Vòng tròn ma thuật (kỳ 7)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

4.

VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN

Kể từ ngày thứ mười trở đi sáng nào người tù ở buồng giam 406 cũng gõ câu đó, và bao giờ cũng gõ sai từ VÙNG thành VÙN. Rubashov đã thử bắt chuyện với anh ta, nhưng người bạn tù không trả lời, mà nếu có trả lời thì bao giờ cũng chỉ là một loạt chữ cái rời rạc và kết thúc bằng câu:

VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN

Người bạn tù mới được đưa tới vào đêm hôm trước.

Rubashov thức giấc nhưng chỉ nghe thấy tiếng bước chân và tiếng khoá cửa. Sáng hôm sau, ngay sau khi thức giấc là người tù buồng 406 đã gõ: VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN. Anh ta gõ nhanh và thành thạo, kỹ thuật phải nói là tuyệt vời cho nên có thể nói rằng lỗi phát âm câu này cũng như những câu vô nghĩa khác là khiếm khuyết về mặt trí năng chứ không phải do nhớ sai bảng chữ cái. Chắc anh ta bị loạn thần kinh.

Sau bữa ăn sáng thì bao giờ anh chàng ở buồng 402 cũng muốn nói chuyện. Giữa Rubashov và người tù ở buồng 402 đã có một mối quan hệ thân tình. Có thể anh chàng sĩ quan đeo kính một tròng và để râu này luôn cảm thấy cô đơn nên chỉ cần Rubashov trao đổi vài câu là anh ta đã cảm ơn rối rít rồi. Một ngày anh ta phải xin nói chuyện đến năm sáu lần:

NÓI CHUYỆN NHÁ…

Rubashov không thích nói chuyện, vả lại anh cũng chẳng biết nói gì. 402 thường kể những chuyện tiếu lâm tục tĩu vẫn lưu hành trong bọn sĩ quan. Hết chuyện là căn phòng lại trở về tình trạng yên ắng nặng nề như cũ. Đôi khi Rubashov mường tượng ra cảnh anh bạn tù kể xong câu chuyện và đứng đợi, nhưng không có những trận cười mà trước mặt anh ta chỉ là một bức tường màu trắng lặng câm. Đôi khi vừa thương vừa muốn tỏ ra lịch sự, Rubashov gõ thật to: HA… HA! để thay cho tiếng cười. Anh chàng kia tỏ ra rất khoái chí và lập tức đấm đá vào tường: HA – HA! HA – HA!, với những khoảng lặng nhất định để xem Rubashov có hưởng ứng hay không. Nếu Rubashov không đáp thì thế nào anh ta cũng trách: ANH KHÔNG CƯỜI… Còn nếu Rubashov đáp lại bằng một hai từ HA–HA! thì nhất định sau đó một lúc 402 sẽ nhắc lại:

ÔI! BUỒNCƯỜIQUÁĐIMẤT.

Đôi khi anh ta cũng chửi bới Rubashov. Đấy là những lần Rubashov không chịu bắt chuyện, anh ta thường gõ cả một bài hát thời nội chiến với những lời chửi bới thô tục nhằm vào các chiến sĩ quân đội nhân dân. Cũng có khi Rubashov đang đi bách bộ hoặc đang chìm trong những giấc mơ giữa ban ngày hay đang mải suy nghĩ một vấn đề gì đó thì chợt nghe thấy anh ta gõ bài quốc ca của chế độ cũ.

Nhưng 402 cũng là người rất có ích. Anh ta đã ngồi tù được hơn hai năm, nắm được nội qui và liên lạc với nhiều tù nhân khác, có vẻ như anh ta biết tất cả mọi chuyện trong nhà tù này.

Buổi sáng, sau khi có người chuyển đến buồng 406, Rubashov đã hỏi xem anh ta có biết người tù mới không thì được trả lời:

RIP VAN WINKLE

Anh ta thích nói ỡm ờ như thế để cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Câu đó làm Rubashov nhớ lại chuyện một người đàn ông ngủ liền hai mươi lăm năm và khi tỉnh dậy thì thấy thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

ANH TA BỊ MẤT TRÍ À? Rubashov hỏi.

Cảm thấy hài lòng vì câu nói ỡm ờ của mình, 402 bắt đầu kể cho anh nghe về người tù mới. Hoá ra người tù buồng 406 vốn là một giáo viên xã hội học ở một nước Đông Nam Âu. Cũng như phần lớn các nước châu Âu, tại đây phong trào cách mạng đã bùng nổ ngay sau khi Chiến tranh Thế giới vừa kết thúc và 406 đã tham gia tích cực vào phong trào cách mạng tại quê hương mình. Công xã được thành lập và tồn tại trong vài tuần lễ rồi bị dìm trong biển máu. Các nhà lãnh đạo cách mạng chỉ là dân nghiệp dư nhưng bị kết án như những kẻ làm loạn chuyên nghiệp, 406 với hàm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc dân bị kết án tử hình với hình thức treo cổ. Anh ta phải đóng vai tử tù suốt một năm liền, sau đó bản án được hạ xuống thành tù chung thân. Anh đã ngồi tù hai mươi năm rồi.

Anh bị biệt giam gần suốt hai mươi năm, không có liên hệ gì với thế giới bên ngoài, sách báo dĩ nhiên là cũng không. Thế giới cũng đã quên anh; hệ thống toà án của nước này vẫn còn cổ hủ lắm. Một tháng trước đây anh được ân xá và thế là chàng Rip Van Winkle hiện đại, sau hai mươi năm sống trong tối tăm và cách li với thế giới, lại được tự do thở hít khí trời như bao người khác.

