“Trăm năm trong cõi người ta” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 129)

Nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Sáu Dân

Tương Lai

Một trăm năm trôi qua, thời cuộc biến động với thời gian – người sáng tạo đích thực và duy nhất, và cũng là kẻ phá huỷ vĩ đại duy nhất – khiến ta phải định vị được chỗ đứng hôm nay, để nhìn lại sự nghiệp của một đời người, một thân phận giữa cuộc đời đầy bão tố. Ý nghĩ ấy đến với tôi khi đặt ngón tay trên bàn phím viết bài “Kỷ niệm 100 năm sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.

clip_image002

Từ phải sang Vũ Quốc Tuấn, Việt Phương, Võ Văn Kiệt, Tương Lai

 

Đã có rất nhiều những bài viết về Võ Văn Kiệt, vị Thủ tướng mà theo nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì “Trong các Thủ tướng của nước ta, Bác Hồ đã kiêm chức Thủ tướng 10 năm đầu của chế độ mới, không ai so sánh cùng Bác được. Còn lại năm người cho đến nay là tôi, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt và anh Phan Văn Khải thì anh Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước”.[1] Cụ Phạm Văn Đồng vốn kiệm lời, một câu khái quát như vậy là một sự đánh giá có cân nhắc kỹ và có tầm khái quát khá đầy đủ về đóng góp của một nhân vật lịch sử đối với dân tộc, với đất nước. Tôi nhớ mãi thái độ của ông khi ông gọi tôi đến trình bày bản báo cáo “Khảo sát xã hội học về sự kiện Thái Bình” năm 1997 theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nói ngay: “Tôi đồng tình với quyết định táo bạo và rất kịp thời ấy của anh Võ Văn Kiệt”. Nghe tôi trình bày: “Thưa anh, không có “địch ta” nào hết. Đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”, ông ngăn lại, bàn tay đập khẽ lên mặt bàn: “Không phải là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà là mâu thuẫn giữa một bên là những kẻ thoái hoá biến chất trong bộ máy cầm quyền áp bức đè nén dân, dân không chịu nổi, phải đứng lên đấu tranh. Có nhận định như vậy mới có giải pháp đúng và trúng”. Tôi quá ngạc nhiên khi ông nói cùng chịu trách nhiệm với Tương Lai về bản báo cáo này, mãi về sau tôi mới biết tại sao. Tôi nhớ lại trong bài cuối cùng ông viết trên báo Nhân Dân ngày 1.5.1999 có câu: “Chúng ta thường được báo cáo rằng chất lượng tổ chức của Đảng và đảng viên là trong sạch chiếm đến 70-80%. Nhưng thật sự đâu có vậy, đảng viên một phần không nhỏ không có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong của người cộng sản”. Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập xin chữa vài chữ cho “mềm”, đỡ “căng” quá, ông trả lời “Không chữa gì hết, đăng nguyên văn, không thì thôi”. Tôi thấy hôm ấy ông rất giận.

Và hơn 20 năm sau, nhận định ấy của Phạm Văn Đồng chẳng những đúng mà còn bức xúc hơn nhiều. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta hôm nay bàn về kỷ niệm 100 năm sinh Võ Văn Kiệt.

Liệu có đúng thời gian cũng là kẻ phá huỷ vĩ đại duy nhất khi chính nó “đã tạo nên những quả núi từ vô vàn hạt cát… đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, ý tưởng, trên đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại[2]. Nhưng cũng với thời gian, người ta lại thấy rõ hơn tầm vóc của một trí tuệ, một bản lĩnh và một sự nghiệp mà Sáu Dân là một ví dụ tiêu biểu, sống động khi đã cách xa gần hai thập kỷ với bao nhiêu biến động để nhìn lại. Như ngọn núi kia, khi lùi xa ra mới thấy hết được tầm cao, chiều sâu vẻ đẹp của nó.

Tôi có may mắn được ngắm nhìn núi Phú Sĩ trong một chuyến đi trao đổi văn hoá năm 1996 đã củng cố thêm trải nghiệm khó nói nên lời đó. Hình ảnh núi Ngự Bình quê tôi trong đầu óc trẻ thơ mỗi lần theo mẹ lên thăm mộ cha tôi nằm giữa đồi thông chỉ là dòng suối róc rách nước mát lạnh, được thoả thích vốc nước té lên mặt rồi rẽ lá, luồn cây để nhanh đến quán bánh bèo, chẳng thấy núi đâu cả. Và dòng sông Hương quê tôi chỉ thật thơ mộng khi ngắm nhìn từ trên Đồi Vọng Cảnh, chứ không phải trên con đò nghe ca “Vọng cổ”.

Cay đắng nhớ lại lần cuối cùng ngồi bên ông Sáu Dân. Máy bay vừa hạ cánh xuống Nội Bài sau bốn ngày làm mấy việc ở Sài Gòn mà ông yêu cầu, thì nhận được điện thoại của Trịnh: “Chú Sáu muốn chú không về khách sạn mà về ngay “nhà số 6. Chú cần gặp”. Lên xe về đến nơi tôi vào thẳng phòng khách, ông Sáu đang nằm ghé trên ghế bọc da, hai chân gác trên tai ghế: “Xin lỗi, cho mình nằm nói chuyện. Vừa ở chỗ “nghi lễ” về, mệt quá”. Câu chuyện cũng không có gì cấp bách, mọi việc chuẩn bị cho việc đón tiếp khách từ Mỹ sang mà ông giao thì tôi đã hoàn tất, chỉ nói một câu là đủ. Sao ông phải vội vã thế.

Tôi có cảm tưởng là ông đang bức xúc chuyện gì đó nên muốn có người sẻ chia. Ông nói: “Tôi vừa gặp Lê Hồng Anh”. Chuyện này tôi đã có dịp viết trên “Mênh mông thế sự” xin không nhắc lại. Tôi thưa, “Anh có vẻ mệt, nên nằm nghỉ thôi, chiều hãy làm việc tiếp, tôi xin về để anh nghỉ”. Ông đưa tay ngăn lại: “Không cần đâu, anh ở đây ăn cơm trưa rồi nghỉ lại, chiều làm việc tiếp”. Trong bữa ăn trưa, ông tiếp tục câu chuyện “gặp Lê Hồng Anh” – hình như lúc ấy là Thường trực Ban Bí thư, tôi nhớ không rõ – mà điều ông lo lắng nhất là từ câu chuyện ấy, ông nói: “Anh thấy chưa, Đảng của ta bây giờ có cách làm việc như thế đấy, chỉ mấy người hợp ý với nhau mà cũng nhân danh là Bộ Chính trị, thế thì còn gì là dân chủ tập trung và tập trung dân chủ”. Có lẽ đây là điều ông bức xúc nhất cho đến phút cuối cùng ông ra đi.

