CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (95): “VÀO ĐỜI” (16)

Tháng 8/1963. “Tạp chí Văn học”, s. 2: Nguyễn Phan Ngọc: “Vào đời”, cuốn truyện đầy rẫy tư tưởng tư sản phản động, một khuynh hướng nghệ thuật suy đồi:

“Vào đời” kể chuyện cô Sen, một nữ sinh bị bố ép duyên nên buộc phải ròi khỏi nhà trường, trốn đi lao động tại một công trường nhà máy cơ khí tại Hà Nội. Ở miền Bắc nước ta, ngay cả trong những năm từ 1957 đến 1960, hàng vạn thanh niên nam nữ đã xung phong vào công trường nhà máy với một tinh thần cách mạng sôi nổi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chuyện đi công trường vì bị ép duyên như cô Sen chỉ là trường hợp rất hiếm. Dù thế, nhà văn vẫn có thể miêu tả cuộc đời của những con người trong những trường hợp éo le đó được, miễn là qua diễn biến tính cách các nhân vật mà nói lên được cái lý tưởng thẩm mỹ, nêu lên bản chất tốt đẹp của xã hội mới ngày nay nhằm góp phần tích cực vào việc giáo dục tình cảm đạo đức xã hội chủ nghĩa. Nếu thái độ và cách nhìn con người và cuộc sống mới của tác giả đúng đắn thì ít nhất cũng có thể đem lại cho người đọc những nhận thức tốt lành về vai trò đẹp đẽ của lao động, qua đó sẽ có tác dụng thiết thực thúc đẩy phong trào xung phong tình nguyện đi sản xuất, đi khai hoang hiện nay đang sôi nổi trong các tầng lớp nam nữ thanh niên. Tiếc rằng ẩn náu dưới chủ đề có vẻ tốt, những trang sách “Vào đời” lại đầy rẫy những nọc độc của tư tưởng tư sản phản động đã lỗi thời nhưng vẫn còn cố len lỏi tìm hoàn cảnh thuận tiện để xì hơi độc vào bầu không khí trong lành của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa tươi trẻ của chúng ta.

Qua diễn biến tính cách của hai nhân vật chính là Sen, Hiếu và xoay quanh hai nhân vật chính đó tất cả những bực bội, những dằn vặt bất mãn với cán bộ lãnh đạo, với xã hội và tất cả những quan niệm về lối sống về con người, v.v. của tác giả đã lộ ra. Không phải là thái độ và cách nhìn cuộc sống mới của tác giả chỉ thể hiện qua diễn biến của tính cách các nhân vật “tích cực” mà còn lộ ra qua tâm tư tình cảm, qua những ý nghĩ dằn vặt và thái độ hằn học của các nhân vật tiêu cực nữa. Thí dụ như đối với một người đã biến chất trở thành tên lưu manh thực sự mà thái độ của tác giả vẫn tỏ ra ủng hộ Sen trong cái ý nghĩ rằng “anh ta vẫn tốt” và “hào hiệp”, v.v. Tác giả đã viết lên những lời hằn học bất mãn của Hiếu đối với chế độ, với cải cách ruộng đất một cách buông trôi, lập lờ. Sở dĩ có thái độ đó phải chăng chỉ vì tác giả kém lý luận nên đã sa vào “khách quan chủ nghĩa” hay tác giả đã có một dụng ý nào nên mới dùng cách thể hiện lập lờ ấy để gửi gắm niềm tâm sự?

Thật thế, trong khi hàng vạn nam nữ thanh niên đang say sưa bước vào lao động sản xuất với nhiệt tình xây dựng CNXH thì quyển truyện đã tả bước vào đời của một cô gái ngây thơ thật là gian truân khổ ải. Hàng ngàn thanh niên nam nữ đã lao động không mệt mỏi và đã đạt những thành tích to lớn trong công cuộc kiến thiết đất nước. Họ rất tự hào được đem mồ hôi và trí tuệ của mình vun đắp cho CNXH ngày càng vững chắc, ngày càng thắng lợi. Nhưng trong “Vào đời” thì lao dộng đối với Sen lại là một sự khổ sai rất kinh khủng riết chặt lấy thể xác và tâm hồn con người: “Sen rùng mình ghê sợ nghĩ tới những buổi nắng gắt như lửa đốt, gánh nặng đè chĩu trên vai tê cháy, mồ hôi đầm đìa như tắm, hơi thở ngột ngạt, đầu ù ì như một cái cối xay” (tr. 88). Dưới con mắt của tác giả, laao động ở công trường nhà máy đã “căng thẳng, đã nặng nhọc như vậy” mà cuộc sống lại rất ư là hỗn độn. Bọn lưu manh thì lừa gạt hầu hết nhgwxng cô gái thơ ngây: “Chưa ai tính được đã bao nhiêu cô gái nhẹ dạ bị hắn đưa vào cái vòng tăm tối ấy”. Những người đứng đắn như Sen thì chúng ngang nhiên “bắt cóc” hãm hiếp. Ai cũng rõ là sau khi tiếp quản Hà Nội ít ngày, một sự thay đổi rất lớn trong trật tự xã hội của thành phố là nạn mãi dâm, nạn lưu manh cao bồi đã được thanh toán về cơ bản. Thảng hoặc còn rơi rớt lại một số ít thì chúng cũng chỉ dám hoạt động rất lén lút ở một vài nơi nào đó mà thôi. Nhưng trong “Vào đời” tác giả đã chắp vá một vài hiện tượng lẻ tẻ đây đó lại và cường điệu thêm để vẽ ra một bức tranh đen tối và kinh sợ về lao động, về cuộc sống ở công trường nhà máy như thế thì làm sao các cô thanh nữ ngây thơ sắp sửa bước vào đời chẳng lo ngại, các bậc cha mẹ chẳng băn khoăn. Rõ ràng là “Vào đời” đã trực tiếp tấn công vào phong trào thanh niên xung phong tình nguyện đi sản xuất, đi khai hoang… mà Đoàn thanh niên lao động đang vận động. Không sao có thể chối cãi được những tác hại cụ thể về mặt này của quyển truyện.

Thực tiễn cách mạng sinh động bảy tám năm qua đã hoàn toàn chứng minh rằng cuộc cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp rất cần thiết ở nông thôn nước ta. Và thắng lợi to lớn đó đã tạo ra điều kiện cơ bản cho nông thôn tiến lên hợp tác hóa, chuyển từ lối sản xuất cá thể sang lối sản xuất tập thể. Chí có những giai cấp bóc lột vốn hằn thù cải cách ruộng đất và những người chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến hoặc tư tưởng tư sản phản động mới không thấy được ý nghĩa và thắng lợi to lớn ấy. Họ chỉ nhìn thấy mặt sai lầm và tìm cách khoét sâu mặt sai lầm, gây thêm khó khăn cho Đảng và nhân dân ta. Rất tiếc là chúng ta chưa có một tác phẩm nào nói lên được ý nghĩa thắng lợi to lớn của cuộc cách mạng vĩ đại đó. Giờ đây Hà Minh Tuân trong tác phẩm của mình (không biết do cách nhìn lệch lạc hay là sẵn có ác cảm bất bình với cải cách ruộng đất) đã không những không nêu lên được chút gì về mặt thắng lợi, mà còn khoét sâu vào những tổn thất đáng tiếc đã xảy ra. Thật vậy, qua tính cách của Hiếu rõ ràng là “Vào đời” đã cố tình quy mọi sự sa đọa của một cán bộ là do sai lầm cải cách ruộng đất chứ không phải là do những cái xấu của xã hội cũ tác động tới hoặc do sự đấu tranh tư tưởng của bản thân quá yếu ớt. Hơn thế nữa, nhà văn Hà Minh Tuân đã dùng hình tượng rất cụ thể để minh họa mặt sai lầm của cải cách ruộng đất. Hình tượng đó được lắp đi lắp lại nhiều lần trong suốt quyển truyện. Xoáy sâu vào tâm trí người đọc để lại một ấn tượng rất xấu về cải cách ruộng đất. Thậm chí hình tượng đó còn hiện lên trong óc chú rể Hiếu ở ngay giữa bàn tiệc hoa ngày cưới. Cái mà có người gọi là “mặt tốt được xếp lên một bên mặt xấu một cách khá thận trọng” cũng chỉ là mấy câu đối thoại nhạt nhẽo, yếu ớt và ngắn ngủi thoáng qua mắt người đọc, không để lại ấn tượng gì. Những nhân vật “tích cực” với một vài lý lẽ “tích cực” ấy, như tác giả tả, thì cũng tháo lui trước “lý lẽ” của nhân vật tiêu cực ấy rồi. Do đó mà mặt xấu lại càng nổi bật lên. Chẳng lẽ Hà Minh Tuân là nhà văn đã viết tới hai quyển truyện dài mà lại không hiểu điều rất sơ đẳng về đặc trưng của văn học nghệ thuật? Qua thái độ của tác giả bộc lộ trong những lời lẽ hằn học chua chát của nhân vật Hiếu nhiều bạn đọc có ý kiến cho rằng tác giả “Vào đời” đã cố tình gợi lại những thành kiến sai lầm đối với cuộc đấu tranh cách mạng ấy, điều đó cũng không phải là không có duyên cớ.

