Tiểu sử:
Tên thật: Ðỗ Ngọc Thủy.
Sinh tại Hà Nội (1955); Định cư tại Canada (1996).
Tốt nghiệp (1977) và giảng dạy (1977-1988) ngành Vật lý hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội; Cộng tác viên khoa học của Viện Dubna, Nga (1988-1990); Làm báo ở Ðức (1990-1996), ở Úc (2004-2008); ở Canada (1996-2010); Học bổng khoa học nhân văn Rockefeller 2001-2002, Trung tâm William Joiner, Mỹ.
Sáng tác chính: thơ, tiểu luận, truyện, phỏng vấn, tiểu thuyết.
Tác phẩm đã xuất bản:
“Nhìn cây thấy rừng”; Phỏng vấn, NXB Văn Nghệ, California 1997
“Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000”; (In chung) Văn Mới, Los Angeles 2000
“26 Nhà thơ Việt Nam đương đại”; Tuyển tập thơ (In chung) Tân Thư, California 2002
“Một thời để nhớ”; Tuyển tập thơ (In chung) Người Việt Hải Ngoại, Vancouver 2006
“Thơ kể – Poetry Narrates”; Tuyển tập thơ (In chung) Lao Động, Hà Nội 2010 và Tân hình thức, California 2010
“Lòng hải lý”; Trường ca, NXB Hội Nhà Văn, Công ty Hà Thế, 2011
“Trung Việt Việt Trung”; Tiểu thuyết thời sự, Người Việt Books, California 2016
***
Thơ Đỗ Quyên băn khoăn giữa trần tục và vô nhiễm.
Một trong những nhà thơ có khuynh hướng hậu hiện đại sớm trong tiếng Việt. Từ Lòng Hải Lý đến Buồn Muộn Cùng Thế Kỷ, từ Đống Chữ đến Bài Thơ Không Thuộc Về Ai, từ trường ca đến tiểu thuyết, nhiều chủ đề, một phong cách.
Đó là nhà thơ lưu vong cả về ngôn ngữ lẫn niềm tin, thường xuyên ám ảnh bởi hoặc đối diện với lẽ sống, lẽ chết, ra đi và trở lại, nổi loạn và tuân phục, sợ hãi và phản kháng, ở giữa miên man nhiều lời nhiều ý, đôi khi che khuất cả những hình ảnh đẹp vừa lóe lên đâu đó, không kịp đào sâu chúng, những trầm ngâm bóng ảnh nguồn cội.
Xung đột trong thơ Đỗ Quyên là xung đột tiểu thuyết, giữa con người và hoàn cảnh. Vì thế anh thích hợp với trường ca hơn thơ ngắn. Thơ anh là ký ức cô đơn, không hẳn vì anh là người xa xứ, mà có lẽ vì căn cốt của thơ là tiếng nói lẻ loi. Có lẽ giữa các nhà thơ hiện nay, anh cô đơn nhất, bên lề sự thấu hiểu. Anh chạm tới, có khi thành công, có khi không, những giới hạn, tìm cách thoát khỏi cái bình thường. Mặc dù đề cập đến nhiều đề tài, không hề tránh mô tả các vấn đề chính trị, chiến tranh, anh vẫn, như một phương pháp nghệ thuật, và dường như vô thức, đứng ngoài những xung đột ấy. Đó là một hạn chế thi pháp, của nội dung như một hình thức nghệ thuật.
Đọc Đỗ Quyên, thấy rõ thơ là ngôn ngữ. Trường ca của anh là một ngôn ngữ triển nở, lấy cái biểu đạt làm linh hồn. Điều xung khắc là trong khi tuân thủ chặt chẽ tinh thần hậu hiện đại, và tạo dựng một thế giới của chữ, đống chữ, thì anh vẫn đa mang sầu hận lạc loài dăm bảy đứa, nỗi niềm lưu vong. Trong khi chủ nghĩa hiện đại khắc họa các tính cách rõ ràng, thơ dù đau khổ vẫn hướng tới cái tốt đẹp, thì những nhà thơ như Đỗ Quyên đi ngược lại, xóa mờ đường nét, bắt chéo câu chuyện, thêm thắt lịch sử, chú thích những giọt lệ.
Làm thơ khác bổ củi: Tản Đà không chắc đúng!
Ngay anh đây làm thơ có những trận toát mồ hôi mông
Em ơi
Đó chính là những trang bài em từng đẫm lệ
Thơ như thế, khó đem ngâm ngợi cho người yêu. Nhưng trường ca Đỗ Quyên mô phỏng một thế giới không đặc trưng, không có cốt tủy, thậm chí không cả trung tâm không ngoại biên. Thơ ấy không dùng được vào việc gì có ích, nhưng bỏ qua không được. Cũng như chính đời sống, với tất cả tản mạn, vụn vặt, bất định, chung chạ. Tuy nhiên, nhược điểm của anh là không đi đến tận cùng quan điểm phi lý. Sự đau đớn vẫn có thật, số phận hiện ra rõ ràng. Đây là điểm hạn chế chung của những tác giả Việt Nam có khuynh hướng hậu hiện đại hiện nay.
