Trần Dần, vài kỷ niệm

Vũ Thư Hiên

Tôi lưỡng lự khi viết về Trần Dần.

Anh đã là người thiên cổ, lại là thứ thiên cổ không bình thường, tức thị người lúc sống thì bị người ta lờ đi, coi như không có trên đời, lúc chết lại ồn ào làm đám.

Tôi ở rất xa vào ngày anh ra đi.

Tôi ước đương lúc thiên hạ tò te bài lâm khốc, Trần Dần của tôi lại khoét được một lỗ ván để ngó ra đám ma mình, để rồi phá lên một tràng cười như cách anh cười khi khoái chá – đầu ngật ra sau.

Trần Dần vướng vào nghiệp thi ca rất sớm. Khi anh đã có tên trong thi đàn, tôi còn thò lò mũi xanh. Cuộc kháng chiến chống Pháp, và chỉ có nó, đã hào phóng cho giữa hai chúng tôi một dấu bằng.

Tháng 10 năm 1954, trong những ngày tiếp quản thủ đô sôi nổi, đoàn quay phim Liên Xô của Roman Karmen ở khách sạn Splendid. Tôi là phụ quay phim cho Eshurin trong đoàn này cũng được ở đấy.

Trần Dần thường ghé Splendid uống bia. Anh gọi tôi xuống uống cùng.

Bia bán ở trệt khách sạn. Trần Dần đến, xà-cột ngang hông, cùng với Hồng Minh. Ngồi đầy các bàn còn có các sĩ quan Pháp làm công việc bàn giao Hà Nội.

Chiến tranh qua rồi, lính tráng hai bên nâng cốc hể hả chào nhau.

Hồng Minh ít nói, chỉ lẳng lặng nghe. Anh yêu điện ảnh, thích nghề viết kịch bản, nhưng không có duyên với nó. Nhưng chỉ với tình yêu ấy anh đã rất đáng yêu. Sau, anh chuyển ngành về Bộ Văn hoá, làm công việc gì ở đấy tôi không rõ. Trần Dần quý Hồng Minh, anh lắc đầu bảo:

– Nghệ thuật khốn nạn ở chỗ cửa của nó quá hẹp. Không phải ai cũng lách vào được.

Trần Dần mặt nhầu nát, tóc bù xù, tay vắt sau ghế, ngó nghiêng những kẻ hôm qua còn ở bên kia chiến tuyến. Có vẻ anh muốn nói chuyện với họ, nhưng không biết có nên không, nếu nói thì nói cái gì.

Nguyễn Đình Thi đến ngồi với chúng tôi, hào hứng nói về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trần Dần nghe lơ đãng. Anh không quan tâm tất tần tật mọi thứ lý thuyết văn học. Bia ngon hơn bất kỳ lý thuyết nào.

Ít lâu sau, Trần Dần cho ra Người người lớp lớp, một thứ tiểu thuyết không ra tiểu thuyết, ký không ra ký. Tôi đọc không được một nửa. Nó không giống bất cứ thể loại văn chương nào. Tôi ậm ừ một nhận xét chung chung.

Những tưởng với một thằng nhóc hờ hững với tác phẩm của mình, Trần Dần sẽ nhún vai bỏ đi. Nhưng anh kéo tôi tới tiệm Bodega ở Tràng Tiền, thết tôi bánh min-phơi kèm một cốc sô-cô-la. Trần Dần gọi cà-phê, hút thuốc lá Cotab.

Tôi thấy Đoàn Chuẩn ngồi trong góc, chai Dry Gin trước mặt. Chúng tôi gật đầu chào nhau. Vào một trưa nắng vỡ nứa trên đèo Re trên đường Tuyên Quang đi Thái Nguyên Đoàn Chuẩn đã dốc cạn số ký ninh phòng thân cho tôi uống, cho tôi nghe tiếng đàn Hạ Uy Di của anh trong niềm vui thấy tôi đã qua cơn bạo bệnh.