Miêu tả một cuộc đấu tranh giai cấp gay go quyết liệt như cải cách ruộng đất, nói lên những thắng lợi vĩ đại cũng như những sai lầm khuyết điểm của nó đúng là một vấn đề gai góc. Nhưng không phải nhà văn không thể phản ánh được hiện thực to lớn đó vào tác phẩm một cách đúng đắn. Nguyễn Khải chẳng đã viết khá thành công những đoạn nói về sai lầm của cải cách ruộng đất trong “Xung đột” đó sao! Ngòi bút của anh không chút ngần ngại khi viết về những cán bộ đảng viên bị xử trí oan, bị bắn nhầm. Nhưng cũng đã viết lên những trang rất say sưa, đầy nhiệt tình về thắng lợi tốt đẹp về cải cách ruộng đất, và của công tác sửa sai. Môn, một nhân vật chính của tập truyện, bị oan trong cải cách ruộng đất, dưới ngòi bút của Nguyễn Khải, là người đảng viên rất tích cực, đã đảm đương nhiệm vụ đấu tranh chống địch phá hoại trong sửa sai và sau sửa sai. Cho nên vấn đề cơ bản là ở thái độ yêu hay ghét cuộc đấu tranh cách mạng của nông dân do Đảng ta lãnh đạo để đánh đổ giai cấp địa chủ; là ở cách nhìn những tổn thất đó. Có đặt những sai lầm đó trong toàn bộ phong trào cải cách ruộng đất thì mới phản ánh được đúng đắn hiện thực khách quan to lớn ấy.

Xã hội ta đã phải “tiếp thu” biết bao nhiêu cái xấu của chế độ cũ để lại. Trong việc làm của một số ngành công tác nào đó, trên một số việc nào đó cũng có những nhược điểm, những thiếu sót, hoặc do không nắm vững đường lối chính sách của Đảng, hoặc do không theo đúng đường lối quần chúng, hoặc do trình độ kiến thức (chính trị, nghiệp vụ, khoa học…) còn kém. Có ngành cũng có thể có khuyết điểm sai lầm tương đối nghiêm trọng mà nguyên nhân là do lập trường tư tưởng cán bộ phụ trách mơ hồ hoặc chịu ảnh hưởng thế giới quan và nhân sinh quan của các giai cấp bóc lột. Những khuyết điểm đó cũng đều là những hiện tượng sai sót đây đó ở lúc này hay lúc khác chứ không phải là bản chất của ngành đó, lại càng không phải là bản chất của xã hội ta. Nhưng tác giả đã tùy tiện chắp vá những hiện tượng tiêu cực, những mặt xấu cá biệt đó lại thành một nét chung và tô vẽ bịa đặt thêm thành một bức tranh xã hội khái quát, toàn một màu xám xịt. Những mặt “đen tối” đó lại được tác giả đặt vào mồm Trần Lưu, một nhân vật “tích cực”, và lại được ông bí thư chi bộ, ông giám đốc mới của nhà máy hưởng ứng nên càng dễ đánh lừa người đọc. Nhiều bộ máy, nhiều công cụ quan trọng của Nhà nước chuyên chính vô sản (công an, mậu dịch, báo chí, đài phát thanh, cơ quan văn hóa, v.v.) đã bị các nhân vật “tích cực” đả kích mãnh liệt. Rõ ràng đó là chủ nghĩa cá nhân tư sản, đòi hỏi được “tự do” thỏa mãn những cái gì hợp với sở thích cá nhân, những gì đi ngược lại thì cho là xấu tất. Cho nên trong “Vào đời” việc tốt cũng trở thành xấu và ngược lại. Các đồng chí công an ở các phố đông người giữ gìn trật tự là một việc làm rất tốt đẹp và đáng kính, thì tác giả “Vào đời” lại coi là một điều không vui. Ở một vài nơi công cộng việc đặt loa phát thanh để phục vụ cho những người lao động chưa có điều kiện sắm đài riêng là một việc làm đáng hoan nghênh thì tác giả lại khó chịu.

Miền Bắc nước ta đang vươn lên từ nghèo nàn lạc hậu tiến thẳng lên CNXH. Bọn Mỹ-Diệm đang mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Do đó trong công cuộc xây dựng CNXH chúng ta đã và đang gặp phải những khó khăn và trở ngại khá lớn. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng vượt qua các khó khăn đó, giành được những thắng lợi có tính chất quyết định: xóa bỏ các giai cấp bóc lột, biến đổi nền kinh tế từ cá thể sang nền kinh tế tập thể, v.v. Trên bước đường tiến lên, khó khăn khách quan vẫn còn lớn và nhiều. Nhược điểm và thiếu sót của ta về mặt chỉ đạo thực hiện cũng không ít. Nhưng toàn Đảng toàn dân ta quyết khắc phục mọi khó khăn giành những thắng lợi mới to lớn. Ai vào nhà máy, xuống nông thôn cũng thấy cái khí thế cách mạng sôi nổi của quần chúng quyết thắng nghèo nàn và lạc hậu. “Vào đời” không những không nêu được những thắng lợi vĩ đại của cách mạng, không nêu được phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng, mà cả những khó khăn trở ngại nhân dân ta đang và sẽ phải khắc phục trên bước đường công nghiệp hóa cũng chưa nói được. Quyển truyện chỉ tập trung moi móc bêu riếu và bơm to một vài thiếu sót, một số thiếu thốn tạm thời về đời sống. Do đó quyển truyện đã toát ra một không khí buồn nản. Vì vậy nó đã đi ngược hẳn lại với đường lối công tác tư tưởng của Đại hội Đảng lần thứ ba và các nghị quyết của Trung ương gần đây, đặc biệt là nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ tám. Hà Minh Tuân đã trắng trợn xuyên tạc hiện thực xã hội trong những năm 1957-1960 ở miền Bắc nước ta. Anh xuyên tạc cả cái hoàn cảnh nhà máy do chính anh bịa đặt ra. Cứ như hoàn cảnh xã hội cụ thể của nhà máy cơ khí mà tác giả đã bịa đặt ra thì những hoạt động phá rối của bọn lưu manh côn đồ, tình trạng công nhân đi sớm về muộn là phổ biến. Trong tình hình xã hội cụ thể ấy vấn đề dân chủ và quan liêu không thể nào trở thành một mâu thuẫn chính được. Nhưng tác giả bất chấp cả hoàn cảnh thực của xã hội và hoàn cảnh do chính mình bịa ra để cố dựng lên một “kẻ thù trước mắt là bệnh quan liêu”. Phải chăng là tác giả cố tình tìm mọi cách để làm sao đả kích được vào cán bộ? Vì thế tất cả mọi loại cán bộ đều được tác giả chụp chung cho một cái mũ “quan liêu”. Từ quản trị trưởng, phó giám đốc trường kỹ thuật cơ khí đến giám đốc nhà máy, trưởng phòng tổ chức, trưởng phòng kỹ thuật đều bị coi là đại diện cho “kẻ thù trước mắt”, đều bị đả kích mãnh liệt và độc ác bằng những hình ảnh, những lời lẽ chua cay, hằn học. Nhưng diện mạo cụ thể của kẻ thù quan liêu kia thì không ai nhìn thấy cả. Qua ý nghĩ của Hiếu và lời nói của người công nhân đứng ngoài cửa phòng tổ chức, tác giả quyển truyện đã soi mói các hình thức bề ngoài của những cán bộ như Chiến để chế diễu họ một cách cay độc và buộc cho họ cái tội “tày trời” là “quan liêu”. Phải chăng mua sách và chịu khó đọc sách lý luận Mác-Lênin, tuy chưa hiểu nổi, cũng là “quan liêu”? Phải chăng “mắt đỏ như tiết, râu đen tua tủa quanh mồm” là diện mạo cụ thể của “tệ quan liêu”? Thái độ đối với con người và cách nhìn người như thế chẳng phải là thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp tư sản hay sao? Tệ hơn nữa, tác giả lại bày ra một màn “kiểm thảo” các cán bộ lãnh đạo mà tác giả đã gán cho cái tội “quan liêu” để kéo cả phái viên Trung ương, đại diện Thành ủy vào casi việc tấn công “kẻ thù trước mắt” ấy. Khéo léo và độc ác, tác giả lại qua lời tự bộc lộ của giám đốc nhà máy để kết án cán bộ chỉ suốt tháng “tiếp khách”, “ăn tiệc” và “đi họp” rồi lại nhận phần công đầu, v.v.

Người đọc càng kinh ngạc hơn nữa là dưới ngòi bút của tác giả địch ta đều lẫn lộn, chi bộ, chi đoàn thanh niên lao động và anh em công nhân lại theo đuôi bọn lưu manh trong các phong trào chống đối cán bộ ấy. Theo như tác giả viết thì cái tuyến nhân vật “tích cực” kia đã hoàn toàn ủng hộ nội dung đấu tranh mà chỉ không tán thành những phương pháp đấu tranh như “bắt giám đốc bỏ rọ” mà thôi.

Quan liêu vốn là mặt bản chất của chế độ cũ và chỉ là những tàn tích của chế độ cũ còn rơi rác trong xã hội ngày nay. Trong cán bộ có một số người chưa gột sạch được ảnh hưởng tư tưởng và tác phong của các giai cấp bóc lột hoặc do trình độ chính trị, trình độ chuyên môn kém nên ít nhiều đã nhiễm phải cái tác phong xấu đó. Nhưng trong quần chúng công nhân cũng không phải là không có hiện tượng quan liêu. Ví như điều lệ công tác đã quy định trách nhiệm cụ thể của mỗi ca mỗi kíp trong sợi dây chuyền sản xuất. Nhưng vì lối làm việc luộm thuộm “gia đình” nên có những ca, kíp bàn giao cho nhau qua loa đại khái, sản phẩm làm ra hỏng không rõ trách nhiệm ở ai thì đó cũng là một kiểu quan liêu. Như vậy hỏi rằng đâu có phải quan liêu chỉ là căn bệnh riêng của cán bộ tuy rằng bệnh quan liêu dễ lây vào cán bộ nhiều hơn vì trách nhiệm và điều kiện làm việc có khác. Dưới chế độ XHCN, quyền lợi của cán bộ hoàn toàn nhất trí với quyền lợi của nhân dân. Cán bộ là từ nhân dân mà ra trở về phục vụ nhân dân. Họ là công bộc của nhân dân. Thực tế là đông đảo cán bộ của Đảng và Nhà nước đều hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, gần gũi nhân dân và được nhân dân yêu mến. Họ hoàn toàn khác với “ông quan đội khăn xếp mặc áo gấm dài, đeo bài ngà, quần ống sớ” (tr. 136). Ở chế độ ta quan liêu không bao giờ trở thành phổ biến, thành bản chất của cán bộ. Quan liêu chỉ là mặt thứ yếu trong một số cán bộ mà thôi. Một, hai người nào đó do tiêm nhiễm phải lối sống của giai cấp bóc lột trở thành quan liêu nặng thì cá nhân họ đã biến chất rồi mà không còn là người của giai cấp công nhân, của nhà nước vô sản nữa. Đội ngũ cán bộ là một bộ phận rất trọng yếu của nền chuyên chính vô sản. Mượn chiêu bài chống “tệ quan liêu” để đả kích vào cán bộ và đem đối lập cán bộ với quần chúng công nhân như trong “Vào đời”, thì tự giác hay không tự giác, tác giả quyển truyện đã rơi vào chủ nghĩa công đoàn.

