Khi nước mắt rơi vào… lịch sử

Nguyễn Hoàng Văn

Nhà chính trị số một của đất nước đã “rất nghẹn ngào” nên, nói theo một đại biểu trong một phiên họp quốc hội năm nào, nước mắt ông lại một lần nữa “rơi vào lịch sử”. [1]

Cũng là nước mắt, cũng là lịch sử nhưng, oái ăm thay, lại khác nhau như nước khác lửa. Lần đầu, trung tuần tháng 10 năm 2012, đó là những giọt nước mắt bất lực bởi không thể kỷ luật kẻ rất đáng bị kỷ luật.[2] Bây giờ, trung tuần tháng Sáu năm nay, đó lại là những giọt đoạn trường vì buộc lòng kỷ luật một vài kẻ rất đáng bị kỷ luật.[3] Chỉ nước mắt của đàn bà trong chuyện đời thường thôi mà nghe cũng đã nhức đầu, đến những giọt nước mắt rơi cả vào lịch sử thì còn phức tạp và nhức đầu hơn nữa.

Giọt nước mắt lịch sử đầu tiên mà tôi học được, như một học trò tiểu học vào khoảng nửa đầu thập niên 1970, là nước mắt của Nguyễn Trãi. Tôi nhớ như in bức hình minh họa diễn tả ông Nguyễn Phi Khanh trong cảnh chia tay tại Ải Nam Quan, với cái cùm gỗ hình vuông quàng vào cổ, có sợi xích lủng lẳng và anh con trai lẽo đẽo một bên đưa tiễn. Ông Nguyễn Phi Khanh, trong câu chuyện, bị giặc Minh bắt giải về Tàu khiến anh con trai Nguyễn Trãi đi theo mếu máo nên ông bố phải khuyên con trở về nuôi chí phục thù, đừng khóc lóc làm chi nữa.

Nhưng Nguyễn Phi Khanh, theo các tài liệu lịch sử, không hề bị giặc bắt về Tàu như một tù nhân chính trị mà là một hàng thần. Có khóc bố thì Nguyễn Trãi – người sau này đã viết nên Bình Ngô Đại Cáo bất hủ với câu mở đầu “Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” – sẽ khóc theo cách khác, và, có lẽ, không có cảnh lẽo đẽo theo chân bố đến tận cột mốc biên giới của ngày xưa. [4]

Theo nghĩa lý thông thường thì trong cả hai trường hợp khác nhau ấy Nguyễn Trãi đều khóc được cả, với hai thứ nước mắt cực kỳ khác nhau mà, chắc chắn, nước mắt của chuyện sau phải nhức nhối hơn so với những giọt nước mắt trong chuyện mà tôi từng học từ thời tiểu học. Như thế, so ra, trong hai lần “rơi vào lịch sử”, đợt nước mắt nào của nhà chính trị số một nói trên đau đớn hơn đợt nào?

Tôi nghĩ đến Nikolai Ryzhkov, vị Thủ tướng cuối cùng của Liên Xô, sau ra tranh cử với Boris Yeltsin nhưng thua đậm, là người đã bị gán cho danh xưng “người cộng sản mít ướt”, tạm dịch từ “weeping Bolshevik”, chỉ vì cái tật hay khóc trước Hội đồng Xô viết tối cao như là nỗ lực bày tỏ sự chính trực của mình. Khóc để chứng tỏ sự ngay thẳng của mình như thế, phải chăng ông Ryzhkov đã hành xử theo lối của đàn bà mà người Anh thời trước từng khinh miệt trong câu ngạn ngữ “Every woman is wrong until she cries.”?

Nhưng không chỉ có ông Ryzhkov. Ông Bob Hawke, vị Thủ tướng nổi tiếng với những cải cách làm thay đổi nước Úc, cũng là người mau nước mắt. Ông khóc giữa cuộc phỏng vấn trên truyền hình, thú nhận con gái mình nghiện ma túy. Ông khóc khi xe tăng của Lý Bằng nghiền nát sinh viên tại Thiên An Môn. Trong hồi ký The Hawke Memoirs, ông kể lại cảnh mình nghẹn ngào thổ lộ chuyện đứa con gái nghiện ngập với nguyên Thủ tướng Malaysia Mohammad Mahathir, và, sau đó, trong các cuộc đàm phán, vị chủ nhà này, vốn là người cực kỳ khó khăn với nước Úc, đã tỏ ra nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn thấy rõ.

Khóc vì bất lực trước sự sa đọa của đứa con rứt ruột thì đó là chuyện bình thường, cũng như người đàn bà thép Margaret Thatcher từng khóc lúc nhận tin đứa con trai bị mất tích giữa sa mạc trong cuộc đua xe đường trường. Những giọt nước mắt như thế khiến họ người hơn và, do đó, dễ được đối xử bằng như là một con người, như ông Mahathir đã làm với ông Hawke. Nói theo nhà phê bình Tom Lutz trong cuốn Crying: A Natural and Cultural History of Tears, thì cũng giống như các chính trị gia cố bày tỏ lập trường trung dung, không quá tả mà cũng không quá hữu, đàn ông đàn bà có những cách sử dụng nước mắt khác nhau: nếu phái nam dùng nước mắt để cho thấy họ không cứng rắn quá, đực tính quá thì phái nữ cố kìm nén để cho thấy ta đây không phải là hạng nhi nữ tầm thường.

