Phải sống (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

PHẦN HAI

Họ bảo:

– Phượng Hà đan áo len cho các bà ấy, các bà ấy cũng phải biếu Phượng Hà chút gì chứ, biếu chưa?

Người ở làng tâm địa nhỏ nhen, cứ hay bới móc, đa nghi. Người trên phố chẳng đến nỗi xấu bụng như thế, đã hai lần tôi nghe thấy họ nói với Nhị Hỉ:

– Nhị Hỉ, anh đi mua lấy một cân len, để cho Phượng Hà có được cái áo len đi.

Nhị Hỉ nghe rồi chỉ cười cười, chẳng nói gì. Nhị Hỉ là người thực thà, khi lấy Phượng Hà, đã làm theo lời tôi, tiêu mất khá nhiều tiền, phải mang công mắc nợ rồi. Lúc ngồi riêng với tôi, Nhị Hỉ mới thầm thì nói:

– Cha ạ, con trả xong nợ thì mua áo len cho Phượng Hà ngay.

Cuộc cách mạng văn hóa ở trên phố càng ngày càng dữ dội, khắp phố phường đều có báo chữ to, người dán báo đều lười nhác, dán tờ mới chẳng chịu bóc tờ cũ đi, cứ thế đè lên, càng dán càng dày, các bức tường phồng lên như cái áo có nhiều túi. Đến nhà của bọn Phượng Hà, Nhị Hỉ cũng căng đầy khẩu hiệu, trong nhà thì cái gì cũng in lời của Người, cả chậu rửa mặt. Khăn trải gối của chúng bị in dòng chữ: “Nhất định không được quên đấu tranh giai cấp”, khăn trải giường thì: “Tiến lên trong phong ba bão táp”. Nhị Hỉ và Phượng Hà ngày nào cũng ngủ trên lời dạy của Mao chủ tịch.

Mỗi lần lên phố, hễ cứ thấy chỗ đông người là tôi đều tránh, trong phố ngày nào cũng có đánh nhau, tôi đã từng mấy lần nhìn thấy có người bị đánh ngã ra đất rồi không dậy được nữa. Thảo nào mà đội trưởng không chịu lên huyện đi họp, công xã thường cho người báo cho ông ta lên huyện họp cán bộ ba cấp, đội trưởng đều không đi, ông ta nói riêng với tôi:

– Trên phố ngày nào cũng đánh chết người, tôi sợ đến chết được, bây giờ mà đi họp thì quá bằng đi vào quan tài.

Đội trưởng cứ ru rú trong thôn không đi đâu hết cả, nhưng ông ta cũng chỉ được yên ổn trong có mấy tháng thôi, ông ta không đi, người khác sẽ đến tận nơi tìm. Hôm ấy chúng tôi đang làm đồng, thì thấy từ đằng xa có một lá cờ đỏ phấp phới tiến đến gần, một đội hồng vệ binh đã tới. Đội trưởng cũng đang đứng trên đồng, nhìn thấy bọn họ đi tới, tự nhiên rụt cổ lại, hỏi tôi có vẻ thảng thốt lắm:

– Bọn kia có phải đến để tìm tôi không nhỉ?

Dẫn đầu toán hồng vệ binh là một thiễu nữ, họ đến trưốc mặt chúng tôi, cô gái nọ quát to:

– Ở đây tại sao chưa có khẩu hiệu, chưa có báo chữ to? Đội trưởng đâu? Đội trưởng là ai?

Đội trưởng vội vàng ném cuốc chạy tới, khom lưng gật đầu nói:

– Thưa đồng chí tiểu tướng Hồng vệ binh.

Cô kia vung vẩy cánh tay lên hỏi:

– Tại sao chưa có khẩu hiệu và báo chữ to?

Đội trưởng nói:

– Có khẩu hiệu ạ, có những hai bảng khẩu hiệu đấy chứ, kẻ ở sau cái nhà kia.

Thiếu nữ nọ xem ra chỉ độ mười sáu mười bảy tuổi là cao lắm, cô ta vênh vang lên mặt với đội trưởng, mắt chỉ hơi liếc là đã coi như nhìn đến đội trưởng rồi. Cô ta nói với mấy hồng vệ binh đang xách thùng sơn:

– Đi kẻ khẩu hiệu.