Anh lên chuyến tàu đầu tiên trong ngày hôm đó để đi đến đất nước mà ngày xưa anh từng ao ước. Hai tuần sau anh bị bắt. Có thể hai mươi năm biệt giam đã biến anh thành một kẻ lắm lời. Có thể anh đã kể cho những người xung quanh rằng khi ở trong phòng biệt giam anh đã ngày đêm tưởng tượng cuộc sống ở “Bên Nớ” sẽ phải như thế nào. Có thể anh đã hỏi địa chỉ của những đồng chí cũ, những người mà anh cho là anh hùng của Cách mạng, mà không biết rằng đấy chỉ là những kẻ phản bội hay những tên gián điệp. Có thể anh đã đặt vòng hoa trước một ngôi mộ không thích hợp mà cũng có thể anh đã muốn gọi điện cho đồng chí Rubashov nổi danh một thời nhưng nay đã là bạn tù với anh.

Bây giờ thì anh không thể nói: hai mươi năm nằm mơ trong ngục tù và hai tuần hiện thực giữa ánh ngày, cái nào tốt hơn. Có thể Rip Van Winkle đã bị mất trí từ đó…

Thường thì sau 402, bao giờ Rip Van Winkle cũng lại gõ tiếp điệp khúc: VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN khoảng năm sáu lần liền. Sau đó mới yên lặng hẳn.

Rubashov nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Người Đối Thoại Không Lời trong anh như bừng tỉnh, hắn không nói thành lời, nhưng anh hiểu:

“Anh phải trả giá cả chuyện này nữa, anh phải chịu trách nhiệm vì anh đã hành động đúng vào lúc anh ta đang mơ màng.”

Ngày hôm đó Ruabshov được đưa đi cắt tóc.

Lần này chỉ có một người lính hộ tống mà thôi: người giám thị già ì ạch đi phía trước rồi đến Rubashov, cuối cùng là người lính áp giải. Họ đi qua trước cửa phòng 406 nhưng không nhìn thấy bảng tên gắn trên cánh cửa ra vào. Trong phòng cắt tóc chỉ còn một anh thợ, cũng là tù nhân, người kia không biết đã đi đâu từ trước. Rõ ràng là người ta cố tình không để cho Rubashov gặp gỡ nhiều người.

Anh ngồi vào chiếc ghế bành. Phòng tương đối sạch, có cả gương nữa. Anh tháo kính và liếc nhìn vào gương, không có gì thay đổi, ngoại trừ bộ râu quai nón rậm rạm phủ kín hai bên má.

Anh thợ cắt tóc làm nhanh và rất cẩn thận. Cánh cửa phòng vẫn để ngỏ, người giám thị già đã bỏ đi, chỉ còn anh lính gác đứng tựa vào khung cửa, mắt anh ta dõi theo từng đường kéo, còn người thợ suốt buổi không nói một lời nào. Đám bọt xà phòng trên má làm Rubashov cảm thấy phấn chấn, anh chợt nhớ lại rằng trong cuộc đời thường nhật có rất nhiều niềm vui nho nhỏ như thế. Anh rất muốn bắt chuyện với người thợ cắt tóc, nhưng anh biết rằng người ta không cho, anh cũng không muốn làm phiền người thợ cắt tóc, nhất là anh đã có cảm tình ngay khi nhìn thấy khuôn mặt cởi mở của anh ta. Cứ nhìn hình thức bên ngoài thì không ai bảo anh ta là thợ cắt tóc, phải là thợ cơ khí hay thợ rèn thì mới đúng. Vừa bắt đầu cạo anh ta vừa hỏi: “Có rát không… ?” và nói thêm, rất khẽ: “Công dân Rubashov.”

Đấy là câu đầu tiên Rubashov nghe được từ khi bước vào phòng và mặc dù người thợ cắt tóc tỏ ra hoàn toàn dửng dưng, anh vẫn nhận thấy có nhiều ẩn ý ở đằng câu nói có vẻ như vô tình ấy. Căn phòng đã yên ắng trở lại như cũ, người lính gác đứng ngoài cửa bật diêm châm thuốc hút, anh thợ cắt tóc và cạo râu cho Rubashov bằng những động tác nhanh chóng và dứt khoát. Ánh mắt hai người bỗng gặp nhau trong một tích tắc và đúng lúc đó người thợ đưa hai ngón tay luồn vào dưới cổ áo của Rubashov; khi anh ta rút tay ra thì cũng là lúc Rubashov cảm thấy có một cái gì giống như mảnh giấy nhỏ cọ vào gáy. Mấy phút sau thì cắt xong và Rubashv được đưa trở lại buồng giam. Anh ngồi lên giường và cẩn thận nhìn vào lỗ nhòm xem có bị theo dõi không rồi mới lấy mẩu giấy ra đọc. Trên mảnh giấy chỉ vẻn vẹn có năm chữ, được viết một cách vội vã:

“Ngậm miệng mà chết đi.”

Rubashov vất mẩu giấy vào cái thùng gỗ và bắt đầu suy nghĩ mung lung. Đây là thông điệp đầu tiên được đưa tới từ bên ngoài. Khi ngồi trong nhà tù của các quốc gia thù nghịch anh thường nhận được những lời kêu gọi kiểu như hãy mạnh mẽ tố cáo hoặc hãy ném vào mặt các quan toà những lời kết án. Lịch sử đã bao giờ phải chứng kiến cảnh những người cách mạng phải ngậm miệng chưa? Hay đây là một bước ngoặt của lịch sử, đây là lúc người cách mạng chỉ phải làm có một việc, chỉ có một quyền duy nhất: ngậm miệng mà chết đi?

Luồng suy nghĩ của Rubashov bị cắt ngang vì 402 đã bắt đầu gõ vào tường ngay khi thấy anh được đưa trở về. Anh ta sốt ruột vì muốn biết Rubashov vừa được đưa đi đâu.

CẮT TÓC, Rubashov giải thích.

TÔI TƯỞNG XONG RỒI CƠ, 402 gõ một cách vội vã. SAU ANH, Rubashov trả lời.

Cũng như mọi khi, 402 tỏ ra là người biết nói chuyện. HA–HA!, anh ta reo lên. ANH LÀ NGƯỜI DŨNG CẢM ĐẤY.