Thế rồi, theo yêu cầu của Trịnh, tôi ngồi cạnh ông trong căn phòng rất hẹp chỉ đủ đặt một cái giường bệnh viện mà bên ngoài đang chuẩn bị cho việc khâm liệm để đưa ra quàn ở Hội trường Thống nhất. Xót xa tức tưởi, suy nghĩ mông lung. Sao ông đột ngột ra đi khi còn nhiều điều chưa nói hết, nhiều chuyện nung nấu chưa được bộc lộ, nhiều việc lớn đang còn dang dở. Cuộc đời thật oái oăm và tàn nhẫn. Tôi nuốt nước mắt vào trong, nắm thật chặt bàn tay của ông đã giá lạnh. Anh Nguyễn Tấn Dũng bước vào ôm mặt ông, khóc. Tôi đứng dậy lùi ra ngoài, khép hờ cánh cửa nhìn vào, lòng buốt giá. Mấy phút sau, anh bước ra, vỗ vai chào tôi “Anh vào đi”.

Sửa lại tấm vải trắng phủ kín lên mặt ông Sáu, tôi luồn tay qua tấm vải, nắm chặt bàn tay lạnh giá của ông, đau đớn nghẹn ngào. Hôm nay gõ phím viết bài vẫn nhớ như in nét dáng ông dưới tấm vải trắng và bàn tay ông trong bàn tay tôi. Nước mắt nhoè ra, không trông rõ nút bấm trên bàn phím, đầu ngổn ngang trăm mối, nhớ lại những ý tưởng đã trả lời cho nhóm phóng viên do Hiếu Dân dẫn tới nhà hôm nọ chuẩn bị cho việc “kỷ niệm 100 năm” mà không biết nên chọn những ý gì.

Cuộc bể dâu” của trăm năm qua mà dân tộc ta nếm trải thật là dữ dội, tàn khốc. Và, cuộc đời và sự nghiệp của ông Sáu Dân nằm trọn trong “cuộc bể dâu” mà đại thi hào Nguyễn Du cảm khái gợi ra, đã làm sống lại trong tôi giây phút nghẹn ngào khi nắm chặt bàn tay giá lạnh của người vừa đột ngột ra đi. Phải trong giây phút ấy tôi mới thấm thía được thế nào là “Sự im lặng tột cùng dẫn tới nỗi buồn. Đây là hình ảnh của cái chết” mà tôi đã đọc được từ Jean Jacques Rousseau, nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng Pháp, có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789.

clip_image008Đương nhiên, mỗi người, mỗi thân phận nằm trong “cuộc bể dâu” ấy không ai giống ai, càng không phải cuộc đời và sự nghiệp của họ có thể đi vào lịch sử như những nhân vật lịch sử, trong đó, Võ Văn Kiệt là một nhân vật nổi bật. Nổi bật đến độ mỗi lúc đối diện với những vấn đề gay cấn và bức xúc, người ta hay nhắc đến “điệp khúc”: “Giá lúc này có ông Sáu Dân”! Điều đó cho thấy sức sống của trí tuệ và bản lĩnh của của nhân vật lịch sử Võ Văn Kiệt trong dòng chảy của thời gian đã đương đầu được với những biến động đang diễn ra mà dòng tư duy của con người ấy vẫn phát huy tác dụng, có sức “công phá” mãnh liệt – từ ngữ mà Phạm Văn Đồng hay dùng.Theo tôi hiểu, nỗi bức xúc lớn nhất mà Võ Văn Kiệt còn day dứt trước khi ra đi là, vấn đề Đảng cầm quyền và sự tha hoá của cái quyền ấy. Câu chuyện tôi dẫn ra ở trên về lần nói chuyện với ông ở “nhà số 6” đã là căn cứ để tôi đưa ra cảm nhận này.

Và mới tuần trước đây, khi đọc bài Làm gì của anh Nguyễn Trung, tôi xúc động chia sẻ với ý tưởng tâm huyết của anh, người Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Kẻ thù số một của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay là sự tha hoá của quyền lực toàn trị hình thành từ trong lòng Đảng Cộng sản Việt Nam, đã diễn biến hoàn hảo Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay thành đảng cai trị – nghĩa là chỉ còn để lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay cái tên gọi và sự nguỵ trang đã quá cũ kỹ, song đã lấy đi mất phần cơ bản cái bản chất, những giá trị và khả năng của của một đảng cách mạng, xoá bỏ dân chủ từ trong Đảng cho đến trong mọi mặt cuộc sống của đất nước, trấn áp khát vọng của nhân dân về quyền được sống trong dân chủ và tự do, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm thui chột chưa từng có tinh thần quật khởi của quốc gia, làm tổn hại nghiêm trọng những thành quả cách mạng nhân dân ta phải hy sinh rất nhiều xương máu mới giành được, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thực tế nghiêm trọng này đặt ra nhiệm vụ số một trong công tác xây dựng Đảng là phải xóa bỏ quyền lực toàn trị, để khắc phục sự tha hoá của nó đang tàn phá toàn bộ cuộc sống đất nước”.[3]

clip_image010Đọc thư anh Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từng là Phó ban trực Ban Tuyên giáo Trung ương, người nằm trong bộ máy cầm quyền, hiểu quá rõ bộ máy ấy, đã nói về chế độ toàn trị độc đoán phản dân chủ: “Tôi nghĩ Nga xâm lược Ukraina là rõ ràng rồi, là sai, là xấu, Putin đã tha hóa quyền lực đến tận cùng rồi. Tàu rất thâm sâu trong chuyện này, chính Tàu mới là đối thủ tiềm tàng của cả Nga và Mỹ, đang "tọa sơn quan hổ đấu" phải coi chừng con sư tử đang rình mồi”. Cách đây năm năm, trả lời phỏng vấn của BBC ngày 5.7.2017, Vũ Ngọc Hoàng đã nói rành rọt: “Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người. Mà toàn trị là thứ chống lại tự do – giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người”.

