Phục sinh Resurrection (1996)

Khánh Trường

Tại:
– Nhật báo Người Việt, Westminsteer, S. California. USA
– Paradise and Garden Gallery, San Jose. N. California. USA
– Palette Art Gallery, Houston, TX USA

Lần thứ ba tôi bị tai biến mạch máu não, đưa đến hậu quả: tay, chân gần như bất khiển dụng. Chân, đi đứng nghiêng ngả, phải ngồi xe lăn. Tay, vụng về, viết khó khăn, chữ được chữ mất, cua còng như trẻ con; cầm, nắm vật dụng nếu thiếu chú tâm, sẽ rơi, đổ. Giọng nói ngọng nghịu và không kiểm soát được âm độ. Mắt trở nên tệ hại, nhìn bất cứ vật gì cũng thành hai, phải luôn vận dụng đầu óc, kinh nghiệm để nhận định, phân biệt đâu là vật thực, đâu là ảnh ảo. Tệ hơn, không còn khả năng đọc sách, báo, thèm lắm, chỉ có thể đọc một cách vất vả trên màn hình computer với điều kiện phải phóng lớn chữ, và không đọc được lâu, vì phải điều tiết nhãn giới tối đa, gây chóng mặt, chảy nước mắt. Là một họa sĩ, đồng thời cũng là nhà văn, nhà báo, cuộc đời gắn liền với chữ nghĩa, sách vở cùng cọ sơn, màu sắc, thì hậu quả trên còn bất hạnh hơn cái chết. Chết, là lìa bỏ thế giới này, là tan nhòa vào hư vô, là vĩnh viễn không còn nghe, nhìn, biết. Mặt nào đó, chết, là dứt nợ, là thôi ngụp lặn trong cõi nhân sinh. Thế mà tôi vẫn phải tiếp tục sống, với một trí tuệ còn nguyên vẹn trong một bình thịt xương đã hư hại. Điều này quả thực kinh khủng.


KT1

Nhưng tai ách chưa dừng lại ở đó, tai ách còn đẩy tôi đến đáy cùng thống khổ. Hơn năm trước tôi lại bị thêm bệnh ung thư thanh quản, cùng lúc với chứng loét bao tử. Ung thư, bản án tử hình đã tuyên đọc, chờ ngày thi hành. Một nghịch lý đến vô lý: khi biết mình bị ung thư, dù vẫn tuân thủ mọi phương pháp chữa trị, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi không mong cầu bệnh sẽ hết, trái lại, nếu phải ra đi, tôi mong được ra đi sớm, chấm dứt càng nhanh càng tốt cuộc sống vô bổ, vô vị và tràn ứ buồn đau này. Thế nhưng sau nhiều tháng chịu đựng những phản ứng cực cùng dữ dội qua phương pháp điều trị bằng phóng xạ và hóa chất (radiation & chemotherapy), cộng với phẫu thuật bộ phận tiêu hóa, ung thư cùng loét bao tử tạm thời chấm dứt, để lại thêm cho tôi vài di chứng nữa: tuyến nước bọt bị hỏng vĩnh viễn do phóng xạ, khiến vòm họng lúc nào cũng khô đắng, ăn không còn biết ngon, phải thường xuyên uống nước mỗi vài ba phút; giọng nói đã ngọng còn tệ hại hơn nữa do thanh quản, nơi mọc bướu ung thư, bị tổn thương. Về chứng loét bao tử, sau hai lần xuất huyết trầm trọng, dù đã được tiếp huyết, bây giờ vẫn rất chóng mặt do thiếu máu, cũng như không thể ăn no, khó tiêu, luôn ợ chua, đôi lúc trào ra miệng, làm sặc.

Tuyệt vọng và cô quạnh. Hầu như bất cứ lúc nào, trừ khi ngủ, tôi luôn nghĩ đến cái chết. Chỉ có chết mới thoát được khổ đau dai dẳng này. Làm sao chết? Bằng cách nào? Khi mà ngay cả đi đứng, cầm nắm, tôi còn không thể chủ động.

