Nhà văn Nguyên Ngọc: Tây Nguyên – “quá chút nữa thì không còn cưỡng lại nổi”

Nguyễn Hồng Anh thực hiện

Bài phỏng vấn dưới đây là phần tiếp theo nội dung nói chuyện của chúng tôi cùng nhà văn Nguyên Ngọc (phần trước, chúng tôi đã công bố trên Văn Việt ngày 19/3/2023). Trong một sáng tháng Ba mát trời, tại ngôi nhà yên tĩnh của mình ở Hội An, những ký ức về Tây Nguyên được ông lần giở lại sôi nổi qua giọng kể – như vẫn vậy mỗi lần ông có dịp nói về vùng đất quá nhiều gắn bó với cuộc đời mình… Bài nói chuyện như một tổng kết từ kháng chiến đến hoạt động văn nghệ, và khái quát thành “triết học Tây Nguyên” – theo cách nói của nhà văn. Một số nội dung ở đây đã được ông viết thành các bài ký sâu sắc trong tập truyện “Các bạn tôi ở trên ấy”. Một số điều lần đầu ông kể lại…

image

Nhà văn Nguyên Ngọc và người phỏng vấn – Hội An, tháng 3/2023

N.H.A: Ông có thể kể sơ lược sự gặp gỡ ban đầu giữa Tây Nguyên và cuộc kháng chiến?

Nguyên Ngọc: Như đã nói, ngày 23/9/1945, chỉ một tháng sau Cách mạng tháng Tám, Pháp đã quay lại chiếm Sài Gòn, nhưng khi đánh rộng ra đến Đèo Cả thì không đủ sức đi tiếp nữa. Giữa vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ còn lại với Tây Nguyên, họ chọn dồn sức lên chiếm Tây Nguyên vì đây là vùng đất cao khống chế. Các nhà quân sự đều nói ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Nam Đông Dương. Cũng vậy năm 1975 chính quyền Sài Gòn bỏ Tây Nguyên, lập tức tất cả sụp đổ. Cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm ở Liên khu 5 về cơ bản là cuộc giành giật khó nhọc và kéo dài giữa ta và đối phương vùng cao nguyên chiến lược này, tuy những năm đầu mặt trận ở đây trông chừng không mấy ồn ào.

Người Tây Nguyên quen sống tự do, không muốn chịu thống trị áp bức nào, nên hồi đầu thế kỷ XX khi người Pháp đến chiếm, đã vấp ngay nhiều cuộc nổi dậy chống lại, một số cuộc lớn như khởi nghĩa của Nơ Trang Lơn ở vùng Đak Nông ngày nay, hay phong trào Nước Xu ở Bắc Tây Nguyên mà ông Núp hồi trẻ có tham gia…

Người Tây Nguyên không ưa thống trị của Pháp, nhưng cũng không thích người Kinh, do một số thương lái lên buôn bán lừa đảo. Người Pháp lại kích thêm vào mối chia rẽ này, họ bày ra cái gọi là “chính sách muối” (politique du sel), nộp một cái đầu Việt Minh thì được Pháp đổi cho ba bát muối. Trong rừng, vị gì, chua đắng ngọt bùi đều đủ, chỉ vị mặn là tuyệt đối không. Ở đây hạt muối là hạt vàng. Người ta đành đốt rễ tranh lấy tro mà ăn để có một chút vị chát.

Muốn giành lại vùng cao nguyên chiến lược này thì phải nắm được dân, bằng công việc kiên trì gọi là “gây cơ sở”. Muốn gây cơ sở, cụ thể là rỉ rả nói chuyện với người ta để mà tuyên truyền, thuyết phục, thì điều kiện đầu tiên là phải gặp được nhau. Hóa ra khó nhất là “gặp”. Mình đi đông thì họ chạy mất, đi ít thì họ bắt, cắt đầu đổi muối Tây!

Gây cơ sở thì không thể dùng bộ đội chủ lực, hoạt động ở Tây Nguyên bấy giờ chủ yếu là các đội vũ trang tuyên truyền. Tôi có một người quen, tên là Nguyễn Huy Chương, từng là đội trưởng vũ trang tuyên truyền ở Đak Lak thời ấy, về sau làm đến chính ủy sư đoàn, rồi phó chính ủy quân khu. Anh kể hồi bấy giờ tính mãi không biết làm sao gặp cho được dân. Cuối cùng nghĩ ra một kế: bí mật rình ở bìa rẫy, buổi chiều sẫm, khi những người lao động chính đã về hết rồi, chỉ còn một bà già nán lại nhặt củi rơi để tối về sưởi, đêm Tây Nguyên vốn rất lạnh; bèn xông ra kéo bà già ấy vào rừng, dọa ngay không được la hét, la lên thì tôi bắn! Bà già thì hoảng loạn, mình thì ú ớ tiếng Ê Đê, đã nói được gì đâu. Giữ lại lâu thì lộ, phải thả về, dặn về tuyệt đối không được nói lại với ai, và chiều ngày sau ra lại đây gặp tôi, sai thì tôi vào làng bắn chết… Liều thế, rồi phập phồng kéo dài hàng tháng… Cho đến một hôm, bà cụ đã bình tĩnh và khá quen, bỗng hỏi: “Con ở ngoài rừng thế này, ăn gì mà sống được?”. Lần sau bà mẹ ra (anh đã gọi bà bằng Mí = Mẹ) còn cầm theo một nắm cơm. Nắm cơm đầu tiên của một người mẹ Ê Đê mang vào rừng cho một người con là lính Việt Minh. Một bước lớn và quyết định đã được vượt qua… Rồi lần khác, hàng mấy tháng sau, theo lời dặn dò rất cẩn thận của Chương, mẹ còn dẫn ra thêm một bà già khác mà mẹ tin cậy nhất trong làng… Cứ thế, tổ phụ nữ kháng chiến đầu tiên ra đời. Bao giờ đầu tiên cũng là các bà mẹ… Tổ phụ nữ thứ hai, trẻ và xông xáo hơn. Rồi tổ thanh niên. Và du kích. Đến lúc này Huy Chương và đồng đội đã có thể vào làng, thoạt tiên ban đêm, nhiều đêm, rồi ban ngày… Quân Pháp đánh hơi, nhưng chúng mò vào làng đã khó. Vì người Ê Đê đã bắt đầu cắm chông, bảo để chống thú rừng, thực tế chống Tây đi lùng… Cho đến khi du kích công khai chống càn… Bao nhiêu lâu cái công việc rị mọ ấy? Giỏi nhất sáu tháng, thông thường một năm. Hồi bấy giờ Đak Lak có một trung đoàn gọi là trung đoàn 84, phương thức hoạt động danh nghĩa là đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, nhưng thực tế chỉ có một đại đội độc lập gọi là đại đội 17 thường đứng ở vùng M’Lá, Cà Lúi cách ranh giới Phú Yên không xa, làm chỗ dựa cho hàng chục đội vũ trang tuyên truyền tiến thoái lúc thuận lợi hay khó khăn…

N.H.A: Ông đến với Tây Nguyên từ năm nào?

Nguyên Ngọc: Tôi lên Tây Nguyên lần đầu vào cuối năm 1950, như thế là rất muộn đối với Tây Nguyên, khi các đội vũ trang tuyên truyền đã tiến được khá sâu vào nội địa. Tôi đi cùng tiểu đoàn 39 thuộc trung đoàn chủ lực 108 được điều từ Quảng Nam vào Phú Yên để áp tải dân công đưa gạo lên Đak Lak cho các đội võ trang tuyên truyền, đã đông đúc và hoạt động mạnh đến mức phải dùng lực lượng dân công lớn tiếp tế gạo, có đội đã đi đến sát biên giới Campuchia, tức đã có làng kháng chiến Ê Đê hay Mơ Nông xuất hiện tận đấy. Quân Pháp phản ứng mạnh hơn. Đã tạo được thế giằng co trên chiến trường. Tuy nhiên vẫn còn chưa đến lúc có thể đưa lực lượng chủ lực lên mở các trận đánh lớn. Còn mất đến hơn ba năm nữa…

Tiểu đoàn 39 áp tải dân công chuyển gạo xong lại rút trở ra Quảng Nam.

– Về cùng chứ? Tiểu đoàn trưởng Tường Vinh hỏi.