Mấy hồng vệ binh đó liền về phía mấy căn nhà gần đó để kẻ khẩu hiệu rồi. Cô gái cầm đầu hồng vệ binh nói với đội trưởng:

– Cho tập họp toàn thôn lại.

Đội trưởng vội vã móc túi lấy còi ra phồng mồm thổi, những người đang ở các khoảnh ruộng đều vội vàng chạy tới. Đợi cho mọi người tập họp gần đông đủ rồi, cô kia quát vào mặt chúng tôi:

– Địa chủ ở chỗ các người là ai?

Mọi người nghe thấy câu đó đều nhìn vào tôi, nhìn đến nỗi tôi rủn cả chân lên, may quá đội trưởng đã nói:

– Địa chủ đã bị bắn chết hồi mới giải phóng rồi.

Cô ta lại hỏi:

– Có phú nông không?

Đội trưởng nói:

– Phú nông có một người, chết từ năm kia rồi.

Cô ta nhìn nhìn đội trưởng, hô lên với mọi người chúng tôi:

– Thế bọn theo đường lối tư sản có không?

Đội trưởng cố cười nịnh, nói:

– Thôn đây nhỏ bé ít người, làm gì có bọn theo đường lối tư sản.

Tay cô ta bỗng giơ thẳng ra, suýt thì chỉ vào tận mũi đội trưởng, cô ta hỏi:

– Người là thế nào?

Đội trưởng sợ quá lắp bắp nói vội:

– Tôi là đội trưởng, là đội trưởng ạ.

Ai ngờ cô ta thét to lên một tiếng:

– Người chính là phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Đội trưởng sợ quá, xua tay lia lịa:

– Không phải, không phải, tôi có đi đâu.

Cô kia chẳng thèm đếm xỉa, lớn tiếng kêu gọi chúng tôi:

– Hắn đã thống trị mọi người theo kiểu bọn “trắng”, hắn đè nén áp bức mọi người, mọi người phải đứng lên phản kháng phải đánh gẫy cái chân chó của nó đi.

Người trong thôn đều ngơ ngác hết cả, ngày thường đội trưởng có vẻ oai vệ lắm, ông ta nói gì chúng tôi nghe nấy, chưa có ai cảm thấy đội trưởng nói sai bao giờ. Mà nay đội trưởng bị một bọn trẻ con từ trên phố xuống hoạnh họe quát lác buộc phải khom lưng cúi đầu, ông ta rối rít xin tha, những câu chúng tôi không thể nói ra mồm được ông ta cũng nói hết. Đội trưởng van xin một hồi, quay sang hò chúng tôi.

– Mọi người ra nói mấy câu đi, tôi đâu có đè nén áp bức các người.

Mọi người nhìn đội trưởng, lại nhìn số hồng vệ binh kia, vài người lao xao nói:

– Đội trưởng không đè nén áp bức chúng tôi, ông ấy là người tốt.

Cô kia chau mày nhìn chúng tôi, nói:

– Thật không cứu chữa được.

Nói xong cô ta quay về phía mấy tay hồng vệ binh vẩy tay:

– Giải hắn đi.

Hai hồng vệ binh bước tối tóm lấy cánh tay đội trưởng, đội trưởng rướn cổ lên kêu:

– Tôi không lên phố, bà con ơi, cứu lấy tôi với, tôi không thể lên thành phố được, lên đấy là vào quan tài ngay.

Đội trưởng có kêu nữa cũng không được việc gì, vẫn bị họ trói giật cánh khuỷu, gò lưng vào để giải đi. Mọi người thấy họ hô khẩu hiệu, sát khí đằng đằng, cứ thế mà đi, ai cũng chả dám cản bước, làm gì có lá gan to thế.

Đội trưởng bị lôi đi như vậy, mọi người đều cảm thấy dữ nhiều lành ít, trên phố trên tỉnh đang rối loạn lung tung cả lên may ra thì giữ được mạng, còn sự cụt tay què cẳng chắc khó có thể tránh khỏi. Ai ngờ chưa đến ba ngày, đội trưởng đã trở về rồi, nom ra bươu đầu sứt trán, thâm tím mặt mày, thất tha thất thểu, mọi người đang làm đồng chạy lên đường đón, reo lên:

– Đội trưởng ơi.