“Vào đời” còn phê phán khá nhiều đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước: nào là chế độ nằm giường hai tầng ở trường học, không có phân biệt cấp bậc cũ của học sinh và cho đó là “quan liêu không thể tưởng tượng được”; nào là sinh hoạt phê bình và tự phê bình của Đoàn thanh niên lao động chỉ là một thứ “mổ xẻ tư tưởng phức tạp mà thực ra chỉ nhắc lại nguyên xi điểm này hay điểm khác” mà người có lỗi đã trình bày. Ngay cả khẩu hiệu “chính trị là thống soái” cũng được đem ra bêu riếu. “Vào đời” cũng không quên đánh một chùy vào cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng là báo “Nhân dân”. Qua lời của một nhân vật trong tác phẩm của mình tác giả “Vào đời” đã công khai trắng trợn dựng đứng lên cái việc hoàn toàn khong bao giờ có là bài “lâm li thống thiết dài dòng… thì gửi cho báo “Nhân dân” đăng lại được cả nhuận bút”. Là một đảng viên mà bắt chấp cả nguyên tắc tổ chức sơ đẳng nhất của Đảng, lại công khai bịa đặt ra để bêu riếu báo Đảng như thế, phải chăng cũng là nhận thức giản đơn? Phải chăng cũng chỉ là thiếu hiểu biết cuộc sống hoặc kém tài năng? Phải chăng cũng chỉ vì phương pháp tư tưởng sai lầm hoặc chỉ vì muốn cho nhân vật “gồ ghề sắc cạnh”?

Chúng ta mong chờ những tác phẩm miêu tả sâu sắc con người mới, cuộc sống mới. Chúng ta cũng chờ đón những tác phẩm nêu lên những khó khăn của xã hội và khí thế cách mạng của quần chúng vươn lên vượt những khó khăn ấy. Trong bức thư Trung ương Đảng gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 đã nói rõ: “Nhân dân ta yêu cầu văn nghệ không chỉ biểu dương những ưu điểm và thắng lợi, mà còn phải thẳng thắn phê bình những khuyết điểm và nhược điểm trên bước trưởng thành của cách mạng với một tinh thần xây dựng và thái độ chân thành”. Nếu chúng ta yêu thiết tha cuộc sống XHCN thì chúng ta sẽ thấy những khó khăn chỉ là mặt thứ yếu, những cái tiêu cực trong đời sống chỉ là một số nét mờ nhạt trong toàn bộ bức tranh xã hội tươi đẹp ngày nay. Với thái độ và cách nhìn đúng đắn của giai cấp vô sản, với một tinh thần xây dựng, nhà văn có thể miêu tả những khó khăn và những nét tiêu cực của xã hội một cách sâu sắc. Báo chí ta không ngừng cổ vũ cho thắng lợi, cổ vũ cho khí thế cách mạng của quần chúng chính là đã phản ánh trung thực bản chất con người và cuộc sống mới. Mặt khác, báo chí ta cũng đã không ngừng phát hiện những khó khăn và những mặt tiêu cực trong cuộc sống. Chúng ta cũng đã có những truyện dài truyện ngắn miêu tả những mặt tiêu cực của cuộc sống ngày nay một cách đúng đắn. “Người bạn cũ” của Nguyễn Thế Phương chẳng đã chỉ trích những nét xấu mới nảy sinh ra trong hoàn cảnh hòa bình ở một cán bộ cao cấp đó sao? Nhưng Nguyễn Thế Phương đã có cách nhìn đúng đắn không thể nào xem là anh đã bôi đen cán bộ. Trong “Xung đột” Nguyễn Khải cũng đã miêu tả bước sa đọa của một cán bộ đảng viên (Thụy) và cũng đã nói lên những mâu thuẫn ngay trong bản thân cơ quan lãnh đạo của đảng bộ làng Hỗ. “Những người thợ mở” của Võ Huy Tâm, tuy có vài mặt thiếu sót nghiêm trọng như đồng chí Trường Chinh đã phê phán trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, nhưng về mặt tả những khó khăn trong đời sống của nhân dân vùng mỏ thì lại xuất sắc. Anh đã vạch ra được cái mâu thuẫn trong đời sống và cách giải quyết mâu thuẫn đó một cách đúng đắn. Miêu tả những mặt tiêu cực, thành công hay thất bại, căn bản vẫn là do có đứng vững trên lập trường vô sản mà nhìn những khó khăn, nhưng mặt tiêu cực đó hay không? Cái quyết định vẫn là nhiệt tình đối với con người mới, cuộc sống mới.

***

Tính nghệ thuật của một tác phẩm căn bản là ở chỗ phản ánh chân thật và sinh động hiện thực. Phản ánh chân thật hiện thực không có nghĩa là sao y như cuộc sống, mà phải từ các hiện tượng nêu lên cho được bản chất con người và cuộc sống bằng hình tượng cụ thể. Có thế tác phẩm nghệ thuật mới trở thành “cuốn sách giáo khoa của cuộc sống”. Lối sáng tác tùy hứng, tưởng tượng, chắp vá các hiện tượng, bóp méo và xuyên tạc hiện thực mà không đếm xỉa gì đến hiện thực khách quan như trong “Vào đời” là một khuynh hướng nghệ thuật suy đồi của giai cấp tư sản phản động hoàn toàn ngược lại với chủ nghĩa hiện thực XHCN, với đường lối văn nghệ của Đảng ta. Mặt khác, nói tới nghệ thuật viết tiểu thuyết là nói tới việc xây dựng tính cách nhân vật. Ở “Vào đời” tính cách các nhân vật quá đơn điệu, bằng phẳng, thiếu hẳn tính sinh động của một con người cụ thể, nhất là các nhân vật “tích cực”, nhân vật công nhân. Vì quyển truyện sơ lược như thế nên ai đọc cũng phải kêu rằng nó dở quá! Đọc nó chật vật quá! Để che lấp những thiếu sót về vốn sống và sự kém cỏi về nghề nghiệp của mình, tác giả đã chạy theo khuynh hướng nghệ thuật suy đồi bịa đặt ra một cuộc đời éo le bi thảm “ba chìm bảy nổi” của cô Sen, để có thể gây nên những “xúc động” trong người đọc. Tô vẽ thêm cho cái cốt truyện éo le đó, tác giả còn tạo ra những pha hỗn hợp, những chi tiết ly kỳ chỉ thích hợp với những thi hiếu tầm thường: nào là bắt cóc hiếp dâm, nào là giả “đại tá”, “trung tá” ngồi xe ô tô đi tống tình, nào là giữa ban ngày mà một tên cho bà uống thuốc trên nhà thì một tên hiếp dâm cháu gái ngay dưới bếp, v.v. (thật là hệt Mỹ) có lẽ như thế cũng chưa đủ “thu hút” người đọc nên tác giả quyển truyện còn vẽ vời thêm ít chi tiết khiêu dâm nữa. Cả một “bài học” triết lý “sâu sắc” về lối sống trụy lạc cũng được nhắc lại trong quyển truyện, không một lời phê phán. Chúng ta không khô cằn đến nỗi phản đối tất cả các mẩu truyện, các đoạn thơ tả tình yêu trai gái. Trong ”Những người thợ mở” Võ Huy Tâm có một đoạn tả mối tình cuồng nhiệt giữa cô Nguồn và anh Quyết, nhưng theo tôi thật là linh hoạt sắc sảo mà vẫn không dâm không thấy khêu gợi. Mối tình thắm thiết giữa Khắc và An trong “Vờ bờ” của Nguyễn Đình Thi cũng thật là đẹp. Các mẩu chuyện tình đó đều làm rõ thêm tính cách nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nhưng nêu lợi dụng sự va chạm giữa trai gái để “khêu gợi” những thị hiếu tầm thường mong hấp dẫn người đọc, như truyện “Vào đời”, thì là một khuynh hướng nghệ thuật xấu.

***

“Vào đời” là một quyển truyện rất xấu. Nó chống lại nhiều nghị quyết và nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, đả kích vào cán bộ thuộc nhiều bộ máy của nền chuyên chính vô sản. Nó gieo rắc một thứ khuynh hướng nghệ thuật xấu. Nó là biểu hiện tập trung của thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp tư sản phản động. Chính cái tư tưởng tư sản phản động ấy đang cố chống lại tất cả những đạo đức và tình cảm mới, tất cả những trật tự mới của xã hội XHCN. Nó căm ghét hết thảy những chính sách, những biện pháp và các hình thức đấu tranh giai cấp về mặt chính trị, kinh tế và tư tưởng mà Đảng và Nhà nước vô sản đã và đang tiến hành để xóa bỏ các giai cấp bóc lột, để chuyển biến nền kinh tế cá thể thành nền kinh tế tập thể, để nâng cao tư tưởng và đạo đức cộng sản làm cho nền chuyên chính vô sản được củng cố và tăng cường. Đối với chủ nghĩa cá nhân tư sản tất cả những cái gì đụng chạm tới sự hưởng lạc cá nhân, tới trật tự cá nhân đều là xấu xa đáng nguyền rủa. Tư tưởng tư sản phản động ấy, biểu hiện khá tập trung và bằng hình tượng nghệ thuật cụ thể trong “Vào đời”, đã bộc lộ một cách lộ liễu cái ý muốn đòi xét lại, xét lại tất cả. Vì vậy phê phán nghiêm khắc và không khoan nhượng truyện “Vào đời” nhằm đánh bại những tư tưởng và quan điểm tư sản phản động đang tìm cách len lỏi vào trong đời sống tinh thần lành mạnh của chúng ta là việc làm hết sức cần thiết.