– Anh về trước. Tôi ở lại đã, muốn la cà thêm với núi rừng ít nữa.

– Bị mấy ông võ trang tuyên truyền cù rủ rồi chứ gì!…

Tôi đi Đak Lak bấy giờ là với danh nghĩa phóng viên mặt trận của báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân) Liên khu 5. Tờ báo ấy có một anh Chủ nhiệm tên là Trương Khả Liệu (tức nhà thơ Hà Kiều ở Sài Gòn sau này). Anh Liệu thả phóng viên tự do muốn đi đâu thì đi, miễn là đi ra mặt trận, thỉnh thoảng gửi về đôi mẩu tin hoặc một bài tường thuật ngắn. Tôi báo tin ở lại Đak Lak, anh không hề phản đối.

Tôi sinh ra ở Đà Nẵng, sống tuổi thơ ở Hội An, toàn ven biển, nhưng tạng người lại hợp với rừng, gặp rừng núi thì thoải mái và bị thu hút, viết dễ và dễ viết hay.

N.H.A: Như vậy từ 1950, ông đến và ở lại, khởi đầu “mối duyên” giữa ông với Tây Nguyên. Ông có thể kể thêm về hoạt động và quan sát của ông khi đi sâu vào lòng Tây Nguyên những năm tháng “đầu đời” đó? 

Nguyên Ngọc: Tôi ở lại, nhưng không đi với vũ trang tuyên truyền. Tình cờ gặp ba người thật hay và bị họ cù rủ vào một vụ nghe chừng có thể hấp dẫn…

Duyên số thật. Ba người. Thứ nhất là chị Hải, con gái ông đại biểu đầu tiên của tỉnh Phú Yên ở Quốc hội khóa Một. Chị được Hội Phụ nữ Phú Yên tăng cường cho Đak Lak khi kinh nghiệm của các đội vũ trang tuyên truyền cho thấy công tác dân vận trên này trước tiên cần nhằm vào các mẹ, các chị. Chị Hải lớn hơn mấy anh em chúng tôi vài tuổi, chúng tôi gọi chị là Mai Đoa (tiếng Ê Đê: Mai = Chị; Đoa = Hai). Người thứ hai là Nhật Lai, nhạc sĩ mới vào nghề, anh yêu em gái chị Hải, chị Hải rủ, anh đi theo, và rồi sẽ bị Tây Nguyên mê hoặc tới sa đà với nó. Người thứ ba là Y Yơn, người Jarai quê ở Buôn Sam một làng cổ nổi tiếng tận cuối tỉnh Đak Lak giáp Gia Lai. (Ê Đê và Jarai là hai tộc người gần nhau, tiếng nói gần giống nhau).

Đak Lak, bấy giờ là tỉnh rộng nhất Tây Nguyên (chưa cắt riêng Đak Nông ra như ngày nay) từng có một ông công sứ Tây rất độc đáo, tên là Léopold Sabatier, cai trị từ 1913 đến 1926. Sabatier là người đã phát hiện, sưu tầm và dịch ra tiếng Pháp tác phẩm lớn nhất của văn học dân gian Tây Nguyên, trường ca Đam San, đem khoe nó với thế giới. Ông cũng sưu tập được toàn bộ Luật tục Ê Đê và tổ chức cai trị Đak Lak bằng một tòa án luật tục. Sabatier mở trường, bắt mỗi làng phải cử một đứa trẻ con đến học, làng nào không tuân lệnh thì chủ làng bị bắt, đánh đập thậm tệ. Trường dạy tiếng Ê Đê, tiếng Pháp, phong tục tập quán và văn hóa Ê Đê, đào tạo ra lớp trí thức đầu tiên của Tây Nguyên (về sau hầu hết những người này đều trở thành cán bộ cách mạng). Tha thiết bảo tồn nguyên vẹn văn hóa bản địa, Sabatier chủ trương đóng chặt cửa địa bàn Đak Lak, cấm tất cả người ngoại lai xâm nhập, người Việt, người Hoa, cả người Pháp. Dựa vào Luật tục sưu tầm được, ông viết và tuyên đọc một bản văn có vần gọi là “Lời ca Nguyện thề” (Palabre du Serment), tập họp tất cả các tù trưởng địa phương trong một lễ hội Ăn thề lớn tôn vinh ông làm Đại Tù trưởng của toàn xứ Đak Lak… Cuối cùng ông bị chính những người Pháp đồng bào của ông đang ham hố vào chiếm đất làm đồn điền cao su vận động Toàn quyền Đông Dương Pasquier cách chức, đuổi về nước. Sabatier lủi thủi trở về Pháp, mang theo một cô gái Ê Đê làm con nuôi, mà ông gọi tên là Hbia. Ở Tây Nguyên tên Hbia cũng tương tự như tên Eva trong văn hóa phương Tây, là người đàn bà đầu tiên của loài người và của Huyền thoại, cũng là biểu tượng của Xứ sở, trong trường hợp này là Xứ sở bị đánh mất. Dường như bi kịch của Sabatier chừng nào đó là báo hiệu sớm của bi kịch Tây Nguyên mãi về sau, giữa bảo tồn vùng đất tuyệt diệu này cùng bản sắc của nó, đối mặt với tham vọng hùng hổ vào khai thác nó đến tàn bạo của các nhóm lợi ích xảo quyệt và hung dữ…

Y Yơn là một học trò muộn của Sabatier. Khi Y Yơn ra đời thì công sứ Sabatier bị đuổi đã lâu, nhưng kiểu trường của ông vẫn còn, kỷ luật bắt người đi học vẫn nguyên, học trò đến trường vẫn coi đại tù trưởng Sabatier là thần tượng và chịu ảnh hưởng sâu sắc tình yêu cùng tư tưởng của ông. Buôn Sam làng Y Yơn có một đứa học trò tên là Y Khí bị chết, thấy Y Yơn hát hay người ta bắt đi học thay, dù là đứa bé con nhà nghèo nhất làng. Nghèo nhất vì cả cha anh, ông Y Tam và mẹ anh, bà H’Lum quanh năm chẳng chịu làm ăn, chỉ say mê múa hát và chế ra đủ thứ nhạc cụ kỳ lạ, nghèo cho đến nỗi khi sinh ra anh, bà H’Lum đã định đập cho chết luôn, sợ không nuôi nổi, nhưng ông Y Tam giành lại, ông muốn dạy con còn hát hay hơn cả ông.

Cách mạng tháng Tám, Y Yơn có làm Phó Chủ tịch huyện Buôn Hồ một thời gian, khi Pháp đánh lên, mặt trận Buôn Hồ bị vỡ, anh chạy về vùng giáp ranh Phú Yên, được cử làm hiệu trưởng một trường văn hóa, bị Pháp bắt trong một trận càn, nhờ hát hay khi lính Pháp bảo hát cho chúng nghe, nhân chúng sơ hở anh chạy thoát, và gặp chị Hải cùng Nhật Lai. Tôi cũng gặp ba người đúng thời gian này. Họ đang định lập ra một thứ gọi là đội Tuyên truyền công tác, chuyên đi làm dân vận trong các làng bằng cách biểu diễn văn nghệ múa hát, đóng kịch tự chế ra, một gánh hát rong tự phát giữa chiến tranh. Chắc chị Hải là người có ý tưởng, được tỉnh Đak Lak đồng ý bởi tỉnh cử anh Thuấn từng là huyện ủy viên làm đội trưởng của gánh hát rong này. Bốn người (đã có thêm anh Thuấn) thấy tôi là dân báo chí văn nghệ bèn rủ đi theo. Ít lâu sau tuyển thêm hai chị Ê Đê, một chị tên là H’Un.