Sự đóng góp thể loại của anh là đáng chú ý. Ở hải ngoại, anh là một trong những nhà thơ hiếm hoi lao vào thể thơ không người đọc này. Tuy nhiên, từ góc nhìn trong nước, đó là khuynh hướng nổi bật mấy mươi năm nay, và không có dấu hiện dừng lại, theo cả nghĩa tốt và nghĩa xấu. Giữa những người viết trường ca, Đỗ Quyên đi con đường riêng, lưu vong nhưng không tỵ nạn, phi chính thống nhưng không phản kháng, ngoại vi nhưng không sẵn sàng chiếm lĩnh trung tâm, đổi chỗ chúng cho nhau, siêu thực nhưng không quá xa hiện thực, vô sở cầu nhưng hoài bão tâm sự.
Thơ Đỗ Quyên là một quá trình. Như thế, nếu xem thơ là quá trình, không phải kết quả, viết một mạch không mấy khi sửa lại, thuận theo tự nhiên hỗn mang, thì thơ anh là sự tham dự vào đời sống một cách tích cực. Những hơi thơ dài, sự cường dưỡng, lấy lại quyền năng của chúng; và đó đây tạo ra ngôn ngữ đẹp, gây ấn tượng dai dẳng.
Nhưng thơ anh không có sự cứu chuộc. Trước bi kịch, thơ lầm lũi đi qua, chiếu ánh sáng của nó lên bề mặt lương tri thô ráp. Vì vậy một ngôn ngữ rườm rà và mềm mại, đôi khi trở nên dằn sốc, cứng, thách thức. Đó là hỗn hợp giàu có danh từ và thiếu hụt động từ. Ở thời điểm tệ hại nhất, thơ anh là sự lạc đường, trong khi ở nơi khác, bùng nổ phong cách.
Đọc thơ hôm nay cần một cuốn từ điển các chú thích. Điển tích mới, ký ức không được chọn lọc, những ngụ ý về xã hội và lịch sử rải rác với dung lượng lớn. Ngụ ý không phải là một giá trị nghệ thuật. Giữa những chương buồn rầu, thậm chí tuyệt vọng, một số ý tưởng lập đi lập lại đơn điệu, giữa những điều người khác đã biết rồi và anh vẫn cứ nói như không, phấn khích như không, có một điều gì đó lấp lánh, không chịu biến mất. Có lẽ là sự thật. Sự tưởng tượng là giàu có nhưng mô tả chi tiết của anh trong thể trường ca chưa tỉ mỉ như khi người ta kể một câu chuyện, nếu người đọc so sánh với những tác giả khác, ví dụ Du Tử Lê, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn, Nguyễn Khoa Điềm, Cao Đông Khánh.
Tác giả không phải là người tin rằng việc theo đuổi các lý tưởng, như sự công bằng, chủ nghĩa nhân đạo là yếu tố cần thiết của thơ ca. Anh chống lại chúng. Tuy vậy đọc kỹ, vẫn thấy thâm sâu một người tự do quyết liệt. Những bài thơ ngắn mà anh trở lại những năm gần đây, là một thử nghiệm khác, không hoàn mãn. Tuy vậy, đó là những thí dụ Đông phương.
Đỗ Quyên quan tâm về, gần như bị ám ảnh bởi, nghệ thuật thơ ca. Anh đi tìm chúng, gần đến nơi, rồi bỏ đi, không kịp chia sẻ với ai, có lẽ quá tự tin hay mất tự tin. Một trong những bổn phận của thơ là ghi chép thời gian, là ký ức tập thể. Đối với thứ ghi chép ấy, chúng ta phải dựa vào người khác. Nhưng Đỗ Quyên ít dựa vào ai, một số cố gắng làm mới ngôn ngữ của anh dừng ở bề mặt. Đó là, tuy thế, một người mới, một người thực nghiệm nhìn thấu suốt những đường biên của ngôn ngữ, và nhiều khi, chuẩn bị vượt qua.
Con đường anh đi rất dài, như thể thơ trường ca mà anh chọn, cường tráng, thất bại chen ngang hông thành công, phức tạp, đẹp và vô định.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.