NGUYỄN PHAN NGỌC

Nguồn:

Tạp chí Văn học, Hà Nội, s. 2 (tháng 8/1963), tr. 1-7.

Tháng 8/1963.Tạp chí Văn học, s. 2: Trung Ngôn: Sai lầm của Hà Minh Tuân trong quyển “Vào đời” là sai lầm về lập trường tư tưởng

Từ khi quyển “Vào đời” xuất bản, nhiều tờ báo đã lên tiếng. Dư luận chung đều nhất trí nhận định rằng “Vào đời” là một tác phẩm xấu, có hại và non yếu về nghệ thuật. Hà Minh Tuân đã vẽ nên một bức tranh xuyên tạc về Hà Nội, về công trường xí nghiệp. Mặt tiêu cực, đen tối nổi hẳn lên và lấn át mặt tích cực. Song một câu hỏi được đặt ra: mặc dầu mặt tiêu cực là mặt thứ yếu của hiện thực mới trong xã hội ta, nhưng nhà văn có thể mô tả mặt thứ yếu đó không? Về phương diện này, tôi nghĩ câu trả lời đã khá rõ ràng. Đảng ta đã khẳng định rằng nhà văn chẳng những có thể mà còn cần phải chiến đấu với những tàn tích xấu tồn tại trong xã hội ta, làm cho xã hội thêm tốt đẹp!

Nhưng trong thực tế sáng tác văn học của ta hiện nay, mô tả mặt tiêu cực như thế nào là một việc khó chứ không phải dễ. Viết mặt tiêu cực cũng như cầm một con dao mổ vậy. Nó sắc lắm. Nếu sử dụng không khéo chẳng những sẽ không cứu được con bệnh mà có khi còn đứt cả tay mình nữa. Nhà văn là một nhà giải phẫu, có trách nhiệm lớn trước đời sống tư tưởng của xã hội. Mổ xẻ đòi hỏi phải mạnh bạo, dũng cảm. Nhưng mạnh bạo, dũng cảm thôi, không đủ. Điều căn bản nhất là phải minh mẫn, thận trọng và sáng mắt sáng lòng. Cách mạng XHCN là một cuộc cách mạng rất sâu sắc, triệt để. Nó đụng chạm đến lối làm ăn cũ của nhiều tầng lớp, nhiều giai cấp, thay đổi cả nếp sống nếp nghĩ bao đời nay của họ. Nó phá vỡ cái cũ đồng thời xây dựng cái mới. Cái mới và cái cũ xen lẫn nhau, đấu tranh với nhau rất dai dẳng, quanh co và có khi rất quyết liệt. Tiểu thuyết bao giờ cũng là một bức tranh khái quát về cuộc sống (phạm vi của nó rộng hay hẹp là tùy theo nội dung bức tranh). Mà trong cuộc sống của chúng ta bên cạnh mặt tích cực là chủ đạo, cũng còn tồn tại những mặt tiêu cực. Vậy mô tả mặt tiêu cực như thế nào? Quan hệ giữa hai mặt tiêu cực và tích cực trong tác phẩm văn học phải ra sao? Quan hệ giữa nhân vật tiêu cực và môi trường xã hội cần thể hiện như thế nào? Đó là những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sáng tác cần đặt ra để giải quyết.

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Hồ Chủ tịch đã nói: “Trong thời kỳ quá độ, bên cạnh thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như tham ô, lãng phí, quan liêu, đánh con đập vợ… Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình nghiêm khắc nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh, tốt đẹp hơn”.

Chỉ thị đó của Hồ Chủ tịch rất súc tích. Hồ Chủ tịch chẳng những đã vạch ra trách nhiệm của nhà văn mà còn chỉ cho ta rõ cách nhìn và viết mặt tiêu cực, quan hệ giữa mặt tiêu cực và tích cực, thái độ nhà văn…

Như chúng ta đều biết, cách nhìn của nhà văn là một trong những yếu tố quyết định đối với chất lượng tác phẩm. Không có cách nhìn đúng thì hiện thực sẽ bị phản ánh một cách lệch lạc. Nhưng thế nào là cách nhìn đúng? Đảng ta đã chỉ rõ: Trong xã hội ta, cái mới là cái tất thắng. Cái tiêu cực là mặt thứ yếu, có tính chất cục bộ và tạm thời. Nó tồn tại một cách bất hợp pháp. Khi phản ánh hiện thực, nhà văn phải đứng vững trên quan điểm này và những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm phải được xây dựng trên cách nhìn đó.

Trong tiểu thuyết “Vào đời”, Hà Minh Tuân đã không làm như thế.

Tình hình lộn xộn trong một số công trường xí nghiệp ở Hà Nội năm 1956-1957 lúc bọn Nhân văn tác oai tác quái là có thật, nhưng tình trạng đó không kéo dài và cũng không thể kéo dài cho mãi đến năm 1960 như tác giả đã mô tả. Đương nhiên lúc đầu có thể một số quần chúng thậm chí đảng viên mơ hồ địch, ta, nhưng chỉ qua một thời gian ngắn họ sẽ nhận ra và kiên quyết vạch mặt bọn chúng, đấu tranh với chúng dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Đó là tình hình thực tế ở hầu khắp (nếu không nói là tất cả) công trường xí nghiệp của chúng ta trong thời kỳ này. Mô tả công trường như trong “Vào đời” là phản hiện thực, là xuyên tạc.

Cái môi trường xã hội mà cô Sen bước vào đời dưới con mắt của Hà Minh Tuân sao nó u ám thế! Nó có khác gì với xã hội tư bản? Mấy tên côn đồ lưu manh hoạt động một cách công khai trắng trợn như ở chỗ không người. Còn mấy nhân vật gọi rằng tích cực thì sao? Lưu, bí thư chi đoàn thanh niên là một người rất hăng hái, rất nguyên tắc nhưng ở cuối câu chuyện lại nói những câu mỉa mai sâu cay bực dọc về các “ông làm báo”, mậu dịch, công an. Bác Biền, một công nhân già đã đau khổ nhiều trong xã hội cũ, nghe thấy Lưu nói như vậy cũng không có phản ứng gì. Bổn là người thân nhất của Sen và không phải là không biết hành động tàn ác của Hiếu đối với Sen, nhưng Bổn cũng không vạch mặt Hiếu và không giúp đỡ Sen về phương diện nay. Hán và Bình, hai đồng chí lãnh đạo mới về xí nghiệp rất mờ nhạt. Và điều quan trọng hơn cả là cái tập thể đảng viên, tập thể quần chúng ở đấy đã không đấu tranh đến nơi đến chốn với Mai, Song, Hiếu, lại còn căm ghét các cán bộ lãnh đạo như Cư, Chiến… Cô Sen là một nhân vật nửa mới nửa cũ. Bản chất cô là tiểu tư sản. Tác giả hình như muốn cho Sen “vươn lên” để nói lên sự tất thắng của cái mới, tác dụng giáo dục của tập thể, ảnh hưởng tốt đẹp của lao động đối với việc cải tạo và rèn luyện con người. Nhưng kể cũng khó mà tin được sự “vươn lên” ở một con người như Sen, tình cảm vốn yếu mềm, lập trường tư tưởng không vững, lại gặp phải những tình cảnh éo le và phải sống trong một môi trường kỷ luật rất lỏng lẻo, bọn lưu manh thì tha hồ mà hoành hành ngang ngược như vậy. Sự vươn lên đó ngẫu nhiên lắm!

Cho nên điều quan trọng ở đây không phải là mô tả nhiều hay ít hiện tượng tiêu cực mà điều quan trọng là đặt những hiện tượng tiêu cực ấy vào môi trường xã hội nào và mô tả cái môi trường ấy ra sao. Trong xã hội cũ có tham ô. Trong xã hội ta cũng có tham ô. Nhưng tham ô trong xã hội cũ là hiện tượng thuộc về bản chất, nó được pháp luật che chở. Nếu như bọn thống trị có trừng phạt một số tên nào đó thì chỉ là để lừa bịp dư luận hoặc để gạt một số người không thuộc phe cánh của chúng mà thôi. Còn tham ô trong xã hội ta là hiện tượng trái với bản chất của chế độ, nó là bất hợp pháp trong cái môi trường xã hội mới. Môi trường xã hội ví như cái nền nhà. Nếu việc xây dựng cái nền đó không vững chắc thì cả ngôi nhà sẽ sụp đổ. Tính chất của môi trường xã hội quyết định tính chất của hiện tượng và nguyên nhân đã sản sinh ra những hiện tượng ấy. Chính Hà Minh Tuân đã mơ hồ về điểm này do đó tác phẩm “Vào đời” của anh có khuynh hướng bôi đen mà không thể khác được!

Nhưng muốn có cách nhìn đúng, phải có lập trường và thái độ đúng. Cách nhìn có liên quan đến lập trường nghĩa là thế giới quan và nhân sinh quan của nhà văn. Cách nhìn và thái độ không tách rời nhau.