Mí mắt đội trưởng nhướng lên, nhìn nhìn mọi người, chẳng nói năng gì hết, đi thẳng về nhà mình, ngủ một mạch hai ngày liền. Đến ngày thứ ba, đội trưởng vác cuốc ra đồng làm việc, mặt đã bớt sưng nhiều rồi, mọi người xúm lại hỏi han này nọ, hỏi ông ta có còn đau không, ông ta lắc lắc đầu, nói:

– Đau thì chẳng ăn thua gì, không cho tôi ngủ, mẹ nó chứ, khó chịu hơn đau nhiều.

Nói đến đấy đội trưởng chảy nước mắt, hậm hực:

– Tôi biết tỏng ra rồi, bình thường tôi bao bọc các người như bao bọc con mình, thế mà lúc tôi bị xúi quẩy, chẳng ai chịu cứu tôi.

Đội trưởng nói làm chúng tôi chẳng dám đi thăm ông ấy nữa. Nhưng mà đội trưởng thế là còn may lắm, chỉ bị đấm đá ba ngày trên phố thôi. Xuân Sinh ở trên huyện mới gọi là thảm hại kia. Tôi vẫn không hề biết là Xuân Sinh cũng gặp vận xúi thế, hôm lên phố thăm Phượng Hà, giữa đường thấy một đoàn, đầu đội các kiểu mũ giấy, ngực đeo từng tấm bảng, bị người ta giải đi. Mới đầu tôi cũng chẳng để ý gì cả, đến khi họ đi đên gần, tôi giật nảy mình lên, người đi đầu tiên trong đám đó hóa ra là Xuân Sinh. Xuân Sinh cúi đầu đi nên không nhìn thấy tôi, khi đi qua bên cạnh tôi, Xuân Sinh đột nhiên ngẩng lên hô:

– Mao Chủ tịch muôn năm.

Mấy người đeo băng đỏ ở tay liền xông lên vừa đấm vừa đá Xuân Sinh, miệng mắng rằng:

– Mày hô đấy phải không? Mẹ cha cái thằng đi con đường tư bản.

Xuân Sinh bị chúng đánh ngã ra đất, thân mình đè lên tấm bảng gỗ, một cái chân đá trúng vào đầu anh ta, cái đầu kêu coong một tiêng nghe như nó đã bị rỗng hết rồi, cả người xoài ra mặt đất. Xuân Sinh bị đánh đến không kêu được một tiếng, cả đòi tôi chưa bao giờ thấy đánh ai như thế bao giờ, Xuân Sinh lăn lóc dưới đất như một khối thịt, mặc sức cho họ đá qua đá lại. Cứ đánh đá mãi thế này thì chẳng lẽ làm chết mất Xuân Sinh hay sao, tôi bước tới nắm lấy tay áo hai người, bảo:

– Xin các anh đừng đánh nữa.

Họ nắm môi đẩy tôi một cái, suýt nữa thì tôi ngã xuống đất, họ nói:

– Ông là ai?

Tôi nói:

– Xin các anh đừng đánh nữa.

Có người chỉ vào Xuân Sinh nói:

– Ông biết hắn là người thế nào? Hắn là huyện trưởng cũ, là bọn theo tư sản.

Tôi nói:

– Những cái đó tôi đều không biết, tôi chỉ biết anh ta là Xuân Sinh.

Bọn họ bận nói nên không tiếp tục đánh Xuân Sinh nữa, quát Xuân Sinh bò dậy. Xuân Sinh bị đánh đến như thế, không thể nào bò dậy nổi, tôi liền đến đỡ anh ta, Xuân Sinh nhận ra tôi, nói:

– Phú Quí, anh hãy mau mau đi khỏi đi.

Hôm ấy về nhà, tôi ngồi vào mép giường, kể lai chuyện về Xuân Sinh với Gia Trân, Gia Trân nghe xong thì cúi đầu, tôi mới nói:

– Bữa trước bà không nên cấm cửa Xuân Sinh.

Gia Trân tuy ngoài miệng không nói gì, nhưng kỳ thực trong bụng cũng nghĩ như tôi.