Hai lá thư đó đã đánh động dư luận cả nước về những biến động bất ngờ mà thế giới đang phải đương đầu, chính trong bối cảnh dữ dội ấy, chúng ta suy nghĩ chuẩn bị kỷ niệm 100 năm sinh ông Sáu Dân mà sinh thời luôn ưu tư về vận nước, đau đáu nghĩ về sự tha hoá của Đảng, đặc biệt là tha hoá trong người người thâu tóm quyền lực vào trong tay mình với thể chế độc đảng theo mô hình Liên Xô đã sụp đổ. Ngọn lửa chiến tranh Ucraina đang làm nổi bật lên một cách phũ phàng hình ảnh của thể chế độc tài “đã tha hóa quyền lực đến tận cùng rồi”, càng giúp chúng ta hiểu sâu hơn nỗi lo của ông Sáu Dân trước lúc ra đi.

Hình ảnh lãnh chúa Putin cho thấy với sự tha hoá quyền lực đến tận cùng của kẻ cầm đầu nắm giữ mọi quyền sinh quyền sát của bất cứ ở một quốc gia dân tộc nào cũng là tai hoạ cho đất nước và nhân dân đất nước ấy. Đất nước ta, nhân dân ta lại gánh thêm một tai hoạ “Tàu rất thâm sâu trong chuyện này”, và phải coi chừng “con sư tử đang rình mồi” này vốn đã là mối lo thường trực mà ông Sáu Dân ngày đêm nung nấu. Nga và Tàu bắt tay nhau nhằm hù doạ phương Tây, song sẵn sàng đâm vào lưng nhau khi cần thiết, bài học về cuộc chiến tranh Trung Xô năm 1969 chứng minh cho điều đáng xấu hổ đó do Trung Quốc chuẩn bị và khơi mào nhằm đánh tín hiệu ve vãn Mỹ. Để tranh chấp một hòn đảo trên sông Ussuri chỉ có diện tích 0,74 km2, người Tàu gọi là Trân Bảo và Liên Xô gọi là Damansky, mà một cuộc chiến đẫm máu, huy động đến mấy sư đoàn, cả xe tăng, trọng pháo và thậm chí Tàu còn đưa vũ khí hạt nhân họ vừa tập tễnh bước đầu chế tạo ra để đe doạ.

Với “sự kiện Ukraina”, Putin và Tập đã gặp nhau tại Bắc Kinh trong dịp khai mạc Olympic mùa Đông để ra tuyên bố chung. Việc liên kết với Trung Quốc để răn đe và hù dọa phương Tây là một chuyện, nhưng xâm lược Ukraina, một nước có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế, là chuyện khác. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình đã hiểu sai ý đồ của Putin và bị bất ngờ khi Nga xâm lược Ukraina, làm cho Bắc Kinh bị động và mắc kẹt, phải ứng xử hai mặt mà việc bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc vừa rồi là một ví dụ. (Và rồi không hiểu có phải vì vậy mà Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng, một ứng xử đáng xấu hổ với nhân dân Ukraina và với thế giới?!). Tuy không rõ Tập Cận Bình có biết trước kế hoạch Nga sẽ xâm lược Ukraina hay không, nhưng có hai điều chắc chắn. Một là Tập mong quân đội Nga mạnh hơn sẽ nhanh chóng đè bẹp được Ukraina, và hai là Tập hình dung phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ yếu. Nhưng những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraina là cơn ác mộng.[4]

Không giấu được sự phẫn nộ, Nguyễn Trung thẳng thắn vạch rõ: “Hãy can đảm nhìn lại lá phiếu trắng này đã gây ra những tổn hại gì cho đất nước, đánh mất chính nghĩa của đất nước như thế nào, làm bạn bè mất lòng tin đến đâu, và làm cho cái ác đi guốc trong bụng ta ra sao?! Là đi ăn xin, hay là dấn thân?… Là lợi ích thiết thực, hay chỉ là ảo tưởng của kẻ yếu bóng vía?… So sánh mất/được như thế, liệu sách lược có còn là sách lược không, hay là phản tác dụng? Để sống và dám sống trong thế giới hôm nay, nên đối mặt với sự thật, hay tránh né nó, và tránh né nó có được yên thân không, đất nước được gì, mất gì? Nguồn gốc thật sự của cái lá phiếu trắng này là gì?… … Xin đừng bao giờ quên: Việt Nam ở vào vị thế mình phải tự bảo vệ lấy mình trước hết, không thể dựa vào ai; và vì lẽ này: Giữ được chính nghĩa trọn vẹn – với chính nhân dân nước mình và với bạn bè thế giới, Việt Nam sẽ là bất khả chiến bại trong mọi hoàn cảnh, và trước mọi thách thức – bốn cuộc kháng chiến mới đây nhất đã dạy nhân dân nước ta như vậy!”.[5]

Nhân dân ta vốn trân trọng giữ gìn tình cảm sâu nặng với nước Nga, với nhân dân Nga, nhưng không vì thế mà không lên án cuộc chiến tranh điên rồ của Putin đang tàn phá đất nước Ukraina. Một cuộc chiến tranh phi nghĩa không thể biện minh với bất cứ lý do gì. Cũng giống như cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 của Trung Quốc tràn vào sáu tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta, trước đó đã dùng Pôn Pốt xua quân đánh vào các tỉnh biên giới phía Nam nước ta, tàn sát dân lành cũng như chúng, vợi sự giúp đỡ của các cố vấn Tàu đã gây nên cuộc diệt chủng man rợ và ghê tởm đối với nhân dân Campuchia.

