THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (2): Nhận diện rõ hơn tính chất của chủ nghĩa bành trướng thời hiện đại

Nguyễn Vi Khải

Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ

 

Muốn “Thoát Trung về Văn hoá”, cần nhận diện một điểm nổi bật nhất của thứ Văn hoá mà các nhà cầm quyền Trung Hoa dày công nhồi sọ cho người dân của họ: đó chính là “chủ nghĩa Bành trướng Đại Hán”.

1. Chủ nghĩa Bành trướng Đại Hán trong lịch sử

Nói đến “chủ nghĩa bành trướng” trong lịch sử thì hình ảnh liên tưởng nhanh nhất là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán Trung Quốc. Ngay sau cụm từ “chủ nghĩa bành trướng” thì google hiện lên cụm từ “chủ nghĩa bành trướng Đại Hán “ với khoảng 166.000 kết quả.

Chủ nghĩa này có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm.

Hình ảnh về một Trung Quốc bành trướng “xấu xí” trong tiềm thức của nhân loại:

Trong lịch sử, Trung Quốc được coi là một thế lực ham chiến trận, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, thể hiện trong các hoạt động quân sự và các chính sách ngoại giao, là một nỗi lo ngại đáng kể của các nước lân cận.

Triều đại đầu tiên là nhà Tần đã thống nhất Trung Quốc từ việc đánh tan và hợp nhất 6 quốc gia khác của thời Chiến Quốc cũng như các lãnh thổ sinh sống bởi những dân tộc không nói tiếng Trung,… cùng với sự mở rộng lãnh thổ Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa đã lan ra khắp các hướng, đặc biệt là về phía Nam. Trong lịch sử Trung Quốc, lãnh thổ của quốc gia này mở rộng hay thu hẹp là tùy theo sức mạnh của triều đại đương thời. Đỉnh cao là thời nhà Đường, khi lãnh thổ Trung Quốc phía Nam kéo tới nơi ngày nay là miền Bắc Việt Nam, phía Tây lan tới vùng Trung Á.[1]

Cái “sức mạnh của triều đại đương thời những năm 50 thế kỷ trước đã ghi nhận Trung Quốc từng xung đột với các nước láng giềng: Ấn Độ, Kazakhstan, Liên Xô, Tây Tạng, Hàn Quốc, v.v.

 Với Việt Nam, lịch sử “bành trướng, xấu xí” khẳng định:

Việt Nam từng bị Trung Quốc đô hộ trong 10 thế kỷ (từ thế kỉ 2 TCN đến năm 938), là nước luôn bị Trung Quốc nhòm ngó trong suốt thời kỳ phong kiến. Trong tất cả các triều đại/chính phủ của Trung Quốc từng kiểm soát lãnh thổ giáp ranh với Việt Nam (Tần, Triệu, Hán, Ngô, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), triều đại/chính phủ nào cũng đưa quân sang Việt Nam với ý định thôn tính lãnh thổ hoặc ít nhất là kiểm soát chính quyền. Các cuộc kháng chiến chống Trung Quốc được xem là một trong những chủ đề chính, nếu không muốn nói là chủ đề lớn nhất, của lịch sử Việt Nam…[2]

Chúng ta không coi sự bành trướng của các nước lớn như là điều khó hiểu, đó là điều khá phổ biến trên thế giới. Có điều sự bành trướng có hại cho các quốc gia láng giềng, làm rối tình hình bang giao hữu nghị giữa các quốc gia, làm phức tạp tình hình thế giới… thì phải lên án. Bởi vì sự bành trướng ấy là tạo mâu thuẫn, xung đột, đi ngược với nguyên tắc chung sống hòa bình của nhân loại.