Sau đó một tháng, Xuân Sinh đã lén đến nhà tôi, lúc anh ta đến là đêm đã khuya lắm, tôi với Gia Trân đã ngủ rồi, tiếng gõ cửa làm chúng tôi tỉnh dậy, tôi mở cửa nhìn qua ánh trăng thì nhận ra Xuân Sinh, mặt Xuân Sinh sưng húp lên, tôi nói:

– Xuân Sinh, vào mau lên.

Xuân Sinh đứng ngoài cửa không chịu vào nhà, anh ta hỏi:

– Cả nhà có khỏe không?

Tôi nói với Gia Trân:

– Gia Trân, Xuân Sinh đấy.

Gia Trân ngồi trên giường không trả lời gì, tôi kéo Xuân Sinh vào nhà, Gia Trân không mở miệng, Xuân Sinh cũng không vào, anh ta nói:

– Phú Quí, anh ra đây một tí.

Tôi quay đầu vào nói lại lần nữa:

– Gia Trân, Xuân Sinh đến đấy.

Gia Trân vẫn không đếm xỉa gì, tôi đành phải khoác áo đi ra, Xuân Sinh bước đến gốc cây trước cửa nhà, nói với tôi:

– Phú Quí, tôi đến để cáo biệt đây.

Tôi hỏi:

– Anh định đi đâu.

Anh ta nghiến răng bực tức:

– Tôi không thiết sống nữa.

Tôi giật mình, vội vàng kéo giật cánh tay Xuân Sinh nói:

– Xuân Sinh, anh đừng có hồ đồ, anh còn vợ con anh kia mà.

Vừa nghe câu đó, Xuân Sinh khóc lên, anh ta nói:

– Phú Quí ạ, ngày nào tôi cũng bị bọn họ treo lên để đánh.

Nói thế rồi anh ta đưa tay ra:

– Anh thử sờ tay tôi mà xem.

Tôi vừa sờ vào, cái tay cứ như đã nấu chín, nóng kinh khủng, tôi hỏi anh ta.

– Có đau không?

Anh ta lắc đầu:

– Không thấy gì nữa.

Tôi ấn vai anh ta xuống, nói rằng:

– Xuân Sinh, anh hãy ngồi xuống – Tôi nói với anh ta -Muôn vàn lần chớ hồ đồ, người chết còn muốn được sống lại, nữa là người đang sống sờ sờ thế này, anh không thể chết đâu đấy.

Tôi lại nói:

– Thân anh là do cha mẹ cho, anh không cần đến nữa thì cũng phải đi hỏi các cụ xem.

Xuân Sinh chấm chấm vào mắt:

– Cha mẹ tôi mất từ lâu rồi.

Tôi bảo:

– Vậy thì anh càng nên sống cho thật đàng hoàng, anh nghĩ coi, anh đã vào nam ra bắc, đánh bao nhiêu trận, sống được đâu có dễ?

Hôm ấy tôi và Xuân Sinh đã nói chuyện rất nhiều, Gia Trân ngồi trên giường đều đã nghe thấy hết. Đến khi trời sắp sáng, có vẻ như Xuân Sinh đã nghe ra, anh ta đứng dậy định bước đi, lúc đó Gia Trân mới từ trong nhà kêu lên:

– Xuân Sinh.

Hai đứa tôi đều sững người, Gia Trân lại gọi một tiếng nữa, Xuân Sinh mới trả lời. Chúng tôi đi đến cửa nhà, Gia Trân ngồi trên giường nói:

– Xuân Sinh, anh phải sống đấy.

Xuân Sinh gật gật đầu. Gia Trân ở trong nhà khóc lên rồi nói:

– Anh hãy còn nợ chúng tôi một mạng người, anh hãy lấy tính mạng của mình ra trả nợ đi.

Xuân Sinh đứng lặng một lúc mới nói:

– Tôi hiểu rồi.

Tôi tiễn Xuân Sinh đến cổng làng, Xuân Sinh bảo tôi đứng lại, đừng tiễn nữa, tôi liền dừng lại ở đó, nhìn theo Xuân Sinh bước đi, Xuân Sinh đã bị đánh nhừ tử, anh ta cúi đầu đi rất khó nhọc. Tôi lại thấy không yên tâm, kêu to lên vói anh ta:

– Xuân Sinh, anh phải hứa với tôi là tiếp tục sống.