Vì vậy hơn bao giờ hết, từ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của “lãnh chúa Putin”, cần phải tỉnh táo theo dõi điễn biến của các sự kiện và đủ bản lĩnh để ứng phó với mọi tình huống, đưa những quyết sách thích hợp và táo bạo, đưa đất nước ra khỏi cái thòng lọng cùng chung ý thức hệ với con sư tử đang rình mồi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy, với tầm nhìn rộng và bao quát diễn biến thời cuộc của thế giới của một nhà ngoại giao với mối khắc khoải ưu tư về vận mệnh của đất nước mình, nhân dân mình đã có bài viết rất tâm huyết về sự kiện Ukraina. Ở đó, anh đã đưa ra những nhận định sâu sắc về “những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine là cơn ác mộng. Người Ukrainian bằng hành động của mình đã cho Mỹ, Châu Âu, và Châu Á một bài học về khả năng tự vệ”.

Từ đó, anh đã phân tích về “ẩn số Trung Quốc”, về “các nước trong khu vực”, về “các biến số mới”, về “các kịch bản mới” và dẫn tới một nhận định thật quyết liệt: “Thương vong vượt quá 1.000 người/ngày, thì đó là một cuộc chiến khốc liệt. Với Nga, đó còn là nỗi hổ thẹn lớn về tinh thần và thảm họa về kinh tế, có thể làm cho Putin tuyệt vọng vì không còn lựa chọn nào khác, phải chơi bài liều. Otto von Bismarck gọi đó là “tự sát vì sợ chết””.[6] Nội dung bài viết của Nguyễn Quang Dy dẫn ra nhiều ý kiến, những phát biểu và những phân tích sâu sắc của nhiều nhân vật có trách nhiệm và có uy tín giúp người đọc hiểu sâu được tình hình mới nhất mà một vài người vốn từng là cây bút được nhiều người đọc, nhưng do lạc hậu với tình hình đã đưa những nhận định lạc lõng, thậm chí rất sai lệch, lẫn lộn trắng đen, chính nghĩa và phi nghĩa. May là bài viết chỉ đăng dưới dạng trả lời phỏng vấn của một tờ báo địa phương ở miền Trung!

Xin hãy đọc một vài trích dẫn từ bài viết của Nguyễn Quang Dy. Trước hết là Thomas Friedman (tác giả của Thế giới phẳng và nhiều bài chính luận sắc sảo khá quen thuộc với người đọc nước ta) viết trên The New York Times ngày 1.3.2022: “Nếu Putin không dừng lại thì thế giới đang “đến gần cổng địa ngục”, vì Putin tuyệt vọng có thể làm liều”.

Còn theo sử gia Yuval Harari, “Putin đã chơi một canh bạc đầy mạo hiểm, không tính tới một ẩn số lớn: chiếm một đất nước thì dễ, nhưng giữ được nó rất khó. Người Ukraina đứng lên chống xâm lược với lòng quả cảm làm thế giới khâm phục. Không phải Gorbachev mà Putin sẽ ký giấy báo tử cho đế quốc Nga”. Vì đó là “canh bạc cuối của một nhà độc tài đã cầm quyền 25 năm, nay tính khí ngày càng thất thường”.

Tờ báo Nikkei ngày 2.3.2022 viết: “ASEAN muốn đối xử công bằng với cả hai bên, không phải là trung lập mà có nguy cơ bị vô hiệu hóa vĩnh viễn trong một trật tự thế giới đang thay đổi quá nhanh”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton thì phát biểu: “Úc và đồng minh sẽ để mất một thập kỷ tới nếu không dám đứng lên chống lại Bắc Kinh ở Biển Đông”.

Các quyết định của Nga cho thấy Putin có dấu hiệu bất bình thường. Theo Moisés Naím (tác giả The End of Power), một thế hệ lãnh đạo mới nguy hiểm đang trỗi dậy trên thế giới, gồm những nhà “độc tài mới” theo chủ nghĩa dân túy (như Donald Trump hay Vladimir Putin). Họ tuyên truyền những điều dối trá mà nay đang trở thành đức tin của những người mù quáng. Họ quảng bá về mình như thần tượng của nhân dân, đấu tranh chống tham nhũng. Họ tập trung quyền lực vào tay mình, tấn công các thể chế đã duy trì nền dân chủ, tuyên chiến với báo chí, và bãi bỏ các luật lệ hạn chế quyền lực của họ.

Hãy nghe lời cảnh báo của Tổng thống Ukraina Zelensky ngày 4.3.2022: “Người châu Âu, hãy thức tỉnh. Hãy nói với các chính trị gia của bạn, lực lượng Nga đang bắn vào nhà máy hạt nhân ở Ukraine. Nhà máy hạt nhân Zaporizka thành phố Energodar. Có sáu khối năng lượng ở đó. Sáu. Ở Chernobyl, một khối năng lượng đã phát nổ. Lần đầu tiên. Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, trong lịch sử loài người, nhà nước khủng bố đã dùng đến khủng bố hạt nhân. Trước đây, tuyên truyền của Nga đã cảnh báo về việc bao phủ thế giới trong tro bụi hạt nhân. Giờ đây, đây không chỉ là một cảnh báo, đây là sự thật”.

Và Yuval Harari, như đã dẫn ra ở trên, thì chỉ ra rất rõ ràng: “Cuộc chiến tại Ukraine sẽ định hình tương lai của toàn thế giới. Nếu để độc tài xâm lược thắng, thì tất cả chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả. Không có lý do gì để đứng ngoài quan sát. Đây là thời điểm đứng lên để dấn thân”.

Đúng vậy, “Đây là thời điểm đứng lên để dấn thân”.

Những hệ lụy của khủng hoảng Ukraina có thể đem lại một trật tự thế giới mới khó lường, bất lợi cho các nước như Việt Nam. Với Việt Nam, môi trường quốc tế hòa bình và ổn định đã giúp đất nước hội nhập quốc tế sâu hơn, do đó có lợi từ đa phương hóa. Đây là một thời điểm cực kỳ nhạy cảm đối với một nước có một vị thế địa chính trị rất đặc biệt như nước ta. Cũng vì thế hơn bao giờ hết, dân tộc ta phải tỉnh táo, xốc lại bản lĩnh truyền thống quật cường của ông cha ta thế kỷ XIII từng đánh tan tác trên ba chục vạn binh của đế quốc Nguyên Mông ba lần xâm lược nước ta, thế kỷ XV tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược nhà Minh, thế kỷ XVIII Nguyễn Huệ đánh tan mấy chục vạn quân Thanh chỉ trong năm ngày.

