Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 136): McAmmond Nguyễn Thị Tư – Lông ngỗng trắng

clip_image001

• Sinh 1960

• Định cư tại Canada từ 1991

• Nghề nghiệp hiện tại: thông dịch viên cho Bộ Di Trú Canada

Sách đã xuất bản:

Trên Nền Tuyết Trắng Xóa – On The Pure White Snow, tập truyện ngắn song ngữ Việt-Anh (NXB Hội Nhà Văn Việt Nam & Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây, 2009)

“Không có vị giáo sư ấy giúp đỡ, em chẳng thể nào có cơ hội vượt qua nửa vòng trái đất để gặp anh được”. Hằng có lần nói với tôi. “Sự may mắn ấy là do công đức em thừa hưởng của ông bà, tổ tiên.”

Một anh chàng Canada như tôi hẳn nhiên rất xa lạ với cái quan niệm về “công đức” mà người Việt Nam rất trân trọng. Nhưng qua những điều Hằng kể làm thế nào cô đến được Canada, tôi phải công nhận cô may mắn thật.

Vận may bắt đầu mỉm cười với cô vào đêm cô nhận được một email do nhầm địa chỉ. Lá thư đến từ một ông giáo sư Canada, người đã ghé Hà Nội trong một chuyến thỉnh giảng trước đó. Ông viết cho một bà giáo sư ở Hà Nội. Địa chỉ email của bà giáo sư cũng giống như Hằng, chỉ khác có số 57 kèm theo đằng sau. Trời khiến thế nào mà vị giáo sư đã bỏ sót con số. Kết quả là lá thư rơi vào hộp thư của Hằng. Cô lập tức viết lại cho ông, mục đích thực tập tiếng Anh. Hằng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội làm quen với người nước ngoài.

Có dạo cô quen với một bà người Úc trong chuyến xe đò từ thành phố Hồ Chí Minh về Hội An. Bà đi du lịch xuyên Việt, cô thì về quê nghỉ tết. Trước khi bà về lại Melbourne, cô mời bà ghé nhà chơi mấy ngày. Cô còn hào phóng chi trọn khoản tiền ăn ở tại ký túc xá ba tháng mà ba má cấp trước cho cô, để mua những món quà đắt đỏ tặng cho bà. Sau khi trở về Úc, bà vẫn liên lạc với cô qua mạng, gần như mỗi ngày. Trong một thời gian ngắn, cả hai đã thiết lập một mối quan hệ khá thân thiết. Đến khi cô ngỏ ý muốn theo một chương trình đại học ở Melbourne, và nhờ bà tìm hiểu chi phí tốn kém như thế nào, mấy ngày sau bà gửi email phúc đáp, ghi rõ chi tiết về tiền học phí, sách vở, bảo hiểm y tế, cả tiền nhà, tiền ăn. Tổng chi phí cho bốn năm học trên dưới 80 ngàn đô-la Úc. Số tiền ba má cô để dành cả đời cũng không có nổi. Cô đọc đi đọc lại những dòng email, không tin vào mắt mình. Người đàn bà từng khoe với Hằng về ngôi nhà đồ sộ với bao nhiêu phòng ngủ, nằm ngay trung tâm thành phố Melbourne, mà bà chỉ ở mỗi mình! Thế mà trong lá thư dài và khá chi tiết này, bà hoàn toàn không đả động gì tới vấn đề cho cô ở “free” một phòng trong nhà như cô trông đợi. Cô tự ái và thất vọng, nhưng vẫn kiên trì luyện tiếng Anh, tiếp tục nuôi hy vọng, tiếp tục tìm kiếm cơ hội đi nước ngoài.

Ngày tháng qua đi. Giữa lúc cô gần như bỏ cuộc, cảm thấy không còn chút hy vọng gì, thì nhận được bức điện thư của vị giáo sư già người Canada. Giống như ông tiên nhân từ trong cổ tích Việt Nam xuất hiện trong đời thực của cô. Cô bắt đầu trao đổi thư từ với ông, bộc lộ nỗi ước mơ được mở rộng tầm mắt bên ngoài đất nước cô đang sống. Hiểu được ước vọng xuất ngoại của Hằng, ông giáo sư già đề cập Cooper Home, một tổ chức nhân đạo nhằm giúp đỡ người bị các chứng bệnh tâm thần. Hằng mừng rỡ nhờ ông hướng dẫn đường đi nước bước. Vị giáo sư gởi cô tài liệu về những câu hỏi người Canada thường dùng trong một cuộc phỏng vấn. Ông còn giúp sửa các lỗi văn phạm và lỗi chính tả trong đơn xin việc của cô. Khi hồ sơ giấy tờ hoàn tất ông chuyển đến tay bà Anagha, trưởng phòng nhân sự của Cooper Home mà ông quen biết từ những năm bà mới đến dạy ngôn ngữ Sanskrit chung trường đại học với ông.