Tôi không đủ can đảm kéo Đoàn Chuẩn về bàn mình. Tôi đã bị “cạo” đến nơi đến chốn vì tội vào buổi sáng ngày đầu tiên của cuộc tiếp quản Hà Nội sau chín năm kháng chiến đã cả gan ngồi con cà con kê với anh, một người “người trong thành”, tại quán cà phê An Thái Majestic.

Cái xã hội bé nhỏ của văn chương và các loại nghệ thuật khác ở Hà Nội vào cuối năm 1954 vẫn còn đủ những nhà văn và những nhạc sĩ tài ba không được thừa nhận.

Năm 1955 tôi đã ở Moskva. Báo chí trong nước chỉ có ở sứ quán. Để biết chuyện trong nước thì phải ra đấy mà đọc. Một lần cầm tờ Nhân dân lên, thấy toàn những bài chửi Nhân văn – Giai phẩm thậm tệ với những tên Trần Dần, Phan Khôi, Trần Duy, Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt…

Chẳng có tờ Nhân văn hay Giai phẩm nào. Chẳng có ai để hỏi ngọn ngành. Ở sứ quán không có ai họ hàng với văn chương.

Tôi mua một bưu ảnh có hình tháp Kremli gửi về cho Văn Cao: "Không gì có thể làm cho tôi tin rằng Văn Cao chống lại cách mạng…".

Văn Cao nhận được bưu ảnh. Nó đem lại cho anh niềm an ủi trong những ngày chịu đòn hội chợ. Lời nhắn ấy rồi được người ta cho vào hồ sơ mang tên tôi. Tôi ngạc nhiên: thì ra bất cứ ai đã có bài đăng báo đều được công an lập hồ sơ để đấy, phòng xa vào lúc nào đó tác giả có thể trở thành phản động.

Văn Cao đã lọt vào sổ đen. Và có một hồ sơ dày. Tôi đã thấy nó.

Tôi thân với Văn Cao. Chúng tôi có thời gian dài sống với nhau trong rừng Quảng Nạp gần Quán Ông Già ở Thái Nguyên. Nhớ những đêm rừng lạnh lẽo, ngồi quanh đống lửa hồng, nướng sắn, mặt nóng rát mà lưng lạnh như băng, Văn Cao mơ một ngày tôi và Quang Hưng sẽ lĩnh xướng trong bản Đường về trên sân khấu Nhà Hát Lớn mà anh vừa viết xong. Bài này là thơ nhạc giao duyên:

Về đây có những đồng hương cốm lúa xanh dạt dào/ Bao nhiêu năm trong hội ngày mùa/ Ngọn lửa chài và con sông trắng…”

Trở về Hà Nội, tôi đến thăm Văn Cao. Hỏi thăm về vụ "Nhân văn – Giai phẩm", về Trần Dần. Văn Cao bảo:

– Nó khai bậy. Tao đâu có nói: “Phải phục xuống mà đánh”. Làm chúng nó nện tao tơi bời.

Trần Dần nhìn tôi bằng cặp mắt ngơ ngác, pha chút nghi ngờ khi tôi đến. Cái nhìn cảnh giác là đặc trưng cho thời gian ấy, cũng như ánh mắt lấp lánh niềm vui là đặc trưng cho năm 1954.

Trước khi có thể tin nhau, người ta nghi ngờ nhau cái đã – một khoản tạm-ứng-thanh-toán-sau trong các mối quan hệ.

Trần Dần bảo:

– Đất Nam Hạ là đất nghịch, cậu ạ. Đất của những tướng cướp và những kẻ bất tuân.

Trần Dần và tôi là đồng hương. Đất Nam Hạ xem ra quả có thế thật. Anh vướng vào "Nhân văn – Giai phẩm". Tôi đi tù, rồi ở miết. Hiền lành như anh giáo Tuấn – Trần Xuân Bách – thế mà rồi bỗng dưng và bất thình lình trở thành kẻ chống đảng.

Tôi có hai người bạn có tên trong bản Tuyên ngôn Dạ Đài là Vũ Hoằng Địch (*) và Trần Dần.