Ngày tháng trở nên lê thê. Mỗi sáng ra khỏi giường, ngồi trong chiếc xe lăn hướng mặt ra đường, hoặc dán mắt vào TV, nghe, nhìn, nhưng không hiểu gì hết, chỉ ngổn ngang trong đầu những suy nghĩ trầm uất, mỏi mòn chờ đợi ngày tắt, để may ra có thể chìm vào giấc ngủ, thầm mong sẽ không bao giờ thức dậy.

Gần 12 tháng trôi đi như thế, một hôm lang thang trên mạng, tôi tìm đọc lại tiểu sử và thành quả cống hiến cho khoa học của Stephen Hawking. Chúng ta đều biết ông bị bệnh, liệt toàn thân, tứ chi bất khiển dụng 100%, kể cả tiếng nói. Nếu không còn bộ não và đôi mắt hoạt động bình thường, thì ông chả khác gì loài thảo mộc. Thế mà với nghị lực phi thường, ông đã “viết” được vài cuốn khảo cứu về vật lý. Công ty IBM chế tạo riêng cho ông một computer. Qua tia nhìn, máy có thể nhận tín hiệu, nhảy ra mẫu tự, tạo thành chữ. Sự nỗ lực gần như phép lạ của nhà vật lý là tấm gương, là nguồn an ủi, khích lệ mạnh mẽ vực tôi dậy. So với nhà vật lý, tôi còn may mắn hơn nhiều. Dù khá vất vả, tôi vẫn có thể đọc báo trên các trang web, và vẫn có thể gõ chữ trên bàn phím bằng một ngón duy nhất của bàn tay phải, chữ được chữ mất. Định tâm gõ chữ A, ngón tay lại rơi vào chữ S bên cạnh, hoặc chỉ gõ vào… hư vô vì không ước lượng được khoảng cách từ ngón tay đến phím chữ. Về màu sắc, tuy không bén nhạy như xưa, nhưng dẫu sao tôi vẫn có thể phân biệt một cách tương đối sắc độ của từng màu, qua một… màn sương. Nghĩa là tôi vẫn còn có thể vẽ được, viết được nếu nỗ lực, kiên trì và nhất là tìm ra một cách thể hiện nào đó, phù hợp với những điều kiện giới hạn của thể xác.

Nhưng ý nghĩ vẽ lại, viết lại chỉ mới manh nha, chưa trở thành thúc hối mạnh mẽ. Bởi lẽ tôi đoán biết sẽ vô cùng khó khăn. Sự khó khăn làm tôi nhụt chí. Vả lại, vẽ thêm, viết thêm để làm gì? Tên tuổi, tiếng tăm, nếu có, đã có. Thêm hay bớt một cuốn sách, một cuộc triển lãm thì cũng không vì thế tôi sẽ lớn hơn hoặc nhỏ đi.

KT2

Vài tháng trước, nhà văn Ngô Tự Lập từ miền Đông, nơi anh sắp hoàn tất học vị Ph. D, cùng với nhà thơ Phan Nhiên Hạo đến thăm tôi, trước khi Lập trở về VN. Hai anh nhìn thấy tình cảnh tôi, khuyên tôi viết hồi ký, để giải trí và cũng để ghi lại một chứng từ văn học hữu ích. Trải qua bao nhiêu sóng gió, cùng vô số những “bí mật hậu trường” suốt 15 năm qua. Với văn hữu khắp nơi, từ thế hệ tiền chiến, đang chiến đến hậu chiến của cả trong và ngoài nước. Với cá tính, bản chất cũng như khuynh hướng văn học của từng người. Với nghi kỵ, qui chụp phe phái, chính kiến của chính phủ Việt Nam, và của những tờ báo, người chống đối hải ngoại, chắc chắn hồi ký sẽ được trong, ngoài nước chú ý. Dù bênh vực hay phản bác, vẫn không thể phủ nhận 15 năm qua Hợp Lưu, tờ tạp chí văn học nghệ thuật biên khảo do tôi chủ trương, đã là một cột mốc quan trọng trong bối cảnh đầy biến cố của văn học Việt Nam hậu bán thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Lời khuyên của hai người bạn trẻ, cùng nhà văn / bs Ngô Thế Vinh vẫn thường ghé thăm, như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, tôi quyết định tập viết lại.