Vậy là xuất hiện một tổ chức không có trong hệ thống hay biên chế nào cả, vũ trang tuyên truyền không phải, chúng tôi làm sao vũ trang được bằng họ, gánh hát chay cũng không, bởi chúng tôi cũng có ít vũ khí, hai súng các-bin và một khẩu súng trường dài ngoẵng, anh Thuấn đội trưởng thì có súng lục ru-lô, và trường hợp gặp Pháp o ép quá cũng có nổ súng chống cự, còn thì chủ yếu cố tránh chúng. Cũng có lần phối hợp với du kích vài làng cùng chống càn. Sau này đọc tiểu thuyết “Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh tôi thấy cái lực lượng vũ trang kỳ lạ đánh Mỹ anh mô tả có vẻ hơi giống chúng tôi, chỉ có điều trình độ chúng tôi có vẻ thô sơ hơn, và chúng tôi lại thiên về múa hát. Như vậy chị Hải là người sáng lập, anh Thuấn là lãnh đạo, Nhật Lai với tôi và hai chị Ê Đê là đội viên, còn Y Yơn là nhân vật đặc biệt, anh là linh hồn của đội. Hát múa kịch đều do anh sáng tác và chủ trì. Anh còn dạy chúng tôi tiếng Ê Đê. Tuyên truyền tất nhiên phải rành tiếng Ê Đê, hát rồi đóng kịch cũng vậy, bấy giờ tôi đã có thể tự mình đăng đàn tuyên truyền bằng tiếng Ê Đê trong làng, nói dông dài hàng tiếng. Cũng nghe hiểu được phần nào các cụ già kể Khan (trường ca), các mẹ các chị hát dân ca hay nói kiểu tục ngữ. Lại có thể la cà thâu đêm hút rượu cần với trai gái các làng, nghe và biết được bao nhiêu điều hay và lạ. Đặc biệt Y Yơn có bài hát Gọi heo rất tuyệt, bao giờ người nghe cũng không cầm được nước mắt. Ở Tây Nguyên người ta không nuôi heo chuồng mà thả rông, chỉ buổi chiều nắng đã sắp tắt các bà già và các cô gái đứng ở bìa làng cất tiếng ót ót gọi heo, và đàn heo như một lũ trẻ con lon ton chạy ùa về chen chúc vục mõm vào máng rau cám đua nhau táp lấy táp để ngon lành. Người Tây Nguyên đi xa quê xa làng không nhớ gì bằng tiếng ót ót gọi heo đó buổi chiều tà của mẹ hay của cô gái yêu. Y Yơn, rồi Nhật Lai cũng bắt đầu sáng tác một số bài hát kêu gọi kháng chiến, đều dựa theo dân ca, nhưng nhớ lại không gì bằng bài Gọi heo của Y Yơn. Mỗi trận đánh Tây xong, đêm liên hoan, du kích lại hát Gọi heo. Gọi heo trở thành bài hát kêu gọi kháng chiến đánh Tây. Sáng tác nhạc cách mạng kiểu Y Yơn là vậy.

Chúng tôi thường tiếp sau các đội vũ trang tuyên truyền, khi các anh vũ trang gây được cơ sở đầu tiên rồi, chúng tôi làm tiếp công việc củng cố và phát triển. Cũng có lúc Pháp bung ra càn quét rát quá, chúng tôi phải tạm lui về núi Dleya. Dleya là cụm núi lớn nhất của Đak Lak, và là núi thiêng. Có một buôn Dleya đã xây được cơ sở vững chắc ở chân núi, chúng tôi lui về núi thì làng Dleya là chốt án ngữ bảo vệ. Bà con Ê Đê thường không dám đi sâu vào cụm núi thiêng này. Có bao nhiêu chuyện lạ về Dleya. Đấy là nơi ngự trị của các Yang tức Thần linh, con người không được chạm tới. Cũng có lời đồn trong ấy có người rừng. Một đội trinh sát có lần vào sâu trong Dleya, đêm đốt lửa, bỗng nghe tiếng hú vang từ rừng sâu, rồi một tốp người trần truồng lông lá chạy ùa đến, sửng sốt đứng nhìn lửa. Người rừng Dleya còn chưa biết lửa. Cũng có người bảo trong ấy có người, có làng thật, là những làng từng chống Pháp khi họ mới vào chiếm Tây Nguyên hàng trăm năm trước. Thua, các làng ấy rút lui vào cụm núi lớn này, cắt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, chỉ thỉnh thoảng có người cải trang từ trong ấy mang các sản vật ra đổi lấy muối, rồi lại lặng lẽ biến vào rừng, làng trong ấy chỉ thiếu muối…

Thực tế những năm ấy ở Đak Lak, ở Tây Nguyên là vậy, hiện thực khó nhọc của công cuộc gây cơ sở giành dân và giằng co với Pháp, chen lẫn với huyền hoặc của núi rừng mờ ảo và linh thiêng. Còn tôi thì được nhúng mình đầm đìa trong cuộc, núi rừng còn nửa hoang dã cứ thế thấm vào da thịt, bản năng nhiều hơn là ý thức…

N.H.A: Sau đó, biến cố nào khiến ông rời khỏi Đak Lak?

Nguyên Ngọc: Tháng 5 năm 1951 chúng tôi hoạt động ở Krong Pách, là khu vực có rừng ngập nước. Đêm 15 tháng 5 công tác dân vận múa hát ở Buôn Kreah Prong, xong ra ngủ lại ở một cánh rừng thưa ven đầm nước. Ngủ ở đó vì cách bờ đầm vài chục mét có một gò đất nhỏ nhô lên trên đó có một cái giếng nước ngọt. Chọn vị trí như vậy mà ngủ là ý thức quân sự rất tồi, Tây tập kích từ trong rừng đánh ra chỉ còn đường đâm đầu xuống đầm. Mờ sáng hôm sau chúng tôi bị tập kích thật, chắc lộ từ đêm ở trong làng. Tảng sáng, chị Un dậy sớm tìm ra gò đất có giếng để đánh răng thì vấp ngay một tên lính Tây đang loay hoay tìm chỗ bố trí đón lõng chúng tôi. Nó bắn một phát. Lập tức súng nổ bốn bề. Chúng tôi vùng chạy. Được một khoảng, tôi chạy sau, thấy máu xối ra ở chân chị Hải. Cũng may, chị Un ra đầm sớm, bọn Tây chưa khép xong vòng vây. Anh Thuấn và chị Un bị bắt, còn thì thoát. Chạy khỏi vòng vây rồi, chúng tôi dìu chị Hải vào một khóm rừng rậm. Chẳng có bông băng, chúng tôi xé áo băng vết thương cho chị, chị bị thương gần chỗ kín của phụ nữ, rất khó cầm máu. Ngày ấy còn chưa có võng, phải lấy chăn buộc chặt hai đầu làm võng, chặt cây làm đòn, ba anh em Y Yơn, Nhật Lai và tôi thay nhau khiêng chị về núi Dleya. Từ Krong Pách về Dleya phải qua hai quốc lộ 21 và 19. Mỗi lần qua lộ, tất nhiên toàn về đêm, tôi bò ra trước, lấy hòn đá ném lên mặt đường xem chừng động tĩnh, Y Yơn và Nhật Lai mới khiêng cáng vượt qua. Hai ngày hai đêm thì về tới Dleya. Tìm một con suối nhỏ thật kín trong rừng, cất lều, nuôi chị Hải. Có chút thuốc men nào đâu, bông băng cũng không. Bấy giờ tôi đã có một bà mẹ nuôi ở làng Dleya, tên là Amí H’Jú. Chỉ có bà mới được vào núi thăm chị Hải, bà nấu lá rừng rửa vết thương cho chị, tìm lá thuốc cho chị uống. Đang lúc bọn Pháp nghi ta ở Dleya, tìm cách mò vào núi. Chúng tôi phối hợp với du kích Dleya đánh chặn mấy lần. Núi sâu rất lạnh, ngày không thể đốt lửa sợ lộ khói, đêm cũng không thể nhóm bếp to. Thuốc lá rừng của Amí H’Jú không cứu được chị Hải. Chị cứ hao mòn dần, hơn tháng thì chị chết. Đấy là người phụ nữ Kinh đầu tiên hy sinh ở Tây Nguyên.

Chị Hải chết, anh Thuấn và chị Un bị bắt, đội tuyên truyền của chúng tôi rời rạc dần, rồi tan. Nhật Lai và Y Yơn ở lại Đak Lak, tiếp tục công tác văn nghệ ở tỉnh. Tôi đi dần ra phía Bắc, năm 1952 tới Gia Lai, cuối năm ấy ra đến Kontum, vùng Ba Na, đi đến đâu thường tìm bám vào các đội vũ trang tuyên truyền…

N.H.A: Và ông đã có tác phẩm đầu tiên về Tây Nguyên từ những năm tháng đi thực tế và chiến đấu đó?