Trích TRƯỜNG CA SONG SINH
Khúc 14
HOÀNG CẦM CA
Lần Đầu Các Bài Thơ Đen
đã mất
sáng nay
nhà thơ mà anh thường đọc trong những đêm chờ em
ông không mang theo được
các bài thơ
tất nhiên
nhưng khi trái tim thi sĩ đa tình ấy thôi dồn máu
liệu các bài thơ còn sống được không
trong anh
nào xem
đêm nay lần đầu chờ em
anh đọc các bài thơ đen
Em Vẫn Chưa Về
tôi biết là em đi tìm
sang cõi Không
thi bá vừa rảo bước
Người muốn qua bên đó hẳn
em chưa biết
tôi sẽ cử một trung đội
các bài thơ hư thực nhất
của Người
gọi tìm em
rồi chúng sẽ trụ lại
nơi đường biên hai cõi
Thi Nhân Hỡi Em Ơi
đè níu bàn tay trái tôi
câu thơ đêm qua dành chưa hạ xuống
bài thơ về sự ra đi của một thi nhân tài hoa
bàn tay phải tôi trĩu nặng
bài thơ cho em hôm nay đang thành
chờ câu cuối
tôi đan hai tay vào nhau
tất cả nhẹ bỗng
thi nhân hỡi
em ơi
Không Em
Chúng mình từng biết một thi sĩ buồn rụng bàn tay [1])
những tháng ngày bên nhau anh không để ý
trong vẹn toàn Tạo hóa
Không em
anh chiều nay
Đi tìm bàn tay thơ rụng
Trên trái đất
khắp nơi
Anh chỉ gặp
các hình nhân
không bàn tay
Anh Tìm
anh tìm ở bài thơ nổi danh Em có về không
Hoàng Cầm gửi Tuyết Khanh
không thấy em
ở nhiều bài khác nữa
gửi nhiều người khác nữa
của nhiều người khác nữa
mới thấy được
xác em
* * *
Khúc 15
ĐỖ QUYÊN CA
Bông Hoa Mang Tên Tôi
Bông hoa mang tên tôi héo mặt bàn
Sẽ mãi đó
cho đến khi mặt bàn không còn trên mặt đất
Tôi ngắt bông hoa trong vườn chiều chia biệt
để trái đất bớt đi một cái đẹp
mang tên buồn
Và bàn viết của tôi được chôn cái đẹp
Đỗ Quyên Đỏ Máu
Cây đỗ quyên trước cửa nhà
tháng năm đợi
chưa bao giờ được vào thơ Đỗ Quyên
Màu đỏ máu
đêm như ngày
nhức nhối Đỗ Quyên
Tất cả các hoa trong vườn
hồng, mẫu đơn, tu líp… những cây trồng
cúc dại cùng những loài vô danh khác
đã hóa nên thơ của tác giả chủ nhà mang tên chim Đỗ Quyên
Đường thơ đã định từ đầu:
chim Đỗ Quyên – bài thơ sau chót
thì bài thơ áp chót sẽ là hoa Đỗ Quyên
Chờ đó
ơi màu máu
Về Màu Đỏ Của Hoa
Cái đỏ của hoa tôi mang tên đã không còn
Sáng nay
cây xanh với lá
Những năm tới
tôi chờ được
– rất nhiều lần như thế và hơn thế
Nhưng thơ tôi
Đúng vậy
thơ tôi
đang cần đỏ của cây hoa vừa tỏ
Ngày mai có thể không còn
hoặc nếu còn
thơ sẽ khác
Màu đỏ của hoa tôi mang tên
quả thực không còn nữa –
Những cây đỗ quyên xanh
Những cây đỗ quyên lá
Này
Tôi cắt máu mình
Thơ đỏ một màu hoa
Một Khối Máu
một khối máu đọng góc đất góc trời
tàn mà không phai
hoa lâu rơi
ly hương nửa đời
buồn thơ tôi
đất nhức một trời nhức một
người nhức mười
ngày mai sẽ trả lại tên Đỗ Quyên cho đời
thân xác tôi về nguồn cội
máu hoa tan vào đất trời
* * *
Trích LÒNG HẢI LÝ
“Hãy sống như
những con tàu
phải lòng
muôn hải lý,
Mỗi ngày
bỏ
sau lưng
nghìn hải-cảng-mưa-buồn!”
(Trần Dần)
MỘT
Hôm nay
dương lịch
Mồng Năm tháng Năm
Mắt xen qua ba bông hồng sẽ không bao giờ nở được
Tôi ngồi
lập danh sách các bạn văn có thể vay tiền
Lúc này
em đừng về
Hồng thắm đấy
nhưng sẽ không bao giờ nở
Tháng Sáu lại đi
Em điện thoại về
Mặt trời bầm vết
Mây kéo chân bàn
Gió òa kẽ mắt
Và nắng giao tình với lũ bọ ngoài hiên
Một tiếng kêu trẻ nhỏ
gieo xuống
có thể làm mỏ neo
Chiếc hôn khô bốn bể
đâu rồi những con tàu?
Luồng gió nóng không nguồn cơn
lật chân tay
xếp sắp lại đời
Các bức thư nhà liên mối
có khi là tiếng sét
giữa lòng sâu
Sao không uống hết đi niềm đau
trên đất bằng
tuổi thơ ấu nọ?
Xưa đã không trầm ướp mình
giữa những hoan lạc muối
Để giờ mãi lênh đênh
Mẹ là gió
Tình chúng mình làm sóng
Thơ –
trước mặt
chân trời.
HAI
Những ngày mai không có
chiều kích
như quá khứ chưa từng
Hom cửa thời gian không chiều trở lại
Sóng vỗ một lần thôi
Câu thơ hạ rồi
và mãi
Mùa xuân đây là vậy
không níu giữ
nhánh hoa nào
làm quà tương lai
ngoài tấm vé ngày giờ đánh đậm
Bạn bè ơi, đừng đợi!
Lá thư giã biệt phôi tàn
Nắng thời gian là nắng vĩnh hằng
Thơ đời là không gian vạn trượng
là biết “quên đi nỗi nhớ không về” [1])
Phải ám sát nỗi nhớ sót
mà đi tiếp!