Tôi có thói quen đã trở thành quán tính suốt mấy mươi năm nay, chỉ vẽ được khi viết, và ngược lại. Đó là hai thành tố bổ sung cho nhau. Đó cũng là lý do tôi vẫn luôn đặt computer bên cạnh giá vẽ. Khi viết, nếu bế tắc, tôi vẽ. Mùi sơn, màu sắc giúp tôi phấn chấn, đầu óc, suy tư trở nên dễ dàng, thông thoáng. Vẽ chán, lại viết. Viết chán, lại vẽ. Với nhịp điệu ấy tôi thường hoàn tất cùng lúc một tác phẩm văn học và một loạt tranh đủ cho một lần triễn lãm. Trong dĩ vãng, trước năm 2001, nhiều cuộc triển lãm cũng đã được khai sinh như thế.
Từ lúc trưởng thành đến hôm nay, hội họa là nghiệp dĩ duy nhất giúp tôi tạo ra của cải, để nuôi thân và cưu mang gia đình. Vấn đề còn lại: nỗ lực và quyết tâm, nhất là, như đã nói, phải tìm ra một cách thể hiện mới, phù hợp với tình trạng thể chất hiện tại của tôi.
Tôi may mắn có thể vẽ được bất cứ loại tranh nào, chi li từng cọng tóc, hay vờn bay phóng khoáng vài nhát cọ… Đẹp, xấu chưa vội bàn đến, chỉ biết chắc tôi sẽ tạo ra tranh không mấy khó khăn. Tôi là một họa sĩ, vì thế, tôi vẽ. Bình thường thôi. Gần 40 năm trước, khi trả lời câu hỏi “Ông sáng tác như thế nào?” Nhạc sĩ Phạm Duy cười: “Như… đi đái ấy mà.” Phạm Duy muốn nói ông sáng tác dễ dàng, tự nhiên như qui trình vận hành sinh lý, có ăn có uống tất phải bài tiết. Một nghệ sĩ thực sự sống trong cuộc đời, tiếp cận từng phút từng giây với mọi tình huống của con người, hiểu theo nghĩa nào đó, những buồn vui ấy không khác gì lương thực giúp người nghệ sĩ nuôi dưỡng, vun bồi cây sáng tạo. Bài tiết, được hiểu như thành quả xuyên qua quá trình hấp thụ, dung nạp dưỡng chất trần gian (mọi buồn vui sướng khổ…. của cuộc đời…)

Là một họa sĩ, theo cách ví von của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đang sống, đang hệ lụy với cuộc đời, đang, dù muốn dù không, nhận vào. Vậy, tôi phải bài tiết, phải vẽ. Giản dị vậy thôi.

Nhưng ngày nay, với đôi bàn tay vụng về, tôi phải vẽ cách nào đây?

Tôi không ngừng tìm kiếm một phương pháp khả thi cho điều kiện giới hạn của thể xác. Dần dần tôi nhận ra, mọi vật thể trên trần gian đều được cấu tạo (do con người hay… thượng đế) bằng các khối hình học cơ bản: vuông, tròn, chữ nhật… Cũng chả mới mẻ gì phát kiến này. Điều quan trọng là tôi đã tìm ra cho cái vẽ của mình một hướng giải quyết: bằng những khối vuông, chữ nhật, tròn… cộng với cảm quan, kinh nghiệm, kỹ thuật, màu sắc, bố cục, ánh sáng… tranh hình thành.