Nguyên Ngọc: Đó là một sáng tác tên “Pra”, với nhân vật chính là Ama Yơk.

Đội của chúng tôi hoạt động được mấy tháng thì bỗng có người đến xin gia nhập, một ông già tự xưng tên là Ama Yơk, tóc bạc, râu ria xồm xoàm, khoác một khẩu súng kíp, hỏi quê ở đâu thì khai sâu tít trong núi Dleya, lại kể rằng làng của ông tên là Pra, có con suối nước chảy ngược từ dưới lên trên, từng đánh Tây từ trước khi có Cách mạng, thua phải chạy vào núi, nay thấy Cách mạng lại nổi lên ông bèn tìm đến xin theo. Ông học rất nhanh bài hát Gọi heo, đêm vào các làng cùng hát với Y Yơn, mỗi người một bè, người cao người thấp, nghe rất lạ…

Ama Yơk ở với chúng tôi được vài tháng, rồi một đêm, sau khi biểu diễn ở một làng, ông lặng lẽ biến mất, cũng bất ngờ như khi đến. Thời ấy ở trên này mọi thứ còn lỏng lẻo, Ama Yơk đến rồi đi, cứ như thật như hư, chợt hiện ra rồi chợt biến mất, chúng tôi cũng chẳng mấy thắc mắc…

Giữa năm 1952, ở Gia Lai, tôi viết và gửi về cho anh Trương Khả Liệu sáng tác dài tên là “Pra”, ghi thể loại là bút ký, kể về một làng trong núi Dleya, với nhân vật chính Ama Yơk đúng như tôi từng gặp và sống cùng mấy tháng, người và việc nửa hiện thực nửa huyền thoại, kể chuyện Ama Yơk dẫn đầu dân làng Pra nổi lên khởi nghĩa chống Pháp từ giữa rừng sâu… Báo Vệ quốc quân đăng làm nhiều kỳ, mỗi kỳ đều ghi “Kỳ sau đăng tiếp”… Nhưng đến kỳ thứ 5 thì bỏ dở và im lặng lờ đi luôn, bởi tôi viết đến đó thì tắc, không biết dắt dẫn nhân vật của mình đi đâu nữa. Anh Liệu viết thư cho tôi an ủi: Không sao, chưa tiếp được cứ để đó, có ngày sẽ tìm ra… Sau này ra Hà Nội tôi có đến Thư viện quốc gia tìm đọc lại, thấy đúng đấy là một kiểu tiểu thuyết chứ chẳng phải bút ký, khi viết đã học hành lý luận gì đâu, làm sao phân biệt thể loại. Thời ấy Hà Nội còn chưa có photocopy, không lưu lại được, rồi Thư viện lại cho ai đó mượn báo lưu trữ, nghe nói người mượn bỗng bị bệnh điên, báo mượn chắc gia đình đem bán đồng nát, cái viết đầu tay dở dang của tôi mất biệt luôn, chẳng còn dấu tích…

N.H.A: Sống đủ lâu với con người Tây Nguyên có lẽ đã giúp ông nhận diện được điều gì là đặc trưng nhất nơi họ, từ trong suy nghĩ đến thể hiện trong văn chương của ông? 

Nguyên Ngọc: Tất nhiên có câu hỏi: Người Tây Nguyên từ đâu đến? Con đường đi của họ trong lịch sử lâu dài như thế nào, để hình thành nên “đặc trưng” của họ? Hãy thử nói về người Jarai, tộc người đông nhất, chiếm vùng trung tâm rộng rãi của Tây Nguyên vắt từ Đông sang Tây, từng là trung gian nối kết hai vương quốc lớn và lâu đời, Champa ở bên này với Khmer ở bên kia. Về ngôn ngữ, tiếng Jarai gần giống hệt tiếng Chăm, nói hoàn toàn có thể hiểu nhau. Thậm chí nhiều nhà khoa học coi người Jarai là người Chăm lên Tây Nguyên. Nếu quả vậy, tại sao lại có những người Chăm lên Tây Nguyên để trở thành người Jarai, tức những người vốn ở đồng bằng lại lên núi để trở thành một tộc người miền núi? Giáo sư James C. Scott ở Đại học Yale Hoa Kỳ đã thử trả lời câu hỏi này, trong một phạm vi rộng lớn hơn: ở toàn vùng đồng bằng và cao nguyên Đông Nam Á, trong đó Nam Đông Dương là một phần. Năm 2009, Scott cho xuất bản cuốn sách quan trọng Nghệ thuật để không bị cai trị (The Art of Not Being Governed: An Anarchist History of Upland Southeast Asia, Yale University Press). Ông cho rằng khi các dân tộc ở đồng bằng Đông Nam Á, do những tác động khác nhau, phát triển thành các quốc gia có Nhà nước, thì những người không muốn bị cai trị bởi các Nhà nước ấy đã bỏ chạy lên núi, và trở thành những thực thể mà ta gọi là các tộc người thiểu số trên Cao nguyên. Scott còn có bài viết “Núi và Tự do” (“Mountains and Freedom, or Why Civilizations Can’t Climb Mountains”. Critique internationale, volume 11, issue 2, 2001, tr. 85-104) trong đó ông bảo các nền văn minh thì không biết leo núi, lại còn có nhận xét: tiếng Sanskrit của các quốc gia Nam Á văn minh không bao giờ leo cao được quá 500 mét!

Suy theo kiểu James C. Scott, khi người Chăm vốn từ các đảo ở biển Nam đến cư trú trên vùng duyên hải Nam Trung bộ, do ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, phát triển thành Vương quốc với Nhà nước Champa, thì những người Chăm không muốn chấp nhận sự cai trị của Nhà nước đó đã bỏ chạy lên Tây Nguyên để trở thành người Jarai. Họ lên núi để tìm tự chủ và tự do.

Về địa hình, Tây Nguyên có đặc điểm nổi bật: thoai thoải ở sườn Tây xuôi dần về Mekong, nhưng lại dốc đứng trên sườn Đông đổ xuống duyên hải Nam Trung bộ. Từ đồng bằng Nam Trung bộ chỉ có thể đi lên Tây Nguyên theo những đường mòn độc đạo cao vút. Có thể nhận ra và gọi tên các con đường hiểm trở ấy mà người Chăm ly khai với Nhà nước Champa đang hình thành đã quyết mạo hiểm leo lên, hẳn từ những thời rất xa xưa, để trở thành người Jarai tự do: lối đi nay đã thành quốc lộ 19, từ Quy Nhơn, liên tiếp trèo qua hai ngọn đèo đều chót vót An Khê rồi Mang Yang, lên Pleiku; và đường trước đây mang tên số 7, nay gọi là quốc lộ 25, từ Tuy Hòa, qua Cheo Reo, cũng lên Pleiku …

Tuy nhiên, có phải chỉ Jarai?

Người Ê Đê ở Đak Lak cũng có cách kể về con đường từ đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ đi lên Tây Nguyên của mình, họ có truyền thuyết về nơi gọi là Lỗ Đất Adreh. Hai anh chàng Ê Đê mải miết đuổi một con heo rừng ủi phá rẫy, chui theo nó vào một lỗ đất hun hút, đến khi thoát ra ở đầu lỗ bên kia thì thấy một vùng đất đỏ mênh mông muông thú và cây cỏ tốt tươi trù phú… Họ bèn quay về dẫn cả cộng đồng của mình nô nức lên miền đất hứa vừa khám phá được. Ở Đak Lak ngày nay người ta có thể chỉ rõ cái lỗ đất Adreh hạnh phúc ấy: đấy chính xác là đèo Phượng Hoàng ngày nay trên quốc lộ 23, xuất phát từ Nha Trang, qua Ninh Hòa, từ đó leo Trường Sơn ở đoạn này càng dốc đứng, để lên tới Buôn Ma Thuột…

Không chỉ có truyền thuyết hay huyền thoại, hãy nghe các nhà khoa học nói về các xã hội Tây Nguyên trong lịch sử. Trong tác phẩm Rú Mọi (Les Jungles Moï, Paris: Emile Larose, 1912; bản tiếng Việt Rừng người Thượng do Lưu Đình Tuân dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Nxb Tri thức, 2008) đặc sắc, sau khi đã chăm chú khảo sát khắp từ Nam đến Bắc, Henri Maître nhận xét hình thái xã hội ông vừa đi qua: Tây Nguyên “gồm các làng rời rạc và độc lập”.