Bà Anagha, một quả phụ Ấn Độ theo giáo phái Hin-đu. Khi tôi bắt đầu công việc ở Cooper Home, bà đã hơn 20 năm gắn bó với tổ chức từ thiện này. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng họp giao ban, bà Anagha đọc cho mọi người nghe lá đơn xin việc hết sức ấn tượng của Hằng, cô sinh viên từ đất nước Việt Nam. Trong thư, Hằng kể rất dài về người chú bị dị tật bẩm sinh. Người đàn ông 40 tuổi tầm vóc như một đứa bé lên ba. Đầu to quá khổ, tay chân lèo khoèo. Không đứng, không đi, không biết nói. Ngày đêm vạ vật lết lê nơi góc bếp, chờ tới bữa người nhà cho ăn. Từ bé mỗi khi sang nhà bà nội chơi, Hằng hay tò mò đến gần quan sát ông. Thoạt đầu nhìn ông Hằng thấy khiếp lắm. Sau dạn dĩ hơn, cô bẻ miếng bánh qui thành từng mẩu nhỏ bỏ vào miệng ông. Trông ông nhai ngon lành, cô thích lắm. Cặp mắt thao láo của người chú cứ chằm chằm vào mặt cô, ngân ngấn nước như khóc. Dần dần những lần sau, cô đem cả sách truyện tranh đọc cho ông nghe. Chẳng biết ông có hiểu gì không, nhưng lặng thinh nghe, lâu lâu miệng kêu lên u ơ, rồi khặc khặc cười. Có lẽ cuộc đời ông chỉ có Hằng là thân cận dịu dàng với ông nhất. Bà nội cả ngày túi bụi với tiệm gạo không mấy khi ngó tới ông, cô Tư và cô Út thì không đủ kiên nhẫn với người anh tật nguyền. Có bận Hằng không cầm được nước mắt khi thấy cô Út lấy cây chổi nện tới tấp lên đầu ông vì bắt gặp ông nhai mấy cục đất chó tha vào nhà. Sau này rời quê lên thành phố học Hằng không có dịp gặp ông nhiều nữa. Nhưng gương mặt dại nghệch với đôi mắt ngấn nước của người chú vẫn thường xuất hiện trong ý nghĩ Hằng. Cô cứ mong tới ngày ra trường đi làm có tiền mua cho ông một chiếc xe lăn, giúp ông thoát khỏi cái góc bếp giam hãm tù túng đó. Rồi những chuyến đi theo các nhóm từ thiện thăm những người già cả neo đơn lại càng nung nấu trong cô ước muốn có điều kiện quan tâm đến những người bị bỏ rơi trong cuộc sống. Cô tin rằng Cooper Home chính là môi trường để cô học hỏi tu dưỡng và thực hiện nỗi khát khao cống hiến của mình.

Bao năm ở vị trí tuyển dụng người cho Cooper Home, bà Anagha đã quen đọc những lá đơn xin việc nhạt nhẽo, vô hồn. Bà thừa hiểu. Ngoại trừ lý do kiếm tiền, hoặc tìm cơ hội định cư ở nước ngoài, mấy ai thực tâm ham muốn sang tới Canada để làm cái công việc phục vụ người điên. Bao nhiêu người đến rồi đi. Cooper Home luôn ở trong tình trạng thiếu người làm. Thế nên mặc dù Hằng không đạt tiêu chuẩn qui định- không bằng cấp không kinh nghiệm- bà Anagha vẫn quyết định lên lịch phỏng vấn cô. Cuộc phỏng vấn tiến hành qua điện thoại. Mới được vài phút thì Hằng rối rít xin lỗi. Cô nói rằng ngoài trời đang mưa lớn quá, sóng điện thoại bị nhiễu, nên cô nghe không rõ. Rồi cô xin trình bày về bản thân mình. Sau này Hằng thú nhận với tôi vì lần đầu giao tế bằng tiếng Anh qua điện thoại, cô rất hoảng. Chỉ sau mấy câu chào hỏi đơn giản ban đầu, cô chới với không hiểu bà Anagha hỏi gì nữa. Cuống quá, cô đổ thừa trời mưa. Thực ra, chẳng có trời mưa gió nào. Cô bịa ra như vậy để thay vì nghe và trả lời câu hỏi, cô có thể tập trung lặp lại những điều đã chuẩn bị và học thuộc lòng trước ngày phỏng vấn. Nói dễ hơn. Nghe mới khó, Hằng bảo.

Cuộc phỏng vấn trót lọt, Hằng tiếp tục thư từ thăm hỏi bà Anagha. Những bức điện thư qua lại giữa hai người trở nên riêng tư hơn. Bà Anagha không có con, bà xem Hằng như con gái. Trong một thư viết cho cô, bà nhắc đến con sông Hằng ở Ấn Độ, dòng sông mang tên vị nữ thần Ganga, con gái của thần núi Himalaya. Có lẽ vì mỗi lần ghé thăm dòng sông ấy, bà thường cầu nguyện và thầm thĩ về hoàn cảnh đơn độc của mình nên cuối cùng thì nữ thần Ganga đã nghe thấu, và ban cho bà cuộc gặp gỡ với một cô gái trẻ Việt Nam giàu lòng nhân hậu, bà tin như vậy. Quả là sự sắp xếp của thần linh! Đâu phải ngẫu nhiên cô gái lại tên Hằng, trùng với tên dòng sông thiêng của quê hương Ấn Độ.

