn có cố tình làm trò không khi không tháo khăn bằng cách gỡ nút. Hắn kéo hai đầu khăn, cái nút thắt thít chặt vào và thu nhỏ so với ban đầu. Càng kéo, khăn càng sít, và tròng quanh cổ hắn như vòng khóa. Hắn loay hoay, rồi lăn bò dưới đất khiến ai cũng phì cười. Chúng bạn ngừng cười khi mắt hắn trợn ngược, nằm lịm một chỗ. Cô y tế bảo hắn bị choáng do đói. Lần khác, hắn bị cô giáo bắt đứng lên bục giảng vì dám bôi bẩn vào khăn quàng đỏ. Một cái khăn đỏ tươi màu nhiệt huyết, dù có sờn, bạc vì dùng lâu nhưng đã lem luốc khi hắn chép lên các công thức toán, khái niệm, định nghĩa môn lịch sử hoặc nhiều đoạn trong bài kiểm tra làm văn thuộc lòng.

Một tội lỗi nghiêm trọng bao gồm cả gian lận thi cử, lười học lẫn phạm thượng làm xấu đồ dùng nhà trường. Cô giáo hắn đay nghiến rằng khăn là màu cờ, trét bẩn khăn đỏ là trét bẩn màu cờ, ném bùn lên tổ quốc. Mày đáng chặt đầu. Đấy là lời hắn nghe từ cô giáo và tôi nghe lại từ hắn. Tiếng cô giáo làm cả lớp im phăng phắc. Cô giáo im lặng một chốc, những khiển trách sau đấy nhỏ nhẹ, từ tốn, nhấn mạnh nhưng không xắn phật như dao cắt tiết. Thế rồi cô giáo gọi hết cán bộ lớp cho đến thành viên lớp và hỏi hắn có đáng đuổi học không. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng gật, và đợi khi cô giáo nguôi giận thì nói đỡ để hắn không bị đuổi, chỉ kỉ luật, hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh, hay đình chỉ một, hai ngày học.

Hắn là cái ách của gia đình. Họ đang nuôi một con mèo không biết bắt chuột, chỉ biết ăn, nằm ườn và ỉa đái tứ tung. Học bạ của hắn nhìn bết bát. Cứ học lại quên, bao nhiêu kiến thức vào đầu hắn là nhão nhớt thành nước lã. Người nhà hắn bàn rằng hắn bị đần độn do cú ngã đập đầu lúc bé. Tôi thuộc quá khứ của hắn hơn hắn. Người nhà nhồi hắn uống thuốc bổ não, đi khám thần kinh, mướn thầy giải hạn và ép hắn uống những bát thuốc của lang vườn nhiều đến mức hắn phải nhập viện vì trúng độc. Khỏe lại, hắn vẫn thế. Vẫn vẽ vời linh tinh và vẫn đội sổ. Mấy ông anh họ hắn bảo Tương lai thằng này là cái sọt rác. Cha mẹ hắn có nói về trí khôn của hắn trước lúc ngã, bảo rằng hắn vốn thông minh. Cái thông minh của hắn là ăn ngon, biết gọi mẹ lúc đói, vòi vĩnh quà đi chợ và biết thú tội khi đái dầm. Đôi vợ chồng kể lể, cười cùng nhau và trách cái cầu thang quá cao đã xô ngã con mình.

Bức tranh hắn tặng tôi qua đường chim bay đã tan tành. Đấy là khi tôi nhìn mãi không hiểu gì. Tôi gửi thư cho hắn. Một chiều mưa tầm tã, tôi nhận được thư hồi đáp. Trong thư hắn viết một chữ Đốt. Tôi không nỡ đốt, nhưng cuối cùng bức tranh cũng cháy. Lúc cháy, bức tranh như được tái tạo bằng đường cọ sắc. Lửa ăn đến đâu, tranh rõ đến đấy. Trước kia cố nhìn thế nào tôi cũng chỉ nhìn ra một khối thù lù, lem luốc dấu chân bẩn. Giờ đây, một bản lề khác ngoi lên, chấp chới, uốn lượn như vật sống. Lửa đã dẫn màu tranh và khoác lên chúng thứ nhựa tái sinh. Mọi hình ảnh xối phụt như nhát cuốc cắt trúng mạch suối. Nét tranh cuồn cuộn như thành phố chợt bừng tỉnh. Mắt tôi không rời được ngọn lửa, các hình ảnh như đang bay lượn trong đầu, dắt tôi vào chốn siêu thần. Lửa tàn, tranh chết thành tro. Thành phố lãng quên thức giấc rồi lịm đi, chết vào vĩnh cửu. Tôi thọc tay vào đống tro tàn, cố sục sạo. Không tìm thấy mẩu tranh nào, tôi gục xuống và ôm mặt khóc.