Cánh hồng bầm tím
múp lại
trỏ lên trời
khiến hồn ta không trở lại
địa chỉ cũ
đường xưa
các cuộc tình ngược gió
Tóc vàng bay trong tay lông đen lồng cổ
Câu thơ nào cũng xỏ sẵn đôi giày đạp đổ
các hoàng kim
Một là nhanh bước nhanh như các em bé dọc hè đường
Hai là ngồi lại thành mộ
Trạng thái giữa sống và chết không có
Bạn bè ơi, đừng đợi
Ngày mai còn gọi
Có thể gửi theo ta các ngân phiếu niềm tin
Có thể giữ lại trong nhà băng tình bạn
Phía trước ló rạng
một ánh màu thêm
là ta và thơ còn bạn
Có thể xuống tàu với thơ
đeo vai, choàng cổ
hoặc cùng muối và nước ngọt giấu kỹ khoang tàu
Không vậy với hoa, đàn bà và mùa xuân:
Mỗi bến tàu nhận một mùa xuân khác
Mỗi giống hoa đẹp cho một bãi bờ
Mỗi người đàn bà là một dòng chảy
Tháng Sáu
dương lịch
rời đảo bài thơ dở dang
không
bông hoa sắp nở
mùa xuân đang mở
người đàn bà chờ
Mỗi đảo mới
– mỗi dấu chấm
sang những câu thơ mới và hơi sống tiếp
Ta nạp chúng vào Lòng – Hải – Lý
những viên đảo
và nã phá từng trang thơ cũ
Câu thơ chết nuôi câu thơ sống
Thơ chỉ có thể tự ăn mình
Hoa sống nhờ ong bướm và mặt trời
Những người phụ nữ sống theo những người đàn ông và con của những người đàn ông
Mùa xuân sống bằng gì?
– Bằng các mùa còn lại
Bạn đang trên luồng gió khác?
Đang ngưng chân một khúc quanh?
Cố thủ căn hộ đủ sang?
Luồng gió không bao giờ nói
Gào thét và im lặng –
Ngôn ngữ của chuyển động
Phương hướng mới không ở sau các khúc rẽ lòng
Đi xa hay phủ phục?
Quán tính
căn hộ hơn cả mỏ neo
gần bằng nấm mộ
Bạn có trong chuyến tàu xuyên lục địa?
Dưới cơn mưa?
Đọc tiếng mùa xuân xưa?
Cơn mưa cô độc khởi từ các cuộc tình tốc hành cạm bẫy bàn chân không muốn nghỉ
Bạn bận mộng ban ngày vá trời nhân loại sụp?
Sắp lại bàn cờ người?
Đổi mới thơ?
Đừng bận về ta!
Khi cánh chim đen là là hiên nhà
Lúc mặt trời xấu hổ
Hoa trên bàn văn không hoa trong phòng ngủ
Câu thơ đau không đổi mặt bao giờ
Xe đi xe về
chịu tra vấn bởi vòng tròn sinh tử
Nẻo đường dài ngó ngược đỉnh đồi
hỏi mãi các bàn chân im lặng
Ga sắp có tàu
tàu đang gọi khách
Hai mặt đường ray chung thủy đời đời
và thương hại kìa đóa hoa vụng đợi
không biết rồi lữ khách sẽ đi thôi!
Bạn chỉ có đảo này trong địa chỉ
Còn bến kia trên bức ảnh nhộn màu
Con lộ ấy như vạn ngàn con lộ
Tiếng còi tàu không vượt tiếng còi tàu
Bút dốc ngược thơ xuôi dòng chảy
Im lặng thay mỗi chiếc kim giờ!
Ta bỏ bạn trên các đinh địa lý –
tên những làng, núi, sông…
Ta – đứa trẻ ham hoài một thứ:
cái ngọt của những con đường
Ta – người đưa thư đậu tay mọi cửa
không thông điệp cải lương trừ-cộng, âm-dương
ngoài sự chưa có ngày trở lại.
BA
Những khi đảo nắng đảo mưa
đảo muốn cựa mình
lay khách trọ
Em khuất
Ta đi
Bỏ lại
những nệm giường
những bông hoa không thể nào nở được
những cái hôn cụt đuôi
và tách café cả cha lẫn mẹ mồ côi
Em có thể đợi
miễn đừng níu gọi
Đảo nắng đảo mưa
Những buổi mình hái lá lội rừng
rồi sẽ thành chuyện xưa
Rừng khóc trước khi chúng sinh tận số
Lá salal ( *)
từng giọt lá salal
Tay em bứt lòng anh hứng buộc
Đoạn đời chúng mình lăn theo những vành tang
Quán trọ xây bằng nước khóc của rừng
Rừng thuê mình rải lên nhân loại mộ
Bao nhiêu người chết cho chúng ta đủ sống?