Bà Anagha đã liên lạc văn phòng lãnh sự Canada ở Việt Nam đốc thúc họ cấp visa sớm cho Hằng. Và chỉ một vài tháng sau cuộc phỏng vấn trên điện thoại với bà Anagha, cô đã đặt chân đến phi trường Vancouver. Bà Anagha đích thân lái xe ra đón, thiết lập ngay uy tín và chỗ đứng cho cô ở nơi làm việc.

Đến giờ tôi vẫn hay nghiền ngẫm về việc tôi và Hằng đến với nhau. Phía Hằng, không nghi ngờ gì, là sự lôi cuốn rất mãnh liệt của một cô gái Á Đông. Lúc nào cũng tỏ ra khiêm nhường và chu đáo. Hoàn toàn khác những người con gái Bắc Mỹ tôi quen trước đây. Còn phía tôi, không biết cô nhìn thấy gì ở một anh con trai Canada nghèo và nhà quê này.

Như bao kẻ yêu nhau, chúng tôi cũng trải qua những tranh cãi, hờn giận. Vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ tôi bữa tiệc ở nhà bà Anagha, nhân dịp lễ hội Diwali của người Hin-đu. Có cơm pulao, bánh chapati, rau brinjal, cà ri cừu, và món tráng miệng jelebi làm bằng bột chiên tẩm mật ong. Đối với dân Canada, thức ăn Ấn Độ nổi tiếng vì giá trị văn hóa của nó, đắt và ngon. Đi nhà hàng Ấn Độ thường có ba loại: dân trí thức, dân có tiền, dân sành ăn. Thú thật chẳng mấy khi tôi dám bước vào những nhà hàng sang trọng và đắt đỏ. Vì vậy bữa tiệc ở nhà bà Anagha đêm ấy với tôi là “special treat”. Món nào bà tiếp tôi cũng ăn nhiệt tình. Hằng thì ngược lại. Sau này cô nói với tôi rằng cái hương vị hăng nồng của hạt cumincorriander thấm đẫm trong những miếng thịt cừu sóng sánh màu vàng của nghệ chỉ khiến cô buồn nôn. Thế nhưng suốt bữa ăn cô luôn hít hà, khen ngon, hỏi tỉ mỉ tên các gia vị và cách thức chế biến từng món. Bà Anagha sung sướng vừa cắt nghĩa vừa sớt thêm vào đĩa cho cô. “Khi nào có thời gian mẹ phải dạy con nấu những món ăn này…” Hằng nói. Rồi đợi khi bà Anagha vào bếp, cô kín đáo gạt thức ăn trong đĩa cô vào thùng rác. Cuối bữa, đồ ăn còn thừa, bà Anagha hỏi Hằng có muốn lấy về không. “Vâng, con xin mẹ,” cô nói, quay sang tôi. “Ôi thế là mai em không phải nấu, lại còn được thưởng thức những món ăn tuyệt vời của mẹ nữa”.

Tôi nhớ trong bữa ăn, Hằng tỏ ra sốt sắng lắng nghe khi bà Anagha giải thích với khách về ý nghĩa của ngày hội Diwali. Đây là dịp người Hin-đu bày tỏ niềm tin sâu thẳm của họ: điều thiện sẽ chiến thắng điều ác, ánh sáng sẽ chế ngự tăm tối… Bà minh chứng chân lý này bằng câu chuyện cổ Ramayana trong đó Rama, người đàn ông và vị vua lý tưởng của người Hinđu, đã giết được Ravana, vua của loài quỷ ở xứ Lanka để giải thoát cho vợ là nàng Sita. “Thần thoại Hin-đu thật đẹp và cao sâu về tư tưởng – Hằng gật gù nói. Con cứ tiếc hồi ở Việt Nam chẳng được học nhiều về văn hóa Ấn Độ”.

Rời khỏi nhà bà Anagha, vừa ngồi vào trong xe, Hằng dúi ngay vào tay tôi mấy hộp thức ăn bà đưa cho cô, và nhăn mặt nói: “Em làm sao nuốt nổi những thứ này”.

Đầu óc tôi bấy giờ vẫn còn đang chìm đắm trong câu chuyện xảy ra bao ngàn năm trước. Giá như nàng Sita đừng bị quyến rũ bởi lớp nữ trang lấp lánh trên cơ thể con nai ấy thì đâu bị lâm vào kế của Ravana. Tôi lại nghĩ tới cái kết thúc bi ai. Chàng Rama với bao can đảm và bao công sức mới đánh thắng Ravana, dành lại được Sita, vậy mà cuối cùng cũng không vượt qua được sự ghen tuông tầm thường của một gã đàn ông, đến đỗi nàng Sita tiết hạnh phải cầu xin cho mặt đất nứt ra nuốt chửng thân xác mình. Quá trễ, không còn thay đổi được hậu quả khủng khiếp do trái tim ngờ vực gây ra, Rama chỉ còn biết chết lặng nhìn người vợ thương thiết của mình mất hút dưới lòng đất. Hóa ra con người thời nào cũng thế. Tôi vừa lái xe, vừa chia sẻ với Hằng những ý nghĩ của mình.