Thái độ của ta đối với cái xấu là phải kịch liệt lên án nó. Mô tả cái xấu là để đề cao và khẳng định cái tốt. Nói cái xấu trước hết phải nói cho đúng. Nhưng nói cái gì, đưa ra cái gì, nói đến đâu phải có mục đích rõ ràng, không phải nói cho sướng miệng hoặc để thỏa mãn nỗi bực dọc cá nhân làm cho kẻ thù khoái chí. Đó là tính đảng của nhà văn. Không thể có thái độ mập mờ hoặc đồng tình với cái xấu. Hồ Chủ tịch đã nói: văn nghệ cần phải “phê bình nghiêm khắc” những thói xấu còn tồn tại trong xã hội ta “nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh, tốt đẹp hơn…”. Nhưng Hà Minh Tuân đã đánh lộn sòng khó khăn với khuyết điểm, không phân biệt đâu là khách quan, đâu là chủ quan, không hiểu nguyên nhân của những khuyết điểm ấy, dó đó mà cái đáng lên án nghiêm khắc thì lại đồng tình, cái không đáng lên án thì lại cường điệu lên và phê phán một cách hàm hồ (thái độ với mậu dịch, công an, cán bộ lãnh đạo, báo chí,…). Đó là một thái độ hết sức sai lầm.

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH của chúng ta hiện nay, chúng ta có nhiều khó khăn khuyết điểm. Khó khăn khách quan là rất nhiều nhưng khuyết điểm chủ quan cũng không ít, và nguyên nhân cũng rất phức tạp. Có người rất nhiệt tình, tư tưởng rất tốt nhưng vì trình độ kém mà làm sai làm hỏng. Cũng có người vì ý thức xấu, vì vô trách nhiệm, vì quan liêu mà gây ra tham ô lãng phí. Bệnh quan liêu cũng có nhiều hình thức: anh thì quan liêu hống hách, anh thì quan liêu vất vả, anh thì quan liêu giấy tờ… Trong khi mô tả những hiện tượng tiêu cực đó, tôi nghĩ chúng ta phải hiểu cho kỹ nguồn gốc của nó, phân tích nguyên nhân cho thấu đáo, có tình có lý chứ không thể đả kích một chiều hoặc có thái độ giản đơn như Hà Minh Tuân. Nếu chỉ mô tả hiện tượng mà không thấy nguyên nhân phức tạp của chúng thì chẳng những không sâu mà cũng không hiện thực. Nếu bản thân người viết lại có thái độ bực dọc thì nhìn hiện tượng sẽ sai lệch hết, cái tốt có thể biến thành xấu và ngược lại. Thí dụ như câu nói của Lưu chẳng hạn. Tại sao lại trút cả cái bực dọc của mình vào đầu mấy cái loa mà đồng bào lao động nội ngoại thành rất thích vì họ muốn nghe tin tức, nghe sân khấu truyền thanh mà trong nhà không có đài? Anh thử đi gỡ một cái loa ở khu lao động đem đi chỗ khác xem họ có phản đối, thậm chí còn kiện anh không? Những cái loa để ở giữa phố nội thành có làm phiền cho một số nhà thật nhưng phải nói rằng sau tiếp quản ta đã dần dần gỡ đi và mấy năm nay hàng nghìn loa con đã được đưa vào các gia đình để thay thế cho các loa to ngày trước. Hà Minh Tuân không nhìn thấy cái đó nên bất kể là việc to hay nhỏ hễ không hợp với mình là anh đều bực dọc cả. Cách nhìn người công an ở phố Tràng Tiền huýt còi để giữ trật tự cũng không đúng. Tại sao lại cho rằng “cứ một chút một chút cũng huýt còi rinh lên, khiến mọi người trên đường phố đều cảm thấy kém vui đi…”? Việc huýt còi của công an đâu phải là một hiện tượng xấu! Có thật “mọi người” kém vui hay chỉ có một số người nào thôi? Vui hay buồn cũng tùy theo cách nhìn, thái độ của từng người. Chúng ta bảo rằng thành phố của chúng ta bây giờ đông vui hơn trước nhưng cũng có một số người không chịu. Bây giờ hàng của ta chưa nhiều và cũng chưa đẹp. Có một số người xưa nay vẫn mê tín “Gibb”, không thích “Ngọc lan”, [1] quá quen với “pô-pơ-lin-xuýt” không thích vải Nam Định nên họ khó chịu và cảm thấy kém vui. Ngày trước các cửa hiệu mở rất khuya. Bây giờ các ửa hiệu thường xuyên không mở khuya. Họ cũng cho như vậy là “kém vui”. Nhưng thử hỏi trước kia mở cửa khuya là để phục vụ ai? Phục vụ cho công chức, binh lính và sĩ quan Pháp, ngụy đi chơi đêm. Cả cái thành phố phồn vinh bề mặt đó là để phục vụ cho bộ máy chiến tranh của địch chứ không có gì khác! Bây giờ tất cả đều lao động. Nếu không phải ngày nghỉ hay ngày lễ, mở cửa khuya để làm gì? Bây giờ gót giày đinh của lính lê dương không còn nữa. Nó để lại hơn 10 vạn người thất nghiệp. Ta đã giải quyết trong 5 năm mới hết. Hàng năm chúng ta lại đưa vào sản xuất từ 2 đến 3 vạn người trong các công trường xí nghiệp hợp tác xã thủ công và xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh. Đó là một lực lượng mới đang mỗi ngày một lớn mạnh cùng với thủ đô trên bước đường công nghiệp hóa. Ngay cả những cô gái nhảy, những cô gái “làm tiền” do xã hội cũ để lại nay cũng đã được cải tạo trong các công trường, xí nghiệp.

Hà Nội của chúng ta đang biến đổi hàng ngày hàng giờ, biến đổi về chất lượng. Công trường xí nghiệp mọc lên khắp nơi. Đi ra khỏi năm cửa ô, ở đâu anh cũng thấy nhà cao, ngói đỏ, cửa xanh và ống khói! Cái thành phố tiêu thụ xa xỉ ngày trước đã trở thành một thành phố sản xuất, một trung tâm công nghiệp của miền Bắc. Chúng ta đã xây dựng được cơ sở cho một nền công nghiệp nặng và một nền cong nghiệp nhẹ ở thủ đô, mà gần một thế kỷ trước không làm được, không ai ước mơ đến. Thử hỏi như vậy không thấy phấn khởi và tự hào sao được! Có một số người khi nhìn sông Hồng, họ không thấy sức mạnh cuồn cuộn của cả dòng nước đang cuốn đi mà chỉ thấy mấy đám bọt bồng bềnh trên mặt.

Diện tích xây dựng mới trong 8 năm hòa bình là 1.300 héc-ta, ngang với diện tích của cả thành phố Hà Nội trước tiếp quản. Như vậy là nếu so với Hà Nội cũ nghìn năm văn vật thì bây giờ chúng ta đã có thêm một thành phố mới.

Công nhân và lao động khi mới vào tiếp quản suýt soát 1 vạn, bây giờ hơn 12 vạn! Cung cấp đủ bánh mì ăn sáng ca đêm cho 12 vạn người ấy cộng với hàng vạn cán bộ, học sinh, sinh viên thì phải có bao nhiêu lò bánh mì? Cung cấp thịt cho hơn 70 vạn người mỗi ngày dăm lạng thôi chứ chưa nói nhiều phải mổ mỗi ngày từ 400 đến 600 con lợn, một năm từ 12 vạn đến 20 vạn con lợn. Nếu không thấy tất cả những khó khăn đó cùng với nguyên nhân của nó thì không thể thấy thành tích của ta trong xây dựng, cố gắng của ta trong phân phối mà chỉ thấy mấy cái nhỏ mọn trước mắt và sinh bi quan dao động.

Nếu Hà Minh Tuân đi vào các khu lao động mà hỏi thì tôi tin chắc rằng đại đa số bà con sẽ nói rằng: bây giờ vui gấp trăm lần trước tuy mức ăn còn thấp, nhà ở còn chật! Bây giờ có điện có nước dùng không phải đi mua, đi tranh từng gánh nước. Tết nhất mậu dịch về tận nơi bán thịt, bán nước mắm, miến và mấy chục lá gói bánh cùng với lạt buộc. Thật là chu đáo! Trước kia làm gì có chuyện đó? Hà Minh Tuân không có cái nhìn của nhân dân lao động. Anh cũng chưa hiểu nổi những nguyên nhân phức tạp của những khó khăn khuyết điểm hiện nay. Đôi mắt bực dọc đã không nhìn được cái lớn lao vĩ đại hay có nhìn mà cũng không thấy. Ngược lại chỉ thấy “kém vui”. Anh đã tự tách ra khỏi xã hội, đứng ngoài xã hội mà nhìn vào với một thái độ soi mói, khó chịu, thậm chí hằn học nữa. Anh đã nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của một số người hoài nghi bực dọc đang luyến tiếc cái “thời hoàng kim” của Hà Nội cũ. Thực chất đó là tư tưởng tư sản đang trỗi dậy trong những con người tiểu tư sản vốn chứa sẵn bất mãn cá nhân và dao động trước khó khăn, hoàn toàn không phải là một thái độ lo lắng có trách nhiệm.

Không phải bây giờ chúng ta còn nhiều khó khăn khuyết điểm mà trong tương lai chúng ta vẫn còn gặp những khó khăn khuyết điểm trên bước đường phát triển của chúng ta. Nhưng dù có bao nhiêu khuyết đi nữa thì cái xã hội miền Bắc này, cái xã hội Hà Nội này cũng tốt gấp trăm gấp nghìn lần cái xã hội Hà Nội cũ hay cái xã hội miền Nam hiện nay, hơn bất cứ thành phố nào của “thế giới tự do”. Đó là cách nhìn của Đảng, cách nhìn của nhà văn, cách nhìn hiện thực và biện chứng. Đó là cơ sở của phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, tiêu chuẩn về tính đảng trong văn học. Không có cách nhìn trong sáng ấy thì không thể phản ánh hiện thực một cách đúng đắn.