“Giọt salal này là tiền điện!” – Em bảo
“Giọt salal sau quà sinh nhật cho con”
“Giọt cuối cùng em giữ lại in thơ”
Đây
đảo nắng đảo mưa
Em quay đi
không cần ngoái lại
Lông ngỗng chuyện chúng mình
không mắt em
Rừng có mắt của rừng
từng giọt salal lá
giọt salal
Xanh suốt một màu không hết
đường bay ngút trời
là cánh rừng thông biết khóc cho người
Rừng biết người tội lỗi
Chuông nhà thờ không khỏa lấp cửa tù
Rừng thở dài dưới ánh hoa pháo nổ
Tráng ca vẫy gọi hận thù
Đảo trong khuôn viên rừng biển
khoan dung mà tiên lượng sự tình
Hai ta nay hết tình với đảo
hết hợp đồng với những giọt rừng
Em buồn nghĩ về đảo vắng
Ai người kế mình bạt mưa vượt nắng
Gốc cây già sáu người ôm
Mắt mở trừng từng vết chém
Anh thông điệp lên trời xa
bằng cái nhìn bất tử
Giữa chặng dừng ga nhỏ
để rừng khóc tiếp về ta
Em chẳng quên chùm hoa trắng
nhờ nhờ suốt gốc cây dài
Bứt cánh hoa anh đặt bàn tay
Vết hoa theo em từ đấy
Anh làm mưa làm nắng chặng còn lại
thay đảo mưa nắng chúng mình
Em dễ gặp
những-người-đàn-bà-ấy
Họ là em
khi em nghĩ về anh
Mỗi người đàn bà có một nắng mưa riêng có một đảo riêng trong họ
Anh tiếp tục dựng những quán trọ
Chỉ tội cho tách café sớm muộn mồ côi
Thương những loài hoa phải nụ suốt đời
Anh sẽ tiếp tục
Em đâu thể
mở cửa vào như những
lần gió mưa góc hiên nhà
Đảo chờ động đất như anh chờ cửa mở
từ em
ngón tay
Anh sẽ sớm quên mùi lưng gái trẻ
nhởn nhơ để mặc nắng lùa
Quên người đảo hiền hiền hay hát
khúc ca làm nguội bước hành nhân
Em nếu nhớ điều gì
thì nhớ
khuyên lên trời nụ hôn vàng
Nơi dặm dài anh ngưng nghỉ
hóa hiện mặt trời
Anh biết chúng mình có vậy
ra đi mà giữ lại
điều gầy dựng từ giọt rừng thắm lá
vốc cát, cụm sò, con sóng, đụn cây
Em bảo:
Người đi biển không làm thơ
Anh bảo:
Người làm thơ đi biển.
BỐN
Giờ G.
đánh đậm
Mình tích thủ các tấm – vé – đời
Xưa cha giữ kín tường nhà vé số
Mình lượn con quay đất trời
Cha không qua vòng run rủi
Nơi đi
Nơi đến
Giá tiền
Tên họ
Các điều quy định
Sau này lên thiên đàng
Hành trang may ra còn vậy!
Thu hoạch được gì
trút cả lại
Quan tài phủ các tấm – vé – đời
Đại bách khoa toàn thư của mình
cũng vậy
Buồn vui, thành bại
Tấm vé rời
mỗi cái lật
tra cứu lại
Những gì gì trọng đại
mình cho là ngẫu phát
Mỗi tấm vé
mình đặt tên riêng
hiển hiện
tiểu sử, ngày sinh
Cái nhu mì
cái táo tợn
Không tấm vé nào bị chết
trong đời mình
Chúng đều bất tử tới ngày mình
ngừng bước
bước vào khối quan tài
Chúng lóe ánh sáng kêu gọi
như khoảng xẻ các tà áo váy
Chúng xếp hàng nhẫn nại
chờ nhìn tấm vé cuối
Đấy
Minh chứng
từng chặng đường
từng người đàn bà mình qua
từng nụ hoa không nở mình giã biệt
từng lữ quán phủ mình như ngôi mộ
Chúng không run khi tuyết ngập chân tường
và quay mặt mỉm cười
lúc có người đàn bà dùng bản thảo thơ mình nhóm lửa
Mỗi tấm vé –
đấy là cánh cửa không khóa trái
Chúa đóng cửa chính mở cửa hông để đòi đức tin
Cửa ải trần đời không vậy
Khi cổng thành khép lại
sau lưng
tấm vé chưa nằm yên
kích nới Lòng – Hải – Lý dài thêm
trên các tấm vé mới
Có khi mình cười nhuệch nhoạc
tấm vé nhàu mấy lượt mồ hôi
sũng máu tươi
co chân nằm sọt rác
Lắm lúc mình chạy theo mặt trời
soi tấm vé
tìm điều kỳ diệu phôi thai
Nhiều giờ G.
đậm trong tim óc
từng thớ thịt giật
mỗi giác quan thức giấc
Những tấm vé liền da thịt
vượt cổng thành, cửa sông, rào biên
Cột mốc dấu chấm than to tổ bố
Thuyền nhân
Bộ nhân
Lâm nhân
Tường nhân
Phi cơ nhân
Các gan bàn chân không chứa hằng số sợ
Biển sẽ nhắc
sóng vỗ
Rừng khóc
từng giọt lá
Trời đeo tang
mỗi vòng mây
Đất rung tới ngày vỡ địa cầu này
Tự – do – đi – lại
– nhân quyền ấy thua cả súc vật quyền,
này Liên hiệp quốc!