Hằng ư hữ rồi nói: “Thấy bà Anagha kể chuyện say sưa nên em cũng phải tỏ ra thích thú vậy thôi.- Cô cười – Thần thoại Việt Nam em còn chẳng màng, nói chi những chuyện hoang đường của Ấn Độ!” Rồi cô chuyển đề tài:

“Tưởng anh chỉ mê món ăn Việt Nam. Nay mới biết anh thích cả thức ăn Ấn. Em thì chịu. Đến giờ cổ còn cảm giác lờm lợm muốn ói.”

“Sao lúc nãy em cứ khen? Làm bà Anagha tưởng em thích lắm.”

“Mất gì lời khen… Người Việt em coi trọng sự tế nhị trong giao tiếp, không làm mích lòng người khác.

“Nhưng đây là không trung thực, là nói dối.

“Chỉ là những lời nói dối vô hại. White lies.”

“Thế lời dối nào là black lie? Tôi nửa đùa. Đâu là ranh giới giữa white lieblack lie?”

Lúc đầu chỉ là tranh luận đùa. Ngờ đâu giọng hai chúng tôi biến đổi lúc nào. Hằng ủng hộ việc nói dối, miễn không phương hại đến người khác. Tôi thì ương ngạnh bám lấy lý lẽ của mình: Nói dối là nói dối. Bất kỳ nhỏ hay to. Đây là vấn đề đạo đức.

“Người Việt trong giao tiếp thường hay quanh co,” tôi buột miệng, không dám dẫn chứng trực tiếp những điều tôi quan sát nơi Hằng trong suốt thời gian chúng tôi quen biết nhau. Thay vào đó tôi hùng hồn kể lại những mẩu chuyện nghe được từ người bạn Canada làm quản lý công nhân ở một xưởng lắp ráp điện thoại, hầu hết là người Việt di dân. “Họ làm việc giỏi, chịu khó, tốt bụng, rộng rãi và hiếu khách. Nhưng hay bè cánh, ăn cắp vặt, và nói dối.” Tôi lặp lại cái kết luận của anh bạn, kịp lúc nhìn thấy mặt Hằng xám lại. Tôi đã không lường được phản ứng dữ dội của cô. Hằng kết tội tôi xúc phạm, kỳ thị dân tộc cô và đề nghị hoãn đám cưới lại.

“Chúng mình đến từ hai nền văn hóa quá khác biệt, không biết có sống được với nhau không”. Cô giận dỗi khóc, đòi tôi đỗ xe để cô đón xe buýt về.

Tôi phải hết hơi phân trần, xin lỗi. Thực ra gần đây trong tôi xuất hiện một thứ cảm giác lo lắng hoang mang khó tả… Cảm giác ấy trở nên nặng nề hơn mỗi lần Hằng không đồng ý cho tôi biểu lộ tình cảm với cô trước mặt người khác, cô không chịu công khai mối quan hệ và dự tính đám cưới của chúng tôi. Tôi cứ tự hỏi có phải đó là sự va chạm của hai nền văn hóa mà mỗi ngày qua đi tôi lại nhìn thấy rõ hơn.

Tôi sinh trưởng tại La Poile. Một cái làng đánh cá bé nhỏ đơn côi ở bờ biển phía nam thuộc tỉnh Newfoundland, hòn đảo tận cùng của miền đông đất nước Canada. Những năm gần đây nhất là từ khi công nghệ đánh cá suy yếu đi vì sự lấn chiếm của các tàu lớn Châu Âu, quê tôi lại càng biết tiếng vì nghèo và nạn thất nghiệp. Nhưng bố mẹ tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ mảnh đất nơi tổ tiên tôi từ nước Pháp đến lập nghiệp bao đời nay. Đến như anh trai tôi, tốt nghiệp kỹ sư đến Toronto làm được hai năm lại bỏ về La Poile bảo là không hội nhập nổi với cuộc sống ở một thành phố lớn. Anh chẳng thà ngày ngày theo bố lênh đênh ngoài khơi trên chiếc thuyền con, tối về nhâm nhi rượu với mấy ông ngư phủ trong xóm. Mẹ tôi làm ở nhà máy đóng cá hộp. Em gái đang theo lớp mười hai. Tôi học xong đại học sư phạm, cũng đua theo lớp trẻ rời bỏ hòn đảo quê hương lang thang đi tìm miền đất hứa, và sau cùng trôi dạt tới tận thành phố Vancouver, cách quê tôi đến hơn bảy ngàn cây số. Vừa đi dạy học, vừa làm tình nguyện ở Cooper Home vào những ngày nghỉ cuối tuần. Thật tôi không ngờ giữa cái thế giới xô bồ ở thành phố này tôi lại gặp được Hằng, người con gái Việt Nam đã bước vào cuộc đời tôi như số phận.