2. Chủ nghĩa bành trướng trong thời hiện đại: Tiếp tục tồn tại với tính chất mới: Quyết liệt và trắng trợn bất chấp sự phản ứng của dư luận

Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, những tưởng rằng sẽ chấm dứt cái chủ nghĩa bành trướng xấu xí thời Phong kiến xa xưa… Nhưng thực tế cho thấy ngược lại. Bên cạnh cuộc tranh giành quyền lực nội bộ khốc liệt (đỉnh cao là Cách mạng văn hóa), Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán Trung Quốc vẫn là mối đe dọa của khu vực với việc can thiệp vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của các nước Tiều Tiên, Việt Nam… Dưới vỏ bọc là “viện trợ”, “chuyên gia”… nhưng thực chất là muốn kiềm chế tiến trình phát triển của các nước. Sự “giúp đỡ” của Trung Quốc cho các nước yếu kém thực chất là chương trình “lồng ghép” các cuộc đấu tranh này trong mục tiêu vì của lợi ích của họ. Tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh đã thi hành chính sách kéo dài sự bất ổn của các nước láng giềng, thậm chí nô lệ hóa, bần cùng hóa láng giềng để dễ khống chế – biến các nước này thành “con bài” chính trị để mặc cả với các thế lực đế quốc về Đài Loan, Hồng Kông…

Bên lề kết quả hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, Hội nghị Pa-ri 1973 cho thấy dã tâm xấu xa của chủ nghĩa bành trướng đã “đi đêm” với “chủ nghĩa đế quốc”, đàm phán “trên lưng” chúng ta để cầu lợi cho Trung Quốc rất trắng trợn. Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979) đã nhằm vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài:

Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963:Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á. Cũng trong dịp này, chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở; đối với nước Lào đất rộng người thưa, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở. Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965: Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…[3]

Sự kiện đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 cách đây 40 năm là một trong chuỗi sự kiện nằm trong toan tính của Chủ nghĩa bành trướng hiện đại:

Trước khi chết hai năm, năm 1974, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã là người trực tiếp can dự cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam – ngày 17-1-1974 “Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phê vào bản báo cáo của Thủ tướng Chu Ân Lai và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh hai chữ Đồng ý, đồng thời giao cho Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy quân đội Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa[4].

Không dừng lại ở đây, tháng 2 năm 1979, thế lực phản động Trung Quốc đã phản bội nhân dân hai nước đưa 60 vạn quân đổ bộ các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam tàn sát dân lành, phá hoại công cuộc tái thiết của Việt Nam làm cho nền kinh tế sau chiến tranh của chúng ta rơi vào khủng hoảng trầm trọng (mất hơn 10 năm khắc phục).

Tháng 3 năm 1988, hải quân của trung Quốc lại gây tội ác ở Trường Sa, chiếm Đảo Gạc Ma…

Lịch sử cho thấy suốt 40 năm qua, từ sự kiện Hoàng Sa năm 1974 đến nay, phía Trung Quốc không ngừng “quậy phá” ở Biển Đông.

Hệ thống lại quá trình bành trướng kể từ khi thống nhất được Trung Hoa lục địa (hơn 60 năm), nhà cầm quyền Trung Quốc đã đẩy chủ nghĩa bành trướng Đại Hán sang một nấc thang mới với tính chất ngày càng trắng trợn, quyết liệt, bất chấp phản ứng của láng giềng của quốc tế.

3. Hành động của chủ nghĩa bành trướng hiện đại: Tấn công, gây rối liên tục, cấp tập, cường độ ngày càng quyết liệt, phức tạp

Thời kỳ các thế lực phong kiến chỉ có 15, 20 năm xảy ra 01 tình huống, sự kiện tranh chấp.

Thời kỳ tồn tại hai nhà nước xã hội chủ nghĩa, cùng một thể chế chính trị, cùng “chung một Biển Đông” nhưng lại là hai cách hành xử rất khác nhau về chủ quyền trên Biển Đông nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng.

Thời gian này tần số xảy ra trung bình 10 năm có tới 15, 17 sự kiện.

  • Trung Quốc ra sách trắng hai lần liên tục trong 2 năm: 30/7/1979, và 1980 Việt Nam công bố sách trắng một lần (tháng/9/1979).
  • Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang trực tiếp thị sát Hoàng Sa năm 1987.
  • Trung Quốc đặt tên, đặt bia mốc chủ quyền trên các đảo đã chiếm năm 1989
  • 1990 đến 1999 14 lần Trung Quốc cho thăm dò khai thác dầu khí, ký kết các hợp đồng khai thác với các nhà thầu Bắc Mỹ Tây Âu, đưa giàn khoan Nam Hải – 02 vào Vịnh Bắc Bộ…
  • 2007 – 2008 Trung Quốc thành lập Thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa – xây dựng căn cứ tàu ngầm lớn – khởi đầu biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam.
  • 2009 Trung Quốc gây sức ép, vấn đề Biển Đông không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN (Cha-am – Thái Lan).