Cũng nói về “các làng độc lập và rời rạc” đó, hơn 20 năm sau, 1937, trong sách Mọi Kontum hai nhà dân tộc học đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi viết: “… Dầu to hay nhỏ, mỗi làng Ba Na là một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập, không phục tùng dưới quyền thống trị nào khác”…

Vậy đó, “đặc trưng” của những người đã quyết bỏ đồng bằng, leo lên núi, tất nhiên từ những thời rất xa xôi đến mịt mù, đủ thời gian để hình thành những tộc người riêng biệt.

N.H.A: Nơi đặc trưng ấy cũng đã sản sinh ra một anh hùng Núp, người đã gặp gỡ người lính – nhà văn Nguyên Ngọc như một cuộc hạnh ngộ?

Nguyên Ngọc: Năm 1952 và đầu 1953, tôi đi theo các đội vũ trang tuyên truyền và một số tổ chức chính trị làm công tác dân vận ở Bắc Tây Nguyên, từ Gia Lai ra tới Kontum, được sống với các tộc người khác nhau, Jarai, Ba Na rồi Xơ Đăng, cả Dẻ Triêng ở mạn cao Đakglei… Tình hình ở đây cũng tương tự như đã kể ở Đak Lak. Từ khoảng 1953, hoạt động kiên trì giành dân và phát động chiến tranh du kích đã tạo được thế trận thuận lợi ở đây để đưa các đơn vị chủ lực lên mở các trận đánh lớn. Trong khi đó, cuối 1953 đầu 1954, song song với Điện Biên Phủ, địch mở chiến dịch Atlante nhằm đánh chiếm vùng tự do của Liên khu 5. Ta chủ trương chỉ dùng bộ đội địa phương và dân quân du kích đối phó ở đồng bằng, chủ động đưa quân chủ lực lên mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, trong một đêm đánh hạ 3 đồn trên hướng cửa mở vào thị xã Kontum, tiêu diệt 1 tiểu đoàn và 1 đại đội lính Âu Phi, 1 đại đội quân địa phương, sau đó phát triển lên phía Bắc truy kích quân địch tận Attopeu ở Nam Lào, đồng thời chặn đường phía Nam, quân Pháp hoảng hốt bỏ thị xã Kontum mà chạy. Giữa tháng 2-1954, ta tiêu diệt tiếp đồn Đak Đoa ở Gia Lai, là cứ điểm án ngữ che chở cho quốc lộ 19 (còn quốc lộ 19 thì cắt đôi Tây Nguyên, như vậy với chiến thắng Đak Đoa toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên đã được giải phóng, trong khi chiến dịch Atlante của Pháp ở đồng bằng thất bại hoàn toàn). Tôi bị thương trong trận Đak Đoa, được khiêng 10 ngày về bệnh xá Ba Tơ, nằm một tháng thì lành. Nghe quân ta đã chuyển vào vùng quanh An Khê, tôi đi bộ từ Ba Tơ vào Bình Định, tìm đường lên An Khê. Bấy giờ chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc, quân Pháp ở Triều Tiên rút về Đông Dương, lập thành Binh đoàn cơ động số 100 (GM 100), đóng ở An Khê, giữ đường 19 từ An Khê đến Pleiku, tạo thành tuyến ngăn quân ta tiếp tục tràn xuống Nam Tây Nguyên. Quân khu 5 được giao nhiệm vụ kìm giữ GM 100 không cho nó ra Điên Biên Phủ. Đương nhiên không chỉ kìm chặt, quân khu 5 còn muốn tiêu diệt nó. Đúng ra bị tiêu diệt ở đồn Đak Đoa đã là 1 đại đội của GM 100 từ Triều Tiên về. Và trận đánh Đak Đoa rất ác liệt, quyết đánh đến lần thứ ba mới hạ được đồn, chính là để tăng sức ép xuống quốc lộ 19, buộc GM 100 phải bỏ chạy từ An Khê về Pleiku, sẽ tiêu diệt nó trên đường. Tính chuyện lớn như vậy nên không hề đơn giản. Phải liên tục đánh một số trận thăm dò và uy hiếp, buộc bọn GM 100 ở An Khê phải tính chuyện bỏ chạy. Đồng thời trinh sát kỹ đường 19 chuẩn bị cho trận phục kích lớn.

Làng S’tơr của Núp (tức làng Kông Hoa trong Đất nước đứng lên) nằm cách đường 19 khoảng mươi cây số về phía Bắc, Núp là chỉ huy du kích S’tơr. Chúng tôi đóng trong làng và trong rừng quanh làng, những đêm trinh sát đường 19 bao giờ cũng có Núp và du kích của Núp đi cùng, được Núp dẫn đường và cùng nhau mò mẫm bò đi sờ cho kỳ tận tay từng đặc điểm địa hình. Đêm nào cũng thức trắng đến rạng sáng, về lại ôm nhau ngủ vùi… Tôi quen thân Núp từ đấy, cả bà mẹ Núp và chị Liêu vợ Núp, được coi như người thân trong gia đình. Ở Núp tôi nhận ra một Ama Yơk khác, cũng từ quá khứ huyền hoặc của lịch sử Tây Nguyên mà đi ra, nhưng trẻ trung và đang bước tới xa hơn trên đường hiện đại hóa khó nhọc và xúc động, tìm đến với cuộc chiến đấu hiện đại và rộng lớn hơn của một đất nước với một cuộc sống mới lạ và rộng lớn hơn…

Sau một loạt trận đánh thăm dò và gây sức ép của ta, ngày 24 tháng 6-1954 GM 100 bỏ An Khê để chạy về Pleiku và rơi vào trận địa phục kích của ta ở Đak Pơ, ngay đúng tại ngã ba từ làng S’tơr của Núp đâm ra đường 19, và bị tiêu diệt hoàn toàn. Nghe bảo Cụ Hồ có lần gọi đấy là trận giao thông chiến lớn nhất thế giới, riêng số xe còn nguyên thu được là 229 chiếc. Đêm chiến thắng tôi gặp lại Núp trên mặt đường, anh đứng trên một chiếc xe chiến lợi phẩm như vậy mỗi vai khoác một khẩu súng, thêm một khẩu nữa cầm tay, tay còn lại vẫy chào, và gọi: “Về nhà chớ, mẹ với Liêu chờ lâu quá rồi!”.

Không thể về được, lại có lệnh hành quân lên bao vây Pleiku, một cánh quân khác đang phát triển về hướng Buôn Ma Thuột, một cánh nữa đang trên đường xuống Nha Trang… Thế trận cứ gần như 1975 sau này… Nhưng rồi tất cả phải dừng lại: Hiệp định đình chiến đã được ký ở Genève. Có anh khóc òa vì tiếc…

N.H.A: Từ gặp gỡ đó, ông Núp trở thành nguyên mẫu cho nhân vật trong tác phẩm của ông như thế nào?

Nguyên Ngọc: Liên khu 5 mở Đại hội thi đua, ngay tại Phù Cát, Bình Định, nguyên là hậu cứ của mặt trận An Khê. Núp được cử đi đại hội, tiếng Kinh mới bập bẹ, chữ thì hoàn toàn chưa biết i tờ. Tôi viết báo cáo cho Núp ở Đại hội. Rồi Núp đi tập kết trước tôi, ra Hà Nội, dự Đại hội thi đua toàn quốc và được tuyên dương Anh hùng quân đội. Tôi đi tập kết chuyến cuối cùng, trong đội hình sư đoàn 324, ra đến Sầm Sơn ngày 19 tháng 5-1955, về đóng quân ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, rồi ở Đô Lương, Nghệ An. Ngày 2 tháng 9-1955, chân ướt chân ráo ra Hà Nội do Tổng cục Chính trị quân đội mở trại sáng tác về các anh hùng quân đội, triệu tập mỗi sư đoàn một người. Tôi được gọi vì có anh Dương Minh Đẩu nguyên là Phó Ban tuyên huấn quân khu 5 về Tổng cục trước giới thiệu Khu 5 có cậu Ngọc có vẻ cũng viết được đấy cứ gọi thử xem. Tôi về trại ngơ ngác và rất run, gặp một loạt các bậc đàn anh nổi tiếng từng văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, Nguyễn Khắc Thứ đã có bộ tiểu thuyết Đất chuyển hai tập dày cộp, Phùng Quán đang gây xôn xao với Vượt Côn Đảo, Hồ Phương thì có Thư nhà từng vang dội, Nguyễn Khải đã có giải thưởng văn nghệ quân khu 3… Tất nhiên tôi xin viết anh hùng Tây Nguyên của khu 5, ông Núp.