Việt Nam cần phải có bản lĩnh và trách nhiệm trước hết là đối với danh dự và lòng tự trọng của chính quốc gia mình, cũng như đối với thế giới; bản lĩnh và trách nhiệm đối với chủ quyền và lợi ích của đất nước mình, đối với hoà bình và tiến bộ của cả cộng đồng quốc tế. Càng phải thấy cho thật rõ là với vị thế địa chính trị đặc thù Việt Nam đang ở trên toạ độ nóng nhất của cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở Biển Đông, có liên quan mật thiết với chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta. Nếu nhìn rộng ra hơn nữa, nếu không có quyết sách và giải pháp đúng thì nguy cơ bị vô hiệu hóa vĩnh viễn trong một trật tự thế giới đang thay đổi quá nhanh rất dễ trở thành hiện thực.

Vì những lẽ đó, Nguyễn Trung đã kết thúc thật cay đắng bài viết tâm huyết ngày 7.3,2022, “như máu chảy ra đầu ngọn bút” theo cách mà người ta thường nói khi anh day dứt: “Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay nắm trong tay vận mệnh của quốc gia, nhưng đang có nhiều bất cập nghiêm trọng trước đòi hỏi sống còn này của quốc gia”! Oái oăm một điều, cuộc chiến giữa Nga xâm lược và Ukraina kiên cường chiến đấu, trong bản chất, đây là một cuộc chiến giữa các giá trị:dân chủ, tự do” chống lại “độc tài, toàn trị” – một ám ảnh quá khủng khiếp với chế độ toàn trị phản dân chủ. Lá phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc, những tuyên bố mập mờ, đầy mâu thuẫn của vài tướng lĩnh và Bộ Ngoại giao là khởi nguồn từ sự oái oăm này.

Cái song đề (dilemma) xem ra không chỉ là của George xứ Trapezous (1395–1486) xa xưa, mà đang luẩn quẩn trong đầu óc của những người đang ngự trên cái ghế quyền lực mà họ giành giật được. Người ta đang đặt lên bàn cân của lương tâm, lương tri giữa lợi ích thiêng liêng của đất nước do ông cha bao đời gìn giữ bằng máu xương của bao thế hệ Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử và lợi ích của cái ghế họ đang ngồi nhân danh ý thức hệ, còn Đảng còn mình.

Sự tha hoá của quyền lực là tuyệt đối khi quyền lực cũng tuyệt đối trong một chế độ toàn trị cũng đang là tuyệt đối. Đó là quy luật thép của lịch sử đang hiển hiện trên đất nước ta. Chưa bao giờ mà hai từ “nhân dân” được nói đến nhiều như bây giờ, trong diễn văn, trong tuyên bố, trong những lời răn dạy dù dõng dạc, nổ vang trời, hay lè nhè bịp bợm, thì hai tiếng nhân dân đều là những điệp khúc dồn dập không thể thiếu. Thế nhưng trong thực tế thì nhân dân” đứng ngoài cuộc, mọi việc đã có “Đảng lo”. Mọi suy nghĩ, mọi sáng tạo đều không được thoát ra khỏi tầm tư tưởng, tư duy của Đảng! Chao ôi, thật không may cho tôi là biết quá rõ cái tầm trí tuệ của người đang vạch đường chỉ lối cho nhân dân “xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”. Chẳng có sự hoang tưởng nào giống sự hoang tưởng nào, ngoài những lời tụng ca của những bồi bút mà thời nào cũng có. Đặc biệt là thời của những nhà độc tài mà “lãnh chúa Putin”, “Hoàng đế Tập Cận Bình” và những tên độc tài con con cỡ học trò đang cố noi theo lời dạy của thầy, đang là những ví dụ sống động!

clip_image012Vừa rồi, nhân kỷ niệm 80 năm ra đời bộ phim The Great Dictator (Nhà độc tài vĩ đại) từng chấn động dư luận của Charlie Chaplin, tôi đọc thấy câu “Với bất kể một kẻ độc tài nào, dù là của thời trước hay sau này, thì bản tính ác độc sẽ luôn đi đôi với sự non nớt bên trong”. Chaplin nhìn thấy được tương lai trong khi các nhà lãnh đạo thế giới thì không. Và vì vậy, “Nếu muốn xem một tấm gương phản chiếu những kẻ chuyên chế của Thế kỷ 21, bạn sẽ tìm thấy điều đó trong bộ phim đã được công chiếu từ 80 năm trước”. Vì rằng như Chaplin viết trong cuốn tự truyện “Với tôi, điều thú vị nhất trên đời là chế nhạo những kẻ mạo danh và khó có thể tìm ra kẻ mạo danh nào qua mặt được Hitler”. Mà số phận của những kẻ mạo danh ấy thì cái sọt rác của lịch sử chứa đầy.

Nếu Chaplin sống thêm 45 năm nữa (ông mất năm 1977) chắc ông sẽ bổ sung thêm được vài nhà độc tài “vĩ đại” và một vài nhà độc tài nhãi nhép nhưng không kém phần độc hại, để rồi sẽ lại bị ném vào trong sọt rác của lịch sử. Chỉ có điều, trước khi cáo chung số phận của kẻ độc tài, dù là độc tài nhãi nhép, chúng cũng đã phạm tội ác kéo lùi lịch sử phát triển của dân tộc và gây đau khổ cho nhân dân. May thay, rồi số phận của những độc tài nhãi nhép này có lẽ không còn kéo dài lâu hơn được nữa.

Và đó chính là bối cảnh mà chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm sinh của ông Sáu Dân. Tâm điểm của cuộc chuẩn bị đó cũng chính là nỗi niềm sâu kín nhất, mãnh liệt nhất của Sáu Dân trước khi nhắm mắt: vận mệnh của dân tộc trước sự tha hoá của bộ máy quyền lực, khởi đầu từ một nhóm thế lực cầm quyền thao túng bộ máy Đảng và Nhà nước.

