Trong rừng cây du thủ (kỳ 2)

Tiểu thuyết ít chữ của Trần Quốc Toàn

TRONG-RUNG-CAY-DU-THU_thumb

3,

cho ta gặp lại một người từ trong lòng đất của nghìn năm cũ, nghìn năm với bao chiếc rễ cuộn lên cổ quan tài của thế kỷ, của con rắn lịch sử, của niềm vui nắng gió, hay của những sợi gân còn dòng máu chảy, ngoài biên địa của vũ trụ, dưới sân ga, bên ánh đèn du thủ, bên âm bản của xóm làng, trên nóc ngói hoàng hôn, bên vệ đường cỏ mọc, ngoài đại dương sóng vỗ, trong họng khoang tàu và trên cánh đồng lũ quạ buồn ngơ ngác, không hiểu sao có người chết, lẽ ra lũ quạ phải vui mới phải, không, chúng không còn muốn ăn thịt người nữa, chúng đã ngán thịt, thịt của những người chết vì canh giữ linh hồn cánh đồng, tôi thấy một người động kinh [cơn rùng mình sau tấm thảm kịch, có chăng văn chương là thảm kịch, là lửa, lửa cõi âm hồn, nó là? một cơn đại mộng khủng khiếp, một vết chém, hay một sự đứt gãy? mà người nghĩ về nó thấy mình tê tái…] đêm, trở lại gốc cây, tôi thấy cái mệnh của người đã hoá thành khói thuốc, thứ làm đầu óc sống với những vùng tâm não, mà bầy quạ đã chở tôi đi đến một vùng đất cũ, nơi tôi chợt thấy một người đi trong bóng đêm của mùa đông,

và đám sinh vật ngoài hoàng thành đã tranh cãi về lễ nghi chúng té ngã xuống âm ty làm loài ngạ quỷ  [tháng tám làng tôi lũ trẻ vẫn đọc như vậy khi trăng lên trên ngọn núi thũng]

đã không còn là mùa đông, vì người đi trong mùa đông đã trôi vào linh hồn bông hoa cỏ mộ mùa xuân, và cũng sẽ trôi về làm con chim toang hoác tháng tám, và tôi đã ở lại đó, hoa khuya toả ra, ký ức trong hòn đá trên tay tôi, hay những con chim kêu toang hoác tháng tám làm ngực tôi nhú lên những vòm họng, rừng mọc trên lưng, và bầy gió linh hồn phủ lên mặt đêm mưa, tôi ở trong mưa,  rải rác mộ và hoa  cuốn sách chép trước thời của vua  chép rằng, những bụi và bụi sẽ trộn vào nước mắt, máu có tiếng thét chuông điểm trong ngực chúa, và cánh tay xác ướp pharaong ùa vào dòng chảy của những vì sao, những đại đầu đà mật niệm buổi mặt trời bị bức ra khỏi tháp ngà, những lời kinh tế cho vị thần lửa cỏ và bò và những con chuột mang ký thác nỗi buồn của đất nghi lễ chôn sống những linh hồn tháng tám chú tôi ngủ vùi trong đêm tuyết [tuyết lạnh trong giấc mộng, nghĩa là đoá bạch liên nở trong trong u ám mùa đông, nhưng đây là tháng tám, những con chim kêu toang hoác cánh cửa cái, nơi tôi cắt đặt màu sắc, mùi hương],  tôi nằm năm năm giữa năm ngọn đồi và đôi mắt của núi, nơi nhìn ra là sông nhìn sau là núi, nghìn nghiêng là hừng đông, ở chỗ ra vào cửa đông, thành phố cát của những thứ huyền hoặc, rừng như bị cưỡng bức khỏi đời sống của lũ cá chuồn, cá hố,  rừng ngập mặn, cá mòi cũng buồn đêm lũ sao biển kéo nhau về bãi rạn và thủy mộ quan như kể tôi nghe nơi chàng Xạ Đẩu hồn vong quốc nhớ Mỵ Ê [sự trinh tiết ấy có chăng là hồn tháp phơi nắng Miền Trung những giọt lệ huyền sử cứ như ám ảnh khắp cõi đất trời bao thế kỷ] chim thần tan hận trong mù sa lửa chiến, [lai lịch của những cái chết] như con chim lửa phóng lên trăng tháng tám bọn trẻ kéo nhau múa lân, tôi thấy tiếng trống lân đang diễn thuyết cho làng cho lũ chim toang hoác nghe về những niềm vui của gió và bầu trời của thần tiên cõi du hý và những biền ngẫu nơi thẳm sâu lòng đất, ôi! miền đất này, xứ sở này, có chăng là ánh mắt con lân, và nụ cười ông địa, tháng tám như khúc tứ tấu về bốn phương của chuồn chuồn, của bọn cá rô không biết buồn, vì cọng rau muốn dài từ nghìn năm trước đến nghìn năm sau cứ mọc ở bờ mương,  nghĩa là dù trên sứ sở tôi [chú tôi thích gọi vậy] đang diễn ra cuộc hành quyết [giữa những con bọ ăn phân] với  những thuyết lý [ruồi] phía mặt trời nghìn năm là tồn sinh, và nguyên do nào [máu đã thẩm ướt cánh đồng linh hồn tháng tám, tháng tám biết bao nhiêu chủ nghĩa lá cỏ nắng quái chiều hôm, bòng bóng rát đôi vai mẹ mưa và bão, rét và sét, và đêm cung kỉnh những đền đài không còn vua hay vừa đã bị bày ở tầng không gian (một đất nước, ngôi sao, ác thú, hay thiên đường, hay miễu đền, chùa tháp, nơi động thiên thai hay thiên nhai, ai biết, chỉ nghe tiếng sấm là biết trời tồn tại, sực nhớ trời mây và lũ chim toang hoác tháng tám kêu ngoài ngạch cửa) và [cũng cần chú giải cho ký ức của những ký ức , cái nụ cười ma quái tai trời ách nước giáng xuống nơi phía tây làng những hoạ hoằn lịch sử, khiến lũ quạ quên mình là quạ, khiến lũ ếch nhái quên mình là ếch nhái, đên tháng tám là những điềm sơ khai? có phải vậy chăng…