Thời gian gần đây, trong 3 năm 2010 đến 2013 liên tục gây ra nhiều cuộc đụng độ với các nước trong khu vực tại Biển Đông (trừ Campuchia), nhiều sự kiện xảy ra ở Biển Đông làm “nổi sóng” khu vực và thế giới lên tiếng mạnh mẽ… Nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới.

Riêng trong một năm 2012 đã xảy ra 52 sự kiện do phía Trung Quốc gây ratrung bình một tuần một sự cố làm mất ổn định trầm trọng trong khu vực và thế giới lo ngại. Phải chăng điều dự cảm của Napoleon trước đây 3 thế kỷ là hiện thực: “Con sư tử thức dậy nó sẽ vẽ lại bản đồ thế giới”?

  • Xây cầu tàu sức chứa 300-500 tàu (3,3 km2).
  • In “hình lưỡi bò” trên hộ chiếu.
  • Tăng ngân sách quốc phòng 11,2 %, đạt 106,41 tỷ USD.
  • Chiến lược phát triển Du lịch Biển đảo, xây dựng nhà máy lọc nước biển.
  • Xây 11 căn cứ máy bay không người lai, tăng cường các đội tàu Hải giám, tàu khu trục, tàu tiếp tế, tàu đánh cá… Bàn giao nhiệm vụ cho tàu sân bay “Liêu Ninh”…
  • Gần đây Trung Quốc vẽ đường “nhận diện phòng không” (ADIZ) và “Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông|” của Trung Quốc là cực kỳ vô lý đã bị nhiều nước phản đối, lên án … nhưng những phản ứng đó không làm chùn bước hệ tư tưởng bành trướng nước lớn.
  • Đến việc cho Giàn khoan Hải Dương 981 xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam, lại tiếp tục đưa thêm các giàn khoan mới tiến vào vùng tranh chấp với Việt Nam, Philippines… trên Biển Đông, thì chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đương thời đã lộ diện toàn bộ và hết sức trắng trợn.

KẾT LUẬN

Hệ thống lại chuỗi sự kiện, chúng ta thấy bản chất của Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán trong lịch sử là không thay đổi – mặc dù là đã thay đổi chế độ chính trị – từ nhà nước phong kiến sang nhà nước dân chủ nhân dân?

Không những thế, tư tưởng nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của nhóm người cầm quyền Bắc Kinh đã đẩy sự bành trướng tới cực đoan: bất chấp các luật lệ quốc tế, chà đạp lên dư luận tiến bộ của nhân loại. Đây là biểu hiện của thế yếu: tự Trung Quốc làm mất đồng minh trở nên cô độc: thêm thù – bớt bạn. Đó là ngõ cụt, là hạ sách trong thế kỷ XXI – thế kỷ của HÒA BÌNH, HỢP TÁC và PHÁT TRIỂN.

Bọn bành trướng Bắc Kinh nếu không sớm rút ra những kết luận cần thiết từ sự thất bại của chính sách chống Việt Nam vừa qua, thì nhất định sẽ chuốc lấy những thất bại mới nặng nề hơn. Trong thời đại ngày nay, các nước lớn nhỏ đều là bộ phận của một tổng thể duy nhất của xã hội loài người. Bọn bành trướng Bắc Kinh không thể đụng đến Việt Nam mà không khiêu khích cả loài người… Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc và nhân dân yêu chuộng hoà bình và chính nghĩa trên thế giới đã và sẽ đứng về phía nhân dân Việt Nam.

Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua

 

Hơn lúc nào hết, đây là thời cơ, vận hội đại đoàn kết tập hợp lực lượng trong và ngoài nước để xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền Biển đảo hợp pháp của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử hàng ngàn năm bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt cho thấy: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…

Lời tuyên bố ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (tháng 8 năm 1945) giục giã nhân dân cả nước ta đồng lòng dốc sức tăng cường sức mạnh quốc gia, đấu tranh kiên cường gìn giữ non sông biển đảo của đất nước.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

           

 



[1] Từ điển Wikipedia.

[2] Như trên.

[3] Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam: “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua”, NXB Sự Thật, 1979.

[4] Petro Times 24-12-2013

Comments are closed.