Tôi gửi thư báo cho hắn chuyện bức tranh. Thư trả lời của hắn viết rằng Mày giết đi cái chết của bức tranh. Trong mày có thánh.

Hắn lại ngã cầu thang.

Hắn quên mọi chuyện kể từ sau lần ngã đấy. Tôi thì nhớ, đúng hơn, tôi thuộc nằm lòng. Mỗi một chuyện trôi đi, mỗi một ngày chết đi sau 24 giờ, sẽ thành quá khứ. Hắn ghét điều này, còn tôi thì thích thú nhai nuốt kí ức của người khác. Hồi ức của người là món khoái khẩu của tôi. Tôi nhai nhỏ, chậm rãi cho đến khi tất cả nhuyễn nhừ, và nhập vào cơ thể tôi. Hắn cho không tôi quá khứ của mình. Lần với đến một mẩu kí ức tròn vo như viên kẹo đường, tôi bỏ vào miệng. Tôi không nhai mà ngậm, lấy lưỡi vờn chơi. Thước phim về hắn. Tôi không nhìn thấy người bạn nào của hắn. Bọn cùng lớp hưởng thụ các trò vui của hắn, tiếc nuối khi hắn không đến trường và vứt hắn vào xó tối khi tìm được một thú tiêu khiển mới. Bài làm văn tả cô giáo, đọc bài nào tôi cũng thấy tiên nữ. Hắn tả cô giáo có bộ mặt choắt, tai dơi cùng mái tóc khô cứng màu cánh gián, lúc nổi nóng cô lấy phấn ném như quăng lựu đạn. Hắn bị tống vào xó lớp, ngồi một mình một bàn, một ghế. Hắn cô độc một cõi, và hắn tha hồ vẽ vời cho đến lần mời phụ huynh cuối kì về điểm học tập. Án lưu ban. Bạn cùng lớp ê ồ hắn, hắn thành nỗi ô nhục của gia đình máu mặt nhất Phố Cổ.

Lí do đần độn từ một cú ngã mất hiệu lực. Người nhà hắn mắng hắn té tát. Mắng chán, họ đánh hắn đến gãy thước kẻ. Cha hắn nhìn hắn như kẻ thù, chửi rằng Đồ quái thai. Người lớn băm bổ vì hắn đã phá hoại danh dự gia đình. Mấy ông anh hắn học giỏi, nhiều bằng khen và đều là cháu ngoan. Hắn ngu dốt và hư đốn bậc nhất. Hắn chỉ ngã gục khi mọi vở vẽ bị đem bán đồng nát. Nhiều trang vẽ của hắn được tìm thấy trong sọt rác nhà xí. Tất cả đều nhăn nhúm, dính bệt những mẩu cứt vàng, đen. Lũ ruồi đánh chén cả lớp cứt bám lẫn giấc mơ hạ sinh trong hình vẽ của hắn.

Hắn tìm lên sân thượng. Đi lại chán chê, hắn xuống nhà. Hắn vấp cầu thang. Lần ngã này hắn không lăn mòng mòng mà ngã thốc một lèo, trượt từ trên xuống. Lúc hắn húc vào bức tường chắn ở đoạn gấp khúc cầu thang thì bất tỉnh. Sau đấy hắn còn lăn thêm vài bậc nữa rồi mới tiếp đất. Cái đầu hắn cũng đập xuống bậc cuối cùng. Hắn ngã từ đỉnh cầu thang xuống đáy cầu thang. Cú ngã này làm cơ thể hắn trầy trụa, bầm tím như cạo gió độc. Người hắn bầm máu nhưng đầu không chảy máu. Thời điểm này, cơ thể hắn đã cứng cáp, sẵn sàng cho tuổi trưởng thành nên Thần Chết vừa vung lưỡi hái lên đã chém hụt. Người nhà hắn quên hết bực bội, túc trực bên giường hắn.