cọng cỏ khô, lá ngô rụng, mùi bùn trộn lẫn tiếng nhái chiều mưa, chuồn chuồn đẻ trứng trong rễ lục bình, mùa mưa, những vệt mây xám từ lòng núi Thạch Long đâm chồi, mang sấm sét thả xuống cái thung cỏ, nơi những con bò núi được trú đêm và sinh con ở đó, từ đời củ môn còn bùi bùi trong cuống họng, thì khuya ống trúm cắm bụi môn nước đem về những con lương to cỡ ngón chân cái, mẹ tôi làm món cháo lươn tiêu xanh, trời gió lùa qua tàu lá chuối ẩm ướt, những vệt sao mờ, hun hút, xa ngái, như tiếng còi tàu đi qua, hẳn là ngọn gió phân kỳ đã gấp cánh bay về phía những giọt nước mắt, xứ dân gầy, như mặt trời buổi nồm hạ đáp chân xuống vùng lau sậy, tôi thấy con chim nhạn buồn mang tiếng hót thả lên vách thành Hoàng Đế, mấy con dế màu than leo lên hòn gạch nát thi thoảng cất lên tiếng kêu [tiếng dế mang nỗi mong chờ điều gì đã cũ hay là tiếng lòng của người xưa nhỉ?] đất cũ, khu rừng đầy gai và rắn, giống dân có khuôn mặt nước biển, ăn những con sò thái cổ và uống dòng máu của cánh đồng,

nửa mùa thu đã qua, con chim toang hoác rời dòng sông bay đi nơi khác, những cơn mưa rào sửa soạn cho đất đai nguồn nước ẩn, những chiếc lá non xanh hải châu rục rịch ra lá phủ lên những cành nhánh, cây bông giấy xác pháo cũng bung hoa rực rỡ, nhưng sử quân tử lại tàn từng cánh, tôi sửa soạn lại tâm hồn để chuyển dịch những ngẫm ngợi, chú tôi bảo °rồi cháu sẽ tìm được cuộc tình vĩ đại trong hồn cháu° tôi nói °sẽ rời khỏi vùng tâm tư cũ, dường như tôi nhận ra được hơi thở của chữ, của sự chuyên nhất cho một việc, một hành trình trong đường biên của ý niệm, bởi °tôi đã định nghĩa và khái niệm về những khái niệm, điều đó đã xảy ra trong lúc dẫn gợi về thế giới quan của tư duy, và giờ vùng tâm tư ấy không còn là khái niệm, cũng như rời khỏi hang động, thì hang động vẫn là thứ ảo ảnh của những ý niệm đã đi qua, °chiều có mưa, rừng cây đầy tiếng lá reo trong gió, cuộn mình trong thác nước, âm vang theo cái vỗ cánh của con chim Ưởng, những hình thức di cư của tinh thần, hay một tiếng huýt sáo vi vu cũng đánh động nét đẹp của âm thanh, mỗi khi đi đâu đó trong rừng, tôi lạc vào điệp trùng những ý nghĩ, vô vàn những dấu vết, những mảnh rời của thời gian, nửa mùa thu kế tiếp cũng khởi sự cho những tương tục, giọng của giọt sương buổi sớm rơi rụng, hay chiếc lá rung rinh trong gió, những hình ảnh liên hoàn trong cùng một nhịp, điều đó, đã mở ra cho tôi cách nhận diện giọng nói bên trong, °tập luyện thật nhiều để nhận ra, con đường của bút mực sẽ trau dồi, hàm dưỡng, khi trong rừng cây du thủ, mọi sự đánh động có thể là cơn mộng du, và mộng du nào cũng vỡ tan theo ảo ảnh°, tiếng chim trú ẩn đã nghìn năm trong cõi trời đất, và nghìn năm với sự tồn tại của mình, như một sự minh định, chú tôi đã vẽ xong những nét vẽ của đương đại, những vết nứt của thế kỷ, mà không định nghĩa, để những dụ ngôn theo cánh chim vô ưu trở lại với thuở ban đầu như nhiên, như thế nửa mùa thu, con trăng đã hiến dâng hết nét tinh khôi của mình vào tâm hồn của người, như là lời tri ân với bậc huynh trưởng, tôi nhận lấy lời ký thác bằng tất cả tấm lòng thành, khi nhận lấy cây gậy trúc và cuốn từ điển về thế giới, tôi rời khỏi rừng cây để theo lũ chuồn chuồn quần thảo trên vùng đất của tuổi thơ…