Trại viết của quân đội bấy giờ rất kỳ lạ, lấy giường cá nhân của bộ đội kê lên làm bàn, bốn người ngồi bốn góc đối diện nhau cứ thế mà sáng tác tiểu thuyết. Phần đông các anh đều phải đi gặp anh hùng để lấy tài liệu, chỉ có tôi chẳng phải đi đâu, ông Núp là bạn tôi mà. Vả chăng, dù chẳng dám nói với ai, may quá ngay từ đầu tôi đã biết tôi đâu có viết trần mỗi ông Núp, còn Ama Yơk của tôi nữa chứ, rồi Y Yơn, và bao nhiêu con người ở trên ấy tôi từng gặp, từng biết, từng thuộc suốt những năm lang thang ngấm mình đầm đìa Tây Nguyên, cả đất trời rừng núi trên ấy nữa, đất nước và con người. Nay có ông Núp là để gửi vào đấy bao nhiêu tích lũy dồn nén những năm tháng vùi mình say mê.

Bấy giờ ông Núp học trường văn hóa bên Gia Lâm, tôi viết được một số trang thì xin sang ở cùng ông, tối hai anh em đốt lửa ngay giữa nhà cho đỡ nhớ Tây Nguyên. Cứ viết xong từng chương tôi lại đọc cho ông Núp nghe, tất nhiên dù viết người thật việc thật vẫn phải hư cấu rất nhiều, bởi nói cho cùng viết bao giờ cũng là viết về chính mình, trải nghiệm của mình, tự chiều sâu của cuộc đời mình cho đến lúc đó, tôi hiểu và tin điều ấy. Đọc cho ông Núp nghe rồi hỏi thấy sao, lần nào ông cũng đều trả lời “Được đấy! Đúng rồi!”. Đúng với Tây Nguyên tự trong ông, ông chấp nhận, tôi hiểu vậy… Bấy giờ anh Từ Bích Hoàng phụ trách trại sáng tác, nổi tiếng hiền như bụt, nhưng vẫn kỷ luật rất nghiêm, anh quy định phải viết xong trọn trong ba tháng, từ 2-9 đến 2-12-1955 hạn phải nộp quyển. Tôi nộp đúng 12 giờ trưa ngày 2 tháng 12. Hồi ấy sức trẻ, viết ngày đêm, nộp quyển xong tôi mượn thẻ ra vào cổng doanh trại của Phùng Quán, một mình ra phố đi lang thang, đầu óc không còn biết gì nữa…

Xong trại, chúng tôi được cho đi tham gia cải cách ruộng, “để biết nông dân và nông thôn” theo lời ông Nguyễn Chí Thanh hồi đó là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội. Tôi đi Thủy Nguyên, ngoại ô Hải Phòng cùng Nguyễn Khải và Nguyễn Trọng Oánh. May quá, cả ba chúng tôi chưa kịp bắn tên địa chủ nào thì cải cách được phát hiện sai và dừng lại. Lẽ ra chúng tôi sẽ được trả về đơn vị cũ của mình, chắc sẽ trở thành một số anh cán bộ tuyên huấn nào đó. Nhưng trong thời gian chúng tôi đi cải cách lại nổ ra vụ Nhân văn Giai phẩm, như ta đều biết, bắt đầu từ trong quân đội. Các anh Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phát, Phùng Quán bị đuổi ra khỏi quân đội. Chúng tôi được giữ lại để thay thế… Và trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

Lại là duyên số…

N.H.A: Theo ông, văn chương viết về đề tài Tây Nguyên còn điều gì cần khai thác (sâu) thêm?

Nguyên Ngọc: Có lẽ trước hết nên nói viết về Tây Nguyên cần tránh điều gì? Ngoài tuyệt tác Chúng tôi ăn rừng (Nous avons mangé la forêt de la pierre-génie Gôo. Paris:  Mercure de France, 1957; bản dịch của Trần Thị Lan Anh, Phan Ngọc Hà, Trịnh Thu Hồng, Nguyễn Thu Phương; Nguyên Ngọc hiệu đính, Nxb Thế giới, 2020). Georges Condominas còn có một tác phẩm rất hay tên là Kỳ lạ từng ngày (L’exotique est quotidien. Paris: Plon, 1965). Đúng ra không nên dịch từ “exotique”, thậm chí hầu như không thể dịch. Tra Le Petit Robert là từ điển thường dẫn từ nguyên thì thấy từ này có tiền tố Hy Lạp “exo” có nghĩa là “ở bên ngoài” (en dehors). Ở bên ngoài cái gì? Đi tiếp: qui n’appartient pas aux civilisations occidentales = không thuộc các nền văn minh phương Tây, và qui provient des pays chauds et lointains = đến từ các đất nước nóng và ở xa. Vậy thì đích thị rồi, “exotique” chỉ có thể ra đời khi các quốc gia thuộc nền văn minh phương Tây thực hiện chủ nghĩa thực dân, đi chiếm thuộc địa thường ở vùng ven xích đạo, nóng và xa xôi, đến đấy họ sửng sốt nhìn thấy những thứ quá ư lạ lùng không hề có ở các xã hội gọi là văn minh của họ. Họ bèn gọi những thứ ấy, nơi ấy là “exotique”. Theo cách ấy, Tây Nguyên đúng là quá “exotique”. Từ nhà rông, nhà dài, đàn đá, đàn t’rưng khô rồi nước, cả cồng chiêng…, như chính Condominas từng nói: như những giống chim lạ sặc sỡ. Đấy là những biểu hiện ra bên ngoài của văn hóa, độc đáo, quyến rũ. Nhưng cũng tiềm tàng hiểm nguy. Bởi nếu dừng lại ở đó, mê mẩn với chừng đó, thì sẽ không đi đến được những hồn cốt đằng sau, là nền tảng của những biểu hiện ấy và bị chính vẻ sặc sỡ của những biểu hiện ấy che lấp. Cho nên “exotique” còn có nghĩa xấu, chê bai (péjoratif), chỉ thói hám lạ, thường gặp ở một số nhà dân tộc học và người cầm bút vội vã và cạn cợt. Viết về Tây Nguyên rất dễ sa vào hám lạ, hời hợt bên ngoài, vội vàng chộp lạ và khoe lạ. UNESCO đã rất tinh tế khi không dừng ở cồng chiêng, cũng không nói âm nhạc cồng chiêng, mà khẳng định Không gian văn hóa cồng chiêng mới là thực thể được công nhận di sản văn hóa thế giới, cần được tôn vinh và bảo tồn. Không gian văn hóa cồng chiêng là Rừng và Làng. Rừng mất và làng đổ xuống vì không còn quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng, thì cồng chiêng chỉ còn là xác trơ.

Vượt qua được thói hám lạ, thì sẽ đạt được “chiều sâu thêm” của Tây Nguyên.

Cũng cần nói điều này: trong gần 50 năm qua, từ sau 1975, do những tác động không thận trọng của ta mặc dầu đã được cảnh báo, Tây Nguyên đã thay đổi quá nhiều. Tôi đã có lần viết: Tây Nguyên đã vượt ngưỡng. Chẳng hạn về dân số, chỉ trong khoảng hơn 30 năm Tây Nguyên đã tăng gấp 5 lần, lại chủ yếu tăng cơ học, tức do đưa người từ nơi khác đến, khiến cơ cấu dân cư đảo lộn lớn. Hiện nay người Kinh ở Tây Nguyên đã chiếm 75 tới 80%. Những người ở nơi khác đến, theo chỗ tôi được biết, lại hầu như không được chuẩn bị chút gì về mặt tư tưởng, tâm lý, thái độ khi đến một vùng văn hóa hết sức đặc trưng như thế này.