Tuyên ngôn Dạ Đài là tiếng kêu than và cũng là tiếng thét của văn học khốn cùng:

Chúng tôi – một đoàn thất thổ – đã đầu thai nhằm lúc sao mờ. Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước. Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác. Chúng tôi không còn khóc, không còn muốn khóc – vì người ta đã khóc mãi ái tình, công danh và thế sự. Chúng tôi không còn nhìn mây, không còn muốn nhìn mây – vì người ta đã nhìn mãi mây chiều cùng nắng sớm. Chúng tôi đã gào thét những đêm thâu, đã rên la những ngày dài dằng dặc. Chúng tôi đã nhìn lên Tinh Đẩu và đã nhìn xuống Thế Nhân. Chúng tôi đã về giữa non sâu để trở lại những bình nguyên hoang lạnh. Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại...”

Bỗng nhớ một tâm trạng Trần Dần:

Điện cháy đầu ô đêm… phố dốc

Chòi sương cánh vạc giật mình

Trống đánh đoàn thợ lên tầm

Gió thổi kèn ma mưa thui lòng ngõ hẹp

ò… ò đêm đi như một cỗ quan tài

Ngày về: đây mới thực là đau

Thành quách heo heo mây cò bợ

Bụi nổi chân thành lem luốc đám đông đi

He hé búp lai-ơn

Cửa sổ phố nhà quan vàng nghệ

Leo dốc – đoàn tầu vào ga – rú vài tiếng… rồi đi!

Kèn thổi bùm bum một đoàn xiếc ế

Ngã tư… nhà Lợi Tường mõ Tây tịch ký

Tượng chúa Giê-xu búa gõ tầm tầm

Gió đánh hàng bàng, lá chết chạy vòng quanh

Phố chéo chênh chênh. Ăn mày gặp ăn mày

Lườm nhau – mắt vải điều cay cay chớp nắng

Rầm rầm lũ trẻ đuổi bà gù quăng đá làm bia

Thùng bắc! Quan công phò nhị tẩu!

Cả ba nhân vật lịch sử

Mặt vôi lơ láo phố tuồng chua…

Chiều buông như một tiếng thở dài

Trại lính chòi canh nâu

Mỗi ngày hai lần tò te chào cờ tam thể

Lính đi manơ ắc-ê rời trại

Gặp lính về íc-ắc chào nhau!

Nhưng cổng trại đèn lên

Thôi đã hết một ngày!

Ai mửa sao đêm đầy các ngõ?

Để hầm hập bồ hôi cơn sốt phố về đêm.

Trần Dần không chỉ buồn bã nhìn thế sự trong thời thuộc Pháp. Anh không hài lòng trong mọi thời gian, cả trong thời lạc quan cách mạng không được phép buồn.

Những nhà lãnh đạo văn nghệ tự xưng không hề hiểu rằng sự hài lòng với hiện tại là cái đinh đóng vào ván thiên của người nghệ sĩ.

Khi anh hài lòng, có nghĩa là anh không còn muốn cái hơn nữa.

Ngoài miệng, người ta không cấm Trần Dần buồn, họ cũng chẳng vỗ vai khuyến khích anh vui. Nhưng người ta tự cho mình quyền xét nét cái anh viết ra – anh vui cái gì, anh buồn cái gì đây?

Thơ của Trần Dần làm đám gọi là “người ta” khó chịu. Người ta không phải người đi ngoài đường. “Người ta” là ai thì ai cũng biết. Người ta là người cầm dây tròng vào cổ các nhà thơ để dắt họ đi cho họ khỏi lạc lối.

Người ta khó chịu với Trần Dần vì người ta không hiểu anh nói cái gì, anh muốn cái gì. Người ta muốn thơ phải giống bản tự kiểm thảo.

Những nhà thơ lại không thế. Cảm xúc đến, họ cầm lấy bút, và những vần thơ tuôn chảy.

Như bài này:

tuổi 60 rồi? không viết nổi một câu thơ?

.bại? bại? đại bại? anh sáu mươi rồi chẳng có quê? càng là lí do anh đốt quê ác liệt hơn?

không chơi với bọn không quê – vẫn ăn – ngủ… tam đa?

người? con khoanh tay? con tất tả – dạ tràng? thà là con phó thác?

chúng sinh mù? dưới mồ?… mới thao láo mắt nhìn ra?