Thật kỳ lạ là lời động viên cổ điển này lại làm Rubashov hài lòng. Anh cảm thấy ghen với anh chàng 402, anh ta thuộc về giai tầng có những tiêu chí rõ ràng về danh dự, về cách hành xử cả lúc sống lẫn lúc chết. Có cái để mà dựa vào. Anh và các chiến hữu của mình thì không được như thế, anh không có một tập hợp các tiêu chuẩn như thế, tất cả hành động đều chỉ dựa vào lý trí của chính mình.

Phải tự nghĩ lấy cả việc mình nên chết ra sao. Người quân tử sẽ làm như thế nào: Chết trong yên lặng hay chấp nhận bị hạ nhục giữa thanh thiên bạch nhật để tiếp tục theo đuổi mục đích của mình? Anh đã đưa Arlova vào chỗ chết vì nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ có ích cho Cách mạng hơn. Các bạn anh cũng nói như thế: Bảo toàn tính mạng của mình cho Cách mạng quan trọng hơn là tuân theo những qui định của đạo đức tư sản lỗi thời. Nhiệm vụ duy nhất của những người đảm nhận vai trò cải biến lịch sử là luôn luôn sẵn sàng, không còn nhiệm vụ nào vinh quang hơn thế. “Anh muốn làm gì với em cũng được”, Arlova đã nói như thế và anh đã làm đúng như thế. Tại sao anh lại phải thận trọng hơn với mình? “Số phận của loài người sẽ được quyết định trong mười năm tới”,

Ivanov đã nói như thế. Anh có quyền nhân danh những điều như lòng tự hào, sự yên bình và vinh quang mà trốn tránh được hay không? Vả lại, nếu Anh Cả có lý thì sao? Còn nếu quả thật tương lai hạnh phúc của nhân loại đang được xây dựng ở đây, xây dựng trong máu, nước mắt, bùn nhơ và lừa dối này thì sao? Có phải lịch sử là một cỗ máy vô tình và bất nhân, luôn luôn sử dụng nước mắt, bùn nhơ và dối trá để xây nền móng tương lai hay không?

Ngậm miệng mà chết đi – tàn tạ trong bóng tối, nói thì bao giờ cũng dễ…

Rubashov đột ngột đứng lại trên hàng gạch đen thứ ba, tính từ cửa sổ; anh vừa thấy mình nhắc đi nhắc lại mấy từ “ngậm miệng mà chết đi”, nhắc đi nhắc lại bằng giọng khôi hài, chế giễu như thể muốn nhấn mạnh tính cách vô lý của nóvậy.

Bây giờ thì anh hiểu rằng quyết định bác bỏ đề nghị của Ivanov chưa phải là quyết định tối hậu như lúc đầu anh nghĩ. Anh bỗng tự hỏi không biết đã bao giờ anh thực sự có ý định bác bỏ đề nghị đó và rút lui mà không nói một lời nào hay chưa.

5.

Cuộc sống của Rubashov tiếp tục được cải thiện. Buổi sáng ngày thứ mười một anh được đưa ra sân đi dạo.

Người giám thị già cùng với người lính từng dẫn anh đi cắt tóc đến ngay sau bữa sáng. Người giám thị chính thức thông báo rằng từ nay trở đi mỗi ngày anh được đi dạo hai mươi phút trong sân trại giam. Rubashov được đưa vào nhóm thứ nhất, tức là nhóm được đi dạo ngay sau bữa sáng. Sau đó viên giám thị đọc một loạt nội qui: cấm nói chuyện với người bên cạnh hay với bất kì tù nhân nào khác, cấm trao đổi bằng cách ra hiệu hoặc trao đổi thông tin bằng bất cứ cách nào khác, cấm đi ra ngoài hàng; mọi vi phạm đều bị trừng phạt bằng cách tước quyền đi dạo, vi phạm nghiêm trọng có thể bị biệt giam trong phòng tối đến bốn tuần. Sau đó Rubashov được đưa ra ngoài hành lang. Đi được vài bước thì người giám thị dừng lại để mở cửa buồng 406.

Rubashov, lúc đó đang đứng cách cửa buồng giam mấy bước, nhìn thấy hai chân Rip Van Winkle trên cái giường sắt trong buồng giam. Anh ta đi ủng đen, có cúc và mặc một cái quần kẻ ca rô, phía dưới đã sờn nhưng vẫn còn bóng như vừa là xong. Người giám thị lại đọc nội qui; hai chân người tù từ từ đặt xuống đất và một người đàn ông già nua, nhỏ thó xuất hiện trong khung cửa, mắt chớp chớp liên tục vì bị chói. Râu ria bạch phếch đã lâu không cạo, bên trong áo com lê còn có một chiếc gi lê màu đen nữa. Anh ta đứng thêm vài giây trong khung cửa, tò mò nhìn Rubashov và khẽ gật đầu cúi chào rồi cả bốn người tiếp tục bước. Rubashov vẫn nghĩ rằng anh ta là người thần kinh, nhưng hoá ra không phải như thế. Mặc dù đôi lông mày cứ co giật suốt, có thể là do bị giam trong phòng tối nhiều năm, nhưng Rip Van Winkle lại có đôi mắt sáng và thân thiện ngây thơ như trẻ con. Anh ta bước những bước ngắn nhưng dứt khoát, thỉnh thoảng lại đưa mắt liếc nhìn Rubashov. Khi đi xuống thang gác, anh ta bị trượt chân, nếu không được người lính đỡ thì đã bị ngã rồi. Rip Van Winkle lẩm bẩm cái gì đó, vì ở xa Rubashov không nghe rõ, nhưng chắc chắn là mấy lời cám ơn vì thấy anh lính gác mỉm cười ngượng ngịu. Chẳng bao lâu sau họ đã ra đến ngoài sân, những người tù khác đã đứng thành hàng đôi. Từ giữa sân,

nơi những người lính đang đứng, vang lên hai tiếng huýt gió ngắn, tù nhân bắt đầu cất bước.