Sau lần ngã này hắn trầm tính đi. Hắn không chào hỏi ai, không nói chuyện với ai. Đi học về, hắn chui vào phòng. Hắn đọc sách. Cái tủ sách từ thời ông nội, hắn lấy làm của riêng. Trong nhà không ai nói gì, trái lại còn mừng vì món gia tài thừa thãi đã có người chịu khuân. Đọc hết sách của ông, hắn tìm đến thư viện. Mắt hắn bớt tinh tường và mãn kiếp núp sau hai mắt kính dày lên theo thời gian.

Hắn ở Bắc, tôi mạn Nam. Tôi kính vua Gia Long, hắn nể đế Quang Trung. Tôi và hắn thư từ qua lại suốt. Chỗ tôi mưa dai dẳng. Chốn hắn ở mưa nắng thất thường. Tôi bảo hắn Nguyễn Huệ không phải chân mệnh thiên tử, đấy là kẻ đồ long. Hắn gật nửa chừng. Trên đời ai cũng là chân mệnh thiên tử. Ai nhận ra mình là rồng sẽ đồ sát mọi con rồng. Lời hắn, tôi còn nhớ. Tôi viết thư đến hắn Tây Sơn là phường giặc cỏ. Hắn hồi đáp tôi Trong chiến tranh, phe ngược chiến tuyến thì là giặc. Xiêm La là giặc, Đại Thanh là giặc, Tây Sơn là giặc, nhà Nguyễn cũng là giặc. Giặc bên ngoài là đại thù, giặc bên trong là thiên địch. Chính quyền sống thọ nhờ máu xương nhân dân. Một lần khác, hắn nói Chiến thắng là hào quang càng nhìn càng mù mắt. Một dân tộc chỉ biết ợ nhai lại muôn đời vẫn còi cọc. Tôi viết Phủ nhận những hiển hách của lịch sử có làm nên trang sử mới không? Hắn viết Lịch sử là nguồn gốc mọi giống nòi. Một trường sử kéo dài bằng chém giết, sẽ tự tiêu vong… Chữ hắn cắm xuyên giấy Một đất nước không còn dân khí, sử cũng xếp xó. Hiển hách…

Hắn trầm tư, đôi mắt gần đó thôi mà xa xăm, cao vút cô độc.

Từ bao giờ, cha mẹ hắn luôn khép nép khi thấy hắn. Dường như lúc hắn vắng nhà thì cả gia đình đều dễ thở. Sách vở khiến khuôn mặt hắn sáng láng nhưng cũng khó gần. Tôi còn nhớ lần gia đình hắn đang tiệc tùng, hắn chợt nói to Ai cũng cười thì ai khóc. Gia đình hắn nháo nhác chẳng hiểu. Hắn mở toang cửa, nói to Ai cũng cười thì tôi đi khóc. Tiệc gia đình kết thúc tại thời điểm hắn chạy ra cánh cửa mở toang hướng ra bên ngoài. Một đám cháy đang ngùn ngụt phía xa, dân cư xúm lại xôn xao như ngắm pháo hoa. Bên cứu hỏa không ai nhấc máy. Khắp các cột điện, bờ tường công cộng dán thông báo cảnh giác, lệnh truy nã hoặc tin tìm trẻ lạc. Những cảnh báo leo khắp phố phường, bám nhan nhản muôn nơi như tự nhân bản. Bọn trẻ lạc nhà rồi cũng về lại với gia đình, chúng, đã là cái xác rỗng nội tạng.

