Chuyện đời tôi (kỳ 21)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

“Tưởng như xa xôi lắm”

Kỷ niệm hai mươi năm “Đổi mới”, báo Tuổi Trẻ mở chuyên mục “Đêm trước Đổi mới”, đăng những bài viết và nói của những người trong cuộc, gồm các vị nguyên là Ủy viên Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên lãnh đạo tỉnh ủy, huyện ủy… kể về những điều ngang trái, những chuyện thật như đùa, chuyện cười ra nước mắt trong mười năm dưới cơ chế tập trung – quan liêu – bao cấp ở miền Nam, sau khi nước nhà thống nhất. Tôi có tham gia một bài với tựa đề “Nghèo không còn gì để chia” mà Ban Biên tập sửa lại là “Tưởng như xa xôi lắm”, đăng kỳ 6. Đó là thời gian tôi công tác ở huyện Phú Tân. Xin trích lại bài báo này như để kết thúc mười năm của những ngày “Đêm trước Đổi Mới” trong tập này:

Mười năm trong cơ chế tập trung bao cấp sao mà nó dài quá và sau khi từ giã cơ chế ấy cũng chỉ mới đây thôi mà sao tưởng như xa xôi lắm rồi. Tôi gần như cũng quên rồi. Đó là thời kỳ mà thành quả kinh tế tưởng tượng thì rất lớn, nhưng thành tích cụ thể thì rất nghèo nàn. Nay đọc lại các ghi chép ở các cuộc hội nghị và ở trường, giữa lý luận và thực tiễn cuộc sống có một sự tréo ngoe đến phát lạ. Còn ưu điểm của sự hăng hái cải tạo công-nông-thương nghiệp, cấm chợ ngăn sông, cào bằng lợi ích thì lại là nỗi khổ của người dân. Ngược lại, khuyết điểm của cấp lãnh đạo, tổ chức và cá nhân ở địa phương về những công tác trọng tâm ấy lại là may mắn của nhiều người, nhiều cơ quan, như: báo cáo láo về việc hoàn thành tổ chức hợp tác xã và tập đoàn sản xuất; báo cáo đã xóa hết hoa màu để làm lúa mà rau đậu vẫn còn; tiêu diệt hết vịt chạy đồng mà vịt vẫn còn nguyên trong ruộng; để cho một số người, kể cả cán bộ bó mỡ heo (lúc này mỡ quí hơn thịt) trong mình, giấu bọc gạo dưới gầm xe đem về thành phố, về trường học, nhà máy… là vô tình cho buôn lậu, “con phe”, vượt trạm, v.v. Những khuyết điểm loại đó, tôi nhớ hình như không có ai bị kỷ luật, phải chăng là vì “làm lành gặp may”! Có người nói ở thời đó không có tham nhũng (trừ đặc quyền đặc lợi). Đúng là nghèo quá đến mức không có gì để tham nhũng. Hay nói đúng hơn là cái nghèo được đem chia đều cho mỗi người, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Năm sau, nghèo nhiều hơn năm trước. Đến không còn gì để mà chia nữa. Ở Bảy Núi quê tôi thời đó, có câu chuyện thật mà như tiếu lâm: Tên trộm khoai mì để lại hiện trường hai câu thơ: “Bần cùng sanh đạo tặc. Không ăn cắp khoai mì lấy c… gì ăn!”. Cuộc sống dồn chúng ta đến chân tường của cơ chế lỗi thời mà nếu không phá nó đi thì không còn đường sống. Toàn Đảng đồng lòng phá nó, Đảng bộ An Giang đi đầu trong cuộc đột phá đó, cho dù không ít người “ba phải” chờ thời hoặc tỏ ra “kiên định Cách mạng” nhưng không thể ngăn được dông bão Cách mạng. Và năm 1986, cái gì đến thì nó phải đến. Đại hội VI của Đảng là mốc son và những người góp công đóng cái mốc son ấy trong lịch sử đất nước được người đời nhắc nhở như các cụ Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… là những “Đại công thần” đổi mới!