Dịp lễ Phục Sinh vừa qua về thăm nhà, khi tôi tuyên bố ý định cưới Hằng, mẹ tôi đã buột miệng hỏi:

“Cái gì khiến con yêu cô gái Việt Nam ấy?”

“Tất cả về cô ta,” tôi đã tự tin trả lời.

Tôi có hàng tỉ chuyện để khoe về Hằng. Nào là cô ăn mặc rất giản dị, không trang điểm, làm việc siêng năng, quan tâm chiều chuộng người chung quanh, nào là khi tôi bị bệnh cô cạo gió, nấu nước xông, bắt tôi ăn cháo hành. Cả nhà được dịp nghe tôi giải thích bao nhiêu truyền thống tập tục của người Việt Nam rất khác lạ với chúng tôi. Cô em gái tôi vừa nghe chuyện vừa ca ngợi mấy bông hoa bằng vải do chính tay Hằng làm và gởi tôi mang về tặng gia đình… Sau đó em tôi đọc cả lá thư Hằng viết làm quen với gia đình tôi nữa. “Có vẻ như đây là một cô gái đặc biệt, khó tìm thấy ở xã hội mình thời nay.” Mẹ tôi bảo. Anh tôi thì đùa: “Hỏi xem cô ấy có chị hoặc em còn độc thân không?” Bố tôi cười vang khi tôi bảo trong suốt mấy tháng quen nhau Hằng chưa bao giờ tỏ ý muốn tiêu tiền của tôi. Mỗi lần mời đi nhà hàng, cô đều từ chối, thay vào đó cô đi chợ mua đồ nấu hết món này đến món khác đem đến cho tôi. Hôm tôi đưa cô đi chọn nhẫn đính hôn, cô nằng nặc bảo chỉ cần tình yêu của tôi. Cô nói ở đất nước cô thời chiến tranh, có những chàng trai trước khi lên đường ra trận còn tặng nhẫn kết bằng lá cỏ cho người yêu. Sau cùng tôi ép quá cô tự chọn cho mình một chiếc nhẫn đá giá trị giá mười đô la. Nghe đến đây, cô em gái tôi tròn mắt: “Trời, thời đại này còn có những cô gái như vậy sao? Too good to be true.” Cô kêu lên, vẻ không tin, nhưng lại hối: “Bao giờ anh sẽ đưa chị ấy về ra mắt nhà mình đây?”

Xem hình Hằng, cả nhà tôi khen. Mẹ tôi thích mái tóc dài đen nhánh. Em tôi trầm trồ làn da nâu. Anh tôi bảo khi ở Toronto cũng có quen một cô gái Việt Nam nhưng cô ta đua đòi ăn diện còn hơn cả mấy cô Canada. Bố tôi nói: “Cô Hằng này coi bộ hợp với gia cảnh nhà ta”. Tôi vui sướng với những nhận xét của gia đình về Hằng. Thế mà không hiểu sao Hằng nói mẹ cô thường lo cô không lấy được chồng vì nghèo và kém nhan sắc. Theo cái nhìn của cánh đàn ông con trai Việt Nam, một phụ nữ phải cao, gầy, mắt hai mí, mũi cao, da trắng, tóc màu, mới là đẹp. Em gái tôi nghe vậy, bảo: “Còn phụ nữ bên này lại thích tóc đen, da ngăm và mắt đen của người châu Á”. Bố tôi lắc đầu: “On veut toujours ce que l’on n’a pas. Con người luôn ao ước cái mình không có”. Ông bảo tôi thật may gặp được Hằng. “Con phải biết nâng niu gìn giữ báu vật mình đang có,” ba tôi nói một cách quả quyết.

Mọi người ở Cooper Home cũng ngưỡng mộ cô. Từ khi cô xuất hiện, các nhân viên khác như bị lu mờ. Dịp Giáng Sinh, cô có quà cho tất cả mọi người, từ giám đốc đến lao công, và cả những bệnh nhân tâm thần. Những đồ mỹ nghệ nho nhỏ xinh xắn đem từ Việt Nam qua. Cả những món quà cô tự tay làm. Sinh nhật người nào cô cũng tặng quà, thiệp chúc mừng, có khi cô còn nấu món ăn mà người đó thích nữa. Hết thảy mọi người đánh giá cao sự tế nhị quan tâm của cô. “Tốn kém đáng mấy,” cô bảo tôi. “Quan trọng là lấy được lòng mọi người. Ở Việt Nam điều này ai cũng biết”. Về công việc thì cô được tiếng chăm. Có lần cô bảo tôi: “Chị Natalie thật dại. Những ngày tới phiên lau chùi, chị cứ chờ khi cả nhà đi ngủ rồi mới làm. Em thì lại đợi khi có nhiều người mới làm để người ta nhìn thấy sự siêng năng của mình.”