Da trời màu xanh nhạt, không một gơn mây, tiếng tuyết lạnh vỡ lạo xạo dưới chân. Rubashov quên không mang theo chăn, chẳng mấy chốc anh đã run lên cầm cập. Rip Van Winkle choàng lên người một cái chăn cũ mà người giám thị đã đưa cho anh lúc họ bước ra sân. Anh ta vẫn yên lặng bước những bước ngắn nhưng dứt khoát bên cạnh Rubashov, thỉnh thoảng lại ngước nhìn bầu trời xanh nhạt ở trên đầu, cái chăn xám phủ trùm đến tận đầu gối, trông anh ta giống như một cái chuông. Rubashov nhìn vào cửa sổ buồng mình, nó cũng bẩn và tối như tất cả các cửa sổ khác, chẳng nhìn thấy gì bên trong. Cửa sổ buồng 402 cũng thế, chỉ có một khoảng hình vuông đen ngòm với mấy thanh sắt ngang dọc mà thôi. 402 không được đi dạo, không được đưa đi cắt tóc, cũng không được đưa đi gặp điều tra viên, Rubashov chưa bao giờ nghe thấy anh ta đi ra ngoài.

Tù nhân bước đi một cách chậm chạp, yên lặng xung quanh sân. Môi Rip Van Winkle cứ mấp máy suốt, đầu tiên Rubashov không hiểu ông ta nói gì, nhưng sau đó thì anh nhận ra rằng đấy là nhạc điệu bài “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Không, Rip Van Winkle không phải là người thần kinh, nhưng chắc chắn bảy ngàn ngày đêm trong ngục tối đã biến ông thành một người hơi kì quặc. Rubashov đưa mắt ngắm nhìn người bạn đồng hành và cố gắng hình dung trong đầu hoàn cảnh của một người bị cách ly với thế giới suốt hai mươi năm ròng. Hai mươi năm trước ô tô còn là của hiếm, radio thì chưa có, các nhà chính trị hiện nay lúc đó còn là những kẻ vô danh tiểu tốt cả. Hai mươi năm trước không ai có thể tiên đoán được những phong trào quần chúng mới, những thắng lợi long trời lở đất, những con đường quanh co, những giai đoạn thăng trầm mà nhà nước Cách mạng phải trải qua; lúc đó tất cả mọi người đều tin rằng cánh cổng của Thiên Đường trên trái đất đã rộng mở và loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của nó…

Rubashov nhận ra rằng dù có nhiều kinh nghiệm trong việc “suy xét bằng quan điểm của người khác” đến đâu anh cũng không thể nào hiểu được tình cảm của Rip Van Winkle. Không cần vận dụng nhiều trí lực anh cũng có thể hiểu được Ivanov hay Anh Cả, thậm chí ngay anh chàng sĩ quan đeo kính một tròng ở buồng bên cạnh, nhưng Rip Van Winkle thì anh chịu thua. Rubashov liếc nhìn người bạn đồng hành đúng lúc ông ta quay đầu lại, hai tay ông ta giữ chặt cái chăn quàng xung quanh vai, bước từng bước ngắn, mồm vẫn lẩm bẩm điệu nhạc “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”.

Khi được dẫn trở về đến cửa buồng giam, lão giã quay lại và gật đầu chào Rubashov. Một sự thay đổi chợt loé lên trong ánh mắt người tù già: hoảng hốt và tuyệt vọng, Rubashov nghĩ rằng ông ta sẽ hét lên, nhưng người giám ngục đã đóng sập ngay cửa buồng 406 lại rồi. Sau khi vào buồng Rubashov vội vàng gõ vào tường, nhưng Rip Van Winkle không gõ, thậm chí không trả lời.

Trong khi đó 402, anh ta đã nhìn qua cửa sổ và thấy Rubashov đi dạo, lại rất muốn biết cảnh đi dạo, càng cụ thể càng tốt. Rubashov phải kể cho anh ta nghe, nào là không khí ra làm sao, có lạnh lắm không, gặp những ai ngoài hành lang, có nói được với Rip Van Winkle câu nào không. Anh kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi, so với 402, người không bao giờ được đi ra ngoài thì anh dù sao cũng là người may mắn; anh thấy thương 402 và cảm thấy như mình là người có lỗi vậy.

Ngày hôm sau và hôm sau nữa Rubashov đều được dẫn đi dạo ngay sau bữa ăn sáng. Rip Van Winkle đi cùng với anh trong cả ba ngày liên tiếp. Họ đi sát bên nhau, chăn quấn quanh vai, không ai nói một lời nào; Rubashov mải suy nghĩ, thỉnh thoảng mới ngước mắt nhìn những bạn tù hay các ô cửa sổ nhà tù; còn người tù già, râu ria tua tủa với nụ cười ngây thơ, thì vẫn thì thầm hát mãi bài ca muôn thuở.

Đến tận ngày thứ ba họ vẫn không nói với nhau một câu nào, mặc dù Rubashov nhận thấy rằng bảo vệ gần như không quan tâm đến việc tuân thủ nội qui và các cặp khác vẫn nói chuyện gần như không ngớt miệng, họ nói mà mắt vẫn nhìn về phía trước, môi chỉ khẽ mấp máy, đấy có thể coi là kỹ thuật trao đổi trong tù mà Rubashov đã quen.

Lần thứ ba Rubashov có mang theo một cuốn vở và cái bút chì, cuốn vở thò cả ra ngoài túi áo bên trái. Sau khoảng mươi phút thì người tù già nhìn thấy cuốn vở, mắt ông ta sáng lên. Ông ta liếc nhìn mấy người lính đứng giữa sân, họ đang mải nói chuyện và có vẻ như cũng chẳng để ý gì đến đám tù nhân, và rút ngay bút giấy khỏi túi Rubashov rồi lập tức lấy cái chăn trùm lên để viết gì đó. Một lúc sau thì thấy ông ta xé tờ giấy, gập lại và đưa cho Rubashov còn bút và vở thì vẫn giữ lại để viết tiếp. Sau khi chắc chắn là bảo vệ không chú ý, Rubashov mới giở tờ giấy ra. Không một chữ nào, chỉ có một tấm bản đồ được vẽ khá chính xác. Có đủ các thành phố chính, núi và sông, và ngọn cờ với biểu tượng của Cách mạng tung bay.