Xuân Sinh đi mấy bước ngoái đầu lại nói:

– Tôi hứa với anh.

Về sau, Xuân Sinh đã không giữ lời với tôi, hơn một tháng sau, tôi nghe nói huyện trưởng Lưu ở trên phố đã thắt cổ chết. Một con người dù mạng lớn đến đâu, nếu mà tự mình cũng muốn chết, thì không thể nào sống tiếp được nữa. Tôi nói chuyện đó với Gia Trân, Gia Trân buồn bã mất một ngày, đêm nằm bà ấy nói:

– Thực ra Hữu Khánh chết cũng chẳng nên trách Xuân Sinh.

Đã đến lúc bận việc mùa màng, tôi không thể lên phố thăm Phượng Hà luôn luôn được nữa. May mà lúc đó còn là công xã nhân dân, cùng làm việc với người làng, tôi chẳng cảm thấy băn khoăn lo lắng gì nhiều. Chỉ phải tội Gia Trân vẫn chưa xuống được giường, tôi phải lần mò dậy sớm, vừa không để Gia Trân bị đói, vừa phải ra đồng cho kịp làm việc, quả thật là vất. Tuổi tác cao rồi, chứ như lúc còn đôi mươi thì chỉ cần ngủ đi một giấc là xong hết, còn đến tuổi kia rồi thì lúc mệt, có ngủ cũng chẳng bù lại được, khi làm đồng, giơ cánh tay lên cũng đủ thấy nhọc, tôi cứ dựa dẫm trong cả đám người, ngày ngày ra bộ làm cho có chuyện thế thôi, họ cũng biết cái khó của tôi nên chẳng ai nói gì tôi cả.

Đang lúc ngày mùa, Phượng Hà về ở nhà mấy ngày, giúp tôi việc nấu cơm nấu nước, hầu hạ Gia Trân, tôi đỡ nhọc nhằn đi nhiều lắm. Nhưng nghĩ lại thì, con gái đã đi lấy chồng như nước đã hắt đi, Phượng Hà từ lâu đã là người của Nhị Hỉ rồi, không thể ở lại nhà quá lâu. Tôi với Gia Trân bảo nhau, thế nào cũng phải để Phượng Hà về trên phố thôi, liền đuổi nó ra khỏi nhà. Tôi cứ đẩy Phượng Hà từng bước từng bước ra đầu làng, người trong làng trông thấy cười khúc khích với nhau, họ bảo chả thấy ông bố nào như tôi bao giờ. Tôi nghe thấy thế cũng cười khì khì, bụng nghĩ con gái trong làng cũng chả có ai được như Phượng Hà, thương cha thương mẹ đến điều. Tôi nói:

– Phượng Hà chỉ có mỗi mình, đã phục dịch tôi với Gia Trân thì lại không chăm sóc được chàng rể ngảnh đầu của nhà tôi.

Phượng Hà bị đuổi về trên phố, mấy hôm sau lại trở về nhà mẹ, lần này chàng rể ngảnh đầu cũng cùng về. Hai đứa dắt tay nhau đi, từ xa lắm tôi đã nhận ra chúng nó, chưa cần thấy cái cổ nghẹo của Nhị Hỉ, chỉ cần thấy hai người dắt tay nhau đã biết là ai rồi. Nhị Hỉ xách một chai rượu màu, cười toe toét. Phượng Hà khoác trên tay một cái làn tre be bé, cũng cười hớn hở như Nhị Hỉ. Tói nghĩ chắc có gì hay lắm nên mới vui vẻ thế.

Đã đến nhà Nhị Hỉ đóng cửa lại, nói:

– Cha mẹ ơi, Phượng Hà có rồi.

Phượng Hà sắp có con, tôi với Gia Trân cùng toét miệng mà cười. Bồn người chúng tôi cười rõ là lâu, Nhị Hỉ mới nhớ ra chai rượu mùi trong tay, đi đến cạnh giường đặt chai rượu lên chiếc bàn con, Phượng Hà lấy trong làn ra một bát đậu phụ. Tôi nói:

– Lên giường cả đi, lên giường cả đi.