Những suy nghĩ khác lạ của Hằng làm tôi ngày càng bối rối và lo âu. Nhất là hôm Hằng thổ lộ với tôi rằng ở Việt Nam không ai, kể cả bố mẹ cô, biết cô đang làm công việc phục vụ người bệnh tâm thần. Hằng nói với gia đình và bạn bè trong nước rằng cô đang làm phụ tá giảng dạy cho các em học sinh ở một trường tiểu học. Cô giải thích với mọi người rằng cô có được công việc này là nhờ sự giúp đỡ của một giáo sư tốt bụng người Canada, ngoài thời gian làm việc cô theo học các khóa tiếng Anh cao cấp. Để thêm sức thuyết phục, Hằng nhờ tôi chụp mấy tấm hình cô trong lớp với đám học trò của tôi để gởi về Việt Nam.

Thế rồi chỉ hai tuần sau bữa tiệc ở nhà bà Anagha, cảm giác âu lo mơ hồ của tôi trở nên nặng nề hơn nữa. Hôm ấy, bà Anagha ghé khu nhà nơi Hằng làm việc để đưa cho cô quyển sách về thần thoại Hin-đu. Các nhân viên bảo Hằng đang trong lịch nghỉ. Cô rời chỗ làm từ hôm qua và báo rằng cô về nghỉ tại nhà bà Anagha. Trong khi đó Hằng nói với bà Anagha rằng cô sẽ không thăm bà đợt nghỉ này vì muốn ở lại chỗ làm để dành thời gian đọc sách và học thêm tiếng Anh. Tất nhiên bà Anagha không biết rằng căn phòng trọ của tôi từ lâu đã là nơi Hằng thường trú trong những ngày nghỉ của cô. Chuyện vỡ ra. Tôi và Hằng lại cãi nhau. Cô nói vì sợ tai tiếng khi ngủ qua đêm tại nhà tôi nên mới phải nói dối như thế.

Hằng chưa kịp phân trần với bà Anagha thì một chuyện còn khủng khiếp hơn xảy đến ngay ngày hôm sau. Vừa ở trường về, tôi nhận được điện thoại của cô gọi đến gấp. Đến nơi tôi được cô cho đọc bức điện thư bà Anagha mới gởi tới:

“Con gái hết mực thương yêu của ta,

Ta viết cho con những dòng này ngay sau cuộc nói chuyện với sư cô Diệu Tâm ở tịnh xá Từ Thanh, một người bạn thân của Cooper Home. Sư cô điện thoại cho ta từ Việt Nam sau khi rời nhà ba má con. Đầu đuôi thế này: Ngày mai là sinh nhật con. Để ghi nhận sự đóng góp của con với Cooper Home, Ban lãnh đạo và nhân viên ở đây muốn dành cho con một món quà bất ngờ. Mọi người vẫn nhớ câu chuyện về người chú tật nguyền mà con kể trong lá thư xin việc, và quyết định mua một chiếc xe lăn tặng cho ông với danh nghĩa con. Sẵn dịp sư cô Diệu Tâm về thăm miền Trung lũ lụt, Cooper Home đã nhờ sư cô mang chiếc xe về cho chú con.

Tới đây chắc con đã đoán điều gì xảy ra rồi. Ta chỉ vắn tắt cho con rõ: sư cô đã tìm đến địa chỉ gia đình con. Cả nhà rất ngạc nhiên, cho rằng có sự nhầm lẫn với một cô Hằng nào khác. Ba má con khẳng định với sư cô Dieu Tam rằng con đang dạy học ở Canada chứ không phải làm ở trại tâm thần. Và, con có mấy người chú nhưng không hề có ông chú nào tàn tật trong gia đình con. Ba má con còn đưa sư cô coi quyển album có những hình ảnh con gởi về, trong đó sư cô nhận ra một tấm hình có ta và các vị lãnh đạo ở Cooper Home. Những tấm hình khác là cảnh con trong lớp với bọn trẻ. Con với trời tuyết. Con với đường phố Vancouver. Con với những con người lành lặn, khoẻ mạnh. Không có tấm ảnh nào cho thấy con đang làm việc với những người dị dạng mang chứng tâm thần. Sư cô Diệu Tâm không biết phải làm gì với chiếc xe lăn ấy, đành gởi tạm nó trong nhà con.

Con gái yêu quý,

Con thường nói rằng con là một cô gái may mắn. Và con cắt nghĩa sự may mắn đó là do phước đức tổ tiên ông bà để lại. Ta nghĩ đã đến lúc con đừng ỷ lại vào những gì người đi trước tạo ra cho mình nữa. Con phải bắt đầu tạo lập công đức cho chính bản thân mình và cho thế hệ sau. Nếu con chỉ biết tiêu xài công đức một cách hoang phí mà không biết tạo dựng và tích lũy thì con cháu con sẽ thừa hưởng những ân sủng gì từ con? Cách dễ dàng nhất là bắt đầu tập thói quen khiêm tốn, quên mình, nghĩ đến người khác nhiều hơn bản thân mình trong bất kỳ công việc gì. Ta hiểu điều này nghe có vẻ giáo điều, lạc hậu, nhưng sự thực là khi mình nghĩ về bản thân nhiều tức là mình đang tiêu thụ công đức, ngược lại khi phụng sự tha nhân mình lại đang tạo thêm phước đức cho chính mình và những thế hệ tương lai. Những rắc rối con đang vướng phải có lẽ là sự nhắc nhở con đừng quá lo nghĩ đến bản thân mình.