Khi họ đi được nửa vòng thì người tù già lại ấn một tờ giấy nữa vào tay Rubashov. Vẫn là tấm bản đồ ấy, tấm bản đồ của Đất nước Cách mạng. 406 nhìn Rubashov, miệng mỉm cười có ý chờ đợi. Cảm thấy lúng túng, Rubashov bảo rằng vẽ rất khéo. Người tù già vừa nháy mắt vừa nói:

“Nhắm mắt tôi cũng vẽ được.”

Rubashov im lặng gật đầu.

“Anh không tin”, người tù già vừa nói vừa khẽ mỉm cười, “nhưng tôi đã luyện tập trong suốt hai mươi năm đấy.”

Sau khi liếc nhìn mấy người lính gác, 406 nhắm mắt lại và chân tiếp tục bước còn tay thì vẽ trên một tờ giấy mới bên trong tấm chăn khoác quanh người như một cái chuông. Ông ta đi, mắt nhắm nghiền, cằm hơi vểnh lên như một người mù thực sự. Rubashov lo lắng nhìn mấy người lính, chỉ sợ người bạn tù sẽ vấp hoặc ngã ra ngoài hàng. Nhưng chỉ đi được nửa vòng ông ta đã vẽ xong, đường nét không được rõ bằng hai cái trước nhưng độ chính xác thì không khác gì, chỉ có biểu tượng trên lá cờ là to quá khổ mà thôi.

“Anh thấy chưa?”, 406 thì thầm, miệng cười thật tươi. Rubashov gật đầu. Người tù già bỗng trở nên buồn hẳn, ông ta sợ. Hôm qua, lúc bị đưa vào buồng giam Rubashov đã nhận thấy như thế.

“Làm thế nào được”, người tù già thì thào. “Tôi đi nhầm tàu.”

“Ý ông là sao”, Rubashov hỏi.

“Tôi lên nhầm tàu ngay hôm ra tù. Họ nghĩ rằng tôi không nhận ra. Đừng nói với ai là tôi biết đấy nhé”, ông ta vừa thì thầm vừa đưa mắt về phía mấy người lính gác.

Rubashov gật đầu. Tiếng còi báo hiệu hết giờ vang lên ngay sau đó.

Trong khi bước qua cổng chính để vào nhà, người tù già bỗng hỏi một cách chân thành:

“Anh cũng lên nhầm tàu phải không?”

Rubashov gật đầu.

“Đừng đánh mất niềm tin. Nhất định chúng ta sẽ đi đến đó”, Rip Van Winkle vừa nói vừa chỉ tay vào tấm bản đồ cuộn tròn trong lòng bàn tay Rubashov.

Rồi ông ta nhét cuốn vở và cây bút chì vào túi Rubashov. Vừa bước lên bậc tam cấp ông ta đã lại thì thầm giai điệu của bài hát quen thuộc rồi.

6.

Chỉ còn một đêm nữa là thời hạn hai tuần do Ivanov đưa ra sẽ kết thúc, khi ăn tối Rubashov bỗng cảm thấy bồn chồn. Anh cũng không biết tại làm sao, thức ăn vẫn như cũ, phát cũng đúng giờ, thế mà anh vẫn thấy căng thẳng làm sao ấy. Có thể là một người tạp vụ đã nhìn anh lâu hơn mọi khi, mà cũng có thể là giọng nói của người giám thị già trầm hơn mọi hôm cũng nên. Rubashov không biết tại sao, nhưng anh không thể nào ghi chép được, anh cảm thấy căng thẳng, y như người bị bệnh tê thấp trước cơn dông vậy.

Sau giờ đi ngủ anh vẫn còn ghé mắt vào lỗ nhòm để nhìn ra hành lang; điện yếu, ánh sáng vàng vọt, nhợt nhạt, có cảm giác như ở đây chưa bao giờ lại vắng lặng và lạnh lùng đến thế. Rubashov hết nằm xuống rồi lại ngồi lên, cố ép mình viết thêm vài dòng, vừa tắt điếu thuốc này lại đốt thêm ngay điếu khác. Rồi anh đến bên cửa sổ để nhìn ra sân: bắt đầu ấm lên, tuyết xốp và hơi xỉn, trời đầy mây, người lính gác đeo súng vẫn đang đi tuần như mọi khi. Rồi anh lại ghé mắt vào lỗ nhòm để quan sát hành lang: im lặng, không một bóng người, ánh điện vàng vọt. Tuy đã muộn và trái với thói quen không nói chuyện ban đêm, hôm nay anh lại muốn rủ 402 tâm sự.

NGỦ CHƯA? anh bắt đầu gõ.

402 không trả lời ngay. “Ngủ rồi”, Rubashov buồn bã tự nhủ. Nhưng sau đó có tiếng gõ đáp lại, nhỏ và chậm hơn mọi khi.

CHƯA. ANH THẤY GÌ KHÔNG?

THẤY GÌ LÀ SAO? Rubashov hỏi. Anh bỗng thấy khó thở, lúc đó anh nằm trên giường và gõ bằng gờ cái kính cận.

402 lưỡng lự giây lát. Sau đó anh gõ rất khẽ, như thể nói thầm vậy.

ANH NÊN NGỦ ĐI THÌ TỐT HƠN…

Rubashov cảm thấy ngượng vì phải nghe 402 nói với giọng an ủi như thế. Anh nằm ngửa ra và chăm chú nhìn cái kính. Sự yên lặng nặng nề đến nỗi nghe như có những tiếng ù ù sôi réo trong màng nhĩ. Tiếng gõ đột ngột vang lên:

VUI QUÁ, ANH THẤY NGAY MÀ.

THẤY CÁI GÌ? Rubashov lại hỏi và vội vàng ngồi dậy.