Sau Giải phóng, có những thời điểm quan trọng của đất nước tôi không có mặt tại vị trí công tác. Đổi tiền năm 1975, tôi đang dự lớp học ngắn ngày ở Hà Nội sau khi dự lễ Quốc khánh lần thứ 30 tại Ba Đình lịch sử. Cải tạo công thương nghiệp với các chiến dịch kê biên, quản lý rầm rộ, tôi đang học hai năm cũng ở Hà Nội, kể cả lần đổi tiền thứ hai. Tôi hơi buồn vì không có dịp lập công, nhưng sau đổi mới tôi mừng hú vía. Chỉ có cái chuyện cải tạo nông nghiệp mà tôi rất hăng hái, sau khi ra trường lý luận cao cấp trung ương, làm phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban cải tạo huyện Phú Tân – dù hăng hái nhưng vẫn không được mảnh giấy khen nào, kể cả suốt quá trình hơn mười năm sau Giải phóng. Trong thâm tâm tôi, cho đến tận bây giờ, đôi khi cảm thấy điều đó là hạnh phúc!

Ở huyện sáu năm, kể cả hai năm đi học, tôi làm việc quên mình – trẻ tuổi mà. Những chuyện cười ra nước mắt như mọi người nhắc lại, tôi đều có biết hoặc có làm, kể hoài sao hết, nghe và đọc nhiều cũng nhàm, vì nó lặp đi lặp lại một cách đơn điệu và máy móc như được lập trình. Nhưng có những cái không thể nào quên. Đó là điều tôi nhận thức và giác ngộ rằng, làm những chuyện như vậy là lo cho dân, lo cho Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hùng mạnh, cho không còn người bóc lột người. Nhưng khi hướng dẫn đoàn thể và dân nghèo không đất (kể cả dân chạy xe lôi) để cấp đất thì người chủ đất (trung nông) mặt ủ mày chau chớ không phải hung hăng “chống người thi hành công vụ” như một số trường hợp bây giờ, còn người được nhận đất, có số lắc đầu bỏ về. Chiều, tôi đến hỏi tại sao? Được trả lời: “Đất của người ta, mà lấy gì, kỳ vậy”. Tôi báo cáo việc này tại cuộc họp ở tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phán một câu “không ham đất, không nhận đất là không phải nông dân”(!). Một buổi sáng năm 1979, tôi đến dự Đại hội thành lập Tập đoàn sản xuất số I ấp Thượng I xã Phú Mỹ, khi ngang nhà các tập đoàn viên, một phụ nữ khoảng trên 40 tuổi nói to với con mà ngụ ý là cho tôi nghe: “Ăn cơm lẹ đi để mà dự Đại hội”. Lời thì thật mà giọng thì mỉa mai. Đến 9 giờ, chỉ có toàn con nít và đại diện các đoàn thể xã, ấp và mươi người dân không đất. Rồi “Đại hội cũng thành công”. Đêm tôi không ngủ được với những câu hỏi cứ cật vấn: “Chủ nghĩa Xã hội là ưu việt, Đảng ta không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của dân, việc đưa nông dân vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất là vì họ chứ đâu phải vì ta. Vậy tại sao dân chống? Cho đất để có ruộng cày mà sao có người lại không chịu? v.v. và v.v. Trong bài thơ tặng Đại hội VI của Đảng, tôi tâm sự:

“Nhưng đã mười một năm ai cũng nhận ra rằng

Đường hạnh phúc không phải trong gang tấc

Đã làm bạc những mái đầu ái quốc

Những suy tư khi nhắm mắt vẫn chưa rồi

Cảnh đói nghèo chạy gạo ngược xuôi”

Bởi vì:

“Đơn độc, xa dân dù ta có triệu con người

Cũng là chỉ bóng mờ trên đường thẳm”

Và:

“Đừng ban lịnh từ trên và cũng không dọa dẫm

Lịnh từ cõi chín tầng dĩ vãng đã lùi xa

Lòng từ bi từ cửa Phật ban ra

Đó cũng chỉ mới là lời cầu nguyện

Mọi ý cao siêu mọi điều phúc hạnh

Không phải từ tấm lòng mà phải từ cuộc sống đặt ra”

(Thơ Mở đường – Nguyễn Minh Nhị, 1986, báo An Giang)

Thú thật là tôi chưa bao giờ đọc được các nghị quyết, chỉ thị nào của trung ương mà bảo phải làm cụ thể như vừa kể, tất nhiên là nói quyết liệt ở dạng đường lối, chính sách mà thôi. Đầu tháng 9.1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói trước đoàn đại biểu miền Nam ra Hà Nội, đại ý “các đồng chí ra đây là đi thăm chơi, nghe và thấy về làm có chọn lọc, đừng bắt chước miền Bắc, làm rập khuôn hợp tác xã, dân kêu lắm”. Hôm sau lên Tam Đảo, đến trước nhà nghỉ của Cụ, Cụ ra tiếp, nói chuyện vui vẻ và nhắc lại lời nói trên một lần nữa. Nghị quyết của Ban Bí thư về tình hình miền Nam sau Giải phóng, tôi mới học cũng còn nói duy trì các thành phần kinh tế… Vậy mà, khi về, dự các hội nghị thì nghe “quyết liệt” quá, như Chủ nghĩa Tư bản chực nuốt ta và nếu cải tạo nền Kinh tế Tư bản ít năm sau là sẽ có Chủ nghĩa Xã hội ngay. Một không khí hừng hực Cách mạng, căng thẳng không kém chuẩn bị Đồng Khởi. Trong nội bộ bắt đầu có chuyện nhận xét về nhau và bệnh nói dối bắt đầu. Hôm du kích, công an xã Phú An rượt tịch thu bắt đàn vịt mấy trăm con của vợ đồng chí Bảy Hồ (Phó bí thư Thường trực Huyện ủy), vợ đồng chí ngăn cản, tẩu tán… Vịt tịch thu được giao cho thương nghiệp huyện, phân phối cho các cơ quan, có cả các cơ quan của Huyện ủy và báo cáo được gởi về huyện. Lý lẽ vịt ăn lúa còn ghê gớm hơn chim sẻ ăn lương thực ở Trung Quốc, nên ai mà không sợ (!). Đồng chí Bảy Hồ rất trầm tĩnh, lắng nghe, còn bên ngoài thì cán bộ xầm xì về việc lãnh đạo không gương mẫu. Tôi nghe sao ray rứt, bần thần cho chủ trương và thương cho đồng chí mình quá! Phía sau Văn phòng Huyện ủy, có mảnh đất sản xuất lúa hai vụ rất tốt, đang sản xuất 6 tấn/ha, vậy mà thành lập hợp tác xã Phú Mỹ I năng suất còn trên dưới 3 tấn/ha. Đây là hợp tác xã điểm, đích thân một đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách chỉ đạo. Vậy mà khi đi “toa-lét” bờ rào (lúc này không có nhà vệ sinh tự hoại) ai cũng thấy, và từ đó đến hội trường Huyện ủy cách nhau chỉ 50 mét, vậy mà ở ngoài ruộng thì nói vào hợp tác xã lúa tiêu điều, lên bục cao phát biểu thì hợp tác xã hơn cá thể, “là trục quay” của Cách mạng lúc này, hợp tác xã Phú Mỹ I là thí dụ, v.v. Có người nói móc: “Cái bục này là chỗ để nói dối”! Nhiều cán bộ tâm huyết, thử đưa ra những sáng kiến quản lý để tăng năng suất, nhưng tất cả, nói lòng vòng chung qui cũng là khoán hộ mới có năng suất. Có lần anh Tư Thăng, cán bộ Ban Cải tạo huyện phát biểu đề xuất, anh Bảy Cường (Ủy viên Thường vụ Huyện ủy) chen vào: “Vậy là khoán hộ nữa rồi”. Mà lúc bấy giờ ai làm theo khoán hộ như Kim Ngọc – Vĩnh Phú, thì chết! Thế là tắt hết. Nhưng cũng được cái là Tỉnh ủy và các Ban Đảng cũng biết là nhiều huyện, xã báo cáo “cơ bản hoàn thành” cải tạo nông nghiệp là hình thức, nhưng không bắt tội ai mà còn tặng bằng khen là khác. Nhờ đó mà An Giang mới ít khổ một chút. Lúc ông Sáu Hơn là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, mỗi lần về tỉnh gặp anh em, ông hay nói: “Ở Bộ, tôi là con cá lia thia (ý nói là để làm cảnh), chỉ làm cái việc nghe nơi nào cơ bản hoàn thành cải tạo nông nghiệp, tôi đến cấp bằng công nhận. Vậy thôi!”.