Nhưng khi bắt tay vào công việc, tôi mới thực sự đối diện với rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên, không thể ngồi trên ghế, có thể té ngã nếu vì mải mê với công việc, quên cảnh giác, xoay trở bất cẩn. Cho nên tôi buộc phải ngồi xe lăn, diện tích lòng xe hẹp, bị giới hạn bởi hai chỗ tựa tay, khá bất tiện khi vẽ. Khó khăn tiếp theo, những ngày đầu tôi chỉ có thể vẽ được tối đa chừng 20 phút, tay mỏi nhừ. Muốn tiếp tục, phải dưỡng sức bằng một thời lượng tương đương. Tệ hơn, cọ thường rơi, sơn bắn vung vãi, và những đường ngang nét dọc ngày xưa vẽ dễ dàng bao nhiêu bây giờ vất vả bấy nhiêu. Do không ước lượng được khoảng cách, tôi thường vẽ vào… khoảng không hoặc nhấn quá mạnh tay ở những nơi lẽ ra chỉ nên vờn cọ thật nhẹ. Chưa hết, vì mắt lưỡng thị và không làm chủ được tay nên khó khăn lắm nếu muốn một mảng màu, một đường nét có được sự chính xác như ý. Còn bao nhiêu gian nan khác, chả hạn cần lấy tranh ra khỏi giá vẽ để thay một khung bố khác, hoặc mang thùng cọ bẩn đi đổ, rửa… Tôi đành chịu chết nếu vợ con vắng nhà, không thể nhờ cậy ai.

KT3

Thế nhưng, bằng cố gắng không ngưng nghỉ, từng phút, từng giờ, dần dà, song song với việc viết hồi ký, tôi đã thực hiện được hơn 40 bức tranh dự trù.

Loạt tranh lần này khác hẳn những lần trước, từ màu sắc đến phong cách. Về phong cách, tôi chọn lĩnh vực trừu tượng. Tranh trừu tượng không đòi hỏi chi tiết, sự chuẩn xác tuyệt đối, cho nên những vệt màu, đường cọ sai trật, có khi lại hay. Về tư tưởng, đây là lĩnh vực mênh mông nhất, giúp tôi đi sâu được vào những vùng khuất chìm dưới bề mặt ý thức, đó là lãnh địa của tiềm thức, nơi ẩn tàng, cất dấu, ngụy trang tâm trạng, bản chất, cá tính một con người. Về màu sắc, tôi sử dụng thực nhẹ các gam màu, cũng như cố tình để ngỏ nhiều khoảng trống nhằm tạo ra những không gian mở, giúp khách thưởng ngoạn có được cảm giác nhẹ nhàng, bình yên khi xem tranh. Ngót một năm đắm chìm trong trầm uất, cuối cùng tôi buộc phải đối diện với hiện thực, tôi chưa thể chết ngay được, dù muốn dù không cũng phải sống nốt khoảng thời gian định mệnh đã vạch. Nhưng nếu chấp nhận sống thì bằng cách này, cách khác, phải vượt thoát khỏi tâm trạng tiêu cực kia. Khổ thân đã đành, khổ cả những người hệ lụy.

Khi vẽ, tôi luôn tâm niệm thế, trong suy nghĩ, qua cách thể hiện. Nếu tôi tạo được cảm giác lạc quan cho tranh, cũng có nghĩa tôi trừ khử được sự tuyệt vọng từng chiếm ngự tâm hồn tôi nhiều năm tháng qua.

Do vậy, loạt tranh không có tên riêng cho mỗi bức, tất cả hướng đến một chủ đề: PHỤC SINH.