mấy con cá bạc má nằm trong rá, mùi trái gai kim quýt chín, thấy buổi chiều nay con nhện xếp mình nằm đợi đêm mưa, người về núi đưa mắt dõi theo cánh diều hâu chao liệng trên đồng, dấu hiệu của chiếc lá chuyển mùa, chú tôi đã đưa ngôi làng vào trang viết, và đã thành một danh tích, điều đó có nghĩa về mặt biên niên sử, sẽ còn những cuộc đi của tôi để sửa soạn cho một cuộc im lặng thần kỳ, thần kỳ ư? chú tôi mỉm cười, và đâu đó trong gió ngoài biên địa của mùa thu, tôi thấy tình yêu đang ca hát trên thành quách những nghìn xưa, tôi thấy bà tôi hiện về trong màu nắng chiều thả xuống thôn quê, ôi! sự cách ly làm tôi thấy thoải mái hơn, như đêm nằm nghe tiếng mưa xuôi chèo mát mái, – hôm nay tình cờ tôi gặp lại tháng năm cũ, thấy điềm tĩnh hơn, tôi vội ra về khi cuộc nhậu của những người lùn ở phố còn ngồi đàn đúm, có lẽ tôi hơi buồn ngủ thì phải,

nửa khuya, mưa mùa rải lên đất, con dế gáy trên tán lá môn bết dính, những cái đầu chảy ra từ huyệt núi, giấc mộng cắt đứt dây gân cánh đồng dậy thì, ngôi vua chỉ còn con nhện buồn vo tròn lọn gió heo may, đường đi vào làng bầy dơi tìm hương hoa cúc

màng nhĩ ù ù,

khoét lên da trống đồng,

lòng đất

những đôi mắt nghìn xưa đâm chồi trên đồi trăng khuyết

cùng tiếng kêu con hoẵng phía cánh rừng sác

lịch sử một trang bỏ trống, đêm mù khơi mưa miết tiếng thống thiết, người tự khai trừ mình ra khỏi thiên đàn, chấp nhận tự do nơi luyện ngục

đâu đó loài dạ du hát ru bầy lá rừng mưa

những thảo dân rời nơi cư ngụ…

những vách ngăn bắt đầu sụp đổ, mọi thứ tồn tại có vẻ như mới hôm qua để cho lòng người suy nghĩ nhiều hơn, từng đường cày trên đất, công lao của con trâu con bò mới được trân quý, hoa có nở, cây trái có sinh sôi, thì niềm hân hoan mới đem đến cho mọi loài, từ khi có mặt những người gieo hạt giống tâm hồn, là khi thế gian bắt đầu cởi mở mình ra với cõi đời, nơi cây cao bóng cả chim chóc bay về trú ngụ, thế nhưng, là vầng trăng đâu chỉ hiện thân cho cái đẹp, có khi cũng là nét u buồn nơi thành thị đông đúc tiếng người, mây hoá thân vào em, người con gái của giấc mơ về sự sinh sôi, mây sẽ bay về chân trời của mọi miền, em đến vào một ngày biển sóng, "như nghìn năm vừa mới ghé sang thế kỷ này để trao những thông điệp, mà trong thời đại của sự tàn lụi, lại nảy mầm những con người ưu việt hơn, có phải không?,