Còn chuyện “thu mua” lương thực, mỗi lần vào vụ là “mở chiến dịch giao lương” liên tục ở ba cấp địa phương. Dù thu-mua không đạt chỉ tiêu, nhưng với số lúa tom góp được thì không nơi chứa. Có lần, tôi tình cờ đem một nắm lúa đã nảy mầm thành mạ từ trạm thu mua xã Tân Hòa về để báo cáo với Huyện ủy, lúc này đồng chí Nguyễn Văn Linh (Trưởng Ban Dân vận trung ương) đang có mặt tại Văn phòng Huyện ủy, ông nhận “nắm mạ” từ tay tôi, chau mày và quay sang nói với đồng chí Tư Việt Thắng (Bí thư Tỉnh ủy): “Anh gói lại gởi cho Ban Bí thư”. Tại các điểm thu mua lúa để tràn ra lộ, vậy mà cấp trên cứ “đốc chiến”. Có lần đồng chí Bí thư Huyện ủy triển khai: “Không có tiền mà mua được lúa mới hay”. Trời ơi, mua rẻ mà còn không có tiền, mua không kho chứa phải để lên mộng mà còn đốc chiến liên tục thì… thật không giải thích nổi.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, ông Sáu Hơn về làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi còn tiếp tục làm công tác tổ chức, đề xuất và giúp Tỉnh ủy giải quyết chính sách cho hàng trăm cán bộ sơ, trung, cao cấp tỉnh đã đến hoặc quá tuổi để về hưu. Một đội ngũ cán bộ tương ứng với nhiệm vụ mới được bổ sung, cùng Tỉnh ủy tăng tốc. Đó cũng là nhân tố quyết định đổi mới thành công ở An Giang và năm 1988 tôi được Tỉnh ủy phân công làm Giám đốc sở Nông nghiệp.

Long Xuyên, 4-12-2005

Nhờ có thời gian chờ nghỉ hưu (2004-2005), tôi trăn trở viết ra những dòng trên về một thời đất nước không giống ai. Chỉ nói về sản xuất, cái không giống ai đầu tiên là ép dân chuyển vụ sản xuất lúa Thần Nông. Ở Hiệp Xương có chủ trương đốt đậu để buộc dân làm lúa, trong khi thủy lợi chưa có, máy xới, máy bơm nước, phân bón, thuốc trừ sâu không có, mà Bí thư Chi bộ cắm cờ Đảng tại bờ ruộng ngồi chỉ huy, đốc chiến phá rẫy của dân, thật là kinh khủng! Vậy mà, trong họp báo Huyện ủy, Bí thư huyện còn biểu dương “bạo pháp” này: “Không có gì, mà làm được, mới hay”, “Không có tiền, mà mua được lúa, mới hay”. Hết biết!

Kết thúc 10 năm đầu “Đổi đời”, như tiêu đề ở Chương I, mà tôi không biết đặt tên gì để gọi, để giúp người đọc hiểu hết nội hàm của cả giai đoạn ấy, có liên quan đến đời tôi mà “tưởng như xa xôi lắm rồi” và “tôi gần như cũng quên rồi”!

N.M.N.

Comments are closed.