Hãy cứng cáp và bình tâm đương đầu với thực tại. Nhớ rằng ta vẫn luôn ở bên con, đứa con gái mang tên dòng sông thiêng của đất nước ta. Xin nữ thần Ganga tiếp sức cho con vững vàng hơn trong cõi trần đầy thử thách này.

Đêm đó tôi ngủ không yên. Cứ nhớ tới hình ảnh Hằng ngồi rũ rượi trên giường lúc chiều, đôi mắt sưng húp, đau đớn, lạc vào khoảng không trước mặt. Lá thư của bà Anagha khiến tôi chết lặng. Tôi đã không biết nói gì để chia sẻ với Hằng trong lúc cô khóc rấm rức. Tôi không có lời lẽ nào. Chẳng thể nào diễn đạt được tâm trạng rối bời của tôi khoảnh khắc ấy.

Tờ mờ sáng điện thoại reo. Bố tôi. Giọng ông to, khoẻ, sang sảng, đầy phấn khích. Ông báo tin ông quyết định sẽ đi Việt Nam dự đám cưới của tôi và Hằng. “Đó là lệnh của mẹ con, bố không trái lời được”. Lúc đầu cả nhà tôi không ai tính đi, chỉ vì một lý do đơn giản là không thể lo được tiền vé máy bay. Để tôi trả thì không đời nào bố mẹ tôi đồng ý.

“Mẹ con lèo nhèo suốt mấy ngày nay. Bà nói cả đời bố chưa được đi đâu ra khỏi cái làng La Poile. Giờ phải đi một lần trước khi chết.” Ba tôi ngưng tiếng cười, giọng thấp lại: “Tội mẹ con mấy năm nay mắc chứng đau tim, không cùng đi với bố chuyến này được.”

Bố tôi cho biết mẹ tôi đã quyết định bán mảnh đất ông bà ngoại để lại. Đó là món tài sản cuối cùng của gia đình tôi. Ông bảo tiền bán đất sẽ trang trải được chuyến đi Việt Nam của ông, phần còn thừa để dành cho em gái tôi vào trường đại học St. John’s.

Tôi điện thoại cho Hằng. Ngỡ tin vui này sẽ giúp cô nguôi ngoai phần nào. Ai dè cô hốt hoảng:

“Không. Bố anh không phải đi đâu. Tội nghiệp ông. Mất tiền, mất công ăn việc làm. Đường xá xa xôi…”

“Không sao. Ông đã quyết”.

“Đừng. Bố anh không phải đi đâu…” Hằng lặp đi lặp lại sự phản đối của cô, giọng lắp bắp như hụt hơi.

“Chẳng phải hôm trước em nằng nặc bảo là ít nhất nên có bố hoặc mẹ anh có mặt trong đám cưới chúng ta ở Việt Nam đó sao? Em bảo có mặt bố mẹ anh sẽ tăng danh dự của em và gia đình bên ấy.”

Không nghe Hằng nói gì, tôi tiếp:

“Bố đã quyết rồi. Mẹ cũng thúc ép. Cả đời ông chưa bao giờ bước chân ra khỏi cái hòn đảo ấy”.

“Không được, trời ơi…” Giọng Hằng lạc đi, rồi cô cúp máy.

Tôi chỉ nghĩ rằng cô vẫn còn đang trong trạng thái không ổn định sau cú sốc về lá thư của bà Anagha. Rồi tôi hối hả lái xe đi làm.

Tan giờ dạy, lại họp giáo viên tổng kết học kỳ. Về đến nhà đã khuya. Tôi tính điện thoại cho Hằng, không hiểu sao lại ngồi vào bàn vi tính. Trong danh sách những lá thư gửi tới có tên Hằng. Cô viết:

“Có phải đây là ngày phán xử cuối cùng? Có phải Thượng Đế đang ra tay trừng trị em? Trời ơi! Sao mặt đất không nứt ra nuốt lấy thân xác em như nàng Sita trong câu chuyện bà Anagha kể đêm nào? Lá thư của bà Anagha rồi tiếp đến cú điện thoại của anh sáng nay, ôi thật rùng rợn. Tại sao tất cả không chỉ là cơn ác mộng?