Phục Sinh, là sống lại, từ cõi chết, về thể chất. Quan trọng hơn, mặt nội tâm, nghề nghiệp. Như đã nói, dù định tâm sẽ vẽ lại, viết lại sau khi chiêm nghiệm gương phấn đấu gần như phép lạ của nhà vật lý Stephen Hawking, nhưng tôi chưa làm, vì chưa có nhu cầu thúc bách, chưa hội đủ… cơ duyên. Chuyện hồi ký là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Nếu không vì muốn viết hồi ký, có lẽ tôi đã buông trôi. Càng vẽ tôi càng nhận ra sự nhiệm màu của hội họa. Càng vẽ tôi càng xác quyết người ta có thể thù ghét, cay độc, thậm chí truy hại, giết tróc nhau vì tham vọng, u tối. Hội họa thì không. Hội họa xiển dương cái đẹp. Đứng trước cái đẹp, mọi vọng động lắng xuống.

Nhưng như thế nào được xem là đẹp?

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi có lần nói: Màu vốn dĩ đẹp, chỉ cần bôi màu lên khung bố là đã thấy đẹp. Văn vẻ hơn, chúng ta có thể hiểu, tự thân của màu đã mang trong nó yếu tính của cái đẹp. Vấn đề là biết cách sử dụng cái đẹp ấy, của màu, bằng một qui luật nào đó có tính sáng tạo và đặc thù, làm nên phong cách của mỗi họa sĩ.

KT4

Trên dưới 30 năm sống với hội họa, tôi từng tìm đến nhiều phong cách vẽ, từ hiện thực đến siêu thực, từ biểu hiện đến trừu tượng; và nhiều chủ đề, đa phần rất… nặng ký, những mong tiếp cận được với cái đẹp. Thời trai trẻ, cọ xát trực diện với nhiều vấn đề lớn của xã hội vào giai đoạn ấy như chiến tranh, chủ nghĩa, cái chết, tương lai đầy bất trắc của mỗi cá nhân, và của quê hương, tôi đã mượn hội họa như một phương tiện để mang vác những trăn trở. Chiến tranh chấm dứt, lại có những thảm kịch của thời hậu chiến như kẻ thắng, người bại, tù đày, cải tạo, vượt biên, hải tặc, hãm hiếp, chết chóc, lưu vong… cũng là nguồn cảm hứng cho sáng tác. Năm tháng qua đi, hoàn cảnh sống của cá nhân tôi và của dân tộc, trong lẫn ngoài, không ngừng biến động, song song với tuổi tác mỗi ngày mỗi cao, những sôi nổi của thời tuổi trẻ nhạt đi, tôi dần hiểu ra giới hạn của hội họa, chính xác hơn, chức năng đích thực của hội họa. Đó không phải, không thể là vũ khí, công cụ đấu tranh, cải tạo xã hội, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Điện ảnh và internet chả hạn, thừa khả năng thể hiện được tất cả mọi vấn nạn thuộc mọi lĩnh vực liên quan đến nhân loại một cách sống động, đầy tính thuyết phục. Người ta đã mặc cho hội họa những sứ mạng quá lớn. Một thời văn chương, triết học, đạo học, chiến tranh, hòa bình… đã khiến tôi, như hầu hết mọi người trẻ khác, vô hình chung, bị chìm ngập, bị điều kiện hóa bởi lối tư duy tiền chế, sản sinh từ sách vở, được dung nạp một cách vội vã, hăm hở, và dĩ nhiên, hời hợt! Chúng tôi, bọn trai trẻ vào giai đoạn ấy, đã bị những “vấn đề lớn” che chắn, bưng bít tầm nhìn, khiến không còn nhận ra yếu tính cơ bản của hội họa trước hết và trên hết là biểu trưng cho cái đẹp. Mặt phong cách cũng thế, bao nhiêu năm mải mê đuổi theo cái bóng của “những người khổng lồ”, vô tình biến mình thành bản sao vụng về, nhếch nhác của “những người khổng lồ” ấy. Tôi không là tôi, chưa từng là tôi. Nói cách khác, tôi quên mất điều vô cùng giản dị này: cái đẹp sẽ trở nên vĩ đại và chỉ có thể vĩ đại nếu nó mang nhân tố khai phá, độc đáo. Bức Guernica bất hủ không phải vì Picasso mô tả cuộc nội chiến Tây Ban Nha, dù nhiều nhà phê bình hội họa đã tụng ca bức tranh như một vũ khí chống chiến tranh mạnh mẽ, mà vì phong cách diễn tả đặc thù Picasso, một phong cách độc nhất vô nhị, trước đó chưa ai từng biết. Ở hầu hết các tuyệt tác của “những người khổng lồ” khác trong lĩnh vực hội họa cũng thế, thường là những đề tài rất tầm thường, quen thuộc hiện diện khắp nơi quanh ta. Van Gogh với lọ hoa hướng dương, đôi giày rách, những cây bạch dương, những người đàn bà ăn khoai tây, cánh đồng lúa vàng, quán cà phê đêm lộ thiên… Những đề tài này có hàng nghìn họa sĩ trên khắp địa cầu, ở mọi thời điểm, đã vẽ, nhưng để trở thành kiệt tác như của Van Gogh, rất hiếm. Chúng ta có thể lầm đóa hướng dương của họa sĩ này với họa sĩ kia, đẹp đấy, nhưng chung chung, bất cứ họa sĩ nào cũng có thể vẽ được, nếu có tí tài hoa. Ở Van Gogh thì không. Những đóa hướng dương quằn quại rất Van Gogh, một mình một cõi. Chính cái riêng này làm nên sự độc đáo. Chúng tồn tại vì thế chứ không phải vì những sứ mệnh chúng phải chuyên chở.