Sinh thời, khi đã thôi tất cả mọi chức vụ, kể cả vai trò “Cố vấn” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Sáu Dân đã làm hết sức mình để chống lại sự tha hoá của những người đứng đầu bộ máy cầm quyền của Đảng. Bằng mọi cách để tác động đến họ, từ trực tiếp trao đổi với từng người, đến viết thư cho Bộ Chính trị, cho Ban Chấp hành Trung ương, kể cả đến các Bí thư Tỉnh uỷ trong quá trình tiến tới Đại hội X. Để gì? Để ngăn chặn nguy cơ áp đặt của Bắc Kinh với người đang giữ chức vụ cao nhất trong Đảng và con bài kế cận đã được chuẩn bị sẵn, ông viết thư đề nghị “Đại hội bầu trực tiếp chức danh Tổng Bí thư và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự do ứng cử và đề cử”, Đại hội nên “bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm những đại biểu thực sự có năng lực để điều hành hoạt động của Đại hội thay vì Bộ Chính trị của khoá sắp mãn nhiệm điều hành”… Đương nhiên là người đang nắm giữ bộ máy quyền lực cao nhất ém nhẹm bức thư ấy.

Đã dự kiến trước chuyện này, vào “phút 89” trước khi Đại hội bỏ phiếu, Sáu Dân vẫn kiên trì “còn nước còn tát”, vận động một “ứng cử viên sáng giá” dám dũng cảm đứng ra nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư khi có một đoàn đại biểu dự Đại hội đông nhất đứng ra giới thiệu trực tiếp giữa Đại hội. Đáng tiếc là việc đó không thành vì nhiều lý do không tiện viết ra. (Thật ra người viết bài này không muốn nói đến hành động quyết liệt này của ông Sáu Dân, nhưng vì nhà báo Huy Đức đã viết trong “Bên thắng cuộc” (tập II, trang 399) nên buộc phải kể lại trên “Mênh mông thế sự” nhân ngày Giỗ lần thứ 5 ông Sáu Dân). Tôi còn nhớ nụ cười của ông khi gặp tôi sau sự kiện “phút 89” ấy: “Tôi cũng đã dự kiến được chuyện này, vì tôi hiểu được anh ta khá lâu, nhưng vẫn cứ thử xem, biết đâu được”. Đấy chính là một nét tính cách của Sáu Dân.

clip_image014 Có thể thấy rất rõ nét tính cách đó trong việc ông chọn giải pháp trở lại Khu IX tháng 8.1973 bằng đường biển trên “con tàu không số”, rút ngắn phân nửa thời gian lúc đi ra họp ở Hà Nội, để kịp phổ biến Nghị quyết Trung ương 21 và vạch kế hoạch thực hiện. Khi đã xác định rõ mục tiêu, ông không ngần ngại tìm cách thực hiện, cho dù phải trả giá bằng sinh mệnh của mình.

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên Chủ nhật 16.5.1999, ông nói: “Bộ Chính trị họp xong với các quân khu, tôi thấy tình thế đòi hỏi quá cấp bách: lúc đó Tây Nam bộ đang chiến đấu rất quyết liệt, giữ đất, giữ dân hàng ngày với địch. Khu tôi phụ trách ở xa nhất nên tôi tranh thủ xin được về bằng đường biển… Đúng một tuần sau tôi đã có mặt ở Tây Nam bộ. Chuyến đi được xem là khá căng thẳng bằng mưu trí chứ không phải bằng đấu lực và càng không bằng vũ khí”. Còn có thể kể ra rất nhiều ví dụ về vị Thủ tướng – “người làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước” như Phạm Văn Đồng đã nhận định.

Để “làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước”, ông luôn gặp phải những trở lực mà nếu không có một bản lĩnh Sáu Dân thì không thể vượt qua nổi. Sở dĩ ông làm được như vậy vì ông biết thâu góp trí tuệ của nhiều người trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của trí thức, những người “tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi”.[7]

Sáu Dân là người “khát khao tri thức, do đó, với trí thức, ông không chỉ tôn trọng qua lời nói, mà thực sự tôn trọng qua lắng nghe, nhất là nghe những ý kiến trái với suy nghĩ của mình để bồi bổ cho kiến thức của mình; đồng thời lại quy tụ được và phát huy tri thức, chân thành mời trí thức tham gia việc nước”. Chính ông tâm sự: “Điều quan trọng là cái Tâm của người lãnh đạo, lấy sự phát triển của đất nước làm trọng, giữ vững tinh thần đổi mới, thực hành đại đoàn kết dân tộc, khắc phục triệt để những tư duy giáo điều, cũ kỹ về thành phần xuất thân về quan điểm, chính kiến. Chỉ có chuyển biến thực sự về nhận thức, mới biết quý nhân tài, phát hiện được nhân tài, mới có thể có những đột phá về chính sách trọng dụng, tôn vinh nhân tài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho nhân tài phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước, dân tộc”.[8]

Riêng đối với người viết bài này thì ấn tượng sâu đậm về “cái Tâm của người lãnh đạo, lấy sự phát triển của đất nước làm trọng” của Sáu Dân được thể hiện trong câu chuyện khá gay cấn và thú vị về lời phát biểu “ngang xương” của Nguyễn Trọng Văn. Đó là năm 1978, khi có nhiều trí thức bỏ nước ra đi, trong một cuộc gặp trí thức tại trụ sở Thành uỷ, ông Sáu Dân đã chân thành nói với họ: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Nguyễn Trọng Văn đứng lên trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu sau ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người ra đi không phải là chúng tôi”.

clip_image016

Từ trái sang: Nguyễn Trọng Văn, Huỳnh Bửu Sơn (áo trắng) trong buổi Tưởng niệm ông Sáu Dân

Hơn 20 năm sau, trong một lần uống cà phê với anh Văn tại căn nhà rất tuềnh toàng của anh ấy tại khu cư xá Bắc Hải, quận 10 (tôi không còn nhớ chính xác), anh vừa cười vừa nói: “Thì dồn nén bức xúc nên mình bật ra như vậy, kể cũng liều, nhưng thú vị nhất là ông Kiệt lại nghe ra, và rồi mình nghe kể là ông đã dẹp bỏ sự hung hãn của những vị “nóng gáy” đòi bắt Nguyễn Trọng Văn ngay. Sau đó mình được biết chính ông nói: “Tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”. Tôi thực sự kính trọng một người lãnh đạo như ông Kiệt”.