Cho nên hỏi “cần khai thác (sâu) thêm” gì, chắc đã đến lúc trả lời: Cần viết về mối quan hệ giữa người Kinh với người dân tộc tại chỗ hiện nay, trách nhiệm của người Kinh trong mối quan hệ đó. Người dân tộc tại chỗ vốn là đa số tuyệt đối tại chỗ, đã trở nên thiểu số tuyệt đối tại chỗ, không còn là động lực phát triển chính của nơi này nữa. Nhưng nếu họ không thật sự phát triển, thì vùng chiến lược Tây Nguyên không thể ổn định. Theo tôi, người Kinh ở Tây Nguyên hiện nay cần biết trách nhiệm của mình trong sự phát triển đó.

N.H.A: Nhà văn và tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại nào viết về Tây Nguyên, theo đánh giá của ông, là đáng kể hơn cả, và vì sao?

Nguyên Ngọc: Tôi xin giới thiệu với bạn đọc một nhà văn từng và đang còn viết về Tây Nguyên rất hay: Trung Trung Đỉnh. Đây là một trường hợp may mắn hiếm hoi và hơi bất ngờ, cho văn học, cho Tây Nguyên và đề tài Tây Nguyên, cho cả chính anh ấy. Trung Trung Đỉnh quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là học sinh nhập ngũ, được đưa vào chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, trong đội hình của một binh đoàn hàng nghìn người đủ nguồn gốc và đến từ vô số hoàn cảnh khác nhau. Anh bị sốt rét, phải nằm lại ở một trạm giao liên trên đường Trường Sơn, đến khi hơi khỏi bệnh, tỉnh dậy, thì cái binh đoàn hàng nghìn người của anh đã đi tít tắp tận đâu đâu không còn ai biết. Thời ấy người ta gọi những người như anh là lính lạc ngũ. Bấy giờ các đơn vị ở chiến trường thường định kỳ cử cán bộ ra trạm đầu mối, tức trạm giao liên đầu tiên ở cửa ngõ của Khu 5, để nhận quân từ miền Bắc bổ sung vào. Ngoài quân số được nhận theo quy định, anh cán bộ ấy còn tranh thủ “vét” thêm những người lính lạc ngũ đủ loại rải rác trên các trạm dọc đường. Trung Trung Đỉnh được một anh cán bộ như vậy “vét”, hỏi “Muốn đi với tao không”, liền mừng quá xin theo ngay. Được anh ta dẫn về một nơi có cái tên rất chung chung, K8, tít tận rừng sâu, sau này mới biết tên là Kông Chơ Ro. Hóa ra là chiến khu của một đơn vị bộ đội địa phương toàn người Ba Na: Một cậu học trò Hải Phòng, lần đầu tiên ra đời và sa vào chiến tranh, đột ngột rơi tõm vào giữa một đám đông ở giữa rừng toàn người Ba Na, chỉ có người Ba Na với nhau, từ đó cùng ăn ở, đánh giặc theo kiểu Ba Na cùng với họ, tăng gia sản xuất để có cái ăn mà tồn tại cùng họ, nhanh chóng nói tiếng Ba Na y hệt như họ, vui buồn sống chết cùng họ, Ba Na hóa hoàn toàn – mà Ba Na như tôi từng được biết lại là dân tộc nghệ sĩ nhất Tây Nguyên với triết lý sống nổi tiếng: làm chỉ vừa đủ ăn thôi, còn để thời giờ và sức lực mà chơi chứ! Thậm chí Trung Trung Đỉnh còn Ba Na hơn cả người Ba Na, đến mức ngày 30 tháng 4-1975 anh đang ở trại sản xuất của đơn vị vốn thường đặt xa doanh trại để khỏi chết chùm vì bom B52, mê mẩn với rẫy, với rừng, hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra trên đất nước và chiến trường, chờ mãi không thấy người của đơn vị đến liên lạc, thử chạy về doanh trại xem sao thì chẳng thấy còn ai, hỏi quanh hàng xóm mãi mới biết Sài Gòn đã giải phóng rồi, người ta đã kéo về thành phố hết…

Nghĩ cho cùng thì một trường hợp đi lạc vào Tây Nguyên vào Ba Na giữa chiến tranh của Trung Trung Đỉnh cũng không quá lạ đến mức không thể không có thật. Điều hay là nó đã rơi vào đúng anh, đã tìm chọn rất đúng anh bằng một cuộc đi lạc đầy ngẫu nhiên nhận ra, rơi vào, khám phá và đánh thức dậy ở anh một nhà văn đúng cho Tây Nguyên, rất Tây Nguyên, rất Ba Na, cứ như anh được sinh ra cho sự thức dậy này. Trung Trung Đỉnh có một cuốn tiểu thuyết rất lạ (một cuốn tiểu thuyết hay, tất nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, rất lạ) tên là Lạc rừng: Một nhóm người Ba Na lang thang và đánh Mỹ, cõng theo một ông già, bởi vì họ là một nhóm lang thang và một cộng đồng Ba Na dù rất nhỏ và đang đánh nhau thì không thể không có một ông già làm linh hồn kết nối, họ thay nhau cõng ông, nuôi ông bằng cách các cô gái thay nhau cho ông bú. Cho đến khi bắt được một tên tù binh Mỹ, họ bèn giao cho nó cõng ông già, cứ thế mà vừa đi vừa đánh… Chưa ai tả chiến tranh nhân dân ở Tây Nguyên theo kiểu này, nhưng vậy đó, văn học không phải là lý luận quân sự. Và Lạc rừng không chỉ nói về chiến tranh ở Tây Nguyên, nó là tiểu thuyết về Tây Nguyên, về Ba Na. Tây Nguyên chùng chình giữa truyền thống và hiện đại hóa. Thậm chí Tây Nguyên hiện đại hóa – đương nhiên tất yếu – theo cách của nó…

Vẫn mong có một nhà điện ảnh thật tài, lại rất hiểu và yêu Tây Nguyên để làm một bộ phim theo cuốn tiểu thuyết đặc sắc và rất lạ này. Có thể kết hợp với Đêm nguyệt thực, một truyện ngắn cũng rất hay của Trung Trung Đỉnh.

N.H.A: Không chỉ sống cùng, sống với Tây Nguyên, sau này ông cũng đọc và dịch nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về vùng đất này…

Nguyên Ngọc: Một chị bạn quan tâm về Tây Nguyên nói với tôi: muốn nghiên cứu Tây Nguyên, một trong những điều kiện cần thiết là nên rành tiếng Pháp. May quá, tôi được học tiếng Pháp từ bé, và sau đó không bỏ. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX người Pháp đã vào Tây Nguyên một cách rất bài bản, và trong hơn một thế kỷ đã nghiên cứu Tây Nguyên rất sâu sắc, bằng các chuyên gia tâm huyết, lại được đào tạo nghiêm túc.

Đầu tiên là các đoàn thám hiểm khảo sát. Ở trên tôi đã nhắc đến Henri Maître và tác phẩm đặc sắc Rú Mọi của ông. Được xuất bản năm 1912, đến nay, hơn 100 năm sau, chưa có khảo sát toàn bộ Tây Nguyên nào vượt qua được nó. Ngoài Rú Mọi, Maître còn được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp về tập bản đồ Tây Nguyên. Ông cũng là người đầu tiên xác định được các tộc người Tây Nguyên dựa theo ngôn ngữ… Xin nói thêm: ông là một nhân viên trung cấp bình thường được cử đi chuẩn bị thực địa.

Song song với các nhà thám hiểm là các nhà truyền giáo. Bị triều đình Huế ráo riết truy sát, họ tìm đường tránh lên Tây Nguyên, sau nhiều nỗ lực thất bại, cuối cùng đến được vùng người Ba Na ở Kontum, lập nên xứ đạo Kontum, đến nay vẫn là xứ đạo Công giáo lớn nhất ở Tây Nguyên. Các giáo sĩ, như Guerlach, Dourrisboure… viết về hành trình truyền giáo của họ, qua đó cùng lúc hình thành những hồ sơ dân tộc học nghiêm chỉnh, chặt chẽ khoa học, tỉ mỉ và sinh động về các tộc người tại chỗ, Ba Na, Rơ Măm, Xơ Đăng…

Sau đó là các nhà cai trị. Họ được đào tạo rất vững chắc về nhân học, dân tộc học, có thể thấy người Pháp đã chủ ý bố trí ở miền đất đặc biệt này những nhà cai trị là nhà văn hóa. Như Léopold Sabatier với Đak Lak. Ở Kontum thì có Paul Guilleminet, người đã góp phần rất cơ bản trong nghiên cứu sâu về Ba Na.