NĂM
Mẹ nằm xuống
Bằng chân của mình
con đi
những bước dài không điểm tựa
những lối đường không lượng định
Không nhìn ngó hai bên, không ngoái lại một lần
Nơi con đến địa chỉ vô tình
vô hình dáng phố nhà sông núi
Bàn tay mẹ ôm vòm trời
những ngón tay bất động ngừng vuốt ve thôi chỉ hướng
Sự an toàn con hưởng rất mông lung
nhưng con hiểu đó là điều thường trực
Không gọi mẹ
bến bờ ao ước
giấc mơ sống sượng
đỉnh phù hoa
Gặp lại mẹ ở những lần con cúi mặt
bùn nhòa chân trần
nước mắt chảy về tim
máu đổ theo chiều gió
Bàn chân xưa mẹ xếp sắp
đủ đi suốt mấy tầng địa chất
mấy tầng nhân cách
mấy tầng trần gian
Gió ngàn có thể làm khuất tầm nhìn của con
Bão đời có thể làm bóng dáng con mất
một đôi lần
Những túi hành lý xênh xang
không món đồ cuối cùng
không nút buộc cuối cùng
không bàn tay cuối cùng
Những bữa ăn phản kháng thực đơn
Đũa bát ghế bàn bạo động
Những chiếc giường là lô cốt đương nhiên
của bao ngày đêm đại bại
Những cuốn sách không phút giờ gập lại
trân trân nhận diện cuộc đời
Những cánh cửa phát biểu đêm ngày
dẫu không được mặt trời chỉ định
Những chai rượu rỗng hình hố huyệt
Những dòng thơ không thể chảy về đâu
Mẹ
Sẽ không nơi hạnh ngộ
cho con của mẹ
Mỗi người đưa thư có vài chục chìa khóa, vài tá túi ngăn, vài trăm địa chỉ và
vài trăm thông điệp
Con có những chặng đường, hải cảng, bến bờ và đôi lời mẹ dặn năm xưa
Con không là thành viên của những lứa đôi thuê nhà đảo theo mùa
hưởng khí hậu ngân hàng sex
rời đảo hải triều dollars
Họ
– khi rời bỏ khu nhà thuê mùa – người đàn ông thường đi trước
(Con không hiểu vì sao)
Mẹ
ở đâu
trên bàn thờ?
trong lưu ảnh gia đình?
Người đàn ông trở lại một mình
khi người đàn bà đi khỏi
làm con khóc cái ngày mẹ khóc
Hôm nay đảo
nóng như ngày mẹ vào trong đất
Hai nửa vòng quay
Thái Bình Dương sát muối
Ba chặng không hành
Ngàn đường đất
Sông mấy chục giòng xót
Một người con
dừng khóc
lại đi.
SÁU
Cái chết rình ta
– thợ săn rình hổ thọt
Biết vậy vẫn ra rìa rừng
Ta cất lời ca
hòa nhịp lòng
Ta kinh viện mang trên thi thể quan tài mở nắp
An thần niềm đau
Ta cách tân diễu cợt tử thần
nhẹ như đá tảng ngáng đường tráng sĩ
Chết phi lâm sàng với bác sĩ
là chết lâm sàng của kẻ làm thơ và của kẻ độc hành
Đường hẹp lại khi hành nhân nằm mãi
Những con thuyền thêm một chốn bơ vơ
Tiếng gọi đò lỗi nhịp
Hải cảng buồn hơn mưa
Đảo với biển để tang bằng cách khác
Mặc đất liền đã khóc cạn đường
Sống bên đảo và cùng biển thức
thì chết làm giấc mộng cuối cùng
Mây gió sẽ còn theo
Nắng thẳng tới hồn
Mặt trời không đổi mặt
Em
và những người đàn bà khác của tôi
thì sao?
Mỗi người đàn bà của tôi làm một con đường –
– Và em không ngoại lệ –
Tử thần
mọi nơi
toan tính
đặt tôi nằm lại lề đường
Bao lần
Tôi ôm mặt
trước tiền nhân quoắt trong mộ chí
vòm đất nâu cong không quá cổ chân
Mỗi nấm mồ mở dấu ngoặc đơn bé
Tôi hoài tưởng những đôi bàn chân đã là cặp gươm vạch sáng suốt dặm trường
đang thâm teo về hai chiếc đũa lệch
Bao nhiêu? Bao nhiêu
nhành hoa
hạt lệ
từ những người đàn bà của họ
rủ lên?
Cao sáng nhất trần gian
là những nấm mộ mồ côi thấp thắp tỏ đường dài
Chúng ta sẽ không hạnh ngộ,
tử thần kia
đừng đợi!
Mỗi người đàn bà của tôi làm một dòng sông –
– Và em không ngoại lệ –
Tôi đâu trôi hai lần
Bởi đã chết
chết một lần
trên đấy
Em là ai trong những người đàn bà đó của tôi?
Ai trong những người đàn bà đó của tôi là em?