Trong “Chiến bại” Fa-đê-ép đã mô tả một đội quân cách mạng rất lộn xộn với nhiều nét tiêu cực nhưng người đọc không thể hiểu lầm được bản chất của quân đội cách mạng vì cái mới tuy còn ít nhưng rất khỏe, rất vững, rất có tiền đồ. Cái mới tất thắng! “Chiến bại” nhưng sẽ chiến thắng…

Lập trường quyết định phương pháp. Một khi lập trường, thái độ đã sai lầm thì phương pháp không thể đúng được. Thực chất sai lầm của Hà Minh Tuân là sai lầm về lập trường, tư tưởng. Tiêu biểu nhất là thái độ của anh đối với cải cách ruộng đất, đối với Hiếu và đối với cán bộ lãnh đạo… Tác giả đã tường thuật lại những lời lẽ rất phản động của Hiếu mà không phê phán gì hoặc phê phán rất yếu. Y chửi cốt cán, ném đá vào những cái loa đang tuyên truyền cho thắng lợi của cải cách ruộng đất. Hà Minh Tuân muốn cho người đọc thông cảm với Hiếu, tha thứ cho Hiếu. Trong câu chuyện, Hiếu là một phần tử bất mãn đến cao độ. Nhẽ ra thái độ của tác giả là phải nghiêm khắc lên án y. Nhưng Sen vẫn yêu y, vẫn nhìn Hiếu bằng con mắt rất khoan dung. Cuối câu chuyện tác giả còn để cho Sen trở lại với Hiếu. Thái độ đối với Hiếu như thế còn thái độ đối với cán bộ lãnh đạo thì sao? Người ta thấy anh căm ghét Cư, Chiến hơn là căm ghét Hiếu, căm ghét mấy cái loa, bực dọc với mậu dịch, với công an hơn là lên án Hiếu, đổ tội cho cải cách ruộng đất để bào chữa cho Hiếu. Căm ghét quan liêu là cần thiết, nhưng Cư, Chiến đã làm gì mà bảo là “quen ăn của dân”, mà phải “vả vào mồm” họ, quy cho họ là “sống chết mặc bay”? Tác giả còn quy cho Cư, Chiến mắc tội đuổi thợ, bắt người và hay “chỉnh” thiên hạ. Nhưng bắt ai, đuổi ai, đuổi những người như thế nào? Trong “Vào đời” không thấy nói rõ. Sao không đuổi cổ mấy tên Mai, Song, Hiếu ra khỏi nhà máy? Có phải “đuổi thợ” đều là sai tất cả đâu! Đuổi mấy tên côn đồ lưu manh hồi đó là đúng, còn không đuổi chúng mới là hữu khuynh. Sao không “vả vào mồm” Hiếu, một tên đồi bại, vô ơn với cách mạng, sao không “chỉnh” cho Hiếu một cách đích đáng? Chẳng những Cư, Chiên không “chỉnh”, mà Lưu, Biền cũng làm ngơ cho Hiếu. Thật là vô lý. Thái độ của tác giả đối với Hiếu là một sự sai lầm không thể tha thứ được. “Truyện Kiều” mô tả xã hội cũ, đối với những con người như Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Tú Bà, tác giả lên án rất rõ ràng. Dư luận xã hội cũng lên án họ. Huống hồ đây là một chuyện về xã hội mới, lẽ nào dư luận chung quanh không lên án họ? Trong một vài đoạn, quần chúng cũng có đấu tranh, cũng tỏ ý không tán thành thái độ và hành động của Hiếu nhưng chẳng qua chỉ là lời giải thích chính trị chung chung không có sức thuyết phục. Ngược lại, để đả kích Cư, Chiến một cách không thương tiếc, Hà Minh Tuân đã dùng những hình nét, mầu sắc rất xấu, rất đen tối, rất cay độc mô tả từ “Cái kính cóc gậm” đến “bộ râu đen tua tủa quanh mồm cùng hai khóm lông mũi dài”… đến cái bản chất xấu xa về mọi mặt của họ (tự mãn, công thần, địa vị, đàn áp công nhân…). Trong dịp cải tiến quản lý xí nghiệp, Cư, Chiến đã bộc lộ chân thành những khuyết điểm của mình trước công nhân, Hà Minh Tuân cũng chưa tha và muốn truy kích “địch” tới cùng. Anh cho đó là “lâm ly”, là đạo đức giả. Đối với hành động của Cư, Chiến, tác giả cắt nghĩa nguyên nhân là do bản chất xấu. Đối với Hiếu, anh cắt nghĩa nguyên nhân là do sai lầm của cải cách ruộng đất. Đối với Mai, Song, anh cắt nghĩa nguyên nhân là do các ông “vua liêu”. Việc giải thích nguyên nhân như vậy rõ ràng là một việc thay đổi trắng đen rất tai hại, nó biểu thị một thái độ hằn học đối với cải cách ruộng đất, một mối ác cảm có suy nghĩ từ lâu đối với cán bộ lãnh đạo, đối với công an, đối với mậu dịch… Một thái độ phê bình như vậy sao có thể gọi là một thái độ nghiêm chỉnh được? Sao có thể gọi là xây dựng được? Rõ ràng là một thái độ thiên lệch, lầm lẫn bạn thù, muốn nói cho sướng miệng chứ không phải là muốn cho xã hội ta tốt đẹp hơn như lời dạy của Hồ Chủ tịch.

***

Trong xã hội miền Bắc nước ta, giai cấp bóc lột đã bị đánh đổ nhưng cuộc đấu tranh giai cấp chưa hết, ý thức hệ tư tưởng tư sản chưa bị quét sạch. Đằng sau giai cấp bóc lột có hàng vạn hàng triệu quần chúng tiểu tư sản như Lê-nin nói: “Ngập ngừng và dao động, hôm nay theo giai cấp vô sản nhưng ngày mai sợ hãi, trước khó khăn của cách mạng thì run sợ, hoang mang, khi cách mạng vừa mới thất bại hoặc nửa thất bại, họ náo động, hoảng hốt, khóc lóc, chạy từ phía này sang phía khác” (“Cách mạng vô sản và tên phản bội Cao-sky”).

Mâu thuẫn giữa tư tưởng vô sản và tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, như Lê-nin nói, chỉ có thể giải quyết trên cơ sở “một cuộc đấu tranh có tính chất quần chúng lâu dài và khó khăn chống những aanhr hưởng tiểu tư sản trong đông đảo nhân dân” (“Bệnh ấu trĩ…”); kẻ thù của chúng ta, như Lê-nin nói, không phải là bọn bạch vệ như cũ mà là “yếu tố tiểu tư sản nó bao vây chúng ta như không khí và thâm nhập rất mạnh vào trong hàng ngũ giai cấp vô sản… và yếu tố tiểu tư sản trong nội bộ một nước được giaai cấp tư sản quốc tế ủng hộ…” (Lê-nin tuyển tập, quyển II, tập 2 – “Thời đại mới, sai lầm cũ”, viết năm 1921). Lời dạy đó của Lê-nin cách đây hơn 40 năm còn đầy đủ tính chất thời sự của nó. Ở Hà Nội chúng ta sống trong một cái bể tiểu tư sản thực sự. Giai cấp tư sản không nhiều và cũng không lớn lắm. Nhưng ý thức hệ tư tưởng tư sản vẫn tồn tại rất dai dẳng. Hiện nay cách mạng ta đang tiến lên không hề có thất bại hay nửa thất bại. Nhưng có một số người coi khó khăn khuyết điểm của ta gần như thất bại hoặc nửa thất bại. Họ so sánh với thời kỳ phồn vinh giả tạo trong hồi bị chiếm, họ luyến tiếc lề lối kinh doanh cũ, không muốn chuyển sang sản xuát. Trong khi xã hội đang tiến lên, mọi người đang tiến lên, con cái họ đang tiến lên, họ cảm thấy riêng họ không có “tiền đồ” và buồn phiền bực dọc. Một số gnwowif vì nhận thức không chuyển biến kịp, vì bực dọc cá nhân nên đánh giá con người, đánh giá sự vật một cách tĩnh và phát sinh thắc mắc, nhìn cuộc sống bằng con mắt bi quan xám xịt! Giai cấp tiểu tư sản vốn không có lập trường độc lập. Hoặc họ tiếp thu lập trường của giai cấp vô sản hoặc họ tiếp thu lập trường của giai cấp tư sản. Còn bọn bóc lột thì, như Lê-nin nói, “bây giờ lao vào cuộc chống đối với một nghị lực gấp chục lần trước để chiếm lại “thiên đường” đã mất, cho gia đình họ trước kia sống êm đẹp là thế mà ngày nay bị “bọn cùng khổ hèn hạ” làm cho phá sản phải sống khổ sở (hoặc lao động một cách “hèn hạ”)… Chính vì vậy mà Lê-nin đã nói rằng: “Chuyên chính vô sản chính là một cuộc chiến tranh anh dũng nhất, gay go nhất của giai cấp mới chống với một kẻ thù mạnh hơn, chống với giai cấp tư sản mà sự kháng cự tăng lên gấp bội do chúng bị lật đổ”, và: “Chuyên chính vô sản là một cuộc chiến đấu kiên trì, đổ máu và không đổ máu, bạo lực và hòa bình, quân sự và kinh tế, giáo dục và hành chính, chống lại những thế lực và tập tục của xã hội cũ” (Lê-nin: “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cao-sky”, xem: Stalin: “Vấn đề chủ nghĩa Lê-nin”, bản chữ Pháp, Nhà xuất bản ngoại văn, Mat-xcơ-va, 1951, tr. 45, 46, 47). Phản ứng của giai cấp tư sản, tư tưởng tư sản trong thời kỳ Nhân văn đã bị lên án nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước kia họ chống đối cải tạo, bây giờ họ đã được cải tạo. Nhưng nhiều người vẫn “tiếc của”, tiếc bóc lột, tiếc lối sống cũ. Họ nuôi hy vọng “khôi phục”, nuôi hy vọng “có một sự gì thay đổi”… Xí nghiệp của họ bây giờ phát triển mạnh, họ lại càng đau sót, thấm thía và “ngốt của”! Có một số ít muốn vùng lên! Trước đây bọn Nhân văn là kẻ phát ngôn của họ. Bây giờ cũng vẫn là những phần tử trí thức tiểu tư sản bất mãn dao động phát ngôn cho họ. Một mặt khác thì chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng hòa bình hưởng lạc ở thành phố có điều kiện phát triển so với trước. Cái đó không thể không ảnh hưởng vào trong đảng, trong hàng ngũ giai cấp vô sản. “Vào đời” là tiêu biểu cho một khuynh hướng xấu, một hiện tượng tiêu cực trong văn học cần nghiêm khắc phê phán. Gần đây khuynh hướng bôi đen trong văn học, chủ nghĩa tượng trưng trong hội họa… đã phát sinh ở một số nước XHCN dưới chiêu bài “chống giáo điều”, “chống công thức”, hoặc “chống sùng bái cá nhân”!! Tư tưởng Nhân văn, trào lưu xét lại trong văn nghệ ở nước ta hồi 1956-57 đâu phải chỉ là hiện tượng riêng lẻ không liên quan đến tình hình quốc tế và những trào lưu tư tưởng xét lại hồi bấy giờ! Đó là tư tưởng tư sản, ảnh hưởng của mỹ học tư sản chứ không có gì khác! Đó là sản phẩm phụ của cuộc đấu tranh giai cấp dai dẳng, gay go trong phạm vi mỗi nước và trong phạm vi quốc tế trên lĩnh vực chính trị cũng như trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Đó chính là “sai lầm cũ, hình thức mới”, “thời đại mới, sai lầm cũ” như Lê-nin đã từng nói, không có gì khác. Chúng ta không thể lơ là thiếu cảnh giác trước những biểu hiện của tư tưởng tư sản, của mỹ học tư sản thâm nhập trong hàng ngũ chúng ta.