Cao hơn, hay đúng ra là phức tạp hơn, những con người bình thường chỉ hành động theo nghĩa lý thông thường là những chính trị gia, trung dung, tả, hữu, thậm chí cực tả hay cựu hữu. Nghề của họ là cái nghề phải biết khóc biết cười, biết thể hiện hay chế tạo sự xúc động hay phẫn nộ đúng lúc, đúng như cầu và, cũng như bất cứ nghề nào, nghề chính trị cũng có những tai nạn nghề nghiệp của nó, chẳng hạn như ông Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1996. Đến dự tang lễ của ông Ron Brown, người từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại của mình, ông Clinton đã hớ hênh cười giỡn với một cố vấn để rồi, ngay sau đó, có lẽ là chợt nhớ mình đang đi dự đám tang, lại vội vã đưa tay lên quẹt nước mắt ra điều đau đớn lắm mà không hay rằng tất cả, từ pha cười đến pha khóc, đều lọt vào ống kính truyền hình để rồi bị các hài sĩ mang ra giễu cợt không thương tiếc.

Khóc, với ông Clinton trong câu chuyện trên, là một hành vi chính trị và tai nạn nghề nghiệp cũng liên quan đến khái niệm “decent interval” mà ông Henry Kissinger đã phát minh trong chiến tranh Việt Nam. Con người thì ai cũng có lúc cười lúc khóc, nhưng mới khóc đó mà cười đó thì ít nhất cũng phải dành ra một “khoảng cách coi được”, đằng này ông ta lại đốt cháy giai đoạn để tiếng khóc của mình trơ trẽn như một trò hề. [5]

Bỏ qua học thuyết chính trị thực dụng của Kissinger thì, chỉ riêng trên… kỹ thuật khóc thôi, ông Clinton quả thực là một kịch sĩ có tài. Những kịch sĩ đại tài có khả năng thiên phú là khóc cười lúc nào cũng được và, vạn nhất, nếu không có khả năng này, thì cũng có những kỹ thuật chảy nước mắt khác. Một người bạn của tôi, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn, từng kể chuyện khi tham gia đoàn làm phim A Quiet American tại Sydney vào năm 2001, theo đó tài tử chính Michael Cain đã tận tình hướng dẫn một nữ tài tử Việt rằng nếu không tự khóc được thì hãy nhìn thẳng vào ống kính máy quay, ánh đèn rọi thẳng sẽ kích thích khiến cho nước mắt rỉ ra.

Và đó là một trong những điểm mà Charles Darwin phân biệt giữa con thú và con người. Trong cuốn Expression of the Emotions in Man and Animals, nhà khoa học lỗi lạc này khẳng định rằng con thú không bao giờ biết khóc, dẫu rằng có khi chúng cũng chảy nước mắt do bị kích thích và lý do cũng là luật đào thải đối với những hành vi hay cơ quan vô dụng trong tiến trình tiến hóa. Darwin lập luận rằng đứa trẻ sơ sinh khóc là để thu hút sự chú ý của người chăm sóc và khi con thú khóc mà chẳng được ai để ý thì, qua rất nhiều đời, hành vi vô dụng này cũng bị loại bỏ, giống như cái ruột thừa vô dụng của con người.

Trên phương diện khoa học thì không phải toàn bộ quan điểm của Darwin đều được chấp nhận hay chứng thực nhưng, ở đây, chúng ta có thể đứng từ góc nhìn này để soi rọi tiếng khóc như một hành vi chính trị. Chỉ có con người mới biết khóc, con thú thì chỉ chảy nước khi mắt bị kích thích, và khi một con người chính trị như ông Clinton đưa tay quẹt nước mắt dẫu rằng mới đó ông còn cười toe toét, ông đã khóc như một con người hay chỉ chảy nước mắt như là một giống sinh vật khác?

Và nếu chỉ con người mới biết khóc thì khi chúng ta ngoảnh mặt lại với những nỗi đau, những sự oan trái ngút trời của đồng loại, đồng bào, chúng ta là con thú hay con người?

  •  https://vietnamnet.vn/nhiem-ky-nay-nuoc-mat-tong-bi-thu-roi-vao-lich-su-270849.html
  •  https://www.diendan.org/viet-nam/khi-trai-nui-de-ra…-mot-dong-chi
  •  https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-rat-nghen-ngao-khi-t-u-hop-bat-thuong-ky-luat-ong-nguyen-thanh-long-post1469279.html
  •  https://nghiencuulichsu.com/2017/06/12/nguyen-phi-khanh-nha-nho-khoang-dat-sau-muon-va-lo-thoi/
  •  https://www.youtube.com/watch?v=lf8TOGrq8Bo
  • Comments are closed.