Mỗi người đàn bà của tôi làm một ngôi nhà –
– Và em không ngoại lệ –
Đêm ngày nghỉ lại
Những ngôi nhà
các ô cửa sổ hát với sông, biển
cửa chính nói chuyện với những con đường
Tôi luôn mở những người đàn bà
Cái chết lẻn vào
những căn nhà tôi không thể đóng bảo hiểm với đời
Mỗi người đàn bà của tôi làm một bến tàu
mỏ neo cặp vú
bão xoáy rốn bằng
tàu tôi vẫn ụ
mù sương
khói phủ vành tang eo vịnh
mà em không là ngoại lệ
Mỗi người đàn bà của tôi làm một vòm trời
những lúc cánh rã mệt
toan đánh đổi sự hân hưởng vòm trời kế tiếp
bằng tiếng hót cuối cùng bên bụi mận gai
mà em không là ngoại lệ
Mỗi người đàn bà của tôi làm một sân ga
(kiểu Nguyễn Bính chia ly)
mà em không là ngoại lệ
trên cuộc hành khổ
Mỗi người đàn bà của tôi làm một nấm mồ
và em
không là ngoại lệ.
BẢY
Mũi tên, mũi lao
có thể trở lại chân người
Gió, nắng cản tầm địa chỉ
Địa lý phá lực
Lịch sử chọc ngang
Tấm bia tội nghiệp
giương mặt điếm
Thuốc tẩm đầu hàng
Đường tên đường lao không quá tầm nhìn
bởi tầm nhìn không quá một cung đường
Tay thiện xạ chồn gân
thì chân tên chóng mỏi
Hơn chó
mũi tên ngọn lao trung thành
tìm chân cung chân người
phủ phục
Chó vẫy đuôi hôn chồm tim người
Mũi tên khóc bằng thuốc độc
Nhân loại bắt đầu vô nhân đạo
lúc mũi tên hiện đại hóa đạn chì
ngọn lao thành hỏa tiễn
Những viên đạn phóng ra
thiếu trách nhiệm
là luồng tinh trùng đĩ đực
bất thành nhân
quên cội nguồn, địa dư và sử ký
thực hành chức năng đồ tể
quáng mù
không sở hữu tầm nhìn
không gọi kêu hậu duệ
tan tành xác
Điểm chúng đến nấm mồ cho chúng
Tính cứu cánh bao che cái vô đạo đó
Hãy khước từ những viên đạn
cũng như khước từ làm những viên đạn!
Những mũi tên
có thể không trở lại
Ngập trong đích
chúng xấu hổ trong sự hạ sát
chúng tự hào trong việc chỉ đường
Gọi những gan bàn chân
Vạch dài các ngõ lối không ngờ tới
Không cưỡng đoạt cùng phá hủy
như các viên đạn
các mũi tên lao đi
mở phá
chinh phục
những khoảng trống không – thời gian
Tội của tên, lao
nhẹ như tội của con chiên hủ hóa
Trong cuộc đời không bao giờ vô tội
những cây lao
ném tất cả về phía trước
một tầm nhìn sở hữu
một đường bay ít ngờ
Trong cuộc đời không bao giờ hết tội
nhận đón các mũi tên
làm đích cho một khoảng không mới
làm mốc cho một thời mới
đẩy tất cả lại
phía sau
Mũi tên
vẽ rộng thời gian
Cây lao
thông rộng không gian
Phía trước
ngời ngời!
TÁM
Không nơi chốn nào là kín
trước bước chân
Tình duyên, hạnh phúc
có thể giật lùi
Lịch sử, chiến tranh
từng quay lại
yên ổn
tìm những khoang trống cho mình
trong pháo đài cổ
kệ sách
ghế đá công viên
và lòng đất
Người đưa thư
lấp kín các ô sắt ích kỷ
bằng các thông tin bề kích địa cầu
Một nụ hôn
chợt đến từ phía sau
có thể xô tình xuống vực
Đảo hoang tròn
theo mỗi cơn sóng lượn
Chiếc xe lăn
vô chủ
vô phương
Bàn chân không cần mắt
Bút để hóa cứt thành thơ cũng là bút
Phần trắng còn lại trên giấy
chắc gì là đoạn cuối đường
Có sóng trên giấy
như có sóng trong lòng
Có gió bốc dưới mỗi bàn chân
và trong từng ngòi bút
Mùi trang giấy viết tinh khôi
ngửi suốt đời không ngán
Độ cứng ở những nơi thiếu bàn chân
kích thích
Chiếc xe trắng một vòng thành phố
trở lại hiếp chân tường
thỏa mãn nhà xe
ở từng hơi phả
Những bàn chân không có hành trình tròn
không có mặt đường thỏa thích
Câu thơ đẻ non
có bước chân an ủi
Bài thơ không khi nào quay lại một âm vần
có bàn chân hiểu nổi
Không khoảng không nào thừa
Nắng mưa sẽ tìm đến
Có những bàn chân lạc
Bao mùa xuân rồi
Hoa rụng tối trời
Mồ hôi đổ vội
Mũi tên kẻ đậm
Máu đỏ đầu chân
Vết điểm chỉ còn son
Những đùi vế vút lên
sáng lại câu thơ cổ điển
Con đường sôi âm ỉ
ngút ngã tư già
Chế ngự từng thước tấc
phố nhà chưa lấn hết
Đường biên xấu hổ
cổng thành chúm chím gót chân
Nóc nhà thờ ngang cánh chim
thánh rỏ lệ mát bàn chân lữ khách
Những đứa con thừa cha
chạy ra
ném
các đụn tuyết không tan
Miếng gỗ vụn đợi lửa
không bao giờ
biết hành hương
Những bàn chân khát đất
những bàn chân bội thực đức tin
tránh con đường Chúa thổ huyết
tránh cả những chợ đêm
nơi côn trùng làm vua
Đường đất và sông nước
cái gập ghềnh đâu cũng như nhau
Bàn chân lượn từng ly khúc khuỷu –
từng ly khúc khuỷu làm cong mặt bằng
thẳng tới chân trời và chân lý
Có thể chao hồn
khi rẽ
đường lượn hải âu
trong khoảnh khắc chuyển đổi tự hào
hoặc là đổ ngã
hoặc là cao lên tầng không mới
trong hơn
Khúc quanh phá vỡ các tuyến tính kinh viện
giải tẩy thuốc tê cho gan bàn chân
Kìa,
vực bên chỗ rẽ
Kìa,
ghềnh dưới thác trên
Đừng đả đảo các kẻ thù vô tội!