Hắn Bắc, tôi Nam. Tôi thư từ qua lại với hắn vào mỗi lúc rảnh. Tôi luôn đói kí ức, còn hắn sẵn sàng hiến cho tôi dù một phần hay toàn bộ quá khứ. Tranh của hắn hoặc sẽ mốc meo trong phòng tối, hoặc sẽ bị quẳng đi nếu treo trong triển lãm. Các tranh sệt màu ảm đạm, trắng loãng như con ngươi chết, nhiều khi hắn vẽ một cánh đồng gồm các đốt xương nối lại với nhau, các bàn tay xương dưới đất với tìm tiếng gọi phía trên, mẹ tìm con, con tìm mẹ, đi qua nhau mà không biết, chỉ ngửi thấy hương ruột thịt. Nhiều bức chỉ có thể giải mã bằng cách ném vào lửa. Oái ăm là, thứ tranh hiện hình trong lửa sẽ mất giá trị nếu quay, chụp lại. Máy chỉ rọi ra cảnh giấy tranh cháy trong lửa. Một quang cảnh vô vị, tệ hại còn hơn ngắm bắp ngô chín dần trong lửa than hồng. Hắn hay ra ngoài, chỉ một mình và trở về nhà, cũng một mình trong căn phòng trống. Quanh buồng hắn cơ man biết bao nhiêu sách. Ngoài việc vẽ, hắn viết bài kiếm tiền. Nhà hắn bao ăn ở, còn tiền nong hắn tự lo, những món tiền đem lại bất an và phiền phức vì mỗi tháng các cán bộ phường lại bấm chuông nhà hắn. Các cán bộ bảo hắn đừng u uất nữa, viết cho đẹp đời. Chừng nào xác người không ngã xuống nữa thì đời đẹp. Lời hắn. Người nhà hắn nói Trăn trở tối ngày thì tương lai con ở đâu trong mớ ngổn ngang như bòng bong. Nhìn xem, tuổi trẻ mà thân xác đã hoang tàn bệnh tật, ăn cũng trầm tư mà ngủ cũng trằn trọc đến mức phải chong đèn đến sáng. Ai bắt tội con nào. Có đáng gì, khi tự hành xác mình vì những chuyện không đâu. Tàn hại cuộc đời thế này thì ai cứu được con. Sau đấy, lời của hắn như chẻ đôi tiếng ruột già Nhìn đồng loại đau, mà không thấy nhói thì loài người tuyệt chủng. Đôi mắt mất tiếng khóc là đôi mắt mù. Đừng nghĩ rằng Chúa đã đày đọa giống người vì một trái quả, đấy là thử thách. Con người vốn là lý tưởng của Chúa. Lý tưởng này sẽ cứu thế giới, đe dọa thế giới hay đồng lõa với thế lực ma để diệt chủng, đưa Văn Minh về Đồ Đá. Mọi tội ác lớn trên thế gian đều từ con người. Nếu không chuộc tội, sẽ quay quắt trong ngu muội để rồi chết phí phạm trong tiếng nấc của Chúa. Con cầm bút vì nỗi đau đã gọi con làm thế, nếu con không còn biết đau, hãy cho con một dao. Hắn đã nhượng phần kí ức này cho tôi. Và tôi nhai, nuốt trong sự buốt rát cuống họng. Như nuốt miếng thủy tinh nhiều cạnh sắc, tôi đã bật máu miệng, rách họng và tan nát ngũ tạng. Chính trong cơn quặn đau vật chất này, tôi nhìn được hắn. Có lần, hắn lấy kéo cắt rách mười đầu ngón tay, và vẽ trong cái đau run rẩy, quyết không đánh rơi bút. Tôi hỏi hắn sao phải khổ thế. Hắn bảo tôi Có đau hơn Chúa Jesu đóng đinh trên thánh giá? Tôi bảo Đâu thể so mình với Chúa. Hắn hỏi Chúa Jesu cũng là người? Tôi gật. Hắn tiếp lời Chúa Jesu là người, tôi cũng là người. Tại sao Chúa có thể chịu đau, mà tôi thì không. Tôi bảo hắn không thể hóa Chúa. Tôi chịu đau để hiểu Chúa. Tôi không là Kitô hữu, tôi là chiên.(*) Hắn nói.

Bức tranh vẽ từ mười ngón tay bật máu được bày triển lãm. Người xem tranh nhìn qua rồi đi hẳn. Hắn khiêng bức tranh ra đại sảnh và châm lửa. Lớp màu sệt như tường sắt đổ sập, để lộ lối bắc vào cõi tự do, người da màu hôn người da màu. Mười con rồng vươn mình trong ngọn lửa. Tranh khiêu vũ trong lửa hay lửa đang chiếm đoạt tranh. Lúc này, cơ thể thánh nữ đồng trinh đang bị lóc, bị ăn sống cả xương, ôi, tiếng hát gọi nhân sinh. Người ở sảnh đường cứng đơ nhìn tranh cháy, và cứng đơ suốt một ngày một đêm cho đến khi ai nấy ngã đo đất vì kiệt sức. Một xe cứu thương được điều đến. Lúc tỉnh lại, họ trốn khỏi bệnh viện, tri hô cứu cái đẹp. Tôi không biết họ còn sững sờ vì bức tranh bị cháy hay vì cách hắn đốt bức tranh…

Cha hắn bảo rằng thiên tài của gia đình là thiên tai của dòng họ.