Cứ ngỡ bố anh sẽ không bao giờ đặt chân đến Việt Nam, như anh từng nói. Nên em đã nói với mọi người bên Việt Nam rằng bố anh là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, và gia đình anh thuộc giới thượng lưu sống ở Vancouver. Em nghĩ nói như vậy cũng chẳng hại gì ai, mà gia đình em sẽ được nở mày nở mặt. Bây giờ nếu bố anh xuất hiện trong đám cưới chúng ta, ông chỉ là người đánh cá, em biết ăn nói thế nào…

Nước mắt tôi ứa ra. Những dòng chữ nét nghiêng màu xanh nước biển Hằng hay dùng khi viết email nhập nhòa trên màn hình. Tôi không muốn đọc nốt phần còn lại. Cứ nghĩ đến bố tôi… Và cổ tôi nghẹn lại đau đớn. Người đàn ông làm nghề đánh cá suốt một đời, chưa hết lớp chín nhưng luôn ngẩng cao đầu. Tôi luôn tự hào về bố tôi. Một người đàn ông nghèo, giản đơn, tốt bụng, chân thật, dũng cảm. Tôi hình dung ông đang trong bàn tiệc cưới. Cái giọng to khoẻ sang sảng của ông kể cho những người Việt Nam ngồi quanh ông nghe về làng đánh cá ở hòn đảo Newfoundland nghèo của đất nước Canada. Tất nhiên sẽ có cô cậu sinh viên nào đó biết đủ tiếng Anh để thông dịch lại cho mọi người. Ba tôi sẽ nói về cuộc sống hàng ngày của ông trên con thuyền mỏng manh ngoài khơi lạnh cóng. Tôi chắc ông sẽ không quên nhắc đến chuyện làm thế nào ông đã cứu được một thanh niên làng bên bị đắm thuyền trong cơn bão mùa đông giá buốt năm ấy. Thể nào ông cũng đem tờ báo The Globe and Mail đăng bài phỏng vấn và hình ông khoe với mọi người. Và tôi chắc bố tôi sẽ còn đòi đi thăm những làng chài ở Việt Nam để ông có chuyện đem về làng La Poile kể.

Chợt hiện trong trí óc tôi hình ảnh cặp nhẫn cưới tôi và Hằng mới chọn mua cách đây mấy ngày. Bất ngờ tôi nhớ tới câu chuyện nghe bà ngoại kể thuở tôi còn nhỏ. Bà bảo chuyện này già trẻ trong làng La Poile ai cũng biết.

Ngày xưa ở một làng nhỏ ven biển có một cô bé nổi tiếng nói dối. Mẹ cô nhiều lần khuyên bảo nhưng cô vẫn chứng nào tật nấy. Một hôm, cô đòi mẹ một cái gối nhồi bằng lông măng của loài ngỗng tuyết ở vùng Bắc cực, vì cô nghe nói rằng loại gối này sẽ đem đến những giấc mơ ngọt ngào, và một cuộc sống hoàn hảo. Người mẹ phải tìm đến tất cả những người thợ săn trong vùng đặt mua lông của loài ngỗng ấy. Cuối cùng bà dồn đủ một cái gối cho cô. Bà sai cô đem ra bờ biển đổ hết những sợi lông ra. Cô bé làm y lời mẹ. Cô vừa giũ bao gối, trăm trăm ngàn ngàn sợi lông trắng nuốt mong manh như những bông tuyết chen chúc ùa ra, lượn lờ trên không. Gió ngoài biển lồng lộng thổi vào. Chỉ trong phút chốc, bao nhiêu chiếc lông ngỗng đã tứ tán dạt trôi. Cô bé trở về trả cho mẹ cái áo gối rỗng. Ba ngày sau, người mẹ trao lại cho cô bao gối bảo cô đi thu lại cho bằng hết những chiếc lông ngỗng mà cô đã thả ra hôm trước. Cô bé trở ra bờ biển. Những sợi lông đã theo gió lang bạt đến tận phương trời nào. Cô thất vọng trở về. Dọc đường, cô ghé từng nhà hỏi thăm. Người bảo có nhìn thấy sợi lông trắng vương chỗ này, người bảo chỗ kia. Cô bé cố gắng tìm nhặt từng chiếc, từng chiếc một. Đến tối chưa được đầy nắm tay. Cô về nhà phàn nàn với mẹ. Bà bảo: “Những lời nói dối cũng như những sợi lông ngỗng ấy. Khi được thả ra, chúng có thể bay đi những ngõ ngách xa, rất xa, chẳng bao giờ lấy lại được.”

Tôi cứ miên man gẫm suy câu chuyện. Thấy như mình chợt thức tỉnh vì sự thực trần trụi giản đơn của nó. Tôi nghĩ lại mối quan hệ của tôi với Hằng. Cảm giác bối rối hoang mang từ lâu bao phủ tôi như một đám sương mù dày đặc bây giờ dường đã tan đi. Thay vào chỗ của nó, tôi cảm giác như có một đập nước vỡ tung trong đầu trong ngực tôi, toàn thể tôi như bị chao động trong dòng thác của những giọt nước mắt cay đắng và nỗi thất vọng lớn lao.

Nguồn: https://tranhuythuan.wordpress.com/2011/04/30/long-ngỗng-trắng-truyện-ngắn-mcammond-nguyễn-thị-tu/

Comments are closed.