Phượng Hà ngồi lên bên cạnh Gia Trân, tôi lấy bốn cái bát lên ngồi bên cạnh Nhị Hỉ. Nhị Hỉ rót đầy rượu cho tôi, rồi cũng rót đầy cho Gia Trân, sau mới rót cho Phượng Hà, Phượng Hà giữ lấy chai rượu, lắc đầu lia lịa, Nhị Hỉ nói:

– Hôm nay em cũng phải uống.

Hình như Phượng Hà nghe hiểu lời Nhị Hỉ, không lắc đầu nữa, chúng tôi cũng cầm bát lên, Phượng Hà uống một ngụm thì nhăn nhăn mặt, nhìn sang Gia Trân, Gia Trân cũng đang nhăn mặt, nó liền mím môi mà cười. Tôi với Nhị Hỉ thì chỉ một hơi là uống cạn ngay, một bát rượu vào bụng rồi, Nhị Hỉ bỗng chảy nước mắt ra, nó nói:

– Cha ạ, mẹ ạ, còn có nằm mơ cũng không tưởng tượng được có ngày hôm nay.

Vừa nghe câu ấy, mắt Gia Trân liền ướt nhòe ngay. Thấy Gia Trân như vậy, tôi cũng không cầm được nước mắt, tôi nói:

– Tôi cũng không dám nghĩ đến, lúc đầu sợ nhất là tôi với Gia Trân chết đi thì Phượng Hà không biết làm, anh đã lấy Phượng Hà, thế là lòng dạ chúng tôi được yên ổn rồi, có con thì lại càng tốt, ngày sau Phượng Hà chết cũng có người đắp điếm.

Phượng Hà trông thấy chúng tôi khóc, nước mắt cũng ầng ậng theo. Gia Trân vừa khóc vừa nói:

– Giá mà Hữu Khánh còn sống thì tốt quá, nó được Phượng Hà bế ẵm mà lớn lên, nó thân Phượng Hà lắm cơ, Hữu Khánh chẳng được thấy ngày này.

Nhị Hỉ khóc càng dữ hơn, nó nói:

– Giá mà cha mẹ con còn sống đến giờ thì hay bao nhiêu, lúc mẹ con mất, cứ nắm tay con mãi không chịu rời.

Bốn người càng khóc càng đau lòng, khóc chán rồi, Nhị Hỉ lại cười, nó chỉ vào bát đậu nói:

– Cha, mẹ ơi, ăn đậu phụ đi, Phượng Hà làm đấy.

Tôi nói:

– Tôi ăn đây, tôi ăn đây Gia Trân, bà ăn đi.

Tôi với Gia Trân nhìn lại nhìn đi, rồi cả hai càng cười. Chúng tôi sắp có cháu ngoại đến nơi rồi. Hôm đó bốn người chúng tôi cứ khóc khóc cười cười, mãi cho đến khi trời tôi, Nhị Hỉ với Phượng Hà mới trở về.

Phượng Hà đã sắp có con, Nhị Hỉ lại càng thương yêu nó. Mùa hè đến, trong nhà nhiều muỗi lắm, nhà lại không có màn, trời vừa tối là Nhị Hỉ lại nằm lên giường cho muỗi đốt no thôi, để Phượng Hà ở ngoài nhà ngồi hóng mát, đến khi muỗi trong buồng không buồn đốt người nữa, mới để Phượng Hà vào nhà đi ngủ. Mấy lần Phượng Hà vào xem nó, nó sốt ruột mới bế thốc Phượng Hà ra ngoài. Những chuyện đó đều là mấy bà hàng xóm nói lại với tôi đấy. Họ bảo Nhi Hỉ:

– Anh đi mua lấy một cỗ màn.

Nhị Hỉ cười cười không nói gì, lúc vắng người mới bảo tôi:

– Nợ chưa trả xong, con chưa yên dạ được.

Thấy trên mình Nhị Hỉ chỗ nào cũng đầy nốt muỗi đốt lẩn mẩn đỏ, tôi cũng xót lắm, tôi bảo:

– Anh đừng làm vậy.

Nhị Hỉ nói:

– Con có một mình, muỗi có đốt cũng chẳng kiếm chác được gì nhiều, Phượng Hà những hai người kia mà.