Cuối cùng mới đến các nhà khoa học thực thụ. Một lực lượng chuyên nghiệp toàn diện và thật sự hùng mạnh. Vừa gồm những tác giả chuyên sâu về từng tộc người, từng chuyên ngành, Anne Hauteclocque-Howe về Ê Đê, Maurice về M’nông, Georges Condominas về M’nông Gar, Jean Boulbet về Mạ, Jacques Dournes về Stiêng và Jarai, Antomarchi về ngôn ngữ học, Jouin về y tế dân tộc học…, vừa đề cập tới những vấn đề nhân học hay dân tộc học, lịch sử và xã hội khái quát và có tính cách lý thuyết. Như bên cạnh tuyệt tác Chúng tôi ăn rừng, Condominas còn có tác phẩm lý thuyết rất quan trọng Không gian xã hội vùng Đông Nam Á (L’Espace social. A propos de l’Asie du Sud-Est. Paris: Flammarion, 1980; Thanh Hằng, Ngọc Hà dịch, Hồ Hải Thụy hiệu đính, Nxb Văn hóa, 1997), Jacques Dournes thì có công trình dày dặn, công phu và uyên bác Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương (Pötao: une théorie du pouvoir chez les Indochinois jöraï. Paris: Flammarion, 1977; Nguyên Ngọc dịch, Nxb Tri thức, 2013)…

Quả thật đấy là may mắn lớn cho Tây Nguyên, cho chúng ta. Muốn nói gì thì nói, người Pháp đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ và vô giá, để mà hiểu cho đúng, cho thấu đáo Tây Nguyên của mình, đất nước và con người. Và cho tôi nói điều này: trong hiểu biết, như bao giờ cũng vậy, sẽ nhận ra được cả những cảnh báo, thậm chí cảnh báo nghiêm khắc cho sống còn. Yêu nước, yêu Tây Nguyên thì phải biết tận dụng gia tài ấy. Trước hết bằng cách dịch nó ra tiếng Việt, cho người Việt, người lãnh đạo chung và tại chỗ, người cai trị ở tất cả các cấp, và mấy triệu người Kinh nay đang sống cùng người bản địa Tây Nguyên.

Do tình thế chung, cả do thói bạc bẽo của chúng ta nữa, khi người Pháp đi, thì tiếng Pháp ở ta cũng đi theo họ. Tôi hoàn toàn có ý thức về việc dành ra một phần thời gian và sức lực đáng kể trong đời sống và sự nghiệp của mình để góp phần tự mình chuyển ngữ, và tham gia tổ chức việc chuyển ngữ cái gia tài quý báu đó (bao gồm cả hiệu đính các bản sách chuyển ngữ, một công việc ai từng làm đều có thể biết, làm nghiêm túc thì còn tốn sức và nhọc nhằn hơn cả tự mình dịch).

Cũng phải nói, làm công việc đó cũng là cho chính tôi. Để tự mình cắt nghĩa cho chính mình, hiểu cho thấu chính cái vốn mình đã may mắn được sống bao nhiêu năm. Và nôm na, để có thể viết được đậm đà về “Các bạn tôi ở trên ấy”.

N.H.A: Và cuối cùng, điều gì ở rừng Tây Nguyên khiến ông bị lôi cuốn nhất, lôi cuốn đến mức “quá chút nữa thì không còn cưỡng lại nổi” như ông viết trong Các bạn tôi ở trên ấy?

Nguyên Ngọc: Trong tác phẩm Rừng, Đàn bà, Điên loạn (Forêt, femme, folie : une traversée de l’imaginaire jörai. Paris : Aubier-Montaigne, 1978; bản dịch của Nguyên Ngọc, Nxb Hội Nhà văn, 2006), Jacques Dournes viết một câu rất lạ: “Người Jarai không thể sống thiếu rừng, nhưng người Jarai cũng sợ quá nhiều rừng”. “Không thể thiếu rừng”, có thể hiểu được rồi (dù lại hay quên). Nhưng còn “rất sợ quá nhiều rừng”, tại sao?

Dournes từng sống ở Tây Nguyên trước sau 23 năm, trong đó liên tục 15 năm ở vùng Jarai. Tác phẩm này viết về người Jarai, song đúng ra câu nói trên của ông cũng là về người Tây Nguyên nói chung. Và về nhân sinh quan, thậm chí vũ trụ quan Jarai, Tây Nguyên. Về mối quan hệ Người với Rừng, Xã hội với Tự nhiên. Về cách Tây Nguyên xử lý mối quan hệ căn bản và quan trọng nhất này, cũng là mối quan hệ căn bản và quan trọng nhất của nhân loại. Ở Tây Nguyên, Tự nhiên tức là Rừng. Trước khi có Người, thì chỉ có Rừng, tức Tự nhiên, chỉ có Hoang dã. Muốn thành Người, thành Xã hội, thành Văn hóa, phải tách mình ra khỏi Tự nhiên, khỏi Rừng, khỏi Hoang dã đó. Chính ở đây thành vấn đề: Tách ra thế nào đây? Tách ra luôn chăng? Tách hẳn, tách luôn, biền biệt, thì sẽ rơi vào khô khốc, cạn kiệt, cằn cỗi, như thế giới ngày nay đã cho thấy và báo động. Cách của Tây Nguyên là tách ra mà không tách hẳn, không tách luôn, không cắt đứt, tách ra mà vẫn còn dính vào, vẫn còn bắt rễ, nhúng rễ ở trong ấy, cũng có thể nói là tách tạm thôi. Cuộc đời là “cõi tạm” mà lại! Và ở Tây Nguyên có tục “bỏ mả”, người chết rồi chỉ được chôn tạm, chờ làm một nhà mồ thật đẹp trên ngôi mả tạm ấy (chính trong dịp này Tây Nguyên phô trương nghệ thuật tượng gỗ nhà mồ nổi tiếng của mình), rồi người ta làm lễ bỏ mả, lễ hội lớn nhất, rộn rã và vui nhất của Tây Nguyên, thường huy động cả một vùng, diễn ra vào mùa xuân, cũng là mùa Ninh Nông, mùa nông nhàn,… từ đó bỏ hẳn ngôi mộ ấy (cùng với những pho tượng gỗ tuyệt vời của nó) cho tàn phai với mưa nắng và thời gian. Con Người từ Rừng đi ra nay đã được trả lại cho Rừng. Trịnh Công Sơn hát: “… rồi một mai ta trở về cát bụi”. Người Tây Nguyên: “…là rừng ta trở lại về rừng!”…

Vậy đó, rừng đối với con người Tây Nguyên, rừng nguyên thủy ở đầu này, ngọn nguồn từ đó con người đi ra, rừng cũng lại hun hút ở đầu kia, nơi con người trở về.

Cũng vậy đó, định nghĩa con người Tây Nguyên. Đấy là con người vừa dám tách mình ra khỏi Hoang dã, lại vừa biết và dám tự để mình còn dính, còn nhùng nhằng, còn gần với Nó, luôn bị Nó níu kéo, luôn có nguy cơ rơi trở lại vào trong ấy, rơi trở lại vào Hoang dã, đến mất mình. Đấy là triết học Tây Nguyên, cốt lõi của Văn hóa Tây Nguyên. Một thế chông chênh bền vững, một thế bền vững chông chênh. Người Tây Nguyên là người biết sống bền vững một cách chông chênh, luôn bị níu kéo ở hai đầu.

Mà nghĩ cho cùng, Văn hóa thật thì bao giờ cũng vậy, không bao giờ chỉ một bề.

Jacques Dournes viết: Sức níu kéo ấy ám ảnh đến cả các nhà bác học nghiên cứu thực vật đi qua rừng.

Huống nữa là tôi.

Hội An, 9/3/2023

Comments are closed.