clip_image018Không dễ để có sự kính trọng ấy! Cần nhớ rằng, Nguyễn Trọng Văn từng có một bản thuyết trình “động trời” vào thời điểm ấy: “Diễn biến tư tưởng của trí thức tại chỗ sau 1975. Anh kém tôi 4 tuổi, tôi hay đến chuyện gẫu với anh vì tôi cũng thích triết học hiện sinh của Jean-Paul Sartre và biết Nguyễn Trọng Văn cũng say mê Sartre nhưng lại không ngần ngại chỉ trích thái độ bàng quan trước số phận đất nước và con người nhân danh “triết học hiện sinh”. Không chỉ một Nguyễn Trọng Văn thực sự kính trọng ông Kiệt, còn nhiều những trí thức Sài Gòn mà tôi đã có dịp gặp gỡ như giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn và nhiều người khác nữa, trong đó Huỳnh Bửu Sơn là một ví dụ. Tôi rất cảm động và trân trọng điều tâm đắc của anh: “Phải nói là ông Sáu Dân có một sức thu hút đặc biệt, không những ông có thể khiến cho mọi người gần gũi và tin tưởng, mà còn khiến cho mọi người tự nguyện xắn tay áo, đem hết tâm huyết ra góp sức thực hiện những công việc vì lợi ích chung do ông đề ra”.[9] Phải chăng vì vậy mà suốt hơn mười năm qua, Huỳnh Bửu Sơn là người luôn có mặt ở nhà tôi trong những lần chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm Võ Văn Kiệt nhân ngày sinh, ngày Giỗ của người mà chúng tôi yêu mến, hoặc tưởng niệm những trí thức từng là người bạn, người cộng sự thân thiết của Sáu Dân như nhà thơ, nhà lý luận uyên bác Việt Phương, giáo sư Hoàng Tuỵ, giáo sư Đào Xuân Sâm… Vì thế mà tôi có hân hạnh là bạn thân của anh, một trí thức, một chuyên gia về ngân hàng rất xa lạ với chuyên ngành xã hội học của tôi.

Liệu có phải đây là một cơ duyên được kết nối bởi sức hút của Võ Văn Kiệt, “nhà lãnh đạo kiệt xuất dám nghĩ, dám làm và đặc biệt là dám lắng nghe, dám quyết đoán để nắm lấy những thời cơ tốt nhất cho đất nước”.

Cũng trong những buổi tưởng niệm ấy, trong những lời phát biểu nhắc lại ý tưởng lớn của Võ Văn Kiệt, nhiều người, đặc biệt là Linh mục Huỳnh Công Minh, nguyên Tổng Đại diện Giáo phận Sài Gòn, người luôn có mặt tại những buổi Tưởng niệm tôi vừa kể. Vị Linh mục đã nhắc lại những kỷ niệm giữa Linh mục với ông Võ Văn Kiệt. Ông hết sức tâm đắc về tư tưởng mang đậm tính nhân văn về hoà giải và hoà hợp dân tộc mà chính Võ Văn Kiệt là người đi tiên phong. Có lần Linh mục Huỳnh Công Minh kể, ông thường thay mặt Tổng giáo phận Sài Gòn mỗi khi có việc cần liên lạc với chính quyền mới. Khi những giáo dân gặp mâu thuẫn với cán bộ chính quyền, lấy tư cách là Tổng Đại diện giáo phận Sài Gòn ông là người đứng ra giúp đỡ họ tìm cách tháo gỡ. Ông xúc động kể lại: “Mỗi lần như thế, tôi đều đi gặp ông Sáu Dân. Mà không lần nào ông ấy không tiếp. Cũng chính ông Võ Văn Kiệt khuyến khích tôi ứng cử đại biểu Quốc hội khoá VI và khoá VII”.

clip_image020Tôi luôn xúc động mỗi lần nhớ lại một kỷ niệm thật sâu đậm với vị Linh mục yêu nước thiết tha ấy: Vào ngày 11.5.2014, khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trên đường tiến đến Toà Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở đường Hai Bà Trưng, ngang qua Nhà Thờ Lớn, Linh mục Huỳnh Công Minh đang đứng sau lưng Nhà thờ hướng ra mặt đường. Thấy tôi trong đoàn biểu tình, ông bước vội nhập vào đoàn biểu tình, rồi lách người đến sát và nắm chặt tay tôi cùng đi. Tôi nói thật to: “Linh mục Huỳnh Công Minh tham gia biểu tình cùng chúng ta”. Mọi người vui vẻ hoan hô, và ai đó tiến đến gắn trên ngực chúng tôi hai tấm phù hiệu “China Back off”, “Tẩy chay 16 chữ vàng”.

Khi đến trước cổng Toà Lãnh sự, mấy bạn trẻ công kênh tôi lên để hô khẩu hiệu, ai đó đẩy chiếc xe máy đến rồi đặt tôi đứng trên yên xe, vị Linh mục giữ chặt thắt lưng tôi vì ông lo tôi ngã nhào. Người nào đó đã kịp chụp được bức ảnh thú vị này và một blogger đã đưa lên Facebook với dòng chữ: “Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện giáo phận Sài Gòn, sánh vai với giáo sư Tương Lai trong đoàn biểu tình sáng nay. 11.5.2014”. Thế rồi qua e-mail, tôi nhận được bức ảnh ấy mà không biết rõ người gửi. Tôi trân trọng treo bức ảnh quý đó trong phòng làm việc.

image

Bức ảnh quý về Linh mục Huỳnh Công Minh tham gia biểu tình được treo trang trọng trong phòng làm việc dưới bức ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Việt Phương