người xưa chế ra nhiều loại thuốc chữa trị cho thân bệnh bằng cây cỏ, bằng châm cứu, xoa bóp, thì nay cũng từ cây cỏ mà thành những viên thuốc nén đó thôi, gốc rễ cùng một nơi, chỉ khác ở cách thức mà thôi, hiểu ra rằng, sự suy nghĩ của loài người, cũng từ một căn nguyên, gốc rễ ra cả, người làm ra chữ nghĩa, nhờ vào đọc sách mà có sự hiểu biết về thế giới, có vốn từ vựng, bắt gặp được những tâm hồn lớn, để viết ra những lời thiết thực, trong đó là sự lao động miệt mài cho đến khi thành một hệ thống của tư tưởng, nếu đem cái sự đọc để đi thuyết giảng mà không có sự suy tư, thì chỉ làm tổn công sức "dã tràng xe cát biển Đông" sự tranh luận chỉ diễn ra giữa hai người hoặc một, cho sự tìm tòi khai phá thêm những biên địa của hiểu biết, thế gian được hiểu là cõi giữa, nơi của đau thương và hạnh phúc, con người nhập thế và con người xuất thế, con chim bay và đậu, trời hoàn lưu bốn mùa để giữ sự cân bằng, và thiên tai dịch họa có chăng cũng là cách để tự dịch chuyển những cản trở do tác động của con người và thời gian, về lại sự hài hòa, con người thời đại này sẽ hoàn thiện những gì mà con người thời đại trước còn dở dang, [là những người có ý niệm mãnh liệt tiên phong theo hết một con đường] mà chú tôi bảo “cũng lắm nhiêu khê và cũng lắm khắc nghiệt" nhưng khi đã đi được rồi, thì mọi thứ cũng giản đơn, mưa sẽ đưa ta đi vào sâu mọi ngóc ngách của thời gian, thấm vào từng máu thịt của sông hồ, đừng tìm gì nơi thành quách cũ nữa? chú tôi đã biết được những khoảnh khắc đó, làm sao để những suy nghiệm có thể là cơn gió mát thổi vào cơn nóng bức giữa sa mạc, sớm mai trời trở lạnh, mùa đông dường như muốn ôm lấy mùa thu, dịu dàng, như lúc ta biết cất lên tiếng nói từ bản thể, đã rất lâu rồi, sự im lặng chưa được đánh thức bởi sự dịu dàng ấy! chiến tranh, để làm gì? để thay đổi thực tại? mà cũng có khi kéo thực tại lùi về những tối tăm? từ bóng tối rơi vào bóng tối khác, hay từ sự hận thù khoét sâu thêm hận thù, cứ thế, nghìn năm, lại sản sinh ra vô vàn những triết luận, những rối ren, nhưng lại cần thiết cho việc làm sạch lại thế giới của hồn người chăng?

mai này bỏ phố về quê,

có con chim hót lời của cây cỏ,

chỉ nghe thôi, đã thấy hồn thiết tha, có thể, tiếng chim là thi ca, là triết học, là hương cố thổ, là mùi đất, là mông mênh bay bổng những hồn mưa gió miền Nam Bắc, là con tàu băng qua rừng cây, có người con gái chờ ta trao lời của viễn phương, và ngồi nhấm nháp ký ức của mình trên chiếc ghế đặt giữa khu vườn mùa đông,

xưa, ở vùng biển, người dân, mỗi nhà thường làm một cái bộng giếng đá ong, trám đáy, để mùa mưa, leo lên nóc ngói chà sạch rong rêu, rồi mưa đổ xuống, nước theo mái ngói, chảy vào máng xối xuống bộng, đó là nước trời, mùa hạn, nóng bức, múc ra uống, mát lạnh, bởi mạch ngầm phần nhiều là nước mặn, phèn, chỉ khi lọc qua chum cát mới dùng để nấu nướng,

nay những ngôi nhà, những con đường xi măng chạy vào từng ngõ ngách, thì việc lấy nước trời cũng không còn cần thiết, vì đã có hệ thống nước sạch, tiện hơn, nhưng mùi nước trời vẫn ở trong da thịt, lâu lâu lại thèm dư vị của muỗng nước trời múc bằng gáo dừa, phần cặn thì ở dưới đáy, chú tôi vẫn cứ điềm nhiên như thể ông đã uống thứ nước trời đó từ ngôi làng của ông, nơi những dòng suối trong lành, uống nước suối, có tiếng chim tiếng gió tiếng cu li hóa trong nước, vậy là chẳng những cơn khát được giải toả mà hồn người lại đầy thanh vị của của tự nhiên,

(Còn tiếp)

Comments are closed.