Mẹ hắn bảo, không phải con mình. Nó là ai chứ không phải con mình. Con mình không thế. Con mình… Con mình… Nó ngày xưa… Thà thế còn hơn.

Hắn, một Đông-Ki-Sốt ngã lệch thời đại. Trong lúc tất cả mộng du, thì hắn thức để vẽ, viết và sống bất chấp bệnh tật sẽ bào mòn hắn thành xác khô. Người ta từ lâu đã quên đi nỗi đau, mê mù trong đôi mắt lạnh và cái miệng khâu, còn hắn, đứng đây để đánh thức cảm giác biết đau từ người khác bằng cuộc đời thảm thương – Là hắn.

Hắn ngoài Bắc, tôi gần Nam. Chỗ tôi hay mưa, chỗ hắn đang mưa to. Hắn viết cho tôi Chúa đang xót xa cho cả hai miền. Tôi thấy hắn đi dưới trời mưa. Cơn mưa đủ lớn để tạo lụt và cuốn hắn đi. Không ai đánh hắn, hắn tự đánh mình và mượn sự xối xả của trận mưa như cái roi quất vào thân mình bầm dập.

Người ta bảo hắn là quái nhân. Người nhà bảo hắn là quái thai. Họ bắt hắn ăn muối. Hắn không ăn, họ vốc muối ném hắn. Tranh của hắn bị xé, bị nhúng nước nát bét, bị quẳng tan tác khắp hang cùng ngõ hẻm. Trong sọt rác nhà xí không thấy giấy tranh. Lúc hắn mở nắp cống gia đình, xác tranh nổi lềnh phềnh như những mảnh tử thi. Nước cống đen, cứt cả tảng, bông ngoáy tai, rác rến cùng chuột, gián… Các thế lực mạnh nơi lòng cống đang xử tử, xé phanh những mảnh tranh vốn nhỏ, nhỏ đi và tuyệt nòi. Phòng hắn thoáng, sạch hơn và kiệt quệ như con cọp chỉ còn da. Nhiều lá thư gửi đến hắn. Những an ủi, tỏ rằng đồng cảm nhưng cũng trong các dòng thư, ai cũng thấy nhẹ nhõm. Thời đại này đã quá trầm luân và người ta chỉ muốn uống trà ô long, ăn bánh lưỡi mèo, hít hương hoa sữa thắm trong gió trên chuyến bay gãy cánh, chực rơi. Họ cười bằng cái miệng méo, quẳng gánh lo vui sống. Hắn khóc, đấm ngực khóc, gục xuống đấm ngực khóc vì thế nhân đã mất tâm hồn.

Hắn lên cầu thang tầng thượng. Đứng trên bậc số chín, hắn nhìn xuống con đường. Hai cánh tay hắn xõa thoai thoải.

Hắn không cho tôi phần kí ức nào nữa. Mọi lá thư bay vào khoảng không, liền vô tăm tích. Tôi còm cõi, kiệt quệ xương xẩu. Tôi không đói, tôi thiếu thốn và thấy rỗng bên trong.

Tôi hướng Bắc tìm hắn.

Nhà hắn đóng dấu niêm phong. Dân quanh đây bảo cả gia đình đã chuyển đi. Cuộc chuyển nhà nhanh chóng, khẩn trương như chạy giặc. Đất Bắc chỉ thế này. Tôi về lại Cố Đô. Trước lúc đi, tôi nghe thấy tiếng người sau cánh cổng niêm phong nhà hắn.

Tiếng leo cầu thang, vấp ngã. Ai đang sau cánh cổng…

(*) Người viết dùng chiên với nghĩa vật tế, không phải con chiên của Thiên Chúa.

Comments are closed.