Có vẻ như 402 còn đang nghĩ. Sau vài phút lưỡng lự, anh ta đáp:

ĐÊM NAY SẼ QUYẾT PHÁI ĐỐI LẬP…

Rubashov đã hiểu. Anh ngồi dựa lưng vào tường, có ý chờ đợi. Nhưng 402 không nói gì thêm. Một lúc sau Rubashov mới gõ:

TỬ HÌNH À?

ĐÚNG, 402 đáp một cách ngắn gọn.

LÀM SAO ANH BIẾT, Rubashov hỏi.

MÔI THỎ NÓI.

BAO GIỜ? KHÔNG BIẾT, và sau một lúc im lặng, 402 gõ tiếp: SẮP RỒI. AI, BIẾT KHÔNG? Rubashov lại hỏi

KHÔNG, 402 trả lời và sau một lúc lại gõ thêm: LỆCH LẠC VỀ CHÍNH TRỊ, NHƯ ANH.

Rubashov lại nằm xuống giường. Một lúc sau anh mới đeo kính lên, anh cứ nằm yên như thế, một tay đặt dưới gáy. Xung quanh lặng ngắt như tờ.

Anh chưa chứng kiến vụ hành quyết nào, ngoại trừ vụ hành quyết suýt diễn ra với chính mình, nhưng đấy là từ thời Nội chiến cơ. Anh cũng không thể tưởng tượng thời bình, khi mọi thứ đều theo kế hoạch, thì chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào. Anh đã loáng thoáng nghe nói rằng việc hành quyết thường được tiến hành vào ban đêm, dưới tầng hầm, tội nhân bị bắn vào gáy, nhưng cụ thể thế nào thì không biết. Đối với Đảng, chết không phải là điều kỳ diệu, không có gì thơ mộng trong đó cả. Nó là một nhân tố quan trọng đã được bàn đến trong lĩnh vực lý luận và hoàn toàn mang tính chất trừu tượng. Từ “chết” cũng ít khi được nói tới, từ “hành quyết” cũng vậy, trong Đảng hay sử dụng thuật ngữ “loại bỏ”. Khái niệm này chỉ gợi cho người ta một ý nghĩ cụ thể, duy nhất: chấm dứt các hoạt động chính trị. Chết chỉ là khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, không đáng được quan tâm. Rubashov nhìm chằm chằm vào bóng đêm. Vụ hành quyết đã xong chưa? Hay các tội nhân vẫn còn sống? Anh tháo giày và cởi tất ra, hai bàn chân trần thò ra khỏi chăn hiện lên mờ mờ ngay phía cuối giường. Xung quanh tuyệt đối yên lặng, yên lặng một cách bất bình thường. Không có nghĩa là không có một tiếng động nào mà là nó đã nuốt hết và bóp nghẹt mọi tiếng động. Yên lặng phập phồng như tiếng trống ngũ liên. Rubashov nhìn hai bàn chân trần và khẽ cử động mấy ngón chân. Thật kỳ lạ và khó tin, cứ như thể hai bàn chân cũng có cuộc sống riêng vậy. Hơn lúc nào hết, bây giờ anh mới thật sự chú ý đến thân thể mình, anh cảm thấy rõ cái chăn ấm đang cọ vào ống chân cũng như sức nặng đang đè lên cái cánh tay đặt làm gối. Việc loại bỏ được tiến hành ở đâu? Anh có cảm giác là ở bên dưới, dưới chân cái cầu thang gần buồng cắt tóc. Phảng phất đâu đây mùi da thuộc từ cái thắt lưng và tiếng sột soạt của bộ quân phục của Gletkin. Hắn ta sẽ nói gì với các nạn nhân? “Xin mời quay mặt vào tường?” Có từ “xin mời” không? Hay hắn ta sẽ nói: “Đừng sợ. Không kịp đau đâu…” Cũng có thể hắn sẽ bắn mà không báo trước gì hết, bắn từ phía sau, khi đang đi, nhưng nhất định nạn nhân sẽ thường xuyên ngoái đầu lại chứ? Hay hắn sẽ làm như ông bác sĩ chữa răng, tức là giấu khẩu súng lục trong ống tay áo? Có người làm chứng không? Nạn nhân sẽ ngã về đằng trước hay về đằng sau? Nạn nhân có kêu không? Có thể phải bắn đến phát thứ hai không?

Rubashov châm thuốc hút và đưa mắt nhìn hai bàn chân. Xung quanh im lặng đến nỗi có thể nghe thấy cả tiếng giấy quấn thuốc lá cháy. Anh hít một hơi thật sâu rồi vứt điếu thuốc đi. Nhảm nhí, anh tự nhủ. Thực ra, không bao giờ anh tin vào khía cạnh kỹ thuật của việc “loại bỏ”. Chết là một khái niệm trừu tượng, nhất là cái chết của chính mình. Có thể, ở dưới kia mọi sự đã kết thúc rồi, quá khứ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Trời tối đen như mực, xung quanh không một tiếng động, 402 cũng không gõ.

Anh chỉ mong có một người nào đó thét lên để phá vỡ sự im lặng nặng nề bất thường này. Anh khịt mũi và chợt nhận thấy mùi nước hoa của Arlova. Ngay cả thuốc lá cũng có mùi đặc trưng vì cô thường để hộp đựng thuốc lá bằng da trong cái túi đựng nước hoa và son môi cho nên thuốc cũng có mùi nước hoa… Im ắng quá, chỉ mỗi lần trở mình mới nghe thấy tiếng cót két.

Rubashov đã định đứng dậy để châm một điếu thuốc nữa thì nghe có tiếng gõ vào tường.

HỌ ĐẾN ĐẤY, tiếng gõ bảo anh như thế.

Rubashov dỏng tai lên nghe ngóng. Nhưng chỉ có tiếng mạch máu gõ nhịp trên thái dương mà thôi. Anh ngồi thu mình chờ đợi. Còn yên ắng hơn nữa. Anh bỏ kính ra và bắt đầu gõ:

CHẲNG THẤY GÌ CẢ.