Phượng Hà sinh con vào mùa đông, năm ấy tuyết rơi nhiều lắm, chẳng nhìn rõ cái gì ngoài cửa sổ cả. Phượng Hà vào phòng đẻ cả một đêm mà vẫn chưa ra, tôi với Nhị Hỉ ngồi ngoài, càng đợi càng thấy sợ, hễ có thầy thuốc đi ra là chạy đến hỏi, biết là còn đang đẻ, mới hơi yên tâm một chút. Đến khi trời sắp sáng, Nhị Hỉ bảo:

– Cha ạ, cha đi ngủ trước đi

Tôi lắc lắc đầu:

– Lo thắt cả ruột ngủ thế nào được.

Nhị Hỉ khuyên tôi:

– Hai người cứ níu lấy nhau thế này không được đâu, Phượng Hà đẻ xong còn phải có người chăm sóc.

Tôi nghĩ Nhị Hỉ nói cũng đúng, liền nói:

– Nhị Hỉ, anh đi ngủ trước đi

Hai người đun đẩy nhau mãi, chẳng ai chịu ngủ. Khi trời sáng hẳn, Phượng Hà vẫn chưa thấy ra, chúng tôi lại bắt đầu sợ, những người đàn bà vào sau Phượng Hà đều đã đẻ xong, đưa ra rồi. Tôi với Nhị Hỉ đâu có ngồi yên nổi nữa, ghé tai vào cửa nghe ngóng, động tĩnh bên trong, nghe thấy có tiếng đàn bà kêu la, chúng tôi mới yên tâm, Nhị Hỉ nói:

– Khổ cho Phượng Hà quá.

Một lúc sau, tôi cảm thấy không đúng, Phượng Hà bị câm, không biết kêu la, nói với Nhị Hỉ như vậy, Nhị Hỉ sợ tái mét mặt, nó chạy đên buồng đẻ ghé vào cửa ráng sức hét to:

– Phượng Hà, Phượng Hà.

Trong buồng ló ra một bác sĩ, quát Nhị Hỉ:

– Anh hét cái gì, đi ra.

Nhị Hỉ hu hu khóc, nó nói:

– Sao vợ tôi vẫn chưa ra.

Bên cạnh có người nói với chúng tôi:

– Đẻ thì có nhanh, có người chậm chứ.

Tôi nhìn nhìn Nhị Hỉ, Nhị Hỉ nhìn tôi, nghĩ cũng có thể như vậy thật, thế là lại ngồi xuống tiếp tục đợi, tim vẫn đập thình thình loạn xạ cả lên. Không lâu lắm, một bác sĩ đi ra hỏi chúng tôi:

– Giữ lớn hay giữ bé?

Cô ta hỏi vậy khiến chúng tôi ngớ cả ra, cô ta lại hỏi:

– Ơ kìa, hỏi các ông đấy.

Nhị Hỉ quì sụp ngay xuống trước mặt cô ta, khóc to:

– Bác sĩ ơi, cứu Phượng Hà với, tôi cần Phượng Hà. Nhị Hỉ khóc ồi ồi dưới đất, tôi đỡ nó dậy, khuyên nó đừng làm như thế, đừng để hỏng thêm việc. Tôi nói:

– Chỉ cần Phượng Hà không việc gì là được rồi, còn núi xanh thì còn củi đun mà.

Nhị Hỉ hu hu khóc:

– Con tôi mất mất rồi.

Tôi cũng mất cháu ngoại, tôi cúi gục đầu xuống hu hu lên khóc. Đến trưa, có một bác sĩ từ trong đi ra nói:

– Đẻ rồi, con trai.

Nhị Hỉ vừa nghe thấy thế cuống lên, kêu:

– Tôi có cần giữ bé đâu.

Bác sĩ nói:

– Lớn cũng không làm sao.

Phượng Hà không việc gì, mắt tôi bỗng mờ đặc đi, tuổi hễ đã cao là sức khỏe kém, không chịu được vất vả thật. Nhị Hỉ mừng tưởng chết, nó ngồi cạnh tôi mà người cứ rung lên, vì cười ghê quá. Tôi nói với Nhị Hỉ:

– Giờ thì tim không còn bị thắt lại nữa, ngủ được rồi đây, tí nữa sẽ thay cho anh.

D.H.

Comments are closed.