Ảnh chụp với Giám mục Nguyễn Thái Hợp, và Linh mục Huỳnh Công Minh trong lễ Tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Và rồi, trong buổi “Tưởng niệm” lần sau, tôi mời Linh mục Huỳnh Công Minh và Giám mục Nguyễn Thái Hợp – hai người bạn kính quý của tôi – vào phòng làm việc của mình để khoe bức ảnh quý. Hai vị trầm ngâm đứng ngắm bức ảnh giàu ý nghĩa sâu đậm ấy, mỉm cười, không nói gì. Liệu hai vị chức sắc Công giáo ấy có đang suy tư vể một sản phẩm đươc hình thành từ tư tưởng lớn của Võ Văn Kiệt mà tôi đã nhắc ở trên: “Lấy sự phát triển của đất nước làm trọng, giữ vững tinh thần đổi mới, thực hành đại đoàn kết dân tộc, khắc phục triệt để những tư duy giáo điều, cũ kỹ về thành phần xuất thân về quan điểm, chính kiến”.[10] Và cũng chính ông Kiệt đã trang trọng nhắc lại lời của Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình: “Là người công giáo, chúng ta gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc. Và đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết”.[11] Phải chăng cách ứng xử của Linh mục Huỳnh Công Minh thể hiện sống động tinh thần ấy.

clip_image026

Ảnh chụp với Thiền sư Lê Mạnh Thát

Và rồi, trong bài viết “Lấy Từ Bi cởi bỏ Hận thù” Võ Văn Kiệt viết: “Giá trị hoà hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỷ xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hoà hiếu của dân tộc. Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội lại là nơi chung sống hoà hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta”.[12] Thiền sư Lê Mạnh Thát rất tâm đắc ý tưởng của Võ Văn Kiệt. Trong nhiều lần gặp, đặ biệt là lần Chu Hảo và tôi lên nhà ông để đề nghị ông ký vào tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược, ông xúc động nhắc đến ông Võ Văn Kiệt đã hết lòng giúp đỡ, mà nếu không có sự giúp đỡ đó thì Đại lễ Vesak 2019 khó mà đạt được thành công tốt đẹp như vậy.

Tôi nhớ, trong một buổi “tưởng niệm”, Linh mục Huỳnh Công Minh đã xúc động gợi đến câu nói đã đi vào lịch sử của Võ Văn Kiệt: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu… Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.[13]

Tư tưởng lớn và cũng là đạo lý lớn được Võ Văn Kiệt đưa ra cách đây đã gần 20 năm. Đến hôm nay, khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, liệu có thể nhìn lại những gì đã làm được trong việc gắn kết mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt chính kiến, tôn giáo để tạo ra một sức mạnh nội sinh đủ để ứng phó với mọi thách thức bên ngoài với sự dẫn dắt của tư tưởng lớn đó, và những gì đang nổi cộm lên trong một bối cảnh của những biến động quá lớn khó ai lường được của thời cuộc cần phải chung sức tìm ra giải pháp.

clip_image028Rồi như một điệp khúc, người ta lại nghĩ đến một tầm nhìn, một bản lĩnh Sáu Dân. Tôi nhớ trong một buổi tưởng niệm, khi điệp khúc đó được gợi ra, Vũ Kim Hạnh đã bật đứng dậy: “Tại sao chúng ta lại cứ bắt một ông già 86 tuổi phải tiếp tục gánh cái gánh nặng mà đáng lẽ chúng ta phải gánh”. Không phải là không có lý với một tư duy mạnh mẽ và có tính công phạt ấy của chị – một nhà báo có bản lĩnh. Tôi nghĩ. Thì chẳng phải Einstein đã nói với chúng ta: “Cái chết không phải là chấm hết nếu chúng ta có thể sống tiếp trong con cái của chúng ta và những thế hệ sau. Bởi chúng cũng là chúng ta, thể xác của ta chỉ là những chiếc lá úa vàng trên tán cây đời đó sao. clip_image030

Bỗng nhớ đến câu nói độc đáo của Phạm Văn Đồng: “Anh có biết bi kịch của núi là gì không? Là núi không đi được, núi chỉ ngồi yên một chỗ. Tôi chỉ là một người trong mọi người. Tôi muốn trở về thăm quê, được đứng trước những cồn cát của biển miền Trung. Những cồn cát thật kỳ lạ… Vũ trụ thật vô cùng. Trái đất chúng ta cũng chỉ là một hạt cát trên cồn cát. Thật kỳ ảo: núicát mà tôi đã dẫn ra ở trên: những quả núi từ vô vàn hạt cát, đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, ý tưởng.

Không có ý tưởng và niềm tin thì làm sao sống!

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về[14].

Ngày 10.3.2022


[1] Việt Phương, Cảm nhận về anh Sáu Dân. Trong Võ Văn Kiệt, Người thắp lửa. NXB Trẻ, tr. 233.

[2] Gustave Le Bon, Tâm lý học đám đông. NXB Tri thức, Hà Nội, chương 1, quyển 2.

[3] Nguyễn Trung, Làm gì. Viet-Studies, 1.3.2022

[4] Nguyễn Quang Dy, Canh bạc cuối cùng của Putin tại Ukraine. Viet-Studies ngày 5/3/2022.

[5] Nguyễn Trung, Việt Nam chúng ta không phải là người ngồi xem chọi gà. Viet-Studies ngày 7/3/2022.

[6] Nguyễn Quang Dy, Canh bạc cuối của Putin tại Ukraine. Viet-Studies ngày 5/3/2022.

[7] Chu Hảo, Sỹ phu, trí thức và tầng lớp “có học” xưa và nay. Seminar do Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức tại Hà Nội ngày 11/06/2010.

[8] Vũ Quốc Tuấn, bài viết về Võ Văn Kiệt nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 ngày sinh Võ Văn Kiệt.

[9] Huỳnh Bửu Sơn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cuộc cải tổ ngân hàng. Trong cuốn Võ Văn Kiệt. Người thắp lửa. NXB Trẻ. 2012, tr. 139, 140

[10] Dẫn theo Vũ Quốc Tuấn, bài viết về Võ Văn Kiệt nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 ngày sinh Võ Văn Kiệt.

[11] Dẫn theo Vũ Quốc Tuấn, bài viết về Võ Văn Kiệt nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 ngày sinh Võ Văn Kiệt.

[12] Võ Văn Kiệt, Người công giáo gặp Chúa trong lòng dân tộc. Báo Người Lao Động. 22.12.2005

[13] Võ Văn Kiệt. Những đòi hỏi mới của thời cuộc. Báo Quốc tế. 31.3.2005

[14] Trịnh Công Sơn, Một cõi đi về.

Comments are closed.