Một lúc sau vẫn không thấy 402 trả lời. Rồi đột nhiên anh ta gõ, to và rõ ràng từng tiếng một:

SỐ 380. TRUYỀN TIẾP ĐI.

Rubashov ngồi phịch xuống giường. Tin tức đã được những người bạn tù của 380 truyền qua mười một buồng giam. Những người tù từ buồng 380 đến buồng 402 đã truyền tin tức cho nhau, qua màn đêm và sự im lặng. Bất lực, bị giam trong bốn bức tường, họ chỉ có thể bày tỏ tình đoàn kết bằng cách đó. Rubashov nhảy khỏi giường và cứ đi chân trần như thế sang phía bức tường đối diện. Anh đứng cạnh cái thùng gỗ và vội vã báo tin cho 406:

CHÚ Ý. 308 SẼ BỊ BẮN. TRUYỀN TIẾP ĐI. Anh lại dỏng tai lên nghe. Thối quá, mùi bốc lên từ cái thùng gỗ lập tức đánh bật mùi nước hoa của Arlova. Không thấy 406 trả lời. Rubashov vội vàng nhảy lên giường. Lần này anh gập mấy ngón tay lại để gõ chứ không dùng gọng kính nữa.

380 TÊN LÀ GÌ?

Không có tiếng đáp. Rubashov cho rằng, giống như anh, 402 cũng đang chạy qua chạy lại như con thoi giữa hai bức tường trong buồng giam. Chắc chắn là trong mười một buồng giam kia những người tù chân trần cũng đang chạy qua chạy lại. Đấy, 402 đã quay lại rồi, anh ta thông báo:

CHÚNG ĐANG ĐỌC BẢN ÁN. TRUYỀN TIẾP ĐI. Rubashov nhắc lại câu hỏi:

TÊN LÀ GÌ?

Nhưng 402 vẫn không trả lời, có lẽ anh ta đã chạy sang bên kia rồi. Rubashov nghĩ rằng truyền tin cho Rip Van Winkle là việc vô bổ nhưng anh vẫn chuyển sang đứng cạnh cái thùng gỗ và gõ, trách nhiệm giữ cho bản tin không bị ngắt quãng đã buộc anh phải làm như thế. Mùi xú uế làm anh suýt bị nôn. Rồi anh nhảy lên giường và đợi. Bên ngoài vẫn yên ắng như cũ. 402 lại gõ:

ANH TA KÊU CỨU.

ANH TA KÊU CỨU, Rubashov báo tin cho 406. Anh lại dỏng tai lên nghe ngóng. Không thấy gì. Rubashov sợ rằng nhất định anh sẽ bị nôn nếu còn phải đứng cạnh cái thùng gỗ một lần nữa.

CHÚNG LÔI ĐI. ANH TA VỪA KÊU GÀO VỪA GIÃY TRUYỀN TIẾP ĐI, 402 thông báo.

TÊN LÀ GÌ? Rubashov vội vàng gõ, trước cả khi 402 kết thúc. Lần này thì có câu trả lời:

BOGROV. ĐỐI LẬP. TRUYỀN TIẾP ĐI.

Hai chân Rubashov như trùng hẳn xuống. Anh dựa vào tường và thông báo cho 406:

MICHAEL BOGROV, CỰU LÍNH THUỶ CHIẾN HẠM POTEMKIN, CHỈ HUY HẠM ĐỘI BIỂN ĐÔNG, HUÂN CHƯƠNG CÁCH MẠNG HẠNG NHẤT, BỊ ĐƯA ĐI HÀNH QUYẾT.

Rubashov nôn ngay vào cái thùng gỗ. Anh đứng thẳng người lên và lấy tay lau trán và kết thúc đoạn thông báo bằng câu:

TRUYỀN TIẾP ĐI.

Đã lâu không gặp Bogrov, nhưng về đại thể thì Rubashov còn nhớ, đấy là một người cực kỳ cao to, hơi thô, tay dài gần đến gối, khuôn mặt rộng, lấm chấm tàn nhang, mũi hơi xếch. Họ cùng bị đi đày sau cuộc cách mạng năm 1905; Rubashov dạy anh ta đọc, viết và những vấn đề cơ bản nhất về lịch sử và cách mạng; từ đó trở đi dù ở đâu thì năm nào Rubashov vũng nhận được hai lá thư của của Bogrov, mà bao giờ cũng kết thúc bằng câu: “Người đồng chí mãi mãi chân thành, Bogrov”.

ĐANG ĐẾN ĐẤY, 402 gõ vội vàng và to đến nỗi Rubashov, lúc đó đang đứng gục đầu vào tường ngay bên cạnh cái thùng gỗ, tức là ở phía bên kia buồng giam, cũng nghe thấy.

ĐỨNG VÀO CẠNH LỖ NHÒM. ĐÁ VÀO CỬA, TRUYỀN TIẾP ĐI. Rubashov đứng như trời trồng. Anh thông báo cho 406: ĐỨNG VÀO CẠNH LỖ NHÒM. ĐÁ VÀO CỬA, TRUYỀN TIẾP ĐI. Anh lần ra phía cửa và lại dỏng tai lên nghe ngóng. Ngoài hành lang vẫn vắng ngắt như tờ.

Vừa lúc đó lại thấy 402 thông báo:

BẮT ĐẦU.