Đảo
khoảng sống giữa vùng đau
Ngọn hải đăng có thể tắt
không buồn
Gió lưu trữ ánh sáng cũ
Bước chân không bao giờ hôn đảo
Con thuyền tự lo lấy phận trôi
Không bến bãi nào là đủ đầy
Không hải cảng nào biết hoang phí
Các ô trắng đợi màu
Gái chờ quả dại
Bài thơ thật không đi lùi
Con đường dài không thể ở sau lưng.
CHÍN
Điểm cuối đường ú tim
xoãi chân mỏi nu na nu nống
Em có bao giờ trước mặt cuộc tình tàn?
Đừng hỏi vì sao anh hỏi vậy
Nếu ai cũng sống
cuộc đời đã chết từ lâu!
Cuối đường
sóng vỗ tới bàn thờ tổ
Hỏa diệm sơn yếu lửa
Mỗi người ngô nghê đi một chút
thì gió sẽ đổi làn
giảm độ cuồng
Đôi khi anh
xốc vai
thẳng cổ
ngóng chân
Điểm cuối mỉm cười đón nhận
Những người đàn bà khóc
luôn phải ở phía sau
Đứa trẻ nằm xe đẩy
– không chịu trở về
đòi mẹ thả lời hứa bậy –
là người lớn hôm nay
Con chúng ta là thế hệ bay
tay cầm Coca-Cola tự mua lấy
Không theo luồng gió, đường ray
điểm cuối có thể ở ngay dưới vạch xuất phát
Lòng – Hải – Lý đang chờ giờ hỏa táng
Con đường tan theo mây
Hải cảng thôi còn đợi
Thiên niên kỷ thứ ba mất đơn vị bàn chân
Em giữ lại vành tang
khi ra khỏi nhà mồ đồng loại
Cái chết được chuẩn bị
rộn ràng không kém mùa xuân
Tiếng cười xưa dẫu không thể vang ngân
Ngưỡng cửa mới cao hơn mây đảo
Đường dài tích trữ độ ngọt cho ngày chân ngưng bước
Nước mắt là ruột thừa ở thế hệ đang lên
Con chúng mình
sẽ bay
Đơn vị đường đời không còn là mỗi bước đi
Người đưa thư bỏ nghề
làm mẫu tượng đài
khi thông tin tự vào nhà qua các cửa sổ mạng
Những nụ hoa không nở
ly café mồ côi
sẽ có mặt nơi điểm cuối
Vật chứng yêu là đôi lứa
Đường là một bước chân dài
Thơ không có độ lùi
Điểm cuối
khi đến rồi
đảo không còn bảo thủ
đứng rời
nhìn chuyến đi hấp hối
Bàn chân
(tất nhiên!)
có quan tài riêng của nó
hình bàn chân
Em nhớ tìm về điểm cuối
Trên con đường đã có thơ
hạnh phúc không trở lại
Đám búp-bê mở mắt thấu dặm dài
miệng đồng ca thế kỷ
con chúng mình – nhạc trưởng
Nắng theo chúng mình thuở chưa có lửa
nên con từ nắng sinh thành
Tới gần rồi,
điểm cuối!
Đảo mưa trong anh
anh nắng trong em
Đường mòn đau thêm
thổn thức lịch trình xoắn ốc
Câu thơ treo ngửa
nấc
Búp-bê và con chờ hân hoan
Hoa trên mộ tự vẫn
khi mỗi nấm mộ đứng dậy
đòi quyền sống
Hải âu rùng mình
tiếc thời múa trong mưa bụi
Điểm cuối không mắt
không vồ vập hỏi về nơi xuất phát
(Đàn bà sao không vậy với đàn ông?)
Bước chân lăn tự nhiên
sau cái búng đầu tiên của Tạo hóa
Các trường hút tỏa từ khi xuất phát
bao vây tứ phía bàn chân
Bàn chân chối từ bài định
tự chết như tự sống
Khi bàn chân nằm xuống
vẫn chỉ thẳng
lên trời
con đường chôn trong chân người
Khi hải cảng chìm xuống
những cọng mỏ neo
trơ
khúc xương
bữa tiệc đường đời.
[1]Thơ Nguyễn Hoài Phương
* Một loại cây ở đảo Vancouver được dùng làm vòng hoa tang
* Viết sau khi hay tin Allen Ginsberg mất ngày 5-4-1997
+ Chữ trong thơ Đỗ Minh Tuấn