.tôi lại ngủ như ngày mới đẻ? khi còn đỏ hỏn chân mây? tôi lại ngủ như ngày mới đẻ?

.kẻ viết? đạp đổ chân trời? xổng xích các chân mây?

.kẻ viết cầm chắc âm dương trong tay? không vui không buồn? ngoài mọi nghĩa? bên kia bảy tục cảm? Mĩ? Nộ? Ai? Lạc? Ái? Ố? Dục?

kẻ viết rung ở một địa đồ ma xó? Tuệ cảm? Tuệ tâm? Tuệ ác?

kẻ viết cốt ở tào lao man rợ? không cốt tuỳ thời cúi ngửa?

kẻ viết bất biết thị phi chê-khen? thị phi hiểu? mọi thị phi công ty không nhìn nghe…?

.thức khuya mới biết đêm ngắn? kẻ ngỡ đêm dài là chửa thức khuya?

Khi không hiểu thì tốt nhất là vác gậy phang cái đã.

Trần Dần là nhà thơ cô đơn. Anh có bề ngoài, và cả bề trong nữa, giống tu sĩ khổ hạnh. Thơ là Chúa của anh.

Để hiểu Trần Dần theo cách khảo cứu đã có Phạm Thị Hoài. Trong lĩnh vực ấy, tôi là kẻ bên lề.

Ở Hà Nội thỉnh thoảng tôi đến thăm anh. Lần nào cũng như lần nào, tôi thấy Trần Dần ngồi đấy, một mình, bên cái điếu bát ngổn ngang những xoắn giấy dùng thay đóm nứa.

Có người nhận xét: nắng chiếu vào bức tường nơi anh ngồi bất động ghi lại một hình người. Tôi không nhận ra chi tiết đắt giá ấy.

Ngồi bên nhau, chúng tôi im lặng. Im lặng cũng là một thứ đối thoại. Thỉnh thoảng chúng tôi mới nói một câu, thường là câu hỏi về một người anh em lâu không gặp.

Trần Dần hút thuốc lào liên tục, rít ngắn. Đóm là những mảnh giấy con con xoắn lại. Tôi ngờ vực nhìn những xoắn giấy vứt quanh cái điếu bát. Rất có thể chúng là những vần thơ. Anh viết rồi anh chán – những mẩu thơ bỏ đi trở thành đóm. Có thể chúng là những câu thơ đẹp. Khi tứ thơ đến, anh khe khẽ gõ xe điếu vào thành cái điếu bát, miệng lẩm bẩm một giai điệu nào đó.

Tôi có đọc về bà vợ văn hào Lev Totstoi. Ông viết, những trang đầy chữ, rồi không hài lòng, ông vò nát, vứt chúng quanh ghế ngồi, rồi cắm cúi viết tiếp. Bà vợ tích cóp những mảnh giấy bỏ đi, cất vào một chỗ. Nhờ bà mà những nhà nghiên cứu Lev Tolstoi có thêm khối tư liệu để thấy Chiến Tranh và Hòa Bình hay Anna Karenin đã hình thành như thế nào.

Chẳng ai nhặt những vần thơ vương vãi quanh chỗ anh ngồi.

Trầm ngâm, Trần Dần thủ thỉ:

– Thơ viết ra rồi, cậu ạ, là đồ bỏ.

– Thế thì cái gì mới không phải là đồ bỏ?

Anh gõ vào đầu:

– Là cái còn nằm trong cái này này.

Nhà thơ đích thực nào cũng thế – thơ đích thực là thơ còn nằm trong đầu.

Khi nhà thơ rời bỏ chúng ta, anh mang theo tuốt tuột những bài thơ chưa được viết ra.

Thế có tiếc không cơ chứ!

———————

(*) Em trai Vũ Hoàng Chương. Nhiều tài liệu ghi là Vũ Hoàng Địch. (Chú thích của Văn Việt)

Comments are closed.