Một loạt tiếng động bùng bùng, ùng ục, như tiếng trống bị nén lại, truyền khắp hành lang bên ngoài. Đấy không phải là những tiếng gõ hay tiếng đập rời rạc: những người tù từ buồng 380 đến buồng 402 đứng sau cánh cửa như những người lính trong đội vệ binh danh dự đang tạo ra một chuỗi âm thanh giống như tiếng trống trận vừa trang trọng vừa như bị tắc nghẹn được gió đưa từ xa lại. Rubashov ghé sát mắt vào lỗ nhòm và lấy cả hai tay đập vào cái cánh cửa sắt nặng nề của buồng giam. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy buồng 406 và những buồng tiếp theo cũng có tiếng đập, chắc là Rip Van Winkle đã hiểu và cũng bắt đầu đấm vào cánh cửa. Rồi anh nghe thấy tiếng mở và đóng cửa, chắc chắn là ở phía bên trái, nhưng anh không thể nhìn thấy cụ thể là buồng nào. Âm thanh ở phía bên trái có vẻ to hơn trước, Rubashov cho rằng người ta vừa mở cửa ngăn khu biệt giam với các khu khác. Lại nghe thấy tiếng đóng cửa sắt, rồi tiếng chân bước và tiếng loạt xoạt như người ta đang kéo vật gì đó trên nền gạch. Tiếng đập cửa ở phía bên trái càng dồn dập, tuôn trào không ngớt, như những đợt sóng, ngày càng mạnh hơn. Khoảng cách từ buồng 401 đến buồng 407 vẫn không có gì, Rubashov không nhìn được xa hơn. Tiếng bước chân và tiếng loạt xoạt càng rõ hơn, bây giờ anh còn nghe thấy cả tiếng rên rỉ và tiếng khóc thút thít như của trẻ con nữa. Chân bước càng nhanh hơn, tiếng đập cửa phía bên trái nhỏ dần, trong khi phía bên phải lại to lên.

Rubashov liên tục đập hai tay vào cánh cửa. Không còn cảm giác không gian và thời gian, chỉ còn nghe thấy tiếng ầm ầm như tiếng rú của rừng xanh hay như những con khỉ đột bị nhốt thỉnh thoảng lại đưa tay đấm vào ngực rồi đấm vào cũi sắt. Anh dán mắt vào lỗ nhòm, vẫn chỉ thấy ánh đèn vàng nhợt nhạt; không có gì ngoài mấy cái cánh cửa sắt từ buồng 401 đến 407; nhưng tiếng đập, tiếng loạt xoạt, tiếng thút thít cũng ngày một to lên. Bất thình lình có ba bóng người hiện lên ngay trong tầm nhìn của Rubashov. Anh ngừng tay và căng mắt ra nhìn. Chỉ vài giây sau họ đã đi khuất hẳn.

Nhưng cảnh tượng anh vừa nhìn thấy thì không thể nào quên được. Đấy là hai người mặc quân phục, cao to, bước đi vội vã, ở giữa là một người bị xốc nách kéo đi theo. Người bị xốc nách trông cứng đơ như một hình nhân, mặt úp xuống dưới, bụng làm thành một hình vòng cung, hai chân duỗi thẳng, mũi giày miết xuống nền gạch tạo ra những tiếng lạo xạo có thể nghe thấy từ khá xa. Mấy lọn tóc màu xám, ướt đẫm mồ hôi buông phất phơ hai bên má, miệng mở rộng, dãi sều ra bám ướt hai bên cằm. Khi họ đã đi khuất, tiếng rên rỉ, thút thít cứ nhỏ dần rồi trở thành như một tiếng vọng từ xa với ba nguyên âm “u – a – o”. Nhưng trước khi họ bước qua chỗ rẽ gần buồng cắt tóc thì Bogrov bỗng thét thật to hai lần, lần này Rubashov nghe thấy trọn vẹn, rõ ràng cả một từ: Ru–ba–shov.

Tất cả lại chìm vào yên lặng. Đèn vẫn sáng như cũ, hành lang vẫn vắng như cũ. Chỉ có nghe thấy tiếng 406 gõ:

VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN. Rubashov đã nằm ở trên giường lúc nào không hay. Trong tai vẫn còn nghe thấy tiếng ù ù như trống trận, xung quanh đã hoàn toàn yên lặng. 402 chắc đã ngủ. Bogrov chắc đã chết rồi.

“Rubashov, Rubashov…” Hai tiếng kêu cuối cùng của Bogrov như vẫn còn văng vẳng bên tai. Hình ảnh thì không được rõ ràng như thế. Thật khó tưởng tượng cái hình nhân với khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, đôi chân cứng đờ, kéo lê trên nền gạch lại có thể là Bogrov. Chỉ lúc này anh mới nhớ ra lá tóc Bogrov đã bạc. Chúng đã làm gì với Bogrov? Chúng đã làm gì với người lính thuỷ kiên cường này để đến nỗi anh ta phải khóc thút thít như một đứa trẻ như thế? Arlova có khóc thút thít như thế khi bị kéo đi hay không?

Rubashov vùng dậy và gục đầu vào bức tường ngăn với buồng 402. Anh sợ sẽ lại bị nôn. Anh chưa bao giờ tưởng tượng cảnh hành hình Arlova cụ thể đến thế. Đối với anh, chết luôn luôn là một khái niệm trừu tượng, mặc dù mỗi lần nghĩ đến nó anh đều có cảm giác bất an song chưa bao giờ anh nghi ngờ vào tính hữu lý của mình. Nhưng lúc này, cùng với cơn buồn nôn dâng lên trong cổ và những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh chợt cảm thấy rằng đấy là cách nghĩ điên rồ. Tiếng thút thít của Bogrov đã làm lệch cán cân. Cho đến hôm nay Arlova chỉ là một nhân tố, một nhân tố rất nhỏ, để giải phương trình thì phải bỏ qua. Không còn phương trình nữa. Hình ảnh Arlova kéo lê hai bàn chân đi giày cao gót dọc theo hành lang đã phá vỡ sự cân bằng toán học. Cái tác nhân vô nghĩa bỗng trở nên quan trọng, tuyệt đối quan trọng; tiếng thút thít và tiếng kêu xé lòng của Bogrov lúc gọi tên anh, tiếng của hàng chục bàn tay đập vào cánh cửa còn vang bên tai đã nhấn chìm giọng nói của lý trí, như sóng biển nhấn chìm tiếng kêu cứu của một kẻ chết trôi.

Kiệt sức, Rubashov cứ ngồi thế mà thiếp đi, đầu dựa vào tường, kính vẫn còn lủng lẳng trước đôi mắt đã nhắm nghiền.

Comments are closed.