Chúng ta phản đối bôi đen. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chủ trương tô hồng. Hiện thực mới của chúng ta tự nó rất đẹp, rất hùng vĩ, không cần phải tô son vẽ phấn. Bôi đen rất có hại. Nhưng tô hồng cũng không có lợi gì cho việc giáo dục quần chúng cả. Nó nuôi dưỡng tư tưởng hòa bình hưởng lạc làm cho quần chúng nhụt chí khí phấn đấu. Làm cách mạng không phải như người đi dạo mát ăn kem. Khó khăn, trắc trở là những điều không thể tránh khỏi. Khó khăn có thể làm cho một số người bi quan, hoài nghi. Nhưng khó khăn cũng là một sự thử thách, một lò luyện thép. Đạp lên đầu mọi khó khăn mà vươn lên thì sự vươn lên đó mới anh dũng và đáng được ca ngợi. Chiến đấu gan dạ với mọi khó khăn và khắc phục nó, hiến dâng tất cả sức lực, toàn bộ nghị lực của mình cho sự nghiệp cách mạng vì thắng lợi của CNXH, vì thống nhất tổ quốc, đó là đặc điểm của con người mới, con người XHCN ở miền Bắc. Nhân vật tích cực trong cuộc sống mỗi ngày một nhiều hơn, một lớn lên và trưởng thành. Sự phát triển về số lượng và chất lượng đó nhất định phải được phản ánh trong văn học. Đương nhiên sự phát triển ấy không thể là một con đường thẳng tắp, nó phải trải qua đấu tranh. Hạt nhân của sự phát triển là mâu thuẫn và đấu tranh giữa các mặt đối lập, giữa cái tích cực và tiêu cực trong cuộc sống. Nhiệm vụ của văn học, nội dung của văn học về cơ bản là sự mô tả nhân vật tích cực, xây dựng hình tượng nhân vật tích cực, là sự khẳng định những lý tưởng và ước vọng tốt dẹp của con người trong thời đại chúng ta qua hình tượng nhân vật tích cực. Hiện tượng tiêu cực, nhân vật tiêu cực chỉ có thể coi như sản phẩm phụ của quá trình đấu tranh cách mạng. Ở một số nói nào đó trong một thời gian nào đó, cái cũ có thể thắng nhưng chỉ là cục bộ tạm thời. Nhà văn phải dứng trên lập trường của Đảng để nhìn mọi sự vật, phải có cái nhìn của nhân dân lao động, phải đứng trên lập trường của nhân dân lao động thì mới có thể thấy hết dược thành tích để ca ngợi, thấy rõ được khuyết điểm để phê bình. Không thể đem cái cục bộ làm cái toàn bộ cái bản chất, cái cá biệt hãn hữu ngẫu nhiên làm cái điển hình. Thái độ của nhà văn phải rõ ràng, phải kịch liệt lên án cái xấu, tuyệt đối không thể khoan nhượng với nó hoặc đồng tình với nó. Cái tiêu cực có nguồn gốc. Hiểu không đúng căn nguyên của nó thì việc mô tả hiện thực sẽ hời hợt, không sâu và trở thành xuyên tạc.

Sai lầm chủ yếu của “Vào đời” là sai lầm về lập trường, về thái độ. Không có một thế giới quan và nhân sinh quan đúng thì cách nhìn và sự rung động của nhà văn sẽ lệch lạc hết. Bài học “Vào đời” chẳng những bổ ích riêng cho Hà Minh Tuân mà cũng có thể giúp ích cho chúng ta trong việc suy nghĩ và viết về đề tài mới.

TRUNG NGÔN

Nguồn:

Tạp chí Văn học, Hà Nội, s. 2 (tháng 8/1963), tr. 8-15.

Chú thích

[1] Gibb: nhãn thuốc đánh răng có bán tại Hà Nội từ trước 1954; Ngọc Lan: nhãn thuốc đánh răng của nhà máy xà phòng Hà Nội (nhà máy này thành lập cuối 1960, trụ sở ở đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. – L.N.Â.)

Tháng 8/1963. “Phụ nữ Việt Nam”: Lê Đoan: Quan điểm của cuốn “Vào đời” đối với phụ nữ như thế nào?

“Vào đời” của Hà Minh Tuân đã toát lên rất nhiều quan điểm sai lệch mà nhiều bạn đã phân tích, phê phán. Ngay cả quan điểm đối với phụ nữ của cuốn “Vào đời” cũng thật phản động.

Sen, một người phụ nữ, được chọn làm nhân vật chính trong cuốn truyện “Vào đời”. Phải chăng đây là một vinh dự cho phụ nữ?! Phải chăng đây là dịp để nhà văn thể hiện đúng đắn vai trò của phụ nữ trong công cuộc xây dựng CNXH hiện nay?! Phải chăng đây là sự thiết tha của nhà văn muốn góp phần vào việc động viên giáo dục chị em phụ nữ đi vào lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống mới cho đất nước, giải phóng triệt để cho phụ nữ?

Không. “Vào đời” đã hoàn toàn đi ngược lại.

Đứng trên quan điểm nào mà “Vào đời” đã nhìn người phụ nữ?

Từ năm 1930 đến nay, Đảng ta luôn luôn đả phá những quan điểm phản động của giai cấp phong kiến, tư sản đối với phụ nữ. Đảng từ đầu đã đề ra “nam nữ bình đẳng” và đấu tranh chống mọi biểu hiện coi khinh phụ nữ. Hiện nay, trên miền Bắc nước ta, bọn đế quốc phong kiến và giai cấp tư sản phản động đã bị đánh bại nhưng những tàn dư tư tưởng của chúng lúc nào cũng tìm cách trỗi đầu dậy. Tư tưởng cá nhân hưởng lạc suy đồi của giai cấp tư sản phản động đã lồng lộn lên rất dữ dội trong suốt cả cuốn truyện “Vào đời” sặc mùi khiêu dâm. Những sự thèm khát về nhục dục bộc lộ hết sức khả ố không những ở trong những nhân vật như Mai, Song, Hiếu, mà cả ở một số người khác nữa. Những đoạn văn luận về tình ái thật quá say sưa…! Từ đó mà quan điểm của giai cấp tư sản phản động đối với phụ nữ được tên Mai thuyết trình quá sức rõ ràng, đầy đủ. Chẳng những không có một nhân vật nào khác phản đối mà còn được sự đồng tình tán thưởng của Song và sự gật gù của mụ chủ cô đầu. Mai đã nói với một giọng thao thao bất tuyệt: “Phải tận hưởng cuộc đời, phải gấp gáp tạo cho mình mọi thứ lạc thú trước khi nhắm mắt. Trời sinh ra giống đàn bà để làm hương hoa cho cuộc sống, để nhận giống, thụ thai, rồi nuôi con cái. Giống đàn ông là giống mạnh, giống đàn anh, trời trao cho sứ mệnh thiêng liêng và vất vả là chuyên có việc gieo giống…” Và còn nhiều lời lẽ hoạt bát khác của những nhân vật ấy đã là hiện thân của những tên tư sản phản động đang tiếc rẻ cuộc sống ăn bám, đang hậm hực vì chế độ ta không có những “hộp đêm”, gái điếm để thỏa mãn thú tính, nhục dục của chúng.