Gần chúng ta hơn, và biểu tỏ mạnh mẻ nhất cho cái nhìn thoải mái, nhẹ nhàng này của hội họa là Mask Rothko. Tranh abstract Mark Rothko gần như không có gì cả. Chỉ quẩn quanh một mảng màu vàng, hoặc nâu, hoặc xanh… nhỏ, nằm trên một mảng khác chiếm toàn thể diện tích mặt tranh cùng màu, với sắc độ khác, đậm hay nhạt hơn. Vậy thôi, cực kỳ giản dị. Đừng mất công tìm kiếm trong tranh của Mark Rothko những trăn trở, những “vấn đề lớn”. Bởi lẽ ngay cả một vấn đề nhỏ còn không tìm thấy, huống là! Nhưng cũng giống các danh họa khác, trước, chưa ai từng vẽ như thế, sau, nếu có người vẽ như thế, sẽ chỉ là bản sao Mark Rothko. Vì vậy, Mark Rothko tồn tại.

Từ suy niệm này, khi vẽ, tôi thoải mái thả mình trôi theo cảm xúc, thứ cảm xúc của chính tôi, phát sinh từ nội tâm, cộng với màu sắc, bố cục, đường nét. Những yếu tính làm nên cái đẹp. Chủ đề không còn là yêu cầu trọng tâm.

Cảm hứng sáng tác cũng mở rộng biên cương, trở thành bao la. Tôi có thể vẽ bất cứ lúc nào. Nhiều khi chỉ một vệt màu lóe sáng trong đầu, tôi đưa ngay lên khung bố, thế là tranh thành hình. Có khi tư duy trắng xóa, tôi vu vơ bôi màu không chủ đích, và rồi, màu gọi màu, dần dà tranh xuất hiện
Thời gian không còn lê thê nữa, suốt ngày loay hoay trước giá vẽ, tôi quên hẳn bước đi của nó. Cũng có nghĩa chứng trầm cảm có cơ nguy dìm chết mầm sống hầu như đã ra khỏi tâm, thân tôi.

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.khanhnguyen.5/posts/1409482912507377

Comments are closed.