Chế độ tư bản chủ nghĩa là chế độ chiếm hữu cá nhân phát triển đến tột bực. Cho nên ở chế độ tư bản chủ nghĩa, mọi thứ và đến người phụ nữ cũng trở thành một món hàng hóa. Quan hệ giữa người với người là quan hệ bóc lột, quan hệ chó sói với nhau. Chỉ có tiền chứ không có tình nghĩa gì cả, “có tiền mua tiên cũng được”. Phẩm giá của người phụ nữ thật rẻ mạt. Người phụ nữ lao động bị khinh miệt, bị vùi dập không thương tiếc. Một số chị em nào, bề ngoài được chúng ve vuốt tâng bốc, nhưng thực ra bị chúng coi như những món đồ chơi để giải trí, một cái máy đẻ không hơn không kém. Chính tư tưởng này chẳng những đã ngự trị trong đầu óc tên Mai, Song mà chi phối cả tâm địa của Hiếu đã dày vò, chà đạp, hành hạ tàn nhẫn Sen. Tên Mai đã từng hủy hoại không biết bao nhiêu cuộc đời phụ nữ, gây biết bao tội ác, nhưng tác giả vẫn nói về hắn: “Có điều lạ là người ta chẳng hề thấy một tia hung bạo nào ở cặp mắt ấy”. Cũng như đối với tên Hiếu thực chất có khác nào tên Mai, nhưng dưới ngòi bút tác giả thì đến lúc hắn đã rất xấu xa đồi trụy mà Sen vẫn nhận xét: “Dẫu sao đi nữa, anh vẫn là con người tốt”. Thực ra cái tốt, cái tình nghĩa của Hiếu đối với Sen như thế nào?

Sau bao cơn xung đột bỏ nhà ra đi, Hiếu trở về: “Tay Hiếu đã nắm gọn cái chìa khóa cũ mà anh vẫn giữ. Anh ta tưởng chừng như đã động vào da thịt mát mẻ của Sen. Chỉ một vòng chìa khóa anh ta lại vào cái phòng êm ả cũ, ngày đêm thơm ngậy mùi đàn bà. Hiếu đã run lên vì xúc động và sốt ruột…” Hiếu đã coi Sen, vợ hắn, chẳng qua cũng là một cái máy đẻ, một con vật để thỏa mãn thú tính của hắn. Trong lúc đó thì tác giả đòi hỏi Sen, người phụ nữ, phải như thế nào? Phải là “dòng suối mát lành, một bông hoa ngát hương thơm của hạnh phúc gia đình”, lúc nào cũng phải một mực dịu hiền, một mực chiều chồng chiều con, phục lụy chồng vô điều kiện, đến ngu xuẩn không còn phân biệt đúng sai. Ngay đến lúc Hiếu đã tỏ ra rất man rợ đối với mình và con mình, đã trằng trợn phản đối chế độ mà tác giả cũng bắt buộc Sen vẫn cảm thấy có sự hối hận nào trong việc đối xử với chồng chưa đủ, mà phải dù thế nào đi nữa vẫn “một mực yêu thương cho đến khi mãn chiều xế bóng”. Hạnh phúc gia đình phải do cả vợ chồng cùng xây dựng, quan hệ vợ chồng dưới chế độ ta là quan hệ yêu thương bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau để chung gánh vác việc gia đình, nuôi dạy con cái, tham gia công việc xã hội. Nhưng chính Mai dã hậm hực nói rằng: “đàn ông đâu có sinh ra để bế con, nuôi con, nên nhớ như thế”. Và Sen, nhân vật chính diện được tác giả rất yêu quý, cũng đã “khinh bỉ đến kinh tởm” những người phụ nữ đòi hỏi chồng phải cùng gánh vác công việc gia đình hơi quá đáng.

“Vào đời” đã nhìn người phụ nữ như thế đấy.

Đứng trên quan điểm nào mà “Vào đời” đã đặt vấn đề phụ nữ?

Đảng ta từ trước đến nay vẫn đặt vấn đề giải phóng phụ nữ đi đôi với giải phóng dân tộc, cho nên Đảng kêu gọi các tầng lớp phụ nữ tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà. Thực tế cho chúng ta thấy rõ chế độ tư bản chủ nghĩa là chế độ vùi dập người phụ nữ, chế độ XHCN là chế độ nâng cao người phụ nữ. Ở đất nước của CM tháng Mười vĩ đại mới có chị Va-len-ti-na đã bay vào vũ trụ. Ở miền Bắc nước ta, phụ nữ được học hành và ngày càng tham gia đông đảo và đắc lực vào các ngành hoạt động kinh tế, văn hóa. Chế độ ta vẫn chưa hết những kẻ xấu nhưng điều rất rõ ràng là hàng ngày trong lao động sản xuất, trong đời sống, ở đâu chị em cũng có cả một tập thể thương yêu giúp đỡ mình trên tinh thần bạn bè, đồng chí. Đảng và Chính phủ ngày càng tạo điều kiện cho phụ nữ được làm việc thuận lợi hơn như ban hành các chế độ phúc lợi về sinh đẻ, về nuôi con…Chính nhờ có chế độ tốt đẹp như thế mà hàng triệu phụ nữ chúng ta không ngừng lớn lên. Nhiều chị em đã trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua và lập được thành tích xuất sắc.

Nhưng “Vào đời” đã lật ngược tất cả mọi thực tế của xã hội ta. Hà Minh Tuân đã phủ nhận bản chất tốt đẹp của xã hội ta và sáng tạo ra Sen đã sống trong một xã hội mà “ma đưa lối quỷ dẫn đường”, ngẫu nhiên trở thành người tốt. Chúng tôi không hiểu được tại sao Sen có thể trở thành một chiến sĩ thi đua? Chúng tôi không biết phải học gì ở con người phụ nữ mà từ đầu đến cuối tỏ ra rất nhu nhược, yếu hèn, thụ động, không có một chút cương nghị. Thái độ của cô rất mập mờ và đời cô gặp tuyền những chuyện éo le, cô luôn luôn là con người của định mệnh ly kỳ. Dứt khoát là nếu ở miền Bắc không có chế độ XHCN tốt đẹp thì phụ nữ chúng ta không thể trưởng thành được như ngày nay.

Tác giả tỏ ra hết sức thương hại Sen vào đời phải lao động vất vả và tả lao động với hình thù của một con quỷ hung ác rắp tâm muốn giết chết Sen.

Không. Với quan điểm của giai cấp vô sản và trong lịch sử của xã hội loài người thì lao động không phải là con đường dẫn đến chết chóc mà là con đường đưa đến cuộc sống xán lạn, sung sướng cho loài người. Đối với phụ nữ, lao động là con đường mang đến cho họ phẩm giá con người, sự tiến bộ, hạnh phúc. Nó mở đường cho giải phóng phụ nữ. Chỉ có giai cấp tư sản ăn bám và bóc lột sức lao động của nhân dân đau khổ mới khinh miệt và xa lánh lao động. Cho nên thái độ chúng ta không thể có cái kiểu giả vờ thương hại, mơn trớn chị em tiểu tư sản như vậy. Đó chỉ là phờ phỉnh và lừa gạt, rất nguy hại cho cuộc đời và tương lai họ. Chúng ta phải động viên khuyến khích họ dũng cảm xông vào lao động sản xuất dù có khó khăn gian khổ. Đó cũng là sự biểu thị lòng yêu nước tha thiết của người phụ nữ Việt Nam.

Một điều nữa là vấn đề phụ nữ không phải là vấn đề giới tính chung chung mà nó là vấn đề gắn liền với giai cấp, với dân tộc. Cho nên nói phụ nữ thì phải biết cụ thể người phụ nữ ấy thuộc tầng lớp giai cấp nào thì mới hiểu được những ý nghĩ và việc làm của họ. Không thể có một thứ giới tính chung chung thoát ly giai cấp mà Hà Minh Tuân đã quan niệm khi giới thiệu mụ chủ cô đầu tán thưởng nhân sinh quan phản động của Mai: “Mụ tuy hồi địch tạm chiếm đã từng là chủ cô đầu nhưng vẫn giữ được ít nhiều giới tính”. Cái giới tính của mụ chủ cô đầu đã từng sống bằng nghề bóc lột tàn nhẫn và bỉ ổi đó thì phụ họa rất tài tình quan điểm về phụ nữ của tên Mai: “đàn ông ối người chỉ thích làm con bướm liệng vành chơi nhởn hút hết nhị hoa này lại hút đến nhị hoa kia. Nhưng đến tuổi nào đó ai người ta cũng nghĩ đến thành lập gia đình, lấy nuôi con đẻ cái làm vui, mong nhờ vả trong lúc tuổi già”. Quan điểm đó chẳng qua cũng là thứ quan điểm cho phụ nữ là một món đồ chơi, là một cái máy đẻ. Chúng ta không thể đặt vấn đề phụ nữ là vấn đề giới tính xóa nhòa ranh giới giai cấp. Làm sao con mụ Lệ Xuân thâm độc giết người của giai cấp phong kiến tư sản mại bản lại có thể có lòng yêu nước và căm thù đế quốc Mỹ như người phụ nữ nông dân miền Nam bị bắt giam trong ấp chiến lược?! Ngày nay chúng ta không có một sự lẫn lộn nào khác, chúng ta không để cho bọn đế quốc tư bản đánh lừa, mơn trớn rằng: “Phụ nữ không nên làn chính trị mà chăm lo việc gia đình chồng con, sửa sang nhà cửa là đủ, là tốt lắm rồi”. Chính đó cũng là quan điểm của Sen với tên Hiếu, người chồng dù đã trở thành kẻ phá hoại cách mạng nhưng vẫn một lòng vị tha và yêu thương nó.

Quan điểm tư tưởng của cuốn “Vào đời” là nguy hiểm, là phản động như vậy. Chúng tôi rất tiếc là trong thực tế sinh động, phong phú của hàng triệu phụ nữ đã và đang vào đời dũng cảm lao động sản xuất, dù gian khổ khó khăn mấy vẫn hăng say và nhiệt tình mà Hà Minh Tuân không chọn được một góc nhỏ để phản ánh, lại đi xếp đặt một câu chuyện trinh thám kiếm hiệp, éo le ly kỳ về cô Sen. Chúng tôi tha thiết mong rằng các bạn cầm bút nên đắn đo suy nghĩ hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với Cách mạng.

LÊ ĐOAN

Nguồn:

Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, s.119 (tháng 8/1963), tr.22-23.

Comments are closed.